02 November 2012

Nhân mùa Halloween

Ngôi Nhà Ma Sa Đéc

Chu Tất Tiến
(Trích đoạn trong cuốn tiểu thuyết Kim Salem)
(Chú Thích: Tấn = CTT)

Tấn chuẩn bị bước lên xe đò. Lời căn dặn của anh Huyền, ông anh họ dễ thương vẫn văng vẳng bên tai:

  -Mày nhớ đưa cái cạc vi-dít này cho thằng Hiếu, nó sẽ lo cho mày chỗ ăn chổ ở đầy đủ.

  Tấn e ngại:

  -Có chắc không? Em không quen ông ta. Nói ông ta đưa tiền, kỳ làm sao ấy!

  Anh Huyền nhăn mặt:

  -Tao đã bảo mày là cứ đưa cái cạc của tao cho nó là xong. Trong cạc tao đã viết đầy đủ rồi.

  Rồi anh giỡn:

  -Nó mà không lo cho mày thì tao cắt “dế” nó.

  Không dám hỏi thêm nữa, Tấn cười trừ:

  -Thì, em hỏi thế thôi. Bây giờ em đi ngay.

  Ông anh họ gật gù:

  -Ừ, mày đi cho kịp chuyến xe thơ 6 giờ sáng. Tới đó chừng 4 giờ chiều. Gặp nó là có ăn ngay.
.......

  Tấn bồi hồi buớc xuống xe, nhìn quanh quất. Một ngôi nhà thờ nằm gần ngay cây cầu sắt dẫn vào tỉnh lị. Bên này cầu là trung tâm chợ búa và bến xe lôi. Bức tường cổng chợ được xây từ hồi nào đó xưa lắm rồi, nay đã loang lổ, dơ hầy. Tượng con cọp nổi đắp trên tường đang nhe nanh múa vuốt hù dọa người mới đến. Tấn tà tà đi sâu vào trong chợ. Nhà lồng chợ dài hun hút, chứa cả ngàn người chen chúc nhau bên những gánh cá còn tươi. Mấy con cá lóc nằm trong khay nhôm cứ long tong nhẩy ra ngoài. Cá trê sắp hàng nằm dài trên thớt đợi người mua xong là bị chặt "bụp". Tôm tép bầy cạnh những rổ cà chua, cà rốt. Khu hàng thịt bớt ồn hơn với những bà bán thịt tay lăm lăm con dao to bản, sắc lẻm. Một tiệm cơm thố ở đầu chợ bầy một chồng những mẹt cơm được nén chặt trong những chiếc chén. Ông chủ tiệm người Hoa, ngực trần, bụng phệ, rốn lòi ra ngoài, tay ve vẩy chiếc chổi lông gà đuổi ruồi. Tấn nhìn hết phong cảnh chợ xong mới đi ra tìm đường tới trường học Nguyễn bá Trung, nơi Tấn sẽ là thầy giáo. Trường cũng không khó tìm. Từ đầu chợ đi thẳng ra bờ sông, quẹo trái, đi thêm một đỗi nữa, qua một cái đình, là thấy Trường là ngôi nhà dài, nằm sát văn phòng có hai lầu. Cạnh văn phòng là một căn nhà độc, thấp, cửa đóng kín, không thấy nóc, loại nhà nóc bằng cũ kỹ. Kế đó là một nóc nhà ba gian, cổ điển, sơn tróc ra từng mảng.

  Đứng nhìn các cửa trường đóng kín, văn phòng đóng kín, Tấn bối rối mãi không biết làm sao, đành bước tới căn nhà ba gian kia, gõ cửa. Từ trong có tiếng vọng ra:

  -Chờ chút.

  Chừng hai phút sau, có tiếng guốc mộc lọc cọc. Cánh cửa nặng nề mở ra. Từ bên trong, một ông lão quắc thước, ngực trần nổi múi, mặc quần cụt, bước ra ngoài, nhìn Tấn, thắc mắc:

  -Cậu hỏi chi?

  Tấn lúng búng trong miệng:

  -Dà, tôi hỏi thăm về trường học.

  Ông cụ soi mói:

  -Trường học chi?

  Chỉ tay về phía trường, Tấn lắp bắp:

  -Trường này đó, trường Nguyễn bá Trung đó.

  Ông cụ bắt đầu gắt:

  -Thì ai hổng biết đó là trường Nguyễn bá Trung. Tui ở đây từ hồi mới mở lận.

  Tấn bắt đầu đỏ mặt:

  -Dạ, dạ, tôi muốn hỏi thăm.. về một ông thầy ở đây. Không biết văn phòng ở chỗ nào và làm sao gặp được.

  -Thầy nào? Cậu cứ nói đi, tui chỉ cho.

  -Thầy Hiếu. Tôi muốn gặp thầy Hiếu. Bác làm ơn chỉ giùm.

  Ông già nheo nheo mắt:

  -Mờ, gặp thầy Hiếu làm chi?

  Lúng túng hơn, Tấn chỉ vào ngực mình:

  -Tôi.. tôi là thầy giáo. Muốn tìm thầy Hiếu.

  Suy nghĩ một chút, ông lão mới "à" lên một tiếng, có lẽ không tin đây là một thầy giáo "con nít":

  -Thầy đây là thầy giáo mới hả? Tui hổng biết trước. Thầy giáo Hiếu dề rồi.

  -Về? Về đâu?

  Tấn chới với:

  -Dề Sè goòng chứ dề đâu nữa! Thẩy dề hồi chiều lận!

  Tá hỏa tam tinh, Tấn không tin tai mình nữa:

  -Thật không, bác? Thầy Hiếu về Sàigon rồi hả?

  Vẻ mặt ông già cau lại:

  -Tui nói thầy hổng tin thì thui.

  Rồi ông với tay, muốn  đóng sập cửa lại. Tấn vội giữ tay ông già:

  -Xin lỗi, tôi không muốn nói vậy. Ai nói không tin bác đâu. Tôi chỉ hỏi vậy thôi.

  Ngẫm nghĩ một lúc, Tấn hỏi tiếp:

  -Vậy, hôm nào thầy Hiếu mới lên lại?

  -Tui hổng rõ ạ. Chiện của mấy thầy, tui chỉ biết tới đó thui.

  -Vậy, vậy, thầy Hiếu thường hay ở đâu? Có chỗ ở trong trường không?

  -Có chứ! Thầy muốn hỏi chỗ ở hả? Sao hổng nói đại đi cho rồi?

  Giơ tay chỉ về phía một căn nhà độc lập sát cạnh văn phòng trường, ông già nói:

  -Đó, ở chỗ đó đó. Thầy muốn, thì tui đưa chìa khóa cho thầy. Tui cho thầy mượn cái đèn luôn. Thầy chờ tui.

  Ông già quày quả quay vào trong. Một lát sau thì ra với một cái chìa khóa to, một cây đèn dầu lớn và một hộp diêm:

  -Thầy cầm lấy. Chừng nào thầy cần cái chi thì cứ gọi tui. Tui là ông Mười, gác dan cái trường này.

  Chỉ tay ra phía trường, ông nói tiếp:

  -Chỗ đi cầu ở phía sau trường. Thầy đi qua dăn phòng, quẹo trái, ra cái cổng sau, qua một cái dườn chuối, qua cây cầu nhỏ, thì thấy dẫy cầu tiêu đó. Thầy đừng có đái bậy ở bờ sông, cũng đừng có ỉa ở sau nhà, thúi rùm, học trò nó kiện cho.

  Coi bộ ông già này khi dễ mình, nhìn tướng tá còn nét thư sinh, quần áo tầm thường, chắc ông già chê mình thầy giáo nghèo, mới ra lò, nên nói huỵch toẹt "đái, ỉa" tỉnh bơ. Cóc cần. Kệ nó. Đời mà! Có chỗ để ngủ qua đêm không phải lo tiền là tốt rồi. Cám ơn Trời.
.........

  Tấn cầm lấy chìa khóa, mở thử cửa căn nhà độc lập trông hơi quái dị đó. Căn nhà chỉ là một phòng rộng, vuông vức, đồ đạc vỏn vẹn chỉ có một cái giường kê ngay giữa nhà và một cái bàn vuông vức sát tường, bên dưới một cái cửa sổ rất cao mà cạnh dưới của cửa sổ cách đầu người cả nửa thước. Sát chiếc bàn là một chiếc ghế đẩu vuông nặng.

  Vừa vào trong phòng, việc đầu tiên là Tấn thắp cây đèn dầu, để trên bàn cho có ánh sáng, vì sau khi khép cửa thì lập tức, căn phòng trở nên tối thui. Cửa sổ phía đàng sau không làm lọt được chút ánh sáng nào, vì hàng thân chuối ken dầy, chỉ thấp thoáng những tầu lá cử động, trông còn ma quái hơn, nên Tấn giơ tay đóng hết các cánh lại. Chỉ còn mình Tấn với cây đèn đơn độc.  Ánh đèn tù mù hắt xuống nền gạch hiu quạnh càng làm cho cảnh vật buồn nản hơn. Không biết làm gì cho hết đêm, Tấn móc túi xách ra, tìm cuốn sử  Đệ Tứ để nghiền ngẫm trước cho tuần tới bắt đầu lên bục giảng. Anh không ngờ rằng sắp có chuyện lộn xộn xẩy ra.

  Đang say sưa đọc sách, không hiểu vì lý do gì mà như có ai đẩy, tay anh đột nhiên vung mạnh, đụng vào cây đèn làm bể luôn cái bóng. Đèn tắt phụt. Anh giật mình nhìn lên cửa sổ, chỉ thấy một dải ánh sáng lờ mờ của một đêm thiếu trăng xuyên qua khe cửa sổ đóng chưa kín. Không suy nghĩ gì hơn, anh chặc lưỡi, leo lên bàn, khép cánh cửa sổ lại, và, đành đi ra tiệm mua cái bóng khác. Với tay sập cánh cửa ra vào ở phía sau lưng, Tấn nhìn ra không gian bắt đầu tối đen, ngại ngùng, nhưng không có cách gì hơn là lội bộ ra chợ. May mà còn tiệm chạp phô bán khuya cho hàng xóm, nên mua được ngay một cái bóng khác.    

  Vội vã đi như chạy trong những tiếng chó sủa vang bên đường, anh về đến cửa nhà là thò tay vào túi tìm hộp diêm, châm đèn lên ngay lập tức.

  Điều quái lạ là chỉ sau khi Tấn đọc sách được chừng mươi, mười lăm phút, tự nhiên tay Tấn lại đụng vào cái bóng đèn lần thứ hai làm cái bóng nứt đôi! Lần này y như có ai đẩy tay thật! Tấn bàng hoàng chẳng hiểu chi, nhưng vì nhu cầu đọc sách làm Tấn thấy không còn chọn lựa nào khác là chạy ra tiệm ba-da mua cái chụp đèn khác.

  Đường phố tối thui. Bên phải Tấn là những căn nhà say ngủ, chỉ trừ tiếng chó  sủa râm ran. Bên trái Tấn là con sông nhỏ, sóng cũng ngủ yên. Các bụi cây nhỏ nằm dọc theo con sông đứng im như những người lính gác đơn độc.

  Tấn cố đi như chạy, mặc cho chó sủa, để đến kịp tiệm ba-da đầu vào lối chợ. Người chủ đang khép nốt cánh cửa thì Tấn đẩy vào:

  -Xin lỗi bác, bóng đèn tôi lại vỡ. Xin bác bán cho cái khác.

  Người phụ nữ trung niên nhíu mày nhìn Tấn rồi cũng lẳng lặng đi tìm cái bóng đèn. Trả tiền xong, Tấn chạy về nhà, thở hụt hơi. Khi mở cánh cửa nhà, Tấn cảm giác như có ai đứng nhìn mình bên trong, nhưng anh vẫn cố lờ cái cảm giác đó đi. Bật diêm lên, tìm cái đèn, châm lửa rồi lắp vội cái bóng thủy tinh vào cái cổ đèn, anh thở ra một hơi dài. Nhìn bóng anh chập chờn trên vách trắng, anh tự nhiên thấy hình như cái tay chân của bóng đang cử động khác với cử động của mình. Vội lắc lắc đầu cho tan ý nghĩ quái đản kia đi, Tấn kéo ghế ngồi xuống đọc bài.

  Tiếng chó vẫn sủa “gâu, gâu” đâu đó, đàng sau, hay đàng trước cửa..

  Không biết bao lâu, lại mươi, mười lăm phút nữa, đột nhiên có một tiếng động gì đó sau lưng, anh vội quay ngoắt người lại. Vì động tác quá nhanh, tay anh lại một lần nữa, đẩy cái bóng đèn rơi xuống, vỡ tan… Bóng tối đột ngột phủ chụp lên căn phòng có một người đơn độc.

  Tuy trí óc anh bất ngờ có nghi vấn về ba lần làm vỡ bóng đèn, nhưng Tấn vẫn chưa sợ. Anh chỉ nghĩ rằng mình không thể đi thêm lần thứ ba. Thôi, đành châm thẳng vào đèn, không cần bóng!

  Nghĩ sao làm vậy, người ơi! Tấn châm lửa vào bấc đèn. Ngọn lửa vừa sáng lên, tự nhiên bùng cháy lạ lùng, và cháy cả.. xuống bầu dầu bên dưới! Hoảng quá, Tấn chụp lấy cây đèn, thổi tắt phụp! Bóng tối, một lần nữa, bao trùm Tấn như môt tấm chăn kín mít.

 Đầu óc Tấn căng ra. Lấy hết gan dạ của một người luyện võ lâu năm, từng đánh đấm đổ máu, anh bật diêm lên soi khắp gian phòng. Chợt nhìn thấy ở một góc nhà, có một lưỡi mã tấu dựng đứng, anh mừng quá, đi từ từ đến, vớ lấy cây mã tấu. Vừa lúc ấy, diêm hết, anh bật thêm cây khác. Ôm  cây mã tấu vào lòng, anh đi về cái giường đặt ngay giữa phòng. Diêm tắt. Tấn leo lên giường, ngổi thẳng, tay ôm cây mã tấu ngang đùi, bật tiếp cây diêm khác. Trí óc anh làm việc như điện. Giả sử hễ nửa đêm, có bóng gì đến gần là quơ đại. Nếu nghe cái "bụp" thì là người, sẽ quơ tiếp. Nếu không trúng cái gì cả, thì chắc là ma! Nhưng có thể không có ma, vì nghe nói ma sợ dao kiếm! Nghĩ thế, Tấn yên bụng, hai tay ôm chặt cây đao trong bụng.

  Cây diêm tắt. Bóng tối tràn ngập căn phòng. Thật sự,  ngay khi vừa tắt diêm, Tấn có hơi hồi hộp, Tấn đọc kinh liên tục. Nhưng chỉ sau vài phút ngồi xếp bằng tròn, tự biết chẳng có con đường nào khác để chọn lựa, anh lại bình tĩnh trở lại, nằm nhẹ nhàng xuống, điều hòa hơi thở, tiếp tục đọc kinh, và chấp nhận tất cả mọi sự xẩy đến cho anh, từ trên nóc nhà, từ cửa sổ phía sau có những bụi chuối dầy đặc, tù cánh cửa sổ, hay từ dưới gầm giường... Tấn chờ đợi với một chút  căng thẳng. Anh chàng du đãng chuyên giật dây chuyền, xe đạp, bút máy và các vật dụng linh tinh khác lại đang âu lo vì kẻ có thể đối diện với anh có thể mở cửa sổ hay cửa cái thoải mái, mà không cần chìa khóa.

  Một khoảng thời gian trôi qua lâu lắm, không thấy động tĩnh gì, Tấn từ từ đi vào giấc ngủ ngon. Anh mơ thấy gia đình, thấy mẹ đang la mắng, thấy các chị đang khóc nức nở, thấy anh bị quật mấy cây roi.. và thấy Kim, thấy nụ cười của em dịu dàng. Bất chợt, anh nghe thấy âm thanh “cộc, cộc, cộc, cộc…” lẫn trong tiếng nói của Kim. Tấn giật nẩy mình, ngồi bật dậy, quẹt diêm, nhìn quanh.

  Điều làm anh muốn nhấy lên khỏi giường, là thấy cái ghế đẩu, rõ ràng, anh để ngay cạnh cái bàn gần cửa sổ, giờ đây lại dựng sát.. đầu giường. Còn đôi guốc mộc to bản mà anh đi, lại xếp sát cái bàn ngoài kia!!!

 Cây diêm tắt. Bóng tối lại ùa vào. Tấn cuống cuồng quẹt ngay cây khác. Nhưng sau khi quẹt chừng bốn, năm cây, anh nghĩ thầm. Mình không thể quẹt mãi, cần dành diêm cho khi nào thật nguy cấp. Thôi đành chấp nhận theo dõi.. con ma! Nếu nó lật giường thì nhẩy xuống, nếu nó tiến đến gần thì quơ đao… Tấn nghiến răng lại, miệng lẩm nhẩm đọc kinh, mắt căng ra nhìn bóng tối, tai căng ra nghe tiếng động. Lạ kỳ là khi bóng tối đã bao phủ cả căn phòng thì các tiếng động “lộp, cộp” cứ nổi lên quanh giường, nhưng không có .. cái gì tiến lại gần Tấn cả!

  Anh cứ đọc kinh liên tục, tay cầm chắc cây đao. Nghĩa là chơi cả hai đòn: Cầu nguyện và sẵn sàng xử dụng bạo lực chống lại ma quái.

  Nhưng, có lẽ con ma cũng sợ đao và lời cầu nguyện liên tục, “nó” không làm gì hơn là chỉ chơi với cái ghế và đôi guốc…. “Lộc cộc, lộc cộc, cộc… “

  Mãi vẫn không thấy gì tiến triển, Tấn mệt mỏi vô cùng. Tay đao dần dần rời ra, mắt dần dần nhắm lại. “Lộc cộc, cộc…” Tấn ngủ ngồi từ hồi nào không hay, khi ánh sáng ban ngày ào đến, anh giật mình mở mắt, thấy mọi việc như cũ. Cái ghế ở cạnh bàn, đôi guốc ở chân giường.

  Với thân thể mỏi nhừ, Tấn vội vàng ra chiếc lu để ở cửa sau, đánh răng, rửa mặt xong là vội lê gót qua nhà ông già Mười. Gọi mãi mới thấy ông lẹt đẹt đi ra.

Nhìn thấy Tấn, cặp mắt ông sáng lên, ngạc nhiên. Tấn biết ngay là ông dư hiểu tình hình trong đêm, nên hỏi ngay:

  -Ông Mười à, cho tôi hỏi thăm chút.

  Ông già hất hàm, thô lỗ:

  -Thầy hỏi chi?

  Cố giữ vẻ lịch sự, Tấn hỏi:

  -Ông Mười à, phải .. ở đây có… có… ma không?

  Trợn mắt lên dữ dằn, ông già gằn giọng:

  -Thầy nói cái chi? Ma hả? Ma ở đâu?

  Vẫn nhẹ nhàng, Tấn chỉ tay về phía căn nhà:

  -Nhà này đó, nhà ông Mười biểu tôi ngủ đó. Tối qua tôi gặp … ma!

  Cắn môi lại vẻ khó chịu, ông già nhấm nhẳng:

  -Thầy nói lạ chưa? Ai biểu thầy dậy? Ma ở đâu ra? Tui ở đây cả mấy chục năm rồi, làm gì thấy ma? Bộ ..thầy biểu tui xúi thầy ở chỗ có ma hả? Thì .. thầy đừng ở đó nữa.

  Xua xua tay, Tấn đáp:

  -Không phải ý tôi như vậy. Tôi chỉ hỏi chơi thôi, thấy cái chi là lạ trong đêm.

  Rồi tự trả lời:

  -Chắc có lẽ chuột phá đó.

  Ông già “Ườ! Ườ! Chuột đấy!”

  Nhe răng ra chào ông già, Tấn quay đi, thọc hai tay vào túi quần. Ông già này dấu mình cái chi đây. Rõ ràng có ma mà. Thôi, kệ, ông gìa không nói thì thôi, không thèm hỏi nữa, ổng lại đuổi mình đi thì không biết về đâu. Chờ chiều nay, anh Huyền lên sẽ tính.

  Thế là Tấn nhịn đói luôn một ngày, lang thang dọc bờ sông, xong vòng vào chợ một lát rồi đi thẳng ra chỗ cầu sắt, thả bộ qua những căn vườn cây trái lẻ loi chứ không qua rạp xi nê nữa, chỗ này hàng quán người ta ăn uống um xùm, nhất là chỗ mấy anh Tầu chiên xào rào rào chỉ làm cho cơn đói thêm cồn cào mà thôi.  Mỏi chân quá thì kiếm chỗ có mấy bóng cây, kiếm cục gạch, phủi phủi cho bớt dơ, rồi ngồi lên ngó mấy cô thiếu nữ gánh hàng qua lại.

  Đến chiều, độ chừng anh Huyền lên, Tấn rảo bước về trường. Quả nhiên đã thấy anh đang ngồi trong văn phòng nói chuyện với một người nữa. Tấn lầu bầu bước tới:

  -Anh Huyền!

  Ngước lên thấy bộ mặt quàu quạu của Tấn, anh Huyền cười giã lả:

  -Tao xin lỗi, không ngờ thằng Hiếu nó về sớm quá.

  Rồi cười ha ha, đập tay xuống bàn:

  -Nhìn mặt mày tao biết đang hận tao lắm. Thôi, để tao giới thiệu cho mày đây là thầy Danh. Còn đây là thầy Tấn, em tôi.

  Người thầy giáo kia nhìn chăm chăm cái bộ mặt non choẹt của Tấn, vừa cười vừa đưa tay ra bắt. Tấn không biết nói sao, đành cười trừ.

  Anh Huyền đứng dậy, phủi áo:

  -Thôi, biết mày đang đói, đi ăn ngay, nghe mày. Tao đãi mày một bữa cho đã. Đi, mày! Đi, Danh!

  Cả ba kéo nhau ra tiệm Tầu ăn một bữa cơm tôm chiên nóng hổi. Con tôm đỏ au nằm co quắp trên đĩa trông gợi cảm vô cùng làm Tấn ăn như điên, nhất là để bù cho cơn đói cả một ngày lao đao. Trong khi ăn, mấy lần Tấn định nói về vụ ma hôm qua nhưng không có dịp vì anh Huyền đang mê say với lãnh địa mới mà anh sắp tới ở trong cả năm trời, nên anh nói huyên thuyên, Tấn đành chờ cơ hội.

......



  Về đến trường, việc đầu tiên là lo chỗ ngủ. Tấn lo nhất vì anh không tiền, nên không tiện mở miệng nói với ai cho đi ngủ ké. Thôi thì đành chơi tại chỗ hôm qua vậy, chắc không gặp ma đâu, nếu có ba người. Sau một hồi suy nghĩ, anh bàn:

  -Hay là mình ngủ ngay tại nhà này luôn đi? Ngủ đây đỡ tiền phòng khách sạn, anh Huyền ạ!

  Nghe thấy đỡ tốn tiền, anh Huyền chịu liền:

  -Có lý đấy, mày ạ! Danh, mày thấy sao? Ngủ đây khổ một chút mà đỡ tốn.

  Danh thấy chẳng có lý gì mà từ chối, anh gật đầu:

  -Thoải mái thôi. Ai cho ngủ "chùa" thì mình cứ nhận.

  Thế là ba ông thầy trẻ trung phăng phăng tiến vào căn nhà trơ vơ cạnh trường học, cười nói vui vẻ vì đỡ một chuyện lo. Cánh cửa rộng mở, ùa ra một luồng khí lạnh lẽo.

  Trời bắt đầu tối dần.

  Tấn khôn ngoan không nói gì, chỉ lẳng lặng nằm vào giữa hai người. Nói chuyện một lúc thì cả ba ngủ say.

  Bỗng, đột nhiên, cả ba bật dậy cùng một lúc. Ngay tại đầu giường, có tiếng gọi tên anh .. Huyền rất rõ ràng:

  -Hu… y..ề… n.. ơi….ơi!

  Anh Huyền nhẩy nhổm, tay vớ lấy cái bật lửa để cạnh đầu giường, cạnh cái đồng hồ đeo tay. Anh vừa quẹt vừa hớt hải:

  -Hai đứa mày nghe tiếng gì không? Có người gọi tên tao???

  Vì đã biết từ đêm hôm qua, Tấn yên lặng. Danh run run xác nhận:

  -Tao…. nghe rõ có tiếng gọi mày đấy, Huyền ạ!

  Tấn cố làm cho tình hình dịu lại, anh nói:

  -Cứ bình tĩnh. Chờ thêm một lúc nữa xem sao.

  Hai người kia ưng thuận. Cả ba ngồi im lặng, nén luôn cả tiếng thở.

  Bóng tối như một tấm màn che kín hết mọi vật.   Bỗng.. từ góc nhà có tiếng con nít khóc rên rỉ…Tiếng khóc mới đầu còn ở góc nhà, từ từ tiến tới cái giường, to dần, to dần….

Đến đây, thì hết chiu đựng nổi. Anh Huyền vừa bật quẹt vừa nhẩy khỏi giường:

  -Thôi, thôi, mày ơi! Chạy!

  Danh cũng quýnh quáng, tung chân ra. Không còn cách nào khác, Tấn cũng phải vọt theo. Cả ba luống cuống châm lửa vào đèn, mặc quần áo xong, là dọt ra cửa, quên cả khép lại.

  Đi như chạy ra tới chợ, đường phố ban đêm đã ngủ từ lâu. Anh Huyền nháo nhác tìm ra được một khách sạn nhỏ, có anh quản lý nằm ngủ ngay cửa ra vào. Đập cửa hối hả, rồi không kịp hỏi giá tiền, cả ba nhào vào cái phòng trống, vất đồ vào góc, rồi leo lên giường. Không ai dám nhắc lại chuyện vừa qua, mà lo ngủ ngay.

  Sáng hôm sau, với cặp mắt phờ phạc, anh Huyền bảo:

  -Tao phải điều tra cho ra mới được. Đúng là căn nhà ma!

  Tấn khôn ngoan:

  -Anh đừng hỏi lão Mười, vô ich, nếu anh không mời lão vài ly đế cho lão say..

  Anh Huyền gật đầu liền:

  -Đúng lắm! Tao mời!

  Và thế là buổi điểm tâm sáng ấy có rượu đế và vài ly “xây chừng” cà phê đen, một đĩa thịt vịt luộc có rau bắp cải.

  Ông Mười, sau khi đã làm vài hớp rượu, ngà ngà rồi mới chậm rãi chơi luôn một câu:

  -Mấy thầy ngu quá!

  Cả ba ông thầy ngơ ngác nhìn nhau. Ông già này hỗn thiệt! Dám nói mấy thầy ngu!

  Ông già tửng tửng tiếp lời:

  -Mấy thầy hổng nhìn ra cái gì hết! Có cái nhà nào mà lạ thế? Không có đồ đạc, chỉ có một cái giường kê ngay giữa nhà! Các thầy biết gì không?

  Ông Mười gắp một miếng thịt vịt, nghiêng ngó ba ông thầy.  Cả ba đều nói một lúc:

  -Không! Không biết gì!

  Bỏ miếng thịt vịt vào miệng xong, nhâm nhi xong, ông Mười mới tửng tửng tiếp:

  -Nhà đó là nhà xác đó, mấy Thầy! Cái giường đó là giường để xác người đó, mấy Thầy!

  Nghe câu này, cả ba muốn nhẩy lên! Đúng là ông già độc địa! Trời tru đất diệt ông đi!

  Ông Mười tiếp:

  -Hồi đánh nhau với Việt Cộng, chính phủ không có đủ chỗ để chứa xác, nên trưng thu căn nhà trống đó đế chứa xác anh em mình. Sau này, chôn hết rồi, còn lại cái nhà, để đó hoài, không ai dám mua, dám ở. Ở là bị ma nhát! Tui thấy mấy thầy không có chỗ ở, tui nghĩ là lâu quá rồi, chắc ma đi mất tiêu, nên nói mấy thầy ở tạm thôi. Hồi trước, thầy Phong lên, đang đêm, đi tiểu, thấy có con ma cụt đầu ngồi gác cửa, thầy bỏ chạy luôn về Sài gòn, hổng dám trở lại. Thầy Nhàn cũng thế. Bị con ma rượt chạy không kịp mặc quần dài, cứ quần cụt mà dông ra chợ!

  Cả ba ngồi lặng yên, hết nói. Tấn chỉ muốn chửi thề. Đ.M. cái ông già chơi ác thiệt! Nhét người ta vào ngủ trong nhà xác, mà còn để ngủ ngay trên cái giường xác nữa mới thiệt là ác! Cha này.. không dọng cho một cái đạp thì uổng!

  Anh Huyền thì nhíu mày, suy nghĩ, chắc bực cành hông. Còn Danh thì thộn mặt ra, vẻ sợ hãi lộ ra mặt!

  Một lúc sau, anh Huyền mới hỏi ông Mười thêm một câu, lúc ông già đang thích chí nhai một miếng cánh vịt:

  -Vậy, nhà đó bỏ hoang từ lâu à? Ai làm chủ?

  Chờ nuốt xong miếng thịt, ông Mười mới tửng tửng trả lời:

  -À…hèm! Thì .. bỏ hoang chứ sao? Nhà đó thuộc ông chủ Trường thì hồi nẩm. Ổng xây để thỉnh thoảng tới chơi. Sau khi thành nhà ma, không ai dành!

  Nhăn mặt ra chiều suy nghĩ lung lắm, anh Huyền mới hỏi:

  -Vậy, bây giờ nếu có người ở luôn, cũng không ai đòi tiền?

  -Đúng dậy! Ai mà đòi? Ở giùm còn làm phước đó!

  Đột nhiên, anh Huyền nói một cách mạnh mẽ:

  -Như thế thì tụi tôi ở đó luôn! Đỡ trả tiền nhà!

  Cả Danh và Tấn đều ngơ ngác. Ở đó luôn! Có mà chết sớm! Đêm nào ma cũng nhát, thì bại liệt luôn! Có ngày còn tự treo cổ lên cây! Nhưng, nhìn dáng vẻ quả quyết của anh Huyền, hai người nín thinh.

  Anh Huyền đứng dậy trước, nói:

  -Chào ông Mười, tụi tui nhất định rồi. Tối nay ngủ luôn ở đây, xem ma có nhát tụi tui không…

  Rồi anh ra dấu cho hai người đi theo. Ra tới ngoài đường, anh nói thì thầm:

  -Mẹ kiếp! Chúng mày nghe tao! Cứ ở lại! Đỡ rất nhiều tiền khách sạn! Ma không dám nhát mình nữa đâu, nếu mình biết cách.

  Cách gì? Anh Huyền không nói, chỉ mỉm cười khoái trí.

  Tối hôm ấy, Tấn và Danh thi hành theo lời anh Huyền. Trong nhà, đốt cả bốn ngọn đèn dầu, mỗi góc một cái đèn. Cái giường được di chuyển đến sát cửa chính, anh Huyền đã đi mua một cái chiếu mới tinh cho ba thằng nằm.

  Chương trình đuổi ma bắt đầu từ 9 giờ tối, khi cả khu thành phố gần nhà đã im lặng. Cả ba tên thầy giáo nghèo gào thét khản cổ, hát những bài hát linh tinh, nhưng với giọng thật to. Anh Huyền bảo “ma nó sợ tiếng ồn, sợ nước tiểu, sợ dơ”, nên ban nhạc “bà bóng” này vừa hát, vừa đập ầm ĩ vào các chiếc ghế đẩu. Bài hát mà cả ba nhai đi nhai lại là “Thúy đã đi rồi, Thúy còn đi mãi trong tiếng cười…” Tấn hét to:

  -Nàng đi về đâu? Cho gió trăng sầu..

  Danh tiếp theo:

  -Tìm em ở đâu? Ngã ba Chuồng Chó .. ó .. ó.. chó….

  Anh Huyền thì ngân nga bài hát tủ:

  -Ngày mai lênh đênh trên sông Hương…

  Hát đã, cả ba đi tiểu tùm lum vào bốn góc phòng, mục đích cho ma sợ mà bỏ đi. Chương trình đuổi ma kéo dài đến gần sáng, thì mệt nhoài, ba người nằm lăn ra ngủ, dưới mùi khai khủng khiếp. Quả nhiên, không thấy con ma nào xuất hiện thổi tắt đèn nữa.

  Sáng dậy, thấy mọi chuyện êm ru, ba người mừng quá, đi múc nước về sối rửa phòng, rồi ra tiệm đánh chén một chầu, ăn mừng chiến thắng.

  Từ đó, căn nhà ma biến thành phòng trọ cho các thầy giáo nghèo. Trong số này có Tuấn, mang cả cô vợ mang bầu í ạch đi theo. Anh em nhường cho Tuấn ngủ với vợ trên giường lớn, còn lại thì trải chiếu nằm dưới đất….

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...