02 July 2016

Formosa, sao các người độc ác với nhân dân Việt Nam đến vậy?

Luật sư Trần Hồng Phong
Theo blog Bình Luận Án

(Via DL)

Như vậy là sau 3 tháng, kể từ ngày gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường thuộc hàng khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại ở miền trung Việt Nam, kẻ thủ ác đã bị nêu tên, chỉ mặt. Đó là Formosa - một doanh nghiệp hoạt động dưới mác "sản xuất thép" ở vùng biển Vũng Áng, Việt Nam.

Cá chết & Formosa sừng sững
phía xa (nguồn ảnh: internet)

Thực ra thì trước khi bị Chính phủ Việt Nam nêu tên, chỉ mặt vào ngày 30/6/2016, phần lớn người dân Việt Nam đều đã biết rõ kẻ phạm tội là ai (với tính chất và mức độ hết sức nghiêm trọng như vậy, có thể xem đây là hành vi phạm tội theo Bộ luật hình sự). Tuy nhiên, vì Nhà nước chưa cho phép, hay đúng hơn là không cho phép nói trước, nên người dân đành nhẫn nhịn, chờ đợi. Vì nếu không, thì cho dù là nói đúng sự thật, nói đúng tên Formosa, sẽ bị coi là lũ "phản động", "thế lực thù địch", "bị kích động xúi giục", "vì tiền của bọn phản động nước ngoài" v.v...

Người dân Việt Nam đã phải im lặng, khi có vị quan chức to nói cá chết ở miền Trung là do thủy triều đỏ, khi có vị quan to khác "chửi" nhà báo phỏng vấn về cá chết ở miền Trung là "làm tổn hại cho đất nước"!

Người dân Việt Nam phải im lặng, dù trong lòng muốn can, khi có một số quan chức "nêu gương" tắm biển, ăn cá ... ở những khu vực cá chết do Formosa.

Nay, Formosa đã nhận lỗi, và chịu bồi thường một số tiền có thể nói là quá bé nhỏ - nếu so với những thiệt hại đã gây ra - là 500 triệu USD.

Nếu như ở nước ngoài, ở Mỹ chẳng hạn, thì Formosa có lẽ phải bồi thường gấp 10, 20 lần hay thậm chí nhiều hơn nữa. Và bị tống cổ về nước, đóng cửa nhà máy.

Tuy nhiên, vì Việt Nam là đất nước còn nghèo, là quốc gia biển, cán bộ lãnh đạo lại có lòng nhân ái, chỉ "đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại" - nên Chính phủ Việt Nam bước đầu đã chấp nhận số tiền bồi thường ấy, cho dù chưa thống kê, xác minh thiệt hại thật là bao nhiêu. Và nhiều khả năng Chính phủ Việt Nam sẽ nhân đạo, không khởi tố vụ án hình sự, truy tố những kẻ đã gây nên tội ác kinh khủng khiếp với nhân dân Việt Nam.

(Nhưng Nhà nước Việt Nam rất ghét và xử lý nghiêm tội phạm về ma túy. Cho nên một bà lão Việt kiều Úc dù đã 73 tuổi, vận chuyển ma túy, vẫn bị tuyên tử hình).

Qua những gì đã diễn ra, qua hành vi vi phạm pháp luật của Formosa, tôi chỉ có thể thốt lên một câu: Formosa - sao các người độc ác với nhân dân Việt Nam đến vậy?

Các người lỡ lòng nào xả chất độc ra biển, hủy hoại môi trưởng biển ở miền trung Việt Nam ở mức độ và quy mô khủng khiếp như vậy? Hậu quá gây ra quá lớn đến vậy? Nếu thật lòng có tâm, và nhận thức được lỗi của mình, sao ngay sau khi cá chết, các người không sớm thú nhận và có các biện pháp ngăn chặn, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại cho người dân? Đến mức chính Quốc Hội Đài Loan của các người phải ra nghị quyết phản đối.

Sao các người lại "khôn khéo" chọn ngay vùng biển Vũng Áng, là khu vực đặc biệt, có ý nghĩa an ninh quốc phòng hết sức quan trọng để "đầu tư", xây dựng nhà máy khổng lổ, trên diện tích rộng lớn, tường rào cao ngất, toàn người Trung Quốc vào làm?

Sao các người lại kinh doanh ngành sản xuất thép, khi mà thép đang dư thừa trên toàn thế giới. Và ngay ở Việt Nam cũng đã và đang dư thừa, tồn kho hàng trăm ngàn tấn?

Trong khi sản xuất thép là ngành gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp nhất, sao các người không đầu tư hệ thống xả thải tương xứng, đàng hoàng và đúng pháp luật, có trách nhiệm với đồng loại?

Sao các người không giỏi thì đầu tư ở quê nhà Đài Loan, để người dân Đài Loan biểu tình phản đối, mà phải tới tận Việt Nam để đầu tư, và bây giờ gây ra thảm họa cho nhân dân Việt Nam?

Hành động của các người còn làm ảnh hưởng, gây chia rẽ không nhỏ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Một MC đẹp trai, yêu nước một cách có trách nhiệm, chỉ vì đưa hình ảnh con cá chết ở miền Trung lên facebook, mà bị một nhà báo tên tuổi mời lên truyền hình hỏi vặn "mục đích gì?". Dẫn đến cả nước chia làm hai phe, dùng những từ nặng đối đáp nhau.

Một luật sư chỉ vì nêu vấn đề tại sao đài truyền hình quốc gia không phản ánh chuyện cá chết ở miền Trung như bên Đài Loan, bị một nữ nhà báo dùng từ nặng, khuyên "quay lại là bờ". Dẫn đến cả nước lại một lần nữa chia thành hai phe, dùng từ nặng với nhau.

Dân tộc Việt Nam có bao giờ phải lâm vào cảnh chia rẽ trong quan điểm, dùng từ nặng với nhau như hiện nay không? Chưa bao giờ!

Chỉ vì các người, mà Chính phủ phải khổ công dè chừng, huy động lực lượng ngăn chặn người dân Việt Nam có thể vì bức xúc mà biểu tình, phản đối các người. Dù đấy là quyền được quy định trong Hiến Pháp.

Trên hết, các người đã khiến cho biết bao gia đình người dân miền Trung rơi vào cảnh khốn khó. Tương lai bấp bênh. Môi trường biển ở miền Trung bị hủy hoại hàng nhiều chục năm sau cũng chưa chắc khôi phục lại được.

Các người quả đã rất giỏi trong những hành động xấu xa, độc ác với nhân dân Việt Nam.

Đôi khi tôi tự hỏi, đằng sau những hành động xấu xa và độc ác của Formosa, liệu có còn một mưu đồ thâm hiểm, sâu xa nào nữa hay không - với đất nước Việt Nam? Và tôi rùng mình, không muốn nghĩ nhiều hơn!

________________

“Thành tích” phá hoại môi trường của Formosa


Theo trang Financial Times, tổng doanh thu của Formosa Plastics Corporation (Đài Loan) trong năm 2015 là 192 tỉ đôla Đài Loan (TWD), khoảng 5,9 tỉ USD, giảm khoảng 11% so với năm 2014.

Tuy nhiên, thu nhập sau thuế của công ty này trong năm 2015 vào khoảng 30,9 tỉ TWD (tương đương 1 tỉ USD), tăng mạnh so với thu nhập 17,9 tỉ TWD của năm trước đó.

Tập đoàn nhựa Formosa được thành lập từ năm 1954 và có bề dày thành tích vi phạm trong vấn đề môi trường. Ngoài giải thưởng “hành tinh đen” do Quỹ Ethecon, một tổ chức bảo vệ môi trường của Đức, trao năm 2009, Formosa còn bị chỉ trích phá hoại môi trường tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Trong bức thư gửi các lãnh đạo của Formosa mới đây, ngày 17-6, sau sự kiện tại Việt Nam, Ethecon tiếp tục chỉ trích hành động vô trách nhiệm và vô lương tâm của công ty Đài Loan trong thảm họa gây ra cho môi trường Việt Nam.

“Các hành động vì mục đích cá nhân của công ty là mối đe dọa cho toàn xã hội và môi trường” - Ethecon viết. Tổ chức này cho rằng Formosa phải chấm dứt ngay việc gây ô nhiễm môi trường, đền bù thiệt hại kinh tế và sức khỏe cho những người bị ảnh hưởng và quan trọng nhất là đưa những người chịu trách nhiệm ra trước công lý. Khi trao giải cho Formosa năm 2009, Ethecon dẫn ra nhiều ý kiến cũng như tình hình sức khỏe của các công nhân từng làm việc cho Formosa cũng như nông dân, ngư dân khu vực quanh nhà máy của Formosa.

Năm 1998, Formosa cố thải 3.000 tấn chất thải hóa học ra vịnh Thái Lan, gần cửa biển Sihanoukville, Campuchia. Theo Ethecon, cho tới hôm nay người dân Campuchia tại đây vẫn còn bị ảnh hưởng sau vụ xả chất thải của Formosa. Còn tại Đài Loan, Formosa nằm trong top 10 công ty gây ô nhiễm nhất và “đóng góp” đến 25% tổng lượng khí nhà kính của Đài Loan.

Tại Mỹ, Formosa nhiều lần bị phạt vì vấn đề thải chất ô nhiễm ra môi trường. Những năm 1980, Tập đoàn nhựa Formosa xả 63 tấn chất độc ethylene dichloride vào khu vực dân cư tại Texas, Mỹ. Năm 2009, các nhà khoa học tại Texas đo được một lượng lớn chất độc trong đất và không khí ở xung quanh nhà máy của Formosa...

Năm 2004, Nhà máy Formosa tại Illinois cũng phát tán chất gây ô nhiễm khiến toàn thể dân cư quanh vùng phải di tản. Tháng 9-2009, Formosa bị Sở Tư pháp Mỹ và Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ phạt số tiền lên đến 13 triệu USD. Phần lớn trong số 13 triệu USD được nhà chức trách Mỹ dùng để cải thiện môi trường.

Khôi phục môi trường: không đơn giản

Thế giới có không ít ví dụ trong việc khôi phục thành công môi trường bị tàn phá hay giải quyết các vấn nạn liên quan, nhưng đây là những quá trình dài và có sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo nhằm đưa ra các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ môi trường.

Gần đây nhất tại Mỹ, vụ tràn dầu trên vịnh Mexico do vụ nổ giếng dầu của Tập đoàn BP năm 2010. Trong 87 ngày, lượng dầu khổng lồ phủ khắp mặt biển và các bờ biển quanh vịnh Mexico, gây thiệt hại không tưởng cho môi trường, kinh tế và du lịch.

Chi phí dọn dẹp trong năm năm sau đó lên đến 28 tỉ USD, theo Telegraph. Các bãi biển đến nay đã xanh tươi trở lại và số lượng các loài sinh vật bắt đầu tăng.

Báo cáo của BP không có bằng chứng cho thấy tác động về lâu dài lên các loài sinh vật nhưng giới khoa học cảnh báo sẽ mất nhiều thời gian để nhìn thấy hết được hậu quả của thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

TRẦN PHƯƠNG/ báo Tuổi Trẻ

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...