07 April 2011

Nixon và Việt Nam

(Tiếp theo và hết)

Bài 2 - Hòa bình giả tạo

Trọng Đạt

Hòa Đàm Paris

Hà Nội sau khi bị thảm bại trước sức mạnh của không lực Mỹ và bộ binh VNCH đã đàm phán nghiêm chỉnh trở lại. Họ biết chắc Nixon sẽ đắc cử Tổng thống tháng 11-1972, qua sự thăm dò Nixon hơn thượng nghị sĩ McGovern tới 30 điểm, trong phiên họp ngày 8-10-1972, BV muốn ký kết trước kỳ bầu cử Tổng thống, họ đưa bản đề nghị chỉ nhắm vào những điểm chính và bỏ nhiều đòi hỏi trước như Mỹ phải rút quân hoàn toàn, thành lập chính phủ Liên Hiệp tại miền Nam, lật đổ chính phủ Thiệu, cắt viện trợ quân sự cho miền Nam. CSBV muốn ngưng bắn tại chỗ, Mỹ rút quân, trao đổi tù binh trong vòng 6 tháng nhưng có một vấn đề không nhượng bộ, họ không chịu rút quân về Bắc lấy cớ không can thiệp vào nội bộ miền Nam, không có quân ở miền Nam. Nixon nói Mỹ phải nhượng bộ nếu không BV sẽ không chịu ký kết, hai bên dự định ký Hiệp định vào ngày 31-10-1972

Ngày 18-10-1972 Tiến sĩ Kissinger qua Sài Gòn để giải thích, TT Thiệu dứt khoát từ chối, Kissinger cho biết VNCH sợ sự gian trá của CS. Thực tình mà nói CSBV thua to trong trận mùa hè đỏ lửa 1972 mà lại như thắng trong khi VNCH thắng mà bị xử như thua. Sàigòn đòi Cộng quân phải rút về Bắc, đòi thay đổi 20 điểm, trong đó có bẩy điểm chắc chắn BV không chấp thuận. Điều chắc chắn là ngày 31-10-1972 là thời hạn chót nhưng bản Hiệp định sẽ không thành tựu. Người Mỹ đàm phán với VNCH và đồng thời với BV, Hà nội đồng ý nhiều điểm và muốn chứng tỏ cho thấy VNCH cản trở hòa đàm để đẩy ông Thiệu vào thế khó xử, nếu ông ta bác bỏ thỏa ước thì sẽ bị quốc tế lên án vì dự thảo có vẻ được, nếu chấp nhận sẽ bị trong nước chỉ trích là nhượng bộ CS.

Ngày 26-10-1972, Kissinger họp báo tuyên bố hòa bình trong tầm tay

Cuối tháng 10-1972, Tiến sĩ Kissinger tới Sài Gòn để bàn về việc ký kết Hiệp định TT Thiệu không đồng ý, đòi sửa một số điều khoản nhất là CS phải rút hết về Bắc. TT Nixon cho ông Thiệu biết nếu miền Nam gây trở ngại cho hoà đàm thì Quốc Hội sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh tháng 1-

1973, cắt viện trợ bỏ rơi VNCH để đánh đổi lấy khoảng 580 tù binh Mỹ tại Hà Nội. Nixon cho biết.

“Sự tồn tại của miền nam Việt Nam không phụ thuộc vào việc quân địch còn đóng tại một số vùng dân cư thưa thớt. Nó phụ thuộc vào việc Nước Mỹ cưỡng bách thi hành Hiệp định cùng với việc tiếp tục viện trợ và với sự đe doạ trừng trị bằng vũ lực. Điều đó chỉ có được nếu Sài Gòn được Quốc Hội  (Mỹ) ủng hộ. Nếu chúng ta không giải quyết cuộc chiến nhanh chóng, Quốc Hội có thể biểu quyết đạo luật chấm dứt chiến tranh vào tháng Một (1973). Nếu Quốc hội kết luận rằng miền nam Việt Nam gây trở ngại việc ký kết, việc này có thể khiến ta (Hành pháp) không giúp được đồng minh (túc VNCH) nếu cần. Tuy nhiên tôi cũng để cho Thiệu có thời gian suy nghĩ” (No More Vietnams, trang155)

Thật vậy, việc CS rút hết về Bắc không quan trọng bằng VNCH được Quốc Hội  (Mỹ) tiếp tục viện trợ quân sự, nếu VNCH không chịu ký thì Quốc Hội sẵn sàng hy sinh VNCH và cả Đông Dương để đánh đổi lấy 580 tù binh Mỹ còn bị Hà Nội giam giữ. Cả Sài Gòn và Hà Nội đều dùng mưu mẹo với Hoa Kỳ. Ngày 9-11-1972, Nixon cử Tướng Haig tới Sài Gòn để tham khảo với VNCH, Nixon gửi thư cho Thiệu nói cố gắng sửa đổi, Haig cho biết nếu không ký trước khi Quốc hội họp lại tháng 1-1973, Lâp pháp sẽ cắt hết viện trợ cho miền Nam VN. Đối với Quốc hội Mỹ, sinh mạng của VNCH và cả Đông Dương không nghĩa lý gì so với sinh mạng của 580 tù binh của họ còn bị BV giam giữ.

Ngày 14-11-1972 TT Nixon lại thư cho TT Thiệu hứa hẹn sẽ trừng trị thích đáng BV nếu họ vi phạm Hiệp định

Ngày 20-11 mở lại Hòa đàm Paris, Tiến sĩ Kissinger đưa ra những khoản do VNCH đòi sửa đổi nhưng Hà Nội bác bỏ ngay, TT Nixon cho biết nếu muốn ký Hiệp định phải bỏ đa số những khoản ông Thiệu đòi sửa. Ngày 4-12-1972, BV tỏ ra ương bướng hơn, đã bác bỏ các khoản Mỹ đề nghị sửa mà còn rút bỏ bớt một số điểm hai bên đã thỏa thuận, họ đưa ra những điểm không thể chấp nhận được. Kissinger nói với Nixon chắc là BV muốn phá hòa đàm để mở cuộc tấn công quân sự, BV tiếp tục bàn thảo nhưng không tiến tới ký kết, Kissinger và Nixon nhận định BV muốn kéo dài chiến tranh không muốn thương thảo. Ngày 13-12 hai bên lại đàm phán, Hà Nội muốn tiếp tục chiến tranh, Nixon muốn dùng hành động để bắt họ phải ký kết Hiệp định có nghĩa là phải ném bom BV. Ngày 14-12-1972 Nixon ra lệnh phong tỏa cảng Hải phòng trở lại, cho oanh tạc các mục tiêu quân sự Hải phòng bằng B-52.

“Đó là một quyết định khó khăn nhất liên quan đến Việt Nam mà tôi đã làm trong suốt nhiệm kỳ Tổng Thống của tôi. Nhưng tôi không thể làm khác hơn được. Tôi đoan chắc rằng nếu ta không bắt BV ký kết Quốc hội có thể buộc chúng ta phải chấp nhận thất bại bằng rút hết quân để đổi lấy tù binh ” (No More Vietnams Trang 157).

Ngày 17-12 Hoa kỳ cho rào mìn, trong 24 tiếng đồng hồ 129 oanh tạc cơ B-52 bay qua ném bom BV, trong 12 ngày đã thực hiện được 729 phi vụ B-52 và khoảng 1,000 phi vụ khu trục cơ, tổng cộng đã ném khoảng 20,000 tấn bom. Các mục tiêu gồm đường giao thông, đường hỏa xa, nhà máy điện, phi trường, kho dầu, tất cả những cơ sở có tính quân sự.

Trận mưa bom đã khiến người dân Mỹ chống đối dữ dội, người ta cho rằng Nixon điên cuồng trong cơn giận dữ, họ gọi ông là bạo chúa, nào là “Trận oanh tạc giết người tàn bạo nhất trong lịch sử thế giới” (The most murderous aerial bombardment in the history of the world), nào “chính sách giết người hàng loạt nhân danh nhân dân Hoa Kỳ”…

Dư luận báo chí tố cáo Nixon oanh tạc trải thảm BV trong dịp Giáng Sinh nhưng ông cho họ sai lầm hoàn toàn, Hoa Kỳ không oanh tạc trong ngày Giáng Sinh (nghỉ ném bom hôm 25). Hồi Thế chiến thứ hai Mỹ ném bom trải thảm các thành phố Đức, Nhật nhưng tại BV, phi công Mỹ chỉ oanh kích các mục tiêu quân sự và được lệnh tránh thiệt hại cho thường dân dù phi công phải chịu nguy hiểm. TT Nixon nói tại Hà nội số thường dân bị tử thương trong trận oanh tạc này chỉ vào khoảng từ 1,300 cho tới 1,600 người, đó là điều đáng tiếc nhưng không thấm gì so với thiệt hại khi Mỹ oanh tạc các mục tiêu thường dân hồi Thế chiến Thứ hai: Tại Dresent, Đức có tới 35,000 người chết trong 3 đợt oanh tạc, tại Hamburg trên 42,000 người chết trong sáu đêm oanh tạc và 83,000 người Nhật bị giết khi Mỹ thả bom lửa tại Đông Kinh trong hai ngày. Nếu Mỹ oanh tạc các mục tiêu dân sự tại Hà Nội Hải Phòng thì số tổn thất sẽ cao hơn một trăm lần.

Trận mưa bom mười ngày từ 18-12-1972 cho tới 29-12-1972 thành công về mặt quân sự, đã đập tan nát bộ máy chiến tranh của Hà Nội khiến họ phải khiếp đảm, mất hết tinh thần. Về chính trị Mỹ đã buộc BV phải trở lại bàn hội nghị, ngày 8-1-1973 phái đoàn CS chấp nhận những khoản cơ bản trong 48 giờ đồng hồ. Hôm sau, ngày 9-1-1973 Kissinger điện tín cho TT Nixon nói những vấn đề quan trọng đã được giải quyết xong. Nixon cho biết đối với đa số người Mỹ, cuộc chiến VN không có các anh hùng, không duyệt binh, tuyên dương chiến sĩ…. Truyền thông báo chí coi những chính trị gia phản chiến, những người chống chiến tranh, bọn trốn lính mới là anh hùng.

Nixon nói ông đã hội nhập với lịch sử VN từ 1953 khi làm Phó Tổng thống, đã đến thăm Hà Nội, Sài Gòn , ông quí trọng người VN can đảm chịu đựng cuộc chiến chống kẻ thù tàn ác. Năm 1969 lên làm Tổng thống, Nixon muốn chấm dứt chiến tranh ngay nhưng với mục đích: Tránh cho người dân VN không bị CS cai trị và làm cho CS thế giới nhụt chí xâm lăng. Ông ghét chiến tranh VN cũng như tất cả các cuộc chiến khác nhưng không thể chấm dứt chiến tranh VN mà có thể gây ra những cuộc chiến khác lớn hơn.

Chiến tranh VN khiến người Mỹ đau lòng vì cuộc chiến tại đất nhà, một cuộc chiến tranh gây nhiều chia rẽ nhất từ xưa đến nay, nó đã khiến nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ thân thiết nhất của Nixon từ hơn 20 năm qua đã trở thành đối thủ của ông khi lên làm Tổng thống năm 1969. Cuộc chiến này đã khiến nhiều nhà báo, truyền thông trước đây khách quan nay thành những người xấu, thiên lệch, họ chống đối chính phủ, đi ra ngoài quyền lợi của đất nước. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1972, Nixon được 61% số phiếu bầu toàn quốc, trong khi ứng cử viên đối thủ phản chiến được 81% số phiếu của truyền thông, báo chí. Các phóng viên coi như họ có bổn phận chống lại chính sách của chính phủ bằng mọi cách.

Nixon nói (No More Vietnams, trang 162) ông mong các thế hệ trẻ Mỹ đã được hướng dẫn, được dậy ghét nước Mỹ thập niên 60 sẽ học yêu nước Mỹ, ông đã thấy nhiều người thuộc lớp trẻ chống chiến tranh VN những năm bầu cử 1968, 1972. Tại Virginia, Nixon tới đọc diễn văn trước một cuộc hội họp đã bị một cô gái 17 tuổi vượt hàng rào an ninh chạy tới nhổ nước bọt vào mặt ông, chửi ông là đồ sát nhân. Johnson chết vì đau tim tháng 22-1-73, hàng trăm nhà chính trị gia, kinh doanh đã được ông giúp đỡ nay chẳng ai thương xót ông, họ đã từ bỏ ông, đã kết án ông là tội phạm chiến tranh. Nixon nói hơn 50,000 người Mỹ đã chết tại VN, tốn kém hơn 50 tỷ Mỹ kim, và đã mất mười năm trôi qua, VN đã làm tê liệt các nỗ lực của người Mỹ về mặt xã hội vì phải dốc tài nguyên cho chiến tranh.

Sau khi nhận được tin tức từ Paris về việc ký kết hiệp định, Nixon cảm thấy thoải mái hơn là phấn khởi, ông quyết định dồn mọi nỗ lực để giữ hòa bình.

“Tôi biết rằng hòa bình chỉ là mỏng manh. Tôi chủ trương làm đủ mọi cách để giữ hòa bình sao cho sự hy sinh của chúng ta không trở thành vô ích. Tôi biết rằng địch chỉ giữ hòa bình khi nếu họ biết rằng cái giá mà họ phải trả sẽ vượt quá cái mà họ đã thu được nếu họ vi phạm” (No More Vietnams, trang 163)

Hiệp định được ký ngày 27-1-1973 tại khách sạn Majestic, Paris.

Nixon nói (trang 167, sách đã dẫn)

“Tôi thông cảm với Thiệu và chia sẻ nỗi lo âu của ông ta.Tôi biết rằng Hiệp định có nhiều khuyết điểm. Nhưng tôi nghĩ nhìn chung cũng tốt đẹp. Và tôi biết rằng trong khi Quốc Hội đang phản đối ầm ĩ, chúng ta không thể làm gì khác hơn thế”.

Hành pháp bị bó buộc phải ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh phục hồi hòa bình ở VN, vì còn nhiều yếu điểm ông muốn thương thảo để được khả quan hơn nhưng không thể kéo dài thêm trong khi Quốc Hội sắp ra luật chấm dứt sự can thiệp của Mỹ có lợi cho Hà Nội, ông chua chát bảo.

“Lúc này không phải là lúc thuận lợi cho chúng ta mà đó là giờ phút cuối cùng”. (It was not our finest hour – but it was the final hour”) (Trang 170, No More Vietnams)

Trong khi Quốc Hội Mỹ gồm đa số thành phần Dân chủ phản chiến sẵn sàng ban hành luật chấm dứt chiến tranh rút hết quân về nước bỏ Đông Dương để đánh đổi lấy 580 tù binh còn bị CSBV giam giữ thì Nixon không làm gì hơn được.

Thời hậu chiến

Sau ngày ký Hiệp định Paris, miền Nam mạnh hơn miền Bắc, Hoa kỳ đã trang bị cho VNCH khoảng 2,000 máy bay đủ các lọai, 2,000 xe tăng thiết giáp, khoảng 1,500 khẩu đại bác, 1,500 tầu bè các lọai…bộ binh có hơn một triệu quân, lính nhà nghề gồm 11 sư đòan, 2 sư đoàn tổng trừ bị, 17 liên đoàn Biệt động quân… Miền Bắc bị thiệt hại nặng sau trận mùa hè đỏ lửa khoảng từ 70 ngàn cho tới 100 ngàn quân, khoảng từ 500 cho tới 700 xe tăng bị bắn cháy. Trong trận mưa bom của B-52 tại Hà Nội Hải Phòng từ 18-12-1972 cho tới 29-12-1972, các hạ tầng cơ sở quân sự, kho hàng, nhiên liệu, đường xe lửa, phi trường bị đánh phá tan nát. Nhưng từ từ theo thời gian miền Bắc được CS quốc tế viện trợ dồi dào, miền Nam bị Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ dần dần nên cán cân chênh lệch rõ rệt.

Hà Nội định nghĩa ngưng bắn là Hoa kỳ “ngưng”, họ “bắn”.

Trước khi ký kết TT Nixon đã trấn an ông Thiệu: Hoa kỳ tiếp tục viện trợ quân sự đầy đủ cho VNCH để cân bằng lực lượng có thể chống trả BV khi họ vi phạm ngưng bắn, VN chống lại vi phạm nhỏ, Mỹ chống lại vi phạm lớn bằng yểm trợ không lực, ít nhất Mỹ có thể làm như vậy. Ngoài ra Hiệp định cũng hứa hẹn bồi thường chiến tranh, tái thiết miền Bắc bị tàn phá. Nga, Tầu không đủ khả năng giúp họ, bởi vậy viện trợ tái thiết của Hoa Kỳ sẽ là động cơ khiến BV thi hành Hiệp định nghiêm chỉnh, Nixon nói Hiệp định vừa có cây gậy, vừa có củ cà rốt.

Trườc khi ký Hiệp định Mỹ vội viện trợ cho VNCH 3 tiểu đoàn pháo binh 175 ly, 2 tiểu đoàn thiết giáp M-48, 286 trực thăng UH-Helicopter, 23 trực thăng CH-47, 22 trực thăng AC-119K vũ trang, 28 máy bay chiến đấu A-1, 32 máy bay vận tải C-130A, 90 phi cơ oanh tạc loại nhẹ A-37, 118 máy bay chiến đấu F-5A, 23 máy bay thám thính EC-47..

Hà Nội vi phạm hiệp định sau ngày ngưng bắn, VNCH chống lại. Tháng 2-1973 đã có 175 xe vận tải, 223 xe tăng BV vào Nam qua đường mòn Hồ chí Minh, BV gia tăng xâm nhập, tháng 5-1973 họ chuyển khoảng 35,000 quân và 30,000 tấn vũ khí vào Nam, Hà Nội từ chối rút quân khỏi Miên Lào, từ chối trả vài trăm tù binh VNCH gây trở ngại việc thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc, phá bầu cử.

Trước sự vi phạm liên tục Nixon tức giận định trả đũa nhưng ông bị báo chí tố cáo ầm ĩ vụ Watergate và bị Quốc hội phản ứng mạnh đối với vấn đề VN nên không làm gì được. Tháng 2-1973 Kissinger ra Hà Nội, CS đòi Mỹ phải viện trợ tái thiết bồi thường chiến tranh, Kissinger nói tùy thuộc vào việc họ tôn trọng Hiệp định ngưng bắn và ông phản đối dữ dội việc họ vẫn còn vi phạm tại Mên Lào khiến Mỹ không thể chịu nổi. Từ 1972 Hà Nội gây dựng chế độ Khmer Đỏ để hòng chiếm Nam Vang từ đó cô lập VNCH. Lon Nol tăng quân từ 30,000 tới 200,000 người nhưng dàn mỏng và các sĩ quan thiếu huấn luyện. Tháng 1-1973 Khmer đỏ bao vây Nam Vang khiến Mỹ phải oanh tạc giải vây.

Sau ngày ngưng bắn Hà Nội hối hả đưa khoảng 18,000 xe vận tải và vào khoảng 70,000 người xâm nhập vào miền Nam trước tháng 4 khi mùa mưa tới, Nixon cho oanh tạc trả đũa tháng 2, tháng 3 -1973 nhưng sợ ảnh hưởng tới việc trao trả tù binh dự trù 27-3-1973, tháng 4 ông hăm dọa BV để họ đừng vi phạm nhưng không oanh tạc, ông cho đó là sự sai lầm. Các Dân biểu, Thượng nghị sĩ phản chiến chống đối chính sách của Hành pháp, tháng 5, tháng 6 -1973 họ dự định làm luật cấm oanh tạc Miên, cấm can thiệp quân sự trực tiếp hay gián tiếp vào Đông Dương, cấm viện trợ tái thiết cho BV, như thế họ rút luôn cả cây gậy lẫn củ cà rốt khiến Hà Nội không còn lý do gì để chấp hành Hiệp định nữa.

Tháng 4-1973 mùa khô hết, chỉ còn một ít mục tiêu trên đường mòn Hồ Chí Minh, khả năng trừng phạt sự vi phạm của BV tiêu tan vào cuối tháng 4-1973, không phải Tổng thống Nixon mất ý chí, ông muốn hành động nhưng sự ủng hộ của Quốc hội đã hao mòn. Mỗi khi Tổng thống lên tiếng nói về trừng phạt, Quốc hội lại chống đối ầm lên, mỗi khi nhắc lại họ chống đối dữ hơn. Tháng 5-1973, TT Nixon không thể kiếm đủ số phiếu hậu thuẫn cho lời nói mạnh để hành động mạnh, trong bất cứ mọi trường hợp Quốc hội tước đọat quyền trả đũa của ông.

Từ cuộc hành quân Kampuchia năm 1970, Quốc hội Mỹ cấm hành quân qua Miên, cấm huấn luyện quân đội Miên, hạn chế tối đa viện trợ quân sự, Nixon chỉ còn cách oanh tạc Khmer đỏ để cứu Lon Nol.

Những người chống đối đòi chính phủ cử người đi đàm phán, dùng ngọai giao hòa bình không dùng quân sự. Thượng nghị sĩ Ted Kennedy đề nghị chính phủ cử các nhà ngọai giao tới Đông Dương thương thuyết thay vì cử B-52 nhưng trên thực tế không thể dùng ngọai giao được vì Khmer đỏ cũng như BV chỉ tấn công mà không chịu thương thuyết, ta chỉ có thể oanh tạc chúng được thôi. Nixon cho rằng các nhà dân cử phản chiến ngu đần ngây thơ không biết rằng chính sách ngọai giao không thể thiếu sức mạnh để hậu thuẫn nó. Ngọai giao vô hiệu quả trừ khi được kết hợp với áp lực quân sự, nhưng ông không thể nào thuyết phục Quôc hội về sự kiện này.

Chính phủ cần tiền để tiếp tục oanh tạc Khmer đỏ, Quốc hội từ chối và còn bắt đầu soạn tu chính án cấm dùng mọi ngân khoản cho các cuộc oanh tạc. Nỗ lực của chính phủ để ngăn chận sự chống đối của nhóm phản chiến tại Quốc hội thất bại tháng 6 -1973. Khi tu chính án đưa lên bàn Tổng thống ngày 27-6-1973, Nixon phủ quyết, ông cho biết tu chính án có thể phá hỏng mọi nỗ lực hòa bình tại Cam Bốt và sự rút quân của CSBV theo Hiệp định ngày 27-1-1973 , nhóm phản chiến tại quốc hội chống đối Nixon.

Thượng nghị sĩ Mansfield cảnh cáo Tổng thống nếu không ngưng ném bom họ sẽ cắt các ngân khoản điều hành của chính phủ, Tổng thống sẽ chịu trách nhiệm. Những người ủng hộ Tổng thống đề nghị ông nên ấn dịnh ngày nào ngưng ném bom, Nixon đồng ý và ấn định 45 ngày và ký thành luật ngày 30-6-1973, có hiệu lực ngày 15-8-1973. Tu chính án xác định từ nay không còn ngân khoản nào dùng trực tiếp và gián tiếp cho các hoạt động quân sự tại Miên, Lào, Bắc và Nam VN hay ngoài khơi Mên, Lào, Bắc, Nam VN.

Sự thất bại này khiến Nixon không còn thẩm quyền giữ hòa bình cho VN và cho phép lãnh đạo Hà Nội tự do thao túng tại miền Nam VN. Quốc hội tiếp tục hạn chế quyền Tổng thống về quân sự đó là Dự luật War Power act: Tổng thống phải thảo luận với Quốc hội trước khi tham chiến, Tổng thống có quyền gửi quân tham chiến 60 ngày không cần hỏi ý kiến Quốc hội và thêm 30 ngày nếu không xác nhận bằng văn thư sự cần thiết bảo đảm an ninh cho quân ta.

Ngày 24-10-1973 Nixon phủ nhận War Power act cho rằng nó vi phạm Hiến pháp xâm lấn quyền Tổng thống. Ngày 7-11-1973 Quốc hội lại phủ quyết bác bỏ phủ quyết của Nixon, như thế Hà Nội được yên tâm chuyển quân vào xâm lăng VNCH mà không bị Mỹ oanh tạc trả đũa.

Có hai lý do khiến Quốc hội xâm lấn chính sách của Tổng thống đó là cuộc chiến VN và vụ Watergate tháng 4-1973, vụ Watergate kế tiếp chiến tranh VN với những sự chỉ trích, chống đối hành pháp dữ dội khiến một số viên chức chính phủ phải xin nghỉ. Watergate đúng là sự ám ảnh của Hoa Thịnh Đốn, nó khiến chính phủ phải mất thời giờ quan tâm không giải quyết được các lãnh vực khác. Một mình Watergate không đủ sức phá bỏ khả năng bảo vệ Hiệp định Paris của Tổng thống. Những khó khăn của chính phủ tại Quốc hội bắt nguồn từ phong trào phản chiến, nó chuẩn bị cho Watergate. Nixon tưởng rằng đem quân về nước, phục hồi hòa bình người ta sẽ thôi chống đối nhưng trái lại đám phản chiến vẫn gia tăng chống đối.

Trong khi còn chiến tranh, nhóm Bồ câu không dám cắt quân viện vì sợ bỏ rơi quân ta tại chiến trường. Mới đầu nhóm Diều hâu ủng hộ chính phủ nhưng không được lâu dài, khi chiến tranh không được dân ủng hộ, Diều hâu chán không phấn đấu nữa mặc dù vẫn dành phiếu cho Nixon nhưng họ không muốn chống lại Quốc hội. Một cảnh tượng không ngờ, Bồ câu thì chống dữ dội, Diều hâu yên lặng khiến nỗ lực của nhóm phản chiến được Quốc hội chấp thuận năm 1973, nó đã mang đi sự đe dọa trừng trị cuối cùng của Mỹ đối với CSBV và như thế đã phá hỏng cơ hội cuối cùng của chính phủ để gìn giữ hòa bình cho VN.

BV nắm ngay cơ hội nghìn năm một thuở, tháng 10-1973, lãnh đạo CS tại Hà Nội lệnh cho các đơn vị chính qui tấn công miền Nam khởi đầu cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ ba. Nixon nói sau Hiệp định Paris VNCH bị nhiều bất lợi phải lâm vào thế phòng thủ, trong khi miền Nam VN bị tấn công, BV không bị Mỹ hăm dọa, họ chủ động chính trị quân sự tại VN. Từ sau ngày ngưng bắn BV khởi công cho xây dựng xa lộ Đông Trường Sơn nằm trong địa phận VNCH để chuyển tiếp liệu, nhân lực vào Nam, xây dựng một kho tiếp liệu dầu rất lớn tại Thừa Thiên Quảng Trị, một ống dẫn dầu từ phía dưới khu phi quân sự chạy tới phía Bắc Sàigon. Trong 12 tháng BV đã làm thêm 12,000 dặm đường tiếp vận và rút ngắn 2/3 thời gian chở quân xâm nhập vào miền Nam qua 1,200 dặm vào VNCH. Trước khi ký Hiệp định Paris 27-1-1973 Mỹ oanh kích đường mòn Hồ chí Minh khiến BV không thể đem vào Nam nhiều như vậy, họ đi ban đêm từng toán nhỏ, nay không bị Mỹ ném bom họ đi bằng xe vận tải, 300 chiếc trên xa lộ Đông Trường Sơn mỗi ngày, mỗi tuần hàng ngàn xe vận tải tới miền Nam chở vũ khí, đạn dược, quân nhu. Các trung đoàn phòng không, pháo binh, xe tăng cũng được đưa vào. Hà Nội đưa vào Nam hơn 75,000 cán binh nâng tổng số quân lên 170,000 người. Số chiến xa tăng lên gấp 5 lần thành 500 chiếc, trọng pháo tăng từ 170 tới 250 khẩu.

Việc CS dám đưa vũ khí quân đội vào Nam VN cho thấy việc oanh tạc Lào quan trọng như thế nào, sự việc cho thấy Quốc hội Mỹ cấm oanh tạc sự

xâm nhập của địch tai hại như thế nào. Nixon nói thật là cay đắng khi ta nhìn Hà Nội gây dựng sức mạnh quân sự tại miền Nam mà đành chịu bó tay chịu trận. Hai năm sau ngày ngưng bắn Hà Nội đã phục hồi sức mạnh của họ như khi mở cuộc tấn công 1972, miền Nam VN nay lại phải đối phó với mối đe dọa xâm lược của BV mà không có yềm trợ của không lực Mỹ.

Trong khi Hà Nội chuyển vũ khí đạn dược vào Nam, Quốc hội cắt xén viện trợ cho VNCH liên tục, ngân khoản do Nixon đề nghị đã bị Quốc hội cắt giảm từ hai tỷ mốt (2,1 tỷ) tài khoá 1973 xuống một tỷ tư (1,4 tỷ) tài khoá 1974 và 700 triệu tài khoá 1975. Trong khi ấy BV vẫn được CS quốc tế viện trợ dồi dào: Giai đoạn 1969-1972: 684,666 tấn hàng vũ khí, giai đoạn 1973-1975: 649,246 tấn, hai giai đoạn coi như tương đương. Ưu thế giữa SàiGòn và Hà Nội đã hoàn toàn đảo ngược. Tại Hòa đàm Paris Mỹ hứa thay thế tất cả vũ khí đạn dược bị hư hại hoặc đã xử dụng sau ngày ngưng bắn nhưng Quốc hội từ chối không cho thay thế, họ cắt giảm viện trợ do hành pháp đưa ra. Từ 2,270 triệu tài khóa 1973, bị cắt xuống còn 1,010 tài khóa 1974 và 700 triệu tài khóa 1975, các Thượng nghị sĩ, dân biểu lý luận rằng viện trợ quân sự cũng như khuyến khích chiến tranh, nếu giảm quân viện cho Sài Gòn sẽ chấm dứt chiến tranh, thực ra họ muốn bỏ VN.

Lạm phát cũng giảm viện trợ: giá quân dụng tăng 27%, giá dầu tăng 400%, cuối 1973 những vụ vi phạm của CS liên tiếp xẩy ra khiến đạn dược của miền Nam cạn dần, tháng 12 năm 1973 các nhà quân sự hành pháp đề nghị tăng thêm 494 triệu cho ngân sách viện trợ. Tháng 1, tháng 2 -1974 khi Quốc hội đang duyệt xét, quân đội miền nam VN phải tiết kiệm đạn dược, giảm hỏa lực yểm trợ, bỏ bắn quấy phá. Khi Quốc hội bác bỏ đề nghị gia tăng quân viện tháng 4-1974, chỉ ba tháng trước khi bắt đầu ngân sách tiếp liệu cho VNCH nguy kịch, sự thất bại của Hành pháp trong quân viện có nghĩa là trong những tháng kế tiếp, đường ống tiếp liệu cho miền Nam sẽ chậm dần thành nhỏ giọt.

Kho đạn dược từ 177,000 tấn tháng 1-1973 tụt xuống còn 121,000 tấn tháng 5-1974 mặc dù đã xử dụng tiết kiệm cho tới xử dụng hạn chế. Tháng 4-1974 tiếp liệu đạn đại bác thật là nguy kịch. Khoảng 35% xe tăng, 50% thiết giáp, máy bay thiếu cơ phận thay thế phải nằm ụ, đến mùa hè kho quân dụng thê thảm vỏ xe, pin máy truyền tin, nòng súng M-16.. tụt xuống dưới mức an toàn. Vì bị cúp nhiên liệu, chỉ còn 55% xe quân xa di chuyển được, khả năng lưu động vận chuyển của quân đội không còn. Quốc hội cắt giảm khiến thuốc men bị thiếu hụt, tử vong cao. Năm 1974 kho dụng cụ y khoa thiếu hụt trầm trọng, năm 1974 đã khó khăn như thế nhưng năm 1975 còn tệ hại hơn nhiều nếu Hoa kỳ không viện trợ kinh tế quân sự đầy đủ. Vì viện trợ Quân sự bị cắt giảm, đã có một số các nhà quân sự đề nghị thu hẹp lãnh thổ vì không đủ lực lượng phòng thủ.

Từ chức ngày 9-8-1974, TT Nixon vô cũng bất mãn với tình hình VN, khi kết thúc Hiệp định Paris, ông đã đề ra hai kế hoạch bảo đảm hòa bình: Trước hết duy trì sự đe dọa trừng trị của Mỹ đối với một cuộc xâm lăng từ BV và sau đó là viện trợ quân sự đầy đủ cho VNCH để cân bằng lực lượng nhưng chung cục cả hai điều kiện trên đã bị Quốc hội phá hỏng hết

Hà Nội thành công khai thác lợi dụng hòa bình để chuẩn bị chiến tranh. Điều đáng sợ nhất là Hà Nội tái võ trang trong lúc đóng tại Lào, Miên, VNCH, khi Nixon rời chức vụ ông biết rằng Quốc hội để tình trạng ấy sẽ diễn ra, miền Nam bị bức tử mà không muốn để cho Tổng thống Ford đảo ngược tình hình. Nixon bị xúc động mạnh trước tinh thần vô trách nhiệm của Quốc hội gồm đa số phản chiến, VNCH là một nước nhỏ phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để sống còn trước cuộc tấn công thô bạo của chế độ độc tài. Các ông Thượng nghị sĩ, Dân biểu muốn miền Nam VN bị đơn độc thật là phi lý, trong khi Đại Hàn, Đức quốc đều có quân đội Mỹ đóng bảo vệ, họ không muốn cho hành pháp được quyền trả đũa BV xâm lăng hoặc cung cấp cho miền Nam VN đầy đủ đạn dược.

Nixon nói sự can thiệp của Mỹ đã cứu 19 triệu người miền Nam VN trong 18 năm không bị CS cai trị từ 1954-1972 và tạo thời cơ cho các nước Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân củng cố sức mạnh để phòng ngừa CS xâm lăng, ông cũng cố gắng thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ vẫn còn trách nhiệm sau khi đã ký Hiệp định.

Sau ngày 27-1-1973, Quốc hội đã rút hết trách nhiệm cũa Hoa kỳ đối với VNCH, họ hủy bỏ khả năng dùng sức mạnh của Mỹ để bảo vệ hòa bình, nếu không có sự đe dọa oanh tạc trở lại BV sẽ đem quân chiếm miền NamVN, và nếu không có viện trợ quân sự kinh tế, miền Nam sẽ không đủ sức tự vệ chống CS xâm lược.

“Tôi biết họ muốn để chiến tranh VN lại phía sau lưng chúng ta. Nhưng tôi không thể hiểu tại sao hình như họ quyết định đứng nhìn VNCH bị BV xâm lăng. Cho dù ý định của họ thế nào, nhưng đó là hậu quả hành động của họ” (No More Vietnams -Trang 190)

Cuối cùng xe tăng của CSBV tiến vào giữa Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975, một đất nước có chính phủ, quốc hội, quân đội.. đã tiêu tan như mây khói một sớm một chiều.

Trang 165 sách đã dẫn, TT Nixon nói.

“Chúng ta chiến thắng ở Việt Nam nhưng không giữ được hoà bình. Thành quả mà ta đạt được sau mười hai năm chiến đấu đã bị vứt bỏ trong một cơn điên khùng vô trách nhiệm của Quốc hội”

Kết Luận

Như đã trình bầy cuộc chiến tranh can thiệp trực tiếp (involvement) của Hoa Kỳ vào Đông Dương và Việt Nam gồm hai giai đoạn thuộc các nhiệm kỳ Tổng thống của Johnson 1965-1968 và Nixon 1969-1972, 1973-1974. Giai đoạn Johnson từ 1965-1968 là cơ hội rất thuận lợi để chiến thắng CS. Đây là lúc cao điểm của thuyết Domino, năm 1965 Johnson đã được lưỡng viện quốc hội và 78% dân chúng ủng hộ đưa quân vào VNCH và Đông Dương. Johnson được Quốc hội cho tăng quân đều đều bốn năm liên tiếp, có cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng ông đã bỏ lỡ cơ hội chiến thắng. Kế hoạch chiến tranh giới hạn “vừa đánh vừa run” của ông “Thầy Dùi” McNamara đã đưa tới thảm bại, từ sau Tết Mậu thân 1968, người dân không còn nhẫn nại được nữa, họ chống đối quyết liệt đòi phải phục hồi hòa bình đem quân về nước khi mà thuyết Domino đã đến lúc hết thời.

TT Johnson đã bàn giao lại cho người kế vị Nixon một gia tài đổ nát, một căn nhà dột, siêu vẹo. Tác giả Nguyễn Kỳ Phong trong cuốn Vũng Lầy Của Bạch Ốc trang 398 nhận xét về Nixon như sau :

“Khi Nixon được ghi vào lịch sử những vị Tổng thống Hoa Kỳ, ông có thể đượïc liệt kê là xấu hoặc tốt, giỏi hay dở. Nhưng không ai có thể phủ nhận Nixon không có một sự nghiệp chính trị ngoại hạng”

Nhưng cho dù có là Khổng Minh tái thế Nixon cũng không thể cứu vãn nổi tình hình, không thể đảo ngược được thế cờ thay đổi dòng lịch sử khi mà tỷ lệ người ủng hộ chiến tranh ngày càng tụt thang nhanh chóng: từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%, từ đầu 1969 tới tháng 10-1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28%.(nguồn Wikipedia).

Nixon chỉ trích những sai lầm trong chính sách quân sự của vị Tổng thống tiền nhiệm như sau:

-Oanh tạc BV hạn chế để họ phải ngồi vào bàn hội nghị cũng như để nâng cao tinh thần quân đội VNCH, Nixon cho rằng nâng cao tinh thần chưa đủ và Hồ Chí Minh cùng đồng bọn chỉ nghĩ tới xâm lược, họ không màng tới hòa giải.

-Johnson không xử dụng sức tấn công dữ dội của quân đội Mỹ, chỉ đánh hù dọa BV khiến cho họ lờn mặt không chịu chấm dứt cuộc chiến xâm lược miền Nam VN.

-Johnson đánh hao mòn quân BV tại VNCH nhưng ông đã thất bại vì không ngăn chận được sự xâm nhập của địch qua đường mòn Hồ Chí Minh. Sự giới hạn áp lực đối với địch để họ phải ngồi vào bàn hội nghị không có kết quả, ta không thể mớn trớn Hồ chí Minh từ bỏ cuộc chiến xâm lăng miền Nam mà bắt hắn phải từ bỏ. Chính sách oanh tạc BV giới hạn thất bại vì Johnson-McNamara ngây thơ tin tưởng rằng áp lực từ từ sẽ khiến địch phải hòa giải.

Chúng ta đặt giả thuyết Johnson đắc cử nhiệm kỳ thứ hai 1969-1972 thì ông đã không giữ được Đông Dương cho tới 1974, 1975 nó có thể đã sụp đổ từ những năm 1969, 1970 khi mà phong trào phản chiến lên quá cao. Ta cũng đặt giả thuyết Nixon làm Tổng thống từ nhiệm kỳ 1965-1968 tình hình chắc sẽ có nhiều biến chuyển thuận lợi, ông sẽ không bỏ lỡ cơ hội chiến thắng. Với chính sách chính trị quân sự cứng rắn Nixon không để cho CSBV cù cưa kéo dài chiến tranh như vậy mà sẽ lôi cổ họ lại bàn hội nghị ký kết hiệp định ngưng bắn, VNCH đã không sụp đổ như năm 1975. Là người hiểu rõ sự ngoan cố của CS hơn Johnson nhưng Nixon không gặp thời.

Trận oanh tạc Cộng quân trong trận chiến 1972 và trận mưa bom Giáng Sinh 1972 của Nixon không những đã đánh phủ đầu BV mà còn thị uy khối CS quốc tế đừng vuốt râu hùm, cả Nga Sô Trung Cộng đều đã khiếp sợ sức mạnh kinh hồn của không lực Mỹ mà không dám hé răng bênh vực đàn em BV. Nixon đã làm tất cả mọi nỗ lực để cứu VNCH và Đông Dương nhưng như ta đã thấy trong giai đọan cuối cùng của cuộc chiến ông đã bị lập pháp trói tay không còn quyền hành gì để cứu vãn tình thế, mọi kế hoạch chính trị quân sự của ông đều đã bị Lập pháp phá hỏng hết.

Ở đây ta thấy một yếu điểm đáng kể của chế độ dân chủ tự do: chính phủ không có thực quyền, mọi quyết định quan trọng nằm trong tay Quốc hội và cử tri, ta có thể tóm tắt sự phân chia quyền lực tại Hoa Kỳ như sau:

Lập pháp lãnh đạo, Hành pháp quản lý, cử tri làm chủ.

Nhiều người nghĩ nếu Tổng thống Nixon còn tại chức thì VNCH chưa chắc đã sụp đổ, sự thực dù ông có còn làm Tổng thống hay không thì miền Nam và Đông Dương cũng không thể tồn tại vì như ta đã thấy sau ngày 27-1-1973 ông không còn quyền hành gì về quân sự, chính trị để đương đầu với CS .

Trong truyện Chiến Tranh và Hòa Bình, nhà văn hào Léon Tolstoi đã đưa ra thuyết vĩ nhân và lịch sử, hay thuyết định mệnh lịch sử cho rằng vĩ nhân không có ảnh hưởng gì đối với lịch sử mà chỉ là công cụ của lịch sử và cũng bị cuốn theo dòng lịch sử. Có nhà phê bình cho rằng Tolstoi đã ghen tài với

Napoléon khi đưa ra thuyết ấy nhưng ở đây nó cũng soi sáng cho chúng ta phần nào giai đoạn lịch sử cận đại thập niên 70.

Theo Nixon, Việt Nam đã là đề tài của trên 1,200 cuốn sách, hàng ngàn vạn bài báo, hàng mấy trăm phim và tài liệu truyền hình, đa số nhận định : Chiến tranh VN là cuộc nội chiến, Hồ Chí Minh là nhà ái quốc được đa số người VN hai miền ủng hộ, Việt Cộng được lòng dân chúng tại miền quê qua chính sách nhân đạo, đa số lính Mỹ tại VN nghiện hút sì ke gây nhiều tội ác, người Mỹ thua về quân sự, Hoa Kỳ có chính sách oanh tạc những mục tiêu thường dân, tù binh Mỹ được BV đối xử nhân đạo, phản chiến đã rút ngắn chiến tranh, Hiệp định Paris chỉ là khoảng cách vừa đủ (Decent interval) để Hoa Kỳ rút quân và VNCH sụp đổ, thuyết Domino sai, nay tại Đông Dương sau khi Mỹ rút đi cuộc sống tốt đẹp hơn…

Nixon cho rằng tất cả những nhận định trên đây đều sai hết, truyền thông báo chí đã đầu độc người dân Mỹ và phong trào phản chiến.

Người mình thường coi Kissinger là đạo diễn của Hiệp Định Paris bức tử VNCH, trên thực tế ông ta chỉ là kẻ thừa hành của Nixon, như đã thấy ngay như ông Tổng thống trong giai đọan này chẳng còn quyền hành gì để giải quyết chiến tranh huống hồ người phụ tá như Kissinger.

Cuối cùng người Mỹ đã phải chịu thua chiến lược “cố đấm ăn xôi” lợi hại của anh hủi CS da vàng ghê tởm.

Trọng Đạt

Tài liệu tham khảo.

-  Richard Nixon: No More Vietnams, Arbor House, New York 1985.
- Americanrhetoric.com/speeches/richardnixoncambodia.html: Richard M. Nixon, Cambodian incursion address
- en.wikipedia.org/wiki/Cambodian_Campaign: Cambodian Campaign
- Lars-Klein. com: Nixon plan for ending Vietnam war.
- Digital history. uh. Edu/… Nixon and Vietnam.
- Kansaspress.ku.edu: Nixon’s Vietnam war
- Wikipedia: Operation Linebacker II
- Wikipedia: War Powers Resolution
- Answer.com: War Powers Act of 1973.
- Answer.com:What is the War Powers Act?
- Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
- English.illinois.edu/maps/vietnam/antiwar.html: Mark Barringer: The Antiwar Movement in the United States.
- Radical times: The antiwar Movement of the 1960s, Politic and the Antiwar Movement.
- Answer.com: Vietnam Antiwar Movement
- The Hauenstein Center for Presidential: Nixon and the Christmas bombing.
- www.answer.com/topic/domino-theory: Domino theory.
- Leo Tolstoy: War And Peace, The Maude translation, W.W Norton & Company, New - York-London, 1966.
- BBCVIETNAMESE.Com: Viện Trợ Quốc Tế Cho Miền Bắc Trong Chiến Tranh, 10-5-2006
- Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006.
- Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
- Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Đại Nam.2000
- Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography, 2003.
- Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1991.
- Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh 2005
- Ngô Quang Trưởng: Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh Năm 1972, Trung Tâm Quân Sử Bộ Quốc Phòng - Hoa Kỳ, bản dịch của Kiều Công Cự, xuất bản 2007
- Đặng Phong: 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trí Thức, Hà Nội 2008

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...