28 May 2013

Cẩn thận khi ăn trái cây nhập từ Tầu và Việt

Truy tìm loại hóa chất lạ ép mít chín siêu tốc

Để có được những ruột mít thơm ngon, đẹp mã bán ra thị trường, nhiều chủ vựa mít đã bất chấp an toàn sức khỏe người tiêu dùng, bằng cách dùng hóa chất “hô biến” những trái mít còn xanh thành chín vàng, mùi thơm ngào ngạt chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Sau một thời gian dài thâm nhập và theo dõi tại các vựa thu mua số lượng lớn, cung cấp mít thương phẩm cho thị trường Sài Gòn cũng như các tỉnh lân cận hàng tấn trái mỗi ngày, nhóm PV đã bí mật ghi lại toàn bộ "xảo thuật" của công nghệ ghê rợn này.

Hóa chất, ép mít, chín siêu tốcHóa chất, ép mít, chín siêu tốc

Chủ vựa đang tiêm hóa chất vào quả mít xanh (Ảnh:Kha sinh)

Vạch trần thủ đoạn  kinh hoàng


Sau nhiều ngày lân la theo chân giới buôn mít ở một số chợ tại TP.HCM, chúng tôi được “rỉ tai” về những trái mít xanh, non được bày bán khắp thị trường thành phố chỉ cần một thời gian ngắn là nhanh chóng ngả màu vàng ươm, bổ ra thấy dậy mùi thơm ngào ngạt.

Những dân buôn này đã dùng phương cách gì để có được những quả mít xanh lè bỗng nhiên thành “siêu thành phẩm” như vậy?

Mang nghi vấn trên vào cuộc theo dõi, chúng tôi mới phát hiện ra các thương lái đặt hàng mít từ các đầu nậu thu mua tại Đồng Nai và nhiều nhất là Bình Phước… với số lượng không hề nhỏ để hàng ngày phân phối ra thị trường. Điều khá ngạc nhiên là thời gian đầu xuống Bình Phước (nơi được coi là “đại bản doanh” của “mít độc”), chúng tôi dò hỏi địa chỉ của những vựa mít thì chỉ nhận được cái lắc đầu của người dân. Tìm đến những gia đình trồng mít ở Bình Phước, hỏi về kỹ thuật làm sao để có được những quả mít chín trong thời gian ngắn, người dân cũng không chịu tiết lộ.

Những chủ vườn mít chỉ bảo, xưa nay họ thường biết ăn mít chín cây chứ chưa từng ăn mít ép cho chín bao giờ. Chuyện làm thế nào cho mít chín nhanh là “nghề” của các đầu nậu.

Thế nhưng, có nhiều nguồn tin cũng tiết lộ, gần đây một số chủ buôn đến tận vườn thu gom cả loại mít xanh đóng bao, nhưng họ không biết những người này mua về để làm gì. Từ manh mối này, chúng tôi cũng có được địa chỉ của một vựa mít lớn nằm trên quốc lộ 13.

Hóa chất, ép mít, chín siêu tốc
nhập cảng từ bên Tầu

Hóa chất xuất xứ từ Trung Quốc được pha trộn để tiêm vào quả mít (Ảnh: Kha Sinh)

Trong vai thương lái muốn mua buôn cả mít thương phẩm, mít xanh và hóa chất để cung cấp cho thị trường TP.HCM, PV đã hẹn gặp ông H. (chủ vựa mít – PV).

 Sau khi biết mục đích của “đối tác”, chủ vựa này nhiệt tình giới thiệu: “Để làm ăn có lãi với nghề này, ngoài việc thu mua mít trái từ các chủ vườn với giá rẻ nhất, chúng tôi phải thuê công nhân bóc ruột và trả cho họ 2.000 đồng/kg múi thành phẩm.

Nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ bị lỗ nặng, vì thế tôi phải dùng đến chất xúc tác để trái mít chín càng nhanh càng tốt”.

Chúng tôi ngạc nhiên vì ông chủ nhắc đến “chất xúc tác”. Ngay lập tức, ông H. đi vào trong nhà lấy ra một bịch thuốc màu xanh, trên bìa ghi chằng chịt chữ Trung Quốc và các loại hoa quả rồi cười đầy ẩn ý: “Đây là “bí kíp” để làm nghề, không có cái này thì lấy đâu ra lời mà làm?”.

Không cần giấu diếm, ông H. lý giải thêm: “Làm nghề này thì không thể nào theo phương pháp truyền thống được. Theo tự nhiên, trái mít chín thu mua về cần thời gian từ 2 đến 4 ngày mới có sản phẩm cho công nhân lột, vả lại chín không đồng đều. Trong khi đó, các công ty sấy và các mối bán lẻ thì chờ từng ngày, giành giật nhau từng kg ruột mít, nên đòi hỏi phải làm nhanh. Hơn nữa, đối tác yêu cầu phải làm nhanh, số lượng nhiều nên không còn cách nào khác là phải cho công nhân bơm hóa chất kích thích cho mít chín”.

Chúng tôi hỏi, hóa chất đó tên gì thì ông H. lập lờ: “Tôi cũng không biết loại thuốc này tên gì nữa, chỉ biết rằng nó là thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc, có tính chất tác động mạnh làm quả chín nhanh, tươi, đẹp, bắt mắt.... Loại thuốc này ở ngoài chợ thường không có bán, phải nhờ người bạn mua từ Trung Quốc về đây”. Chưa hết câu, ông này, tiếp tục tư vấn: “Chỉ có chỗ tôi mới có loại thuốc này, anh có đi mua ở đâu cũng không thể được.

Nếu mua để làm ăn, tôi sẽ bán với giá phải chăng, gọi là anh em cùng nghề giúp nhau”. Giá mỗi gói thuốc ông H. đưa ra là 80 ngàn đồng. Nói xong, ông H. dẫn chúng tôi ra phía sau vườn lấy một chiếc can nhựa rồi cắt từng vỉ thuốc mang nhãn hiệu Trung Quốc hòa tan với nước, sau đó lấy xi lanh hút loại nước này tiêm vào từng quả mít đang được chất đầy một góc vườn.

“Muốn có mít để lột, chú em chỉ cần tiêm vào mỗi quả một lượng nhỏ dung dịch này, trưa nay chích thì tối mai có mít chín cho công nhân làm ngay”, ông H. quả quyết.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về sự an toàn của những trái mít sau khi được tiêm thuốc thì ông H. trả lời với thái độ mơ hồ, bỏ lửng trách nhiệm với người tiêu dùng: “Tôi làm nghề này nhiều năm rồi, vậy mà có thấy ai ăn mít bị làm sao đâu, chú cứ yên tâm miễn sao mình đừng ăn là được”.

Trái mít càng lớn càng “ngậm” nhiều hóa chất

Tiếp tục quá trình tìm hiểu về kỹ nghệ bơm hóa chất cho mít, chúng tôi tìm đến đầu nậu thu mua mít tên M. cũng nằm trên địa bàn. Tại đây, mọi hoạt động liên quan đến thu mua, lột mít diễn ra không kém phần sôi động.

Ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm gần Quốc lộ 13 lúc nào cũng có khoảng 10 công nhân làm việc. Công nhân đến làm tại địa điểm này thường vào ban đêm, ban ngày chủ tranh thủ đi gom mít nguyên liệu từ khắp nơi về.

Vào vai người mua mít trái với số lượng nhiều và mua hóa chất về để “chủ động” bơm ngay tại TP. HCM để tiêu thụ, chúng tôi đã tiếp xúc với M. và được anh này chỉ cho các thao tác để trở thành một dân buôn mít thực thụ bằng “công nghệ hô biến”.

Theo M., hiện nay người làm nghề lột mít rất nhiều. Ngoài việc mua được mít trái từ các nhà vườn với giá rẻ thì những chủ mít phải cạnh tranh nhau bằng cách lột ra càng nhiều thành phẩm từ mít mới mong có được lợi nhuận.

Để có được số lượng lớn mít cùng chín một lúc, không còn cách nào khác, M. cũng phải mượn đến “bảo bối” hóa chất mà thôi. Theo giải thích của M., không phải loại thuốc nào chích cho mít cũng cho ra thành phẩm mít vừa đẹp vừa tươi được.

Mít độc dùng nuôi gia súc

Trong quá trình tìm hiểu, nhóm PV nhận thấy những phụ phẩm sau mỗi công đoạn làm mít đều được các chủ vựa tận dụng triệt để.

Múi mít sau khi lột thì được bán cho đầu nậu mang đến các công ty sấy tiêu thụ hoặc bán lẻ, còn xơ, và vỏ được bán làm thức ăn cho các hộ chăn nuôi gia súc.

Và việc các loại gia súc ấy có bị nhiễm “chất lạ” kia không thì đó vẫn là câu hỏi chờ cơ quan chức năng vào cuộc giải đáp.

“Trước đây, khi mới vào nghề, tôi mua thuốc ngoài chợ về chích thì bị các chủ thu mua chê là sản phẩm không được đẹp, chất lượng kém, có vị đắng và trái mít thường bị sượng.

Khi thử mẫu, các công ty sẽ trả lại ngay lập tức. Sau này, tôi được một người làm mít lâu năm giới thiệu mua một loại thuốc có nguồn gốc  Trung Quốc về dùng, mọi thứ mới ổn. Bây giờ, thị trường cây trái đố anh kiếm được loại hoa quả nào mà không “dính” hóa chất đấy”, M. tiết lộ.

Theo quan sát của chúng tôi, thuốc dùng để chích cho mít được chủ buôn đựng trong một chiếc can nhỏ không màu, không mùi.

Khi chúng tôi thử rót mấy giọt xuống đất thì lập tức thấy hiện tượng sôi sủi bọt rất kinh hãi. Do đó, khi thực hiện việc bơm thuốc vào trong quả mít, M. phải dùng một kim tiêm lớn, một chiếc bình nhỏ để san thuốc từ can sang, sau đó lấy kim tiêm rút một số thuốc nhất định và bơm trực tiếp vào trái mít đang còn xanh.

Công đoạn bơm thuốc cho mít nhìn rất đơn giản. Tuy nhiên, người tiêm cần phải làm đúng kỹ thuật, không thể làm qua loa cho xong là được. “Mỗi loại mít cần tiêm số lượng hóa chất khác nhau. Nếu là mít thường thì chích ít hơn, là mít Thái thì phải bơm nhiều hơn vì quả to. Hơn nữa, nếu là quả có trọng lượng trên 10 kg thì phải chích thuốc vào hai đầu của quả mới đảm bảo mít chín ngon và không bị sượng. Càng tiêm nhiều hóa chất thì mít càng nhanh chín. Nếu để mít chín quá thì sẽ khó lột và không đạt”, M. giải thích.

Để minh chứng cho chúng tôi, M. lấy ra một trái mít còn xanh bắt đầu thực hiện các thao tác “hô biến”. “Tốt nhất là có nhiều loại kim tiêm có dung tích khác nhau, mít nhỏ thì dùng kim nhỏ, mít lớn thì dùng kim lớn. Trái nhỏ thì bơm khoảng 20 ml hóa chất, còn trái lớn thì phải bơm nhiều hơn từ 40 đến 60 ml”.

Theo đó, loại hóa chất này được M. bán với giá 150 ngàn đồng/1 lít. Để những trái mít được tiêm thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, ngoài việc cho mít “ăn” hóa chất, nếu đưa ra nắng ủ khoảng vài giờ đồng hồ thì trái mít chín đều, mùi thơm và có màu vàng nhìn bắt mắt hơn rất nhiều. Nhằm gieo lòng tin về “bảo bối”, M. lấy kim tiêm bơm một lượng hóa chất nhất định vào một quả mít rồi mang đi phơi ra nắng và hẹn chúng tôi chiều ngày hôm sau trở lại thì mít sẽ chín đẹp hơn.

Đúng hẹn, hôm sau chúng tôi quay trở lại, M. mang quả mít đã bơm thuốc ra xẻ thì y như rằng, quả này chín đều có màu vàng ươm. “Hóa chất càng “mạnh” thì mít càng nhanh chín, màu sắc của nó sẽ đẹp hơn rất nhiều. Nếu là thuốc thường mua ngoài chợ thì phải mất khoảng gần hai ngày mới chín, còn loại này chỉ trong vòng 24 giờ là trái mít có mùi thơm và chín rất đều”. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày vựa mít này thu gom hàng tấn mít từ các hộ trồng vườn đổ về, gần như tất cả mít quả đều chung một kịch bản là “ướp” hóa chất trước khi tung ra thị trường.

Tại Bình Phước, ít nhất có 3-4 vựa “mít độc” quy mô ngang ngửa vựa của ông chủ H. và M.. Sau khi “phù phép”, phần lớn trong số hàng tấn mít tại các vựa này sẽ được chở đi tiêu thụ tại Sài Gòn, một phần khác được chia lẻ cho các thương lái đưa đi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… bán cho người tiêu dùng.

Mít sấy khô

“Nhu cầu cần mít sấy, mít ăn tươi ngày càng nhiều thì chủ vựa càng tiêm nhiều thuốc vào mít, mít chín nhanh và nhiều thì chúng tôi mới duy trì được tiền công đều đặn. Mỗi ký múi thành phẩm ông chủ trả cho 2 ngàn đồng, một ngày chúng tôi cũng kiếm được hơn 100 ngàn tiền công”, một người làm công cho chúng tôi biết.

Công nhân lột mít cũng chẳng dám động đến thành phẩm

Cũng tại cơ sở thu mua và lột mít của ông H., sau vài ngày tìm hiểu về “bí quyết” ép chín mít bằng hóa chất, nhóm PV đã trở lại và mục sở thị (nhìn tận mắt) quy trình làm việc mất vệ sinh của cơ sở này và đặc biệt, là những tác hại ghê ghớm của hóa chất đối với sức khỏe người lao động.

Phải nhờ đến sự “lót đường” của một người bản địa thân quen, chúng tôi mới được ông H. nhận vào làm công nhân lột mít thành múi. Sau một hồi trao đổi cụ thể, chủ vựa đưa chúng tôi ra phía sau vườn nhà.

Tại đây, phóng viên quan sát thấy một căn phòng nhỏ nằm lấp trong những đám cây rậm rịt, dưới mái lợp tôn trông xập xệ và mất vệ sinh. Khu vực này có nhiều người đang cần mẫn với công việc tách bóc thớ mít.

Mọi hoạt động đều diễn ra hết sức thủ công và sơ sài, không có găng tay bảo hộ lao động. Những thớ mít sau khi bóc tách được cho vào rổ, sau khi đầu mối đến thu nhận thì công nhân vơ nháo nhào vào bịch ni -lon, đó là công đoạn cuối cùng của mít thành phẩm khi tuôn ta thị trường.

Qua những cuộc trò chuyện cùng công nhân ở đây, chúng tôi được cảnh báo: “Phải cẩn thận với nhiều loại hóa chất độc hại”. Thực tế, do thời điểm này là đỉnh điểm của mùa mít, lượng hàng nhiều, những công nhân làm việc phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất nên bàn tay nhiều người đều có hiện tượng mẩn ngứa, viêm nhiễm, lở loét.

Theo quan sát của chúng tôi, không gian làm việc khá tù bức, nào nước thải, xơ, vỏ, múi, nước thải... vẩn lên mùi hôi thối, khiến ruồi nhặng bâu khắp nơi. Thấy những múi mít đã được lột vỏ ứa mật vàng ươm, tôi lấy một múi định đưa lên miệng ăn thử thì một công nhân luống tuổi ra hiệu can ngăn: “Đừng có ăn”.

Ngạc nhiên bởi hành động đó, người viết hỏi: “Sao không thể ăn?” thì người phụ nữ đáp lỏn gọn: “Mít này đã chích thuốc rồi! Những nhân công như chúng tôi ở đây làm giữa vựa mít, nhưng muốn ăn đều phải vào thẳng vườn dân để tìm mít chín cây”.

(VietnamNet)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...