12 November 2012

Một kiệt tác của Dostoyevsky

Người Chồng Muôn Thuở
     
Trọng Đạt

      Nhân lần thứ 191 ngày sinh của văn hào Fyodor Dostoievsky  (11/11/1821-11/ 11/2012)   tôi xin giới thiệu quí vị một tác phẩm nổi tiếng của ông. Vì phạm vi giới hạn của bài viết tôi lựa Người Chồng Muôn Thuở một tiểu thuyết ngắn thay vì đề cập tới những cuốn trường thiên của ông. Mặc dù sáng tác của Dostoievsky có từ trên một thế kỷ, một trăm mấy chục năm qua nhưng nhiều nhà nghiên cứu Tây phương cho rằng văn chương của ông không bị rơi vào tình trạng cổ điển, nó vẫn còn mới lạ, có giá trị vượt thời gian và cả không gian.

      Dostoievsky  sinh ngày 11/11/1821 tại Mạc tư Khoa, con một bác sĩ, học trung học ở đây, năm 1837 mẹ mất, ông lên Petersburg học ngành kỹ sư, năm 1843 ra trường làm trong ngành một năm thì bỏ việc, chuyển sang viết tiểu thuyết. Năm 1846 ông tham gia một tổ chức chính trị, đọc sách báo cấm, năm 1849 bị bắt với đồng bọn, lãnh án tử hình nhưng được ân xá tại pháp trường chỉ  bị kết án bốn năm lao động khổ sai tại Tây Bá Lợi Á, đến 1854 ông được tha nhưng phải thi hành quân dịch tại đây.

      Năm 1857, ông lấy vợ (Maria), đến 1859 xuất ngũ về ở miền Tây Nga, năm 1862 ra ngoại quốc lần đầu, một năm sau về nước, năm 1863 ra ngoại quốc lần nữa rồi về Mạc tư Khoa, năm ấy dự đám ma vợ, Maria chết vì ho lao. Năm 1865 anh chết, nợ nần chồng chất Dostoievsky phải lánh ra ngoại quốc trốn nợ, năm 1867 lấy vợ khác (Anna) 22 tuổi. Ông mất ngày 9/2/1881, hưởng thọ 60 tuổi.

      Dostoievsky viết được tổng cộng 11 tiểu thuyết trong đó nhiều truyện dài, trường thiên và vài tiểu thuyết ngắn, 17 truyện ngắn. Về mặt số lượng tác phẩm của ông tuy nhiều nhưng trên thực tế chỉ có một số nổi tiếng được chú ý nhiều.   Dostoievsky bắt đầu trước tác  từ giữa thập niên 1850 nhưng chỉ những  cuốn  về sau cùng được chú ý và cũng được coi là những tác phẩm tiêu biểu như: Tội Ác và  Hình Phạt (viết 1866), Thằng Ngốc (1868),  Quỉ Ám (1872), Anh Em Nhà Karamazov (1880)...  Tiểu thuyết ngằn nổi tiếng có: Đánh Bạc (1867), Người Chồng Muôn Thuở (1870)...

      Tôi thích tiểu thuyết ngắn của Dostoievsky hơn là những cuốn trường thiên, nó dễ đọc và lý thú hơn. Tiểu thuyết là những truyện (fiction) dài từ vài trăm trang trở lên. Những truyện dài trung bình từ một tới hai trăm trang  người Anh, Mỹ gọi là short novel hoặc novella, người Pháp gọi là nouvelle, người mình gọi là truyện vừa, nó dài hơn truyện ngắn và ngắn hơn tiểu thuyết.

     Tác phẩm chúng tôi đề cập ở đây Người Chồng Muôn Thuở (The Eternal Husband, người Pháp dịch là L’Eternel mari) viết năm 1870, được in trong cuốn The Short Novel of Dostoievsky, khoảng 140 trang khổ giấy lớn. Những bản dịch khác của truyện này hoặc của nhà xuất bản khác in khổ giấy trung bình khoảng 200 trang.

     Xin sơ lược.

      “Velchaninov tới Petersburg lo việc kiện tụng, chàng gặp một người đàn ông ăn mặc lịch sự, đầu đội mũ có băng vải đen để tang. Chàng bực mình vì cứ gặp hắn mãi và hắn có vẻ theo dõi chàng hoặc có điều muốn nói.

      Rồi hắn tới phòng Velchaninov (xin gọi tắt Velcha), chàng nhận ra hắn, là người bạn cũ cách đây chín năm tại tỉnh T. tên Pavel Pavlovich Trusotsky (xin gọi tắt là Pavel) cho biết vợ hắn Natalya mới chết vì ho lao (hắn để tang). Velchaninov nhớ lại mười năm trước, chàng đến tỉnh T. lo một vụ kiện tụng, đã ở đấy một năm, đã là người yêu của Natalya. Bây giờ nhớ lại chàng xấu hổ vì hồi ấy mình lại yêu bà ta.

     Natalya hồi ấy khoảng hai mươi tám tuổi, người gầy gầy không đẹp, người đàn bà này có sự lôi cuốn mãnh liệt khiến những người tình của bà phải mê mệt rồi trở thành nô lệ, hoàn toàn tuân phục nàng và khi nào chán, nàng liệng hắn đi như một đôi giầy cũ mòn gót. Nàng có nhiều nhân tình, người chồng là người tình đầu tiên nhưng sau đám cưới, hắn chỉ là một người chồng, đó là người chồng muôn thuở. Hồi ấy Pavel cỡ ba mươi lăm, có tài sản, Natalya được xã hội nể trọng, mối liên hệ giữa Velcha và nàng tới đỉnh cao thì thì tan vỡ. Nàng có một người tình nhân trẻ măng mới quen, khi Velcha về Petersburg, nàng gửi chàng một bức thư yêu cầu đừng trở lại thành phố T.. đó là chuyện cách đây chín năm.

      Hôm sau Velcha tới nhà Pavel, chàng nghe thấy tiếng trẻ con cỡ lên bẩy, lên tám đang khóc, người đàn ông dọa nạt, hành hạ đứa nhỏ. Đó là Pavel đang mắng chửi con gái tên Liza, hắn cho Velcha biết hồi ấy chàng đi khỏi tỉnh T được hơn tám tháng thì vợ hắn sinh Liza. Velcha hiểu ý hắn và biết đó là con của chàng với Natalya. Liza bị Pavel đối sử cay nghiệt, mỗi khi đi đâu hắn khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Velcha bèn đề nghị với Pavel đưa cô bé lại một gia đình giầu có (bạn chàng) cho họ trông nom, họ đông con, vui vẻ tử tế, họ sẽ coi Liza như con. Thế rồi Velcha đưa Liza tới biệt thự nhà người bạn để cô bé khỏi bị Pavel hành hạ.

      Cô bé không muốn đi, không muốn ở với người lạ, trong lòng không vừa ý. Tới nơi, Velcha thú thật với bà chủ nhà Liza chính là con mình. Cô bé cho Velcha biết Pavel, bố cô bé định treo cổ tự tử.

      Hôm sau Velcha gặp Pavel, hắn say rượu...cho biết Bagautov mới chết (bạn cũ của họ) anh này cũng là tình nhân của Natalya, vợ Pavel. Hắn mượn rượu để mỉa mai chàng, lấy hai ngón tay để trên đầu làm thành hình hai cái sừng ý nói bị Bagautov cắm sừng và cũng có ý sỏ siên Velcha, hắn nói “một kẻ thù đã chết thì tốt, nhưng kẻ thù còn sống càng tốt hơn”

     Pavel kè nhè cho biết vợ hắn Natalya có một hộp khảm xà cừ đựng thư tình và hắn đã khám phá nhiều điều mới lạ trong bức thư do nàng viết. Velcha hơi sợ nhưng chàng nhớ lại hồi ấy nàng gửi cho chàng một bức thư và chàng có gửi lại một thư cho chung cho cả hai vợ chồng Pavel, Natalya .. Pavel vẫn say rượu, hắn yêu cầu Velcha hôn hắn rồi nói.

     “Anh là bạn tốt nhất của tôi, người bạn cuối cùng”

     Hôm sau Velcha chờ Pavel để cùng lại thăm Liza vì chàng đã hứa với cô bé sẽ đưa cha cô (Pavel) lại, Velcha biết hắn muốn dùng Liza để làm phương tiện trả thù chàng vì cô bé chính là con chàng, hắn muốn làm cho cô đau khổ để chàng cũng khổ. Velcha chờ không thấy Pavel lại, đi tìm hắn khắp nơi, gặp hắn đi đưa đám ma, chàng năn nỉ Pavel đi thăm Liza nhưng hắn từ chối, nhất định không đi.

      Velcha đến thăm Liza, cô bé bị bệnh, bà chủ nhà cho biết cô bé xấu hổ, mặc cảm bị bố bỏ rơi nên phát bệnh. Cô bé thấy Velcha không đưa cha  Pavel lại như đã hứa càng đau đớn hơn khiến bệnh càng tăng. Bác sĩ khám bệnh cho biết đã hơi trễ, bệnh tình của cháu nguy kịch. Velcha đi tìm Pavel để đem hắn lại thăm Liza nhưng hắn say bí tỉ.

     Cơn bệnh Liza nặng thêm lên, nóng lạnh cao độ, tới nửa đêm, nó mê man rồi chết đúng mười ngày sau khi đến ở đây. Velcha đau khổ, tìm Pavel báo cho hắn biết Liza đã chết, không có mặt hắn người ta không thể làm đám ma được. Pavel rượu say lúy túy, hắn mượn rượu cho biết Liza là con của anh sĩ quan trẻ chứ không phải con hắn, hắn sỏ siên Velcha. Pavel sai người tới đưa bà chủ nhà ba trăm, một số tiền lớn để lo mai táng và cầu nguyện cho cô bé, hắn lấy cớ bị bệnh không lại được. Velcha như người mất hồn, Liza chưa hiểu biết gì về chàng đã mất, cha con gặp gỡ nhau ngắn ngủi thay, chàng thù hận Pavel chỉ muốn giết hắn cho hả giận.

      Velcha đến thăm mộ cô bé ngoài nghĩa địa, lúc ra khỏi đây thì gặp Pavel, hắn cho chàng biết sắp lấy vợ và mời chàng qua thăm nhà gái. Hắn khoe mới có chức tước, lương cao vả lại có tài sản, bây giờ là người “nặng ký”, mới hỏi lấy cô gái thứ năm nhà ông nghị viên, cô này mới mười lăm tuổi. Ông này có tám con gái, cô lớn nhất hai mươi bốn tuổi, ông ta sợ nếu chết thì không ai nuôi được đàn con nên đã có ý gả cho hắn (cô thứ năm). Velcha đồng ý đi với Pavel, hắn bỏ nhiều tiền mua vòng vàng để tặng cô dâu nhỏ hơn hắn vài chục tuổi.

      Họ lại biệt thự nhà ông nghị viên, đám con gái ra mắt khách. Pavel tặng cô dâu tương lai một vòng vàng, cô này tên Nadya không muốn nhận, Pavel muốn xỉu vì ngượng. Khách khứa bạn bè của các cô và gia đình ra ngoài vườn vui đùa, họ đố chữ, chơi ú tim. Cô dâu tương lai Nadya khinh bỉ Pavel và có cảm tình với Velcha, cô nài nỉ nhờ chàng trao trả lại cái vòng cho Pavel và sẽ nhờ người nói cho hắn biết cô không muốn thấy mặt  hắn nữa. Velcha nhận lời, Nadya khen chàng tử tế và mời lại chơi lần tới, cô gái có nhiều cảm tình với chàng khiến Pavel tức giận và ghen với bạn.

     Về tới nhà Pavel đề nghị hai người giải quyết với nhau, năn nỉ Velcha đừng lại nhà Nadya nữa. Hắn cho biết sở dĩ rủ chàng đi theo để thử thách, nay thấy chàng hơn hắn nhiều về mặt chinh phục cảm tình. Hắn nói đã thương yêu Velcha từ lâu, hắn vô nghĩa so với chàng  và cảm phục những ý nghĩa cao đẹp của chàng nhưng Velcha không tin hắn,  chàng nói đã  biết hắn thù ghét mình .

     Bỗng một chàng thanh niên trẻ vào gặp hai người, cậu cho biết đã thân Nadya từ lâu, hứa hẹn với nhau và đề nghị Pavel rút lui là hơn. Người thanh niên và Pavel tranh luận hơn thiệt, anh cho biết Nadya đã nhờ người đem trả vòng vàng khi ấy Velcha bèn lấy vòng trả lại. Pavel nhục nhã, hận đời, thù Velcha. Chàng thanh niên khuyên Pavel nên rút lui đừng tốn công tốn của vô ích.

     Pavel ngủ trên ghế sofa trong nhà Velcha, chàng lên cơn đau, hôm nọ bị ngộ độc. Pavel thức giấc chạy đi tìm bà chủ chung cư để lấy nước nóng, rồi Pavel  cởi áo Velcha đắp miếng vải thấm nước nóng lên chỗ đau, cho chàng uống trà nóng, cơn đau đã dịu đi. Velcha ngủ thiếp đi, chàng mơ thấy trong phòng đầy những người, mơ thấy Pavel dơ nắm tay giận dữ với chàng.

     Chàng nghe thấy tiếng chuông reo trong mơ, tỉnh dậy thấy Pavel nhào tới tấn công mình, Velcha đỡ đòn, nắm tay hắn và thấy đau buốt vì  cầm phải lưỡi dao cạo. Hắn dùng dao cạo định cắt cổ chàng, Velcha khỏe gấp ba Pavel, quật ngã hắn và trói hắn lại, chàng lấy khăn băng bàn tay chẩy máu rồi đuổi hắn ra khỏi nhà.

     Hôm sau Velcha gặp chàng thanh niên, anh ta trao cho chàng một bức thư của Pavel nhờ đưa dùm. Đây là bức thư cũ từ chín năm do Natalya, vợ hắn viết cho chàng nhưng không  gửi, còn để trong hộp và bây giờ Pavel trao lại, bức thư nói nàng sắp có con và có thể sẽ trao đứa con lại cho chàng ! Velcha đọc thư xanh mặt. 

     Hai năm sau Velcha ngồi  trên chuyền xe lửa đi Odessa, một thiếu phụ đẹp bị một nhà buôn rượu quấy phá, Velcha can thiệp, bà ta cám ơn và quí trọng chàng, một lúc sau Pavel lại cho biết đó là vợ hắn. Bà ta mời chàng về ở với họ một tháng cho vui, Pavel cũng ra vẻ mời mọc, Velcha không chịu nổi thái độ giả dối ấy và mắng hắn.

    “Mày có muốn tao nói cho vợ mày biết mày định cắt cổ tao không? ..và chuyện bé Liza nữa !
      Hắn chạy mất”

      Theo nhận xét của giới phê bình Tây phương, Người Chồng Muôn Thuở  được coi như một trong những tác phẩm  hoàn chỉnh  nhất của Dostoyevsky 

      -The Eternal Husband, technically perhaps the most accomplished of Dostoyevsky - William J Leather Barow (trong cuốn Fedor Dostoievsky)

       - Some critics say this novel ranks among his best works because of its style and structure. Alfred Bem calls it "one of the most complete works by Dostoyevsky in regards to its composition and development” (Wikipedia.)

       -The Eternal Husband is one of Dostoevsky's most refined works,    
(Amazone.com)

      Mặc dù được nhiều người khen là tuyệt diệu nhưng truyện lại không được chú ý bằng các tác phẩm lớn của tác giả như Tội Ác Và Hình Phạt, Anh Em Nhà Karamazov… vì hồi đó người ta chỉ quí trọng những tác phẩm vĩ đại. Ngày nay nhiều tác phẩm ngắn như Ngư Ông Và Biển Cả của Hemingway và Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn đã được giải Nobel văn chương năm 1954 và 1970. Đề tài của Dostoievsky thường là án mạng, tiền tài, tình yêu, tội ác... đôi khi pha chút mầu sắc trinh thám.  Ông được giới phê bình Tây phương đánh giá là tác giả đi tiên phong ở nghệ thuật diễn tả tâm lý sâu sắc, luận đề chung trong các truyện của ông là cuộc đấu tranh nội tâm giữa thiện và ác. Nhân vật trong Người Chồng Muôn Thủa thuộc giới phong lưu quí tộc hồi đó, có tài sản, ở biệt thự sang trọng, cá tính dị thường. Người chồng Pavel hà tiện, nhiều tính xấu bị xã hội khinh rẻ, Velcha người tình nhân của vợ hắn, thanh lịch dễ thương nhưng thiếu đạo đức, họ là đôi bạn thân và cũng là kẻ thù của nhau. Vợ Pavel chết, anh ta mở hộp thư cũ và khám phá ra sự thật, vợ anh viết thư (nhưng chưa gửi) cho Velcha, nàng cho biết đã có bầu với Velcha và sẽ giao lại đứa con cho chàng

     Gặp lại nhau sau 9 năm xa cách, Pavel muốn giao lại cho Velcha đứa con gái tám tuổi Liza vì không phải con mình. Tâm lý Pavel thay đổi luôn luôn có khi nói đã yêu thương bạn, ôm nhau thắm thiết nhưng rồi lại nghĩ đến trả  thù. Hắn hành hạ Liza để trả thù, cố tình bỏ rơi khiến cô bé đau buồn phát bệnh chết. Cái chết thảm thương của cô bé được ngòi bút thần sầu của Dostoievsky diễn tả vô cùng bi thiết, não nùng mà ít ai có thể sách kịp.

      Đoạn tả lúc Pavel trả thù dùng dao cạo cứa cổ bạn thật ghê rợn thể hiện lối viết của Dostoievsky trong những đề tài nhuốm mầu bạo lực như Tội Ác và Hình Phạt, Anh Em Nhà Karamazov…Tối ấy hắn săn sóc bạn để đánh lạc hướng chờ cho bạn ngủ để giết bạn nhưng bất thành vì anh ta khỏe hơn.

      Velcha nghĩ có lẽ hắn không chủ tâm giết mình vì nếu vậy hắn có thể dùng súng mà vì tình cờ thấy dao cạo chàng bỏ quên trên bàn và nẩy sinh ra ý nghĩ sát nhân. Pavel thấy Velcha hơn mình quá nhiều, đi hỏi vợ tại nhà ông nghị viên, anh ta cũng được cô bé Nadya quí mến trong khi hắn bị khinh bỉ, khước từ mặc dù lắm tiền. Hai năm sau đôi bạn lại gặp nhau trên chuyến xe lửa, Pavel có vợ khác, bà này lại có cảm tình với Velcha, chàng thấy bà ta cặp một thanh niên, khi hỏi thì hắn trả lời đó là bà con xa!! cả cuộc đời hắn chỉ là người chồng muôn thủa, bị mọc sừng suốt đời. Cuộc đời Pavel, một ngươi giầu có là một tấn bi kịch, cuộc đời Velcha cũng chẳng khá hơn, đứa con ruột chàng mới gặp lại đã mất đi vĩnh viễn hậu quả của mối hận thù ghê gớm. Vào cuối truyện, chàng ta được thừa hưởng tài sản, yêu đời hơn một chút.

     Tác phẩm được mô tả kỹ lưỡng về hận thù, về thú tính xấu xa  của con người và cũng diễn tả tấm lòng rộng  lượng bao dung như Velcha, chịu đựng bao sự tàn nhẫn của bạn mà vẫn bỏ qua dù đôi lúc giận điên lên chàng muốn giết hắn ngay. Ở Pavel, cái ác đã ngự trị đẩy hắn vào con đường tội lỗi, ở Velcha, cái thiện đã thắng khiến chàng xóa bỏ hận thù, trong nội tâm đôi bạn, sự đấu tranh giữa ông Thánh và con Quỉ đã diễn ra để giành quyền làm chủ. Truyện giống như một vở bi hài kịch, bi kịch trong cái chết thảm thương của bé Liza, hài kịch ở chỗ Pavel suốt đời chỉ là anh chồng bị mọc sừng như một định mệnh.

     Nhân vật của Dostoyevsky ở đây mang nhiều cá tính kỳ dị, chính những cá tính ấy đã làm cho tác phẩm có nhiều nét đặc sắc riêng. Kỹ thuật diễn tả đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa, khi nói về cái chết của bé Liza chỉ vỏn vẹn một trang sầu thảm, não nùng, cô bé Liza cũng là nhân vật kỳ dị tự ái nghĩ mình bị bỏ rơi nên đau buồn mà chết.

      Bố cục sáng sủa hơn các tác phẩm khác của cùng Dostoievsky, các chương mục mang tên và ý nghĩa riêng song phần diễn tả tâm lý nhiều đoạn cầu kỳ khó hiểu cũng như trong nhiều tác phẩm khác. Mặc dù sáng tác từ hơn 140 năm qua nhưng truyện vẫn không bị rơi vào cổ điển vì bút pháp của Dostoievsky vẫn còn mới lạ. Người ta ví văn của ông như một bản đại hòa tấu symphony, đang êm đềm lặng lẽ bỗng kèn trống nổi lên vang dậy như đoạn Pavel dùng dao cạo tấn công người bạn Velcha.

      Về Dostoyevsky ta thấy có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều độc giả cho rằng văn chương của ông khó hiểu, dài dòng văn tự, trái lại những người hâm mộ rất say mê đọc tác phẩm của ông . Khi truyện của Dostoievsky mới được xuất bản đã bị các nhà văn đương thời chỉ trích  là phóng đại, không thực, kỳ dị. Tolstoi cho rằng  tác phẩm của Dostoievsky không có vẻ gì là thực. Các nhà phê bình Tây phương vốn ưa lối văn nhẹ nhàng của Ivan Turgenev, Tolstoi chê bai Dostoievsky thậm tệ như George Moore nói

     “Ông ta chỉ là người viết tuồng rẻ tiền pha chút mắm muối tâm lý” (a cheap melodramatic novelist with psychological sauce)

      Sau này người ta thẩm định lại và đánh giá tác phẩm của ông rất cao, các thế hệ nối tiếp đã nghiên cứu văn nghiệp của Dostoievsky và ca ngợi không tiếc lời. Độc giả cũng tìm thấy những cái hay, những giá trị nghệ thuật sâu sắc của văn  nghiệp Dostoievsky. Có người cho rằng ông không bị rơi vào cổ điển như Leon Tolstoi. Steimer nói Dostoyevsky ảnh hưởng tới tư tưởng hiện đại nhiều hơn Tolstoi. (theo William J. Leather Barrow trong cuốn Fedor Dostoievsky). Nhiều nhà phê bình mải mê ca ngợi  ông tới chỗ  “quá đà” như Dostoievky là nhà đại tư tưởng, nhà tâm lý học, nhà triết gia, hoặc nhà văn hào vĩ đại nhất của nhân loại từ xưa đến nay! Cuốn Anh Em Nhà Karamazov đã ảnh hưởng tới nhà phân tâm học Đức Sigmund Freud,  tác giả  Áo Franz Kafka...

      Các nhà nghiên cứu chú trọng tới tư tưởng, triết lý của ông hơn là về văn chương, họ ca ngợi nghệ thuật tả tâm lý nhân vật của Dostoievsky vô cùng sâu sắc. Dostoievsky được “ca tụng quá đà” và trở thành một huyền thoại như William Leather Barrow kết luận thuyết vô định (principle of uncertainty) trong Tội Ác Và Hình Phạt giống như thuyết tương đối của Einstein và có ảnh hưởng tới thuyết này...

      Nhân vật do Dostoievsky xây dựng không hiện thực mà mang nhiều cá tính kỳ dị như trong The Gambler, Cờ Bạc (Le Joueur) một chàng thầy giáo dậy kèm tư gia si tình con gái ông chủ nhà, thề nhẩy vào xe lửa nhưng cô cũng không yêu anh, cô  lại mê một chàng quí tộc Pháp bạn của cha mình. Trong khi người đẹp ngủ với anh quí tộc Pháp trong phòng, chàng thấy giáo ngủ ngoài cửa để tỏ lòng chung thủy nhưng cô cũng vẫn không  yêu anh, một mối tình bỏng cháy, hay một mối tình điên? Trong Anh Em Nhà Karamazov hai bố con cùng mê một ả, đánh nhau giết nhau vì một ả....nhưng nó cũng là những nét đặc sắc riêng hoàn toàn khác biệt với các nhà văn đương thời, được coi như sự đóng góp mới mẻ cho nghệ thuật.

     Tôi thích thú các tiểu thuyết ngắn của Dostoievsky như Cờ Bạc, Người Chồng Muôn Thuở hơn các cuốn trường thiên của cùng tác giả như Tội Ác Và Hình Phạt, Thằng Ngốc, Anh Em Nhà Karamazov... Ở tác phẩm ngắn lối viết của ông  gọn và hoàn chỉnh, ngược lại truyện dài khó hiểu, phức tạp, viết thừa nhiều, nhiều nhân vật khiến người đọc bối rối.

     Tolstoi, Dostoievsky được coi là hai nhà văn hào vĩ đại trên văn đàn thế giới, sự khác biệt nghệ thuật của hai tác giả này chẳng khác nào như nhạc Beethoven khác với Mozart. Nhạc Beethoven có lúc khoan như gió thoảng ngoài, lúc mau sầm sập như trời đổ mưa trong khi Mozart luôn du dương nhẹ nhàng, thanh thoát...

     Nêu viết lặng lẽ như Tolstoi, Turgenev hay nhiều tác giả khác, có thể  Dostoievsky đã bị chìm  lắng nhưng ngòi  bút thần sầu của ông đã tạo cho mình một địa vị lớn trên văn đàn thế giới. Nhờ sự tạo dựng nhân vật, nội dung kỳ ảo mà tác giả đã đóng góp thật nhiều cho công trình văn hóa chung của nhân loại

      Trọng Đạt

No comments:

Post a Comment

SƠN TINH & THUỶ TINH, tranh A.C.La

Sơn Tinh và Thủy Tinh (The Mountain Lord vs The Water Lord) Oil on canvas 24x24 inch (61x61 cm) by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh  ** All rights res...