12 December 2013

Giới thiệu sách mới

Đã phát hành tại Hải ngoại
Nghệ Thuật Tùy Bút của Nguyễn Tuân, sách biên khảo, Tác giả Trọng Đạt.
Sách dầy 282 trang, Người Việt Dallas xuất bản 2014



Trích đăng:

         
  Lối văn biểu tượng của Nguyễn Tuân

     . . . .      CÁI CA VÁT ĐEN

        Bỏ cái áo the quốc phục, Nguyễn khổ nhất về những cái ca vát, chàng đã sắm biết bao nhiêu là ca vát, toàn là những thứ tốt. Những giải lụa yêu quí của Nguyễn vẫn tươi bóng, nhưng chúng đã bị Nguyễn phụ tình, đã bị giam trong tủ áo, có khi hàng mấy tuần Nguyễn không mở đến. Nghe tủ động tiếng khóa, chiếc ca vát nào cũng tự cho mình là đẹp, sẽ được chàng chiếu cố, tủ ca vát rung rinh.
       Nguyễn không để ý đến cái nào cả, chàng tháo chiếc đang đeo trên cổ rồi vứt vào tủ y như một nàng phi thất sủng.
       Chiều nay Nguyễn chán lắm rồi, chán cái đời tiềm tàng của riêng mỗi người, chán đời truy hoan mà chàng thấy vô vị, lô ca vát là dấu vết của một thời đã qua, lô ca vát để lại nhiều kỷ niệm: nào đi xem đua ngựa, đi phố Tây…  Nguyễn thay đổi thực đơn cho lòng mình, thay đổi luôn cái bề ngoái của chàng và rồi cuối cùng Nguyễn lấy ca vát đen ra đeo để tang cho chính mình.
       Trong toàn bộ tập tùy bút Nguyễn, những bài, truyện ngắn lại là những tác phẩm hay có ý nghĩa như Cái Ca Vát Đen: Truyện chưa tới mười trang song nội dung thật là sâu sắc, hành văn trơn tru, bóng bẩy và du dương như một bản nhạc thể hiện cái tâm trạng chán chường của chàng công tử đã có một cuộc đời ăn chơi phóng đãng nay đã thấm mệt chán chường vô vị.

       “Hay là tất cả bấy nhiêu chỉ có bảo cho chàng hiểu rằng tất cả bấy nhiêu là vô vị, là nhạt nhẽo, là thối nát và chàng không tiếc gì mà thay bỏ hết”

       Cái lô ca vát kia là dấu vết của một thời đã được coi là đứt đoạn hẳn và để đánh dấu lại cái bóng quang âm ấy của một thời đã đi qua, Nguyễn đã cất hết bấy nhiêu ca vát đẹp vào tủ kín.

       “Để rồi  lúc nào buồn lại thử mở ra xem, trong cái tủ áo cánh gụ chặt khoá, nhiều kỷ niệm lắm, nào là những buổi chiều lộng lẫy và hí hửng bên một vòng đua ngựa, nào là những buổi sớm ngày chủ nhật đàn đúm đi rong phố Tây sắm những đồ vật không cần dùng gì cho sự sống hàng ngày, nào là những đêm… ôi, mỗi giải lụa tơ dệt mầu là một ngày náo động được hồi tưởng đến”

        Ít ai trong văn chương Việt Nam giầu tưởng tượng và giầu tình cảm như Nguyễn Tuân khi ông dựng lên được mối tình éo le ngang trái giữa một chàng ăn chơi hoang đàng phóng đãng và một lũ ca vát vô tri vô giác.

        “Ấy thế mà đám ca vát tơ kia đã không đến nỗi phụ Nguyễn, người nhân tình bất diệt của lụa mầu. . . .  . . . .  . . .     . . . . . . Ấy thế mà Nguyễn đã phụ tình, ngày nay chàng đã quên, chàng đã ghẻ lạnh với lũ lụa mầu lại còn giam cầm. Trong cái tủ áo kia, những thân tơ óng ả ấy đã là những phận tù của không biết đến bao giờ”

       Đám ca vát vô tri vô giác dưới ngòi bút linh động của Nguyễn Tuân đã trở thành một lũ phi tần chứa chan hy vọng được thánh thượng đoái hoài. Lối văn biểu tượng của Nguyễn Tuân ở đây đã được diễn đạt phong phú mà không gì có thể diễn đạt xa hơn được nữa.

       “Đám ca vát tỉnh giấc vừa mừng vừa hy vọng như lũ tội nhân cầm cố đợi phút được đưa từ buồng tối ra chỗ ánh sáng muôn năm. Luồng gió lạnh tạt từ ngoài vào làm động mấy dây ca vát cọ mình vào nhau. Lũ dải tơ ngả ngốn lẻ loi, xê xích lại. Lũ phi tần nghìn xưa kề gần nhau trong thâm viện rồi xì xào tâm sự với nhau xem hôm nay dê của Thánh Thượng dừng trước bó lá dâu phòng nào thì cũng hồi hộp đến nhường ấy thôi”

       Những văn nhân, thân hữu của Nguyễn Tuân cho rằng lối viết của ông đã đi trước thời đại quá xa, so với thời nay kỹ thuật ấy cũng vẫn còn là mới lạ. Tác giả đã lấy những chiếc ca vát vô tri vô giác để làm biểu tượng cho những kỷ niệm, những ngày ăn chơi phóng đãng và tuyệt diệu hơn nữa ông đã nhân cách hóa những vật vô tri ấy thành những nhân vật có hồn khi so sánh chúng với những nàng cung nữ.

       “Chiếc tủ áo là một cái đề lao xinh xinh, là một thửa lãnh cung và bấy nhiêu ca vát là tất cả số mệnh của những cung nhân bị bỏ rơi, ngày đêm thầm trộm nhớ đến một khuôn mặt rồng ở xa trên nơi chín bệ. Tiếng đàn ca thưa nhặt não nùng của một đô thành hoa lệ, nhiều đêm khô nỏ và thuận chiều gió về đã lẻn qua kẽ tủ gương mài cạnh và dội vào nơi lãnh cung này của đám ca vát bị thất sủng, bị rẻ rúng, rẻ rúng cho đến tận cái kiếp một sợi tơ tằm nhuộm thắm”

       Thế rồi đến một ngày, Nguyễn chán chường cái đời ăn chơi vô vị ấy, chàng đi tìm những thức ăn khác, thay đổi món ăn cho lòng mình, và cuối cùng Nguyễn mở tủ lấy cái ca vát mầu đen đeo vào cổ để kết thúc cuộc đời ăn chơi hoang đàng lêu lổng. Người ta lấy làm lạ vì đang không lại thấy chàng để tang, khi một ông cụ hỏi, thì chàng đáp.

        “Thưa cụ, cháu để tang cháu đấy ạ”

        Lấy đám ca vát làm biểu tượng cho cuộc đời và cho sự kết thúc cuộc đời. Dùng những giải lụa mầu tượng trưng cho những ngày, những giai đoạn ăn chơi hoang đàng vô vị, nhạt nhẽo và giải lụa đen tượng trưng cho sự kết thúc cuộc đời thật là một lối văn biểu tượng đầy ý nghĩa không gì có thể diễn tả hơn thế được.  Ít ai nghĩ ra được những ý tưởng phong phú lạ lùng như thế ngoài tác giả NguyễnTuân


                     CHIẾC ÁO GẤM MƯỢN


      Nguyễn mới đi chơi xa về, chàng dở chồng thư, báo ra xem không thấy tin gì mới, không thấy thư có viền đen báo tang, chàng thở dài vì chưa thấy ai chết bớt đi. Rồi một thiệp báo hỷ, một anh bạn lấy vợ, một anh bạn hiền như đất. Cái anh bạn Dực ấy đến mời Nguyễn đi làm phù rể mặc dù chàng đã sáu đứa con, chàng sẽ mặc áo gấm. Hôm ấy Nguyễn sống một ngày với cái áo gấm mượn, khăn mượn, áo dài trắng mượn, trông như tên đề lại già. Chàng say sưa cái vui của bạn lồng trong tâm trạng mới của mình.
       Chàng ta chui vào chiếc xe hòm đi rước dâu, thấy lòng mình hoan lạc đi phò tá một người bạn đi tìm hạnh phúc trên con đường nhựa Hải Phòng và tưởng như mình cũng chụp được cái bóng của hạnh phúc, một giây lát hạnh phúc. Xe dừng trước cổng nhà cô dâu, pháo nổ, cô dâu lên đường về nhà chồng, con đường về sao mà chóng thế, mọi người về đến cửa nhà Dực vào lúc đúng ngọ.
       Nguyễn vui quá, thấy pháo nổ đì đùng, chàng mong cứ được phù rể như thế này mãi, cả phố vui cười thân thiện. Bữa tiệc tàn, Nguyễn ra về, trả lại áo gấm mượn và thấy lòng mình vui lâng lâng.
      Khác với cái không khí bi quan chán chường trong Cái ca Vát Đen, ở đây Chiếc Áo gấm Mượn lại thể hiện một chút lạc quan yêu đời của chàng Nguyễn. Tình cờ một người bạn cũ mời Nguyễn đi làm phù rể mặc dù chàng đã là một người cha của sáu đứa con, lúc mới vào truyện chàng đang ở tâm trạng của một kẻ bi quan, mong nhân được thiệp báo tang, mong cho có kẻ chết bớt đi.

       “Ra vẫn chưa có một người quen nào chết bớt đi. Đã sốt ruột chưa? Nếu bây giờ vì một phép thần bí gì, trong sự sống của loài người, sẽ không có sự chết chóc, sẽ không có một người nào chết, mỗi người đều cứ lù lù sống mãi ỳ ra đấy, thì không biết rồi cuộc sống của con người sẽ nặng nhọc đến bực nào nhỉ? Từ xưa đến giờ ai cũng đều bạc đãi thần chết cả. Đã mấy người biết cám ơn cái chết”  

       Thế rồi nhận được thiệp cưới, rồi chú rể Dực mời Nguyễn đi làm phù rể, chàng thấy mình say sưa với cái vui của bạn lồng trong tâm trạng mới của mình.

       “Một buổi sớm ấy đi phò tá một người bạn đang tìm hạnh phúc ở người đàn bà, trên con đường nhựa Hải Phòng nhẵn lì, Nguyễn ngờ ngợ hình như chính mình cũng vừa thoáng chộp được cái bóng hạnh phúc. Một tí hạnh phúc sổi thì. Một giây lát hạnh phúc trong hiện tại. . . . khi mà người ta cảm thấy mình được vui một cách không cần sắp đặt! Nguyễn có cần gì nhiều”  

        Bốn ông phù rể và bốn cô phù dâu đi dài ra như giai nhân tài tử trong một ngày hội chơi xuân. Nguyễn thấy vui quá và chàng lại ước mơ giá cứ được đi phù rể mãi như thế này thì thích thật.

       “Lòng Nguyễn vui nhộn như người ta đang rước đèn hội Tây ngay trong bụng mình, chàng cảm thấy được sống là một cái vinh dự hơn là một cái lụy. Chàng không ngờ mình lại hoan lạc được đến nhường này. Hoan lạc một cách chí thành riêng với mình chứ không phải là vì tính cách thù thế của trường hợp này”

       Pháo nổ đì đùng, tiệc rượu đang tàn, Nguyễn trở lại cái bình lặng quen thuộc của mỗi ngày.
       Nguyễn Tuân đã đi trước thời đại ở lối viết biểu tượng với những hình ảnh sống động và sâu sắc: cái ca vát đen tượng trưng cho sự kết thúc cuộc đời ăn chơi phù phiếm, chiếc áo gấm mượn tiêu biểu cho chút hạnh phúc mượn ké của nơi người khác. Một người đàn ông đã có sáu con bỗng trong một buổi phù dâu đã mượn đỡ cái vui, cái hạnh phúc của người khác trong khi mặc chiếc áo gấm mượn làm phù rể trong giây lát.

       “Hơi men ngà ngà và dư vị ngày vui làm cho Nguyễn đang tưởng đến bây giờ là bao giờ. Dẫu sao cái vui ké ấy cũng là một giấc mơ bằng vàng diệp. Nguyễn đã đi sát gần ngay vào cái sung sướng của chung quanh”

(Nghệ Thuật Tùy Bút Của Nguyễn Tuân, trang 231-239)

No comments:

Post a Comment

"Tôi ngồi ở đây", cười tí tỉnh

Một chiếc máy bay trên đường đến Toronto thì một cô gái tóc vàng ở hạng phổ thông đứng dậy, chuyển sang khoang hạng nhất và ngồi xuống. Tiế...