16 May 2013

Người Mỹ và vết xe đổ của người Pháp

Trọng Đạt
Những khó khăn và sai lầm của Pháp

Chiến tranh toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngày 19-12-1946, những năm 1947, 1948 Việt Minh (VM) nói chung yếu, họ rút vào những chiến khu tiêu thổ kháng chiến. Sang năm 1949 tình hình thay đổi hẳn khi Trung Cộng chiếm trọn vẹn nước Tầu, Việt Minh được đàn anh giúp đỡ, huấn luyện, trang bị.. ngày một mạnh hơn lên. Tháng 10-1950 Việt Minh đánh thắng trận Cao Bắc Lạng, Pháp bị thiệt hại 7,000 người, mất 13 đại bác 105 ly, 125 súng cối, 480 quân xa, 3 chi đội thiết giáp, 940 đại liên, 1,200 trung liên và trên 8,000 súng trường (Bộ Tổng tham mưu, Quân sử 4,trang 124). Trận đánh này đã làm rung động nước Pháp, họ không ngờ Việt Minh đã lớn mạnh nhanh như thế.

Tướng De Lattre được cử sang làm Tư lệnh Đông Dương từ tháng 12-1950 tới tháng 1-1952. Thời gian này Việt Minh mở nhiều trận đánh lớn nhưng bị  De Lattre gây thiệt hại nặng như Vĩnh Yên (tháng 1-1951) chết 6,000 người, trận Mạo Khê (tháng 3, tháng 4-1951), trận Bờ sông Đáy (tháng 5, tháng 6-1951) (sách đã dẫn từ trang 125 tới 133). Đầu năm 1952 Mỹ viện trợ cho Pháp 200 máy bay chiến đấu, 300 đại bác, đạn dược .. Pháp gia tăng ngân sách từ 190 tỷ Phật Lăng năm 1950.. lên tới gần 400 tỷ năm 1952 (trang 49). De Lattre mất tháng 1-1952, từ đó Việt Minh ngày càng mạnh hơn, chính phủ Pháp chán nản cuộc chiến Đông Dương tốn kém, họ miễn cưỡng tiếp tục vì thể diện nhiều hơn là vì quyền lợi.

Tháng 5-1953 Navarre được cử sang làm Tư lệnh, sau khi bại trận Điện Biên Phủ tháng 5-1954 ông được triệu về Pháp. Năm 1956 ông viết Agonie de l’Indochine, Đông Dương Hấp Hối để chứng minh sự thất bại do chính phủ Pháp không chỉ đạo cuộc chiến chứ không phải tại quân đội. Trong khi Việt Minh ngày càng mạnh do quân viện dồi dào của Trung Cộng, chính phủ Pháp không chịu chi phí thêm, chính sách chiến tranh rẻ tiền (guerre au rabais, p.106) đã khiến Pháp thua trận. Cuối 1951 quân đoàn Việt Minh đã lên tới 6 sư đoàn (trang 24), từ thời De Lattre cuối 1951 cho tới tháng 6-1953 Pháp không tăng thêm quân trong khi Việt Minh ngày càng mạnh.


Tình hình chính trị nước Pháp khi Navarre sang Đông Dương không thuận lợi, không khí chính trị thờ ơ, đa số bi quan, thiếu ý chí, chủ bại. Trong khi ấy về chính trị thì Việt Minh thực sự là một nước, chính quyền trải rộng hơn một nửa Việt Nam . Họ hoạt động trong những vùng Pháp không kiểm soát được bằng một tổ chức bí mật để lấy tiếp viện, thu thuế, tuyển quân, lấy thóc gạo, muối, họ lấy được xe đạp để thồ, thuốc Tây, pin để làm nổ mìn. Họ khác Pháp ở chỗ tham gia cuộc chiến trên mọi phương diện chính trị, quân sự, xã hội…Họ chiến đấu toàn diện chứ không phải chỉ quân sự.

Phía người Pháp không thống nhất về nhân sự, Việt Minh chỉ có một lãnh tụ Hồ chí Minh, một Tư lệnh Võ nguyên giáp chỉ huy bẩy năm liền, Pháp có tới 19 chính phủ liên tiếp và năm Cao Ủy và sáu Tư lệnh quân sự. Người Pháp không có sự liên tục về chính trị nhất là đã sai lầm muốn đem chế độ thực dân lỗi thời trở lại (p.32)

Trong khi Việt Minh là một khối kết hợp, năng động cương quyết đạt mục tiêu cuối cùng thì Pháp chia rẽ, khuynh hướng mơ hồ và khác nhau.  Pháp dựa vào những nhận định xưa cũ, lớp già còn Việt Minh dựa vào những quan niệm mới, tham vọng, những người trẻ.

Ngay giữa Mỹ và Pháp cũng có nhiều quan điểm khác nhau, Mỹ giúp Pháp để ngăn chận sự bành trướng của CS xuống Đông Nam Á nhưng muốn Pháp trả độc lập cho các nước Đông Dương. Pháp muốn hạn chế độc lập các nước liên kết (Việt, Mên, Lào) và muốn giữ họ trong Liên hiệp Pháp, các nước này lại chỉ muốn hoàn toàn độc lập, giữa Pháp và Việt, Mên, Lào cũng không cùng quan điểm (p. 35)

Sinh hoạt hai bên hoàn toàn khác nhau, Việt Minh hoạt động bí mật và lưu động trong rừng trong khi Pháp giữa thành phố ăn chơi, tiếp tân sang trọng, phái đoàn ngoại giao.. báo chí tiết lộ bí mật

Navarre nói về hình thức đây là một cuộc chiến khác lạ không giống bất cứ cuộc chiến nào, nó không phải là cái mà các sĩ quan cao cấp Mỹ và Pháp đã nghiên cứu, không giống chiến tranh Âu châu, Triều Tiên. Nhiều cấp chỉ huy đã ra những quyết định về Đông Dương mà chẳng hiểu gì cả, và đáng tiếc đã đưa tới những chính sách chính trị quân sự tại Paris , Washington . Đó là cuộc chiến tranh không giới tuyến (guerre sans front, p.38) khác hẳn cuộc chiến tranh cổ điển, chưa có trường võ bị nào nghiên cứu kỹ. Nó kết hợp kháng chiến do khối đông đảo người dân yểm trợ và quân đội chính qui chủ động cuộc chiến giống chiến tranh Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ..

Việt Minh có lợi thế lưu động, uyển chuyển, trang bị nhẹ, chịu cực khổ, rầt đông, trang bị tối tân và có lợi thế tuyển quân tại chỗ, biết địa hình, dựa vào dân. Từ 1950 Tướng Giáp đã lên kế hoạch trước các nhà lãnh đạo Việt Minh về các giai đoạn cuộc chiến

Trước hết đánh du kích, cướp súng địch, quấy phá, dành dân.

Kế đó mở trận dịa chiến (guerre en surface), rồi từ 1952  đánh lớn hơn.

Cuối cùng giai đoạn tổng tấn công (offensive générale) giải phóng toàn cõi Đông Dương với điều kiện có ưu thế quân sự, thuận lợi chính trị quốc tế và khủng hoảng nội bộ địch. Bộ tham mưu Việt Minh cho rằng thời cơ sẽ tới vào năm 1955, 1956.

Quân đội VM uyển chuyển, mạnh thích hợp với địa hình, những nguyên tắc của họ hoàn toàn khác với Tây phương. Quân đội VM giống như hình tháp, đáy là dân quê dùng làm dân công tải đạn, đào hầm, giao liên… lên trên là du kích vũ trang lựu đạn, súng cũ, ngày làm ruộng, tối phá đường, gài mìn, phục kích, mỗi làng có một đạo quân du kích. Sau đó họ tuyển du kích thành lập địa phương quân ớ phía trên trang bị súng tốt hơn, đông hơn. Đỉnh của tháp là quân đội chính qui, họ tạo dựng một quân đoàn ngày càng được Trung cộng trang bị tối tân, lưu động, trong chiến dịch 1952, 1953 họ có thể chủ động tấn công lớn trên trận địa Đông Dương.

Tổng cộng Việt Minh có 7 sư đoàn (đại đoàn) chính qui (304, 308, 312, 316, 320, 325) một sư đoàn không tên hoạt động giữa Tourane (Đà nẵng) và mũi Varella (Mũi Diều), ngoài ra họ có nhiều trung đoàn độc lập, toàn bộ lực lượng lên tới 9 sư đoàn . Thêm vào đó là một sư đoàn vũ khí nặng pháo mặt đất và pháo phòng không, sức mạnh trội hơn Pháp. Quân đội Việt Minh trẻ, chịu cực khổ được, nhiệt tình, căm thù địch sống nhờ dân và cũng ép dân tham gia cuộc chiến. Trong khi ấy người Pháp không có kế hoạch chung cho cuộc chiến, mỗi ông Tư lệnh có một kế hoạch riêng nên không thống nhất, liên tục.

Trên bản đồ (trang 37) cho thấy Việt Minh kiểm soát gần hết lãnh thổ VN từ 1953, tại miền Bắc Pháp chỉ còn kiểm soát được vùng châu thổ sông  Hồng và một số tỉnh  như Hà đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Lai Châu, Nasan. Miền Trung chỉ còn một giải đất ven biển, nhỏ hẹp và các tỉnh Huế, Tourane (Đà nẵng). Cao nguyên (tức Vùng 2 sau này) chỉ có Kontum, Pleiku, An Khê, Ban Mê Thuột, Đà Lạt, miền duyên hải chỉ có Nha Trang. Tại miền Nam Pháp kiểm soát được một diện tích bằng Vùng 3 sau này, nhưng vùng Cà mâu do VM kiểm soát.

Những vùng Pháp kiểm soát bị chính qui, địa phương quân VM quấy phá mất an ninh, chủ lực quân VM có 60 ngàn ở Bắc kỳ, 25 ngàn ở miền Trung, 40 ngàn ở miền nam, 6 ngàn ở Lào, 8 ngàn ở Miên . Pháp phải đóng vô số đồn bót để canh giữ đường sắt, kho hàng phi trường. Đa số quân Pháp tương đương với 5 sư đoàn trấn giữ hàng ngàn đồn bót. Theo Navarre (p.47) VM có tới 9 sư đoàn trong khi Pháp chỉ có tương đương khoảng 3 sư doàn gồm 7 đoàn lưu động và 8 tiểu đoàn nhẩy dù. Pháp chỉ hoạt động nhỏ, VM hoạt động lớn vô cùng, ông nói lợi thế mà Pháp để cho VM trong việc tổ chức quân đoàn, về chiến lược đó là sự sai lầm thiếu sót lớn của Pháp. Người Pháp đã xử dụng viện trợ Mỹ cho một cuộc chiến khác lạ, họ chưa bao giờ nghĩ tới những phương tiện để đáp ứng với cuộc chiến đặc biệt này. Về vũ khí Navarre cho rằng Pháp thiếu nhân lực, thiếu tuyển quân, về trang bị chậm hơn VM, họ được võ trang những vũ khí nhẹ tự động rất hữu hiệu trong những trận đánh gần, họ hơn Pháp. Pháp bất động và phân tán, không có những quân đoàn chiến đấu đương đầu với với những quân đoàn VM, nguyên do ở sự chỉ đạo từ mẫu quốc.

VM giữ bí mật tin tức, phòng nhì không khai thác được mấy, những tin hạng nhì cũng khó lấy (p.52). Pháp không biết gì về những kế hoạch dài của tham mưu cao cấp VM, cũng chẳng hay biết gì về sự viện trợ tăng vọt của Trung Cộng cho VM. Tuy nhiên có thể biết ở mức dộ trung gian như chuyển quân cấp trung đoàn, sư đoàn và chỉ tránh được những bất ngờ chiến thuật, VM cho người rình rập lấy tin tức của Pháp. Họ ở trong rừng, linh động còn Pháp thì lộ liễu với xe cam nhông, máy móc nặng, đóng quân, công khai VM dễ quan sát đối phương.

Pháp khó thực hiện chiến lược bất ngờ khi cần bí mật, mọi tăng quân hay tăng viện đều bị VM biết trước khi tới Đông Dương, đôi khi VM còn biết cả kế hoạch Pháp đang bàn do sơ ý khi trình về Paris . Cách lấy tin của VM rất nhiều, những cuộc nói chuyện sơ ý trong văn phòng, nơi công cộng, giao công văn…sẽ cho VM biết trước hết. Họ cũng lấy được những nguồn tin quan trọng từ báo chí. Nhất là sau chiến tranh Triều tiên nhiều ký giả Mỹ tới, họ làm những tin giật gân không cần trung thực, nhiều người không có lương tâm, rất may tin của họ đưa ra sai bét vì dốt nát. Tư lệnh không có thẩm quyến với báo chí, VM cũng lấy được nhiều tin rất quan trọng do rò rỉ từ chính quyền Pháp.

Việc tuyển mộ cho Quân đội quốc gia VN bắt đầu từ 1950 nhưng chưa thể thay thế quân Pháp cả về phẩm lẫn lượng, chính phủ QGVN không cưỡng bách nghĩa vụ quân sự. Năm 1953 Tướng Nguyễn Văn Hinh TMT quân đội QG qua Paris mới bắt đầu nhưng đã trễ, ông đề nghị lập thêm nhiều tiểu đoàn VN và được chính phủ Pháp chấp thuận trên nguyên tắc

Navarre nói Pháp đánh giá thấp VM vế chính trị, quân sự, ảnh hưởng với dân, tinh thần động lực, khả năng quân sự của cấp chỉ huy cao hơn ta tưởng. Y chí địch rất cao, mục đích rõ, động cơ vĩ đại và nhất trí hành động trong chiến tranh còn Pháp thì mất niềm tin, do dự, hoàn toàn thiếu hòa hợp chính trị. Một sự liên minh các nước có quyền lợi khác nhau hay trái ngược nhau gồm Mỹ, Việt, Mên, Lào không rõ ràng về mục đích và về những phương tiện để đạt tới. Mục đích ban đầu của Pháp (1945) là chiếm lại thuộc địa nay không còn và tiếp tục chiến đấu không có mục đích rõ ràng.

Phía VM đó là cuộc chiến tranh nhân dân, người dân tích cực vì ý thức hệ hay bị bó buộc, phía Pháp cuộc chiến không hợp lòng dân, quần chúng không tha thiết, VM là đạo quân nhẹ nhàng lưu động, ngày càng thắng.   Pháp có mạnh hơn nhưng nặng nề không thích hợp điều kiện vật chất, con người. VM lợi thế có những quân đoàn thích hợp những chiến dịch lớn, hầu như gấp ba Pháp, bề lâu bề dài Pháp khó theo kịp. VM được tiếp tế mạnh, người Pháp tiếp tế từ hai nước Mỹ, Pháp xa xôi, viện trợ đêu nhưng kế hoạch tỉ mỉ cứng ngắc. Trung Cộng phía sau VM cung cấp hạn chế nhưng có khả năng ồ ạt nếu cần.

Chính phủ Pháp tại mẫu quốc không định nghĩa mục đích cuộc chiến mà chỉ tìm cách rút ra khỉ cuộc chiến sa lầy (sortir de la guerre p.69), trang 71 Navarre cũng nói các bộ trưởng trong chính phủ chỉ muốn tìm lối thoát  ra khỏi ngõ cụt Đông Dương. Cũng theo ông từ khi Tướng De Lattre mất năm 1952, ngày này qua ngày khác cuộc chiến chỉ tiến hành theo kinh nghiệm, không có kế hoạch dài hạn ngay cả trong tổ chức trang bị các lực lượng và chiến dịch. Hành quân không có kế hoạch gì, chính phủ chỉ quan tâm tới chuyện rút ra. Theo ông trong thế giới CS các nhà chính trị có đọc binh thư Clausewitz, còn ở phương Tây như Pháp các nhà chính trị dốt quân sự, thiếu hiểu biết về phương diện này không đủ như đòi hỏi.

Hoa Kỳ bắt đầu viện trộ cho Pháp từ 1950, tài khóa 1951-1952 Mỹ viện trợ cho Pháp 330 triệu tức 20% chi phí chiến tranh Đông Dương, tài khóa 1953-54 tăng lên 785 triệu tức 41% chi phí (Wikipedia France Guerre d’indochine). Năm 1950 viện trợ Mỹ chỉ có 10 triệu, năm 1954 lên tới 1,063 tỷ chiếm 78% toàn bộ chi phí (The Pentagon Papers Volume 1, Chapter 2). Mỹ ngày một gánh vác nhiều hơn khiến họ ảnh hưởng đến Pháp và quan hệ với Việt, Mên, Lào nhiều hơn. Cùng là đồng minh nhưng Mỹ đối nghịch với Pháp, giúp Pháp về vật chất nhưng chống dối Pháp về tinh thần, dùng Pháp như quân tốt trong ván cờ chống CS. Mỹ luôn ép Pháp phải trả độc lập hoàn toàn cho Đông Dương thay vì đưa họ vào Liên Hiệp Pháp. Giữa Pháp-Mỹ có sự chia rẽ ngấm ngầm, viện trợ Mỹ tăng khiến ảnh hưởng Pháp tới quân các nước Liên kết Việt Mên lào giảm nhanh

Navarre nói về tình trạng thiếu sĩ quan tại Đông Dương, mẫu quốc cần phải gửi thêm 3,000 sĩ quan và một số lớn hạ sĩ quan, giao cho quân đội đảm đương một cuộc chiến giá rẻ nước Pháp sẽ thua trận (p.106). Chính phủ có nhiệm vụ nâng cao tinh thần trong nước và quân đội nhưng các chính phủ liên tiếp đã không hoàn thành nhiệm vụ này. Từ tháng 7-1953 một biến cố ảnh hưởng xấu tới tình hình Đông Dương: Triều tiên đình chiến đã khiến dân Pháp hy vọng hòa bình tới nhanh. Nhiệm vụ chính phủ là chuyển hy vọng thành sự thật, tránh khủng hoảng thinh thần. Chính phủ chẳng làm gì cả, từ mùa hè 1953 không những chính phủ để phong trào chống chiến tranh Đông Dương ngày càng lên cao cho tới khi có Hội nghị Genève mà một số thành viên của chính phủ cũng tham gia phong trào (p.110). Những tổ chức vô trách nhiệm như “Phong trào nhân quyền”, “Hội nghị cho hòa bình Đông Dương”, nó qui tụ bọn chủ bại (defaitisme) phổ biến những tin tức làm mất tinh thần và một đảng có nhiều thành viên trong chính phủ đã chính thức kiên nghị đòi hòa bình. Chế độ dân chủ thoái hóa sinh ra thế.

Trầm trọng hơn thế những chính trị gia có trách nhiệm, những ông chủ tịch những đảng tự gọi là Quốc gia hay thành viên chính phủ đã công khai nói phải thương thuyết với địch. Nhất là báo chí từ tháng 7-1953 cho tới tháng 4-1954 đã phát ngôn những lời tuyên bố khi ta đang trong tình trạng chiến tranh, họ phạm tội làm mất tinh thần Quốc gia và Quân đội. Trong khi ấy báo chí, đài phát thanh Việt Minh kêu gọi tiếp tục trường kỳ kháng chiến, họ theo dõi Pháp và tiếp xúc với bọn chủ bại tìm hòa bình của Tây phương. Ngày 30-11-1953 họ cho đăng trên báo Thụy Điển Expressen lời kêu gọi hòa bình của Hồ chí Minh, VM tìm cách phá hoại Pháp ngay trong lòng nước Pháp.

Chính phủ chán nản, chia rẽ, bất lực trước khúc quành quan trọng này. Bộ trưởng thuộc địa cho đây là tin quan trọng. Sự kiện này đã đã tạo lộn xộn sâu xa trong hàng ngũ Pháp và phong trào chủ bại ngày càng gia tăng trong khi đó tại các nước liên kết (Việt, Mên, Lào) niềm tin vào pháp cũng như tinh thần chiến dấu ngày càng phai nhạt.

Nhiệm vụ của chính phủ một nước trong tình trạng chiến tranh là ngăn chặn phản bội bằng mọi phương tiện kể cả những biện pháp tối đa để chống bọn đâm sau lưng chiến sĩ. Các chính phủ trước chiến tranh Đông Dương (tức1946) đều hoàn thành tốt nhiệm vụ đó. Từ đầu cuộc chiến sự phản bội của đảng CS Pháp và các nhóm phụ thuộc đã không bị các chính phủ nào ngăn cản. Họ đã làm suy yêu tinh thần quốc gia, sỉ nhục đất nước (p.112, 113), khuyến khích lính không tuân lệnh, phá hoại ngầm trong các xưởng quốc phòng, vận chuyển, truyền tin cho địch.

Tháng 8-1952 Bộ trưởng quốc phòng M. Pleven khám phá ra CS Pháp ra lệnh cho các đảng viên cấp dưới cố gắng làm cho quân Pháp bại trận, hàng loạt chống sản xuất vũ khí đạn dược và vận chuyển, làm cho đạo quân viễn chinh tan rã. Tháng 10-1952 tòa án quân sự đề nghị bỏ quyền bất khả xâm phạm các đại biểu dân cử CS.. một năm sau Quốc hội bác đề nghị này vì đã coi CS là một đảng hợp pháp.

Chính phủ không phản ứng gì đối với vở hài kịch này nó là động cơ làm mất tinh thần quân đội. Về sự kiện tin tức rò rỉ cho thấy chính phủ tỏ ra bất lực trong việc chống phản bội, đó chính là một màng lưới gián điệp ngay giữa cơ quan chính thức, một bộ máy chống chính phủ, chống chế độ. Quốc gia đã biết sự thật là CS len lỏi tất cả các bộ máy chính phủ, những liên hệ mờ ám giữa cuộc chiến của các nhân viên sứ quán với nhân viên địch. Những chuyện nói ba hoa trong các cơ quan cao cấp đầu não chính phủ. Những cơ quan nắm giữ bí mật đã hoàn toàn thiếu thận trọng, rò rỉ tin tức cho Việt Minh bằng nhiều đường nhờ dễ dãi, tòng phạm của những cơ quan cao cấp. Một cựu chiến binh Đông Dương tuyên bố quân Pháp dù chiến đấu ở đâu cũng sẽ bị đâm sau lưng (p.114)

Tại sao sự thực lại không được đưa ra ánh sáng vì nó được che dấu, tất cả các chính phủ kế tiếp nhau đều biết và đã che dấu bưng bít. Các bộ trưởng can thiệp, bênh vực những người lầm lỗi, áp lực công tố viên, quan tòa nhân chứng, dấu diếm che đây tài liệu nhất là rút bỏ thẩm quyền tòa án quân sự về những vụ rò rỉ lớn. Ngày 30-7-1953 tuần báo France Observateur đang bài “Trận chiến nghi ngờ”, nội dung nói đúng như Ủy ban quốc phòng đã nói sáu ngày trước về vấn đế bảo vệ Lào, đó là kế hoạch Navarre . Đầu tháng 8-1953 nó xuất hiện ở Sài Gòn như một thông tin cho địch. Những tin tức quí giá nhất đã cho địch biết kế hoạch của ta. Bài báo là cách thông tin chính xác cho cấp chỉ huy Việt Minh, theo Navarre bài báo đóng vai trò lớn trong cuộc tấn công Lào của VM, là một thông tin quan trọng cho quyết định của VM. Một năm sau vụ rò rỉ tờ  France Observateur bị đem ra ánh sáng, dư luận báo chí bênh vực cho tờ này, chính phủ bưng bít ngăn chận tòa án truy tố những người có trách nhiệm tiết lộ bí mật, tách vụ tờ báo khỏi trách nhiệm rò rỉ và hoãn xử các ký giả này

Sự chỉ đạo cuộc chiến của chính phủ không có gì, cuộc chiến không có mục đích, không có chính trị, tinh thần quân đội không được bảo đảm, không được cung cấp đầy đủ sĩ quan, thiếu chủ lực quân, bị đâm sau lưng. Hội nghị Genève khiến Việt Minh phát động trận đánh lớn (1954)

Trong khi Việt Minh và Trung Cộng sát cánh nhau thì Mỹ và Pháp chia rẽ, Pháp muốn tổ chức những đơn vị VN từ từ nhưng Mỹ muốn nhanh hơn. Người Mỹ muốn Pháp học hỏi cuộc chiến Triều tiên nhưng Navarre cho rằng hai cuộc chiến hoàn toàn khác nhau về địa thế, hình thức, Pháp không chấp nhận đề nghị Mỹ vì như thế là để Mỹ thay thế Pháp. Kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh đã trễ và gặp trở ngại, chính phủ VN không đủ khả năng bảo đảm tuyển quân. Những lời kêu gọi nhập ngũ mới đầu có kết quả tốt nhưng từ tháng 2-1954 nghe tin có Hội Nghị Genève, số bất phục tùng, trốn tránh lên cao tới 90%, đào ngũ gia tăng, việc đào tạo sĩ quan nhiều thất vọng. Việt minh tuyền cán bộ, sĩ quan tại miền quê rồi huấn luyện thành chiến sĩ trong khi chính phủ Quốc gia tuyển sĩ quan trong giới khá giả bằng thi tuyển. Từ sau tháng 2-1954 quân đội VN bị tan vỡ phần vì lo ngại Việt Minh thắng, phần vì tuyên truyền địch khiến quân đội VN bị tổn hại. Việc tuyển quân bị ngưng, đào ngũ nhiều, các đơn vị bất phục tùng, chửi mắng sĩ quan Pháp.

Người Mỹ vào Việt Nam

Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước, một phần lớn quân đội viễn chinh rút về Pháp, phần còn lại vào nam cùng chính phủ Quốc gia. Năm 1955, tại miền nam VN, ông Ngô đình Diệm thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Trong hai năm 1955, 1956 miền Bắc do áp lực của Nga sô, Trung Cộng phát động phong trào cải cách ruộng đất, bắn giết và chôn sống hằng trăm nghìn địa chủ. Năm sau họ mới rảnh tay phát động cuộc Nam tiến về đồng bằng phì nhiêu. Miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở lên đất chật dân đông, bị tàn phá sau tám năm khói lữa, dồng ruộng khô cằn, trước đây thiếu lúa gạo phải tiếp tế từ miền nam. Cuộc Nam tiến nay là vấn đề sinh tử của Bắc Việt, sống chết cũng phải chiếm cho được vựa lúa miền nam.

Như Navarre đã nói ở trên, những năm1952, 1953, 1954 Việt Minh mạnh hơn và đã đánh bại quân Pháp. Từ 1957 tới cuối thập niên 50, miền Bắc nếu xua quân sẽ nuốt chửng miền nam nhưng họ chưa dám đánh công khai, chỉ phát động du kích chiến. Cũng giống cuộc chiến tám năm khói lửa kể trên, mới đầu họ hết đánh du kích, quấy phá, dần dần mở trận địa chiến đánh lớn hơn, và giai đoạn cuối cùng tổng tấn công nuốt trọn miền Nam .

Năm 1957, du kích bắt đầu giết trường ấp, xã trưởng bằng mã tấu, từ 1959 đến 1961 số nạn nhân bị CS giết từ 1,200 đến 4,000 người mỗi năm. Cuối 1960 BV cho thành lập Mặt trận Giải Phóng Miền nam. Mới đầu VC chỉ có khoảng hơn mười ngàn du kích sau tăng dần do xâm nhập và tuyển quân tại địa phương. Chiến tranh mở rộng hơn trước, Kiến Hoà bị tấn công đầu tiên, ngày 19-9-1961 hai tiểu đoàn VC tấn công Phước Thành, chiếm tỉnh trọn ngày, giết Tỉnh trường, Phó tỉnh trưởng và 10 công chức, mười bẩy ngàn CSBV đã xâm nhập miền nam (Chánh Đạo, Việt Nam Niên Biểu trang 228, 229). Một tháng sau, ngày 18-10-1961 ông Diệm ban hành tình trạng tổ quốc lâm nguy.

Lực lượng VC gia tăng nhanh từ 5,500 người đầu năm 1961 đến đến 25,000 cuối năm 1961. Theo tiết lộ của Viện Lịch sử quân sự CSVN  (BBCVietnamese.com 10-5-2006) : Giai đoạn 1955-60  CS quốc tế đã viện trợ cho BV trên 49 ngàn tấn hàng trong đó 90% là vũ khí.  Trước tình hình CS gia tăng áp lực, tổng thống Kennedy cho gia tăng quân số VNCH  từ 170 ngàn người lên 200 ngàn người cuối năm 1961, tăng cố vấn quân sự lên 3,200 người, viện trợ 2 chi đoàn thiết giáp M-113, ba đại đội trực thăng , 16 phi cơ vận tải C-123.. Nhờ viện trợ quân sự của Hoa Kỳ chính phủ đã bình định được miền Nam trong năm 1962 (Nguyễn đức Phương, Chiến Tranh VN toàn Tập, trang 20, 21). Sau cuộc đảo chánh cuối năm 1963, lợi dụng tình hình miền nam VN nhiễu nhương BV gia tăng xâm nhập, chuyển vũ khí đánh phá mạnh hơn, CS quốc tế tăng viện trợ lên trên 70 ngàn tấn vũ khí giai đoạn 1961-1964. Đầu tháng 8 nhân vụ tầu Maddox bị tấn công, Quốc hội Mỹ  chấp thuận nghị quyết Vịnh Bắc Việt trao toàn quyền hành động quân sự cho tổng thống Johnson.

Ngày 1-11-64 VC pháo kích phi trường Biên Hòa phá hủy 5 oanh tạc cơ B-57 và làm hư hại 8 chiếc khác. Cuối năm 1964 VC tấn công chiếm làng Bình Giả, Sư đoàn 9 VC (do 2 trung đoàn 271, 271 hợp thành) chận đánh quân tiếp viện . CS đã đánh lên cấp trung đoàn, thay thế chiến thuật đánh rồi rút bằng đánh chiếm giữ trong nhiều ngày, tháng 12-1964 một trung đoàn BV xâm nhập Pleiku. BV gia tăng xâm nhập, họ đưa thêm nhiều đơn vị chính qui đánh phá khắp nơi, giữa năm 1965 trung bình một tuần VNCH mất một quận, nếu Mỹ không đổ quân vào miền Nam sẽ mất trong vòng 6 tháng (Ngô Quang Trưởng, Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh 1972, trang 16, 17).

Năm 1965, thời kỳ cao điểm của thuyết Domino, nếu mất Việt Nam, các nước trong vùng Đông Nam Á sẽ mất theo, được 78%  người dân Mỹ và Quốc hội ủng hộ (Nguồn answer.com) , TT Johnson đem đại binh vào giúp miền nam. Cuối năm 1963 quân Mỹ tại VN là 16,500 người, cuối năm 1964 tăng lên 21,350 người, nhưng tới giữa năm 1965 tăng lên khoảng 50,000 người, cho tới cuối năm tăng lên 184,000. Người Mỹ coi năm 1965 là lúc họ can thiệp vào Đông Dương, từ 1965 chiến dịch lùng và diệt địch (Search and Destroy) ra đời. Cuộc chiến ngày càng leo thang, BV tiếp tục xâm nhập cường độ chiến tranh gia tăng. Hành pháp xin tăng quân, được Quốc hội chấp thuận năm 1966 tăng lên 385,000 và 1967 lên 485,600 năm 1968  lên cao điểm 536,100 người. Đầu năm 1966 BV gửi thêm quân xâm nhập, Mỹ và các nước đồng minh Đại Hàn, Úc , Tân Tây Lan, Thái Lan… cũng tăng thêm quân nhưng Mỹ là chủ lực , các nước khác chỉ có tính cách tượng trưng để hỗ trợ cho chính nghĩa bảo vệ đồng minh của Mỹ.

Sau khi người Mỹ đổ bộ vào VN, Cộng quân bị đẩy lui, quân đội VNCH lấy lại thăng bằng. TT Johnson giao phó cho McNamara, bộ trưởng quốc phòng toàn quyền về kế hoạch quân sự tại Đông dương giai đoạn này. Đường lối của McNamara và Johnson chỉ là chiến tranh hạn chế và gây hao mòn. Theo Nixon (No More Vietnams, p.86,87) từ 1965 tới 1968, chiến dịch oanh tạc BV của TT Johnson có mục đích chính trị hơn là quân sự, ông không ngăn chận quân BV xâm lược mà để nâng cao tinh thần VNCH cũng như gây thiệt hại cho sự xâm nhập của BV. Các cố vấn dân sự của ông đưa ra chiến lược leo thang chiến tranh và kêu gọi Hà Nội  đàm phán. Mới đầu oanh tạc cầm chừng, sau tăng cường thêm, Nixon cho đó chỉ là sự ngây thơ tin rằng CS sẽ phải vào bàn hội nghị vì sợ đất nước bị tàn phá. Những mục tiêu oanh tạc do chính Johnson và McNamara lựa chọn vì sợ đụng chạm tới Nga, Trung Cộng. Phi công chỉ được oanh tạc đường xá, cầu cống, đường xe lửa, nhà máy điện, trại lính, kho hàng, phải tránh xa biên giới Trung Cộng, xa Hà Nội ba mươi dặm, cách xa Hải Phòng mười dặm.

Trang 82 Nixon nói trong những năm này, người Mỹ theo đuổi hai chiến lược có nhiều thiếu sót. Tại miền nam ta đánh hao mòn địch nhưng không ngăn chận đường xâm nhập của địch tại Mên, Lào. Tại miền Bắc chúng ta áp lực họ bằng oanh tạc leo thang để dụ cho họ vào bàn hội nghị. Thật ra ta không thể dỗ dành họ Hồ từ bỏ cuộc chiến mà cần bắt buộc ông ta từ bỏ nó. Từ tháng giêng 1965 tới tháng 12-1967, Cộng quân thiệt hại 344,000 người trong đó 179,000 bị giết tại mặt trận. Mặc dù tổn thất dữ dội như vậy nhưng lực lượng CS tại miền nam  đã gia tăng từ 181, 000 người tháng 12-1964 tới 262,000 người tháng 12-1967. Trong ba năm ấy (1965-67) quân đội BV và số tuyển thêm ở miền Nam đã cung cấp cho họ hơn 400,000 quân tăng cường. Theo thống kê dân số hàng năm tại miền bắc VN có 120,000 thanh niên tới tuổi nhập ngũ. Như thế ta không thể thắng nổi cuộc chiến nếu đường mòn Hồ chí Minh vẫn là tuyến xâm nhập của địch, nếu ta không có kế hoạch nào ngăn chận họ.

Vì thất bại trong việc ngăn chận xâm nhập và phá bủy các căn cứ hậu cần CSBV bên kia biên giới Miên, Lào và phía trên vĩ tuyến 17 mà Johnson-McNamara đã để cho địch mở trận tổng tấn công Tết Mậu Thân. BV và VC bị thảm bại, tính tới tháng tháng 3-1968 VC bị bắn hạ tổng cộng 58,372 người, gấp 11 lần phía VNCH, có 9,461 tên bị bắt làm tù binh .Trong số 84,000 cán binh được đưa vào trận Tổng công kích chỉ còn 16,000 chạy thoát. Mặc dù thảm bại nhưng BV đã coi như thắng cuộc, trận Mậu Thân đã quyết định vận mang của Đông Dương. Số người ủng hộ chiến tranh tụt thang nganh chóng, trào phản chiến lên cao, cuộc chiến tại đất nhà, war at home đã khiến cho người Mỹ phải tính chuyện rút bỏ Đông Dương.

Về biến cố này TT Nixon nói

“Khi một ông Tổng thống Mỹ đưa quân đi tham chiến thì một cái đồng hồ định giờ vô hình bắt đầu chạy. Ông ta có một khoảng thời hạn nhất định để chiến thắng trước khi người dân mệt mỏi vì nó. Tháng hai năm 1968, Tổng thống Johnson đã hết thời hạn của ông”

(No More Vietnams trang 88)

Người dân đã dành cho Johnson-McNamara thời hạn bốn năm từ 1965-68  để chiến thắng CS nay thời hạn đã hết, chính phủ đã thất bại, người dân quá mệt mỏi đòi chính phủ phải ra khỏi cuộc chiến.

Năm sau 1969, Nixon thắng cử, Cộng Hòa thay thế Dân Chủ để  thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, tìm  hòa bình trong danh dự, rút bỏ Đông Dương. TT Nixon và Phụ tá Kissinger lúc này không tiếp tục cuộc chiến mà lo hốt đống rác vĩ đại do Johnson-McNamara để lại. Muốn rút quân phải làm suy yếu BV, đánh vào hậu cần địch ngõ hầu VNCH không bị sụp đổ và Nixon đã giúp VNCH mở cuộc hành quân sang Miên từ 29-4 cho tới 22-7-1970 đã ruồng bố được 40 ngàn quân CS, giết được trên 10 ngàn cán binh tịch thu được nhiều vũ khí. Năm sau vào ngày  8-2-1971 mở hành quân Lam Sơn sang Hạ Lào, trong những ngày tháng đầu phá hủy được nhiều quân xa, giết được trên 10 ngàn Cộng quân nhưng sau địch kéo tới rất đông khoảng 5 sư đoàn, gấp ba lần phía VNCH nên phải rút chạy, bị thiệt hại khoảng ba ngàn người.

Khi TT Nixon giúp miền nam mở hai cuộc hành quân thì phong tráo chống chiến tranh nổi lên dữ dội, bạo động lan ra toàn quốc. Từ cuối 1965 tới cuối 1966 số người ủng hộ cuộc chiến giảm từ 61% xuống còn 51%, từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%, từ đầu 1969 tới tháng 10-1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28% (Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war).

Tuy thế hai cuộc hành quân đã làm chậm lại cuộc tấn công qui mô của BV khoảng một năm. Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh được thực hiện tốt đẹp, tuy nhiên vì hỏa lực do Mỹ cung cấp còn yếu nên VNCH vẫn phải dựa vào yểm trợ của không lực Mỹ như trong trận mùa hè đỏ lửa từ tháng 3-1972 cho tới tháng 10-1972.

Trận oanh tạc linebacker bằng B-52 từ tháng 5-1972 tới tháng 10-1972 để yểm trợ cho VNCH đã tiêu diệt hàng trăm ngàn cán binh BV, phá hủy khoảng 700 chiến xa địch. Trận Linerbacker II tiếp theo dịp Giáng sinh năm 1972 đã buộc CSBV trở lại bàn hội nghị. Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973 không được hoàn hảo lắm, Quốc hội áp lực Hành pháp phải ký sớm, BV vẫn còn được đóng quân ở miền nam nhưng VNCH không bị liên hiệp.

Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ hai 1972-1976, thắng lớn với 95% phiếu cử tri đoàn (520), 60% phiếu phổ thông , sau Hiệp định một năm, Quốc hội Dân chủ phản chiến cắt giảm viện trợ VNCH 50% mỗi năm. Đảng nọ phá đảng kia, không được ăn thì đạp đổ, Dân Chủ thất bại nhục nhã trong cuộc bầu cử Tổng thống 1972 đã ép Nixon phải từ chức tháng 8-1974 qua vụ tai tiếng Watergate. Dân chủ lại  chiếm đại đa số Quốc hội trong kỳ bầu cử tháng 11-1974, 67% Hạ viện và 60% Thượng viện, họ cắt hết nguồn quân viện khiến miền nam VN sụp đổ trong vòng chưa đầy hai tháng.

Nhận xét và kết luận

Như đã nói trên, người Mỹ đã can thiệp gián tiếp vào VN và Đông Dương từ 1950 bằng viện trợ quân sự cho Pháp, sau Hiệp định Genève 1954 khi người Pháp ra đi, họ tiếp tục can thiệp bằng viện trợ cho chính phủ VNCH tại miền Nam để thành lập tiền đồn chống CS. Trên thực tế như ta đã biết CSBV nhờ quân viện dồi dào của Nga, Trung cộng đã thắng quân  Pháp năm 1954, họ là mối đe dọa cho miền nam vì có một lực lượng quân sự mạnh. Năm 1965 nếu Mỹ không đổ quân vào VN thì đã mất trong sáu tháng, năm này đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào VN. Người Mỹ hầu như không quan tâm tới kinh nghiệm của Pháp qua cuộc chiến 1946-1954 vì  nghĩ rằng hỏa lực hùng hậu của họ mạnh hơn Pháp nhiều sẽ bình định miền nam và chiến thắng địch trong thời gian ngắn

Tuy thế những khó khăn, sai lầm của Mỹ cũng chẳng khác gì Pháp trong cuộc chiến với cùng một kẻ địch. Như Navarre đã nói trên phía CS luôn thống nhất về nhân sự, phía Tây phương như Pháp mỗi Tư lệnh có chính sách riêng. Nay ta thấy phía Mỹ mỗi chính phủ, mỗi đảng có đường lối riêng, Dân chủ điều khiển cuộc chiến từ 1964-1968, Cộng Hòa tiếp tục từ 1969-1975. CS kết hợp, Mỹ chia rẽ, mặc dù Nga và Trung Cộng xung đột nhưng khối CS quốc tế vẫn tiếp tục viện trợ dồi dào cho BV tới cùng, Mỹ chán nản chia rẽ, cắt giảm quân viện bỏ rơi đồng minh

Phía CS theo đuổi mục đích bền bỉ, Lénine nói  “Con đường đã đặt ra là phải đi tới cùng” (Staline, Những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Lê Nin), người Mỹ sau bốn năm (1965-1968) đã tỏ ra chán nản họ biểu tình chống chiến tranh mạnh sau trận Mậu Thân. Nội bộ chính phủ đã có chia rẽ, các Tướng lãnh không phục McNamara, ông ta chỉ là một doanh gia không có kiến thức gì về quân sự nhưng lại nắm quyền hạn quá lớn về chiến lược trong cuộc chiến Đông Dương. Theo Navarre, các nhà lãnh đạo chính trị CS có nghiên cứu quân sự và hiểu biết về chiến lược trong khi các chính khách Tây phương dốt quân sự. Những năm giữa thập niên 60, tại Hoa Kỳ, nhà chính trị lên kế hoạch chiến lược quân sự trong khi tại VNCH các tướng lãnh làm chính trị.

Cũng như cuộc chiến tranh 8 năm khói lửa kể trên, CS bảo mật rất kỹ, như trận Mậu thân 1968 họ đưa được một lực lượng rất lớn vào các thành phố mà không bị lộ trong khi cuộc hành quân Lam Sơn của Mỹ và VNCH sang Hạ Lào năm 1971có bị tiết lộ bí mật.

Navarre nhận định cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất rất khác lạ với chiến tranh châu Âu và Triều Tiên, nó là cuộc chiến tranh không giới tuyến trong khi Pháp vẫn áp dụng chiến tranh qui ước. Khi Mỹ đưa đại binh vào để bình định miền nam cũng giống như Pháp trước đây, họ chỉ dựa vào qui ước và hỏa lực mạnh mà không nghiên cứu nhiều về trận địa.

Navarre nói một trong những nguyên do thất bại là khối viện trợ quân sự lớn lao của Trung cộng cho Việt Minh trong khi chính phủ Pháp tiến hành cuộc chiến với giá rẻ. Người Mỹ đã đánh giá thấp viện trợ của khối CS quốc tế cho Hà nội và nghĩ rằng hỏa lực áp đảo của Hoa Kỳ sẽ đem lại thắng lợi. Sau này thực tế đã cho thấy súng đạn của Nga, Trung Cộng và các nước xã hội chủ nghĩa cung cấp cho Hà Nội vượt trội hơn quân viện của Mỹ cho VNCH như trong trận mùa hè đỏ lửa năm 1972, miền nam vẫn phải dựa vào yểm trợ của không quân Mỹ nhất là B-52. Thập niên 70, Ngũ giác đài nhìn nhận phòng không của BV mạnh nhất thế giới hồi ấy, trong trận oanh tạc Giáng sinh 1972, Hà Nội đã phóng hơn một ngàn hỏa tiễn địa không, bắn rơi 27 máy bay trong đó có 15 B-52

Cuộc chiến 1946-1954 của Pháp như Navarre đã diễn tả là một sai lầm lớn về chiến thuật vì chỉ phòng thủ, Lénine đã nói “Phòng ngự là con đường chết của vũ trang khởi nghĩa, chủ động tiến công tiêu diệt địch”. McNamara chỉ cho oanh tạc và đánh giới hạn, không cho đánh qua hậu cần địch bên kia biên giới Miên, Lào hoặc trên vĩ tuyến 17, không thể nào thắng được CS. Tháng 4-1969 Tướng Westmoreland, cựu Tổng Tư lênh quân đội Mỹ tại VN và Ðô đốc Sharp cựu tổng tư lệnh Mỹ tại Thái bình dương công bố bản phúc trình 347 trang về cuộc chiến Việt Nam trong 4 năm chỉ huy. Các Tướng nhấn mạnh sự bó tay của Bộ tư lệnh Mỹ trước chính sách chiến tranh hạn chế của TT Johnson và sự cấm đánh qua Mên và Lào.

Johnson - McNamara thất bại không ngăn chận được sự xâm nhập của CSBV, không thắng được cuộc chiến vì chỉ lo phòng thủ, tự vệ. Nixon năm 1970 cho đánh qua hậu cần địch ở Miên thành công và năm sau cho đánh qua Lào thắng lợi lúc đầu nhưng sau phải rút chạy, cả hai cuộc hành quân (theo Nixon) có làm chậm lại kế hoạch đánh lớn của địch khoảng một năm. Nixon rất khó soay sở so với Johnson vì phong trào phản chiến đã lên rất cao, nhiều bạo động.

Navarre đã đề cập những khó khăn thất bại về chính trị tại Pháp do tuyên truyền địch và nhất là bọn chủ bại, bọn tìm hòa bình, đâm sau lưng chiến sĩ…chỉ tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến. Người Mỹ không những đã vấp phải thất bại y như thế nhưng còn bị nặng hơn gấp bội lần, nó đã làm đảo lộn mọi kế hoạch quân sự chính trị của Mỹ. Johnson-McNamara đã quá sơ hở, quá dễ dãi để các ký giả, phóng viên chiến trường sang Việt Nam quay phim chụp hình, về nước cho loan truyền phổ biến rộng rãi, nhất là những phim diễn tả mặt trận sôi động, cảnh chết người, nhà cháy.. để khích động phản chiến lên cao. Chính phủ không hề có sự kiểm duyệt đối với truyền thông báo chí, từ 1966 hơn 90% các gia đình Mỹ có TV, nó đã đem tin tức, hình ảnh chiến sự ghê rợn tới quảng đại quần chúng khiến cho phong trào chống chiến tranh tại Mỹ bùng nổ và lớn mạnh.

Nay nhiều người cho rằng chính truyền thông nhất là TV đã khơi dậy sự chống đối chiến tranh trong dân chúng qua những hình ảnh, bản tin tức của họ như trận tổng tấn công Tết Mậu Thân mà truyền hình báo chí đã đóng vai chính. Trong khi phía CS không hề thay đổi mục tiêu xâm lược thì cũng như Pháp trước đây, Mỹ đã chia rẽ trầm trọng nội bộ, xã hội phân hóa, người dân chống chủ trương của chính phủ, hai đảng  chia rẽ phá lẫn nhau, ngay như Mỹ và VNCH cũng đã có nhiếu bất đồng ý kiến. Cả Mỹ lẫn Pháp đều đã không đánh được giặc chia rẽ, đó là nguồn gốc cơ bản đưa cuộc chiến tới thất bại.

Navarre đã nói về những sai lầm, thất bại trong Việt Nam hóa chiến tranh, vì quá trễ và và sự do dự của chính phủ, người Mỹ để tới 1969 mới thực hiện VN hóa chiến tranh mà đúng ra phải làm từ 1965 khi mới đem  quân vào VN. Sự hiện diện của người Mỹ một phần làm mất chính nghĩa, và điều quan trọng là số tổn thất nhân mạng ngày một lên cao đẩy mạnh phong trào phản chiến, từ 1965 cho tới 1968 tổng cộng có trên 35 ngàn lính Mỹ bị thiệt mạng kể cả tại mặt trận và vì những lý do khác. Ông Cao Văn Viên nói (Những ngày cuối của VNCH trang 19) VNCH vẫn phài nhờ vào yểm trợ của Không lực Mỹ như trong trận mùa hè đỏ lửa 1972, đó là nhược điểm của VN hóa chiến tranh. Sự thực cho thấy người Mỹ đã không viện trợ quân sự đầy đủ cho VNCH như CS quốc tế đã làm với miền Bắc. Ngoài ra sự can thiệp công khai ồ ạt của Mỹ đã khiến Tây phương, nhất là Pháp chống lại cuộc chiến của Mỹ.

Người Pháp và Mỹ cùng gặp một kẻ địch nghèo đói, chuyên đánh thí quân để đạt mục đích. CS sẵn sàng đánh tới cùng để thúc đẩy chia rẽ nội bộ đối phương và đã thành công, họ khai thác tối đa chiến lược “Chén sành chơi chén kiểu” để làm cho đối phương chán nản. Sự thất bại của McNamara về quân sự trong bốn năm 1965 -1968 đã đưa tới thất bại về chính trị, đấy phản chiến lên cao. Mặc dù Mỹ đã gây tổn thất trầm trọng cho BV gấp 10 hoặc 15 lần so với thiệt hại của mình nhưng CS vẫn tiếp tục thí quân để gây chia rẽ trong nội bộ Mỹ và thúc đẩy người dân chống chiến tranh.

CS đã khai thác tối đa sự chia rẽ nội bộ của đối phương qua hai cuộc chiến và nhất là đối với Mỹ. Mọi người đều biết hiện tượng đảng nọ phá đảng kia, không được ăn thì đạp đổ. Thua đau trong cuộc bầu cử Tỗng thống năm 1972, Dân Chủ nhờ nắm Quốc hội đã vô hiệu hóa mọi chính sách của đảng đối lập về cuộc chiến VN  đưa tới sụp đổ toàn diện.

CS đã nắm được cái yếu của của đối phương, của các nước dân chủ tự do là luôn chia rẽ, điển hình nhất là tại Mỹ, chia rẽ giữa người dân, giữa hai đảng, giữa Hành pháp và Lập pháp, giữa bảo thủ và tiến bộ… Họ thừa cơ nước đục thả câu để tạo thuận lợi đạt mục đích. Người Pháp phải rút khỏi Đông Dương vì bại trận tại Điện Biên Phủ, người Mỹ cuối cùng cũng rút nhưng họ nói không thua trận mà là rút bỏ. Cho dù giải thích thế nào thì cũng phải coi đó là một sự thất bại.

Cũng có người Mỹ nói  (Wikipedia) hình ảnh chiếc xe tăng T-54 ủi sập cánh cửa dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 tượng trưng mãi mãi  cho sự thất bại của Hoa Kỳ trong công cuộc  ngăn chặn CS tại VN. Mặc dù Mỹ đã tiêu diệt được một triệu tên địch nhưng vẫn bị coi là thất bại. Sự chia rẽ nội bộ đã khiến cho Mỹ phải chấp nhận thất bại trước kẻ địch cố đám ăn xôi giành chiến thắng

Mặc dù bại trận nhưng Pháp rút khỏi Đông Dương trong trật tự và danh dự. Họ đã tạo cơ hội cho người dân muốn tìm tự do, những người theo Pháp, làm việc với Pháp, được vào nam trong thời hạn ba trăm ngày để tránh bị trả thù, và đã có gần một triệu người di cư vào nam năm 1954. Người Pháp đã tìm được một lối thoát hợp tình huống cho những người không chấp nhận CS Việt Minh hà khắc.

Người Mỹ thường nói họ tìm hòa bình, ra đi trong danh dự nhưng trên thực tế cuộc rút lui bỏ chạy khỏi Nam Vang và Sài Gòn của họ tháng tư 1975 thật ra lại tồi tệ hơn Pháp rất nhiều. Những người cộng tác với Mỹ bị bỏ lại rơi vào tay địch, bị trả thù, hãm hại, giam cầm lâu dài trong các trại tập trung. Các ông Đại sứ cuốn cờ tháo chạy vào giờ thứ 25 tại Miên, VNCH  khiến người ta có cảm tưởng như họ không quan tâm gì tới danh dự của một siêu cường.

Đi theo vết xe đổ của người Pháp, người Mỹ đồng thời đã để lại những tì vết không mấy đẹp đẽ trước lịch sử loài người.

Trọng Đạt
____________________________

Tham khảo:

Henri Navarre: Agonie de l’Indochine, Paris , Librairie Plon, Les petis-fils de Plon et nourrit, 1956.

Richard Nixon: No More Vietnams , Arbor House, New York 1985

Bộ Tổng Tham Mưu, Quân sử 4, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Trong Giai Đoạn Thành Hình 1972, Đại Nam Tái bản

Cao Văn viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, bản dịch của

Nguyễn kỳ Phong, Vietnambibliography 2003

Chánh Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1945-1975, Văn Hóa 2000.

Ngô Quang Trưởng: Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh Năm 1972, Trung Tâm Quân Sử Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, bản dịch của Kiều Công Cự, xuất bản 2007

Staline, Những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Lê Nin, Sài Gòn 1976

Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.

Robert s. McNamara: In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam ,

First Vintage Books edition, New York 1996

Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006

Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999

Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war

www.answers.com/topic/domino-theory

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...