14 May 2013

Phát lộ tử huyệt của Sang - Trọng

Vậy là đã rõ, Hội nghị TW7 của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) kết thúc với tinh thần “nghiêm túc”, với chủ trương “phát huy trí tuệ”, với cách làm “nhìn thẳng vào sự thật” với… vân vân và vân vân, theo như lời bài diễn văn lê thê dài đến 4947 chữ của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã cho nhân dân Việt Nam cảm giác ngao ngán chán chường đến tột độ về một thể chế độc tài toàn trị…

Nhưng Hội nghị TW7 kết thúc cũng cho giới quan tâm “vỡ” ra được nhiều điều. Thứ nhất, nó xác nhận thời kỳ Mafia hóa bộ máy đảng trị của ĐCSVN đã thực sự là một thực tế không thể chối cãi. Thứ hai, có những uẩn khúc trong vụ việc thoát án kỷ luật lịch sử của đương Kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.  Đặc biệt, đã lộ ra tử huyệt của nhóm Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng.

Dư luận hẳn còn nhớ, sau Hội nghị TW4 và 5 của ĐCSVN, nếu được hỏi về tương lai của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì có lẽ 100% số người Việt cả trong và ngoài nước sẽ trả lời là “ông Dũng kỳ này nắm chắc án kỷ luật” hoặc thậm chí còn có người sẽ nói “ông Dũng chết đến nơi rồi”. Nhưng cuối cùng ngài thủ tướng đã thoát hiểm một cách ngoạn mục, làm cho ngay cả giới thạo tin cũng “mắt chữ o mồm chữ a” hết cả.

Trong đời sống chính trị xã hội, có những thông tin mật và tuyệt mật không bao giờ được tiết lộ, nhất là quan hệ cá nhân, nhưng lại có những cách đơn giản để tiếp cận chúng, đó là thông qua các động thái của các nhân vật liên quan, đặc biệt là qua các thông tin tưởng như vô hại trên báo chí. Chính vì vậy, ngành an ninh tình báo của nhiều quốc gia trên thế giới (và ngay cả Hoa Kỳ) cũng có những bộ phận chuyên thu thập thông tin từ các trang báo, sau đó nghiên cứu phân tích chúng để tìm ra những thông tin hữu ích…

Có vẻ như đã có một cuộc chạy án vĩ đại tầm cỡ đáng ghi vào lịch sử của Nguyễn Tấn Dũng. Nếu không như vậy thì tại sao lại có một “quy trình ngược” là sau khi Bộ chính trị đã nhất trí kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng rồi, nghĩa là ván đã đóng thuyền, nhưng lại có một cuộc bỏ phiếu tiếp theo với nội dung tương tự tại Ban chấp Hành TW ĐCSVN – cấp dưới của Bộ chính trị? Đây rõ ràng là một quy trình ngược.

Với những gì mà cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đã buột miệng trên báo chí và truyền hình, người ta có thể đoán ra là ông Sang hoàn toàn đứng ngoài trong vụ chạy án kỷ luật của ông Dũng. Một mặt cũng bởi chức danh chủ tịch nước chỉ là vô thực, tiếng nói có sức nặng nhất (theo truyền thống của ĐCSVN) vẫn phải thuộc về tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ta hãy xem những thay đổi trong các phát biểu của ông Trọng:

Ngày 04/09/2012 tại Hội nghị Kiểm điểm Phê bình Và tự Phê bình của Thành ủy Hà Nội ông Trọng phát biểu rất đanh thép “Chúng ta phải có niềm tin và quyết tâm làm bằng được, nếu không sẽ dễ buông xuôi, đầu hàng. Không chỉ đóng cửa kiểm điểm, có những việc phải sửa ngay trong quá trình làm. Thậm chí phải chấp nhận loại bỏ một số cán bộ khỏi đội ngũ”. Đây quả là những câu nói thể hiện thái độ quyết liệt của ngài tổng bí thư. Và nếu như “miệng quan có gang có thép” thì chắc chắn không có gì lay chuyển được quyết tâm của ông Trọng…

Ngày 25/02/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TW4 “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tại đây ông Trọng lại nói: “Cần nhận diện lợi ích nhóm ở đâu, bộ phận không nhỏ nằm ở chỗ nào?”. Như vậy là đã có sự thay đổi: Tháng 9/2012 là “thậm chí chấp nhận loại bỏ một số cán bộ khỏi đội ngũ”, nghĩa là đã nhìn rõ đối tượng. Nhưng đến tháng 03/2013 lại loanh quanh “bộ phận không nhỏ nằm ở chỗ nào?”. Như vậy đối tượng mà ông Trọng nhắm tới chưa xác định được nó ở đâu…

Giới quan sát cũng vô cùng khó hiểu trước việc một ông tổng bí thư như Nguyễn Phú Trọng lại "nghẹn ngào" khi phát biểu nhận xét về những yếu kém của ĐCSVN trên các phương tiện truyền thông. Trong lịch sử, các nguyên thủ quốc gia thường chỉ nghẹn ngào khi nói về thiên tai địch họa tổn thất nhiều nhân mạng, ngoài tầm kiểm soát. Người khắt khe cũng có thể coi đó là một nghệ thuật chính trị. Nhưng những lỗi lầm (tạm hiểu như vậy) của cá nhân ông Trọng và ĐCSVN hoàn toàn trong tầm tay con người có thể giải quyết, cớ gì ông ta phải nghẹn ngào? Đối với trường hợp này của ông Trọng,  vì vậy nó mang tính giả dối thay vì thực lòng. Điều gì đã tạo nên sự giả tạo vụng về đó?

Trên đời này “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” – đó là câu nói có tính bài buôi, huề vốn. Nhưng nó là một thực tế trong vô vàn trường hợp. Ta hãy giả định là vào một buổi tối nào đó, tốt nhất là nhân dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, bà Trần Thanh Kiệm – vợ ông Nguyễn Tấn Dũng – cho xe hơi chạy thẳng vào gara nhà ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là chúc tết, sau đó “để quên” những valy chứa hàng vài chục triệu USD và nói là “quà tết gửi chị nhà” thì điều gì sẽ xảy ra? Chỉ có trời biết, đất biết và… ông Trọng, ông Dũng biết.

Nhiều người nhận định ông Trọng “lú”, đây là nhận định mang nặng tính cá nhân. Thực ra, đã leo lên đến chức tổng bí thư thì ông này đã phải “bước qua xác” của hàng loạt các ứng cử viên khác. Nếu như đứng trước một số tiền hối lộ khổng lồ và được trao bí mật tuyệt đối, chỉ người trong cuộc mới biết, thì chắc chắn là dù có lú thật thì ông Trọng cũng không thể bỏ qua, nhất là chỉ còn hơn 1 năm nữa ông ta sẽ về hưu và trong sự nghiệp chính trị thì ông ta cũng đã đạt được đỉnh của sự vinh quang…

Chúng ta tạm hài lòng với khả năng một vụ chạy án lịch sử đã diễn ra. Điều này có thể tìm thấy ở động thái cũng được cho là lịch sử trong việc TW ĐCSVN lần đầu tiên thực hiện một cuộc bỏ phiếu kín để đi đến quyết định xem có nên kỷ luật thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay không - đây là một việc làm chưa có tiền lệ - chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán rằng, đó là một sáng kiến của ông Trọng. Và tại sao lại có sáng kiến này để cứu ông Dũng?

Người ta cứ nghĩ bỏ phiếu kín là công bằng nhất – đúng như vậy. Nhưng đó là đối với những cuộc bỏ phiếu dân chủ và trung thực. Còn đối với những trò ma thuật thông qua bỏ phiếu kín thì đây lại là lúc nó phát huy tác dụng: Ban bầu cử và kiểm phiếu là cơ cấu tay trong, nếu bỏ phiếu điện tử thì đã có phần mềm đặc trị.., chưa kể đến việc người ta đã có những cuộc vận động bầu cử theo kiểu mua phiếu từ trước… Trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng thì mọi yếu tố trên đều trong tầm tay, và phần thắng chắc chắn phải nghiêng về ông này. Đó chính là lời giải khả tín nhất về việc tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng lại thoát hiểm trong gang tấc…

Cũng chính từ “phát minh dân chủ” trong việc bỏ phiếu xét kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng, tình cờ người ta bỗng phát hiện ra một điều đơn giản: Từ nay trong ĐCSVN, nhất là cấp TW, mọi việc về chọn lựa và chọn lọc nhân sự cũng như quyết định các chính sách, chỉ cần tổ chức bỏ phiếu kín là xong. Và điều đó đã thành một thông lệ, không phải là một tiền lệ nữa, trong việc bầu bổ xung nhân sự cho Bộ chính trị tại Hội nghị TW7 vừa qua. Đây vừa là một hình thức làm việc rất “dân chủ” - điều mà ĐCSVN đang cố gắng tự tô vẽ - vừa là một vũ khí lợi hại để triệt hạ nhau khi cần. Và không ai khác, Nguyễn Bá Thanh chính là nhân vật đầu tiên là nạn nhân của trò bầu bán kiểu này…

Cho tới lúc này, không còn nghi ngờ gì nữa, con đường hoan lộ đã mở rộng trước mặt ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc ông Dũng có thể trở thành tổng bí thư ĐCSVN hay tổng thống Việt Nam trong tương lai là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hai nhân vật được coi là vật cản lớn nhất đối với ông Dũng, đó là Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đã “có thuốc đặc trị”. Nếu như hai ông này mà “cà chớn” thì chỉ cần đưa các ông ra TW ĐCSVN và tiến hành… bỏ phiếu xét kỷ luật. Đó cũng chính là tử huyệt của Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang.

Lý do để bỏ phiếu thì vô cùng nhiều, ông Trọng thì có vụ bê bối dự án Ciputra Hà Nội (trốn thuế lớn nhất Việt Nam) thời ông này còn đang là bí thư thành ủy Hà Nội . Trương Tấn Sang thì có hàng tá những tin tức khiếu nại tố cáo liên quan đến những chuyện động trời như hiếp dâm, diệt khẩu, bênh che cho tập đoàn Tân Tạo, đưa chị em nhà họ Đặng vào Quốc hội để bà Đặng Thị Hoàng Yến bị đuổi khỏi quốc hội do khai man lý lịch vv… Hay hoặc là lấy một lý do đơn giản nhất, đó là bỏ phiếu loại bỏ các ông vì lý do trách nhiệm người đứng đầu...

Như vậy hiện nay ngoài việc đã thiết lập xong đội ngũ thân cận tham mưu từ cấp chủ tịch, bí thư các tỉnh thành đến các bộ trong chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đang có một vũ khí cực độc và cực mạnh trong tay: Bỏ phiếu! Sẽ có ngày mà bất cứ kẻ nào trong Bộ chính trị và TW ĐCSVN cũng sẽ phải “nổi da gà” khi nghe đến hai từ “bỏ phiếu”. Hãy biết điều với sức mạnh của tiền bạc, bè cánh, và thủ đoạn của Mafia Cộng Sản!

Tấn Hà
(Nguồn: CTM)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...