TS Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ London
Thủ tướng Cameron thăm TQ mới đây.
Tựa đề lớn trên trang nhất của tờ Daily Mail – một trong những nhật báo quan trọng tại Anh – số ra ngày thứ Hai (16/12) là ‘Why Are We Giving China £27m in Aid?’ tạm dịch là ‘Tại sao chúng ta lại viện trợ Trung quốc 27 triệu bảng?’ khi quốc gia này vừa mới ‘phóng vệ tinh lên mặt trăng và là một siêu cường kinh tế’?
Theo số liệu mà tờ Daily Mail có được, năm 2012, Anh đã viện trợ Trung Quốc đến 27.4 triệu bảng (Anh) và Việt Nam – một trong số 15 nước vẫn còn nhận viện trợ từ Anh – 51.5 triệu bảng.
Các bài liên quan
Nhưng trong số các quốc gia nhận viện trợ Anh, Trung Quốc là nước làm tác giả của bài viết ấy là Jason Groves thắc mắc và đặt câu hỏi tại sao Anh lại đi viện trợ cho quốc gia Cộng sản giàu có và vừa thành công phóng vệ tinh lên mặt trăng này?
Giàu vẫn nhận viện trợ
Bài viết đã trích dẫn ông Peter Bone, một dân biểu thuộc đảng Bảo thủ và là người đã kêu gọi bà Justine Greening, Bộ trưởng Phát triển quốc tế của Anh, phải giải thích tại sao Anh vẫn viện trợ cho Trung Quốc.
Hệ thống tàu cao tốc của TQ
được phát triển mạnh và nhanh
trong nhiều năm qua.
Ông Peter Bone được trích dẫn nói rằng: ‘Công luận có lý khi kinh tởm về việc chúng ta vẫn tiếp tục lãng phí tiền viện trợ cho Trung Quốc. Thật là bất thường khi chúng ta làm việc đó họ lại đi gửi tàu thăm dò lên mặt trăng’.
Một dân biểu khác thuộc đảng Bảo thủ và là thành viên của ủy ban phát triển quốc tế của Hạ viện Anh, bà Pauline Latham, cũng được trích dẫn nói rằng bà rất ngạc nhiên về tiết lộ ấy và cho rằng khi Trung Quốc đã phóng vệ tinh lên mặt trăng ‘rõ ràng họ không cần sự giúp đỡ của chúng ta nữa’.
Theo tác giả của bài viết Trung Quốc hiện có gần 2000 tỷ bảng tiền dự trữ, đang đổ hàng tỷ vào chương trình không gian của mình và có đến 1.4 tỷ người Trung Quốc xem trực tiếp trên truyền hình chương trình phóng Jade Rabbit (Thỏ Ngọc) lên mặt trăng vừa rồi của nước này.
Có thể nói phóng viên Jason Groves, các dân biểu như Peter Bone và Pauline Latham cũng như người dân Anh có lý khi hỏi tại sao chính phủ của họ lại bỏ ra một số tiền lớn như vậy để viện trợ cho Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện là nước có kích cỡ kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), sản lượng quốc gia (GDP) của nước này năm 2012 là 8,358 tỷ đôla Mỹ – sau Mỹ (15,680 tỷ) và trước Nhật (5,969 tỷ) – trong khi đó GDP của Anh chỉ là 2,435 tỷ. Như vậy, tính theo GDP, Trung Quốc ‘giàu’ hơn Anh gần đến bốn lần.
Về thương mại, Trung Quốc cũng vượt trội Anh. Theo Tổ chức mậu dịch thế giới (WTO), năm 2012, với việc chiếm đến 10.45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thế giới, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ (10.5%) và vượt xa Anh (3,15%).
Điều đáng nói hơn, Trung Quốc hiện là nước đứng đầu về xuất khẩu (chiếm đến 11.1% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới), trong khi đó Anh xếp thứ 11 (với chỉ 2.6% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới).
TQ đầu tư mạnh cho
hải quân và không quân.
Trung Quốc hiện cũng là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới. Theo số liệu của Stockholm International Peace Research Institute, chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là 166 tỷ, trong khi đó Anh chỉ dành cho quốc phòng 60.8 tỷ.
Về thu nhập đầu người, Trung Quốc vẫn còn thua xa các nước phát triển khác như Anh. Theo số liệu của World Bank, trong khi thu nhập đầu người của Trung Quốc năm 2012 chỉ có 5,680 đôla Mỹ, thu nhập đầu người ở Anh là 38,250.
Nhưng tính theo các chỉ số khác, như GDP, thương mại hay chi phí cho quốc phòng, Trung Quốc không còn là một nước nghèo. Trái lại, quốc gia này đang trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự.
Thậm chí xét về thu nhập đầu người, Trung Quốc cũng giàu hơn nhiều quốc gia châu Á khác như Ấn Độ (1,530 đôla/người), Indonesia (3,420 đôla/người), Philippines (2,470 đôla/người) hay Việt Nam (1,400 đôla/người).
Tuy vậy, xem ra Trung Quốc vẫn cảm thấy ‘nghèo’ và đi nhận viện trợ từ một quốc gia khác như Anh. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vào đầu tháng 12 này, Thủ tướng Anh David Cameron đã có chuyến công du tới Trung Quốc và trong khi ông còn đang ở đây, một số báo chí nước này đã lên tiếng chê bai nước Anh và cho rằng nước Anh không còn là ‘một nước lớn’.
'Giàu nhưng hơi keo kiệt'?
Một điều đáng nói là nữa là dù tương đối ‘giàu’ và sẵn sàng đi nhận viện trợ từ các chính phủ khác, chính quyền Trung Quốc lại tỏ ra keo kiệt đối với những quốc gia, nạn nhân bị thiên tai.
Chẳng hạn, Bắc Kinh chỉ viện trợ cho Philippines 100 nghìn đôla tiền mặt sau khi quốc gia này bị bão Haiyan tàn phá nặng nề vào tháng 11. Với số tiền ít ỏi ấy (bằng Việt Nam và chỉ bằng 1/200 tổng giá trị gói viện trợ 20 triệu đôla của Mỹ), Trung Quốc xếp chót bảng các nước viện trợ Philippines.
Thái độ ti tiện này của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận thế giới. Ngay cả Hoàn cầu Thời báo (Global Times) – một tờ báo của Trung Quốc có xu hướng diều hâu, nặng chủ nghĩa dân tộc – cũng phải lên tiếng về khoản viện trợ quá khiêm tốn ấy và cho rằng làm như thế sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới.
"Tại sao một quốc gia đang trở nên giàu mạnh, đang lên như thế lại không có lòng tự trọng, chấp nhận đi nhận viện trợ từ một quốc gia khác."
Sau khi bị công luận quốc tế và truyền thông trong nước chỉ trích về khoản viện trợ bằng tiền mặt quá ít ỏi ấy, chính phủ Trung Quốc mới quyết định viện trợ thêm cho Philippines 1,4 triệu đôla.
Một cường quốc kinh tế chỉ bỏ ra 100 ngàn đôla để cứu trợ một nước láng giềng đang bị thảm họa – với việc hàng ngàn người bị thiệt mạng và hàng chục ngàn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất – trong khi những quốc gia xa xôi lại đồng loạt đưa ra những khoản viện trợ lớn và kịp thời cho thấy Trung Quốc rất keo kiệt, ti tiện.
Dù sau đó Trung Quốc cung cấp thêm gói viện trợ trị giá 1,4 triệu đôla, khoản viện trợ ấy cũng thua xa rất nhiều các nước khác, trong đó có Anh – quốc gia đã tăng gấp đôi viện trợ từ khoảng hơn 20 triệu đôla ban đầu lên 80 triệu trong khi người dân Anh cũng đóng góp khoảng hơn 53 triệu.
Chuyện Trung Quốc giàu nhưng vẫn đi nhận viện trợ từ Anh hay việc quốc gia này chỉ dành một gói viện trợ quá khiêm tốn cho Philippines sau bão Haiyan chứng tỏ dù đang trở thành cường quốc kinh tế của thế giới Trung Quốc vẫn chưa cư xử như là một nước lớn và có trách nhiệm. Và chắc chắn những chuyện đó cũng làm ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của Trung Quốc.
Trong một thế giới mà sức mạnh mềm đóng một vài trò quan trọng, việc Trung Quốc đi nhận viện trợ từ Anh như tờ Daily Mail tường thuật sẽ làm không ít người đặt câu hỏi tại sao một quốc gia đang trở nên giàu mạnh, đang lên như thế lại không có lòng tự trọng, chấp nhận đi nhận viện trợ từ một quốc gia khác.
Có thể nói, nếu việc Trung Quốc phóng thành công vệ tinh lên mặt trăng làm nhiều người thán phục, nể sợ Trung Quốc bao nhiêu, chuyện nước này nhận một số tiền viện trợ như vậy từ Anh lại làm cho công luận coi thường Trung Quốc và nghi ngờ sức mạnh của quốc gia này bấy nhiêu.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nghiên cứu viên tại tổ chức Global Resarch Institute tại Anh Quốc. (Nguồn: BBC Việt ngữ)
No comments:
Post a Comment