30 April 2011

Tưởng niệm Anh Linh Tử Sĩ đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do

Truyện ngắn


Thằng Búa

* NGUYỄN SĨ NAM

Thằng Búa! Tất cả tù nhân lớn bé trước sau gì ở cái nhà tù vượt biên ở Vũng Tàu đều phải biết đến thằng Búa. Người nào không biết đến cái thằng tù nhân “ốc tiêu” này đều không xứng đáng gọi là tù nhân.

Thằng Búa có cái đầu tròn quay, to như quả mít, tóc mọc lởm chởm, thưa thớt như một ngọn đồi trọc khô nước. Cái đầu nó thật to muốn lấn át cả cái thân gầy xọm của nó. Ai nhìn vào nó phải thấy ngay cái đầu nó trước nhất, rồi mới đến bộ xương sườn gầy guộc ỏng bụng, kế đến mới tới đôi chân khẳng khiu như hai cây sậy. Thế mà nó cũng có thể bước đi vững vàng, chạy nhảy thoăn thoắt như con chim sẻ vậy. Trông thân hình nó chẳng khác nào một cái búa. Có lẽ vì thế mà người ta đặt tên cho nó là thằng Búa chăng, hay tại Mẹ nó đã khéo đặt tên cho nó? Chẳng ai hay biết chuyện này cả.


Ngày đầu tiên bị tống vô phòng biệt giam ẩm mốc, những tù nhân khác chen lấn hai bên ép tôi đến chảy nước ra. Lúc này tôi lại đâm ra thù mấy ông tù nhân bên cạnh. Trong lúc nóng giận không dằn lòng được, tôi tung cánh chỏ bên trái thụi đại một phát cho đỡ tức, tức thì có một giọng nói sặc mùi oắt con lên tiếng cảnh cáo:
- Cẩn thận nghe cha! Mới vô mà làm tàng, ông cho một búa đi đời nhà ma bây giờ!

Tôi giật mình thầm nghĩ, quái lạ tại sao giữa chốn gió tanh mưa máu này lại có một thằng nhỏ, mà cái giọng thằng nhỏ chứng tỏ nó không phải là một tay vừa. Tôi cố nuốt nước miếng dằn bụng cho đỡ nhục trong khi cái cổ khô ran không có một giọt nước. Tôi nhận thấy tình hình nơi đây không phải là chốn bình thường nữa rồi. Căn phòng nóng ran như cái lò thiêu. Mồ hôi thiên hạ nhễ nhại trào ra hòa lẫn với mồ hôi của tôi cũng vã ra như tắm bốc lên một mùi khét lẹt đến lợm giọng. Tôi cố chờ một lát cho con mắt làm quen được với bóng tối căn phòng để nhìn cho rõ mặt thằng oắt con nào hỗn xược. Thời gian chờ đợi này cũng hơi lâu. Bỗng có tiếng xì xầm ở góc tối bên kia:

- Rồi! Lại cảnh ma cũ bắt nạt ma mới nữa rồi!

- Bắt nạt cái gì mà bắt nạt! Hắn mới vô mà dám tung cùi chỏ thụi vô ba sườn tui một phát, mấy bồ chịu được không?

- Cảnh cáo là may đó! Lại tiếng thằng oắt con vang lên.

Tôi biết mình có lỗi nên nín thinh. Đêm đó tôi cố tìm giấc ngủ nhưng không thể nào chợp mắt được. Cảnh tù nhân chen chúc nhau trong căn phòng nhỏ này như nêm cá hộp. Tôi hình dung khung cảnh nơi đây chẳng khác nào cảnh ở địa ngục A tì. Tôi cảm thấy mình nhuốm bệnh và bắt đầu lên cơn sốt dữ dội. Bên ngoài trời đêm đã xuống tự bao giờ. Thỉnh thoảng có tiếng phèng la ở ngoài vọng gác báo động như tiếng cú gọi hồn.

Suốt một đêm nằm rũ liệt, toàn thân bị ê ẩm như đã chịu đựng trăm ngàn vết roi, tôi cố nhướng con mắt dậy để tìm chút ánh sáng thì gặp ngay gương mặt thằng oắt con to chành vạnh, nhoẻn miệng cười phô bày cái nướu răng ra, chỉ còn vài cái răng mọc không đều làm kiểng, trông nó dị hợm hết sức. Nó cúi đầu sát vào mặt tôi giọng trìu mến:

- Sao, anh ngủ được không?

Cơn giận đêm qua vẫn còn nặng trĩu trong lòng tôi nên tôi chẳng buồn trả lời nó. Thêm nữa, cái đầu nóng như thiêu như đốt, cải cổ khô ran, con mắt cứ muốn sụp xuống như đang đeo quả tạ nghìn cân, tôi đâu còn hơi để mà trả lời.

- Sao, anh còn nóng không? Đêm hồi hôm em phải xức dầu cho anh đó. Nếu không chắc toi mạng rồi!
Quái lạ! Cái miệng nó nói thật khó ngửi, có lẽ nó chưa súc miệng nhưng sao lời lẽ có vẻ thâm tình quá vậy? Lúc bây giờ tôi mới nhận ra là có mùi dầu “cù là” phảng phất trên thân mình. Tôi thầm cảm ơn nó. Nó không có vẻ gì giống cái thằng đêm hồi hôm dọa nạt tôi:

- Đỡ đỡ rồi em. Cám ơn em.

Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ nó. Trong cái xôn xao náo động của một buổi sáng thức dậy trong tù, đám tù nhân bắt đầu nhao nhao như ong vỡ tổ. Mặc dù không nhúc nhích được một tấc nhưng mọi người đều cố tìm cách làm cho mình có một tư thế thoải mái được càng nhiều càng tốt. Trong lúc đó mùi phân trong cái thùng thiếc đặt ở một góc mà thiên hạ đang “đi” bay tỏa đều đặn khắp phòng khiến tôi phải bịt mũi liên tục. Đám tù nhân cũ trong phòng nhìn tôi cười sằng sặc như chế diễu…

28 April 2011

Tin ngắn

Bão và cuồng phong dữ dội ở đông nam Hoa Kỳ


Bão và cuồng phong đã tàn phá các  tiểu bang đông nam Hoa Kỳ. Số người thiệt mạng đã lên đến 250 người, trong đó chỉ riêng bang Alabama đã có 142 người chết. (BBC)
Tin giờ chót số người tử nạn lên đế 281 người.

30.4.1975




Đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị cộng quân xử bắn tại Cần Thơ tháng 8, 1975

Tôi lại áp chặt ống điện thoại vào ngực. Cắn chặt môi suy nghĩ. Tôi hiểu lời Cẩn hỏi. Trong tích tắc tôi biết khó cứu vãn tình thế. Nhưng tôi muốn Hồ Ngọc Cẩn phải luôn hiên ngang hào hùng. Tôi quyết định:
- “Alô. Cẩn nghe đây: Lịnh Thiếu Tướng. Ông hỏi Cẩn có sẵn sàng tử chiến?”

Cẩn đáp thật nhanh:

- “Lúc nào cũng sẵn sàng, chớ chị!”

- “Tốt lắm, vậy thì y lịnh”.

- “Dạ, cám ơn chị”.

Tôi buông máy gục xuống bên xác Hưng. Nước mắt trào ra, tôi kêu nho nhỏ:

- “Vĩnh biệt Cẩn. Vĩnh biệt Cẩn!”
“Anh Cẩn ơi, hồn linh anh có phảng phất đâu đây, khi tôi ngồi viết lại những dòng này, nước mắt rơi trên giấy, Anh có biết cho rằng trả lời điện thoại với anh rồi, tôi đau khổ tột cùng không? Tha thứ cho tôi!” Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, anh đã hiên ngang hào hùng đến giờ phút chót của cuộc đời. Hiểu rõ Hưng, hiểu rõ tôi, bên kia thế giới không thù hận, chắc anh hiểu rõ tâm trạng của tôi lúc bấy giờ, hẳn anh tha thứ cho tôi?

(Trích hồi ký phu nhân tướng Lê Văn Hưng)

27 April 2011

Tháng Tư buồn

CHUYỆN THÁNG TƯ BUỒN

Họ yêu nhau, lấy nhau và hạnh phúc. Nhưng một ngày Tháng Tư, họ chia lìa. Anh lao tù phương Bắc. Chị lận đận phương Nam. Tay trắng tiểu thư, Chị tần tảo nuôi hai con gái nhỏ, chờ chồng. Rồi Anh qua đời trong một trại tập trung mà Chị không muốn nhớ tên. Rồi Chị gạt nước mắt mang con, theo giòng người, bỏ quê hương lại sau lưng. Lại mình Chị bươn chải ở một quê hương thật mới. Bây giờ, hai con gái đã theo chồng. Bây giờ, chỉ còn Chị, cô đơn nơi đó, cuối con phố núi quạnh hiu trong một thị xã nhỏ hiền hòa cực bắc Tiểu Bang Georgia. Cô đơn, vô cùng, như Anh đang nằm sâu đâu đó, nơi xó rừng Thanh Hóa mịt mùng….

ĐỖ BẢO

Nơi em ở quạnh hiu phố núi,
Chiều sương mù sỏi lạnh bước chân.
Ngày chớm đông đêm đầy rất vội,
Gió đong đưa lối cỏ ngại ngần.

Em đi về ngõ cao lặng lẽ,
Mặc tiếng chim, cây lá đón chào.
Đời mục nát từ cơn mê lỡ,
Nhịp tim chùng, thao thức chiêm bao.

Vẫn dịu dàng, dáng gầy như liễu,
Em xa xăm, ánh mắt u hoài.
Khuya đối bóng, trăng non mờ chiếu,
Lệ nào tràn mê hoặc liêu trai.

Với thời gian tóc đan sợi bạc,
Xanh xao hồn cô phụ long đong.
Tà áo cũ nhuốm màu lưu lạc,
Em đâu ngờ thương nhớ mênh mông.

Nơi em ở chập chùng mây phủ,
Hàng thông già đồi vắng thở than.
Nghe gót nhẹ nai vàng bỡ ngỡ,
Em ngậm ngùi, sầu nặng không gian.

LAN ĐÀM

Tàu Cộng còn điên đầu dài dài.

Thủ tướng mới của chính phủ lưu vong Tây Tạng

Lobsang Sangay, một người nghiên cứu giảng dậy tại đại học Harvard, đã được bầu làm thủ tướng chính phủ lưu vong Tây Tạng và sẽ nhận chức vụ chính trị mà trước đây do đức Dalai Lama nắm giữ.

Tiến sĩ Lobsang Sangay thắng cử với 55% số phiếu của những người Tây Tạng sống lưu vong rải rác trên thế giới. Ông đã đánh bại hai ứng viên khác là các ông Tenzin Tethong và Tashi Wangdi.

Tân thủ tướng được suy diễn là sẽ tiếp tục điều hành công việc chính trị của đức Dalai Lama là người tuyên bố vào tháng Ba rằng ông muốn cởi bỏ trách nhiệm này cho một viên chức được bầu lên.

Cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng Ba và kết quả công bố hôm thứ Tư vừa rồi tại Dharamsala, Ấn Độ là nơi đặt căn cứ của chính phủ lưu vong Tây Tạng.  (TTR trích dịch từ BBC)

Thơ Ý Nga

KHẤN TRỜI
ĐƯỢC CHẾT BÊN NHAU
Để nhớ Giáng Sinh 1979,
đêm hãi hùng giữa biển Thái
*
Mấy mươi năm, nào có quên
Những cơn khát, cùng tiếng rên hôm nào
Con vòi sữa mẹ, không gào
Chỉ quơ tay múa, cào vào hư không
Tay ba tưới nước, mẹ bồng:
“ Xối cho da… uống”. Vợ chồng dỗ con
Cả thuyền bao người héo hon
Vỏ dưa, vỏ chuối… chẳng còn gì nhai
Khát người, hồn cũng nhẹ bay
Xác nằm thoi thóp, nắng gay hực thuyền
Sức tàn vợ cố-gắng khuyên,
Chồng đang kiệt lực, biển yên, khấn Trời:
- Chúng con đã gần tắt hơi,
Xin cho cùng chết, trọn đời bên nhau.

Ý Nga.

26 April 2011

28 tháng 4, 1975

DƯƠNG VĂN MINH
VÀO GIỜ THỨ 25

Trọng Đạt

Giải pháp cuối cùng.

Ông Thiệu từ chức ngày 21-4-1975, khoảng bốn năm ngày sau báo chí Sài Gòn đăng tin hai ông Thiệu, Khiêm ra đi tại phi trường Tân Sơn Nhất trước sự căm phẫn của mọi người.

Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay TT Thiệu được bốn, năm ngày bèn ngỏ lời với đồng bào về hiện tình đất nước trên đài phát thanh Sài Gòn, bằng giọng sướt mướt, thở than, đau khổ, ông vừa nói vừa khóc.

“Tôi xin nói thiệt với đồng bào, tình hình hiện nay vô cùng bi đát… Đồng bào cũng đã biết các vùng Một vùng Hai miền Trung đã hoàn toàn tan rã, vùng Ba, vùng Bốn nay cũng đã bị nhiều sứt mẻ. Rồi nay mai đây những trận đánh sấm sét sẽ đổ xuống đây và rồi Thủ đô Sài Gòn này sẽ thành cái núi xương sông máu. Tôi đã nghĩ đến cái cảnh núi xương sống máu ấy và đã bàn với anh Dương văn Minh, tôi có nói với ảnh như vầy “Bây giờ tôi bàn giao chính quyền cho anh, nhưng bàn giao để anh tìm cái giải pháp hòa bình cho đất nước chứ bàn giao cho anh để anh đầu hàng thì bàn giao làm gì. Hở trời!”

Giọng ông già run run, thảm não, ông khóc thiệt tình khi nghĩ đến cái viễn tượng núi xương sông máu của Sài Gòn, những tiếng khóc não nùng của ông đã gieo kinh hoàng vào lòng mọi người. Bàn dân thiên hạ ai nấy hồn lạc phách siêu, họ không khỏi giật mình khiếp đảm khi thấy mọi bí mật quốc gia đã được nói huỵch toẹt trên làn sóng điện. Đối với người Sài Gòn nay chỉ có thể xác là còn sống, tâm hồn coi như đã chết.

Tin ông Dương Văn Minh sẽ được cử lên làm Tổng Thống thay thế ông Trần Văn Hương không còn là những lời đồn đãi nữa, chính ông Hương đã nói thẳng ra trên đài phát thanh.

Chiều ngày 28-4-1975, đài phát thanh Sài Gòn tường trình buổi lễ bàn giao chức vụ Tổng thống giữa hai ông Trần Văn Hương và Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập, người xướng ngôn viên bằng một giọng bi quan não nề nói.

-Thưa quí vị, chúng tôi đang theo dõi để tường thuật cùng quí vị buổi lễ bàn giao lịch sử ngày hôm nay. Thưa quí vị, bầu trời hôm nay rất là u ám, y như hoàn cảnh đất nước của chúng ta hiện nay. Trong lúc này đang có những tiếng sấm sét nổ rền trên không, bầu trời hôm nay thật thê lương, thưa quí vị tình hình đất nước chúng ta cũng vô cùng ảm đạm.

Một lúc sau lễ bàn giao diễn ra trong bầu không khí buồn tẻ gượng gạo, ông Dương Văn Minh bằng giọng chậm chãi gọi ông Trần Văn Hương bằng thầy. Đối với phía Cộng Hòa Miền Nam ông kêu gọi tinh thần hòa giải dân tộc, và bằng giọng ôn tồn, từ tốn ông khuyên nhủ nhân dân.

“- Xin đồng bào đừng vội bỏ nước ra đi mà hãy ở lại với quê cha đất tổ của mình.”

Báo chí xuất bản chiều đó đăng hình ông Dương Văn Minh mặc áo vét, thắt ca vát, tươi cười với hàng chữ lớn “Đại Tướng Dương Văn Minh Cứu Quốc, ông Dương Văn Minh luôn tỏ ra là người của dân tộc”. Những trang báo cố gắng trấn an, lên giây cót tinh thần người dân Thủ đô vào giờ phút chót, nhưng một lúc sau nhiều tiếng nổ kinh thiên động địa từ phía phi trường Tân Sơn Nhất rung chuyển cả thành phố Sài Gòn, mấy chiếc phản lực cơ A-37 đang chúi xuống ném bom phi trường Tân Sơn Nhất, tại Phú Nhuận người ta nhìn thấy cả hình những trái bom y như những hạt đậu đang rơi xuống.

Chừng hai mươi phút sau, một chiếc quay về phía dinh Độïc Lập vừa bay vừa nhào lộn để tránh đạn, phía dinh có tiếng súng bắn lên dữ dội. Ngoài phố những người hiếu kỳ đứng coi bỗng dưng hết hồn bỏ chạy tán loạn. Mấy chiếc khác lừng lững bay về phía tây bắc trong khi cao xạ ở bến Bạch Đằng bắn nổ lên nổ lụp bụp bên dưới máy bay.

Phía đài phát thanh có nhiều tiếng súng và những tiếng nổ như lựu đạn. Khi ấy ông Dương Văn Minh lên tiếng trên radio cho biết năm phi cơ lạ ném bom phi trường Tân Sơn Nhất. Đúng bẩy giờ đài BBC đọc bản tin tóm tắt về tình hình Việt Nam, người xướng ngôn viên nhấn mạnh từng câu từng chữ.

“- Hôm nay tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh được cử lên giữ chức vụ quyền Tổng thống thay thế ông Trần Văn Hương để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng.

- Năm phi cơ lạ ném bom phi trường Tân Sơn Nhất.

- Nhiều loạt súng nổ tại Sài Gòn không biết thuộc bên nào.”

Qua phần bình luận và nhận định người xướng ngôn cho biết lễ bàn giao chức vụ Tổng thống tại Dinh Độc lập chứng tỏ cho thấy sự tan rã của chính quyền Sài Gòn, người dân Thủ đô đang từ chỗ lo sợ đến chỗ hốt hoảng. Một lúc sau trong phần bình luận người xướng ngôn viên nói bằng một giọng mỉa mai cay đắng.

“Người Mỹ đang chuẩn bị rút lui êm thắm, họ cố gắng bằng mọi cách để giữ gìn thể diện dù phải tháo chạy nhưng Hà Nội lại ra sức làm cho người Mỹ phải bị bẽ mặt đến cùng để còn rêu rao cho cả Á châu được thấy…”

Diễn tiến của tình hình.

Cũng vào khoảng thời gian này mười năm về trước người Mỹ bắt đầu đổ quân vào nam Việt Nam. Tháng tư 1969, Wesmoreland tại Hoa Kỳ cho biết nếu Mỹ không đổ quân vào miền Nam Việt Nam giữa 1965 thì sẽ mất trong 6 tháng. Quân số Mỹ tại Việt Nam tăng nhanh từ 184,300 người năm 1965 lên 385,300 người năm 1966… và cao điểm là 536,100 năm 1968. Bắc Việt cùng lúc gia tăng xâm nhập. Họ tăng nhân lực từ 180 ngàn năm 1964 lên tới 261 ngàn trong năm 1967. Kế hoạch “đánh cầm chừng, đánh cho nó sợ” để hăm dọa BV phải vào bàn hội nghị của McNamara-Johnson đã không đạt mục đích mà trái lại còn thúc đẩy phong trào phản chiến lên cao, nhất là sau Tết Mậu thân 1968.

Kẻ ghét cũng nhiều, người thương cũng lắm

Bà Ngô Đình Nhu
NĂM MƯƠI NĂM CÔ ĐƠN
"Hãy để Bà yên nghỉ, ít nhất trong thời gian này. Chờ sau ba tháng, một năm, mười năm nữa, rồi hãy chìa ra nanh vuốt, cũng chưa muộn. "
Kim Thanh

Tin từ Ngô Đình Trác báo cho ông bạn tôi, Luật sư Trương Phú Thứ, hay rằng Bà quả phụ Ngô Đình Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân, đã về Nước Chúa lúc 2 giờ sáng ngày lễ Phục Sinh, 24/4/2011, hưởng thọ 87 tuổi.

Tôi viết bài này gửi các thân hữu, bạn bè, và những người mà tôi biết chắc vẫn còn ái mộ, quý mến hoặc ít ra không thù ghét Bà Ngô Đình Nhu, chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Không như những phản tướng 1963, tôi chưa hề gặp mặt Bà Nhu, chưa hề nhận ân sủng nào của Bà hay của chế độ, ngoài một trăm đồng Bà tặng Hội JECU năm xưa, được Ngô Đình Lệ Thủy trao cho tôi.

Bà Ngô Đình Nhu là người nổi tiếng thuộc dòng họ Ngô Đình và người liên hệ trực tiếp với chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa duy nhất còn sống sót vừa ra đi. Dù thương hay ghét Bà, ai cũng phải công nhận Bà là một nữ lưu thông minh, có tài có sắc, một cộng sự viên đắc lực, quả cảm của chồng và anh chồng. Qua hai nền Cộng Hòa, chưa có một phụ nữ tầm cỡ public figure (người của quần chúng) Việt Nam nào làm tôi thấy cảm phục và hãnh diện như Bà Ngô Đình Nhu. Cho dù, dĩ nhiên, Bà chưa hoàn hảo, cũng như bất cứ ai trên đời. Trước và sau vụ đảo chánh 1963, Bà là mục tiêu tấn công của những nhà báo và chính khách Việt Nam và ngoại quốc, nhất là Mỹ, chưa nói Cộng sản đội lốt tôn giáo, đối lập, “cách mạng”, đã không ngần ngại vu khống, xuyên tạc, đổ lỗi, thêu dệt đủ điều, kể cả về đời tư của Bà. Đọc tất cả những tài liệu đã được giải mật, và những sách báo cũ, và những sách báo mới trên các Diễn Đàn Hải Ngoại –những diễn đàn của Đui Chột, của Thù Hận, của Ác Độc– tôi thấy bất nhẫn và buồn nôn trước sự hèn hạ, nhỏ nhen của con người, vì dù sao Bà cũng chỉ là một phụ nữ. Bọn họ, kể cả Mỹ và Tây Phương, không mã thượng, anh hùng đủ, than ôi, để đánh Bà bằng một cành hoa hồng, nhưng đã dùng mọi thứ dao búa. Họ dã man, trên phương diện tinh thần, không khác chi một Gia Long đã hành hình, về thể xác, nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái 16 tuổi bằng cách cho voi dày.

Bà là hiện thân và nạn nhân của Bất Hạnh như một nữ nhân vật chính tuyệt đẹp trong những vở bi kịch Hy Lạp. Nhưng khác với họ luôn vùng lên, phản kháng, chất vấn Thượng Đế, Bà đã im lặng, chấp nhận mệnh số nghiệt ngã, và âm thầm chịu đựng tất cả những oan khiên, bất công, suốt một nửa thế kỷ.

Một điểm nữa, ngời sáng, về con người của Bà, mà tôi tin rằng đến cả kẻ thù cũng không thể phủ nhận. Khi chồng bị thảm sát, Bà còn trẻ đẹp lắm –điều mà báo chí Mỹ thiên vị và ác độc cũng phải ca ngợi. Nhưng Bà ở vậy, thờ chồng, nuôi đàn con còn vị thành niên, không có của chìm của nổi, không lầu son gác tía, nhờ tham nhũng hoặc ăn cắp của công. Nếu phạm vào hai điều cấm kỵ này, chắc chắn báo chí và công luận Mỹ và Việt Nam, vốn hiềm khích, đã không bao giờ để Bà yên. Bà sống khép kín như một nữ tu tại gia. Không xuất hiện trước đám đông. Không cho nhân gian thấy tóc đổi màu, những dấu chân chim in trên đuôi mắt và những tàn phai bởi thời gian, theo gương những mỹ nhân tự thuở xưa. Không tuyên bố này nọ. "Thời của tôi qua rồi", bà thường nói với người những quen biết, như một lời giã biệt thế gian. Không mang tiếng, không bồ bịch, không bước thêm bước nữa. Không vì tiền bán thân cho tỷ phú. Nếu sống vào thời quân chủ, Bà xứng đáng nhận lãnh bằng khen "Tiết Hạnh Khả Phong".

Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tôi yêu mến Bà như một người mẹ (bà kém mẹ tôi hai tuồi). Ca ngợi Bà như một nữ chính khách một thời sáng giá, đảm lược, dám nói dám làm, như chồng bà, trước vòng vây khốn của thù trong giặc ngoài. Kính trọng Bà như một thần tượng. Làm sao tôi không xúc động khi nghe tin Bà đã bước vào một cuộc hành trình cuối cùng, ngày Chúa chết trên cây thập giá và sống lại, để từ nay vĩnh viễn thuộc về của Tuổi, nói theo Edwin Stanton, belongs to the Ages. Nhà danh họa thuộc phái ấn tượng Auguste Renoir của những tuyệt phẩm chan hòa ánh sáng và màu sắc, những năm cuối đời, bị bệnh tê thấp hành hạ, không đứng được nữa, phải ngồi vẽ tranh một cách đau đớn với bàn tay co quắp, nhức buốt. Người học trò của ông, danh họa Matisse, thấy vậy, thương ông, đã hỏi: “Tại sao Thầy phải tiếp tục ngồi vẽ một cách khổ sở như thế?” Renoir nhìn khung vẽ, trả lời: “Đau đớn sẽ qua đi. Cái đẹp sẽ còn lại.” Tôi muốn nhắc lời của Renoir, để nói về Bà, trong một nghĩa nào. Đau đớn tinh thần của Bà Ngô Đình Nhu sẽ qua đi. Cũng như đau đớn thân xác của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Nhưng vẻ đẹp của Bà sẽ tồn tại. Vĩnh viễn.

Tôi biết những kẻ chống và ghét Bà sẽ khó chịu vì bài viết của tôi. Không sao. Đời mà. Tuy nhiên, xin những kẻ ấy xử sự cao thượng một chút, như một con người. Hãy để Bà yên nghỉ, ít nhất trong thời gian này. Chờ sau ba tháng, một năm, mười năm nữa, rồi hãy chìa ra nanh vuốt, cũng chưa muộn.

Tôi muốn báo tin cho các thân hữu của tôi và xin họ đọc một kinh, cầu nguyện cho linh hồn Bà mau về Cõi Vĩnh Hằng, và tìm được Bình An đích thực. Sau năm mươi năm cô đơn.

Kim Thanh
Ngày Chúa sống lại 24/4/2011
(Nguồn:  "Quê Hương Ngày Mai" )
(NT giới thiệu)

25 April 2011

Ảnh nghệ thuật


"Đánh Ghen"
Hương Kiều Loan

Thăng bằng của đá

Những hình kỳ thú về đá





File: Dưới mắt một người thân cận

Hình ảnh bà Trần Lệ Xuân

Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi qua những lần gặp gỡ, điện thư, điện thọai về “hồi ký’ của Bà Ngô Đình Nhu. Người nào cũng hỏi là bao giờ ‘hồi ký” của Bà Nhu được phát hành và nếu đã có bầy bán rồi thì mua ở đâu? Ngay cả một ‘sử gia chân chính” đã từng viết trong “chính sử” rằng Bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim, hai cái thương xá ở Paris và một đồn điền ở Ba Tây cũng có câu hỏi như vậy. Ai cũng muốn biết cuộc đời công và tư của Bà Nhu như thế nào. Bà làm gì và sống ra sao từ năm 1963 cho đến ngày hôm nay. Nhiều người cũng còn tò mò muốn biết cuộc sống tình cảm của một góa phụ nổi tiếng và xinh đẹp có gì vui buồn không?

Năm nay Bà Nhu đã trên tám mươi tuổi và bà đả xa lìa cuộc sống với những thăng trầm đã gần nửa thế kỷ. Bà đã thực sự xa lánh những phù phiếm ảo ảnh của trần thế. Bà sống đơn độc nghèo khó như một người tu hành. Đã từ hai năm nay bà không còn đi nhà thờ mỗi buổi sáng nữa vì đau chân. Tuổi già với những giới hạn về sức khỏe và đủ mọi lọai bệnh tật chẳng trừ một ai. Tuy vậy bà vẫn còn khỏe mạnh hơn đa số những người cùng lứa tuổi.

Cho đến ngày hôm nay, rất nhiều người còn có những câu hỏi thật vô lối về Bà Nhu, như số tiền mười bẩy tỷ Mỹ kim bây giờ còn bao nhiêu và cất giữ ở đâu? Sau khi Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát thì bà có mối tình nào không? Tiền và tình luôn luôn là những câu hỏi và vì không có những câu trả lời nên mỗi người tin tưởng theo những cảm tình và nhận định khác nhau. Do vậy ai cũng trông chờ “hồi ký” do chính Bà Nhu viết sẽ giải tỏa những thắc mắc đó.

Một nhà báo ở trong nước, Ông Phan Kim Thịnh, bút hiệu Lý Nhân, đã viết một cuốn sách nhan đề “Trần Lệ Xuân Giấc Mộng Chính Trường”. Cuốn sách được nhà xuất bản Công An Nhân Dân phát hành và đã được in lại đến ba lần chỉ trong vòng hai tháng. Như vậy thì vẫn còn biết bao người yêu kẻ ghét Bà Nhu. Quyển sách cũng chẳng có gì mới lạ. Tác giả chỉ thu góp lại những tài liệu trên báo chí và cô đọng lại thành một tập sách nhưng cũng đã lôi cuốn được rất nhiều người đọc. Tất nhiên là những tài liệu trên báo chí do nhiều người viết một cách vội vã theo nhu cầu tin tức đã có rất nhiều sai trái, nhiều khi bịa đặt trắng trợn.

Bà Nhu có viết “hồi ký” không? Câu trả lời chắc chắn và rõ ràng nhất là KHÔNG, hoàn toàn không có cái gọi là “hồi ký Bà Nhu” như nhiều lời đồn đại và cũng là trông chờ của nhiều người.

Năm 1963, thế giới có hai người góa phụ trẻ và xinh đẹp là Bà Jacqueline Kennedy và Bà Ngô Đình Nhu. Hai góa phụ này luôn luôn là những tâm điểm của báo giới quốc tế. Một tiềng nói, một bước đi của Bà Kennedy hay của Bà Nhu cũng là một đề tài nóng sốt sôi nổi. Bà Kennedy đã trải qua nhiều cuộc tình và chính thức kết hôn với tỷ phú người Hy Lạp Onassis. Những hình ảnh của Bà Kennedy với nhiều người đàn ông khác nhau đầy rẫy trên báo chí. Cuộc sống của Bà Kennedy chưa thể nói là quá vương giả nhưng cũng thật nhung lụa. Một góa phụ có bạn trai hay lấy chồng, đối với người Âu Mỹ là một chuyện rất bình thường. Bà Kennedy cũng bị dư luận chỉ trích vì đôi khi đi quá giới hạn của một mệnh phụ đã từng là đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ. Ngược lại những soi mói rất tinh vi và tân tiến đôi khi thật tàn bạo của báo giới trên toàn cầu đã không đưa ra được một hình ảnh dù rất nhỏ nhoi về những cái gọi là chuyện tình của góa phụ Ngô Đình Nhu. Bên cạnh những luật lệ tôn giáo rất khắt khe và lễ nghĩa của người phụ nữ Việt Nam thì đối với Bà Nhu chỉ có hình ảnh của một người đàn ông là Cố vấn Ngô Đình Nhu, cho dù Ông Nhu đã ra người thiên cổ. Bà Nhu góa bụa ngay vào tuổi mặn nồng của người phụ nữ nhưng bà đã ở vậy thờ chồng nuôi con và không hề có một tai tiếng ngay cả không có những lời đồn thổi vu vơ. Bên cạnh những xung khắc chính trị, những người chống đối Bà Nhu cũng không thể nào tìm ra được một tì vết để nhạo báng nhưng lại kính trọng bà như là một người phụ nữ nền nếp đoan trang.

Chuyện tình cảm không có gì để nói tới. Chuyện tiền bạc của cải cũng chỉ là một con số không. Bà Nhu sống đơn sơ thanh bạch trong một căn phòng bầy biện giản dị. Trong phòng, ngoài cái điện thọai thì chỉ có một cái máy truyền hình mầu cỡ nhỏ 13 inches mà ở Mỹ bỏ ra ngòai bãi rác chắc chắn không ai ngó ngàng tới. Bà Nhu chẳng có gì ngòai hai căn phòng trên tầng lầu thứ mười một của một chung cư. Bà Nhu ở một căn và một căn cho thuê để lấy tiền sinh sống. Chỗ ở của Bà Nhu như một cái hộp bằng kính. Khách đứng trong căn phòng này nhìn mây bay lãng đãng ngay bên cạnh sẽ có cảm giác sợ hãi như đang bay giữa trời mây. Tiền mua hai căn phòng này là do một người Ý ẩn danh bí mật trao tặng. Bà Nhu có con dâu và con rể người Ý nên chắc hẳn có nhiều liên hệ giao tiếp với người Ý. Hơn nữa bà vợ của Ông Ngô Đình Trác, con trai lớn của Bà Nhu, là người Ý thuộc một gia đình quý tộc và rất giầu có. Chỗ ở này rất bất tiện và không thích hợp với người cao tuổi. Nếu Bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim thì với tuổi đời như vậy chắc bà cũng tìm một chỗ tiện nghi thỏai mái hơn để sống những ngày còn lại trên dương thế.

Bà Nhu không viết hồi ký và bà cũng không có gì cần phải cải chính, biện minh hay tâm tình. Thực sự thì trong những lúc rảnh rỗi, bà có viết nhiếu bài tạp bút. Nếu gom góp những bài tạp bút này thì cũng có thể in thành một cuốn sách dầy đến sáu trăm trang. Bà Nhu đã viết gì? Có thể nói đây là một cuốn sách đạo. Bà Nhu viết về sự hằng hữu của Thiên Chúa và đời sống tâm linh của con người. Sau ngày Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Bà Nhu sống gần như là một người khổ tu hết lòng trông cậy phó thác vào sự an bài và định đọat của Thiên Chúa. Bà viết nhiều về lòng thương xót của Chúa không những đối với con người mà còn đối với những tạo vật trong vũ trụ. Bà rất có lòng yêu mến và gần gũi với Đức Mẹ Maria. Bà viết về những ân sủng đã được nhận lãnh và những mầu nhiệm huyền diệu của Đức Mẹ mà bà đã được ân hưởng những phước đức từ lòng yêu mến và cậy trông Đức Mẹ. Khi được tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát thì Đức Giáo Hòang Paul Đệ Lục và các giám mục trên tòan thế giới đang họp Công đống Vatican II đã cùng dâng thánh lễ cầu nguyện cho Tổng Thống Diệm. Đó là một sự kiện vô cùng đặc biệt và Bà Nhu đã một lần duy nhất nhắc đến tên Tổng Thống Diệm trong gần sáu trăm trang giấy.

Một ông gốc lính huyênh hoang có “hồi ký” của Bà Nhu trong tay và sẽ công bố khi cần thiết. Ai cũng biết đây chỉ là một âm mưu gian giảo bịp bợm. Ông phường chèo này nếu quả thật có cái gọi là “hồi ký” của Bà Nhu thì chắc hẳn sẽ còn nhiều đòn phép láo khóet chứ không chịu ngồi yên để nghe thiên hạ mắng nhiếc chửi bới vì những lươn lẹo phản trắc lúc cưỡng chiếm được quyền hành trong một thời gian ngắn. Một sử gia chân chính thì lại quả quyết rằng các con Bà Nhu sẽ công bố cuốn “hồi ký” sau khi Bà Nhu từ trần. Ông sử gia này chắc không biết rằng Bà Nhu viết những bài tạp bút này bằng tiếng Pháp và chỉ viết về những suy tư và tâm tình tôn giáo mà thôi. Độc giả người Việt biết đọc tiếng Pháp có là bao và chắc rằng số người muốn biết về những suy tư và tâm tình đạo giáo của Bà Nhu sẽ còn ít hơn nữa. Một tập giấy gần sáu trăm trang chỉ nói về tôn giáo và đạo đức lễ nghĩa thì phát hành lúc Bà Nhu còn sống hay đã quá vãng không phải là một vấn đề phải cân nhắc.

Bài viết này là một câu trả lời rõ ràng và chắc chắn: Không, Bà Ngô Đình Nhu không viết hồi ký.

Trương Phú Thứ

24 April 2011

Tin đáng chú ý

Bà Ngô Đình Nhu đã mệnh chung

Bà Ngô Đình Nhu
Nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân
1924-2011

Bà Ngô Đình Nhu nhũ danh Trần Lệ Xuân đã về nước Chúa vào hồi hai giờ sáng lễ Phục Sinh, Chúa nhật 24 tháng 4 năm 2011 tại một bệnh viện ở thủ đô La Mã của nước Ý.

Bà Ngô Đình Nhu đã trút hơi thở cuối cùng thanh thản và an bình với tất cả các con và cháu nội ngoại quây quần bên giường bệnh. Bà đã nhận lãnh các phép bí tích cuối cùng với tràn đầy ân sủng của Chúa Phục Sinh. Bây giờ Bà đã “đoàn tụ” với Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và cô trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thuỷ mà bà hết lòng yêu thương quí mến.

Trân trọng báo tin,
Trương Phú Thứ


Bà Trần Lệ Xuân sinh tại Hà Nội. Mẹ là bà Thân Thị Nam Trân, là cháu ngoại của vua Đồng Khánh và em họ của vua Bảo Đại, cha của bà là luật sư Trần Văn Chương. Lúc nhỏ, bà học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, tốt nghiệp tú tài Pháp. Năm 1943 bà kết hôn với Ngô Đình Nhu và cải đạo sang Công giáo. Bà là dân biểu, chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới, thường được gọi là "Bà Cố vấn". Do tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ nên bà được coi là Đệ nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến năm 1963.

Bà Trần Lệ Xuân cũng là người khởi xướng kiểu áo dài cổ thuyền, khoét sâu (mà dân chúng vẫn gọi nôm na là "áo dài Bà Nhu") tạo ra một làn sóng thời trang áo dài hở cổ mới mà những người cổ học lên tiếng phê phán.

Bà còn cho xây dựng tượng Hai Bà Trưng, nhưng với khuôn mẫu Trưng Trắc mà đám chống đối cho là giống hệt bà còn Trưng Nhị giống hết con gái Lệ Thủy của bà. Ba năm sau ngày bà đi lưu vong, hai tượng này bị đập bỏ. Ngày nay, những cánh rừng do bà khởi xướng trồng trên đường từ Sài Gòn đến rừng Cát Tiên vẫn được người đời gọi là rừng Trần Lệ Xuân.

Từ năm 1963 Bà Ngô Đình Nhu sống một mình thờ chồng với các con tại quốc ngoại. (TTR)

Tùy bút


(Kính dâng hương hồn Cố Đại Úy Huỳnh Huỳnh Tiên
và tặng cô Nguyễn thị Yến với tất cả nỗi niềm thương nhớ và kính trọng)

Bệnh viện bỗng dưng xôn xao vì phòng 120 đông nghẹt lính và những người thăm nuôi khi một người phụ nữ mang thai 8 tháng được chuyển đến . Bác sĩ và y tá chạy ngược, chạy xuôi khi biết người mẹ chuẩn bị lâm bồn. Có điều gì lạ với một sản phụ thế nhỉ?

Người đàn bà mang thai tên Nguyễn thị Yến, còn rất trẻ, nhập viện với một vòng băng trắng ngang trán . Mảng băng trắng đã hất ngược phần tóc phía trước ra sau làm khuôn mặt cô Yến trông hơi luộm thuộm, vết thương thấm máu ra ngoài bông băng một chút nay đã thẫm màu máu lại . Điều đặc biệt là cô luôn miệng nói với tất cả bác sĩ, y tá và những người bên cạnh cô:

- Cho em đi thăm anh Tiên một chút hay cho em nhìn thấy ảnh một chút cũng được, rồi em sanh con nhanh thôi mà ...

- Em biết anh ấy còn sống ...

- Em đỡ cái đầu anh ấy dẫu biết anh ấy bị thương, nhưng vẫn còn sống ...

- Em xin các anh chị nói cho em biết anh ấy nằm ở phòng nào đi, em đi bộ sang cũng được nữa ..
- Em lạy bác sĩ cho em đi thăm chồng em ...

- Bác sĩ à, chồng em còn sống mà, anh ấy chỉ bị thương ở đầu thôi . Tin em đi

Những câu nói có đầu đuôi lại dường như thảng thốt, mất bình tĩnh trong giọng nói . Cô không khóc, nhưng không còn biết mình còn một bé gái 3 tuổi đứng khóc thút thít bên bà ngoại ở góc phòng mà cô lại luôn miệng hỏi về người chồng. Mọi người đều cầu nguyện cho người sản phụ khác thường ấy được mẹ tròn con vuông . Cơn vật vã, mồ hôi, hơi thở rướn cong, tiếng ồn ào trộn lẫn nhau gồm cả tiếng kêu xé lòng của người mẹ và gọi xót xa của người vợ ...

- Anh Tiên ơi ...

Máu, mồ hôi và nước mắt nhòe nhoẹt đâu đó trên những khuôn mặt người, trên bàn sanh, trong phòng bệnh . Những bàn tay vỗ về người sản phụ và nựng nịu đứa bé gái mới vừa chào đời đã làm mọi người trong phòng khóc ròng. Mẹ tròn con vuông - cảm tạ Ơn Trên vô vàn

Sau ngày ấy, lính vào càng lúc càng đông - cả cấp chỉ huy mang lon Thiếu tá - và anh em binh sĩ . Ai cũng nói một câu giống nhau duy nhất, kể cả các bác sĩ :

- Trung úy Tiên còn sống, anh ấy nằm bên phòng Hồi sức, chị mới sanh còn yếu lắm, mai mốt y tá đem anh ấy sang thăm chị, chị đừng lo !

Rồi sau đó họ lặng lẽ đi về, hết tốp này đến tốp khác - nhưng sao khuôn mặt họ nặng trĩu buồn và vị chỉ huy đã rưng rưng nước mắt ... Những phong thư tiền được trao cho bà ngoại của cháu bé 3 tuổi, cụ khóc ròng mỗi lần nhận phong thư . Đứa bé gái ngơ ngác và hốc hác trông thật tội nghiệp, quanh quẩn bên mẹ nhìn em mình một cách tò mò, ngây thơ . Trong túi em đầy kẹo của các cô y tá cho, em thích lắm, nhưng sao mẹ lạ quá ... mẹ không nói gì với bé cả, chỉ có bà ngoại là ôm bé hoài thôi và các bà đi vào thăm mẹ nữa ...
Một tuần lễ trôi qua, người sản phụ bây giờ nằng nặc đòi đi thăm chồng - nghe đâu đó một câu nói đau lòng trong dãy hành lang:

- Chắc cô ấy sẽ điên thôi ... chịu sao nổi !

Và người sản phụ quên cả cho con bú ... đứa bé khóc ngất, bà ngoại lại đến kế bên dỗ dành cho gái cho bé bú . Người sản phụ ăn rất ít, gần như không chịu ăn và ngủ rất ít . Ngày cũng như đêm và vừa chợp mắt được một chốc lại giật mình trăn trở, rồi lại hỏi mẹ ruột về chồng mình .
Hành lang bệnh viện dần dần biết toàn bộ câu chuyện thương tâm não lòng của người quả phụ - cho tôi bắt đầu viết hai chữ Quả Phụ Tử Sĩ từ đây -

Đêm hôm ấy, Việt cộng đánh trại Gia Binh - trại sĩ quan lẫn trại của binh sĩ - Địch công đồn bằng chiến thuật biển người từ đồn điền cafe sau trại Gia Binh . Tiếng lựu đạn nổ vang trời trong đêm khuya, tiếng hô xung phong, tiếng đạn trên đồn bắn trả, tiếng chân người chạy rầm rập quanh vách nhà, tiếng đập cửa, tiếng lên đạn trên nòng súng, tiếng gọi kêu cứu, tiếng thét, tiếng gọi chữa cháy nhà ... tất cả đã tạo thành một mớ âm vang cực kỳ hỗn độn khuấy động màn đêm yên tĩnh .

Tàn một đêm, sáng hôm sau ... chiến trường tang thương phơi bầy những gì đã xảy ra hãi hùng đêm qua . Nhà cháy, người chết cháy, nhà sập, những cánh cửa mở toang vì những bàn chân tàn bạo đạp tung, người chết và người bị thương nằm ngồi ngẩn ngơ thất hồn bên cạnh người sống hốt hoảng!

Một người đàn bà chết cháy mùi khét lẹt bị kẹt dưới thanh gỗ kèo nhà chắn ngang cái bụng mang thai ! Người chồng - là một sĩ quan đêm qua trực đồn - ngồi im lặng bên xác vợ, chẳng buồn kéo thây vợ ra khỏi cái đà ngang ấy, những đứa trẻ đứng lớ ngớ bên cạnh gọi mẹ, gọi ba ...

Một người đàn bà bụng mang dạ chửa khác nữa với vết thương viên đạn xuyên ngang trán ngồi vuốt khuôn mặt bê bết máu của chồng và luôn gọi : Anh Tiên ơi ... Đứa bé gái trong góc nhà khóc ngất trong hoảng hốt và bà cụ già ngồi ôm cháu kêu Trời ...

Tất cả mọi người dường như không còn nhìn thấy ai và nhìn thấy gì nữa - khuôn mặt những nạn nhân là nét vô hồn, sợ hãi còn đọng lại đêm qua . Những căn nhà bỗng mở toang hoang và đổ nát mọi ngõ ngách, đồ đạc vương vãi khắp nơ.

Lòng người chết lặng! Và Trời Đất âm u chuyển mưa ...

Giọt mưa đổ xuống phủ hết cây cối quanh khu trại Gia Binh, những lô cốt gần đấy và xóa trôi đi những vệt máu trên hiên nhà của người đàn bà ngồi ôm đầu chồng - Trung úy Huỳnh Huỳnh Tiên đêm qua xuống ca trực, nên đã ở nhà với vợ con .

*
Bẵng đi 30 năm sau, tôi có dịp gặp lại người quả phụ - bây giờ đã làm bà ngoại - vẫn mái tóc cắt ngang trên chân mày - vẫn gầy gầy, ngồi đàn tranh cho tôi nghe và giọng Bắc chùng xuống kể lại chuyện xưa ...

VC đã đạp cửa nhà cô vào đêm đánh trại, chúng dùng báng súng con ạ . Rồi chúng gọi chú ra ngoài, cô sợ quá chạy theo van xin chúng đừng giết chú, chúng bắn dọa cô một viên đạn xuyên qua trán cô đây rồi lôi chú ra trước phòng khách ... Chúng bắn chú ngay đầu chú trước mắt cô ... Khi chúng đi rồi, cô ngồi ôm đầu chú và gọi hét lên lời kêu cứu, nhưng cảnh tượng ngoài sân thật khủng khiếp ... nhà thím Bi đối diện bị cháy, nhà con bị sập và cây cối đổ ngang dọc!

Cô gọi mãi vẫn không thấy ai đến trong đêm khuya, đến sáng thì cô không còn nhớ gì nữa cả kể cả chuyện cô sinh bé Nguyệt Trừ và chuyện cô có bé Nhật Trừ 3 tuổi. Một năm sau, người Tiểu đoàn trưởng đưa cô ra thăm mộ chú - ngôi mộ ấm cúng và được chăm sóc đàng hoàng trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa . Nhìn di ảnh chú, bấy giờ cô mới khóc chồng thật sự con ạ, mới tin rằng chồng mình đã chết ... Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu hồ nghi mong manh đã che lấp được cái dấu diếm của bạn bè đồng ngũ chồng mình trong lòng cô 1 năm và cô đã sống với niềm hy vọng nhập tâm rằng chú Tiên chỉ bị thương nặng mà thôi - trí óc cô kể từ lúc ấy đã khóa lại mọi suy nghĩ khác .

Và cô bắt đầu cầm trong tay cuốn sổ CÔ NHI QUẢ PHỤ mà trước đây bà ngoại đã nhận từ vị Thiếu tá chỉ huy trưởng .

Con xem lại vết thẹo trên trán cô ẩn sau mớ tóc thời thanh xuân của tuổi 20 đây - cô vén mái tóc sang một bên và tôi nhìn thấy vết thẹo dài thật sâu nằm vắt ngang gần hết trán - Cô còn nói thêm :
- Cô biết vào tuổi làm bà ngoại của cô, cô không nên để kiểu tóc trông rất trẻ này, nhưng đó là NHAN SẮC CƯ TANG của cô dành cho người chồng yêu quý, có lẽ đời sẽ hiểu cho cô ...

*
Người đàn bà quả phụ năm xưa cư tang chồng vẫn ở vậy nuôi hai đứa con gái Nhật Trừ, nay là bác sĩ Sản Khoa và Nguyệt Trừ nay là y tá . Bà làm bạn với tiếng đàn tranh và những đứa học trò đến học đàn . Bà không khóc nữa, lặng lẽ bình tâm sống với hình ảnh chồng trên chiếc bàn thờ trong phòng ngủ của bà .

Như Thương

23 April 2011

Cổ động cho gánh xiệc CSVN


Hí họa trích từ internet

Thơ Lan Đàm

BUỔI TRƯA UỐNG RƯỢU
VỚI BẠN BÈ Ở NHÀ PHẠM GIA ĐỊNH

Ừ bay trăm dặm đến đây,
Giấc trưa hội hữu, cơn say không cầu.
Nhìn nhau, đất trích mấy sầu,
Chân chim đuôi mắt, nửa đầu tuyết sương.
Rượu cay, đắng nỗi đoạn trường,
Thêm ba chuyện cũ, quê hương chợt đầy.
Mùa gió nhẹ, trời xanh mây,
Thấy trong phố nhỏ góc ngày trường xưa.
Sàigòn sớm nắng, chiều mưa,
Dăm mộng con, đủ xây vừa tương lai.
Nhà tan, nước mất, dặm dài,
Nghìn đêm thao thức, hồn ngoài cõi xa.
*
Thì tương ngộ, tiếng cười xòa,
Thất phu còn đứng, lệ già dường khô.

LAN ĐÀM

Thiếu niên ôm bom giết người thuật lại

Giết người để được thiên đàng

"Vào lúc cho nổ bom tự sát em không hề nghĩ đến gia đình, em chỉ nghĩ đến những gì Taliban dậy bảo mình mà thôi." Umar Fidal
**

Umar Fidai thoát chết khi chìếc áo mang chất nổ đã không phát nổ đúng mức. Gia đình em không tiếp xúc được với em từ lúc người ta thấy em sõng soài trên đương phố.

Vào đầu tháng Tư một vụ nổ tự sát đã tàn phá một ngôi đền đang có hàng ngàn tín hữu khiến nhiều người thiệt mạng. Cả hai kẻ tấn công là những trẻ vị thành niên. Thế nhưng một em sống sót đã kể lại cho phóng viên BBC Aleem Maqbool nguyên nhân đã khiến em muốn lấy đi mạng sống của mình và của những người khác.

Umar Fidai, 14 tuồi, kể lại: "Chung qui em nghĩ rằng cần phải cho nổ mình chết và đứng gần càng nhiều người càng hay.Khi thấy đã đúng lúc, em cảm thấy niềm hạnh phúc". Em tiếp: "Em nghĩ sẽ chịu một chút đau đớn rồi sau đó sẽ được vào thiên đàng."

Umar không trót lọt vào được thiên đàng nhưng chúng tôi gặp em trong nhà giam.

Umar mất cánh tay trái. Cánh tay mặt thì cuốn băng kín. Băng cuốn cả trên vai. Nhưng Umar sớm nhận thức, lịch sự và thẳng thắn

Theo như dự định Ismail (bạn đồng sự của Umar) sẽ nổ bom trước sát ngôi đền. Còn em sẽ đợi khi xe cứu cấp tới thì sẽ nổ giết thêm. Trước đó em không dè chừng gì cả."

Thế nhưng áo chứa chất nổ của Umar đã không phát nổ đúng mức. Em cho nổ mất cánh tay mình, bụng bị rách và té xuống bất tỉnh. Khi tỉnh lại Umar thọc tay vào túi lấy ra trái lựu đạn.

"Người ta dậy chúng em rằng nếu áo thuốc nổ không nổ thì tự sát bằng trái lựu đạn. Lúc đó có ba người cảnh sát đứng gần và em nghĩ nếu như giết được họ nữa thì em cũng lên thiên đàng."

Umar đưa trái lựu đạn lên lấy răng rút chốt. Một trong ba người cảnh sát bắn vào tay Umar.

Sau này một đoạn phim quay bằng một chiếc điện thoại di động cho thấy cảnh sát loay hoay tháo ngòi nổ của phần chiếc áo tự sát còn lại.

Câu chuyện khởi đầu trước đó năm tháng tại quê của Umar, một làng thuộc bộ tộc nằm trong vùng núi phiá tây bắc Pakistan giáp ranh với Afghanistan. Ở nơi em đi học chung quanh đầy người Taliban. Có một ngày một người trong bọn ho đến biểu em trở thành một ôm bom cảm tư. Em nói rằng nếu muốn giết người thì chính anh ta phải làm sao lại biểu trẻ em. Nhưng người này vẫn cứ lui tới.

Anh ta bảo học hành làm chi. Điều quí nhất là thiên đàng và em sẽ có được thiên đàng bằng cách giết những kẻ ngoại đạo.

Những người Taliban luôn câu nguyện và đọc kinh Koran. Bởi vậy em nghĩ họ là những người tốt lành. Trái tim em thôi thúc em ra đi với họ để được huấn luyện với họ."

Umar kể rằng em bị bịt mắt và thỉnh thoảng bị còng tay khi được dẫn đến những doanh trại luyện tập để không định ra được được nơi chốn của các doanh trại này. Umar nói em được huấn luyện sử dụng vũ khí và chất nổ cùng với ba đứa trẻ khác.
....
Những người Taliban luôn nói rằng bọn em sẽ đi đến Afghanistan để giết những người ngoại đạo. Chúng em bằng lòng vì họ nới rằng mình sẽ được về thiên đàng. Nhưng khi xe bus chở chúng em đến nơi hành sự em nhận ra đó cũng vẫn còn là người Pakistan nên thắc mắc. Họ trả lời rằng cho dầu vậy đó là những người khấn vái kẻ chết nên cũng là những người hết sức ngoại đạo và chúng em tin như vậy.

Xuống xe, chúng em, Ismail và em, đi dến ngôi đền, tìm một nơi vắng, rút áo chứa chất nổ ra khỏi bọc rồi mặc vô. Chúng em chia tay và hứa cầu nguyện cho nhau. Em không thấy buồn vì nghĩ rằng mình sẽ lên thiên đàng.

Umar nói rằng chỉ khi nhìn thấy cảnh sát tháo ngòi khỏi bọc chất nổ của em và được bác sĩ chăm sóc, em mới nhận ra mình sai lầm.

Em biết ơn vì đã được cứu thoát khỏi hỏa ngục. Em đau đớn nhưng nghĩ còn nhiều người khác bị thương nặng hơn mình. Em cảm thấy ân hận về những gì Ismail và em đã làm

Chúng em đã làm những điều xấu xa, giết hại trẻ em và người già. Ôm bom tự sát giết người không phải là hành vi của Hồi Giáo. Em mong mọi người tha lỗi cho em.

(TTR trích dịch từ một tường trình đăng trên BBC online)

Mời quý anh chị nghe

Trả lại Em Yêu
qua tiếng hát bất hủ của Thái Thanh
**
Phạm Duy chỉ có thể sáng tác/phổ thơ được những ca khúc như thế này
dưới một miền đất tự do, tôn trọng quyền sống của con người.

Cựu nhân viên CIA tiết lộ chuyện tháng 4.1975

Một số chuyện đáng buồn
Lữ Giang

Bài này tạm thời hay vĩnh viễn gỡ bỏ vì có dư luận cho rằng bài viết do tư thù nhiều hơn vì ích lợi của sự thật.  TTR đang xem xét lại và xin cáo lỗi cùng quý anh chị.
"Với kiến thức lập luận và ngòi bút của một thẩm phán, LG viết rất sắc bén, nên nhiều người dễ tin. Mạ lỵ những nhân vật VNCH cũng là mục đích của Việt Cộng để dân chúng thấy chế độ VNCH thật xấu xa." (DVV)
(TTR)

22 April 2011

Thơ Dương Quân

Nửa Đêm Nghe Bão

Hình như giông bão lại quay về
Gió giật từng cơn lúc nửa khuya
Tỉnh giấc bàng hoàng nghe gió hú
Bên này sao nhớ quá bên kia.

Nhớ thương khắc khoải từ lâu lắm
Thuở bão bùng xưa dậy đất trời
Những cánh chim bằng phiêu bạt gió
Dạn dày gian khổ khắp muôn nơi

Phiêu bạt về đâu, sẽ đến đâu
Mênh mông từng mảnh vỡ tinh cầu
Những vì sao rụng vào vô định
Rơi gãy gươm thiêng, rã chiến bào

Ta nhớ ngày xưa bão nổi lên
Non sông cuồng nộ tiếng vang rền
Lũ quân cầy sói tuồng hung hãn
Trận cuối thư hùng, bãi chiến chinh

Tan nát nhung y, cuối ván cờ
Gian hùng làm đảo lộn thiên cơ
Ta nghe sấm chớp gầm rung chuyển
Khơi dậy thê lương tiếng súng thù.

Ta nhớ những hầm chông, kẽm gai
Bao năm tù nhục, ách lưu đày
Lê thân nô dịch thời Trung Cổ
Giữa núi rừng xanh nuốt đắng cay.

Những bạn bè ta sức lụn tàn
Thôi đành nằm lại chốn rừng hoang
Nấm xương lưu lạc, hồn chinh khách
Vằng vặc trăng soi, ngậm tủi hờn

Từ đó những lần giông bão qua
Ta nghe quằn quại xác thân già
Tưởng chừng bão lớn xoay kim cổ
Nhật nguyệt bùng lên khúc hận ca.

Ta mong vũ bão quét tham tàn
Đem lại thanh bình cho thế gian
Trọn kiếp lưu vong hằng ước nguyện
Có ngày dân Việt hết lầm than.

Hỡi những hồn thiêng về báo bão
Muôn đời chính khí vẫn hiên ngang

Dương Quân

21 April 2011

Những ngày chưa quên

NGÀN GIỌT LỆ
CHO NHỮNG ANH HÙNG
Nguyễn Triệu Việt 

Khi người bạn học cũ thời trung học của tôi là Thiếu Úy Phạm Theo thuộc tiểu đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến với bộ quân phục màu xanh rằn ri bạc màu gặp nhau chào hỏi ở cuối phố Độc Lập - Nha Trang để ngày mai lên đường xông pha chiến trận, tôi nghĩ đây có thể là lần gặp gỡ cuối cùng. 

Thực vậy, chiến tranh oan nghiệt đã cướp mất người bạn tôi ở tuổi thanh xuân chưa quá 23, cái tuổi mà lẽ ra đầy ắp mộng mơ và vẫn còn cắp sách đến trường. Mùa hè đỏ lửa đã nuốt trọn người bạn tôi như con quái vật khổng lồ nuốt chửng chàng dũng sĩ. Tôi không còn bao giờ gặp lại Phạm Theo nữa - người bạn chiến binh hiên ngang đầu tiên của tôi thuộc sư đoàn TQLC - một trong những đơn vị lừng danh nhất của QLVNCH đã vĩnh viễn nằm xuống để bảo vệ màu hoa tự do cho dân tộc. 

Sau 23 năm trời nằm gai nếm mật, một lần nữa những người chiến sĩ áo xanh năm xưa đã lừng lững đứng lên tô điểm lại lịch sử oai hùng ngàn đời của dân tộc qua một công trình biên khảo vô giá mà tụ điểm xuất phát là Úc châu - người chiến sĩ đã lấy cây bút thay cây súng soi rọi những trang lịch sử hào hùng qua quyển Chiến Sử TQLC - một quyển sách đã làm cho tâm hồn tôi có lúc dâng lên đến sảng khoái, có lúc chùng xuống đến nhỏ nước mắt với khá nhiều miên man suy nghĩ đến quặn thắt cả lòng - một quyển sách của trái tim... 

Cuốn Chiến Sử TQLC nói về lịch sử và các chiến công hiển hách của một trong những binh chủng thiện chiến nhất QLVNCH (thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC) là một tập sách song ngữ Anh-Việt dày ngót 520 trang ấn hành năm 1997 là một công trình của máu xương và tim óc do chính những anh hùng trong cuộc viết - những người từng quen cầm súng hơn cầm bút - bất kể địa vị thấp cao còn sống sót sau cuộc chiến địa ngục VN chỉ có thể nói là phép lạ. Chủ biên là Bs Quân Y Thiếu tá Trần Xuân Dũng cư ngụ tại Melbourne - tiểu bang Victoria, Úc Châu, với phần chuyển Anh ngữ của song nữ Trần Thị Uyển Diễm và Trần Thị Quỳnh Diễm mà đầu đề là “Tặng Anh Em Thủy Quân Lục Chiến và Con cháu họ...” đã thể hiện rõ tâm huyết của các bậc cha anh, làm tấm gương soi bóng cho thế hệ cháu con biết được ý nghĩa cuộc chiến đấu sống còn của cha ông họ. 

Chuyện BS Trần Xuân Dũng mê binh nghiệp, đã phải vắt tâm vắt óc ra sáng tạo đứa con tinh thần của mình để giữ kho báu cho đời còn có thể hiểu được nhưng chuyện hai cô con gái cưng của ông với tuổi đời hậu 75 không biết gì về thực tế chiến tranh VN mà phải lăn lưng vào chốn trận mạc chữ nghĩa để sống và diễn đạt cho kỳ được cái linh hồn của những trận chiến kinh thiên động địa của quê hương qua Anh ngữ, là một công trình tim óc lớn lao khác vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Làm sao để con cái chúng ta tại hải ngoại có thể đắm hồn của chúng vào để thực hiện các công trình của người khác dù đó là công việc của chính cha mẹ chúng? Gia đình của Bs Dũng hẳn phải có một sự giáo dục đặc biệt đáng cho chúng ta noi theo ngưỡng mộ. 

Đây là phần thưởng tinh thần vô giá mà cá nhân Uyển Diễm, Quỳnh Diễm có thể tự hào. 

Bìa ngoài cuốn Chiến Sử màu xanh có in hình “cái nón sắt ngày nào ấp ủ” mà một chiến sĩ vô danh TQLC nào đó đã ghi lại những địa danh kinh hồn như Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Động Ông Đô, Triệu Phong, Cai Lậy, Bình Lợi, Bồng Sơn, Phụng Dư với các trận Tết Mậu Thân 1968 và hàng chữ “TQLC Sát Cộng” đã diễn tả hết ý cái ác liệt của chiến tranh. Bìa sau in hình màu áo xanh, nâu, đen rằn ri quen thuộc của binh chủng TQLC với huy hiệu của các tiểu đoàn lừng danh như Quái Điểu, Trâu Điên, Sói Biển, Kình Ngư, Hắc Long, Thần Ưng Cảm Tử, Hùm Xám, Ó Biển, Mãnh Hổ, Lôi Hỏa, Thần Tiển, Nỏ Thần v.v... 

Tôi bước sâu vào thế giới trùng trùng của quyển sách. Chiều dài quyển Chiến Sử là những tấm chân dung lồng vào những hình ảnh chiến trận năm xưa, những hào khí ngút trời của các chiến sĩ TQLC anh hùng cắm cờ trên Cổ Thành Quảng Trị. Nội dung là những tâm tình hiến dâng cao cả cho đất nước của những người con yêu của Tổ Quốc - những trận chiến mù trời dậy đất - những chiến công hiển hách - những can đảm vô biên - những nụ cười sảng khoái nhưng cũng có những thất bại buồn tênh - những bạn bè nằm xuống - những giọt nước mắt chia lìa - những trớ trêu của nghịch cảnh - những nát tan vĩnh viễn - những sầu đắng chia xa - những địa ngục có thật... Tôi bắt đầu làm quen chuyện “Ông Già Đầu Bạc” của Đại Tá Tôn Thất Soạn khi viết về cựu Đại Tá Nguyễn Thành Yên - Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt khi còn là Trung Úy đã bị địch bắn vào ngực trọng thương nhưng vẫn can đảm chỉ huy toán quân của mình chiến đấu đến thắng lợi. Cái kết cục lại đáng buồn vì sau này ông không chết vì chiến trận mà lại chết vì tắm sông tắm suối ở cạnh nhà, để lại bao thương tiếc trong lòng mọi người. 

Chuyện “Tôi tham gia đảo chánh ngày 1/11/63” của Đại Tá Hoàng Tịch Thông nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm cũng cho chúng ta nhiều suy nghĩ về sự rối loạn của tình hình chính trị lúc bấy giờ cùng những tháng năm về sau đã đưa đến những cuộc tranh quyền dai dẳng, liên tục của các cấp lãnh đạo quân sự thượng tầng, với sự hà hơi tiếp sức chính đồng minh khổng lồ của mình là Mỹ mà kết quả cuối cùng là mất nước. Lịch sử nay đã sang trang và người dân tự hỏi phải chăng các cuộc đảo chánh đó là những quyết định sai lầm nghiêm trọng của giới quân sự? 

“Trận Bình Giả lúc khởi đầu” của Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn báo động một cuộc chiến ác liệt khởi đầu gây thiệt hại trầm trọng cho một Chi Đoàn Thiết Vận Xa cũng như Tiểu Đoàn 30, Tiểu Đoàn 38 BĐQ cứu viện. Tiếp theo đó bài “Bình Giả ơi! Còn nhớ mãi” của Thiếu Tá Trần Vệ - cũng dân Võ Bị Đà Lạt dài ngót 15 trang đã gợi lại một trận chiến kinh hoàng đầy xúc động của những người con yêu hy sinh vì đất nước trong trận chiến Bình Giả. Ông kể lại những người bạn cùng khóa 19 VBQG như Võ Thành Kháng - thủ khoa, như Nguyễn Văn Hùng tự Hùng Râu đã hy sinh ngay từ phút đầu trình diện đơn vị tại trận tiền và chính ông tiến lên vuốt mắt hai bạn. Như sự hào hùng của Thiếu Úy Trịnh Văn Huệ bị địch bắn cả băng đạn vào bụng, máu thấm ướt cả áo trận vẫn còn thều thào hướng dẫn phản công “Tôi bị thương nặng lắm, nếu có gì cậu cùng thằng Sơn bảo toàn đại đội. Địch còn tấn công nữa, không chịu được cứ rút về hướng này...” Nói chưa dứt lời, anh bị thêm một tràng trung liên của địch rồi ngã xuống chết ngay trong gang tấc. Lẫm liệt hào hùng cũng chỉ như thế này! (*)

Cũng chuyện Trần Vệ, Minh Rỗ - người phụ xạ thủ đại liên vừa mới lấy cô vợ bán hột vịt lộn ở Vũng Tàu, chưa có một ngày hưởng tuần trăng mật đã phải lên đường chiến đấu và trong trận này đã lãnh đủ hai viên về với đất Mẹ. Cũng trong trận Bình Giả, địch đã xâm nhập vào tận Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và gây tử thương cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nho, Đại Úy Hoán và Y Sĩ Trưởng Trương Bá Hân. Tuy nhiên Tiểu đoàn 4 TQLC đã vang danh là một tiểu đoàn thiện chiến dám chống trả lại cả hai trung đoàn địch và chiến thắng! Cái hào hùng ở đây như chuyện anh lính quèn có biệt danh Sáu Đại Liên phơ địch không mỏi tay, mê hành quân hơn lấy vợ là cô hàng bán chè xôi nước ở ngã tư và cuộc đời vẫn tiếp tục là những tháng năm giông bão... 

Như bài viết của Trung Úy Dương Bảo Long về Tiểu Đoàn 5 TQLC với trận đánh Mộ Đức, Quảng Ngãi, đã cho thấy nỗi ác liệt của cuộc chiến khi cả Bộ chỉ huy tiểu đoàn phải hy sinh tại chỗ như Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Dương Minh Phước, sắp được nghỉ phép mà phải lên đường chịu chết, như Y sĩ Trung Úy Lê Hữu Sanh và hai cố vấn Mỹ. 

Tôi cũng mê chuyện của Trung úy Văn Tấn Thạch, hiện ngụ tại Úc Châu, đã kể lại những lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc với mìn nổ bên tai, xe tăng đi trước mặt, những cái chết bỗng trở thành sự sống mà nay ông vẫn còn cho là phép lạ. Như bài viết của Đại tá Hoàng Tích Thông kể lại trận tổng công kích của VC Tết Mậu Thân và các trận phản công mãnh liệt của TQLC. Bài “Tiểu Đoàn 6 TQLC” của Đại tá Phạm Văn Chung (tức nhà văn Chu Vũ) cũng trong trận này với chiến công đầu tay của Đại úy Nguyễn Xuân Phúc - thuộc TĐ 6 Cọp Biển. Bài “369 ngày trên sông Mỹ Chánh” cũng của Đại tá Chung hết sức oanh liệt. Như sự hào hùng qua bài viết của Đại úy Đỗ Phú Ngọc thuộc Chiến đoàn A TQLC kể về chuyện binh nhất Hoàng bị hai tên VC bắt giữ trong tay đã can đảm đạp nổ dây gài lựu đạn để gây tử thương cho hai tên địch quanh mình. Trong giây phút cuối cùng, trước khi nhắm mắt, anh còn tiếu lâm hỏi “Hai con chuột đó đã chết chưa, tao cưa với tụi nó chớ đâu để tụi nó bắt”, và mắt anh từ từ nhắm lại trước mắt đồng đội. Có ai dám đùa với tử thần trước giờ phút lâm chung? Ôi anh hùng tử, khí hùng nào tử! 

Như bài viết “Huế tôi và tết Mậu Thân” của Trung tá Nguyễn Văn Phán đã gây trong tôi nhiều xúc động. Chuyện kể giữa mùa Xuân tang thương trên đường trở lại làng xưa, gặp Mẹ trong giây lát rồi rủ áo phong sương lên đường chiến đấu trực tiếp ngay phố thị thân thương của mình, dành lại từng tấc đất ở chốn Thần kinh. Những cái tên thân thương như Truồi, An Cựu, Gia Lê, Phú Bài, Tịnh tâm, cầu Trường Tiền, giòng Hương Giang, chợ Đông Ba, phố Trần Hưng Đạo... cả một thành phố chết, chìm ngập trong biển máu bởi bàn tay ác nhân của bọn CS. Anh gặp lại Mẹ trong nước mắt nghẹn ngào, Mẹ trang bị cho anh từng khúc cá khô, từng đòn bánh tét để đủ thực phẩm cho anh trong những ngày chiến đấu và cuối cùng trước khi băng mình vào trận chiến ác liệt cách đó chỉ vài khu phố. Mẹ còn nhớ dụi cho anh chai dầu gió Nhị Thiên Đường...! Ôi tình mẫu tử thâm sâu của những người Mẹ hiền VN không bút mực nào tả xiết đã thôi thúc anh lên đường không lưỡng lự. Anh từ giã “Thôi con đi, Mẹ và gia đình đừng lo cho con”... Tiếng “anh Phán, anh Phán…” của mấy đứa em vang lên cho đến giữa hồ Tịnh Tâm... nghe hết sức não nuột nhưng cũng rất ấm lòng người chiến sĩ. 

Và sau đó những trận đánh cận chiến kinh hoàng, những anh hùng vô danh gục ngã, những tiếng thét xung phong, những đồng đội chết... để tiến chiếm cho được kỳ đài Huế. Lệnh của Trung tướng Lê Nguyên Khang - người anh cả TQLC ban ra: “Một người lính duy nhất TQLC còn sống sót cũng phải dựng cho được ngọn cờ vàng tại Phú Vân Lâu”... Hạ sĩ Hạnh trong cơn say men chiến thắng chuẩn bị dựng cờ, định đập trái hỏa châu bắn pháo bông ăn mừng, không ngờ để ngược đầu đạn hỏa châu vào mình nên bị nổ xuyên bụng. Trong lúc thần chết sắp mang đi, anh còn cười tươi “Em không sao đại úy”. Phán nghĩ thằng em này tỉnh táo quá chắc nó chết. Và nó đã chết  thật! Ôi không thể tưởng tượng được lòng dũng cãm vô biên của những anh hùng - lúc nào cũng coi cái chết tựa lông hồng. 

Trong một đêm đánh nhau quyết tử, anh bất chợt gặp lại một cụ già bị bắt vì đi thất lạc ngoài đường, nhìn mặt nhau mới hay là Thầy mình “Thầy Cao Hữu Triêm! Trời ơi Thầy!” Tiếng kêu trầm thống vang lên tình thầy trò giữa hương vị cay đắng của máu, nước mắt và mùa Xuân trong lúc Thầy đi thất thểu tìm con thất lạc giữa chính quê hương là núm ruột của mình! 

Xen lẫn những bài viết hào hùng cảm động, tôi cũng say mê cái ngông nghênh của Y sĩ Trung úy Nguyễn Trùng Khánh trong bài “Què chân, gẫy lưng, lủng ruột”. Ngày anh mới ra tường lặn lội trình diện Tiều đoàn 1, ai cũng tưởng đời người y sĩ sẽ lên cao như diều gặp gió. Nhưng không, trước anh đã có người nằm xuống như Y sĩ Trương Bá Hân, Y sĩ Lê Hữu Sanh... Còn số phận anh ra sao? Một buổi chiều nọ, trong lúc dừng quân, Y sĩ Khánh bị một trái mìn “claymore” nổ, bị thương nặng nhưng vẫn còn tếu ra phết. Anh tự chẩn đoán tình trạng thương tích của mình, hướng dẫn cho người y tá tiêm, chích, băng bó theo lệnh của anh rồi sau đó mới được chuyển về bệnh viện dã chiến Mỹ ở Long Bình. 

Nơi đây anh gặp anh Long - người y sĩ bị thương trước anh, người mà anh đến thay thế nhưng cũng không thoát khỏi định mệnh an bài... Long còn có người yêu đến thăm, anh chẳng có một ai thèm để ý. Ra khỏi viện với cái chân tật nguyền, phải chống nạn đi đứng. Đạn vẫn còn nằm kẹt trong chân nhưng không dám chịu giải phẩu vì sợ tê liệt luôn. Ngày về cùng bạn ra quán Queen Bee nghe nhạc, nốc hết nửa chai “cognac”, sáng hôm sau lành bệnh tỉnh rụi, chân trái chẳng còn đau đớn gì, từ đấy vứt luôn cả ba toong gậy gộc và tôn vinh “courvoisier” là thần dược... Đúng là anh xem đời như có như không! Tôi cũng mê những bài viết về chuyện “Lôi Hổ sang Lào” của Trung tá Đoàn Trọng Cảo, bài “Đêm Hạ Lào, đêm sao dài quá” của Thiếu tá Trần Vệ tả nỗi chết của người giữ máy truyền tin, của anh tên Chín Rổ ở cùng hầm với giấc mơ về quê cưới vợ đã không thực hiện được... như Bảy Gà Lôi thường ngâm thơ dưới hầm “Sức nào mang nổi nghìn cân - Trai nào sánh được thủy thần mũ xanh” rồi một ngày bỏ mình ngay tại hố và Thiếu tá Vệ đã cởi chiếc thẻ bài của anh, vuốt mắt lần cuối và lấp ngay miệng hố làm mồ! 

Như bài “Tôi tay đôi với tụi nó đây” của Trung tá Trần Thiện Hiệu viết để tưởng nhớ pháo thủ Vũ Quang Vinh. Bài “Hắc Long dậy sóng, sông Thạch Hãn Quảng Trị” cũng của Thiếu tá Trần Vệ hào hùng làm sao. Như bài “Họa vô đơn chí” của nữ Thiếu tá TQLC Trần Thị Huy gây nỗi ngậm ngùi của người chinh phụ khi chồng mất đã bị tai nạn chết theo chồng trong khi lo việc tang lễ. Bài “Hình ảnh ngày qua” của phu nhân BS Nguyễn Văn Thế giữ vững niềm tin của những người vợ hiền ở hậu phương trong lúc chồng lên đường chiến đấu. 

Kinh khiếp như bài “20 ngàn trái đại bác mỗi ngày” của Trung tá Đoàn Trọng Cảo cứ nghe như sấm sét của trận An Lộc- Bình Long. Tôi có lần được nghe Tướng Trần Văn Nhựt - một TQLC thứ thiệt tâm sự trong dịp viếng thăm QLD trước đây. Ông bảo “gặp trường hợp anh, anh cũng phải tử thủ như vậy nhưng công lao trên hết vẫn là của các chiến sĩ nằm gai nếm mật”. Lời nói của ông tỏ ra hết sức khiêm nhường khiến tôi hết sức cảm phục. Tự hào như bài “Tái chiếm Cổ Thành” của Trung úy Văn Tấn Thạch, người chiến sĩ đã từng cùng đơn vị trực tiếp tái chiếm và cắm cờ trên Cổ Thành Quảng Trị với tiếng nhạc ngạo nghễ vang lên “Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu..” 

Tôi cũng đã đọc được nhiều bài thơ hào khí của Thiếu tá Y sĩ Trần Xuân Dũng trong tập Chiến Sử này nhưng theo tôi không bài nào có chất thơ hay cho bằng bài “Bức tượng thương tiếc nghĩa trang quân đội”. Với những giòng thơ sau:
“Bất động ngồi trên xa lộ,
Trầm tư súng đặt ngang đùi,
Chiều buông nắng ngang nửa mặt,
Mắt nhìn sao ánh không vui
………………….
Anh là thiên thần Mũ Đỏ,
Ngực còn lấp lánh huy chương,
Ôi chao! Em nhìn chưa rõ,
Dường như máu rỉ bên sườn?
...........................
Anh như Kình Ngư, Ó Biển?
Cánh tay “Sát Cộng” ngang tàng,
Anh là Thủy Quân Lục Chiến?
Mùa hè đỏ lửa hiên ngang,
Em muốn mời anh ly nước,
Rót từ dừa xứ Tam Quan,
Đôi môi anh sao mím chặt,
Lạnh như đồng đúc khô khan,
Đêm sâu em nghe rờn rợn,
Mắt anh rực lá quốc kỳ,
Hãnh diện đền ơn Tổ Quốc,
Chiến trường nào anh ra đi?”
BS Trần Xuân Dũng tốt nghiệp Đại học Y Khoa năm 1965 và sau đó phục vụ Tiểu Đoàn 4 TQLC - người chủ biên cuốn Chiến Sử TQLC vô giá này. BS có cho biết sở dĩ ông bỏ nhiều thời gian để làm công việc này là vì muốn cho thế hệ cháu con hiểu được rằng “Một người cha suy sụp tinh thần, một người chú tàn tật, một người ông ốm yếu của họ hôm nay, đã từng là một người trẻ yêu nước, can đảm và kiêu hãnh vì đã làm tròn nhiệm vụ được giao”. 

Ông cũng ước mong công việc làm nhỏ mọn của mình là một “bước khởi đầu cho những biên soạn khác của các quân binh chủng QLVNCH nhằm ghi lại trung thực một giai đoạn lịch sử của dân tộc, để cái huyền thoại gian lận về giải phóng miền Nam phải được ánh sáng sự thực rọi vào, để cho giới trẻ nhận ra bản chất cuộc chiến và khi đối chiếu với hiện tại, họ có thể thấy rằng bao nhiêu xương máu và đổ vỡ tàn phá dân ta phải gánh chịu ở cả hai miền Nam Bắc và phí phạm vô ích và là do tập đoàn CSVN gây nên”. Riêng tôi, Bsĩ đã làm một công việc ĐỂ ĐỜI! 

Công ơn của các chiến sĩ và những vị Tướng lãnh kiêu hùng của QLVNCH có công trong cuộc chiến dành tự do cho quê hương vẫn không bao giờ phai nhạt trong lòng con dân VN. Xin gửi đến quý anh “Ngàn giọt lệ cho những anh hùng!”./- 

Nguyễn Triệu Việt
__
Nguyễn Triệu Việt là bút hiệu của một cựu sinh viên QGHC khoá ĐS17
__
(*) Cho đến nay sách sử đã cho thấy trận Bình Giả, cuối tháng 12, 1964 cách Sài Gòn 67km đông bắc, gây thiệt hại nặng cho quân VNCH vì bộ phận tình báo trung ương VNCH gần như tan rã theo sau cuộc đảo chính 11.1963. Tình báo Miền Bắc hoạt động mạnh ở Miền Nam. Điệp viên Phạm Xuân Ẩn chuyển về Hà Nội chi tiết kế hoạch hành quân và điều binh trong trận Bình Giả. Đó là nguyên nhân chính ngoài những nguyên nhân khác đã được các sĩ quan trẻ viết lại như quyết định lộng hiểm của thượng cấp đưa quân vào một khu vực rất lù mù; tướng tá điều binh  mới được thăng cấp do phe cánh  vì có công trong đảo chánh Tổng Thống NĐD, kém khả năng và kinh nghiệm tác chiến;  người Mỹ chân ướt chân ráo mới đổ bộ vào Miền Nam phách lối, khinh địch,.... (TTR)
____
1-Cám ơn TTR đã post bài "Ngàn giọt lệ cho những anh hùng" của ĐS Nguyễn Triệu Việt.
2-Tôi không có cuốn chiến sử này,nhưng nhờ đọc bài viết của Anh Việt mà coi như đã đọc xong cuốn sách. Anh viết tài tình như Anh bạn cùng khóa Nguyễn Ngọc Vỵ của tôi vậy. (NĐĐ)

20 April 2011

Thơ Luân Tâm

GIỌT NẮNG CHIỀU ĐÔNG

Em đi trời đất cũng buồn
Sao rơi lối cũ đường thương đoạ đày
Lòng đau tay lạnh hôn tay
Vườn không nhà trống tháng ngày lạ quen
Đẹp chi trời hờn đất ghen
Tình chi mới gặp chong đèn tương tư
Bao lần đưa nắng đón mưa
Chỉ mong nhặt chút hương thưà làm thơ
Áo dài bướm trắng nhởn nhơ
Ru hồn điên đảo cuối bờ cô đơn
Cười chi nghiêng ngửa Sài Gòn
Nói chi ngon ngọt sắt son trọn đời
Bóng tình đom đóm chơi vơi
Nghìn năm sương khói nổi trôi đau lòng
Trời xanh thêm nhớ mắt trong
Trời hồng thêm nhớ má hồng môi quen
Giận nhiều sao không thể quên
Ngày nào còn được ngồi bên chung bài
Run run tay lửa hôn tay
Đất nghiêng trời ngả tóc mai ăn thề
Còn đâu hương nhớ hôn mê
Em đi gió đói vỗ về bể sông
Bèo tan hư bọt rã không
Anh như giọt nắng chiều đông trễ đò...

LuânTâm

Chiến tranh khởi sự ra sao

Tôi đưa vợ đi ăn tiệm.
Chẳng hiểu sao người chạy bàn lại hỏi tôi lấy order trước:
-  Làm ơn cho tôi miếng rump steak, tái thôi. Tôi nói.
Anh ta hỏi:
- Ông không bận tâm chuyện bò điên chứ?
Tôi trả lời:
- K h ô n g..., bà ấy tự order lấy một mình được.
Thế là chiến tranh bùng nổ.

**
I took my wife to a restaurant.
The waiter, for some reason, took my order first.
"I'll have the rump steak, rare, please."
He said, "Aren't you worried about the mad cow?"
"Nah, she can order for herself."
And that's when the fight started...

(Nguyễn Đắc Đ. lượm lặt)

19 April 2011

Để suy gẫm


(Trích từ PPS của Têrêsa Ngọc Nga)

Tin VN đáng chú ý

Nhà Nước thu góp ngoại tệ

HÀ NỘI (SGTT).- Dư luận trong nước đang xôn xao trước tin có thể ngay từ đầu tháng 5 tới, tất cả các công ty quốc doanh hoặc thành viên có 50% vốn nhà nước đều phải bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Tin này xuất phát từ việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị Ngân Hàng Nhà Nước nội trong tháng 4 phải ra quyết định mới buộc các công ty phải cân đối thu chi ngoại tệ và bán tất cả số ngoại tệ còn dư cho ngân hàng.
Ngoại tệ ngày càng bị xiết tại Việt Nam. (Hình:AFP/Getty Images)
Báo Sài Gòn Tiếp Thị còn xác định “không chỉ có 7 tổ hợp lớn nhất nước hiện nay thuộc sở hữu nhà nước gồm Dầu khí Việt Nam; Than, khoáng sản Việt Nam; Công nghiệp hoá chất Việt Nam; tổng công ty Cảng hàng không miền Nam; tổng công ty Lương thực miền Nam; tổng công ty Lương thực miền Bắc; tổng công ty Lắp máy Việt Nam phải tuân thủ quy định mới.”

Ngược lại, tất cả các tổ hợp kinh tế, các tổng công ty quốc doanh khác bao gồm cả doanh nghiệp thành viên có trên 50% vốn nhà nước đều phải bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Theo qui định mới mà người ta tiên đoán sẽ được ban hành vào đầu tháng 5 năm 2011, các công ty phải “tự cân đối thu chi ngoại tệ hợp lý và bán phần ngoại tệ còn dư cho ngân hàng.”

Điều này có nghĩa là tất cả các công ty lớn nhỏ trong nước sẽ không còn được cất giữ ngoại tệ cho riêng mình. Ngân hàng hứa hẹn sẽ bán ngoại tệ cho các công ty một cách dễ dàng khi cần, nhưng chưa ai dám bảo đảm lời hứa này sẽ được thực hiện.

Lâu nay, các công ty “găm” giữ ngoại tệ lại để sử dụng khi cần thanh toán hàng hóa nhập cảng vì thực tế hàng chục năm nay cho thấy lúc cần mua thì không ai bán.

Trước đó mấy ngày, ông Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ngân Hàng Nhà Nước ban hành qui định mới thắt chặt ngoại tệ chuyển ngân qua đường du lịch. Theo qui định này, mỗi người Việt Nam xuất ngoại chỉ được phép mang theo 5,000 Mỹ kim thay vì 7,000 Mỹ kim mà không cần khai báo hải quan như luật hiện hành.
Theo nguoi-viet online

Tin này xuất phát từ việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị Ngân Hàng Nhà Nước nội trong tháng 4 phải ra quyết định mới buộc các công ty phải cân đối thu chi ngoại tệ và bán tất cả số ngoại tệ còn dư cho ngân hàng.

(Theo Người Việt-Online)

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...