Tai Bay Vạ Gió!
Nguyễn ngọc Vỵ
Đem chuyện này kể với vài người bạn, tất cả đều bảo....Không lạ đâu, ông delete như vậy là đúng. Nhưng rồi sau đó lại có người hỏi.... Có nhận được email của họ không, chuyện quan trọng mà! Thế là sau đó, phải kiên nhẫn dò từng tên..... Hôm nay (Oct/11/12) cũng vậy, dò mãi.... gần cuối hộp thư... thấy có cái tên: Dieu Nguyên... Biết ngay là Nguyễn đắc Điều..... Ông bạn thân ba bốn chiều chứ đâu ít: Bạn Trung học, bạn học Hành chánh, bạn học Quân sự, lại còn là một trong 4 bạn 'Phù Rể' của tôi nữa....nên mở ngay xem Điều gửi chi cho mình.
Đúng ra là Điều gửi một bài viết của nhà văn Phạm Tín An Ninh cho bạn Lê tấn Nhiễu, Cựu Phó Tỉnh Trưởng Ninh Thuận để bạn Nhiễu đọc "chơi" vì trong đó có nhắc tới TT Phan Rang, sẵn đó Điều CC cho tôi.
Với cái tên PTAN, không xa lạ, nên khi biết là bài viết của anh, thì trực giác bảo ngay: Lại được đọc thêm một chuyện ... viết về quá khứ. Nguyên cái tên của bài viết cũng đã cho thấy như vậy!
Thế là đọc ngay, mới đọc đoạn đầu đã thấy một số hình ảnh.... vận ngay vào cái tuổi mới lớn của mình! Thích thú đọc, vừa đọc vừa cười, không cười sao được khi đám lính trẻ "chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ"! Càng cười thêm khi thằng bạn cùng khóa với PTAN, to gan, dám tán tỉnh cô bé lớp đệ lục, con chủ tiệm bán đồ gỗ cạnh chợ Tuy Hòa, để rồi ngồi ngẩn tò te nghe các bạn buộc cho tội "dụ dỗ gái vị thành niên!
Chuyện của PTAN xem ra rất nhiều 'hậu tính'. Rất nhiều an ủi và khích lệ... Tình bạn, tình thầy trò, cấp trên bên thuộc cấp... Vui nhất là với cuộc sống nay đây, mai đó, trong một đất nước chiến tranh triền miên, mạng sống thật mong manh... Thế mà vẫn có dịp tìm, gặp lại người xưa. Vui tới mức dư âm bản Không tên số 2, với giọng hát Phú Yên nồng ấm, đầy cảm xúc... sau bao năm tháng dài, nay vẫn còn văng vẳng bên tai!
Phải nói là PTAN có một trí nhớ ... thật tuyệt vời! Nếu nghe PTAN diễn tả về tâm tình, cảm xúc trước những cảnh sống trắc trở, éo le, còn có thể nghi ngờ PTAN nói xa sự thực, nhưng khi đọc những thực tế địa danh, từ những đô thị sầm uất đến nhưng nơi hẻo lánh, rừng thiêng, từ những làng mạc vùng duyên hải xanh tươi, đầm ấm đến những buôn ấp, khỉ ho, khô cằn miền cao nguyên đất đỏ... nhất là khi nhắc tới những nơi chính bản thân kẻ viết mấy giòng này từng sống như Quảng Đức, Cam Ranh, Bình Định, thì những chuyện VC đắp ụ, phá cầu hay phục kích, bắn tỉa... lại hiện rõ trong đầu, đặc biệt là những tình tiết PTAN nhắc tới nơi xứ 'buồn muôn thuở' thì nếu bảo trí nhớ của PTAN là 'tuyệt vời'...đâu phải là lộng ngôn!
Phải chăng...'trí nhớ' là một khả năng thiên phú... (thiên bẩm, thiên tính...)? Khả năng này hoàn toàn khác biệt giữa mỗi cá nhân! Có kẻ phát triển mạnh, có kẻ yếu! Con người chúng ta... bên ngoài không giống nhau, tất nhiên bên trong về tâm tình, cảm xúc, tư tưởng... dĩ nhiên không phát triển đồng đều, giống nhau được.
Nội dung câu chuyện 'Tuy Hòa - Thương Ghét' này, đủ chứng minh cho nhận xét của tôi. Thú thật, có lúc tôi đã phải tự hỏi: Hay là PTAN đã chú tâm ghi lại tất cả những gì xảy ra trong suốt giòng đời của anh? Nghĩ vậy thật nhưng rồi tự giải tỏa: Không tin PTAN làm được chuyện này! Khẳng định thế vì... dù cho PTAN có ghi chăng nữa thì cũng chỉ ghi những sự kiện quan trọng thôi chứ làm sao ghi lại từng chi tiết nhỏ nhặt quá như trong những chuyện PTAN đã tường thuật. Viết lại được từng ấy chi tiết, đích thị phải là người có một trí nhớ phi thường.
Tránh bị mang tiếng là "N"...'nói' quá chăng? Nhận xét sau đây, có thể là chủ quan nhưng dễ dàng chấp nhận: Sở dĩ những chuyện PTAN kể chúng ta nghe luôn gây được cảm xúc nơi người đọc, chính vì PTAN đã SỐNG với..... SỐNG thực.... trong mọi hoàn cảnh, PTAN đã sống với tất cả cảm xúc chân thành của mình, để rồi những tình huống vui buồn, mặn nhạt ấy của cuộc sống đã thẩm thấu, in đậm vào não trạng anh.
Tôi bảo trí nhớ PTAN tuyệt vời vì ...cũng một thời, cũng mới ra trường, cũng chỉ mới vào đời được mấy tháng như anh, trong vai trò trưởng Ty Thanh Niên Bình Định, từng có dịp lui tới Tuy Hòa nhiều lần, vậy mà đâu còn nhớ được cái quán ăn nổi tiếng mà chính tôi cùng đội bóng tròn Qui Nhơn, những lần vào Tuy Hòa đấu giao hữu, đều đã có dịp đến đó ăn... Nay nhờ 'Tuy Hòa Thương Ghét' mà nhớ lại được giọng nói của người con gái Huế.... (phải chăng tất cả giọng gái Huế đều... khó quên!). Ngày ấy đâu có biết quán ấy... đã có ông Quan Thiết giáp hay Trung đoàn trưởng nào đó chiếm ngụ!
Chưa hết, chuyện "Tuy Hòa - Thương Ghét" của PTAN, vô tình còn đưa tôi về với ' Bụi mù trời' , nơi mà tháng 3 ngày 10 năm 1975, tưởng như chốn này đã là nơi gửi lại nỗi...'Buồn muôn thuở' cho vợ hiền và sáu đứa con dại!
Thú thật một điều... Đọc 'Tuy Hòa - Thương Ghét' của PTAN, không hiểu sao, tâm tư lại giao động, lòng tự ái bỗng dưng bị khiêu khích! PTAN trẻ hơn mình thì đúng rồi! Nhưng... không lẽ trí nhớ của mình nay đã tệ đến không còn nhớ được chi nhiều những chuyện từng xảy ra trong cuộc sống của mình trước đây?
Ôm đầu suy nghĩ...hồi tưởng!
Một trong những chuyện khó quên, nhờ nguồn hứng từ "Thương Ghét-Tuy Hòa", tôi nhớ diễn tiến, xảy ra thế này:
Khi chính biến ngày 1 tháng 11 năm 1963 xảy ra, đặc biệt là ngay sau khi tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là Ông Ngô Đình Nhu bị sát hại loan báo trên đài phát thanh Sài gòn thì Tỉnh Trưởng Bình Định lúc đó là ông Bùi thúc Duyên liền bị bắt giữ và thay thế bởi một Sĩ Quan cấp tá, liên tiếp những ngày sau đó, rất nhiều xáo trộn về nhân sự xảy ra nơi Tòa hành chánh Tỉnh cũng như tại các cơ quan an ninh và các ty sở ngoại thuộc. Trường hợp của tôi cũng không tránh khỏi cảnh hàng thần lơ láo! Thật...không khác chi Từ Hải, cứ ngồi đó (trụ sở Ty) chịu trận! Đời thuở nhà ai, ngay chiều ngày 2 tháng 11, một nhóm khoảng 9, 10 người, vừa đàn ông, đàn bà, già có, trẻ có, kéo đến trụ sở Ty Thanh Niên, hò hét một cách vô cùng huyên náo, đầy tính xách động, liền đó, công kênh nhau căng trùm lên tấm bảng 'Ty Thanh Niên' một biểu ngữ: “Đả đảo Trưởng Ty Thanh Niên Cộng Hoà”. Đọc biểu ngử này, quả thật tôi... 'Hồn vía lên mây'. Vừa sợ, vừa ấm ức... Mình là Trưởng Ty Thanh Niên chứ đâu phải Trưởng Ty Thanh Niên Cộng Hoà! Làm gì có Ty Thanh Niên Cộng Hoà! Khổ một nỗi là tôi lại cư ngụ ở sát ngay văn phòng làm việc của ty. Sau này được biết, trong chính biến 1 tháng 11 năm 1963, một trong những thành phần bị Hội Đồng Quân Nhân Cách mạng nhắm loại trừ ngay, chính là Trưởng Ty Thanh Niên, sở dĩ Ty Thanh Niên là mục tiêu người ta phải triệt hạ ngay chính vì lâu nay Ty Thanh Niên phụ trách sinh hoạt của Phong Trào Thanh Niên Cộng Hoà và Phụ nữ Liên đới. Họ ghét cay ghét đắng hai tổ chức này! Oan gia là ở chỗ đó! Thanh minh thanh nga với ai bây giờ! Đành ngồi...đợi người ta đến bắt, chẳng giám đi đâu!
Rõ ràng là tàu đắm, muốn sống, phải gắng mà bơi dù chẳng biết kiếm phao ở đâu hay hướng nào là bờ! Đang lúc cô đơn, vô vọng thì có tiếng người vừa kêu tên, vừa đập cửa khá mạnh, vội chạy ra mở cửa, sợ chậm lại có... chuyện thì mệt thêm, liếc đồng hồ, lúc đó là 5 giờ 25 phút chiều ngày 5 tháng 11. Cửa mở... vô cùng ngạc nhiên, nhận ra ngay là anh Liễn, Trưởng Ty Lao động chứ không ai xa lạ. Ty Lao động có trụ sở cùng dẫy nhà với Ty Thanh Niên, ngay trước bãi biển Qui Nhơn.. Mời vào trong, anh từ chồi, đứng ngay nơi cửa, nhìn tôi một chặp rồi nói:
-Khoẻ không? Tình hình mấy bữa nay 'căng' lắm phải không? Đã đi đâu chưa?
-Chưa dám đi đâu anh Liễn à. Hồi hộp lắm, ngồi nhà thôi!
-Cho anh biết, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng Tỉnh họp sáng nay, cứu xét những vấn đề liên quan đến đảng phái, kết quả, tên anh đã được loại ra khỏi danh sách những người bị bắt, vì khi truy cứu, không tìm thấy tên anh trong danh sách đảng viên Cần Lao, nếu có thì đã được mời đi cùng với ông Tỉnh, ông Phó Chính trị rồi.(Bình Định có 3 ông Phó: Phó Hành chánh, Phó Nội an và Phó Chính trị). Anh coi như thoát rồi đó, yên trí đi, cứ tự nhiên... có gì tôi cho hay.
-Cám ơn anh.
-Tôi là một trong những người duyệt xét danh sách Đảng viên Cần lao, đó là quyết định cuối cùng của HĐQNCM, không có gì thay đổi nữa đâu, thôi tôi về.
Quả thật phúc đức nhà tôi còn, chỉ ít ngày sau đó, tôi nhận được lệnh trình diện Tỉnh Trưởng. Bàn giao chức vụ Trưởng Ty Thanh Niên cho một nhân viên do Hội đồng Quân nhân Cách Mạng chỉ định, sau đó, ngày ngày đến ngồi … chơi nơi phòng nhân viên tỉnh, đợi lệnh.
Ngồi ngẫm sự đời nơi phòng nhân viên tỉnh được đúng hai mươi ngày thì có Sự vụ lệnh cử đi làm phó quận Phù Cát, một trong 10 quận của tỉnh Bình Định. Quận đường Phù Cát nằm ngay cạnh quốc lộ 1, giữa Quận An Nhơn và Phù Mỹ.
Câu chuyện tôi muốn kể lại đây là...đảm nhận chức vụ Phó quận Phù Cát chưa được bao lâu thì Tướng Đỗ Cao Trí về đảm nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn II kiêm Đại Biểu Chính Phủ Vùng II chiến thuật. Một buổi sáng mùa hè, trời thật đẹp, theo thông lệ, khởi đầu một ngày làm việc bao giờ cũng là đọc cho hết số công văn, công điện mới tới. Thật ngỡ ngàng khi đọc tới một công điện có nội dung thế này: Lệnh của Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II kiêm Đại Biểu Chính Phủ Vùng II chiến thuật: Tất cả những cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, tốt nghiệp khóa 3 Sĩ Quan Hiện dịch năm 1962, tại Quân Trường Đồng Đế Nha Trang, hiện giữ chức vụ Phó Quận Trưởng các quận thuộc Vùng II chiến thuật, trong giờ làm việc, phải mặc quân phục và đặc cách mang lon Trung Úy”.
Đọc đi đọc lại nội dung công điện trên, ngắn, gọn, quá rõ ràng, chẳng có gì khó hiểu, nhưng sao tôi vẫn cứ nghi hoặc thế nào ấy! Liệu mình phải thi hành ngay không? Thời gian ấy Bình Định chi có mình tôi là Phó Quận tốt nghiệp khoá 3 Sĩ quan hiện dịch Đồng Đế mà thôi. Để mọi việc được sáng tỏ, chắc ăn nhất là về Tỉnh tìm hiểu xem chuyện này ra sao. Cuối tuần, tôi về tỉnh vừa để tìm một xác nhận, vừa sẵn dịp mua vài thứ liên hệ đến cái lệnh này, nếu như phải thi hành ngay.
Mặc dầu phải thi hành nhưng tôi vẫn thấy nó ngài ngại làm sao ấy. Khi không xuất hiện trước bà con, nhất là anh em Quân, Cán Chính, bỗng dưng mình ăn mặc như vậy, thiên hạ sẽ nghĩ mình thế nào, muốn gì đây mà lại đổi cách ăn mặc! Chắc là trơ trẽn lắm! Thật ra, khi biết chính Tướng Đỗ cao Trí đã trực tiếp chỉ thị cho các Tỉnh Thị Trưởng trực thuộc quyết định của ông ngay trong buổi họp các cấp Chỉ huy Vùng mới đây, tôi không ngạc nhiên lắm. Tôi hiểu ngay lý do của quyết định này. Đích thực là Tướng Đỗ Cao Trí đã có niềm hãnh diện rất cao về Quân Trường Đồng Đế, địa danh đã đào tao hàng trăm ngàn Hạ sĩ quan gan dạ, giẻo dai, can trường cũng như nhiều ngàn Sĩ Quan hiện dịch ưu tú, dũng mãnh, giầu kinh nghiệm chiến đấu. Đồng Đế cũng là Quân trường mà Ông nắm chức Chỉ Huy Trưởng nhiều năm. Tôi là một trong số những anh em QGHC tham dự khoá 3 Sĩ Quan hiện dịch dưới thời Ông Chỉ huy.
Ngày đầu tiên mặc quân phục đi làm, nghe những âm thanh xì xèo quanh mình, tôi hiểu là bà con ngạc nhiên lắm, họ đang nghĩ, đàm tiếu gì về mình đây! Ngay hai ba chú nghĩa quân, tà lọt thân tín của chính mình, cũng vừa cười vừa hỏi:
-Từ nay tụi em vẫn gọi ông là ông Phó hay là…Trung Úy vậy cơ? Mặc thế này trông Ông Phó le lắm!
-Không phải tôi thích le đâu nhá, lệnh trên bắt mặc thì phải mặc, nhưng chỉ trong giờ làm việc thôi, cứ xưng hô như trước đi.
Thế rồi … Một hôm, Quận phối hợp với Tiểu khu, tổ chức hành quân, thời gian lâu mau, ở đâu cũng như mục tiêu của cuộc hành quân, tôi hoàn toàn không biết gì cả.
Bất ngờ, giữa trưa hè ngày thứ bảy nóng bỏng, đang nằm nghỉ mệt sau khi chơi bóng chuyền với anh em quân nhân đồn trú trong quận thì thằng ‘tà lọt’ hối hả chạy vào phòng: Trình ông Phó, Trung Tá Tỉnh Trưởng tới.(1) Nghe thế, vùng ngay dậy vớ vội chiếc áo trailli vẫn thường mặc mọi ngày chạy ra đón, vừa chạy vừa nghĩ: Ông Quận đi vắng thì Phó quận ra đón ông Tỉnh là trúng cách rồi. Chạy tới trước mặt ông, vừa vung tay chào thì đã nghe ông lớn tiếng:
-Tình hình hành quân thế nào? Sĩ quan gì mà giờ này lè phè thế này?
Chưa kịp trình chi thêm thì ông đã lại tiếp:
-Trung Úy…(ông không biết tên tôi), quận còn bao nhiêu lính? Tập trung hết cho tôi.
Đứng nghiêm chào ông một cái rồi chạy vào sau quận đường, đánh kẻng tập họp, một lát sau, đếm được 16 mống. Chạy trở ra báo cáo:
-Trình Trung tá, có 16 quân nhân hiện diện.
-Anh hướng dẫn 1 tiểu đội, xuống xã Cát Chánh, tìm cách liên lạc với cánh quân Thiếu úy Hùng, đại đội trưởng Địa phương quân, báo cáo rõ tình hình ở đó cho tôi.
Lệnh ban ra thì phải thi hành, chiếc xe Dodge chở 12 quân nhân, tôi và anh tài xế, cộng là 14 người, nhắm hướng xã Cát Chánh mà chạy. Quan sát Tiểu đội quân nhân xung trận bất ngờ này, thấy tinh thần anh em khá căng thẳng, họ to nhỏ, xầm xì với nhau đủ chuyện, ngó lại mình bỗng thấy khi không lãnh cái ‘dụ’ này thật vô duyên! Đúng là tại cái lon trên trời rơi xuống này chứ không sai. Cầu mong cho chuyến đi này được an toàn, chẳng may mà có chuyện… thì oan gia lắm, kêu, than với ai đây!
Thoáng một cái, xe đã tới gần chân núi Bà. Đang khi xe ngon trớn trèo dốc, ai nấy tay ghìm chặt súng, mắt chăm chăm nhìn về hướng núi, thì... một tràng liên thanh từ phía núi Bà lia tới, chỉ kịp la được mấy tiếng... phục kích, phục kích, rồi là im hết. Giây lát sau nhận ra là xe đã bị lật! Người và súng đạn tung tứ phía, tôi văng ra cùng một chỗ với hai ba quân nhân. Nhờ còn chút tinh thần Đồng Đế, tôi lên tiếng hỏi trước và khi biết được không ai bị trọng thương, bèn ra lệnh tất cả kiểm soát lại vũ khí, đạn dược, chiếm vị trí tốt mai phục và sẵn sàng chiến đấu nếu địch xuất hiện, đồng thời cho truyền tin báo cáo về Quận và liên lạc với xã Cát Tài gần đó, yêu cầu ra tiếp viện.
Thật là phước đức, không một ai bị đạn hay bị xe đè! Tất cả được anh em nghĩa quân Cát Tài đưa về trụ sở xã, sau khi báo cáo đầy đủ về biến cố vừa xảy ra, chúng tôi ở lại xã Cát Tài, hôm sau mới về quận.
Sáng hôm sau, về tới quận đã thấy ông Quận (2) ở nhà. Tôi hiểu là cuộc hành quân đã chấm dứt, bèn tường thuật nội vụ xảy ra trên đường đi Cát Chánh chiều hôm trước cho ông nghe, thâm tâm nghĩ khi nghe kể sự việc như thế, hẳn là ông sẽ nể phục mình lắm, nhưng không, mặt ông tỉnh bơ cứ như chẳng có gì quan trọng xảy ra, đã thế còn nói: Sao ông Phó không về ngay tối hôm qua! Nghe hỏi mà buồn! Nản vô cùng!
Tưởng chuyện như thế là xong, ai ngờ 1 tuần sau, không hiểu viên Thiếu Uý Đại Đội Trưởng ĐPQ, Chỉ huy một mũi tiến quân, đã phạm lỗi gì đó trong khi hành quân và anh ta đã bị Tiểu khu phạt cách nào... bị thuyên chuyển hay mất chức Đại Đội Trưởng, tôi không biết, chỉ biết là anh đang xách súng đi tìm tôi … để hỏi xem tôi đã báo cáo gì với Tiểu khu để đến nỗi anh ta bị phạt.
Thật là kinh khủng, may mà mấy anh em quân nhân báo cho biết chứ không thì chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra cho tôi. Thiếu Uý Hùng (3) cho là chính tôi đã báo cáo thế nào đó về cánh quân của ông nên ông mới bị phạt, nhưng thực tình thì tôi có báo cáo gì liên hệ đến cuộc hành quân đâu, chỉ báo cáo chuyện chúng tôi bị bắn chặn thôi. Sau vụ chết hụt, mừng thấy ông Nội, được anh em Nghĩa quân Cát Tài đưa về trụ sở xã an toàn, làm một giấc thẳng cẳng, sáng dậy, thày trò kéo nhau về Quận, chỉ có thế, không hề báo cáo gì khác với Tiểu Khu.
Biết là Thiếu uý Hùng đang lùng mình để… để... Thấy ở lại Quận quá nguy hiểm, sáng sớm hôm sau, tôi dọt về tỉnh ngay. Về tới tỉnh, tôi vô trình diện Ông Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh Tôn Thất Văn, trình bày nội vụ và thưa với ông một cách dứt khoát:
-Thưa Ông Phó, trường hợp của tôi khá đặc biệt, xin Ông hiểu cho, tôi chỉ trở về Phù Cát khi nào Tỉnh hoàn toàn bảo đảm an ninh cho tôi mà thôi.
Trình như vậy, tôi biết chắc là không ai dám bảo đảm và như thế là tôi ở lại Thị xã một cách hợp pháp, không sợ bị cho là bỏ nhiệm sở. Hai ngày sau, ông Phó Văn hướng dẫn tôi trình diện ông Tỉnh. Bước vào văn phòng, tôi thấy Trung Tá Tỉnh Trưởng ngước mắt nhìn tôi cách hơi khác thường, tôi lên tiếng chào và thưa:
-Trình Trung Tá, tôi là Phó Quận Phù Cát…
-Anh là Trung Uý… Đúng rồi, xin lỗi nhé, lúc đó tôi tưởng anh là Sĩ quan chuyên nghiệp chứ, Sĩ quan mà lè phè trong trường hợp đó thì rất đáng bị la phải không?
Tôi thưa tiếp:
-Cũng tại cái lon Trung Uý phải không ạ? Chút xíu tôi chết oan!
Ông cười nhạt:
-Vậy đấy hả, tôi đâu có nhớ vụ Thiếu Tướng Tư Lệnh buộc các anh phải mang lon như thế,
Tỉnh mình có những ai?
-Thưa, tỉnh này chỉ có mình tôi.
Tôi vừa dứt lời thì ông đứng dậy bước tới gần, đưa tay bắt tay tôi, vừa cười vừa nói: “Theo kế hoạch hành quân thì cánh quân Thiếu Uý Hùng phải vượt qua ngọn đồi phía tây núi Bà để tiến tới mục tiêu, hắn ta sợ mệt bèn tắt máy truyền tin, đi theo triền núi, bộ Chỉ huy hành quân không liên lạc được, đó là lý do tôi bảo anh đi Cát Chánh đấy, thôi chuyện qua rồi...”
Nói thế rồi ông quay sang ông Phó Tỉnh Trưởng:
-Ông Phó sắp xếp cho anh Vỵ làm việc tại toà tỉnh, cũng nên kiếm người cử đi Phù Cát ngay cho họ có người làm việc.
Nguyễn ngọc Vỵ
____________________________
(1)-Sau Ông lên Tướng, chỉ huy Sư đoàn, tù 11 năm, Ông mất tại VN tháng 7/2011.
(2)-Tỵ nạn với cấp bậc Tr. tá. Định cư tại Hoa Kỳ.
(3)-Tử trận trước 3/1975.
Là những trang hồi ký gây xúc động cho những người cùng thời với tác giả, giống như thấy lại một người bạn cũ đã nhiều năm không gặp. Hầu như ai cũng quên đi gần hết những sự việc đã qua vì quá lâu, hơn nữa chúng không còn quan hệ thiết thân với cuộc sống hiện tại.
ReplyDeleteCó điều tôi hơi ngạc nhiên về chi tiết được tác giả đưa ra khi Ông Trung Tá Tỉnh trưởng gọi Trung Úy ra lệnh tập trung lính lại thì có cái mở ngoặc kỳ cục nằm ở đó.
- Khẩu lệnh nhà binh thì phải ngắn gọn và khi ra lệnh chỉ cần gọi cấp bậc chớ có ai gọi thêm cái tên theo sau nữa làm chi?
- Áo người lính nào mà chẳng có bảng tên trên nắp túi áo phải kể từ lúc bước chân vào quân trường? Chữ in to đùng đứng cách xa 10 mét cũng còn thấy. Ai thích kêu tên là đúng ngay bóc thôi.