13 November 2012

Còn lý do nào để hy vọng?

Hội nghị Trung Ưởng Đảng CSVN lần thư 6 đã cho phép khẳng định ba điều: 

1- Tham nhũng nằm trong Bộ chính trị.

2- 129 trên 175 ủy viên Ban chấp hành trung ương bảo vệ một Ủy viên Bộ chính trị tham nhũng bị điểm mặt. Qua đó họ đã bảo vệ cho chính bản thân mình.

3- Mặc dù TBT Nguyễn Phú Trọng đã có những tuyên bố rất mạnh đòi cách chức, xử lý cán bộ tham nhũng, nhưng Bộ chính trị 14 người đã bất lực, không xử lý nổi một thành viên tham nhũng trong 14 người của họ.

Trên không làm gương được cho dưới. Kết quả sẽ như TBT nói: (nếu không chống được tham nhũng thì) “Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân được”. Trong điều kiện đó, Nghị quyết TƯ4 được xem như là tan hàng. Một vở chèo phải kéo màn vì kép không thuộc bài hoặc không có khả năng lôi cuốn khán giả.

Còn hy vọng gì về đổi mới tư duy trong sửa đổi Hiến pháp lần này?

Điều 4 của Hiến Pháp được đề nghị sửa đổi “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Sửa đổi chỉ thêm được một câu: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình“, Đảng vẫn chơi chữ:

“Đội tiên phong của giai cấp công nhân” ư?

Tiên phong như thế nào mà 90% các cuộc đình công tự phát đòi quyền lợi của công nhân đều bị xem là phạm pháp, vì không được “công đoàn” nhà nước tổ chức. Công đoàn không bao giờ tổ chức đình công vì còn lo bảo vệ “tư bản”. Để làm gì thì không cần nói thêm, vì ai cũng biết. Chính quyền còn truy lùng những công nhân tổ chức đấu tranh để bắt giam. Ở các nước tư bản công nhân được đình công để bảo vệ lợi ích riêng. Thời thực dân việc đình công của công nhân cũng không bị quy là phạm pháp.

“Nhân dân lao động” ư?

Cùng số phận với giai cấp công nhân, họ là những nông dân mất đất, mất nhà, người cày không có ruộng của chính mình, chủ đầu tư được quyền ưu tiên chiếm đoạt sau khi đã thông đồng với bọn tham nhũng. Chính quyền do Đảng lãnh đạo áp đặt luật đất đai dành cho mình quyền quản lý, mà ai cũng hiểu là quyền làm chủ đất. Tham nhũng đất đai tràn lan, khiếu kiện thì bị hệ thống pháp luật (cũng do Đảng lãnh đạo) đàn áp.

Họ là những trí thức đau đáu trước thực trạng đất nước tụt hậu, đau đáu trước việc giáo dục đào tạo những con người nhiều hồng ít chuyên. Tiến sĩ được đào tạo theo chỉ tiêu, theo phong trào thi đua. Hội đồng Lý luận Trung ương đầy Tiến sĩ vẫn chưa định nghĩa được thế nào là “Định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, để cho những “đồng chí X” tha hồ tác oai tác quái trong khi công nhân vẫn bị bóc lột.

Thực chất giáo dục tinh hoa đất nước thì không có (còn nhớ hãng Intel cần tìm 3000 chuyên viên cho khu công nghệ nhưng không tìm ra). Trí thức lên tiếng góp ý thì Đảng không nghe, thậm chí còn cho công an đến hoạnh họe, chỉ vì lợi ích của Đảng không giống lợi ích của đất nước mà trí thức mơ tưởng,

“Chịu sự giám sát của nhân dân, Chịu trách nhiệm trước nhân dân” ư?

Luật đất đai vẫn khẳng định: “nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý“, Giống như thời thực dân dựng lên chính quyền quốc gia Bảo Đại, Đảng tự giành quyền quản lý đất đai của những ông chủ nhân dân. Tư duy cho nhân dân ăn bánh vẽ vẫn không có gì thay đổi. Nhà thơ Chế Lan Viên cuối đời có làm bài thơ đại ý nói không phải ông không biết trên bàn ăn chỉ toàn bánh vẽ, nhưng nếu ông không được ngồi vào bàn thì chẳng bao giờ hy vọng được ăn bánh thật.

“nhân dân làm chủ” còn như thế huống gì chữ “Nhân dân” (không làm chủ) trong điều 4. Đảng, lại một lần nữa, quay lại cuốn phim “dân nói, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra“. Nhưng khi tuyên truyền không dựa được trên sự thực thì nó trở thành một trò hề rởm, không ai nghe thủng và cũng không thể cười.

Dự thảo thay đổi Hiến pháp: quân đội có thêm nhiệm vụ bảo vệ Đảng.

Đất nước như cuộn chỉ rối trong tham nhũng, tưởng rằng nghị quyết TƯ4 giúp tìm được đầu ra, Bộ chính trị đã tìm được “một đầu ra” nhưng không chịu rút, và bỏ cuộc. Thực trạng kinh tế của đất nước chưa bao giờ tồi tệ, chao đảo như hiện nay, điều này ai cũng thấy qua những kêu cứu của doanh nghiệp, qua các vụ lũng đoạn ngân hàng, qua các thất thoát nghìn tỷ của các tổng công ty, qua việc các đại gia vơ vét nghìn tỷ vào túi riêng từ ngân sách nhà nước, qua cuộc sống ngày càng bần cùng của người dân. Không cần phải nêu thêm thí dụ.

Tư duy cũ không thể nào tạo ra sự đổi mới để làm trong sạch xã hội mà cả nước mong đợi. Chính thể, cơ chế này không đổi được tận gốc những nguyên nhân đã đưa đến tình trạng đất nước bi đát hiện nay. Một thí dụ trong ngành giáo dục: TBT Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi đổi mới “căn bản” giáo dục, kêu gọi mọi người phải hiểu vì sao cần đổi mới căn bản nhưng tại Hội nghị TƯ6, người ta chưng hửng khi nghe TBT định nghĩa “căn bản” có nghĩa là dựa trên đội ngũ được “nền giáo dục cần phải sửa đổi căn bản” đào tạo. Làm sao đổi mới “căn bản” những thói xấu dựa trên những thói xấu căn bản?

Hò hét vì “sự sống còn của Đảng” nhưng người ta không muốn thay đổi những gì có nguy cơ tổn hại đến lợi ích của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền“. Đảng không thể sống còn!

Ở Quốc hội, mặc dù rất nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc công khai, nhưng vì gần như tất cả đại biểu là đảng viên nên họ sẽ bỏ phiếu cho những thay đổi vụn vặt, hoa lá cành theo quyết định của Đảng. Tôi còn nhớ trong Thế chiến thứ Hai, một quân nhân Đức đã viết một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Mặt trận phía Tây không có gì đáng nói” [Remaque] và Đức đã thua trận không những phía Tây, phía Đông mà còn ngã gục ở Bá Linh trước sự tấn công của Đồng minh và Hitler phải tự tử.

Những người còn có lòng với đất nước, những đảng viên vì “sự sống còn của Đảng, sống còn nhưng vẫn là người không trở thành ác thú“, có tiếp tục chấp nhận, bảo vệ một tình trạng như hiện nay không?

Có lẽ Đảng đã hiểu câu trả lời nên trong dự thảo thay đổi Hiến pháp, quân đội được ghi thêm nhiệm vụ: Bảo vệ Đảng!

Xin lấy câu sau đây trong bài viết “CHỈNH ĐỐN ĐẢNG CÒN GIAN NAN NHIỀU ẨN SỐ X,Y,Z… ” của Đại tá Bùi Văn Bồng làm lời kết cho bài này:

“Thế mà, kết quả Hội nghị Trung ương 6 mới rồi lại làm cho “một bộ phận không nhỏ đảng viên, nhân dân cả nước” bị thất vọng. Cựu đảng viên Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói: “Biết bao lời hứa, sau khi họp (kể cả ở Quốc hội) rồi có mấy việc được khắc phục, lần sau lại hỏi, lại trả lời như lần trước, có nhiều việc kéo dài lần khân như vấn đề giá lúa và nông thuỷ sản, vấn đề ô nhiễm, úng ngập, kẹt xe, thủ tục hành chánh phiền hà, tham nhũng, tệ nạn xã hội v.v. Nhiều vị trong UBND hoặc Chủ tịch HĐND bị chất vấn bí quá nói việc này “do” hoặc “chờ xin ý kiến cấp uỷ”, ngay như tại cơ quan QH mà cũng có tình hình tương tự hoặc nói với cơ quan dân cử mà như nói với hội nghị đảng viên “việc này Đảng đã quyết rồi”… cũng đủ nói lên sự bức xúc phải THAY ĐỔI!… Tôi rất buồn khi mà kết quả Hội nghị trung ương 6 không đạt như mong muốn… Hậu quả của nó thì không thể nói trước được”. tướng Ba Sơn, Anh hùng LLVT nhân dân, nay là CCB, nói với tôi một câu nửa vui nửa nhăn:

- Tình hình uy tín lãnh đạo của Đảng đã rất trầm trọng, nhất là sau kết quả Hội nghị T/Ư 6; nhưng hình như ông Tổng Trọng vẫn muốn “tổng hòa” tất cả các mối quan hệ tốt cũng như xấu, để rồi ai cũng phải trọng, không oán trách ông ta, vì có lẽ tự coi mình phải như Lưu Bị. Nhưng đây là “lưu” (giữ lại) trong “bị”, càng thêm nặng gánh”.

Theo Bauxit VN

No comments:

Post a Comment

SƠN TINH & THUỶ TINH, tranh A.C.La

Sơn Tinh và Thủy Tinh (The Mountain Lord vs The Water Lord) Oil on canvas 24x24 inch (61x61 cm) by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh  ** All rights res...