12 April 2011

Có mà trời cứu

Chảy Máu  Đô-la

Tin tức cho biết chế độ kinh tế "không giống ai" của CS Việt Nam đang gặp những khó khăn rất lớn mà cấp bách nhất là có nguy cơ không trả nợ được vì thiếu hụt ngoại tệ. Từ lo lắng đó Hà Nội đâm ra hoảng hốt gửi bộ trưởng tài chánh Vũ Văn Ninh sang Hoa Kỳ cầu cứu. Ở trong nước thì chóp bu chuyên viên nửa vời vừa học kinh tế Sô Viết trước kia vừa tập tễnh học hỏi các lý thuyết thị trường tự do đang đề xuất những biện pháp cho là cần thiết để thu mua ngoại tệ hiện lưu hành trong các ngõ ngách khắp nước và nhằm ngăn chận việc ngoại tệ chảy ra nước ngoài.

Cứ mỗi lần gặp khó khăn là nhóm cầm quyền cộng sản lại thò bàn tay sắt đã từng dùng đề bóp chết kẻ thù của đảng trưóc kia ra để nắm lại thế chủ động kể cả trong lãnh vực tài chánh kinh tế. Nhóm cầm quyền độc đảng cho rằng đó là biện pháp luôn luôn hiệu quả và người dân thì lại nghĩ rằng à thì ra kinh tế thị trường có điều hướng là như vậy.

Những thành quả do nền kinh tế thị trường đem lại rất ngoạn mục, thấy mà ham. Nhưng khi theo nó mà không tuân theo quy luật của nó và tin rằng thị trường  có khả năng tự điều chỉnh  để tái lập thăng bằng  thì chỉ làm mất lòng tin và thời gian sẽ kéo dài không biết đến bao giờ mới thật sự đạt được cơ chế thị trường tự do ở mức cao nhất.

Nhân mò mẫm thăm viếng những Web sites khác, tôi đọc được những dòng phản hồi do độc giả bầy tỏ cảm nghĩ đăng dưới một tường trình về kinh tế VN:
"Có một thực tế là ở Campuchia không ai bàn đến chuyện chống đô-la hoá nền kinh tế. Vậy nhưng tỷ giá giữa đồng USD và đồng riêl (CPC) gần như không hề thay đổi từ năm 1993 đến nay: 1USD= 4000riêl. Mội người có thể ra chợ mua rau bằng từng đồng USD lẻ, nhưng không hề có ai chê đồng riêl. Nghĩa là đồng USD và đồng riêl được chấp nhận như nhau. Cái lợi là không ai phải đau đầu nghĩ mọi cách để chống lại nguy cơ hoá đồng đô-la, Không phải tốn một đồng xu nào của Nhà nước để chi cho các biện pháp chống lại đô-la hoá nền kinh tế, báo chí cũng không hề tốn giấy mực và thời gian để bàn luận về vấn đề này. Vậy mà giá trị đồng riêl của CPC vẫn không hề mất giá và người dân cho đến các doanh nghiệp CPC không có ai chê đồng riêl của mình. Việc toàn cầu hoá và hội nhập thì việc thị trường chấp nhận đồng tiền của nhau có lẽ là điều đương nhiên thôi và thị trường tự điều tiết sẽ vô cùng công bằng và vô tư (có lẽ phải như vậy?). Và có lẽ vì vậy một nền kinh tế chưa phát triển như ở CPC mà đồng USD vẫn không "bắt nạt" được đồng riêl và đồng riêl vẫn hiên ngang sánh vai đồng USD mà không hề lo ngại là đồng riêl lép vế. Vậy tại sao ta phải dùng ý chí chủ quan để can tiệp? và một khi chủ quan, không tôn trọng qui luật thị trường thì có theo ý muốn được không? Nhờ moi người giải thích giúp cho tôi hiểu." (Kh.Can, Viet Net)
Nếu tham nhũng không khống chế được, cường hào ác bá kiểu mới không diệt trừ được  vì  đụng  chạm quyền lợi  - không ai tự làm luật xiềng xích chân tay mình., thì tình trạng "đô-la chảy máu" hiện nay  cũng không giải quyết được vì nó có cùng một trở ngại nội tại. 

Tin tức những ngày qua từ sở di trú Úc cho hay những đợt di dân theo diện kinh tế từ Việt Nam và Hoa Lục đột ngột tăng lên. Người muốn nhập cư theo diện này cần tới nửa triệu đô-la ký thác và suy đoán rằng những người di dân giầu có như thế còn đem theo những món ngoại tệ lớn khác nữa.

Có lẽ ngoại tệ "chảy máu" ra nước ngoài theo kiểu này mới đáng sợ. Đáng sợ hơn nữa là sẽ chẳng có một biên pháp nào hữu hiệu, họa chăng chỉ có những biện pháp từ trời đưa xuống mới dẹp được.

Điền Thảo

No comments:

Post a Comment