11 April 2011

VÌ SAO


LUẬT SƯ CÙ HUY HÀ VŨ KIỆN NGUYỄN TẤN DŨNG?

CTT

Trong tất cả các sự kiện chính trị nổi bật tại Việt Nam năm 2009, có lẽ vụ Luật Sư Cù Huy Hà Vũ làm đơn kiện Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là sự việc đem lại nhiều ngạc nhiên nhất, và mang tính chất quan trọng nhất. So sánh với các việc Dân Oan khiếu kiện, Công An đến xúc Dân Oan và tống trở về quê, Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ xin xỏ thất bại rồi sang Tầu, nhận lệnh của đàn anh để về nước lột lon một loạt năm viên tướng chỉ huy tại quân khu trọng yếu nhất của chế độ vì nghi ngờ họ “chống Tầu”, hay vụ nhà nước ăn cướp đất đai của Tam Tòa và Thái Hà … thì vụ một Luật Sư dám kiện người lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà Nước có tính chất rộng lớn hơn, và mạnh mẽ hơn. Nhiều bài báo đã phân tích vấn đề này với sự phân rẽ rất rõ rệt. Một số cho rằng người Luật Sư công chính mang trái tim can đảm này đã hiên ngang thay mặt cho 80 triệu người Việt Nam để tẩy lại lịch sử đã bị bôi đen vì chế độ. Một số khác lại cho rằng Luật Sư Hà Vũ là miếng mồi mà chế độ đưa ra để nhử các nhà đấu tranh khác lộ diện.

Đến đầu năm 2011, vụ xử án Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù làm cho cả thế giới phẫn nộ. Từ Hoa Kỳ sang Âu Châu, đâu đâu cũng lên án chế độ Cộng Sản này như một nhóm người mọi rợ chỉ có vũ khí mà không nhân tình.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề mang tính cách lạ lùng và mới mẻ này, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Khối 8406, tôi xin trình bày lại cuộc phỏng vấn Luật Sư Cù Huy Hà Vũ được thực hiện trước khi Cù Huy Hà Vũ bị bắt.

Với giọng nói mạnh mẽ và lưu loát, Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã trả lời người viết bài này một cách rất nhiệt tình.

Để trả lời câu hỏi về dư luận hải ngoại đang xôn xao về sự kiện anh làm đơn kiện chính Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vi phạm luật pháp khi ký giấy cho phép Trung Cộng được khai thác Bâu xít ở Tây Nguyên, anh cho biết là vào ngày 16 tháng 6 năm 2009, anh đã đâm đơn kiện Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng ra tòa án Hà Nội khi Nguyễn Tấn Dũng với vai trò Thủ Tướng ra quyết định trái pháp luật cho phép Trung Quốc được thăm dò, khai thác, và chế biến Bâu Xít tại Tây Nguyên và các vùng khác. Sở dĩ anh làm việc này là vì chính quyền Việt Nam nói chung và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói riêng đã làm việc hoàn toàn khuất tất. Cụ thể là chưa bao giờ báo cáo với Quốc Hội mặc dù đã có quyết định từ năm 2004. Việc làm của Nguyễn Tấn Dũng đã gây ra nhiều hậu quả vô cùng xúc động, tai hại cho đất nước. Trước hết, là dẫn đến sự có mặt đông đảo của người Trung quốc tại Việt Nam một cách không kiểm soát, dẫn đến khả năng xâm lược của người nước ngoài, đặc biệt là dẫn đến việc ngoại bang chiếm mất nóc nhà Tây Nguyên. Từ thời Pháp, đã có câu: “Ai chiếm được Tây Nguyên, sẽ làm chủ cả Việt Nam”. Vậy mà Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 167 để cho hàng chục ngàn người Trung Hoa tràn vào Tây Nguyên bất chấp hàng ngàn nhân sĩ yêu nước đã ký kiến nghị phản đối. Trang mạng Bô xít Việt Nam, tiếng nói mới trong chính trường xã hội Việt Nam, đã nêu lên thực trạng đáng phẫn nộ về vấn đề này.

Theo Luật sư Cù Huy Hà Vũ, đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam đã quá phẫn nộ, tập hợp cả hàng nghìn người phản đối chính phủ, Nhà Nước, và Đảng trong việc sai trái này. Ngoài ra còn có ba lá tâm thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, một công thần của chế độ, cũng kiến nghị phải hủy bỏ việc khai thác bô xít này.

Anh cũng cho biết là sau khi các kiến nghị được gửi đi, cả Quốc Hội, Đảng, và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ ngoài tai, không thèm để ý. Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi đã gửi thư thống thiết yêu cầu chấm dứt việc khai thác bô xít nhưng Quốc Hội, Đảng và Thủ Tướng cũng không thèm trả lời, không thèm đọc, không thèm để ý đến tất cả mọi kiến nghị. Đây là một sự xỉ nhục không phải chỉ với Quốc Hội, mà còn là sự xỉ nhục với nhân dân, với lòng yêu nước của nhân dân. Vì thế, để đối phó với thái độ khinh mạn nhân dân này, anh phải đứng ra tự làm đại diện cho hàng chục triệu người Việt Nam trước nguy cơ mất nước, tác hại đến đời sống dân chúng ở Tây Nguyên, nơi mà Đảng vẫn nói là phải lo chăm sóc cho đời sống nhân dân được ấm no. Từ trước, anh vẫn nghĩ Đảng và Nhà Nước làm việc vì quyền lợi của dân tộc, tưởng rằng họ vẫn lo cho nhân dân, nhưng trước thái độ bất chấp và đầy khinh bỉ với trí thức của Đảng, anh biết rằng không phải thế, nên anh quyết định phải dùng trình độ tư pháp để khởi kiện buộc Thủ Tướng phải ra quyết định chấm dứt việc khai thác bô xít này.

Để trả lời câu hỏi về những nguyên nhân khác khiến anh kiện Thủ Tướng, anh cho biết ngoài nguy cơ mất nước, còn nguy cơ môi trường bị hủy hoại, và phá hoại bản sắc dân tộc. Người Tây Nguyên vẫn sống hiền hòa tại đây từ trăm ngàn năm, nay phải di dời để sống trong những khu tập trung, thì sẽ mất hết bản sắc riêng của họ. Cho nên, anh đã dựa vào Hiến pháp để khởi kiện Thủ Tướng. Đầu tiên, anh khẳng định việc khai thác bô xít vi phạm nghiêm trọng luật môi trường. Khi khai thác bô xít, họ đã bất chấp mọi nguyên tắc căn bản, không hề có đánh giá môi trường chiến lược mà cho tập đoàn kinh tế gián điệp kia khai thác không giới hạn. Việc khai thác này lại chỉ gắn liền với lợi ích cá nhân của một số Đảng Viên mà thôi, trái với quy định về quốc phòng, và không hề nhắc nhở đến ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Thứ hai, đe dọa đến đời sống của các người bộ tộc. Theo luật di sản văn hóa, những người Tây Nguyên không thể bị xua đuổi như những loài sinh vật. Tóm lại, quyết định của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là hoàn toàn sai phạm, phải xét lại, và phải cân bằng môi trường và bản sắc dân tộc trước khi quyết định.

Với câu hỏi về thái độ của nhà cầm quyền đối với anh sau khi anh gửi đơn thưa kiện đi, anh cho hay là sau khi đâm đơn kiện Thủ Tướng, một hành vi tư pháp chưa từng xẩy ra, những người lãnh đạo Đảng và Việt Nam cho rằng đây là một hành động thách thức chính quyền. Cô Phạm Đoan Trang, một nhà báo, đã viết một bài liên hệ đến vụ việc này liền bị cơ quan anh ninh bắt giữ. Anh phải can thiệp hết sức mình, yêu cầu trả tự do cho cô Phạm Đoan Trang ngay lập tức vì cô không phạm tội gì cả. Sau đó, cách đây 10 ngày, anh đã gặp cô và nhà giáo Phạm Toàn, (ông này sau đó cũng bị cơ quan an ninh xét hỏi), cô Đoan Trang đã cho anh biết là cơ quan an ninh cho rằng việc anh kiện Thủ Tướng là việc vô cùng, vô cùng nguy hiểm cho chế độ, cho rằng đó là hành vi thử thách quyền lực chính quyền, hành vi xâm phạm an ninh nguy hiểm nhất. Anh nói: “Người ta cho rằng tôi quả là lấy bàn tay che mặt trời của Đảng”. Sau khi nhận đơn, tòa án Hà Nội trả lại đơn, nói không có thẩm quyền. Anh đưa lên Tòa Án tối cao, cũng không nhận giải quyết, nói rằng không có quy định nào cho phép kiện Thủ Tướng. Anh nói rằng Hiến Pháp đã cho phép như thế. Anh là một công dân, anh kiện công dân Nguyễn Tấn Dũng vi phạm pháp luật. Anh sẽ không kiện Nguyễn Tấn Dũng nếu Nguyễn Tấn Dũng không phải công dân Việt Nam và sống ở nước ngoài. Trường hợp Nguyễn Tấn Dũng không phải là công dân và sống ở nước ngoài, thì vụ kiện của anh mới trở thành ngớ ngẩn. Nếu tòa án tối cao mà cũng không dám thụ lý thì anh đề nghị nên xé Hiến Pháp đi, bỏ điều 52 đi, đừng giữ Hiến pháp làm gì nữa.

Để trả lời cho câu hỏi có sự trả thù từ phía nhà cầm quyền ảnh hưởng đến đời sống riêng anh không, anh nói:

“Tôi nghĩ là có sự trả thù. Hôm trước đây, chính Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch phường dẫn dân phòng đến phá nhà tôi, đập tường tôi. Tôi có hỏi lệnh của ai, thì họ cho biết là lệnh của Thủ Tướng. Có phải là trả thù không ư? Tôi nghĩ là chính Thủ Tướng đã trả thù.”

Luật Sư Cù Huy Hà Vũ còn nói thêm rằng bên cạnh các sự kiện nguy hiểm đến tiền đồ đất nước như anh vừa trình bầy ở trên, thời gian vừa qua, ở Biển Đông, dân ta bị cướp triền miên. Ngoài Hoàng Sa, Trường Sa đã dâng cho Trung Cộng, ngư dân ta còn bị cướp tầu, cưới cá, bị đánh, và bắt giam, đòi tiền chuộc mạng. Anh cũng đã kiện nhà nước về việc quy định bắt ngư dân phải tự trang bị vũ khí để bảo vệ mình. Thật là vô lý, khi còn quân đội, mà lại bắt dân chúng phải tự cứu lấy mình. Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ sự hèn yếu của mình trước sự lấn lướt của Trung Quốc. Anh khẳng định chính Nguyễn Tấn Dũng là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Về tương lai dân tộc, anh tâm sự:

-Ngày 18 tháng 1, tôi đã viết một bài tham luận và đã trả lời đài BBC, khẳng định Đa Nguyên Đa Đảng là hợp pháp. Đó là một quyền lợi hoàn toàn xác đáng vì lợi ích của nhân dân Việt Nam.”

Để kết luận câu chuyện, anh nói với một giọng mạnh mẽ rằng:

-Đảng và Nhà Nước có hèn, Nguyễn Tấn Dũng có hèn, nhưng Dân Tộc Việt Nam không bao giờ hèn!

Chu Tất Tiến.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...