29 May 2013

Hạng Võ Biệt Ngu Cơ

Cuốn phim nổi tiếng của Trần Khải Ca

Trọng Đạt

Nhân dịp Đại hội điện ảnh quốc tế Cannes tại Pháp  năm nay được tổ chức vào hạ tuần tháng 5 năm 2013, tôi xin giới thiệu cùng quí vị Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, cuốn phim Trung Hoa đầu tiên và duy nhất đoạt giải Nhành dương liễu vàng tại Cannes năm 1993, cách đây 20 năm.

Trước hết tôi xin nói sơ về Đại hội điện ảnh Cannes . Trên thế giới từ trước đến nay có ba Đại Hội điện ảnh quốc tế có uy tín và lâu đời, trước hết Đại hội Venise, Ý, (Le Festival de Venise) có từ 1932, sau đó Đại hội điện ảnh Cannes (le Festival de Cannes) thành lập 1946 và cuối cùng Đại Hội điện ảnh Bá Linh (Le Festival de Berlin) có từ 1951. Trên thế giới ngày càng nhiều Đại hội điện ảnh, nhưng ba Đại hội kể trên được coi là lâu đời, nổi tiếng, nhiều uy tín.

Le Festival de Cannes được thành lập từ 1946, tại miền nam Việt Nam hồi xưa dịch là Đại hội điện ảnh Cannes, tới 2002 tức 56 năm sau được gọi là Le Festival international du film, Đại hội điện ảnh quốc tế. Từ 1946-1955 giải thưởng cao quí nhất được gọi là Grand Prix du Festival International du Film, hồi xưa tại Sài gòn trước 1975 gọi là giải thưởng Ưu hạng, sau đó còn những giải về đạo diễn, về diễn xuất... Từ sau 1955 tới nay giải cao nhất được gọi là Palme d’or mà tại Sài gòn hồi xưa gọi là giải Nhành dương liễu vàng  cũng như tại Đại Hội Venise có giải Sư tử vàng (Lion d’or) và Đại hội Bá Linh có giải Gấu vàng (Ours d’or).

Nói về những giải thưởng cao nhất Grand prix hay Palme d’or (theo yahoo.fr) được tính số lượng như sau: năm 1948, 1950 không tổ chức Đại hội Cannes. Từ năm 1949 trở đi cho tới nay mỗi năm phát một giải Grand prix hay Palme d’or (chưa kể các giải đạo diễn, diễn xuất..), thỉnh thoảng có năm cũng phát hai giải đồng hạng như năm 1993 Hạng Võ biệt Ngu Cơ của Tầu và Bài Học Dương Cầm (La Leçon de piano) của Tân Tây Lan cùng được Palme d’or. Đa số các giải thưởng hạng nhất này (Grand prix và Palme d’or) được phát cho Mỹ và các nước Tây Âu trong đó Mỹ 21 giải, Pháp 11 giải, Anh 10 giải, Đan mạch 4 giải, Tây Đức 2 giải, Áo 2 giải....các nước khác ở Á châu, Phi châu, Trung đông.. chỉ được một số nhỏ. Tại Á châu  Nhật được bốn giải (1954 Địa ngục môn, 1980 Kagemusha, 1983 Trận Narayama, 1997 Con Lươn),  Trung Hoa một giải 1993 Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, 2010 Thái Lan một giải (Bác Boonmee, Người nghĩ về tiền kiếp, Oncle Boonmee, celui qui se souvient de ses vies antérieures).

Việc phát giải thường Nhành dương liễu vàng đã bị báo chí chỉ trích ban giám khảo thường đánh giá các phim Tây phương siêu việt (trong 68 giải Nhành Dương liễu thì 50 giải phát cho những phim từ Âu châu và Mỹ), những người khác lấy làm tiếc về tính chất bấp bênh của các tiêu chuẩn  quyết định  như do ảnh hưởng thời sự chính trị, hoặc do tự ý. Truyền thông cũng nghi ngờ một số Chủ tịch ban giám khảo đã phát giải cho đạo diễn chỉ vì cảm tình cá nhân hay trái lại vì ác cảm đã loại giải của người xứng đáng (theo yahoo.fr) (1)

Báo chí tại Pháp chỉ trích ban giám khảo thiên tư thiên vị không phải là không có lý do. Năm 1999 ban giám khảo đã phát giải Palme d’or cho Rosetta của nước Bỉ, một cuốn phim quá tầm thường nhạt nhẽo, không được ai nhắc tới. Trong khi đó The Emperor and The Assassin (đạo diễn Trần Khải Ca), một cuốn phim vĩ đại, công phu giá trị chỉ được một giải thưởng nhỏ trong năm ấy.

Trở lại phim Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, đây là cuốn phim Tầu đầu tiên được phát giải Palme d’or cách đây 20 năm và cho tới nay nó vẫn là cuốn phim duy nhất của Trung hoa- kể cả ba nền điện ảnh Lục địa, Hồng Kông, Đài Loan- đã đoạt giải thưởng này. Truyện phim bao trùm hơn nửa thế kỷ lịch sử nước Tầu như một bức họa toàn cảnh trải rộng từ thập niên 1920 thời sứ quân cho tới thập niên 1970 khi Mao đã nằm xuống,  chiến tranh, cách mạng.. biết bao biến cố đã dầy vò xâu xé một đất nước rộng lớn bao la.

Tên chính thức của nó là Bá Vương Biệt Cơ 霸王别姬; tức Sở Bá vương Hạng Võ vĩnh biệt nàng Ngu Cơ, tên Pháp là Adieu ma concubine, tiếng Anh là Farewell My Concubine.

Đạo diễn Trần Khải Ca (Chen Kaige), các tài tử chính gồm Leslie Cheung (Trương quốc Vinh), Zhang Fengyi, Gong Li (Củng lợi), phim dài 171 phút gần ba tiếng.

Tên phim dựa theo một vở tuồng chèo cổ diễn lại một đoạn trong truyện dã sử Trung hóa Tây Hán Chí (Hán Sở Tranh Hùng), chắc nhiều quí vị đã đọc qua. Hồi xưa trước 1975 tại miền nam VN các gánh hát chèo cũng thường diễn lại vở này và gọi là Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, ở đây tôi dùng tên vở tuồng của Việt Nam.

Ngoài giải thưởng trên phim này còn được hơn 10 giải thưởng của Mỹ và giải quốc tế khác như.

-Golden Globe Awards (Mỹ) Quả cầu vàng 1993

-Giải phim ngoại quốc hay nhất của Hàn lâm viện Anh năm 1994

-Phim ngoại quốc hay nhất của Hiệp hội phê bình điện ảnh Los Angeles

-Giải của Hội phê bình phim New York 1993

-Giải Cesar của Pháp 1994 phim ngoại quốc hay nhất

-Giải diễn xuất của Hội phê bình điện ảnh Nhật năm 1994….

… . .vân vân…

Phim đã được hơn 60 nhà phê bình Mỹ cho là một trong mười phim hay nhất (top ten) trong năm. Farewell My Concubine đã được Tây phương phát nhiều giải thưởng, ca ngợi nhưng tại Á đông lại ít được biết tới.

Có bốn phim của Trần Khải Ca đã được chiếu tại Mỹ ngoài phim kể trên có Temptress Moon, Phong Nguyệt (風月) năm 1996, The Emperor and The Assassin năm 1999 và Together năm 2002.

Tây Hán Chí là một trong những cuốn tiểu thuyết dã sử hay và nổi tiếng nhất của Trung Hoa. Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, Sở Bá Vương Ô giang tự vẫn .. là một trong những chương, đoạn hay nhất của truyện, diễn tả tấn bi kịch của người anh hùng mạt lộ. Khoảng trên 200 năm trước tây lịch, Lưu Bang nước Hán, Hạng Võ nước Sở cùng dựng nghiệp đánh Tần Thủy Hoàng, diệt nhà Tần xong Lưu Bang, Hạng Võ hòa hoãn nhau một thời gian. Lưu Bang yếu thế, xin hòa để chiêu mộ binh mã chờ ngày chôn vùi triều đình nước Sở. Khi đã mạnh, Lưu Bang nhờ tướng tài Hàn Tín đánh Hạng Võ thua nhiều trận lớn phải đào tẩu khi quân Hán đuổi theo. Tiếng sáo Trương Lương và bài hát của quân Hán khiến quân Sở nản chí quăng gươm giáo bỏ trốn gần hết. Hạng Võ ngủ dậy nghe tin vô cùng tuyệt vọng, ông khuyên người tì thiếp yêu quí Ngu Cơ nên trở về

-Nàng có nhan sắc thế nào chẳng được Lưu Bang hậu đãi!

Ngu Cơ nhất quyết đi theo, buổi tiễn biệt kẻ ở người đi cảm động đầy nước mắt, trong cơn tuyệt vọng Ngu cơ đâm cổ tự vẫn. Giai thại cảm động này đã được đưa lên màn bạc.

Sơ lược truyện phim

“…Cảnh vào phim… Băc kinh năm 1977, hai diễn viên chèo cổ bước vào sân khấu. Đã hai mươi hai năm qua họ không đóng chung với nhau, thuở nhỏ cùng học một trường kịch nghệ.. họ nhớ lại chuyện xưa.

…Năm 1924 thời sứ quân, một thiếu phụ trè đẹp, chủ nhà chứa gái ôm đứa con trai lên mười đến xin ông hiệu trưởng trường kịch nghệ cho cậu bé theo học. Bị từ chối vì cậu có sáu ngón tay, bà mẹ bèn đem con về chặt bớt ngón thừa rồi năn nỉ ông thầy nhận.

Cậu bé nhập trường, ông thầy tàn ác đánh đập học trò tơi bời, cậu bé (tên Douzi) bị ăn hiếp nhưng được Shitou một người bạn tốt bênh vực giúp đỡ. Sau bao năm học tập gian khổ đôi bạn trở thành diễn viên chèo cổ nổi tiếng ở Bắc Kinh.

Hai cậu đã trưởng thành, có danh vọng địa vị, Douzi nay gọi là Cheng Dieyi (Trình Đắc Di), Shitou tên mới là Xiao Lou (Đoàn Tiểu Lâm). Họ thường diễn tuồng Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, Đắc Di đóng vai Ngu Cơ giả gái rất hay, Tiểu Lâm vai Hạng Võ uy nghi.

Tiểu Lâm thường la cà chốn lầu xanh, say mê một ả giang hồ rồi lấy làm vợ. Đắc Di phản đối không muốn bạn có gia đình riêng chỉ muốn hai người bên nhau y như Hạng Võ và Ngu Cơ đời xưa vậy. Nghe thế Tiểu Lâm mắng bạn

-Tao chỉ là vua giả, còn mày bị ám ảnh quá nhiều cuộc sống sân khấu, mày không phân biệt được thế nào là tuồng kịch, thế nào là cuộc đời, mày cứ nghĩ mày là Ngu Cơ.

Tình bạn bắt đầu sứt mẻ, Đắc Di kết bạn với nhà hào phú Yuan, chàng sinh ra nghiện ngập, vùi đầu trong khói thuốc ..

Những năm 1939, 1940.. Quân Nhật chiếm Bắc Kinh, Đắc Di không ưa Nhật nhưng vẫn diễn tuồng ca hát cho chúng nghe. Tiểu Lâm thù quân xâm lược, đánh một người Nhật, sắp bị chúng giết thì vợ anh năn nỉ Đắc Di, anh này xin Nhật tha cho Tiểu Lâm.

Năm 1945, quân Nhật đầu hàng, Quốc dân đảng Trung Hoa chiếm Bắc Kinh, Đắc Di bị truy tố hợp tác với quân thù, vợ chồng Tiểu Lâm và Yuan tiên sinh cứu chàng thoát chết.

Năm 1949..Tưởng Giới Thạch thua chạy, Cộng quân chiếm Bắc Kinh , đôi bạn vẫn diễn tuồng cho nhân dân nghe.

Năm 1966.. Vệ binh đỏ lộng hành, hai chàng nghệ sĩ bị đấu tố cùng các diễn viên khác. Bọn vệ binh đàn áp đánh đập Tiểu Lâm khiến chàng quá sợ hãi tố giác Đắc Di đã ca hát cho quân Nhật, cho thương binh Quốc dân đảng, cho bọn cường hào địa chủ nghe…Đắc Di lại tố cáo chàng hèn nhát , lấy gái lẩu xanh làm vợ…

Năm 1977 ..Cảnh cuối phim cũng là cảnh đầu phim . Đôi bạn nay đã già trong bộ quần áo phường chèo vào sân khấu một rạp hát lớn. Họ diễn tuồng Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, cuối cùng Đắc Di rút thanh kiếm bên hông Tiểu lâm, một thanh kiếm thật tự vẫn, Tiểu lâm la lớn

-Đắc Di

Và người bạn đã tự tử thật, chàng đã tự đồng hóa với nhân vật chính”

Phim đã được giới phê bình điện ảnh Tây phương khen ngợi nhiều, tên phim quá hay đầy nghệ sĩ tính lãng mạn. Đạo diễn và ngươì viết truyện có nhiều sáng kiên, tạo cho nhân vật cá tính khác thường. Một diễn viên từ nhỏ tới khi trưởng thành, về già chỉ đóng vai giả gái, anh đã bị ám ảnh nhiều về nhân vật mình thủ vai rồi không còn phân biệt đâu là sân khấu, đâu là cuộc đời. Lúc nào chàng cũng tưởng mình là tỳ thiếp Ngu cơ thật và muốn bạn đồng nghiệpTiểu Lâm phải sống bên mình y như Hạng Võ Ngu cơ trong tuồng kịch, chàng đã trở thành người nhiều nữ tính.

Đắc Di ghen với cô gái lầu xanh (do Củng lợi đóng) sau này làm vợ Tiểu Lâm rồi từ đó đã chớm nở mối tình đồng tính giữa đôi bạn trai thường đóng chung một vở tuồng. Khi về già, Đắc Di gần như nhập vào nhân vật, đã lấy thanh kiếm thật bên hông Tiểu lâm tự kết liễu đời mình y như trong vở hát chèo khi ấy chàng tưởng mình là Ngu cơ.

Cuốn phim đã làm sống lại lịch sử nước Tầu suốt 53 năm bằng những nét tiêu biểu các biến cố đầy máu và nước mắt của Băc Kinh, của Trung hoa suốt nửa thế kỷ qua. Từ thời sứ quân, tới Thế chiến thứ hai, quân Nhật xâm chiếm Bắc kinh, lính Quốc dân đảng càn dở đánh đập nhân dân, chính quyền cách mạng đấu tố bắn giết cường hào, Hồng vệ binh reo rắc biết bao tội ác, bao nỗi kinh hoàng cho nhân dân, tàn phá một đất nước đã bị dầy vò xâu xé.

Hay nhất là cảnh đôi bạn phường chèo tri kỷ bị đấu tố lúc gần cuối phim, Tiểu lâm bị đánh đập tố giác Trình Đắc Di với vệ binh đỏ.

-Tên này coi sân khấu là quan trọng , bọn Nhật đến, nó múa hát cho địch xem, nó là tên phản bội, nó ca hát cho thương binh của Tưởng Giới Thạch, cho bọn cường hào gian ác ... nó phản bội tổ quốc để được ca hát, đóng tuồng …

Nói xong chàng vứt hết mũ cao, áo dài.. vứt cả thanh bảo kiếm vào đống lửa... người vợ vội chạy ra lượm vào.

Đắc Di uất hận chỉ mặt Tiểu Lâm

-Mày làm Bá Vương Hạng Võ mà hèn thế, mày xin khoan hồng, mày phản bạn, các người coi nó lấy đĩ làm vợ…

Đôi bạn tri kỷ trong cơn hoảng sợ đã tố giác nhau hết tình hết nghĩa, cảnh chấm dứt trong khi ngọn lửa hừng hực với áo, mão cháy phừng phừng…

Một cuốn phim giá trị được Tây phương hâm mộ nhưng người Á đông không chú ý mấy, nó cũng có nhiều chi tiết rườm rà khó hiểu. Truyện phim khởi đầu từ năm 1924 chấm dứt năm 1977 khi Trình Đắc Di tự sát. Một khoảng thời gian dài kỷ lục, năm mươi ba năm (53), thật chưa từng thấy trong lịch sử điện ảnh, tiểu thuyết. Thời kỳ hai cậu theo học trường kịch nghệ kéo dài khá lâu với những trận roi vọt của ông thầy quá nhiều có phần nhàm chán.

Khi hai người đã trưởng thành, nổi tiếng về thăm thầy cũ cũng diễn lại cảnh thầy đành trò. Nhiều người cho đây cũng là chuyện đồng tình luyến ái khi Đắc Di đã nhập vào nhân vật, chàng ta đã nảy sinh tình đồng tính và đã ghen với ả giang hồ. Vì cách diễn tả của Trần Khải Ca không được sáng sủa nên khán giả thường hiểu theo chiều hướng khác nhau. Đôi bạn đã khắng khít bên nhau nhưng rồi lại phản nhau giữa cuộc cách mạng văn hóa năm 1966.

Sau khi Mao nằm xuống, Giang Thanh và đồng bọn bị bắt, năm 1977 hai chàng lại gặp nhau,cùng trình diễn vở tuồng sau mười một năm xa cách. Nhưng đây cũng là lần cuối cùng hai người đóng với nhau khi Trình Đắc Di tự kết liễu đời mình bằng thanh kiếm thật y như Ngu Cơ hơn hai ngàn năm trước. Chàng đã tự đồng hóa với nhân vật giả tạo trên sân khấu, đã lấy hư làm thực.

Trần khải Ca diễn tả lịch sử với nhiểu chi tiết khó hiểu, cách thể hiện của ông có khuynh hướng biểu tượng hơn là hiện thực. Hạng Võ Biệt Ngu Cơ trong truyện là một áng văn chương tuyệt tác kể lại buổi tiễn biệt cảm động của người anh hùng mạt vận và nàng tì thiếp thủy chung. Nó giữ địa vị trọng tâm trong cuốn phim nhưng nhà đạo diễn không diễn tả được nhiều, không rung cảm được người thưởng thức, sự thực nó cũng không nằm trong mục tiêu của Trần Khải Ca mà ông chỉ lấy làm nền cho vở kịch.

Năm mươi ba năm lịch sử nước Tầu trải dài  từ thập niên 1920 tới 1970 như một cái nền để xây dựng một truyện tình bộ ba của hai chàng nghệ sĩ, một ả giang hồ. Giá trị lịch sử của tác phẩm, những nét sáng tạo mới, lãng mạn của Trần Khải Ca  cùng với diễn xuất điêu luyện của các vai chính, nhất là tài giả gái của Trương Quốc Vinh đã đưa Hạng Võ Biệt Ngu Cơ lên hàng siêu phẩm nổi tiếng.

Cuốn phim đã đóng góp nhiều cho nghệ thuật thứ bẩy, nó cũng đem lại vinh dự cho nền điện ảnh Trung hoa và cho cả Á châu.

Trọng Đạt
___________________
(1) Chú thích

(Nguyên văn- Le choix pour la Palme d'or est souvent critiqué par la presse: certains reprochent la précellence accordée par les différents jurés aux films occidentaux (sur 68 palmes, 50 sont allées à des longs métrages venus d'Europe et des États-Unis], d'autres déplorent le caractère aléatoire des critères de décision, impulsés par l'actualité politique immédiate ou par une vision artistique subjective, spontanée et désordonnée. Les médias soupçonnent également certains présidents du jury de faire peser leurs amitiés personnelles dans l'élection d'un cinéaste à la récompense ou au contraire de faire valoir leurs inimitiés dans l'éviction d'un candidat sérieux au titre - Le Festival de Cannes. Yahoo.fr)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...