03 December 2013

Hoa Lục bất lực nhìn Nga giúp Việt Nam về quân sự

Mátxcơva đang đẩy mạnh hợp tác quân sự với Hà Nội, dù dư biết rằng Việt Nam đang dựa vào vũ khí Nga để đề phòng các mưu toan lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Biểu hiện rõ nhất trong chiến lược được báo giới gọi là “xoay trục” của Nga là chuyến công du lần thứ ba của Tổng thống Putin đến Hà Nội hôm 12/11/2013, được cụ thể hóa bằng 17 hiệp định song phương được ký kết trong đó thành tố quân sự chiếm một vị trí quan trọng. Theo ghi nhận của giới phân tích, vì vẫn phải dựa vào Nga để hiện đại hóa nền quốc phòng của mình, Bắc Kinh đã phải miễn cưỡng chấp nhận thực tế đó.

Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga
(Ảnh : naval-technology.com)

Trong bài phân tích đăng trên tập san trên mạng The Diplomat ngày 26/11 vừa qua (xem toàn văn trong mục Chuyên mục trên mạng của RFI), Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã nhấn mạnh đến bước tiến mới trong quan hệ hợp tác quân sự Nga-Việt nhân chuyến công du chớp nhoáng vào trung tuần tháng 11 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phân tích của chuyên gia Thayer nêu bật sự kiện là từ 5 năm nay, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường kho vũ khí phòng thủ biển với sự trợ giúp tích cực của Nga, từ việc đặt mua một lúc 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo được hiện đại hóa, nhiều chiến hạm tối tân, cho đến các hợp đồng mua thêm chiến đấu cơ có năng lực săn tàu ngầm, đủ loại tên lửa chống hạm dùng trên phi cơ, trên tàu, và đặt trên đất liền dọc theo bờ biển…

Bài viết đã liệt kê một số phương tiện chính đã được Nga cung cấp cho Việt Nam từ năm 2008 đến nay :

« Từ năm 2008 đến năm 2012, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Gepard và 4 tàu tuần tra cao tốc lớp Svetlyak. Hải quân Việt Nam cũng mua 40 tên lửa Yakhont/SS-N-26 và 400 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran/SS-N-25.

Trong năm 2009, Việt Nam đã ký một hợp đồng mua 6 tàu ngầm quy ước tiên tiến lớp Dự án 636 Varshavyanka (Kilo).

Lực lượng phòng không không quân Việt Nam đã nhận 20 máy bay chiến đấu Su-30MK2V trang bị tên lửa hành trình chống hạm Kh-59MK, 100 tên lửa không-đối-không tầm ngắn R-73 (AA- 11 Archer ), 200 tên lửa địa-đối-không 9M311/SA -19 Grison, 2 hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-1, 4 dàn radar tìm kiếm và phòng không Kolchnya, 3 hệ thống định vị vô tuyến thụ động Vera. Việt Nam cũng đã nhận hai dàn tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion.

Ngày 27/07/2012, Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp nhau tại thành phố nghỉ mát Sochi và thông qua một Tuyên bố chung, nâng quan hệ song phương lên cấp đối tác chiến lược toàn diện. Thương vụ bán vũ khí của Nga và các hợp đồng dịch vụ với Việt Nam hiện trở thành thành tố quan trọng nhất trong quan hệ song phương Việt Nga.

Từ năm 2012, Việt Nam đã đặt mua thêm 12 máy bay Su-30MK2 và 2 hộ tống hạm lớp Gepard 3.9 được thiết kế đặc biệt cho việc chống tàu ngầm. Nga cũng được hợp đồng xây dựng một cơ sở bảo trì và sửa chữa tàu quân sự tại Vịnh Cam Ranh.

Ngay trước ngày ông Putin đến thăm Việt Nam vào tháng 11, Nga đã cho chở chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên về Việt Nam, và thông báo sẽ bàn giao vào tháng Giêng năm 2014 một trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm mà Nga đã xây dựng trong Vịnh Cam Ranh ».

Theo nguồn tin từ hãng thông tấn Nga, RIA Novosti, trong năm 2014, Mátxcơva sẽ bàn giao thêm cho Hà Nội hai chiếc tàu ngầm Kilo khác.

Giáo sư Thayer, trong một bài phân tích khác đăng trên tập san The Diplomat ngày 08/08/2013, thì với sự trợ giúp tích cực của Nga, Việt Nam đang hình thành được một hạm đội tàu ngầm, tuy nhỏ, nhưng sẽ góp phần tăng cường khả năng răn đe đối với lực lượng hải quân hùng hậu hơn của Trung Quốc.

Theo ông Thayer, lực lượng tàu ngầm mới của Việt Nam, kết hợp với các phi đội chiến đấu cơ Su-30, sẽ tăng cường khả năng can thiệp nhanh của Việt Nam trên các vùng biển của mình tại Biển Đông, cũng như nâng cao năng lực răn đe của quân đội Việt Nam.

Đối với giới quan sát, động lực quan trọng nhất thúc đẩy Việt Nam cấp tốc tăng cường tiềm lực quân sự trên biển chính là các động thái càng lúc càng hung hăng quyết đoán của Trung Quốc, đặc biệt từ năm 2009 đến nay, nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Lợi dụng lực lượng tàu thuyền hùng hậu của mình, Trung Quốc không ngần ngại sách nhiễu, bắt bớ ngư dân Việt Nam, phá hoại, cản trở tàu thăm dò dầu khi của Việt Nam. Thậm chí Bắc Kinh còn bắt bí các tập đoàn dầu khí nước ngoài làm ăn với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, sự giúp đỡ vũ khí của Nga cho Việt Nam lẽ dĩ nhiên không thoát khỏi tầm mắt của Trung Quốc, nhưng theo giáo sư Thayer, trước mắt, Bắc Kinh không thể gây áp lực trên Mátxcơva. Trả lời phỏng vấn của RFI qua thư điện tử, ông phân tíc:

« Cho dù không thể hài lòng với các vụ Nga bán vũ khí cho Việt Nam, Trung Quốc không thể phản đối quá mạnh và gây nguy hiểm cho mối quan hệ công nghệ/vũ khí quân sự riêng của họ với Nga.

Hiện đang có nhiều giả thuyết suy đoán rằng Nga muốn dẫn đầu một « khối » độc lập để làm đối trọng với sự hiện diện của Hoa Kỳ (trong vùng châu Á-Thái Bình Dương).

Nói cách khác, Nga tìm kiếm sự hỗ trợ của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam cho một lập trường độc lập để cân bằng thế lực của Mỹ. Việt Nam không hoàn toàn thoải mái với điều này ».

Câu hỏi đặt ra là Chính quyền Nga của Tổng thống Putin có một «chính sách Biển Đông» hay không? Và nếu có thì chính sách đó như thế nào? Trên vấn đề này, Giáo sư Thayer tỏ ra rất hoài nghi:

"Căn cứ vào cảm nhận của tôi khi đến tham gia một cuộc hội thảo gần đây về Biển Đông tại Mátxcơva, tôi có thể nói là chính sách này của Nga rất mơ hồ.

Các học giả và quan chức từng có kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam trong quá khứ thì rất ủng hộ Việt Nam. Nhưng đối lập với những người đó, lại có những thành phần công nhận tầm quan trọng của Trung Quốc.

Nga có dấu hiệu không thúc đẩy một sự hiện diện hải quân hùng hậu tại vùng Biển Đông ».

Tuy nhiên, điều cần phải công nhận là chính quyền Putin trong thời gian qua vẫn công khai phớt lờ thái độ quan ngại của Trung Quốc khi tiếp tục đẩy mạnh quan hệ quân sự với Việt Nam, nước đã trở thành một trong ba bạn hàng mua vũ khí quan trọng nhất của Mátxcơva.

Trong một bài phân tích đăng trên tập san The Diplomat ngày 19/09/2013, ông Stephen Blank, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về Nga tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ - American Foreign Policy Council đã nêu bật thái độ cứng rắn trong hành động thực tế của Mátxcơva tại vùng Đông nam Á, nhằm chống lại đà bành trướng của Trung Quốc và đẩy mạnh quan hệ chính trị - quân sự với Việt Nam.

Tác giả bài phân tích trước tiên ghi nhận thái độ của Mátxcơva trước các yêu sách của Bắc Kinh trong lãnh vực khai thác dầu khí, liên tục đòi Nga phải huỷ bỏ việc thăm dò năng lượng trên Biển Đông. Trước các đòi hỏi đó, Nga không nói gì, nhưng vào năm 2012, họ bắn tin cho biết muốn quay lại căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh. Theo Stephen Blank, đây là một động thái có lẽ liên quan đến những dự án khai thác năng lượng Nga - Việt trên thềm lục địa Việt Nam, và đến mục tiêu không nói ra là giám sát Trung Quốc.

Về phần mình, Tập đoàn dầu Gazprom của Nga đã ký kết một hợp đồng nhằm thăm dò hai khu vực được giấy phép trên thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc đã hoài công lên tiếng đòi Nga rời khỏi khu vực. Không những thế, Nga còn tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc thăm dò đầu khi, mà biểu hiện rõ nhất là lãnh vực dầu khí và năng lượng đã chiếm 5 trong số 17 thỏa thuận được ký kết nhân chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Nga Putin vào tháng 11 vừa qua.

Ngoài địa hạt năng lượng, điều chắc chắn khiến Bắc Kinh quan ngại hơn cả là các thương vụ bán vũ khí và hợp tác quốc phòng giữa Nga với Việt Nam, trong đó có các cố gắng của Nga giúp Việt Nam thành lập hạm đội tầu ngầm, cũng như xây dựng căn cứ tàu ngầm tại Vịnh Cam Ranh. Căn cứ này rõ ràng là nơi xuất phát của các chiếc tàu sẽ được Việt Nam điều động để bảo vệ lợi ích của mình trên biển Đông.

Hợp tác quốc phòng quân sự Nga Việt còn bao gồm nhiều lãnh vực khác, và hai nước đều xác định là sự hợp tác này không nhắm vào một quốc gia thứ ba nào. Thế nhưng, như nhận xét của chuyên gia Stephen Blank, quan hệ quốc phòng được tăng cường trở lại giữa Nga và Việt Nam rõ ràng là nhằm giới hạn các hành vi lấn lướt của Trung Quốc trên biển Đông, điều cũng khiến Mátxcơva quan ngại.

Trọng Nghĩa
(Nguồn: RFI)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...