30 May 2016

Mỹ có “âm mưu” gì trong chuyến thăm Việt Nam của Obama?

Việt Hoàng

“…Chúng tôi tin rằng sẽ có những thay đổi lớn đang chờ VN ở phía trước, dù chúng ta chưa biết được những thay đổi đó là gì nhưng chắc chắn là nó chỉ có thể tốt hơn lên. Obama không hẳn quá nhu nhược như chúng ta đã thấy…”

Chuyến thăm Việt Nam trong ba ngày của tổng thống Mỹ Obama từ 23 đến 25/5/2016 đã kết thúc với vô số các sự kiện và cảm xúc. Có ba điểm nhấn nổi bật trong chuyến thăm đặc biệt này, một là Mỹ bỏ cấm vận lệnh bán các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hai là Mỹ gần như “chấp nhận hợp tác toàn diện” với chế độ cộng sản VN và ba là Mỹ gần như “bỏ qua” hoàn toàn vấn đề nhân quyền tồi tệ của chính quyền VN.


Đúng là có rất nhiều điều “lạ lùng” trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ khi đến VN lần này. Ví dụ, Obama đến VN vào lúc đêm khuya, không kèn không trống, không một quan chức cao cấp nào của VN đón tiếp. Ngay ngày hôm sau, Obama đơn phương bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho VN mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Tổ chức được chính phủ Mỹ tài trợ là Peace Corps (Đoàn Hòa Bình Mỹ) được phép hoạt động tại VN. Đại học Fulbright được thành lập trước sự chứng kiến của ngoại trưởng Mỹ. Mỹ cam kết giúp VN 18 tàu tuần tra biển và nhiều kỹ thuật giám sát bờ biển. Mỹ cũng hứa sẽ nhanh chóng thông qua hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại VN.

Nói tóm lại Mỹ đã “bình thường hóa quan hệ” với chính quyền cộng sản VN một cách lạ kỳ, trên mọi lĩnh vực và trong mọi vấn đề. Mỹ làm những điều này một cách đơn phương, không kèm theo bất cứ điều kiện gì, một cách vui vẻ. Obama cũng không có ý kiến gì khi 7/6 người hoạt động xã hội bị công an VN câu lưu không đến được cuộc gặp gỡ do Mỹ tổ chức. Ông Obama cũng không nhắc gì đến các nhà dân chủ như Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài hay Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực trong tù. Thậm chí một công dân Mỹ là Nancy Nguyễn nhập cảnh hợp phát vào Việt Nam vẫn bị công am giam giữ nhưng Obama vẫn không lên tiếng. Rồi vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường của người VN bị chính quyền đàn áp thẳng tay ở Sài Gòn, Hà Nội…Đều không được ông Obama nhắc lấy một câu.

Nên nhớ chuyến thăm Việt Nam lần này của Obama đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, ít nhất là từ sau cuộc viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ hồi tháng 7 năm ngoái. Bài diễn văn của Obama tại Hà Nội được soạn thảo công phu và đầy đủ nhất từ trước đến nay. Từ một anh hùng dân tộc VN sống cách đây gần 1000 năm là Lý Thường Kiệt cho đến Phan Châu Trinh, Văn Cao, Thích Nhất hạnh, Trịnh Công Sơn, Ngô Bảo Châu… Từ trống đồng Đông Sơn đến nền văn minh lúa nước, từ viên phi công Mỹ bị bắn rơi ở Cao Bằng tháng 10/1944 (trung úy William Shaw) đến cuộc nội chiến kết thúc năm 1975, từ những chiếc máy bay “quái thú” khổng lồ của không lực Mỹ đến suất Bún Chả bình dân 6 đôla. Có thể nói bài diễn văn này tóm tắt đầy đủ lịch sử của mối bang giao Việt-Mỹ.

Chúng ta cũng không quên một bài viết gần đây trên tờ báo nổi tiếng New York Times của các ông John Kerry (Ngoại trưởng Mỹ), John McCain (Thượng nghị sĩ Cộng Hòa), Bob Kerey (cựu Thượng nghị sĩ Dân Chủ), Chuck Hagel (cựu thượng nghị sĩ Cộng Hòa, cựu bộ trưởng quốc phòng). Những người này đại diện cho nhóm “thân Việt Nam” trong chính giới Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Quan điểm của họ rất rõ ràng: Đẩy mạnh quan hệ với VN trên mọi phương diện vì đây là chiến lược lâu dài trong lợi ích của Mỹ. Vấn đề nhân quyền ở VN sẽ không còn là một điều kiện bắt buộc để thực hiện việc hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên Mỹ sẽ luôn quan tâm theo dõi và sẽ luôn “thuyết phục” chính quyền VN thực thi các quyền tự do cơ bản của người dân. Mỹ sẽ nhân nhượng VN trước và mong muốn VN sẽ thay đổi vì chính lợi ích của VN.

Với chừng ấy sự kiện được nêu ra thì không ít người VN sẽ hoang mang vì không hiểu điều gì đang thực sự xảy ra sau hậu trường? Ngọn gió đang đổi chiều? Một sự thay đổi lớn vượt ra ngoài mọi dự đoán sắp xảy ra chăng? Lẽ nào cường quốc số một thế giới lại “chịu thua” chính quyền cộng sản VN hay có những thỏa thuận lớn chưa được công bố? Lẽ nào Mỹ thua mà mặt mày lại hớn hở thế, trong lúc kẻ thắng lại ủ rũ, lo âu đến vậy?

Là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp trong một tổ chức đối lập dân chủ VN, chúng tôi luôn cố gắng tổng hợp các thông tin ít ỏi trên mạng và rồi cùng phân tích, nghiên cứu, trao đổi để đưa ra những dự đoán về sự chuyển dịch chính trị trong tương lai cho người dân VN được biết để tránh mọi hoang mang hay thất vọng.

Chúng tôi tin rằng sẽ có những thay đổi lớn đang chờ VN ở phía trước, dù chúng ta chưa biết được những thay đổi đó là gì và như thế nào nhưng chắc chắn là nó chỉ có thể tốt hơn lên chứ không thể xấu hơn. Obama không hẳn quá nhu nhược như chúng ta đã thấy. Chính sách của Mỹ đối với VN là nhất quán và không thay đổi, kể cả vị tổng thống mới được bầu lên cuối năm nay.

Vậy điều gì đang xảy ra? Có lẽ Mỹ đang tập trung cho trận “so găng” cuối cùng với Trung Quốc. Tại cuộc họp thượng đỉnh G7 tại Nhật ngày 27/5/2016, nhóm cường quốc này đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh sự lo ngại về các diễn biến trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Mũi dùi chỉ thẳng vào TQ.

Mỹ đang tìm cách hòa hoãn với Nga sau hơn hai năm cấm vận khiến kinh tế Nga suy sụp bằng cách nâng giá dầu thô lên trên 50 đôla. Putin cũng phải dịu giọng nếu không muốn nhận thêm các lệnh trừng phạt mới. Mỹ đang phân hóa liên minh Nga-Trung để tập trung vào TQ. Mỹ cũng biết rõ là kinh tế TQ đang gặp vấn đề. Mỹ chỉ cần tiếp tục gây sức ép lên TQ và nếu TQ mất bình tĩnh là sẽ mắc mưu Mỹ ngay lập tức. Người Mỹ tin rằng nếu TQ suy sụp thì VN không muốn cũng phải xích lại gần Mỹ. Rõ ràng là VN không còn sự lựa chọn nào khác. Nét mặt ủ rũ của Trần Đại Quang khi tiếp Obama có lẽ cũng vì thế.

Phong trào dân chủ VN có gì để hy vọng không? Chúng tôi nghĩ là có.

Như đã trình bày, Mỹ sẽ hợp tác với VN bất kể chế độ của VN là gì. Obama đã gửi một thông điệp rất rõ ràng là người VN phải tự quyết định cho tương lai của chính người VN. Khi chính quyền VN ngày càng phụ thuộc nhiều vào Mỹ thì dù muốn hay không họ cũng phải thay đổi ít nhiều. Trò chơi dân chủ bắt đầu từ các tổ chức xã hội dân sự và công đoàn độc lập sẽ phải được thực thi và dần dần sẽ tiến tới các quyền tự do khác.

Đấu tranh chính trị thông qua các tổ chức chính trị là một hướng đi thích hợp và cần thiết. Những người còn ưu tư với vận mệnh dân tộc cần chọn lựa một thái độ chính trị rõ ràng. Hoặc là ủng hộ cho một tổ chức đối lập dân chủ đã có sẵn hoặc tự mình đứng ra thành lập các tổ chức mới. Khi phong trào dân chủ VN hình thành được các tổ chức chính trị có tầm vóc thì khi đó chính quyền cộng sản có muốn đàn áp cũng không được. Nếu có một tổ chức hùng mạnh và tầm vóc thì VN hoàn toàn có thể thay đổi về hướng dân chủ như Myanmar dưới sự “bảo trợ ngầm” của chính quyền Mỹ.

Hiện tại VN vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ đối lập như Myanmar nên Mỹ có muốn hậu thuẫn cũng không biết hậu thuẫn ai. Nếu trí thức VN vẫn không nhận diện được cơ hội lớn lao và quan trọng này thì VN vẫn sẽ tiếp tục trôi về vô định.

Một sự kiện tưởng chừng rất nhỏ nhưng có một ý nghĩa rất lớn đó là việc một số bạn trẻ người Việt gốc Hoa tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa bảo vệ môi trường trong mấy lần qua. Chúng tôi không nghĩ là các bạn trẻ đó tự ý hành động mà là có sự hậu thuẫn từ các vị lãnh đạo của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại VN. Thông điệp của họ cũng rất rõ ràng: Họ ủng hộ cho nhân quyền, ủng hộ cho sự thay đổi vì họ biết rõ là sự thay đổi đang đến gần. Họ muốn đồng hành cùng dân tộc VN đi về tương lai. Họ có thể không biết các toan tính và âm mưu trong hậu trường chế độ nhưng họ biết rõ một điều là chính quyền đã hết tiền.

Phong trào dân chủ VN cần lạc quan và tự tin để sẵn sàng đón nhận các tình huống mới, có thể rất lớn, sắp xảy ra. Cần có sự chuẩn bị nếu không muốn rơi vào tình thế bị động. Có thể đây là những phút cuối của hiệp thứ 12 trong môn quyền Anh.

Việt Hoàng
(Nguồn: Thông Luận)

No comments:

Post a Comment