Thằng Búa
* NGUYỄN SĨ NAM
Thằng Búa! Tất cả tù nhân lớn bé trước sau gì ở cái nhà tù vượt biên ở Vũng Tàu đều phải biết đến thằng Búa. Người nào không biết đến cái thằng tù nhân “ốc tiêu” này đều không xứng đáng gọi là tù nhân.
Thằng Búa có cái đầu tròn quay, to như quả mít, tóc mọc lởm chởm, thưa thớt như một ngọn đồi trọc khô nước. Cái đầu nó thật to muốn lấn át cả cái thân gầy xọm của nó. Ai nhìn vào nó phải thấy ngay cái đầu nó trước nhất, rồi mới đến bộ xương sườn gầy guộc ỏng bụng, kế đến mới tới đôi chân khẳng khiu như hai cây sậy. Thế mà nó cũng có thể bước đi vững vàng, chạy nhảy thoăn thoắt như con chim sẻ vậy. Trông thân hình nó chẳng khác nào một cái búa. Có lẽ vì thế mà người ta đặt tên cho nó là thằng Búa chăng, hay tại Mẹ nó đã khéo đặt tên cho nó? Chẳng ai hay biết chuyện này cả.
Ngày đầu tiên bị tống vô phòng biệt giam ẩm mốc, những tù nhân khác chen lấn hai bên ép tôi đến chảy nước ra. Lúc này tôi lại đâm ra thù mấy ông tù nhân bên cạnh. Trong lúc nóng giận không dằn lòng được, tôi tung cánh chỏ bên trái thụi đại một phát cho đỡ tức, tức thì có một giọng nói sặc mùi oắt con lên tiếng cảnh cáo:
- Cẩn thận nghe cha! Mới vô mà làm tàng, ông cho một búa đi đời nhà ma bây giờ!
Tôi giật mình thầm nghĩ, quái lạ tại sao giữa chốn gió tanh mưa máu này lại có một thằng nhỏ, mà cái giọng thằng nhỏ chứng tỏ nó không phải là một tay vừa. Tôi cố nuốt nước miếng dằn bụng cho đỡ nhục trong khi cái cổ khô ran không có một giọt nước. Tôi nhận thấy tình hình nơi đây không phải là chốn bình thường nữa rồi. Căn phòng nóng ran như cái lò thiêu. Mồ hôi thiên hạ nhễ nhại trào ra hòa lẫn với mồ hôi của tôi cũng vã ra như tắm bốc lên một mùi khét lẹt đến lợm giọng. Tôi cố chờ một lát cho con mắt làm quen được với bóng tối căn phòng để nhìn cho rõ mặt thằng oắt con nào hỗn xược. Thời gian chờ đợi này cũng hơi lâu. Bỗng có tiếng xì xầm ở góc tối bên kia:
- Rồi! Lại cảnh ma cũ bắt nạt ma mới nữa rồi!
- Bắt nạt cái gì mà bắt nạt! Hắn mới vô mà dám tung cùi chỏ thụi vô ba sườn tui một phát, mấy bồ chịu được không?
- Cảnh cáo là may đó! Lại tiếng thằng oắt con vang lên.
Tôi biết mình có lỗi nên nín thinh. Đêm đó tôi cố tìm giấc ngủ nhưng không thể nào chợp mắt được. Cảnh tù nhân chen chúc nhau trong căn phòng nhỏ này như nêm cá hộp. Tôi hình dung khung cảnh nơi đây chẳng khác nào cảnh ở địa ngục A tì. Tôi cảm thấy mình nhuốm bệnh và bắt đầu lên cơn sốt dữ dội. Bên ngoài trời đêm đã xuống tự bao giờ. Thỉnh thoảng có tiếng phèng la ở ngoài vọng gác báo động như tiếng cú gọi hồn.
Suốt một đêm nằm rũ liệt, toàn thân bị ê ẩm như đã chịu đựng trăm ngàn vết roi, tôi cố nhướng con mắt dậy để tìm chút ánh sáng thì gặp ngay gương mặt thằng oắt con to chành vạnh, nhoẻn miệng cười phô bày cái nướu răng ra, chỉ còn vài cái răng mọc không đều làm kiểng, trông nó dị hợm hết sức. Nó cúi đầu sát vào mặt tôi giọng trìu mến:
- Sao, anh ngủ được không?
Cơn giận đêm qua vẫn còn nặng trĩu trong lòng tôi nên tôi chẳng buồn trả lời nó. Thêm nữa, cái đầu nóng như thiêu như đốt, cải cổ khô ran, con mắt cứ muốn sụp xuống như đang đeo quả tạ nghìn cân, tôi đâu còn hơi để mà trả lời.
- Sao, anh còn nóng không? Đêm hồi hôm em phải xức dầu cho anh đó. Nếu không chắc toi mạng rồi!
Quái lạ! Cái miệng nó nói thật khó ngửi, có lẽ nó chưa súc miệng nhưng sao lời lẽ có vẻ thâm tình quá vậy? Lúc bây giờ tôi mới nhận ra là có mùi dầu “cù là” phảng phất trên thân mình. Tôi thầm cảm ơn nó. Nó không có vẻ gì giống cái thằng đêm hồi hôm dọa nạt tôi:
- Đỡ đỡ rồi em. Cám ơn em.
Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ nó. Trong cái xôn xao náo động của một buổi sáng thức dậy trong tù, đám tù nhân bắt đầu nhao nhao như ong vỡ tổ. Mặc dù không nhúc nhích được một tấc nhưng mọi người đều cố tìm cách làm cho mình có một tư thế thoải mái được càng nhiều càng tốt. Trong lúc đó mùi phân trong cái thùng thiếc đặt ở một góc mà thiên hạ đang “đi” bay tỏa đều đặn khắp phòng khiến tôi phải bịt mũi liên tục. Đám tù nhân cũ trong phòng nhìn tôi cười sằng sặc như chế diễu…
Bỗng có tiếng lách cách như mở cửa, rồi một thằng cai tù ốm nhỏ cặp kè khẩu AK trên tay tiến vào, một thằng khác đứng canh ở bên ngoài. Thằng bên trong tiến lại mở cùm chân cho thằng oắt con bên cạnh tôi rồi ra lệnh trọ trẹ:
- Dậy đi lấy nước mày. Số còn lại ngồi im nghe chưa?
Thằng nhỏ trần trùi trụi đầy ghẻ lở khắp mình đứng phóc dậy một cách quen thuộc. Nó chỉ mặc có một cái quần đùi rách đít. Chờ cho thằng cai tù bước ra ngoài, nó kề miệng vào sát tai tôi nói nhỏ:
- Để em đi lấy nước sôi cho anh rửa mặt!
Nói xong nó phóng theo thằng cai tù để nhập với đám tù khác đi khiêng nước. Tôi lật đật xí chổ trống còn lại của nó để ngã cái lưng xuống nằm một tí cho khỏe. Lúc đó tôi mới để ý thấy có một ông già nằm bên cạnh nó, đêm qua hai người nói chuyện có vẻ tương đắc lắm, ý chừng hai cha con, tôi nghĩ vậy. Ông già nhìn tôi mỉm cười làm quen. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nhỏm dậy chào ông già:
- Con của Bác đó hả?
- Con với cái gì. Nó ở tù còn lâu hơn cái thân gìa này nữa, có điều thấy nó tội nghiệp nên già cũng nhận đại nó làm con cho đỡ buồn. Ông già nói xong, tìm cái mủng dừa còn sạch chia cho tôi một nhúm trà khô để có tí nhâm nhi buổi sáng.
Trong khi chờ thằng oắt con trở lại, tôi tò mò hỏi ông già lý do tại sao nó có mặt nơi đây, ông già buông một câu gọn lỏn:
- Nó giết người!
- Trời ơi! Nó giết người!???
Tôi há mồm thật to ngạc nhiên hỏi.
- Ừ! Thiệt chớ giỡn sao!
Lúc đó không ai bảo ai, bọn tù nhân đều quay về phía ông già như chờ đợi những tin sốt dẻo khác nhưng ông vẫn lặng thinh sờ vào mông gãi soàn soạt. Khi đó tôi mới có dịp nhìn tấm thân trần trụi của ông già đúng là một tấm bia ghẻ. Ghẻ mọc từ trên đầu xuống tới chân lộ ra một màu tím thẩm pha lẫn màu máu khô, mủ vàng xì ra ướt nhẹp. Thiên hạ vẫn không để ý đến chuyện đó mà vẫn tiếp tục hỏi ông già về chuyện giết người của thằng nhỏ nhưng ông già lắc đầu trả lời:
- Ai muốn biết cứ hỏi nó!
Bấy giờ, tôi không còn tin miệng lưỡi của thằng nhỏ nữa rồi. Nếu tôi đoán không nhầm thì nó trạc chừng 11 hay 12 tuổi là cùng, miệng còn hôi sữa làm sao nó có thể giết người được? Nhưng chẳng lẽ ông già nói xạo, kết án hàm hồ một thằng nhỏ mà ông đã coi nó như con. Còn nếu nó giết người thật thì nó giết ai? Bao nhiêu câu hỏi cứ quay vòng vòng như vụ trong đầu tôi càng khiến tôi mất tin tưởng ở thằng nhỏ. Có lẽ nó là một thằng cực kỳ nguy hiểm không chừng. Tôi nhớ lại lời dọa nạt của nó hồi hôm mà ớn lạnh. Trong khi đó, ở một góc tối của phòng giam, mấy người nào đó xì sầm cho là ông già nói xạo!
Bỗng có tiếng xôn xao ở bên ngoài, thì ra bọn tù khiêng nước nóng đã về. Tôi cũng đoán chừng vậy thôi vì nghe tiếng lanh canh của cái thùng chớ chẳng có chỗ trống nào để mà thấy. Chỉ có một cái lỗ nhỏ như lỗ tò vò thì đã bị thiên hạ dành mất chỗ thở rồi. Tôi cứ nghĩ là mình bất ngờ chết quách một cái là xong, khỏi phải nghĩ ngợi lung tung vô ích. Còn ông già như đã quen với bầu không khí này rồi nên bắt đầu lục trong giỏ xách ra một cái muỗng nhỏ và một gói đường đen như cứt ngựa, sau đó ông bốc một nhúm nhỏ chia cho tôi.
Cuối cùng thằng oắt con cũng chui được vô phòng với một lon ghi-gô đựng nước sôi, vừa đi vừa hô “nước sôi, nước sôi” khiến mọi người tìm cách dạt ra một bên cho nó đi. Cái miệng nó chu ra thổi phù phù cho nước nguội bớt trông thật vô duyên hết sức. Lúc đó thằng cai tù bắt đầu cho từng tù nhân ra ngoài lấy nước rửa mặt, tôi để ý thấy chẳng có người nào nhỏ như nó. Một già, một trẻ, một trung niên là tôi giống như ba cha con ngồi xúm lại một góc nhâm nhi uống nước trà trông có vẻ đế vương hơn những tù nhân khác. Thằng oắt con luôn luôn o bế tôi khiến tôi thấy đỡ cô đơn đôi chút.
Chợt một hồi kẻng dài vang lên, ông già cho biết đã đến giờ lao động. Ông chỉ tay vào góc phòng, nơi “tọa lạc” của cái thùng thiếc đầy phân của đám tù nhân khốn khổ lúc nào cũng sẵn sàng tỏa ra một mùi hôi thối không chịu được như ngầm ám chỉ đó là công tác “xã hội chủ nghĩa” đầu tiên. Đám tù nhân cũ cử ra hai người trực cái “lò hơi” này mỗi ngày và luân phiên xoay vần trong số người của họ. Tôi lấy làm lạ hỏi ông già tại sao những thằng tù nhân mới như tôi lại không được phân công kế tiếp thì được ông già giải thích là không dễ gì được cái “vinh dự” ấy. Người nào được cái “vinh dự” khiêng phân đi đổ mỗi sáng phải là người có thành tích tốt, tiêu biểu cho thành phần tù nhân tiên tiến của cách mạng “XHCN” hoặc là phải ở lâu trong tù. Lý do thật dễ hiểu là vì mỗi lần tù nhân nào được khiêng phân ra ngoài đi đổ đều có một cơ hội hiếm hoi bằng vàng để hít thở chút không khí trong lành của buổi sáng mai, có một khoảng đường dài để vận động gân cốt, có một chút khoảng trống để tập thể dục bất đắc dĩ và nhất là được ngắm lén những “người đẹp” cùng chung số phận ở dãy phía bên kia.
Thời gian cứ nặng nề trôi qua. Tù nhân cũ mới gì không cần biết điều bất thần bị gọi lên “làm việc” với bọn quản giáo. Nhiều người được gọi ban ngày, có kẻ bị lôi xềnh xệch vào ban đêm với những cú đánh hộc máu mồm bằng báng súng trước giờ “tẩm quất”. Hầu hết tù nhân đều trở về phòng với tấm thân rũ liệt, rướm máu, cong gập người lại như thân cây chuối bị bổ ngang, nằm bò lê bò càng giữa căn phòng ẩm mốc, xám xịt. Riêng thằng oắt con vì tội trạng rành rành nên bọn quản giáo ít gọi lên. Thay vào đó, chúng bắt thằng nhỏ lao động đến hụt hơi, bắt làm đủ mọi việc không kể nặng nhẹ như khiêng phân đi đổ, gánh nước đổ vào phuy cho bọn chúng tắm, trồng rau muống cho vịt ăn, quét nhà, lau chùi cống xí cho tụi nó, đánh bóng xe đạp v.v… trông chẳng khác nào một tên đầy tớ. Lòng tôi đau như cắt!
Một bữa nọ, trong khi tôi với ông già chờ nó về để cùng chia bo bo bữa ăn chiều thì bỗng một tù nhân hớt hơ, hớt hãi chạy vào cho biết là nó vừa bị mấy thằng quản giáo đánh cho một trận nhừ tử, đang nằm bất động ở trên nhà ăn. Một nhân chứng phụ trách về ẩm thực sau đó về lại phòng có cho hay là trong lúc nấu cháo heo cho lũ cán bộ, thằng Búa đã không dằn được cơn đói xé lòng nên đã múc một chén cháo nóng hổi húp chùn chụt trước khi bỏ rau vào. Vô phúc cho nó, một thằng quản giáo đi lớ ngớ xuống thấy nên đã tát cho nó một cái tát nẩy lửa, tô cháo rơi xuống đất bể tan tành. Vốn tánh nóng, sẵn cái dao phay thái rau trên bàn, thằng Búa nhảy bổ tới cầm lấy con dao đâm cho thằng quản giáo một phát nhưng bị hụt, thành ra cả đám cán bộ nghe tiếng kêu cứu của đồng bọn vội chạy vào “bề” cho nó một trận đòn hội chợ chí tử! Những tù nhân đứng gần đó sợ xanh mặt không ai dám vào can. Tôi và ông già lật đật chạy về phía hàng rào trố mắt nhìn qua dãy nhà bếp thì thấy một khối thịt nằm lù lù ở đó. Ông già tức giận chửi thề bên tai tôi:
- Tiên sư nhà tụi nó. Ác độc cũng vừa thôi chứ, nhè con nít mà ăn hiếp!
Người tù nhân khác đứng bên cạnh tiếp:
- Tôi phục thằng Búa sát đất. Nó nhỏ mà gan! Không có ai ở đây dám chọc giận mấy thằng khốn đó!
Ông già tỏ vẻ hiểu biết:
- Gan là cái chắc. Tôi có coi sơ cái bàn tay nó chẳng giống ai. Tay gì mà đường trí đạo với tâm đạo trùng vào nhau thành một. Trên bàn tay nó chỉ có hai đường. Thảo nào nó nghĩ đâu thì làm đó. Hôm nọ thằng Bảy Công đang lên đồng múa võ thần quyền cho mọi người xem thì bị nó nhảy vào phía sau đâm cho một phát vô lưng, may nó nhảy ra kịp, không thì bị quật chết tươi rồi. Thiệt tội cho nó!
Tối hôm đó, thằng nhỏ được mấy bạn tù nhân khiêng về bỏ giữa phòng lạnh như cắt da để nhờ mấy bạn tù nhân bác sĩ chạy chữa. Nhờ mọi người trong phòng ai cũng thương nó một thân côi cút không người thăm nom nên đã hết sức xoa dầu, đấm bóp, hô hấp liên tục. Nhờ đó mà tỉnh lại. Nhìn những vết u bầm tím sưng vù trên trán, trên mặt, trên ngực, trên lưng nó với những dòng máu đỏ chảy nhòe ra từ mũi và miệng nó, tự nhiên tôi không ngăn được giọt nước mắt đang lăn dài trên đôi má.
Nửa tháng sau, vào một đêm nọ trời mưa tầm tã, trong lúc các bạn tù nhân phơi thân nằm la liệt trên sàn đất cố đổ giấc ngủ sau những ngày bị tra tấn, thẩm vấn liên tục đến căng não ra thì thằng Búa tự dưng trườn lên mình tôi tỉ tê:
- Anh Hai, anh có ghét em không?
Tôi lấy làm lạ hỏi:
- Không! Mắc gì mà ghét em?
Ngập ngừng một lúc nó nói:
- Tại bữa đầu anh mới vô, em đã vô lễ với anh!
Tôi trực nhớ lại câu chuyện sáu tháng về trước và chợt thấy thương nó vô hạn. Tôi vội trả lời:
- Không! Đó là lỗi của anh. Em không có lỗi gì cả!
Nói xong, tôi đưa tay xoa cái đầu tròn lẳng của nó, lòng tràn ngập tình thương chẳng khác nào tôi thương thằng em ruột của tôi còn ở ngoài quê.
Nhìn lên trần nhà giam, cái đèn tù mù như hết muốn sáng cũng còn cố soi rõ cái cảnh âm u như địa ngục a tì của một tối mùa đông. Gió lạnh từ bên ngoài nện sầm sập vào cánh cửa như muốn giải thoát đám tù nhân khốn khổ. Những giọt nước mưa buốt giá thỉnh thoảng len vào khe cửa, hắt lên mặt tôi gây một cảm giác vừa đê mê vừa dễ chịu. Tôi nằm yên đưa lưỡi liếm những giọt nước đang đọng trên vành môi. Mấy con chuột chù ở trên trần nhà bắt đầu bám vào mấy sợi dây treo các bịch đồ ăn của tù nhân để kiếm ăn bữa tối. Lúc này thiên hạ ngủ hết nên không ai buồn đuổi chúng nữa.
Nhìn gương mặt thơ ngây, non choẹt và vàng vọt của thằng Búa, tôi chợt nghĩ chắc nó có điều gì muốn nói với tôi đêm nay. Tự nhiên tôi thốt ra:
- Búa! Anh cám ơn em. Em đã giúp cho anh nhiều quá!
Hình ảnh thằng Búa thay tôi để đi khiêng phân mỗi lần đến phiên trực khiến tôi tự hổ thẹn với nó. Tôi xưa nay vốn không quen ở chỗ hôi thối nên rất ngại đi khiêng phân. Cứ mỗi lần tới phiên trực của tôi, thằng Búa biết trước nên tình nguyện đi làm thế cho tôi. Ơn ấy tôi không bao giờ quên. Sau trận đòn hội chợ chí tử, nó càng ngày càng sa sút thấy rõ, thân ốm o gầy mòn đến trơ xương ra như tàu lá chuối khô. Tôi với ông già lúc nào có đồ tiếp tế cũng đều chia sớt cho nó những phần ngon nhất nhưng những hành hạ khắc nghiệt của bọn cai tù không thể nào kéo sức khỏe nó trở lại bình thường được.
Thấy cái đầu nóng ran của nó cứ rúc rúc vào ngực tôi như con mèo con tìm vú mẹ, tôi thương hại hỏi nó:
- Búa! Em có điều gì muốn nói với anh?
- Dạ có! Anh cho phép em mới nói.
Nó ngóc đầu dậy trả lời. Rồi không đợi tôi cho phép, nó bắt đầu câu chuyện một cách thật bình tĩnh:
- Anh Hai! Em đã phạm tội giết người!
- Hả? Em giết người? Tôi đã biết trước mà vẫn không khỏi thắc mắc. Như không cần để ý đến câu hỏi của tôi, nó tiếp với giọng vừa đủ tôi nghe:
- Hồi trước nhà em ở miệt vườn. Nhà em nghèo lắm. Ba em là lính nghĩa quân, Mẹ em cày cấy nuôi em nhưng cả hai đều cố cho em ăn học. Đùng một cái tụi giặc Cộng vô đây sát hại ba em, tịch thu luôn cả mảnh ruộng nhỏ bằng cái sân, bắt mẹ em vô làm tập thể gì đó mà không có lấy một hột gạo ăn. Mẹ em đành gửi em đi chăn trâu nhờ ở nhà một người chú. Tiếng là trâu của chú chớ tụi nó cũng ăn giựt luôn. Thế là em bỏ học. Hàng ngày em đưa trâu lên phía Rạch Dừa cho trâu ăn. Cánh đồng này nằm gần đường lên trường làng. Bực một cái là bọn con cán ngố đi học ngang đây ngày nào cũng mắng nhiếc em là thằng con lũ ngụy. Em tức quá không biết làm sao nên thủ sẵn một con dao. Một bữa nọ, tụi nó kéo nhau cả bọn đến gây sự với em, cũng mắng nhiếc em là thằng con lũ ngụy. Sau đó nó nhổ phẹt một miếng nước bọt vào mặt em. Trong lúc tức quá, em rút con dao nhỏ xông tới đâm một thằng thấu tim, máu chảy ào ào, bọn còn lại bỏ chạy tứ tung. Từ đó em bị bắt, tính đến nay đã hơn năm năm rồi mà chẳng biết tụi nó sẽ làm gì. Em xin lỗi anh, em đã giết người! Em đã giết chết một thằng Cộng con. Ít ra em cũng đã trả thù được cho ba em. Em thà chết, quyết không chịu nhục! Xin anh hiểu và tha thứ cho em!
Nói xong chừng như mệt quá, thằng Búa ho hộc hộc mấy cái rồi nằm úp mặt lên ngực tôi đầm đìa nước mắt. Tôi quá xúc động, khâm phục và thở dài. Thế mà trước đây tôi cứ nghĩ nó là một thằng ác nhơn, ác đức, giết người chả ra chi. Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy mình thua nó xa quá! Tôi bỗng đâm ra thương cái tuổi trẻ khốn khổ của quê hương mình. Thấy nó hối hận, tôi vội hỏi nó:
- Búa! Ngày mai tụi nó cho anh đi lao động ở Bầu Trũng. Em có cần nhắn ai gì không?
Thằng Búa như mừng rỡ, ngóc cái đầu dậy, gượng cười nói:
- Vậy hả? Em nhờ anh một chuyện. Ngày mai là ngày sinh nhật của em, nếu anh có tiện thì mua cho em vài thỏi kẹo. Em thèm kẹo quá mà không có tiền mua. Với lại anh tìm cách nhắn về cho mẹ em biết là em vẫn khỏe. Được không anh?…
Tôi muốn bật khóc, vội ôm nó vào lòng, thầm hứa sẽ cùng với ông già tổ chức một bữa tiệc vui mừng sinh nhật nó. Tôi và nó ôm nhau ngủ suốt đêm.
Sáng hôm sau, bọn cai tù lùa một đám tù nhân lam lũ xách cuốc, xẻng vác ra Bầu Trũng lao động trong đó có tôi. Thằng Búa hình như bệnh tình càng nặng hơn nằm thiêm thiếp ở một góc. Tôi lật đật giao chai dầu gió xanh lại cho ông già nuôi để xoa đỡ cho nó. Mặc vội cái áo rách tơi tả, chụp cái nón lá lên đầu, tôi hôn nó một cái rồi lật đật bước theo các bạn tù. Ngày hôm đó, nhân lúc ghé một quán nước nghỉ để mua ít kẹo cho thằng Búa, tôi xin phép thằng cai tù đi tiểu ở phía sau rồi vượt thoát luôn.
May mắn thay, chuyến vượt ngục thành công. Ngày hôm sau, tôi về lại căn nhà trọ ở Ngã Ba Ông Tạ, trong túi còn rủng rỉnh mấy bịch kẹo ngọt. Chưa biết gởi xuống cho thằng Búa bằng cách nào, cũng không biết nó còn sống hay đã chết!???
* NGUYỄN SĨ NAM
_____________
Nguyễn Sĩ Nam là bút hiệu của một cựu sinh viên QGHC, khóa Đốc Sự 17
No comments:
Post a Comment