11 May 2016

Bí ẩn người Trung Quốc ở Hội An

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-05-06

Bờ biển các xã Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Xuyên, nơi đang chuẩn bị trở thành khu du lịch sinh thái của vùng Nam Hội An tỉnh Quảng Nam nhờ vào đường nối cầu Cửa Đại đang dần rơi vào tay người Trung Quốc một cách bí ẩn. Hầu hết những bãi phi lao do bà con nông dân tự trồng và lấn biển cách đây hai mươi, hai mươi lăm năm đã nghiễm nhiên trở thành đất vàng để bán cho những ông chủ “lạ” mà người nông dân không hề hay biết. Câu chuyện bờ biển Quảng Nam đang là một ẩn số đối với người dân.

Khai thác Titan và chiếm trọn

Một cán bộ quản lý địa chính vẫn đương chức ở Quảng Nam, không muốn nêu tên, tỏ ra bức xúc: “Qua bên khỏi cầu Cửa Đại, diện tích cho người ta thuê là gần 1000 hectare. Xây dựng trong vòng 35 năm thành một khu phức hợp giải trí, sòng bạc, và nhiều thứ khác… của tụi Đài Loan và Hồng Kông thì cũng là Trung Quốc thôi. Bây giờ tụi Trung Trung Quốc nó lừa lọc đủ thứ, nó nấp bóng đủ thứ để lừa lọc. Ai mà lường được tụi nó…”.

Theo vị này, hầu hết vùng bãi biển đẹp, thơ mộng chạy dọc từ Nam Hội An vào đến Quảng Ngãi đã rơi vào tay người Trung Quốc theo nhiều cách. Trong đó có cả chuyện mượn tay người Việt Nam để mua và chính người Trung Quốc thuê lâu dài để khai thác quặng titan rồi sau đó trồng dừa, tiếp tục xây thành bao chia khu và cuối cùng là trở thành biệt địa của họ.

Trước đây vài năm, hầu hết các vùng bãi biển này là của người dân các xã biển Duy Xuyên trồng phi lao để giữ đất và lấn biển. Mỗi năm, sau một mùa mưa lụt, cát biển lại bồi thêm một lớp vào bờ, người nông dân, ngư dân lại ra đó trồng thêm vài cây phi lao để giữ cát, giữ đất. Và theo thời gian, rừng phi lao dọc bờ biển Duy Xuyên thêm mở rộng nhờ vào công trồng cây, chăm sóc, tưới tắm của bà con nhân dân nơi đây.

Thế rồi những năm 2010, đồng thời với hàng loạt dự án khai thác quặng titan ở khắp bờ biển miền Trung, vùng bờ biển Duy Hải, Duy Nghĩa cũng không tránh khỏi tình trạng này. Đất của bà con nông dân lấn biển mấy chục năm nay đã bị nhà nước thu hồi một cách khéo léo. Thay vì nói rõ rằng đất sẽ bị thu hồi, chính quyền địa phương lại mời bà con có rừng phi lao lên họp và nói rằng hiện tại cần khai thác quặng nên tạm thời mượn đất để rút quặng và sẽ đền bù mỗi cây phi lao với giá hai chục ngàn đồng.

Bà con đã đồng ý để nhà nước khai thác quặng với hy vọng sau khi khai thác quặng thì nhà nước sẽ giao lại diện tích cho bà con tiếp tục trồng phi lao chắn sóng, tạo rừng phòng hộ. Bởi vì dù sao đây cũng là đất mà bà con ở đây đã khám phá, khai thác và gìn giữ mấy chục năm nay. Thế nhưng câu chuyện lại lệch sang hướng khác. Thay vì trả đất hoặc giao đất cho bà con nông dân, ngư dân Duy Xuyên thì chính quyền lại âm thầm cho thuê hoặc bán cho các nhà đầu tư mà người dân không hề hay biết.

“Bây giờ tụi Trung Trung Quốc nó lừa lọc đủ thứ, nó nấp bóng đủ thứ để lừa lọc. Ai mà lường được tụi nó…
- Một cán bộ ở Quảng Nam”

Vị cán bộ địa chính này cho rằng trên phương diện quản lý đất đai và căn cứ theo luật nhà đất thì hành vi này của chính quyền địa phương là hoàn toàn sai luật. Bởi lẽ đất của bà con nông dân, ngư dân bản địa đã khám phá, khai thác và giữ gìn mấy mươi năm nay, trước cả Khoán 10. Lẽ ra đến Khoán 10 năm 1995 thì nhà nước phải phân chia cho người dân theo đúng tính thần Khoán 10 và cấp sổ đỏ cho bà con nông dân tiện bể canh tác, làm ăn.

Đằng này không những không cấp sổ đỏ mà chính quyền địa phương còn tìm cách lấy đất của bà con với lý lẽ ban đầu là khai thác Titan dể rồi sau đó cho thuê, bán mà người dân không hề hay biết. Thậm chí người ta xây dựng ngay sau lưng khu dân cư của người dân mà người dân vẫn không biết rằng ai đang xây dựng, ai đang trồng dừa và xây dựng, trồng dừa để làm gì. Bởi đúng nguyên tắc thì người dân phải có một cuộc trưng cầu dân ý để được đưa ra những nguyện vọng của mình cũng như được đặt ra những câu hỏi, bày tỏ thắc mắc khi các khu du lịch hay khu nghỉ mát mọc lên thì có gây ảnh hưởng gì đến bà con nhân dân? Hơn nữa, vấn đề bán cho ai và cho ai thuê vẫn vô cùng quan trọng. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con nông dân, ngư dân.

Và chắc chắn một điều nếu như người Trung Quốc thuê hoặc mua đất ở khu vực này thì chẳng khác nào cõng rắn cắn gà nhà bởi ngư dân vùng biển Duy Xuyên từng nhiều lần bị Trung Quốc rượt đuổi trên biển Đông và những người câu mực muốn được yên thân phải mua phiếu đánh bắt của họ với giá cả mấy ngàn đô la mỗi năm. Bây giờ nếu người Trung Quốc đặt chân đến đất Duy Xuyên, làm mưa làm gió thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với người dân nơi đây.

Người dân muốn minh bạch

Một người từng là chủ của vườn phi lao đang bị trưng thu và đất rừng của chị đã bị giao cho một người ẩn danh ở Duy Hải, chia sẻ: “Dân địa phương mình ví dụ như trồng dương liễu thì nó đền từ mười đến mười lăm ngàn đồng một cây dương liễu. Một lô họ được bù cao nhất là ba chục triệu đồng. Làm xong thì nó trồng dừa và được nhà nước cấp sổ đỏ. Bây giờ bà con thua rồi, mất thế rồi vì nó được nhà nước cấp bìa đỏ rồi. Giờ nó làm chi thì làm sao mình biết được. Khổ lắm…!”

Chị này cho biết thêm là theo chỗ chị tìm hiểu, có cả hàng ngàn hecta đất kéo dài dọc bờ biển từ khu nam Hội An vào đến Núi Thành, Quảng Ngãi đã bị cho thuê hoặc bán mà người dân sống gần đó không hề hay biết. Chủ của những khu đất này cũng rất bí ẩn, thỉnh thoảng có người Trung Quốc đi xe hơi đến và được những người đang giữ đất chào một cách cung kính. Ông ta hoặc bà ta sẽ chỉ đạo người này làm việc này, người kia làm việc nọ. Sau đó móc tiền túi ra thưởng hay trả lương gì đó rồi đi một cách bí ẩn.

“Bây giờ bà con thua rồi, mất thế rồi vì nó được nhà nước cấp bìa đỏ rồi. Giờ nó làm chi thì làm sao mình biết được. Khổ lắm…!
- Một ngườidân địa phương"

Chị này cho biết thêm là khu vực bờ biển Quảng Nam cũng như rừng dừa nước ở đây vốn là căn cứ địa của người lính Cộng sản trong những năm chiến tranh. Chính địa hình eo óc và rừng dừa nước bao phủ, rừng phi lao che chở nên hầu hết cán bộ Cộng sản nằm vùng cũng như lực lượng đặc công tăng cường đều chọn nơi đây làm căn cứ.

Và cũng chính vì căn cứ từ Quảng Lăng, Cổ Lưu kéo dài xuống Duy Hải, Duy Nghĩa rồi đảo ngược lên Duy Trung, Mỹ Sơn, chuyển qua vùng B Đại Lộc, Quảng Nam. Vành đai nằm vùng của cán bộ Cộng sản dày đặc ở đây nhờ vào rừng phi lao, rừng dừa nước tự nhiên và rừng cây nồi tiếp Trường Sơn đã biến vùng Hội An, Duy Xuyên Quảng Nam thành vùng xôi đậu, ban ngày Quốc Gia, ban đêm Cộng sản.

Chị này tỏ ra lo lắng bởi người Trung Quốc đã chọn ngay vành đai chiến lược trong kế hoạch nằm vùng của người Cộng sản trước đây để mua, thuê và kinh doanh. Chị bày tỏ mong muốn chính quyền tỉnh và trung ương khẩn cấp điều tra và làm rõ danh tánh cũng như mục đích của những người mua và thuê đất tại vùng bờ biển Quảng Nam. Bởi đó là chuyện sinh tử và hơn ai hết, đảng và nhà nước phải có trách nhiệm làm sáng tỏ để an dân! 

(Theo RFA)

No comments:

Post a Comment

"Tôi ngồi ở đây", cười tí tỉnh

Một chiếc máy bay trên đường đến Toronto thì một cô gái tóc vàng ở hạng phổ thông đứng dậy, chuyển sang khoang hạng nhất và ngồi xuống. Tiế...