21 April 2011

Những ngày chưa quên

NGÀN GIỌT LỆ
CHO NHỮNG ANH HÙNG
Nguyễn Triệu Việt 

Khi người bạn học cũ thời trung học của tôi là Thiếu Úy Phạm Theo thuộc tiểu đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến với bộ quân phục màu xanh rằn ri bạc màu gặp nhau chào hỏi ở cuối phố Độc Lập - Nha Trang để ngày mai lên đường xông pha chiến trận, tôi nghĩ đây có thể là lần gặp gỡ cuối cùng. 

Thực vậy, chiến tranh oan nghiệt đã cướp mất người bạn tôi ở tuổi thanh xuân chưa quá 23, cái tuổi mà lẽ ra đầy ắp mộng mơ và vẫn còn cắp sách đến trường. Mùa hè đỏ lửa đã nuốt trọn người bạn tôi như con quái vật khổng lồ nuốt chửng chàng dũng sĩ. Tôi không còn bao giờ gặp lại Phạm Theo nữa - người bạn chiến binh hiên ngang đầu tiên của tôi thuộc sư đoàn TQLC - một trong những đơn vị lừng danh nhất của QLVNCH đã vĩnh viễn nằm xuống để bảo vệ màu hoa tự do cho dân tộc. 

Sau 23 năm trời nằm gai nếm mật, một lần nữa những người chiến sĩ áo xanh năm xưa đã lừng lững đứng lên tô điểm lại lịch sử oai hùng ngàn đời của dân tộc qua một công trình biên khảo vô giá mà tụ điểm xuất phát là Úc châu - người chiến sĩ đã lấy cây bút thay cây súng soi rọi những trang lịch sử hào hùng qua quyển Chiến Sử TQLC - một quyển sách đã làm cho tâm hồn tôi có lúc dâng lên đến sảng khoái, có lúc chùng xuống đến nhỏ nước mắt với khá nhiều miên man suy nghĩ đến quặn thắt cả lòng - một quyển sách của trái tim... 

Cuốn Chiến Sử TQLC nói về lịch sử và các chiến công hiển hách của một trong những binh chủng thiện chiến nhất QLVNCH (thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC) là một tập sách song ngữ Anh-Việt dày ngót 520 trang ấn hành năm 1997 là một công trình của máu xương và tim óc do chính những anh hùng trong cuộc viết - những người từng quen cầm súng hơn cầm bút - bất kể địa vị thấp cao còn sống sót sau cuộc chiến địa ngục VN chỉ có thể nói là phép lạ. Chủ biên là Bs Quân Y Thiếu tá Trần Xuân Dũng cư ngụ tại Melbourne - tiểu bang Victoria, Úc Châu, với phần chuyển Anh ngữ của song nữ Trần Thị Uyển Diễm và Trần Thị Quỳnh Diễm mà đầu đề là “Tặng Anh Em Thủy Quân Lục Chiến và Con cháu họ...” đã thể hiện rõ tâm huyết của các bậc cha anh, làm tấm gương soi bóng cho thế hệ cháu con biết được ý nghĩa cuộc chiến đấu sống còn của cha ông họ. 

Chuyện BS Trần Xuân Dũng mê binh nghiệp, đã phải vắt tâm vắt óc ra sáng tạo đứa con tinh thần của mình để giữ kho báu cho đời còn có thể hiểu được nhưng chuyện hai cô con gái cưng của ông với tuổi đời hậu 75 không biết gì về thực tế chiến tranh VN mà phải lăn lưng vào chốn trận mạc chữ nghĩa để sống và diễn đạt cho kỳ được cái linh hồn của những trận chiến kinh thiên động địa của quê hương qua Anh ngữ, là một công trình tim óc lớn lao khác vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Làm sao để con cái chúng ta tại hải ngoại có thể đắm hồn của chúng vào để thực hiện các công trình của người khác dù đó là công việc của chính cha mẹ chúng? Gia đình của Bs Dũng hẳn phải có một sự giáo dục đặc biệt đáng cho chúng ta noi theo ngưỡng mộ. 

Đây là phần thưởng tinh thần vô giá mà cá nhân Uyển Diễm, Quỳnh Diễm có thể tự hào. 

Bìa ngoài cuốn Chiến Sử màu xanh có in hình “cái nón sắt ngày nào ấp ủ” mà một chiến sĩ vô danh TQLC nào đó đã ghi lại những địa danh kinh hồn như Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Động Ông Đô, Triệu Phong, Cai Lậy, Bình Lợi, Bồng Sơn, Phụng Dư với các trận Tết Mậu Thân 1968 và hàng chữ “TQLC Sát Cộng” đã diễn tả hết ý cái ác liệt của chiến tranh. Bìa sau in hình màu áo xanh, nâu, đen rằn ri quen thuộc của binh chủng TQLC với huy hiệu của các tiểu đoàn lừng danh như Quái Điểu, Trâu Điên, Sói Biển, Kình Ngư, Hắc Long, Thần Ưng Cảm Tử, Hùm Xám, Ó Biển, Mãnh Hổ, Lôi Hỏa, Thần Tiển, Nỏ Thần v.v... 

Tôi bước sâu vào thế giới trùng trùng của quyển sách. Chiều dài quyển Chiến Sử là những tấm chân dung lồng vào những hình ảnh chiến trận năm xưa, những hào khí ngút trời của các chiến sĩ TQLC anh hùng cắm cờ trên Cổ Thành Quảng Trị. Nội dung là những tâm tình hiến dâng cao cả cho đất nước của những người con yêu của Tổ Quốc - những trận chiến mù trời dậy đất - những chiến công hiển hách - những can đảm vô biên - những nụ cười sảng khoái nhưng cũng có những thất bại buồn tênh - những bạn bè nằm xuống - những giọt nước mắt chia lìa - những trớ trêu của nghịch cảnh - những nát tan vĩnh viễn - những sầu đắng chia xa - những địa ngục có thật... Tôi bắt đầu làm quen chuyện “Ông Già Đầu Bạc” của Đại Tá Tôn Thất Soạn khi viết về cựu Đại Tá Nguyễn Thành Yên - Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt khi còn là Trung Úy đã bị địch bắn vào ngực trọng thương nhưng vẫn can đảm chỉ huy toán quân của mình chiến đấu đến thắng lợi. Cái kết cục lại đáng buồn vì sau này ông không chết vì chiến trận mà lại chết vì tắm sông tắm suối ở cạnh nhà, để lại bao thương tiếc trong lòng mọi người. 

Chuyện “Tôi tham gia đảo chánh ngày 1/11/63” của Đại Tá Hoàng Tịch Thông nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm cũng cho chúng ta nhiều suy nghĩ về sự rối loạn của tình hình chính trị lúc bấy giờ cùng những tháng năm về sau đã đưa đến những cuộc tranh quyền dai dẳng, liên tục của các cấp lãnh đạo quân sự thượng tầng, với sự hà hơi tiếp sức chính đồng minh khổng lồ của mình là Mỹ mà kết quả cuối cùng là mất nước. Lịch sử nay đã sang trang và người dân tự hỏi phải chăng các cuộc đảo chánh đó là những quyết định sai lầm nghiêm trọng của giới quân sự? 

“Trận Bình Giả lúc khởi đầu” của Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn báo động một cuộc chiến ác liệt khởi đầu gây thiệt hại trầm trọng cho một Chi Đoàn Thiết Vận Xa cũng như Tiểu Đoàn 30, Tiểu Đoàn 38 BĐQ cứu viện. Tiếp theo đó bài “Bình Giả ơi! Còn nhớ mãi” của Thiếu Tá Trần Vệ - cũng dân Võ Bị Đà Lạt dài ngót 15 trang đã gợi lại một trận chiến kinh hoàng đầy xúc động của những người con yêu hy sinh vì đất nước trong trận chiến Bình Giả. Ông kể lại những người bạn cùng khóa 19 VBQG như Võ Thành Kháng - thủ khoa, như Nguyễn Văn Hùng tự Hùng Râu đã hy sinh ngay từ phút đầu trình diện đơn vị tại trận tiền và chính ông tiến lên vuốt mắt hai bạn. Như sự hào hùng của Thiếu Úy Trịnh Văn Huệ bị địch bắn cả băng đạn vào bụng, máu thấm ướt cả áo trận vẫn còn thều thào hướng dẫn phản công “Tôi bị thương nặng lắm, nếu có gì cậu cùng thằng Sơn bảo toàn đại đội. Địch còn tấn công nữa, không chịu được cứ rút về hướng này...” Nói chưa dứt lời, anh bị thêm một tràng trung liên của địch rồi ngã xuống chết ngay trong gang tấc. Lẫm liệt hào hùng cũng chỉ như thế này! (*)

Cũng chuyện Trần Vệ, Minh Rỗ - người phụ xạ thủ đại liên vừa mới lấy cô vợ bán hột vịt lộn ở Vũng Tàu, chưa có một ngày hưởng tuần trăng mật đã phải lên đường chiến đấu và trong trận này đã lãnh đủ hai viên về với đất Mẹ. Cũng trong trận Bình Giả, địch đã xâm nhập vào tận Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và gây tử thương cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nho, Đại Úy Hoán và Y Sĩ Trưởng Trương Bá Hân. Tuy nhiên Tiểu đoàn 4 TQLC đã vang danh là một tiểu đoàn thiện chiến dám chống trả lại cả hai trung đoàn địch và chiến thắng! Cái hào hùng ở đây như chuyện anh lính quèn có biệt danh Sáu Đại Liên phơ địch không mỏi tay, mê hành quân hơn lấy vợ là cô hàng bán chè xôi nước ở ngã tư và cuộc đời vẫn tiếp tục là những tháng năm giông bão... 

Như bài viết của Trung Úy Dương Bảo Long về Tiểu Đoàn 5 TQLC với trận đánh Mộ Đức, Quảng Ngãi, đã cho thấy nỗi ác liệt của cuộc chiến khi cả Bộ chỉ huy tiểu đoàn phải hy sinh tại chỗ như Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Dương Minh Phước, sắp được nghỉ phép mà phải lên đường chịu chết, như Y sĩ Trung Úy Lê Hữu Sanh và hai cố vấn Mỹ. 

Tôi cũng mê chuyện của Trung úy Văn Tấn Thạch, hiện ngụ tại Úc Châu, đã kể lại những lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc với mìn nổ bên tai, xe tăng đi trước mặt, những cái chết bỗng trở thành sự sống mà nay ông vẫn còn cho là phép lạ. Như bài viết của Đại tá Hoàng Tích Thông kể lại trận tổng công kích của VC Tết Mậu Thân và các trận phản công mãnh liệt của TQLC. Bài “Tiểu Đoàn 6 TQLC” của Đại tá Phạm Văn Chung (tức nhà văn Chu Vũ) cũng trong trận này với chiến công đầu tay của Đại úy Nguyễn Xuân Phúc - thuộc TĐ 6 Cọp Biển. Bài “369 ngày trên sông Mỹ Chánh” cũng của Đại tá Chung hết sức oanh liệt. Như sự hào hùng qua bài viết của Đại úy Đỗ Phú Ngọc thuộc Chiến đoàn A TQLC kể về chuyện binh nhất Hoàng bị hai tên VC bắt giữ trong tay đã can đảm đạp nổ dây gài lựu đạn để gây tử thương cho hai tên địch quanh mình. Trong giây phút cuối cùng, trước khi nhắm mắt, anh còn tiếu lâm hỏi “Hai con chuột đó đã chết chưa, tao cưa với tụi nó chớ đâu để tụi nó bắt”, và mắt anh từ từ nhắm lại trước mắt đồng đội. Có ai dám đùa với tử thần trước giờ phút lâm chung? Ôi anh hùng tử, khí hùng nào tử! 

Như bài viết “Huế tôi và tết Mậu Thân” của Trung tá Nguyễn Văn Phán đã gây trong tôi nhiều xúc động. Chuyện kể giữa mùa Xuân tang thương trên đường trở lại làng xưa, gặp Mẹ trong giây lát rồi rủ áo phong sương lên đường chiến đấu trực tiếp ngay phố thị thân thương của mình, dành lại từng tấc đất ở chốn Thần kinh. Những cái tên thân thương như Truồi, An Cựu, Gia Lê, Phú Bài, Tịnh tâm, cầu Trường Tiền, giòng Hương Giang, chợ Đông Ba, phố Trần Hưng Đạo... cả một thành phố chết, chìm ngập trong biển máu bởi bàn tay ác nhân của bọn CS. Anh gặp lại Mẹ trong nước mắt nghẹn ngào, Mẹ trang bị cho anh từng khúc cá khô, từng đòn bánh tét để đủ thực phẩm cho anh trong những ngày chiến đấu và cuối cùng trước khi băng mình vào trận chiến ác liệt cách đó chỉ vài khu phố. Mẹ còn nhớ dụi cho anh chai dầu gió Nhị Thiên Đường...! Ôi tình mẫu tử thâm sâu của những người Mẹ hiền VN không bút mực nào tả xiết đã thôi thúc anh lên đường không lưỡng lự. Anh từ giã “Thôi con đi, Mẹ và gia đình đừng lo cho con”... Tiếng “anh Phán, anh Phán…” của mấy đứa em vang lên cho đến giữa hồ Tịnh Tâm... nghe hết sức não nuột nhưng cũng rất ấm lòng người chiến sĩ. 

Và sau đó những trận đánh cận chiến kinh hoàng, những anh hùng vô danh gục ngã, những tiếng thét xung phong, những đồng đội chết... để tiến chiếm cho được kỳ đài Huế. Lệnh của Trung tướng Lê Nguyên Khang - người anh cả TQLC ban ra: “Một người lính duy nhất TQLC còn sống sót cũng phải dựng cho được ngọn cờ vàng tại Phú Vân Lâu”... Hạ sĩ Hạnh trong cơn say men chiến thắng chuẩn bị dựng cờ, định đập trái hỏa châu bắn pháo bông ăn mừng, không ngờ để ngược đầu đạn hỏa châu vào mình nên bị nổ xuyên bụng. Trong lúc thần chết sắp mang đi, anh còn cười tươi “Em không sao đại úy”. Phán nghĩ thằng em này tỉnh táo quá chắc nó chết. Và nó đã chết  thật! Ôi không thể tưởng tượng được lòng dũng cãm vô biên của những anh hùng - lúc nào cũng coi cái chết tựa lông hồng. 

Trong một đêm đánh nhau quyết tử, anh bất chợt gặp lại một cụ già bị bắt vì đi thất lạc ngoài đường, nhìn mặt nhau mới hay là Thầy mình “Thầy Cao Hữu Triêm! Trời ơi Thầy!” Tiếng kêu trầm thống vang lên tình thầy trò giữa hương vị cay đắng của máu, nước mắt và mùa Xuân trong lúc Thầy đi thất thểu tìm con thất lạc giữa chính quê hương là núm ruột của mình! 

Xen lẫn những bài viết hào hùng cảm động, tôi cũng say mê cái ngông nghênh của Y sĩ Trung úy Nguyễn Trùng Khánh trong bài “Què chân, gẫy lưng, lủng ruột”. Ngày anh mới ra tường lặn lội trình diện Tiều đoàn 1, ai cũng tưởng đời người y sĩ sẽ lên cao như diều gặp gió. Nhưng không, trước anh đã có người nằm xuống như Y sĩ Trương Bá Hân, Y sĩ Lê Hữu Sanh... Còn số phận anh ra sao? Một buổi chiều nọ, trong lúc dừng quân, Y sĩ Khánh bị một trái mìn “claymore” nổ, bị thương nặng nhưng vẫn còn tếu ra phết. Anh tự chẩn đoán tình trạng thương tích của mình, hướng dẫn cho người y tá tiêm, chích, băng bó theo lệnh của anh rồi sau đó mới được chuyển về bệnh viện dã chiến Mỹ ở Long Bình. 

Nơi đây anh gặp anh Long - người y sĩ bị thương trước anh, người mà anh đến thay thế nhưng cũng không thoát khỏi định mệnh an bài... Long còn có người yêu đến thăm, anh chẳng có một ai thèm để ý. Ra khỏi viện với cái chân tật nguyền, phải chống nạn đi đứng. Đạn vẫn còn nằm kẹt trong chân nhưng không dám chịu giải phẩu vì sợ tê liệt luôn. Ngày về cùng bạn ra quán Queen Bee nghe nhạc, nốc hết nửa chai “cognac”, sáng hôm sau lành bệnh tỉnh rụi, chân trái chẳng còn đau đớn gì, từ đấy vứt luôn cả ba toong gậy gộc và tôn vinh “courvoisier” là thần dược... Đúng là anh xem đời như có như không! Tôi cũng mê những bài viết về chuyện “Lôi Hổ sang Lào” của Trung tá Đoàn Trọng Cảo, bài “Đêm Hạ Lào, đêm sao dài quá” của Thiếu tá Trần Vệ tả nỗi chết của người giữ máy truyền tin, của anh tên Chín Rổ ở cùng hầm với giấc mơ về quê cưới vợ đã không thực hiện được... như Bảy Gà Lôi thường ngâm thơ dưới hầm “Sức nào mang nổi nghìn cân - Trai nào sánh được thủy thần mũ xanh” rồi một ngày bỏ mình ngay tại hố và Thiếu tá Vệ đã cởi chiếc thẻ bài của anh, vuốt mắt lần cuối và lấp ngay miệng hố làm mồ! 

Như bài “Tôi tay đôi với tụi nó đây” của Trung tá Trần Thiện Hiệu viết để tưởng nhớ pháo thủ Vũ Quang Vinh. Bài “Hắc Long dậy sóng, sông Thạch Hãn Quảng Trị” cũng của Thiếu tá Trần Vệ hào hùng làm sao. Như bài “Họa vô đơn chí” của nữ Thiếu tá TQLC Trần Thị Huy gây nỗi ngậm ngùi của người chinh phụ khi chồng mất đã bị tai nạn chết theo chồng trong khi lo việc tang lễ. Bài “Hình ảnh ngày qua” của phu nhân BS Nguyễn Văn Thế giữ vững niềm tin của những người vợ hiền ở hậu phương trong lúc chồng lên đường chiến đấu. 

Kinh khiếp như bài “20 ngàn trái đại bác mỗi ngày” của Trung tá Đoàn Trọng Cảo cứ nghe như sấm sét của trận An Lộc- Bình Long. Tôi có lần được nghe Tướng Trần Văn Nhựt - một TQLC thứ thiệt tâm sự trong dịp viếng thăm QLD trước đây. Ông bảo “gặp trường hợp anh, anh cũng phải tử thủ như vậy nhưng công lao trên hết vẫn là của các chiến sĩ nằm gai nếm mật”. Lời nói của ông tỏ ra hết sức khiêm nhường khiến tôi hết sức cảm phục. Tự hào như bài “Tái chiếm Cổ Thành” của Trung úy Văn Tấn Thạch, người chiến sĩ đã từng cùng đơn vị trực tiếp tái chiếm và cắm cờ trên Cổ Thành Quảng Trị với tiếng nhạc ngạo nghễ vang lên “Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu..” 

Tôi cũng đã đọc được nhiều bài thơ hào khí của Thiếu tá Y sĩ Trần Xuân Dũng trong tập Chiến Sử này nhưng theo tôi không bài nào có chất thơ hay cho bằng bài “Bức tượng thương tiếc nghĩa trang quân đội”. Với những giòng thơ sau:
“Bất động ngồi trên xa lộ,
Trầm tư súng đặt ngang đùi,
Chiều buông nắng ngang nửa mặt,
Mắt nhìn sao ánh không vui
………………….
Anh là thiên thần Mũ Đỏ,
Ngực còn lấp lánh huy chương,
Ôi chao! Em nhìn chưa rõ,
Dường như máu rỉ bên sườn?
...........................
Anh như Kình Ngư, Ó Biển?
Cánh tay “Sát Cộng” ngang tàng,
Anh là Thủy Quân Lục Chiến?
Mùa hè đỏ lửa hiên ngang,
Em muốn mời anh ly nước,
Rót từ dừa xứ Tam Quan,
Đôi môi anh sao mím chặt,
Lạnh như đồng đúc khô khan,
Đêm sâu em nghe rờn rợn,
Mắt anh rực lá quốc kỳ,
Hãnh diện đền ơn Tổ Quốc,
Chiến trường nào anh ra đi?”
BS Trần Xuân Dũng tốt nghiệp Đại học Y Khoa năm 1965 và sau đó phục vụ Tiểu Đoàn 4 TQLC - người chủ biên cuốn Chiến Sử TQLC vô giá này. BS có cho biết sở dĩ ông bỏ nhiều thời gian để làm công việc này là vì muốn cho thế hệ cháu con hiểu được rằng “Một người cha suy sụp tinh thần, một người chú tàn tật, một người ông ốm yếu của họ hôm nay, đã từng là một người trẻ yêu nước, can đảm và kiêu hãnh vì đã làm tròn nhiệm vụ được giao”. 

Ông cũng ước mong công việc làm nhỏ mọn của mình là một “bước khởi đầu cho những biên soạn khác của các quân binh chủng QLVNCH nhằm ghi lại trung thực một giai đoạn lịch sử của dân tộc, để cái huyền thoại gian lận về giải phóng miền Nam phải được ánh sáng sự thực rọi vào, để cho giới trẻ nhận ra bản chất cuộc chiến và khi đối chiếu với hiện tại, họ có thể thấy rằng bao nhiêu xương máu và đổ vỡ tàn phá dân ta phải gánh chịu ở cả hai miền Nam Bắc và phí phạm vô ích và là do tập đoàn CSVN gây nên”. Riêng tôi, Bsĩ đã làm một công việc ĐỂ ĐỜI! 

Công ơn của các chiến sĩ và những vị Tướng lãnh kiêu hùng của QLVNCH có công trong cuộc chiến dành tự do cho quê hương vẫn không bao giờ phai nhạt trong lòng con dân VN. Xin gửi đến quý anh “Ngàn giọt lệ cho những anh hùng!”./- 

Nguyễn Triệu Việt
__
Nguyễn Triệu Việt là bút hiệu của một cựu sinh viên QGHC khoá ĐS17
__
(*) Cho đến nay sách sử đã cho thấy trận Bình Giả, cuối tháng 12, 1964 cách Sài Gòn 67km đông bắc, gây thiệt hại nặng cho quân VNCH vì bộ phận tình báo trung ương VNCH gần như tan rã theo sau cuộc đảo chính 11.1963. Tình báo Miền Bắc hoạt động mạnh ở Miền Nam. Điệp viên Phạm Xuân Ẩn chuyển về Hà Nội chi tiết kế hoạch hành quân và điều binh trong trận Bình Giả. Đó là nguyên nhân chính ngoài những nguyên nhân khác đã được các sĩ quan trẻ viết lại như quyết định lộng hiểm của thượng cấp đưa quân vào một khu vực rất lù mù; tướng tá điều binh  mới được thăng cấp do phe cánh  vì có công trong đảo chánh Tổng Thống NĐD, kém khả năng và kinh nghiệm tác chiến;  người Mỹ chân ướt chân ráo mới đổ bộ vào Miền Nam phách lối, khinh địch,.... (TTR)
____
1-Cám ơn TTR đã post bài "Ngàn giọt lệ cho những anh hùng" của ĐS Nguyễn Triệu Việt.
2-Tôi không có cuốn chiến sử này,nhưng nhờ đọc bài viết của Anh Việt mà coi như đã đọc xong cuốn sách. Anh viết tài tình như Anh bạn cùng khóa Nguyễn Ngọc Vỵ của tôi vậy. (NĐĐ)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...