Cờ Vàng không chỉ là biểu tượng của một quốc gia đã mất, mà còn là biểu tượng cho những giá trị phải phục hồi.
(Trích) "Nếu chúng ta không đủ sức chống lại những cái đang làm hại tinh thần đại học, ít nhất chúng ta phải duy trì nơi anh chị em mình hai đức tính của người trí thức là liêm khiết tinh thần, và lòng can đảm đi tìm chân lý.
Bỏ Cờ Vàng trong môi trường đại học (dù chỉ là cựu sinh viên già) là một đầu hàng vô điều kiện trước sự hèn hạ và dối trá. (“Hèn hạ và dối trá”, tôi có nói ngoa không, xin quý anh chị chịu khó dành chừng vài ngày tìm hiểu về nền giáo dục tại Việt Nam ngày nay, khắc rõ.).
Còn nếu quý anh chị coi Cờ Vàng và Miền Nam Việt Nam không hơn gì xã hội chủ nghĩa, thì xin bỏ luôn hai chữ Thụ Nhân đi. Bởi vì tinh thần Thụ Nhân là một phần – nói tự mãn một chút, phần tinh túy – của nền giáo dục nhân bản - khoa học - khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa....
Viện Đại học Đà Lạt có treo quốc kỳ không? Xin coi hình chụp ngày lễ tốt nghiệp Đại học Sư phạm khóa 4 năm 1965, trong đó Cờ Vàng được treo khắp nơi. Xin chú ý hai lá cờ trong hai khoanh tròn, ngoài ra các cột cờ đều treo quốc kỳ. Hình đã mờ, màu cờ không rõ, nhưng lòng tôi còn nguyên màu vàng ba sọc đỏ vì tôi đứng trong hàng sinh viên tốt nghiệp này.
Trường Mẹ treo cờ mà cựu sinh viên không treo cờ? Phải chăng vì Cờ Vàng không còn là quốc kỳ nữa? Tôi nghĩ những anh chị nghĩ như vậy cũng có lý, ở tầm nhìn gần. Nhưng sai trong tầm nhìn xa: Ngôi Sao David của người Do Thái tồn tại khoảng hai trăm năm trước khi người Do Thái có lãnh thổ cắm cờ. Ngược lại lá Cờ Búa Liềm bị nhân dân Nga đốt ngay ngoài đường khi chế độ sụp đổ, và họ cho biết trong 70 năm nó không hề hiện diện trong lòng mình. Lá Cờ Vàng mất lãnh thổ cắm, nhưng nó lại đi theo những con người sống chết vì nó, gián tiếp vì nó mà được cứu vớt. Nhiều người bây giờ vinh hoa phú quí, quên những ngày gian lao còn đầy lý tưởng. Nhưng số đông không quên. Muốn quên cũng không quên được. Đối với người tị nạn Việt Nam, Cờ Vàng không những là biểu tượng của một quốc gia đã mất, mà còn là biểu tượng cho những giá trị phải phục hồi. Nói như Hà Lê Bích Thủy (trong bài “Bạn là ai? Người hay cá?), thiếu lá Cờ Vàng tôi không có căn cước. Tôi còn muốn nói thêm: cũng vì tôi không có mảnh đất để cắm nó, nên tôi càng phải duy trì nó trong lòng và mỗi khi có dịp phải trưng nó lên. Dù ngụy tín và ngụy biện bao nhiêu, nếu chối bỏ lá cờ trong một dịp quan trọng như đại hội này, chúng ta sẽ bị rối loạn nhân cách. Để chữa bệnh rối loạn này, nên từ bỏ tư cách tị nạn chính trị, trở về làm người tha phương cầu thực.
Tinh thần kẻ sĩ yêu nước:
Chúng ta đã bất hạnh vì mất nước. Chúng ta không thể mất niềm hãnh diện về một căn cước cao quí và niềm hy vọng chính đáng. Đó là thái độ ngẩng đầu của kẻ sĩ mà quý anh chị gọi là tinh thần đại học đấy. “Phi chính trị đảng phái” là một chủ trương đúng đắn, nhưng Thụ Nhân phải là một kẻ sĩ yêu nước." (Hết trích)
Ngô Thanh Tâm
(Thụ Nhân Triết)
Source: http://www.lyhuong.net/uc/index.php/bandoc/622-622
No comments:
Post a Comment