18 December 2013

Giáng Sinh và Hy Vọng, hồi ký.

                                                                        Cao Xuân Thức

Tạo hóa đã tạo ra con người với bộ óc trong đó có bộ nhớ thật huyền diệu. Tuy bộ óc của người viết đã một lần bị chấn thương do một biến cố bất ngờ ! Nhưng cứ mỗi năm vào dịp Tháng Mười Hai, cuộc vượt biên đầy gian nguy lại hiện ra từ bộ nhớ huyền diệu đó.

Vào ngày 21 tháng 12 năm 2011 nằm trên giường bịnh mà trí nhớ tôi quay trở về rõ mồn một cái cảnh tượng vượt biên với chiếc thuyền nho nhỏ chông chênh trên biển cả đại dương. Biển cả bao phủ một màu đen hãi hùng, hòa lẫn âm thanh gào thét liên hồi của gío hú và tiếng sóng dữ đập vào mạn thuyền... Con thuyền bị sóng đẩy lên cao như đang trên đỉnh gió hú rồi lại chìm xuống vực thẳm bao quanh  bởi luồng sóng dâng cao bao phủ cả con thuyền… Như muốn nhấn chìm cả con thuyền với gần năm mươi sinh mạng đang khóc lóc cầu kinh không mệt mỏi. Thuyền bị sóng đẩy lên cao rồi lại dìm xuống theo chu kỳ con sống đại dương. Quang cảnh kinh hồn đó kéo dài gần cả một ngày. Thật khủng khiếp. Thật khó mà diễn đạt hết nỗi sợ hải lúc bấy giờ.

Cảnh tượng kinh hoàng này đã in sâu trong bộ nhớ của người viết. Hồi tưởng lại cũng ngày 21 tháng 12 năm 1984 con thuyền do tôi làm thuyền trưởng đã rời Bến Hàm Tử, cạnh nhà đèn Chợ Quán để chơi một ván bài mà độ cá cựa là sinh mạng của mình và những anh em thuyền viên và theo dự trù có đến cả gần 70 sinh mạng của khách.

 Một đời người chỉ có một lần được sanh ra bởi bà mẹ hiền nhưng có thể được tái sanh nhiều lần. Cụ thể như người viết đã trải qua bốn lần tái sinh. Ôn lại quãng đời 72 năm  qua, tưởng chừng như một giấc mơ vừa đẹp, vừa khó hiểu, vừa giật mình tự hỏi sao mình còn hiện hữu?

Khoảng năm 1948 làng Hướng Phương Tỉnh Quảng Bình rơi vào vùng kiểm soát của Việt Minh. Dạo đó chưa có ai nói đến hai chữ Việt Cộng. Mãi tới khi lớn lên sau năm 1954 tôi mới nghe nói tới hai chữ Việt Cộng. Làng Hướng Phương nằm cách trại lính Ba Đồn  độ 5 cây số và do phe Quốc Gia kiểm soát. Sau đó trại lính này cũng lọt vào tay Việt Minh. Thế là mẹ tôi và tôi, hai mẹ con mất liên lạc với thầy tôi và các anh chị đã bỏ làng chạy giặc lúc làng bị mất. Sau đó mẹ con chúng tôi tìm đường vượt biên. Thật ra tôi còn bé lắm. Mẹ tôi lo liệu tất cả; tôi chỉ chạy theo như gà con theo đuôi gà mẹ!!!. Vượt biên thất bại. Bị nhốt vài tháng. Được tha về . Vượt lần thứ hai. Thành công khi chiếc ghe cập bến Quảng Khê. Một căn cứ của Pháp và có cả lính Việt Nam. Sau đó được thương thuyền lớn chở vào đoàn tụ với thầy và các anh chị tôi ở tỉnh lỵ Đồng Hới.

Đó là lần tái sanh thứ nhất. Tôi nói tái sanh vì Việt Minh thời đó cũng ác ôn không khác gì Việt Cộng bây giờ. Chúng nó áp dụng luật rừng rú. Muốn giết ai là giết; và giết người như giết gà giết chó để xơi rựa mận.

Tới tháng Bảy 1954 khi hiệp định Geneve ký kết, gia đình thầy mẹ tôi lại một lần nữa chạy giặc Việt Minh. Chúng tôi theo đoàn công-voa của quân đội Quốc Gia di chuyển vào Nam qua sông Bến Hải, nghỉ vài ngày rồi di chuyển tiếp vào tạm trú trong Thành Nội Huế. Ở đó có nhiều đền đài và sát ngay bờ sông Hương. Một thời gian sau chúng tôi theo xe lửa/đường hỏa xa vào Đà Nẵng và tạm trú tại khuông viên nhà thờ Đà Nẵng. Lúc này tôi gia nhập đạo quân con nít theo chân bọn đàn anh đi đánh giày cho bọn lính Lê Dương tại các hàng quán ở Đà Nẵng. Một hôm tôi bị phát hiện bởi một người quen . Vị này báo cáo với thầy mẹ tôi. Bị la một trận tơi bời và tôi bị quản thúc tại gia cho đến ngày theo tàu chiến của Pháp di chuyển vào Nha Trang. Ở đây tôi đã học  trường các bà Sơ, trường Nam Tiểu Học Nha Trang, và  trường Trung Học Võ Tánh. Tuổi học trò vui nhất đối với tôi là đi xem bảng sau các kỳ thi như thi  tuyển nhập học lớp Đệ Thất trường công lập Võ Tánh, thi bằng Trung học đệ nhất cấp cuối năm học lớp Đệ Tứ, tú tài nhất cuối năm học lớp Đệ Nhị, và tú tài hai cuối năm học lớp Đệ Nhất. Hồi hộp chờ nghe xướng danh - sau đó chen lấn tới xem bảng đậu được niêm yết trên tường. Có một số thí sinh vì quá giận khi bị rớt  nên xé danh sách. Lúc đó phải vội đạp xe về nhà nằm chờ đài phát thanh Nha Trang phổ biến. Thật thú vị và vui ơi là vui nếu nghe được tên mình. May mà lần nào tôi cũng đậu!


Sau đó vào Saigòn học tại Đại Học Khoa Học một năm và thi vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở đường Trần Quốc Toản Sài Gòn. Tốt nghiệp. Đi làm. Tưởng như đã yên. Ai ngờ 30/04/1975 lại là ngày Quốc Nạn. Cả miền Nam thân yêu lâm vào cảnh gia đình ly tán. Con mất cha. Vợ mất chồng. Bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp…tán loạn bốn phương trời gốc bể.

Tôi bị lùa đi ở tù như hàng trăm ngàn quân nhân, công chức khác. Tù bảy ngày… trở thành tù vô thời hạn. Khi nào tụi Việt Cộng muốn cho về hay muốn bắn giết ai không cần lý do. Tụi nó từ thời Việt Minh cho tới thời 1975 hay ngay cả hiện nay ở trong nước, muốn bắt ai, muốn bỏ tù ai, muốn giết ai  cứ tùy tiện. Chúng cai trị không cần luật pháp. Các nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, bà con dân oan khiếu kiện, hay tuổi trẻ yêu nước phản đối độc tài cai trị của đảng cộng sản và chống giặc Tàu xâm lặng Việt Nam… cũng không thoát khỏi bàn tay tàn bạo của chúng. Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh. Áp bức càng dã man tàn bạo, đấu tranh càng quyết liệt hơn bao giờ hết. Đó là quy luật tất yếu của xã hội loài người. Lịch sử đã chứng minh không một chế độ độc tài nào tồn tại lâu dài và mãi mãi. Từ Tần Thủy Hoàng/Trung Hoa, Sadam Husein ở Irak, hay các chế độ ở Tunisia, Ai Cập, Lybia…

Chế độ độc tài toàn trị cai trị bởi đảng cộng sản Việt Nam bây giờ rồi cũng cùng chung một  số phận.
Bị lùa đi tù tập trung trong 7 năm với lao động khổ sai, với bụng đói ngày chỉ có thìa (spoon) cơm, hay bobo còn nguyên vỏ… anh chị em tù không còn nhận diện ra nhau vì da bọc xương…Thật sống không bằng chết. Vậy mà chúng tôi còn tồn tại để trở về. Đó là nhờ chúng tôi vẫn còn hy vọng một ngày mai tươi sáng. Sống không hy vọng coi như không còn sống nữa.

Ngày được thả ra khỏi trại tù… ai ai cũng cắm đầu chạy, nếu còn sức, còn yếu thì cố bước nhanh hơn để xa trại tù càng nhanh càng tốt vì tâm trạng cứ nơm nớp lo sợ bị công an trại giam bắt lại.!!!
.
Về đến nhà ở Quận 6, Phú Lâm, Chợ Lớn lúc đó độ 10 giờ đêm. Tôi không nhận ra dễ dàng căn nhà 21 F của tôi. Phải đi tới lui vài lần mới tìm ra được!!!. Gõ cửa vài lần bà xã mới ra mở cửa. Bà ngạc nhiên mừng vui vì không ngờ tôi lại trở về đúng ngày tết Trung Thu. Mấy đứa con ngủ say sưa. Ngày hôm sau tôi theo vợ ra trình diện Phường…Và cứ dài dài trình diện khi  làm tạp dịch tại văn phòng Phường, khi  làm vệ sinh tại các con đường trong cư xá  tôi ở. Ngẫm nghĩ thế này cũng khó ở yên. Tôi nói với vợ tôi chắc phải kiếm việc gì làm để tránh bớt cái cảnh làm tạp dịch. Thế rồi may mà cậu em có chiếc xe xích lô và nhờ đó tôi cũng được nhường cho một số giờ  để  đạp kiếm tiền. Như thế xe có ba người chia nhau đạp ba xuất: sáng, chiều và tối.

Thật tình đạp kiếm tiền và tránh bớt làm tạp dịch là mục tiêu trước mặt. Nhưng mục tiêu chính là để đánh giá tình hình và tìm đường vượt biên. Thế rồi Trời thương và đã vượt biên thành công dù nguy hiểm trăm bề: chưa ra khơi thì sợ công an khu vực, công an đường sông, tới công an đường biển. Khi thuyền ra tới ngoài khơi hết nỗi sợ kia thì lại tới nỗi sợ khác.. Nỗi sợ hãi này còn kinh hoàng hơn nhiều. Biển cả mênh mông: nhìn xuống biển nước đen ngòm, nhìn lên trời không trăng sao, mây đen phủ kín bầu trời. Trong khi đó tiếng gió và sống biển hung dữ gầm thét tưởng như muốn ăn tươi nuốt sống con thuyền. Rất ghê rợn. Rất khủng khiếp. Không bút mực nào diễn tả hết được nội sợ hãi kinh hoàng này! Thuyền chạy được hai ngày một đêm, gặp  chiếc tàu buôn Panama. Chúng tôi lấy áo trắng phất qua phất lại kêu cầu cứu. Nó chậm lại  nhìn xuống thuyền chúng tôi, rồi bỏ đi… Thất vọng!

Tiếp tục theo hướng định sẵn, chúng tôi lênh đênh trên biển ba ngày hai đêm đột nhiên bầu trời quang đãng và vài con chim biển bay qua. Sực nhớ lại cuốn sách mua được trên đường phố Lê Lợi, Sài gòn chỉ cách đi biển: Nếu đi trên biển mà thấy có chim biển bay là dấu hiệu đã gần đất liền hay hải đảo. Tôi chia sẻ với anh thợ máy và bác tài công cùng một vài anh em khác trong  buồng lái. Đến sáng ngày thứ tư khi hừng đông vừa ló dạng, chúng tôi nhìn thấy một hải đảo. Tôi dặn anh em hãy cẩn thận quan sát xem có phải là Côn Đảo hay không, xem coi có cờ đỏ sao vàng hay không . Sau đó có một chiếc ghe từ trong bờ tiến ra. Đầu mũi ghe khác với các loại ghe Việt Nam. Tôi dặn tài công cho thuyền chậm lại và chiếc ghe lạ áp sát vào thuyền chúng tôi. Tôi thủ sẵn một bản đồ thế giới loại khổ giấy học trò, xung quanh có rất nhiều cờ các nước. Tôi chỉ vào cờ Thái Lan họ lắc đầu, và một ông lanh lẹ chỉ tay vào cờ Indonesia.

 Mừng quá! Tôi thầm cảm tạ Chúa và Mẹ Maria đã dẫn dắc con thuyền bé nhỏ này tới được bến bờ tự do. Vội gom vài chiếc nhẫn, tôi trao cho anh em Indonesia và lên bờ đúng vào ngày 24 tháng 12 năm 1984 sau khi rời bến Hàm Tử, Sài gòn ngày 21 tháng 12 năm 1984 như ở phần đầu bài viết này. Vài viên chức Indonesia nói thường tháng này biển rất động nên tàu Cao Uỷ Tị Nạn về Singapore tu bổ, không có lương thực hay bất cứ thứ gì  cấp cho chúng tôi. Chỉ có cái giếng nước  và một cái nhà nền xi-măng mái tôn, không có tường che chắn gì cả. Anh em Indonesia cũng tốt bụng khi tôi nói cho họ chiếc thuyền, xăng và thực phẩm trên thuyền. Họ trả lời chỉ nhận chiếc thuyền còn thực phẩm chúng tôi phải mang theo mà sống chờ vài tháng nữa Tàu Cao Uỷ mới đến chở về đảo KuKu.

Bởi vậy cho nên Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh đêm 24 tháng 12 năm  1984 đến với chúng tôi thật đơn sơ mộc mạc như ngày xưa Chúa Hài Đồng đã được giáng thế trong hang lừa máng cỏ. Nước lạnh và cơm trắng với vài hạt muối xin dân địa phương trên đảo. Một  vài anh chị em chụm ba  chụm bảy thì thầm cầu nguyện hoặc tưởng nhớ tới người thân còn ở Vi ệt Nam. Chưa vượt biên, mong đêm mong ngày. Đến khi vượt  thành công  lại nhớ nhà, dù chỉ mới rời nhà  chưa đủ một tuần lễ. Lòng người không đơn giản chút nào.

Tôi nhớ mãi mùa Noel năm 1984. Vì hy vọng đã vươn lên theo mùa Lễ Giáng Sinh năm đó. Hạnh phúc có những lúc rất giản dị. Không cây thông, không gà tây, không gà ta, không thiệp giáng sinh, không nghe được  âm thanh bài thánh ca Noel… mà vẫn cảm nhận được hạnh phúc tràn đầy.  Sống không tin yêu, không  hy vọng, không khác  gì con thuyền trên biển cả, không có địa bàn trong đêm tối không trăng sao.

Figure 2 Hải đảo Pulau Laut điểm đến đầu tiên 24/12/1984. Đọc giả nhìn vào bản đồ thấy dấu hỏi và tên Nam Dương màu đỏ… phía dưới có mũi nhọn nhô lên và chữ mờ mờ là Pulau Laut. (Nếu phóng to ra sẽ thấy rất rõ).

Độ hai tháng sau chúng tôi được di chuyển về trại tị nạn ở đảo Kuku. Nơi đây có văn phòng Cao Ủy và có chế độ cấp phát thực phẩm. Tại đây tôi  gặp nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng…Tại đây có nhà thờ, có Thánh Thất, có Chùa… Ở đây một thời gian, một số chúng tôi được  di chuyển về trại Ga-lăng, để đợi phái đoàn các quốc gia phỏng vấn.

Về tới trại Ga-lăng:  Ga-lăng1 để học anh văn và chờ phái đoàn phỏng vấn. Nếu qua được phỏng vấn để đi Mỹ hay Canada… lại khăn mướp di chuyển vào Ga-lăng 2 để tiếp tục học anh văn và văn hóa Mỹ. Chuẩn bị cho ngày nhập vào Mỹ: khám sức khỏe là chính yếu. Ai xui phải ở lại uống thuốc thì buồn lắm, bởi vì ai cũng nôn nao rời đảo đề đến vùng đất mới. Không phải ai cũng được các phái đoàn nhận. Vì có một số thuyền nhân gọi là diện mồ côi, không có nước nào nhận và đã ở trên đảo cả gần chục năm. Số thuyền nhân trên đảo Ga-lăng thật phức tạp. Đó là một xã hội thu nhỏ. Nó phản ánh được các mặt tốt xấu của một xã hội con người.

Thế rồi ngày rời đảo Ga-lăng để đến Hoa Kỳ cuối cùng cũng thành sự thật. Ngày tôi từ máy bay  bước xuống phi trường Los Angeles là một ngày cuối tháng Mười năm 1985.
Tại quê hương thứ hai, một cuộc chiến mới lại bắt đầu. Vật lộn với chuyện cơm áo. Tất bật với mọi điều mới lạ. Tiền nhà, tiền xe, tiền xăng nhớt, tiền ăn tiêu… tiền/quà gửi về nhà nuôi vợ con… Đó chẳng phải là cuộc chiến mới hay sao?

Tuy nhiên cuộc chiến mới thực sự không phải ở chổ đó; Ngược lại với kinh nghiệm năm 1954 trước khi  cộng sản rút quân về bên kia vĩ tuyến 17, theo quy định của hiệp đinh Geneve 1954, bọn gian manh Việt cộng đã cài đặt một số cán bộ ở lại nằm vùng. Lần này chắc chắn chúng lại lợi dụng làn sống người vượt biên cài đặt tình báo và cán bộ trong các nơi có đông người Việt cư ngụ. Tôi đã nghĩ đến điều này từ lúc còn ở tại các trại tị nạn của Cao Ủy trên các hải đảo. Quan sát những người gọi là tị nạn đó, tôi nhận ra một số không phải tị nạn thực sự, từ cách sống đến cách sinh hoạt không bình thường. Đến Mỹ và cho tới bây giờ nhiều điều xảy ra trong các nhóm người Việt Nam, đã xác minh những suy tư của tôi từ trước đều không sai. Nghị quyết 36 của Việt cộng đủ để xác minh điều này. Ngày nay mọi sự  đã rất rõ nét, không cần tranh cãi.

Những ai kêu gọi xóa bỏ hận thù giữa những người Việt với nhau, chúng ta phải cảnh giác. Có hai loại người nói như thế. Một là u mê không hiểu con người cộng sản là gì. Hai  chính nó là cộng sản hay tay sai cộng sản. Bởi lẽ trong cương lĩnh của đảng cộng sản Việt Nam không hề có xóa bỏ hận thù, không bao giờ có hòa hợp hòa giải. Nếu bọn cộng sản có nói cũng chỉ là lừa bịp những kẻ u mê, nhẹ dạ dễ tin. Những người Việt Nam yêu tự do dân chủ có biết rằng mình chịu xóa bỏ hận thù nhưng  Việt Cộng có thực tâm như vậy đâu. Chúng ta không theo chúng thì trước sau gì cũng sẽ bị chúng tiêu diệt thủ tiêu. Đơn giản chỉ có thế. Vậy mà cứ bị  Việt Cộng lừa hết đời cha đến đời con đời cháu. Đến giờ phút này vẫn còn một số kể cả thành phần khoa bảng vẫn chưa mở mắt. Người đời hay nói câu “Chó đẻ ba ngày chó mở mắt. Vậy mà có người sau gần 39 năm vẫn còn chưa mở mắt”. Hãy mở mắt to nhìn và nghe cho rõ trong các ngày tháng gần đây nhất, những thành phần đảng viên đảng Cộng Sản kỳ cựu như luật gia Lê Hiếu Đằng có trên 45 năm  tuổi đảng,… Ông đã một thời sống dưới chế độ Viêt Nam Cộng Hoà trước 30/04/1975 nhưng làm tay sai cho Việt Cộng, vừa tuyên bố công khai bỏ Đảng vì Đảng đã không còn là Đảng mà ông đã theo 45 năm trước. Thật ra ông đã bị lừa bịp và dễ tin. Đảng Cộng Sản lúc đó và bây giờ vẫn là một, không có gì thay đổi. Một Đảng của bè lũ bán nước hại dân. May mà ông còn nhận ra được ông lầm đường lạc lối  và quay lại với dân tộc. Hoan nghinh ông.
 
Mừng Chúa Giáng Sinh năm 2011 tại bịnh viện. Quả bong bóng “Get Well Soon” phía trái có  hàng chử  “Laughter is The Best Medicine” cạnh đó là  Cao Xuân Thức  qua hình ảnh  chú Gấu đeo kính cận, trên tai bên trái có “ I love grandpa” với hình tượng Chúa Hài Đồng đang mở tay Ban Bình An Cho Người Thiện Tâm và chiếc xe xích lô đạp, người bạn thân thiết giúp tôi vượt qua cảnh túng nghèo sau khi ra khỏi tù… Tất cả do mấy đứa cháu đưa vào đúng ngày 25/12/2011  và hát bài Happy Birthday to Ông Ngoại… Nhờ thế tôi đã qua khỏi thời kỳ thập tử nhất sinh… Đó là phép lạ, là hồng ân Thiên Chúa dành cho tôi và gia đình. Còn hy vọng vào Chúa là còn con đường sống và vươn lên.

Khi tới Mỹ gặp ai cũng chúc mừng đã đến bến bờ tự do. Đồng ý. Để được hít thở không khí tự do không còn nơm nớp lo sợ sẽ bị Việt Cộng lùa vào tù lúc nào không biết. Tôi đã đem cả tánh mạng để đổi lấy hai chữ tự do. Tôi rất trân quý và hiểu rõ được gía trị của hai chữ đó nên quyết tâm để bảo vệ nó với mọi giá. Và quyết tâm làm bất cứ điều gì có thể, để cho đồng bào mình còn sống dưới ách cai trị độc tài, tàn ác của chế độ cộng sản Việt Nam cũng phải được hít thở không khí tự do và sống xứng đáng với phẩm giá con người như nhân dân  tại các nước văn minh tiến bộ trên thế giới.

Bất thình lình tôi bị bạo bịnh vào ngày 21/12/2011 và phải nằm viện cho tới ngày 08 tháng 01 năm 2012 mới được về nhà. Năm đầu không viết, không đụng chạm gì tới computer.  Mãi tới hơn một năm sáu tháng sau đó, tôi mới hồi phục lại một vài sinh hoạt bình thường. Thật là một phép lạ nữa cho bản thân và gia đình tôi.

Quả đúng đời là vô thường.  Không ai vượt qua khỏi bàn tay sắp đặt của Đấng Tạo Hóa. Miễn là mình còn đặt  HY VỌNG Vào Bàn Tay Của Ngài. Phó thác hết cho Ngài. Chân lý này tôi cảm nhận được xuyên qua cuộc đời ba chìm, bảy nổi lắm ưu tư của bản thân: Ba lần vượt biên, từ làng Hướng Phương vào Đồng Hới 1953, từ Đồng Hới vào Nha Trang 1954, từ Sài gòn sang Mỹ năm 1985. Hai lần ở tù Cộng Sản: Một lần tù vượt biên năm 1953 và một lần tù năm 1975 vì quốc nạn. Một lần bị bịnh thập tử nhất sinh năm 2011.

Tôi hy vọng rồi đây đồng bào Việt Nam trong nước sẽ được tự do thực sự và bình an sẽ đến với đất nước mình. Thời còn ở quê nhà, hàng năm đến qùy gối trước hang đá máng cỏ, nhìn hình ảnh Chúa Hài Đồng  lòng tôi chợt nghĩ tới câu “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” và cầu khấn rằng xin cho tâm hồn con  luôn được như vậy. Ngước mắt nhìn lên, hang đá nào cũng có câu:
"Vinh Danh Chúa Cả Trên Trời,
Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm".
Kính chúc qúy bạn đọc luôn được bình an, vui vẻ, và tràn đầy niềm Hy Vọng trong Mùa Giáng Sinh năm 2013.

Thân ái kính chào.
Cao Xuân Thức
Orange County, California  December ,2013.

No comments:

Post a Comment

"Tôi ngồi ở đây", cười tí tỉnh

Một chiếc máy bay trên đường đến Toronto thì một cô gái tóc vàng ở hạng phổ thông đứng dậy, chuyển sang khoang hạng nhất và ngồi xuống. Tiế...