24 April 2011

Tùy bút


(Kính dâng hương hồn Cố Đại Úy Huỳnh Huỳnh Tiên
và tặng cô Nguyễn thị Yến với tất cả nỗi niềm thương nhớ và kính trọng)

Bệnh viện bỗng dưng xôn xao vì phòng 120 đông nghẹt lính và những người thăm nuôi khi một người phụ nữ mang thai 8 tháng được chuyển đến . Bác sĩ và y tá chạy ngược, chạy xuôi khi biết người mẹ chuẩn bị lâm bồn. Có điều gì lạ với một sản phụ thế nhỉ?

Người đàn bà mang thai tên Nguyễn thị Yến, còn rất trẻ, nhập viện với một vòng băng trắng ngang trán . Mảng băng trắng đã hất ngược phần tóc phía trước ra sau làm khuôn mặt cô Yến trông hơi luộm thuộm, vết thương thấm máu ra ngoài bông băng một chút nay đã thẫm màu máu lại . Điều đặc biệt là cô luôn miệng nói với tất cả bác sĩ, y tá và những người bên cạnh cô:

- Cho em đi thăm anh Tiên một chút hay cho em nhìn thấy ảnh một chút cũng được, rồi em sanh con nhanh thôi mà ...

- Em biết anh ấy còn sống ...

- Em đỡ cái đầu anh ấy dẫu biết anh ấy bị thương, nhưng vẫn còn sống ...

- Em xin các anh chị nói cho em biết anh ấy nằm ở phòng nào đi, em đi bộ sang cũng được nữa ..
- Em lạy bác sĩ cho em đi thăm chồng em ...

- Bác sĩ à, chồng em còn sống mà, anh ấy chỉ bị thương ở đầu thôi . Tin em đi

Những câu nói có đầu đuôi lại dường như thảng thốt, mất bình tĩnh trong giọng nói . Cô không khóc, nhưng không còn biết mình còn một bé gái 3 tuổi đứng khóc thút thít bên bà ngoại ở góc phòng mà cô lại luôn miệng hỏi về người chồng. Mọi người đều cầu nguyện cho người sản phụ khác thường ấy được mẹ tròn con vuông . Cơn vật vã, mồ hôi, hơi thở rướn cong, tiếng ồn ào trộn lẫn nhau gồm cả tiếng kêu xé lòng của người mẹ và gọi xót xa của người vợ ...

- Anh Tiên ơi ...

Máu, mồ hôi và nước mắt nhòe nhoẹt đâu đó trên những khuôn mặt người, trên bàn sanh, trong phòng bệnh . Những bàn tay vỗ về người sản phụ và nựng nịu đứa bé gái mới vừa chào đời đã làm mọi người trong phòng khóc ròng. Mẹ tròn con vuông - cảm tạ Ơn Trên vô vàn

Sau ngày ấy, lính vào càng lúc càng đông - cả cấp chỉ huy mang lon Thiếu tá - và anh em binh sĩ . Ai cũng nói một câu giống nhau duy nhất, kể cả các bác sĩ :

- Trung úy Tiên còn sống, anh ấy nằm bên phòng Hồi sức, chị mới sanh còn yếu lắm, mai mốt y tá đem anh ấy sang thăm chị, chị đừng lo !

Rồi sau đó họ lặng lẽ đi về, hết tốp này đến tốp khác - nhưng sao khuôn mặt họ nặng trĩu buồn và vị chỉ huy đã rưng rưng nước mắt ... Những phong thư tiền được trao cho bà ngoại của cháu bé 3 tuổi, cụ khóc ròng mỗi lần nhận phong thư . Đứa bé gái ngơ ngác và hốc hác trông thật tội nghiệp, quanh quẩn bên mẹ nhìn em mình một cách tò mò, ngây thơ . Trong túi em đầy kẹo của các cô y tá cho, em thích lắm, nhưng sao mẹ lạ quá ... mẹ không nói gì với bé cả, chỉ có bà ngoại là ôm bé hoài thôi và các bà đi vào thăm mẹ nữa ...
Một tuần lễ trôi qua, người sản phụ bây giờ nằng nặc đòi đi thăm chồng - nghe đâu đó một câu nói đau lòng trong dãy hành lang:

- Chắc cô ấy sẽ điên thôi ... chịu sao nổi !

Và người sản phụ quên cả cho con bú ... đứa bé khóc ngất, bà ngoại lại đến kế bên dỗ dành cho gái cho bé bú . Người sản phụ ăn rất ít, gần như không chịu ăn và ngủ rất ít . Ngày cũng như đêm và vừa chợp mắt được một chốc lại giật mình trăn trở, rồi lại hỏi mẹ ruột về chồng mình .
Hành lang bệnh viện dần dần biết toàn bộ câu chuyện thương tâm não lòng của người quả phụ - cho tôi bắt đầu viết hai chữ Quả Phụ Tử Sĩ từ đây -

Đêm hôm ấy, Việt cộng đánh trại Gia Binh - trại sĩ quan lẫn trại của binh sĩ - Địch công đồn bằng chiến thuật biển người từ đồn điền cafe sau trại Gia Binh . Tiếng lựu đạn nổ vang trời trong đêm khuya, tiếng hô xung phong, tiếng đạn trên đồn bắn trả, tiếng chân người chạy rầm rập quanh vách nhà, tiếng đập cửa, tiếng lên đạn trên nòng súng, tiếng gọi kêu cứu, tiếng thét, tiếng gọi chữa cháy nhà ... tất cả đã tạo thành một mớ âm vang cực kỳ hỗn độn khuấy động màn đêm yên tĩnh .

Tàn một đêm, sáng hôm sau ... chiến trường tang thương phơi bầy những gì đã xảy ra hãi hùng đêm qua . Nhà cháy, người chết cháy, nhà sập, những cánh cửa mở toang vì những bàn chân tàn bạo đạp tung, người chết và người bị thương nằm ngồi ngẩn ngơ thất hồn bên cạnh người sống hốt hoảng!

Một người đàn bà chết cháy mùi khét lẹt bị kẹt dưới thanh gỗ kèo nhà chắn ngang cái bụng mang thai ! Người chồng - là một sĩ quan đêm qua trực đồn - ngồi im lặng bên xác vợ, chẳng buồn kéo thây vợ ra khỏi cái đà ngang ấy, những đứa trẻ đứng lớ ngớ bên cạnh gọi mẹ, gọi ba ...

Một người đàn bà bụng mang dạ chửa khác nữa với vết thương viên đạn xuyên ngang trán ngồi vuốt khuôn mặt bê bết máu của chồng và luôn gọi : Anh Tiên ơi ... Đứa bé gái trong góc nhà khóc ngất trong hoảng hốt và bà cụ già ngồi ôm cháu kêu Trời ...

Tất cả mọi người dường như không còn nhìn thấy ai và nhìn thấy gì nữa - khuôn mặt những nạn nhân là nét vô hồn, sợ hãi còn đọng lại đêm qua . Những căn nhà bỗng mở toang hoang và đổ nát mọi ngõ ngách, đồ đạc vương vãi khắp nơ.

Lòng người chết lặng! Và Trời Đất âm u chuyển mưa ...

Giọt mưa đổ xuống phủ hết cây cối quanh khu trại Gia Binh, những lô cốt gần đấy và xóa trôi đi những vệt máu trên hiên nhà của người đàn bà ngồi ôm đầu chồng - Trung úy Huỳnh Huỳnh Tiên đêm qua xuống ca trực, nên đã ở nhà với vợ con .

*
Bẵng đi 30 năm sau, tôi có dịp gặp lại người quả phụ - bây giờ đã làm bà ngoại - vẫn mái tóc cắt ngang trên chân mày - vẫn gầy gầy, ngồi đàn tranh cho tôi nghe và giọng Bắc chùng xuống kể lại chuyện xưa ...

VC đã đạp cửa nhà cô vào đêm đánh trại, chúng dùng báng súng con ạ . Rồi chúng gọi chú ra ngoài, cô sợ quá chạy theo van xin chúng đừng giết chú, chúng bắn dọa cô một viên đạn xuyên qua trán cô đây rồi lôi chú ra trước phòng khách ... Chúng bắn chú ngay đầu chú trước mắt cô ... Khi chúng đi rồi, cô ngồi ôm đầu chú và gọi hét lên lời kêu cứu, nhưng cảnh tượng ngoài sân thật khủng khiếp ... nhà thím Bi đối diện bị cháy, nhà con bị sập và cây cối đổ ngang dọc!

Cô gọi mãi vẫn không thấy ai đến trong đêm khuya, đến sáng thì cô không còn nhớ gì nữa cả kể cả chuyện cô sinh bé Nguyệt Trừ và chuyện cô có bé Nhật Trừ 3 tuổi. Một năm sau, người Tiểu đoàn trưởng đưa cô ra thăm mộ chú - ngôi mộ ấm cúng và được chăm sóc đàng hoàng trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa . Nhìn di ảnh chú, bấy giờ cô mới khóc chồng thật sự con ạ, mới tin rằng chồng mình đã chết ... Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu hồ nghi mong manh đã che lấp được cái dấu diếm của bạn bè đồng ngũ chồng mình trong lòng cô 1 năm và cô đã sống với niềm hy vọng nhập tâm rằng chú Tiên chỉ bị thương nặng mà thôi - trí óc cô kể từ lúc ấy đã khóa lại mọi suy nghĩ khác .

Và cô bắt đầu cầm trong tay cuốn sổ CÔ NHI QUẢ PHỤ mà trước đây bà ngoại đã nhận từ vị Thiếu tá chỉ huy trưởng .

Con xem lại vết thẹo trên trán cô ẩn sau mớ tóc thời thanh xuân của tuổi 20 đây - cô vén mái tóc sang một bên và tôi nhìn thấy vết thẹo dài thật sâu nằm vắt ngang gần hết trán - Cô còn nói thêm :
- Cô biết vào tuổi làm bà ngoại của cô, cô không nên để kiểu tóc trông rất trẻ này, nhưng đó là NHAN SẮC CƯ TANG của cô dành cho người chồng yêu quý, có lẽ đời sẽ hiểu cho cô ...

*
Người đàn bà quả phụ năm xưa cư tang chồng vẫn ở vậy nuôi hai đứa con gái Nhật Trừ, nay là bác sĩ Sản Khoa và Nguyệt Trừ nay là y tá . Bà làm bạn với tiếng đàn tranh và những đứa học trò đến học đàn . Bà không khóc nữa, lặng lẽ bình tâm sống với hình ảnh chồng trên chiếc bàn thờ trong phòng ngủ của bà .

Như Thương

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...