11 July 2016

Tin Việt Nam

Nhà hoạt động chống TQ 'bị hành hung' 
 
Một nhà hoạt động tại Hà Nội bị tấn công gây thương tích ở đầu sau cuộc gặp mặt của một đội bóng đá theo tiêu chí chống “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Ông Lã Việt Dũng, thành viên của đội bóng No-U FC nói với BBC Tiếng Việt: “Khi chúng tôi đá bóng thì công an đến sân rất đông có cả những công an mặc cảnh phục lẫn những an ninh chìm đến sân. Họ cũng gây áp lực với chủ sân không cho chúng tôi đá bóng nữa, nhưng chúng tôi nói đã thuê theo giờ và đã ra sân rồi thì không có lý gì không cho chúng tôi đá bóng cả.”

"Khi chúng tôi đá, họ vẫn đứng bên ngoài, và an ninh vào trong rất đông," ông mô tả lại buổi tập tối ngày 10/7.

Sau trận đá bóng, nhà hoạt động cùng với bạn bè “đi ăn ở nhà hàng” và ông mô tả vẫn có lực lượng an ninh “đi theo” và “ngồi chờ ở ngoài”.

“Khi buổi tối ăn xong tôi về thì đi riêng trên một quãng đường thì họ có 3 xe máy. Một xe đi đầu chạy lên, lao theo tôi, đạp xe tôi ngã xuống đất. Sau đó thì cả ba xe nhảy vào, dùng gạch, dùng chân, tay đánh đấm vào mặt tôi, cho tới khi chảy máu thì họ mới bỏ đi, và khi người dân đến can thiệp,” ông Việt Dũng mô tả lại sự việc xảy ra ở Đường Lê Đức Thọ, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Vụ tấn công khiến ông Dũng bị thương tích ở phần đầu và phải vào bệnh viện cấp cứu.

Khi được hỏi ai là người gây ra vũ tấn công, ông Dũng nói: "Tất cả những vụ việc đánh người hoạt động dân chủ không ai có thể chỉ đích danh là lực lượng công an hay chính quyền họ làm cả"

"Nhưng những người đi theo chúng tôi là lực lượng công an. Sự việc lặp lại quá nhiều lần rồi. Những người đánh tôi, tôi có thể khẳng định là người của công an đánh tôi"

Ông Dũng cũng thừa nhận “Chỉ có thể dựa vào dư luận thôi, còn những người như chúng tôi bị tai nạn trực tiếp, không có bằng chứng gì để có thể tố cáo được họ”

“Mỗi lần chúng tôi làm tường trình, họ cũng lờ đi và nói là không có bằng chứng gì cả”

Bà Đặng Bích Phượng, một trong những người đã đưa ông Dũng đi cấp cứu mô tả: "Chúng tôi ăn tối xong cùng nhau thì chia tay ra về. Nhưng chỉ 10 phút sau là có điện thoại Dũng bị đánh nên phải quay xe lại."

"Một bạn có xe từ diễn đàn Otofun đi ngang qua đã đưa Dũng lên xe và chở vào bệnh viện."

"Những người dân xung quanh cũng đã giúp đỡ và sáu người đánh đã bỏ chạy," bà Phượng nói.

"Khi chờ ở ngoài, máu chảy rất nhiều. Sau khi chụp phim, bác sĩ nói vết thương không bị ảnh hưởng đến sọ não nhưng cần phải khâu."

BBC không có điều kiện kiểm chứng các cáo buộc trên.
Image copyright Facebook Nguyen Lan Thang
Image caption Ông Dũng thường tham gia các hoạt động xuống đường trong một số sự kiện ở Việt Nam

Đội bóng No-U FC thường mặc đồng phục với logo vẽ đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Các nhà hoạt động của nhóm này thường có mặt trong các cuộc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc trên Bển Đông. Trước đó nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến của nhóm này cũng từng bị đánh thương tích ở đầu.

Ông Lã Việt Dũng nhận định việc ông bị tấn công có thể “một phần có sự liên quan” đến thời điểm Tòa trọng tài Thường trực công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines trên Biển Đông.

Ông nói: “Chúng tôi không biết được rằng thái độ của chính quyền cộng sản Việt Nam với việc phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ thế nào. Và nếu họ có một nhân nhượng với Trung Quốc thì người dân sẽ phản đối, và chúng tôi sẽ là một trong những người đi tuyến đầu.”

"Họ có thể đàn áp, đánh đập chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cái con đường ấy, ngọn cờ đấy, không bỏ cuộc."

Trong tối 10/7, ông Dũng đã được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện 354. Ông cho biết “đã được về nhà và theo dõi sức khỏe”.

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague sẽ tuyên bố phán quyết về vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông.

**

Tàu cá VN lại 'bị 2 tàu TQ đâm chìm'

`````
Chính quyền Quảng Ngãi nói tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc đuổi theo và đâm chìm hôm 9/7.

Tàu cá QNg90479 TS của ngư dân Võ Văn Lựu (từ Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đánh bắt tại khu vực cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 35 hải lý thì bị hai ca nô Trung Quốc đuổi, sau đó tiếp tục bị hai tàu Trung Quốc số hiệu 46102 và 56103 đuổi và đâm chìm tàu, trang tin Dân Việt của Hội Nông dân Việt Nam tường thuật.

Trả lời BBC Tiếng Việt sáng 11/7, ông Phùng Bá Vương, Phó chủ tịch Ủy ban xã Bình Châu nói: "Hiện nay tàu [QNg90479 TS] vẫn đang ngoài Hoàng Sa, đang chờ để các tàu lai dắt vào bờ. Hiện tôi chưa rõ khi nào tàu tới bờ."

"Khi bị đâm ở Hoàng Sa, tàu chỉ có một mình thôi. Sau đó tàu gần đó thấy bị nạn mới lại cứu."

Thời điểm đó, tàu cá QNg 95011 TS của ông Huỳnh Văn Khanh ở gần đó đã đến cứu các ngư dân bị đâm chìm tàu.
'Liên tục'

"Sự việc như vậy xảy ra cũng liên tục. Trong sáu tháng đầu năm, đã có 6 - 7 trường hợp bị đâm, bị xua đuổi, cắt lưới, ngư cụ của ngư dân rồi," ông Vương mô tả tình trạng mà ngư dân ở xã Bình Châu gặp.

"Nhưng Hoàng Sa là ngư trường truyền thống, nên ngư dân họ vẫn đi ra đánh cá thôi," Ông Phó chủ tịch Ủy ban xã nói.

Trên tàu có 5 ngư dân và thời điểm đó tàu neo đậu gần khu vực đảo Đá Lồi. Ông Vương cho biết sức khỏe của các như dân "bình thường".

"Mặc dù thấy tàu cá QNg 90479 TS bị chìm, chỉ còn phần mũi tàu nhô lên, 5 ngư dân bị nạn bám vào mũi tàu kêu cứu nhưng hai tàu Trung Quốc vẫn đứng đó nên ông Khanh không dám cho tàu chạy đến cứu vớt các ngư dân bị nạn. Đến 18 giờ ngày 9.7, sau khi tàu Trung Quốc bỏ đi, ông Khanh mới chạy đến cứu vớt 5 ngư dân trong tình trạng kiệt sức," người trực thiết bị liên lạc ICOM nói với báo Thanh Niên mô tả của chủ tàu Huỳnh Văn Khanh.

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 nói với VnExpress "các ngư dân phải bám vào thân tàu mấp mé dưới nước và sau đó được một tàu cá Quảng Ngãi đến cứu".

Sự việc xảy ra ngay trước thời gian Tòa trọng Tài thường trực tại The Hague công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong tuần qua Trung Quốc cũng vừa tiến hành tập trận tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa.
Chia sẻ tin này Về mục Chia sẻ

(Nguồn BBC Tiếng Việt)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...