Thông thường, mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 ở đây thì cờ xí rợp trời với những biểu ngữ ca tụng ngày chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền nam tiến tới thống nhất đất nước, nhưng nó ít khi tác động đến tâm tình của tôi lắm vì nó cứ diễn đi diễn lại hàng năm nên đâm ra…nhàm!
Sáng hôm qua ngồi quán cà phê vỉa hè nhấm nháp ly cà phê đầu ngày, tay vơ lấy tờ nhật báo kế bên thấy có một bài viết về chuyện trao trả tù binh sau khi bốn bên ký kết Hiệp định Pa-ri. Đọc vài dòng đột nhiên chuyện cũ dưng không quay về trong đầu óc nhưng quả tình tôi không hề mong muốn như vậy.
Nhân đây, tôi muốn ghi lại vài dòng về sự kiện lịch sử đó bằng một câu chuyện của người thật việc thật hầu các bạn.
Tôi cứ phân vân không biết mình sẽ ghi lại bằng hình thức nào đây? Đó chẳng phải là một bài tường thuật vì như thế sẽ không được phép bỏ sót một sự kiện nào đã diễn ra. Nếu là một bài hồi ký thì phải có yếu tố văn chương trong đó. Nếu là ghi chép thì phải có tính thời sự và nóng hổi mới có giá trị. Còn nếu hiểu như một bài mô tả sự kiện thì nó lại không đúng như ý tôi. Suy đi nghĩ lại với ít nhiều phân vân, cuối cùng tôi chọn cái cách mà tôi cho là đúng nghĩa nhất: Kể chuyện. Bởi tôi nghĩ trong một câu chuyện kể lại thì có thể là nó đã xảy ra trăm năm trước hay mới vừa đây thôi. Có thể trong đó xác suất của sự sai lệch sẽ được người ta châm chế đôi phần. Có thể người kể bỏ sót điều nầy điều nọ hay nhớ không chính xác những sự việc đã xảy ra, nhưng tựu trung câu chuyện được kể lại tuy không hoàn chỉnh nhưng cũng làm người nghe hiểu hết được.
Mùa hè năm 1972 là một mùa hè “đỏ lửa” nhất như tiền bối Phan Nhật Nam của tôi đã đặt tên. Nhưng ngọn lửa ác liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam đã được manh nha từ trước Tết Âm Lịch. Tôi đã phải dẫn Trung Đội của mình dãi nắng dầm sương từ rất lâu quanh quanh vành đai phòng thủ Sài Gòn. Mỗi đêm nằm phục kích ngoài bờ bụi hứng sương ướt đầm cả tấm poncho như bị xối nước mà ngước mắt nhìn về phía ánh đèn đô thị dội lên mờ tỏ những đám mây đêm lang thang vô định rồi ngẫm nghĩ mà xót thương cho thân phận trai trẻ của mình. Đó không phải là một cuộc sống với những hy vọng vào ngày mai sáng lạn mà chỉ là một cuộc chờ đợi miên viễn hàng đêm. Chúng tôi chờ đợi bão lửa trút xuống đầu mình, chờ đợi những đầu đạn nhọn hoắt nóng bỏng căm thù ghim vào thân thể mình, chờ đợi tiếng xung phong đầy nặng căm thù tràn ngập phòng tuyến, chờ đợi những mũi lưỡi lê AK bằng Inox nhọn hoắt xuyên thủng tim mình, chờ đợi dòng máu chảy tuôn tràn, chờ đợi một sự banh thây… Chúng tôi đơn độc quá với sự sợ hãi triền miên trong bóng đêm mịt mùng. Chẳng có một ánh hào quang nào lóe sáng trong những buổi tối tháng chạp gần giáp Tết ấy. Và tôi nghĩ những người tuổi trẻ ở phía bên kia chắc cũng cùng tâm trạng như chúng tôi.
Dẫn quân lang thang lếch thếch mấy tháng dài, tôi được lệnh triệu hồi về hậu cứ rồi thảy ngay ra tiền phương trong đêm để chuẩn bị cho những trận đánh lớn đã được dự báo. Chẳng có một sự bất ngờ nào trong chiến tranh cả như người ta vẫn hô hào và ca tụng về lối đánh thần tốc táo bạo gì gì đó vì hai bên ai cũng thủ miếng từng đường đi nước bước của nhau. Bộ Tổng Tham Mưu có một phòng tên gọi Trận Liệt Đồ. Ở đó, họ có đầy đủ thông tin những lực lượng đối phương đang tập kết ở đâu với quân số bao nhiêu và đang chuẩn bị điều gì? Và họ sẽ đề nghị điều phối lực lượng chống trả theo sự ước đoán tình hình của họ. Khoản nầy thì mấy tay phóng viên chiến trường của Đài Phát Thanh BBC là số một. Những ước đoán của họ được phát đi trên sóng phát thanh hàng ngày đều diễn tiến chính xác. Tuy vậy, nghi binh vẫn là một trong những chước học được của người xưa mà nhân vật điển hình là Khổng Minh Gia Cát Lượng khi đấu trí với Châu Do. Hiệu quả đến nổi trận chiến Xích Bích thời Tam Quốc còn để lại câu nói cảm thán không phai mờ theo thời gian dù biết bao thiên niên kỷ đã trôi qua: “Trời đã sinh Do sao còn sinh Lượng?”.
Chúng tôi đã quay cuồng như những thằng điên suốt một năm ròng với lửa đạn. Sự lợi hại của chúng tôi khiến tọa độ tiền phương của đơn vị trở thành một cái gai nhọn nhức nhối cần phải nhổ bỏ nhanh gọn. Bằng chứng là 2 trận pháo hỏa tiễn 122 li đổ xuống đầu đơn vị chúng tôi chính xác đến từng xăng-ti-mét. Khá khen thay cho những anh đề-lô của phía bên kia! Chẳng cần phải tốt nghiệp loại ưu từ trường Sĩ Quan Pháo Binh Dục Mỹ, họ chấm điểm pháo quá tuyệt vời! Nhưng như tôi đã từng nói, trong chiến tranh hay hổng bằng hên. Ngay quả hỏa tiễn đầu tiên đã rơi đúng điểm tập họp điểm danh hàng ngày của chúng tôi không sai một li. May mà chúng tôi vừa tan hàng trước đó khoảng 10 phút, không thì chẳng còn sót một móng. Bão lửa đã cày xới tan nát cả một vùng. Ai đã từng hứng chịu một trận pháo hỏa tiễn 122 li mới biết đến tiếng kêu hú của Thần Chết ghê rợn thế nào khi một quả hỏa tiễn quá tầm bay ngang trên đầu. Chung quanh chúng tôi trống hoác, chỉ có những ngọn cỏ hoang xơ xác trong mùa khô cằn cỗi phất phơ. Bản năng sinh tồn biến chúng tôi thành những con chuột chui rúc xuống những rãnh thoát nước hay những ống cống bằng tôle của Mỹ mà giữ cái mạng con sâu con kiến của mình. Cũng may là sau trận pháo cấp tập ấy, đơn vị chúng tôi gần 150 người không hề bị một trường hợp thương vong nào. Khi im tiếng pháo ló đầu lên quan sát thì tất cả đã tan nát. Đúng là một bãi chiến trường.
Sáng sớm tinh mơ ngày 27 tháng 1 năm 1973, đang còn nằm lơ mơ trên tấm ván ép của Mỹ thì lại hứng thêm một trận pháo hỏa tiễn 122 li nữa. Chúng tôi hoàn toàn mù tịt không biết là cuộc Hội đàm Pa-ri kéo dài mấy năm đã kết thúc bằng một Hiệp định ngưng bắn, nhưng dường như đây giống như “vớt cú chót”, chúng tôi đã lãnh đạn gấp hai lần trước. Mấy chiếc máy bay đậu gần đó đã trúng hỏa tiễn tan nát phần đầu. Tôi lăn xuống đất bò về phía một rãnh thoát nước trong khi khung lều của tôi bị tiếng mảnh hỏa tiễn găm vào giống tiếng mưa đầu mùa dồn dập. Rồi cũng chẳng thằng nào bị làm sao cả ngoài những vết trầy xước do vướng phải kẽm gai thôi. Riêng mấy chàng không quân chui vào một conex tưởng là tránh được mảnh pháo, nhưng ai dè lãnh trọn một trái hỏa tiễn banh xác không còn một ai. Không nơi nào che chở sinh mạng con người hiệu quả bằng đất. Đất đã nuôi dưỡng ta rồi che chở cho ta thoát khỏi những hiểm nguy. Châm ngôn trong chiến tranh đấy!
Rồi ngọn lửa mùa hè khốc liệt ấy cũng tàn phai. Rút về hậu cứ một thời gian ngắn, tôi nhận được một Sự Vụ Lệnh ký từ Bộ Tổng Tham Mưu chỉ định làm nhiệm vụ đi trao trả tù binh. Một nhiệm vụ nghe lạ hoắc. Nhưng suy cho cùng, bất kỳ tấn tuồng nào cũng phải có đào có kép mới đủ bộ sậu. Có kép mùi, có kép độc, có đào thương, có đào lẳng, có mấy thằng hề…và tôi được quân đội khoác cho cái áo thằng hề trong tấn tuồng nầy. Có mặt cho có tụ vậy thôi chớ chẳng mang ý nghĩa chi.
Xách Sự Vụ Lệnh xuống Quân Vận Khu chờ phương tiện mấy ngày mới có chuyến bay đi Phú Quốc. Chúng tôi được đưa đi bằng một chiếc vận tải cơ C7 Caribou của Úc Thòi Lòi. Thằng nầy thì tôi đã nhảy dù với nó rồi nên chẳng còn lạ lẩm gì. Tôi mò lên phòng phi hành đoàn để coi cái củ khoai Phú Quốc nó hiện lên màn hình ra-đa chơi. Chúng tôi đáp xuống sân bay quân sự dã chiến An Thới nằm sát mép biển được làm bằng những tấm vỉ sắt của Mỹ kết lại đặt trên nền cát trắng. Kéo nhau vào một cái nhà gỗ dã chiến gần đó là chỗ nghỉ tạm của khách chờ máy bay về đất liền giăng võng nghỉ ngơi. Phía trong xa là trại giam tù binh lớn bậc nhất vào lúc đó. (“Lấy củi đậu nấu đậu”. Chính cái trại giam tù binh khổng lồ ấy sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 là nơi giam giữ các sĩ quan trình diện cải tạo được chuyển ra từ đất liền bằng tàu vận tải mà chủ yếu là ở trại Long Giao-Long Khánh. Chắc thời gian ở trại Phú Quốc nếm quá nhiều cay đắng nên khi tập trung tất cả lại ở Bù Gia Mập-Phước Long thì số trốn trại phần lớn xuất thân từ trại giam tù binh Phú Quốc). Và những chàng Quân cảnh mới ra trường đều phải dạo chơi ở đây 2 năm mới được vào đất liền. Đêm nằm tòn teng trên võng nghe gió biển gầm rú ngoài kia, nhìn chòm ánh sáng mờ ảo hắt lên nền mây từ bên phía đảo chính Dương Đông mà ao ước được đặt chân qua để nghe mùi nước mắm nhĩ cá cơm nổi tiếng. Khung cảnh chung quanh đìu hiu quá!
Ngay thời điểm đó trong trại giam tù binh đã xảy ra một sự việc lớn có ảnh hưởng xấu đến việc trao trả giữa hai bên. Một chàng Trung Sĩ Nhất Quân Cảnh trong chuyến trao trả tù binh ở mật khu Thiện Ngôn-Tây Ninh đã ghé qua thăm nhà mình tại Trảng Bàng. Khi bước chân về đến sân nhà thì hỡi ơi! Mái tranh nghèo cùng Cha Mẹ anh em của anh đã bị san bằng bởi một quả pháo cầu âu bắn ra từ phía bên kia. Trở lại Phú Quốc trong một cơn say, anh đã xả súng vào phòng giam Sĩ Quan tù binh Bắc Việt. Vậy là một cuộc chống đối bạo động đã nổ ra và làm ngưng trệ thời gian biểu trao đổi. Và người trấn áp cuộc bạo động đó theo chỗ tôi nghe là Trung Úy Hiển có một thời là trưởng đồn Quân Cảnh ở Banmêthuột mà tôi đã được biết. Đó chính là nhà thơ Hoàng Khởi Phong bị kỷ luật phải lai đáo trại giam tù binh Phú Quốc lần thứ hai. (Thủa ấy, anh đã in được một tập thơ trong đó có 2 câu tôi còn nhớ hoài: “Khi chết đi, gương mặt tôi bỗng trở thành vết chém, Vô cùng sâu trong tâm tưởng các người”. Hào khí chưa! Bây giờ thì anh vẫn chưa chết và nếu điều đó có xảy ra thì còn ngồi ở đây tôi nghĩ vết chém đó nó…cạn xợt! Giá như chân dung của anh được trưng bày bên cạnh Nguyễn Đình Bảo và Trần Thế Vinh thì có lẽ sẽ được độ sâu…như ý ngay!). Sau “công trạng” ấy, anh được thăng lon Đại Úy và được trở về đất liền. Thì như đã nói ở trên, đây chỉ là một câu chuyện kể theo cái biết của cá nhân tôi nên có thể độ chính xác không cao.
Phi trường dã chiến An Thới được bao bọc xung quanh bởi mấy lớp kẽm gai concertina. Gió biển cứ thổi thông thốc lồng lộng vào chỗ chúng tôi nằm. Nằm chán lại mò ra mấy cái quán nước nhỏ xíu gần đó chuyên bán cho lính uống tách cà phê, nghe vài bản nhạc lính ẻo ượt do “danh ca Lính Chê” ra rả suốt ngày cho lấp đầy khoảng thời gian trống trải dài thườn thượt.
Mỗi ngày, từng toán tù binh được xe GMC chở ra phi trường từ trại tù phía trong sâu kia kèm theo một danh sách. Chúng tôi sẽ làm trưởng toán nhận lấy danh sách và đám tù binh, điểm danh đầy đủ xong thì tập họp lại sau đuôi những chiếc C130 chờ sẵn. Nhiệm vụ chúng tôi là phải nắm vững quân số và trật tự của từng nhóm khoảng 50 người. Tù binh chiến tranh được nuôi dưỡng bằng lương thực và thực phẩm do phía Mỹ cung cấp nên anh nào cùng béo tròn trắng nõn nhưng hơi xanh tái một chút vì thiếu ánh nắng mặt trời chứ không phải hình ảnh 4 chàng cán binh treo trên một cành lá đu đủ mà không gãy. Khi được lọt vào danh sách trao trả, theo thông lệ trại giam cấp cho mỗi người 3 ngày lương khô đi đường gồm gạo sấy và đồ hộp ration C của Mỹ. Nhưng dường như mỗi toán lập tức có một chính trị viên được chỉ định tạm thời và tất cả những động thái của toán trong chuyến đi đều phải theo một mệnh lệnh riêng. Họ được cho mặc một bộ quần áo bà ba tay dài màu nâu nhưng hầu hết dường như đã nhận được lệnh phải cởi bỏ tất cả quần áo cũng như vứt bỏ lương khô cho ra vẻ bị bạc đãi. Cũng có những toán mềm dẽo hơn thì vẫn mặc quần áo nghiêm chỉnh. Những vòng kẽm gai concertina bao quanh phi trường dã chiến giăng mắc đầy những mảnh vải nâu bay phần phật trong gió biển như những lá cờ bị rách te tua cùng những khẩu phần lương khô vứt vương vãi khắp mặt đất. Vậy là đám không quân đồn trú tại sân bay và đám quân cảnh trại tù được một phen vớ bở! Tất cả phải được xếp ngồi trên mặt phi đạo bằng vĩ sắt ngay hàng thẳng lối, nhưng một khi có hiện tượng tụ năm tụ ba lại là phải vãn hồi trật tự ngay bởi đã có không ít trường hợp những tay manh nha có ý tưởng chiêu hồi sẽ bị bóp dái cho đến chết hay dùng đũa ăn mà đâm xuyên qua tai. Một trách nhiệm vụ…chán phèo!
Thường mỗi pass có 4 chuyến C130 cất cánh mang theo hơn 200 tù binh chuyển đến những địa điểm trao trả được phái đoàn quân sự 4 bên chỉ định như Thiện Ngôn, Lộc Ninh, bờ bắc sông Thạch Hãn. Chuyến của tôi trực chỉ phi trường Trảng Lớn Tây Ninh. Sau khi đáp xuống phi trường Trảng Lớn, số tù binh lại được chia nhỏ ra từng toán 30 người để từ đó sẽ dùng trực thăng Chinook trung chuyển vào Thiện Ngôn. Đến đây lại xảy ra chuyện tiếp. Có hai chàng cán binh đột nhiên xin chiêu hồi. Thật là tiến thoái lưỡng nan vì danh sách từng chuyến đã được thống nhất và trao cho phía bên kia rồi. Vắng mặt là rắc rối ngay. Giằng co mãi mất hơn 1 tiếng đồng hồ trong sự run sợ của hai chàng cán binh xin chiêu hồi, rồi phải xin lệnh từ đâu không biết xe của Ty Chiêu Hồi tỉnh Tây Ninh chạy vào làm thủ tục vì chắc chắn là họ phải tiếp nhận.
Nắng trưa đã bắt đầu gay gắt trên cao muốn thiêu cháy đám cỏ hoang xơ xác cạnh phi đạo và cả những con người mang hai tâm trạng đối nghịch nhau. Một bên thì chán chường mong cho mọi chuyện nhanh chóng kết thúc, một bên thì phấn khởi hồ hởi vì sắp được giải thoát khỏi tù ngục về với đồng đội. Tuy họ cũng đoán lờ mờ những gì họ sắp phải đối đầu, nhưng chắc chắn một điều họ sẽ phải hối hận vì đã nghĩ đến những điều tươi đẹp không tưởng quá sớm!
Một sĩ quan mang cấp bậc Trung tá đến ra lệnh tất cả vũ khí cá nhân những người đi theo trao trả phải tháo băng đạn ra hết. Rồi từng toán nhỏ lần lượt bước vào lòng những chiếc trực thăng Chinook ì ạch cất cánh bay lên vòng qua ngọn núi Bà Đen đi sâu vào mật khu. Những chàng cán binh 15-17 tuổi còn non choẹt được nuôi dưỡng bụ bẫm chồm lên cửa sổ máy bay để nhìn xuống những vạt rừng già ghẻ lở hố bom, hố pháo mà ngắm non sông đất nước từ trên cao háo hức một cách trẻ con bởi đây là lần đầu tiên được “đi mây về gió”. Họ dồn về một phía làm máy bay mất thăng bằng khiến mấy anh chàng cơ phi phải hét toáng lên bắt ngồi lại xuống sàn. Ấy vậy mà chỉ một lát thôi tình trạng cũ vẫn lập lại. Thật mệt mỏi vì tiếng động cơ ồn ào hòa lẫn với những tiếng la thét.
Bay được chừng vài chục phút thì đoàn Chinook tà tà đáp xuống Thiện Ngôn. Đây có lẽ là một căn cứ cũ của Mỹ phục vụ cho chiến trường biên giới Việt-Miên nên cũng có những bãi đáp cho phi cơ trực thăng trải nhựa đàng hoàng nhưng đã hoang phế cỏ mọc um tùm chắc là đã bị bỏ từ lâu. Từng toán nhỏ sau khi rời khỏi phi cơ với một chính trị viên tạm thời dẫn đầu vừa đi vừa hô to những khẩu hiệu chống chính quyền Sài Gòn đại loại như: “Đả đảo chế độ Ngụy quyền Sài Gòn kềm kẹp, bạc đãi tù binh chiến tranh” v.v…Những người trong toán đi sau sẽ hô to 3 lần chữ đả đảo. Hô hoán lạng quạng thế nào mà có lúc tôi lại được nghe câu khẩu hiệu: “Hoan hô chế độ Mỹ Ngụy bạc đãi tù binh chiến tranh” rồi tiếng hoan hô được đồng thanh xướng lên dõng dạc đường hoàng 3 lần của nhóm người đi sau chen lẫn trong tiếng động cơ phành phạch của những chiếc trực thăng Chinook. Thật khôi hài!
Dọc hai bên đường đi, có những cán binh mặt trận mang súng AK đứng dài dài để giữ an ninh. Nhìn những bộ mặt xanh mướt vì sốt rét, vì thiếu ăn bao bọc bởi một bộ quân phục rộng thùng thình quá khổ, thắt dây lưng ở giữa giống như một con ếch vừa bị chụp cột dây ngang hông với chiếc mũ tai bèo và đôi dép râu tất cả xuất xứ từ Trung Cộng, tôi chép miệng rồi tự vấn: Đối thủ của mình đây sao? Mà nghĩ cho cùng, những người lính của hai bên cùng một tiếng nói, cùng một màu da trừ cái thân thể do Mẹ Cha sinh ra thì từ đầu tới chân đều khoác lên mình những thứ trang bị được đưa đến từ những chân trời nào xa tít, lao vào mà tìm cách tiêu diệt lẫn nhau do những ý đồ ngoại lai.
Đang lửng thửng đi cà tơn về phía lán trại làm thủ tục trao trả, thốt nhiên tôi thấy một phóng viên Mặt Trận Giải Phóng chụp hình mình. Ngoái đầu nhìn lại hóa ra tôi đang dẫn đầu một toán tù binh vừa đi vừa hô khẩu hiệu. Hoảng hồn tôi vội né sang một bên. Tấm hình nầy mà lọt vào tay Cục An Ninh Quân Đội chắc chắn tôi sẽ phải ngồi ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần sở thú mà tường trình dài dài. Những toán nhỏ sẽ di chuyển tập trung vào một lán trại khá lớn lợp tranh trống trải bốn bề với từng hàng băng gỗ cho tù binh ngồi chờ đọc tên trao trả từng người. Phía trên là mấy cái bàn ghép lại đối diện để đại diện bốn bên làm thủ tục giao nhận và xướng tên từng người gồm Đại Tá Thọ Quân Cảnh, một Chú Ba Chú Bảy tóc hoa râm mặc quân phục đội mũ tai bèo, một anh Sĩ Quan Cộng Sản Bắc Việt mặc áo đại cán 4 túi với chiếc nón bình thiên trên đầu và hai tấm thớt đỏ choét trên cầu vai với một rừng sao, một Sĩ quan Mỹ da trắng cùng anh thông dịch. Ngoài ra còn một số anh Năm, Anh Chín trợ lý ngồi chung bàn. Tôi quá sức ngạc nhiên vì chưa có một quân đội nào từ quan tới lính đều dùng ngôi sao biểu hiện cấp bậc ngoài những vị tướng nên chẳng hiểu anh Sĩ quan Cộng sản Bắc Việt ấy mang cấp bậc gì. Chuẩn bị tiến hành trao trả thì bỗng một tù binh khá cứng tuổi lôi đâu ra trong người một lá cờ Mặt Trận giải phóng nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa nhỏ bằng nửa chiếc khăn tay đứng dậy phất lên rồi hô vang khẩu hiệu gì đó. Lạ một điều là anh ta mặc một chiếc quần xà lỏn nâu từ trại giam đến đây thì không biết lá cờ nhỏ xíu ấy được giấu ở đâu? Tài tình thật!
Các cán bộ mặt trận cao cấp đi tới địa điểm trao trả bằng một chiếc xế Mẹc-xơ-đì bảng số Miên, chắc là một chiến lợi phẩm. Mỗi tù binh khi được xướng danh sẽ hô “có” rồi đứng dậy rời khỏi băng ghế ra ngoài. Lập tức sẽ được một bên nam một bên nữ dìu đi như người mang trọng bệnh mà tổng trọng lượng của hai người dìu chắc chỉ nhỉnh hơn người được dìu một chút thôi. Lần lượt họ sẽ được đặt lên phía sau những chiếc Honda Kremly 90 phân khối màu đỏ chở đi sâu vào phía bên trong. Cái hãng Honda nầy chắc đã móc ngoặt với Mặt Trận Giải phóng cung cấp phương tiện xe thồ cho họ đây! Tôi thoáng nghĩ vậy.
Đứng mãi cũng chán, tôi bèn đưa mắt nhìn bâng quơ chung quanh. Một cô bé xinh xắn má đỏ môi hồng mắt biếc tuổi gần đôi mươi mang một chiếc xắc-cốt bên hông với cuốn sổ cùng cây viết bấm cầm tay đứng phía bên kia lọt vào tầm ngắm của tôi. Một tấm bảng nhỏ xíu ghi chữ Press cài trên bộ ngực phổng phao được che đậy bằng vải phin trắng nõn của chiếc áo bà ba cùng chiếc quần đen và khăn rằn quấn cổ. Một hình ảnh đặc trưng của phụ nữ Nam bộ. Tuổi trẻ tinh nghịch tôi bèn nháy mắt với cô nàng và được đáp trả bằng đôi mắt đen láy khẽ chớp cùng với nụ cười chúm chím kín đáo. Không cười sao được khi cả hai chúng tôi vẫn còn trẻ tuổi và sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp làm sao ai cấm được? Đây chắc là một cô học sinh nội thành thoát ly theo cách mạng chưa lâu nên nét đẹp phố phường vẫn còn vương vấn nhiều trên khuôn mặt và dáng vẻ của cô. Tôi với bộ quân phục hoa bèo oai phong cùng với chiếc nón bê-rê đỏ trên đầu đẹp rực rỡ như một cái bông bụp giữa đám lá xanh. Cười được vài lần tôi bỗng nhận thấy có những đôi mắt mang hình viên đạn từ phía bên kia gửi sang. Thôi thì gửi chút duyên cho gió bao nhiêu đó cũng đủ, tôi lỉnh đi chỗ khác cho yên chuyện.
Bỗng dưng nghe tiếng ồn ào nơi lán trại trao trả tù binh, tôi bước qua coi thử chuyện gì? Hóa ra lý do là thiếu mất hai người trong danh sách trao trả nên mới sinh chuyện. Đó chính là hai anh chàng xin chiêu hồi ở sân bay Trảng Lớn. Đại Tá Thọ đỏ mặt lớn tiếng gay gắt: “Thì các anh cứ giải quyết ký nhận số người có trong danh sách lần nầy đi, trường hợp thiếu sót sẽ ghi chú lại bổ sung sau”. Lời qua tiếng lại một hồi rồi cũng yên chuyện.
Mệt mỏi, chán nản nên sau khi người tù binh cuối cùng được trao trả, chúng tôi tức tốc leo lên Chinook trở về phi trường Trảng Lớn. Xong nhiệm vụ, chuyến về tôi chọn đi đường bộ. Chiếc GMC chạy vùn vụt trên đường lướt ngang Cẩm Giang (Xin mở ngoặc chỗ nầy một chút. Sở dĩ tôi chọn trở về bằng đường bộ vì tôi muốn đi ngang qua Cẩm Giang để cho biết quê hương của một người thiếu nữ đã có lần nằm trong vòng tay tôi), Gò Dầu, Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn…Quê hương đã xác xơ vì chiến tranh khốn khó đến nổi chỉ còn những mái nhà tranh bé nhỏ ven đường, tịnh không thấy một cái nhà ngói nào còn nguyên vẹn.
Rồi không hiểu con đường đau khổ sẽ dẫn tôi tới đâu? Tôi sẽ thiêu đốt tuổi trẻ mình trong ngọn lửa nào? Chẳng biết khi tôi ngã xuống, thân thể của Mẹ Cha sinh ra có còn nguyên vẹn? Những suy nghĩ vẩn vơ ấy cũng tan biến nhanh như một làn khói thuốc trước cơn gió mạnh đang thổi vù vù ngoài kia.
Tôi chẳng còn con đường nào khác để mà lựa chọn!
HÙNG BI
Tháng 4/2013
Sáng hôm qua ngồi quán cà phê vỉa hè nhấm nháp ly cà phê đầu ngày, tay vơ lấy tờ nhật báo kế bên thấy có một bài viết về chuyện trao trả tù binh sau khi bốn bên ký kết Hiệp định Pa-ri. Đọc vài dòng đột nhiên chuyện cũ dưng không quay về trong đầu óc nhưng quả tình tôi không hề mong muốn như vậy.
Nhân đây, tôi muốn ghi lại vài dòng về sự kiện lịch sử đó bằng một câu chuyện của người thật việc thật hầu các bạn.
Tôi cứ phân vân không biết mình sẽ ghi lại bằng hình thức nào đây? Đó chẳng phải là một bài tường thuật vì như thế sẽ không được phép bỏ sót một sự kiện nào đã diễn ra. Nếu là một bài hồi ký thì phải có yếu tố văn chương trong đó. Nếu là ghi chép thì phải có tính thời sự và nóng hổi mới có giá trị. Còn nếu hiểu như một bài mô tả sự kiện thì nó lại không đúng như ý tôi. Suy đi nghĩ lại với ít nhiều phân vân, cuối cùng tôi chọn cái cách mà tôi cho là đúng nghĩa nhất: Kể chuyện. Bởi tôi nghĩ trong một câu chuyện kể lại thì có thể là nó đã xảy ra trăm năm trước hay mới vừa đây thôi. Có thể trong đó xác suất của sự sai lệch sẽ được người ta châm chế đôi phần. Có thể người kể bỏ sót điều nầy điều nọ hay nhớ không chính xác những sự việc đã xảy ra, nhưng tựu trung câu chuyện được kể lại tuy không hoàn chỉnh nhưng cũng làm người nghe hiểu hết được.
Mùa hè năm 1972 là một mùa hè “đỏ lửa” nhất như tiền bối Phan Nhật Nam của tôi đã đặt tên. Nhưng ngọn lửa ác liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam đã được manh nha từ trước Tết Âm Lịch. Tôi đã phải dẫn Trung Đội của mình dãi nắng dầm sương từ rất lâu quanh quanh vành đai phòng thủ Sài Gòn. Mỗi đêm nằm phục kích ngoài bờ bụi hứng sương ướt đầm cả tấm poncho như bị xối nước mà ngước mắt nhìn về phía ánh đèn đô thị dội lên mờ tỏ những đám mây đêm lang thang vô định rồi ngẫm nghĩ mà xót thương cho thân phận trai trẻ của mình. Đó không phải là một cuộc sống với những hy vọng vào ngày mai sáng lạn mà chỉ là một cuộc chờ đợi miên viễn hàng đêm. Chúng tôi chờ đợi bão lửa trút xuống đầu mình, chờ đợi những đầu đạn nhọn hoắt nóng bỏng căm thù ghim vào thân thể mình, chờ đợi tiếng xung phong đầy nặng căm thù tràn ngập phòng tuyến, chờ đợi những mũi lưỡi lê AK bằng Inox nhọn hoắt xuyên thủng tim mình, chờ đợi dòng máu chảy tuôn tràn, chờ đợi một sự banh thây… Chúng tôi đơn độc quá với sự sợ hãi triền miên trong bóng đêm mịt mùng. Chẳng có một ánh hào quang nào lóe sáng trong những buổi tối tháng chạp gần giáp Tết ấy. Và tôi nghĩ những người tuổi trẻ ở phía bên kia chắc cũng cùng tâm trạng như chúng tôi.
Dẫn quân lang thang lếch thếch mấy tháng dài, tôi được lệnh triệu hồi về hậu cứ rồi thảy ngay ra tiền phương trong đêm để chuẩn bị cho những trận đánh lớn đã được dự báo. Chẳng có một sự bất ngờ nào trong chiến tranh cả như người ta vẫn hô hào và ca tụng về lối đánh thần tốc táo bạo gì gì đó vì hai bên ai cũng thủ miếng từng đường đi nước bước của nhau. Bộ Tổng Tham Mưu có một phòng tên gọi Trận Liệt Đồ. Ở đó, họ có đầy đủ thông tin những lực lượng đối phương đang tập kết ở đâu với quân số bao nhiêu và đang chuẩn bị điều gì? Và họ sẽ đề nghị điều phối lực lượng chống trả theo sự ước đoán tình hình của họ. Khoản nầy thì mấy tay phóng viên chiến trường của Đài Phát Thanh BBC là số một. Những ước đoán của họ được phát đi trên sóng phát thanh hàng ngày đều diễn tiến chính xác. Tuy vậy, nghi binh vẫn là một trong những chước học được của người xưa mà nhân vật điển hình là Khổng Minh Gia Cát Lượng khi đấu trí với Châu Do. Hiệu quả đến nổi trận chiến Xích Bích thời Tam Quốc còn để lại câu nói cảm thán không phai mờ theo thời gian dù biết bao thiên niên kỷ đã trôi qua: “Trời đã sinh Do sao còn sinh Lượng?”.
Chúng tôi đã quay cuồng như những thằng điên suốt một năm ròng với lửa đạn. Sự lợi hại của chúng tôi khiến tọa độ tiền phương của đơn vị trở thành một cái gai nhọn nhức nhối cần phải nhổ bỏ nhanh gọn. Bằng chứng là 2 trận pháo hỏa tiễn 122 li đổ xuống đầu đơn vị chúng tôi chính xác đến từng xăng-ti-mét. Khá khen thay cho những anh đề-lô của phía bên kia! Chẳng cần phải tốt nghiệp loại ưu từ trường Sĩ Quan Pháo Binh Dục Mỹ, họ chấm điểm pháo quá tuyệt vời! Nhưng như tôi đã từng nói, trong chiến tranh hay hổng bằng hên. Ngay quả hỏa tiễn đầu tiên đã rơi đúng điểm tập họp điểm danh hàng ngày của chúng tôi không sai một li. May mà chúng tôi vừa tan hàng trước đó khoảng 10 phút, không thì chẳng còn sót một móng. Bão lửa đã cày xới tan nát cả một vùng. Ai đã từng hứng chịu một trận pháo hỏa tiễn 122 li mới biết đến tiếng kêu hú của Thần Chết ghê rợn thế nào khi một quả hỏa tiễn quá tầm bay ngang trên đầu. Chung quanh chúng tôi trống hoác, chỉ có những ngọn cỏ hoang xơ xác trong mùa khô cằn cỗi phất phơ. Bản năng sinh tồn biến chúng tôi thành những con chuột chui rúc xuống những rãnh thoát nước hay những ống cống bằng tôle của Mỹ mà giữ cái mạng con sâu con kiến của mình. Cũng may là sau trận pháo cấp tập ấy, đơn vị chúng tôi gần 150 người không hề bị một trường hợp thương vong nào. Khi im tiếng pháo ló đầu lên quan sát thì tất cả đã tan nát. Đúng là một bãi chiến trường.
Sáng sớm tinh mơ ngày 27 tháng 1 năm 1973, đang còn nằm lơ mơ trên tấm ván ép của Mỹ thì lại hứng thêm một trận pháo hỏa tiễn 122 li nữa. Chúng tôi hoàn toàn mù tịt không biết là cuộc Hội đàm Pa-ri kéo dài mấy năm đã kết thúc bằng một Hiệp định ngưng bắn, nhưng dường như đây giống như “vớt cú chót”, chúng tôi đã lãnh đạn gấp hai lần trước. Mấy chiếc máy bay đậu gần đó đã trúng hỏa tiễn tan nát phần đầu. Tôi lăn xuống đất bò về phía một rãnh thoát nước trong khi khung lều của tôi bị tiếng mảnh hỏa tiễn găm vào giống tiếng mưa đầu mùa dồn dập. Rồi cũng chẳng thằng nào bị làm sao cả ngoài những vết trầy xước do vướng phải kẽm gai thôi. Riêng mấy chàng không quân chui vào một conex tưởng là tránh được mảnh pháo, nhưng ai dè lãnh trọn một trái hỏa tiễn banh xác không còn một ai. Không nơi nào che chở sinh mạng con người hiệu quả bằng đất. Đất đã nuôi dưỡng ta rồi che chở cho ta thoát khỏi những hiểm nguy. Châm ngôn trong chiến tranh đấy!
Rồi ngọn lửa mùa hè khốc liệt ấy cũng tàn phai. Rút về hậu cứ một thời gian ngắn, tôi nhận được một Sự Vụ Lệnh ký từ Bộ Tổng Tham Mưu chỉ định làm nhiệm vụ đi trao trả tù binh. Một nhiệm vụ nghe lạ hoắc. Nhưng suy cho cùng, bất kỳ tấn tuồng nào cũng phải có đào có kép mới đủ bộ sậu. Có kép mùi, có kép độc, có đào thương, có đào lẳng, có mấy thằng hề…và tôi được quân đội khoác cho cái áo thằng hề trong tấn tuồng nầy. Có mặt cho có tụ vậy thôi chớ chẳng mang ý nghĩa chi.
Xách Sự Vụ Lệnh xuống Quân Vận Khu chờ phương tiện mấy ngày mới có chuyến bay đi Phú Quốc. Chúng tôi được đưa đi bằng một chiếc vận tải cơ C7 Caribou của Úc Thòi Lòi. Thằng nầy thì tôi đã nhảy dù với nó rồi nên chẳng còn lạ lẩm gì. Tôi mò lên phòng phi hành đoàn để coi cái củ khoai Phú Quốc nó hiện lên màn hình ra-đa chơi. Chúng tôi đáp xuống sân bay quân sự dã chiến An Thới nằm sát mép biển được làm bằng những tấm vỉ sắt của Mỹ kết lại đặt trên nền cát trắng. Kéo nhau vào một cái nhà gỗ dã chiến gần đó là chỗ nghỉ tạm của khách chờ máy bay về đất liền giăng võng nghỉ ngơi. Phía trong xa là trại giam tù binh lớn bậc nhất vào lúc đó. (“Lấy củi đậu nấu đậu”. Chính cái trại giam tù binh khổng lồ ấy sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 là nơi giam giữ các sĩ quan trình diện cải tạo được chuyển ra từ đất liền bằng tàu vận tải mà chủ yếu là ở trại Long Giao-Long Khánh. Chắc thời gian ở trại Phú Quốc nếm quá nhiều cay đắng nên khi tập trung tất cả lại ở Bù Gia Mập-Phước Long thì số trốn trại phần lớn xuất thân từ trại giam tù binh Phú Quốc). Và những chàng Quân cảnh mới ra trường đều phải dạo chơi ở đây 2 năm mới được vào đất liền. Đêm nằm tòn teng trên võng nghe gió biển gầm rú ngoài kia, nhìn chòm ánh sáng mờ ảo hắt lên nền mây từ bên phía đảo chính Dương Đông mà ao ước được đặt chân qua để nghe mùi nước mắm nhĩ cá cơm nổi tiếng. Khung cảnh chung quanh đìu hiu quá!
Ngay thời điểm đó trong trại giam tù binh đã xảy ra một sự việc lớn có ảnh hưởng xấu đến việc trao trả giữa hai bên. Một chàng Trung Sĩ Nhất Quân Cảnh trong chuyến trao trả tù binh ở mật khu Thiện Ngôn-Tây Ninh đã ghé qua thăm nhà mình tại Trảng Bàng. Khi bước chân về đến sân nhà thì hỡi ơi! Mái tranh nghèo cùng Cha Mẹ anh em của anh đã bị san bằng bởi một quả pháo cầu âu bắn ra từ phía bên kia. Trở lại Phú Quốc trong một cơn say, anh đã xả súng vào phòng giam Sĩ Quan tù binh Bắc Việt. Vậy là một cuộc chống đối bạo động đã nổ ra và làm ngưng trệ thời gian biểu trao đổi. Và người trấn áp cuộc bạo động đó theo chỗ tôi nghe là Trung Úy Hiển có một thời là trưởng đồn Quân Cảnh ở Banmêthuột mà tôi đã được biết. Đó chính là nhà thơ Hoàng Khởi Phong bị kỷ luật phải lai đáo trại giam tù binh Phú Quốc lần thứ hai. (Thủa ấy, anh đã in được một tập thơ trong đó có 2 câu tôi còn nhớ hoài: “Khi chết đi, gương mặt tôi bỗng trở thành vết chém, Vô cùng sâu trong tâm tưởng các người”. Hào khí chưa! Bây giờ thì anh vẫn chưa chết và nếu điều đó có xảy ra thì còn ngồi ở đây tôi nghĩ vết chém đó nó…cạn xợt! Giá như chân dung của anh được trưng bày bên cạnh Nguyễn Đình Bảo và Trần Thế Vinh thì có lẽ sẽ được độ sâu…như ý ngay!). Sau “công trạng” ấy, anh được thăng lon Đại Úy và được trở về đất liền. Thì như đã nói ở trên, đây chỉ là một câu chuyện kể theo cái biết của cá nhân tôi nên có thể độ chính xác không cao.
Phi trường dã chiến An Thới được bao bọc xung quanh bởi mấy lớp kẽm gai concertina. Gió biển cứ thổi thông thốc lồng lộng vào chỗ chúng tôi nằm. Nằm chán lại mò ra mấy cái quán nước nhỏ xíu gần đó chuyên bán cho lính uống tách cà phê, nghe vài bản nhạc lính ẻo ượt do “danh ca Lính Chê” ra rả suốt ngày cho lấp đầy khoảng thời gian trống trải dài thườn thượt.
Mỗi ngày, từng toán tù binh được xe GMC chở ra phi trường từ trại tù phía trong sâu kia kèm theo một danh sách. Chúng tôi sẽ làm trưởng toán nhận lấy danh sách và đám tù binh, điểm danh đầy đủ xong thì tập họp lại sau đuôi những chiếc C130 chờ sẵn. Nhiệm vụ chúng tôi là phải nắm vững quân số và trật tự của từng nhóm khoảng 50 người. Tù binh chiến tranh được nuôi dưỡng bằng lương thực và thực phẩm do phía Mỹ cung cấp nên anh nào cùng béo tròn trắng nõn nhưng hơi xanh tái một chút vì thiếu ánh nắng mặt trời chứ không phải hình ảnh 4 chàng cán binh treo trên một cành lá đu đủ mà không gãy. Khi được lọt vào danh sách trao trả, theo thông lệ trại giam cấp cho mỗi người 3 ngày lương khô đi đường gồm gạo sấy và đồ hộp ration C của Mỹ. Nhưng dường như mỗi toán lập tức có một chính trị viên được chỉ định tạm thời và tất cả những động thái của toán trong chuyến đi đều phải theo một mệnh lệnh riêng. Họ được cho mặc một bộ quần áo bà ba tay dài màu nâu nhưng hầu hết dường như đã nhận được lệnh phải cởi bỏ tất cả quần áo cũng như vứt bỏ lương khô cho ra vẻ bị bạc đãi. Cũng có những toán mềm dẽo hơn thì vẫn mặc quần áo nghiêm chỉnh. Những vòng kẽm gai concertina bao quanh phi trường dã chiến giăng mắc đầy những mảnh vải nâu bay phần phật trong gió biển như những lá cờ bị rách te tua cùng những khẩu phần lương khô vứt vương vãi khắp mặt đất. Vậy là đám không quân đồn trú tại sân bay và đám quân cảnh trại tù được một phen vớ bở! Tất cả phải được xếp ngồi trên mặt phi đạo bằng vĩ sắt ngay hàng thẳng lối, nhưng một khi có hiện tượng tụ năm tụ ba lại là phải vãn hồi trật tự ngay bởi đã có không ít trường hợp những tay manh nha có ý tưởng chiêu hồi sẽ bị bóp dái cho đến chết hay dùng đũa ăn mà đâm xuyên qua tai. Một trách nhiệm vụ…chán phèo!
Thường mỗi pass có 4 chuyến C130 cất cánh mang theo hơn 200 tù binh chuyển đến những địa điểm trao trả được phái đoàn quân sự 4 bên chỉ định như Thiện Ngôn, Lộc Ninh, bờ bắc sông Thạch Hãn. Chuyến của tôi trực chỉ phi trường Trảng Lớn Tây Ninh. Sau khi đáp xuống phi trường Trảng Lớn, số tù binh lại được chia nhỏ ra từng toán 30 người để từ đó sẽ dùng trực thăng Chinook trung chuyển vào Thiện Ngôn. Đến đây lại xảy ra chuyện tiếp. Có hai chàng cán binh đột nhiên xin chiêu hồi. Thật là tiến thoái lưỡng nan vì danh sách từng chuyến đã được thống nhất và trao cho phía bên kia rồi. Vắng mặt là rắc rối ngay. Giằng co mãi mất hơn 1 tiếng đồng hồ trong sự run sợ của hai chàng cán binh xin chiêu hồi, rồi phải xin lệnh từ đâu không biết xe của Ty Chiêu Hồi tỉnh Tây Ninh chạy vào làm thủ tục vì chắc chắn là họ phải tiếp nhận.
Nắng trưa đã bắt đầu gay gắt trên cao muốn thiêu cháy đám cỏ hoang xơ xác cạnh phi đạo và cả những con người mang hai tâm trạng đối nghịch nhau. Một bên thì chán chường mong cho mọi chuyện nhanh chóng kết thúc, một bên thì phấn khởi hồ hởi vì sắp được giải thoát khỏi tù ngục về với đồng đội. Tuy họ cũng đoán lờ mờ những gì họ sắp phải đối đầu, nhưng chắc chắn một điều họ sẽ phải hối hận vì đã nghĩ đến những điều tươi đẹp không tưởng quá sớm!
Một sĩ quan mang cấp bậc Trung tá đến ra lệnh tất cả vũ khí cá nhân những người đi theo trao trả phải tháo băng đạn ra hết. Rồi từng toán nhỏ lần lượt bước vào lòng những chiếc trực thăng Chinook ì ạch cất cánh bay lên vòng qua ngọn núi Bà Đen đi sâu vào mật khu. Những chàng cán binh 15-17 tuổi còn non choẹt được nuôi dưỡng bụ bẫm chồm lên cửa sổ máy bay để nhìn xuống những vạt rừng già ghẻ lở hố bom, hố pháo mà ngắm non sông đất nước từ trên cao háo hức một cách trẻ con bởi đây là lần đầu tiên được “đi mây về gió”. Họ dồn về một phía làm máy bay mất thăng bằng khiến mấy anh chàng cơ phi phải hét toáng lên bắt ngồi lại xuống sàn. Ấy vậy mà chỉ một lát thôi tình trạng cũ vẫn lập lại. Thật mệt mỏi vì tiếng động cơ ồn ào hòa lẫn với những tiếng la thét.
Bay được chừng vài chục phút thì đoàn Chinook tà tà đáp xuống Thiện Ngôn. Đây có lẽ là một căn cứ cũ của Mỹ phục vụ cho chiến trường biên giới Việt-Miên nên cũng có những bãi đáp cho phi cơ trực thăng trải nhựa đàng hoàng nhưng đã hoang phế cỏ mọc um tùm chắc là đã bị bỏ từ lâu. Từng toán nhỏ sau khi rời khỏi phi cơ với một chính trị viên tạm thời dẫn đầu vừa đi vừa hô to những khẩu hiệu chống chính quyền Sài Gòn đại loại như: “Đả đảo chế độ Ngụy quyền Sài Gòn kềm kẹp, bạc đãi tù binh chiến tranh” v.v…Những người trong toán đi sau sẽ hô to 3 lần chữ đả đảo. Hô hoán lạng quạng thế nào mà có lúc tôi lại được nghe câu khẩu hiệu: “Hoan hô chế độ Mỹ Ngụy bạc đãi tù binh chiến tranh” rồi tiếng hoan hô được đồng thanh xướng lên dõng dạc đường hoàng 3 lần của nhóm người đi sau chen lẫn trong tiếng động cơ phành phạch của những chiếc trực thăng Chinook. Thật khôi hài!
Dọc hai bên đường đi, có những cán binh mặt trận mang súng AK đứng dài dài để giữ an ninh. Nhìn những bộ mặt xanh mướt vì sốt rét, vì thiếu ăn bao bọc bởi một bộ quân phục rộng thùng thình quá khổ, thắt dây lưng ở giữa giống như một con ếch vừa bị chụp cột dây ngang hông với chiếc mũ tai bèo và đôi dép râu tất cả xuất xứ từ Trung Cộng, tôi chép miệng rồi tự vấn: Đối thủ của mình đây sao? Mà nghĩ cho cùng, những người lính của hai bên cùng một tiếng nói, cùng một màu da trừ cái thân thể do Mẹ Cha sinh ra thì từ đầu tới chân đều khoác lên mình những thứ trang bị được đưa đến từ những chân trời nào xa tít, lao vào mà tìm cách tiêu diệt lẫn nhau do những ý đồ ngoại lai.
Đang lửng thửng đi cà tơn về phía lán trại làm thủ tục trao trả, thốt nhiên tôi thấy một phóng viên Mặt Trận Giải Phóng chụp hình mình. Ngoái đầu nhìn lại hóa ra tôi đang dẫn đầu một toán tù binh vừa đi vừa hô khẩu hiệu. Hoảng hồn tôi vội né sang một bên. Tấm hình nầy mà lọt vào tay Cục An Ninh Quân Đội chắc chắn tôi sẽ phải ngồi ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần sở thú mà tường trình dài dài. Những toán nhỏ sẽ di chuyển tập trung vào một lán trại khá lớn lợp tranh trống trải bốn bề với từng hàng băng gỗ cho tù binh ngồi chờ đọc tên trao trả từng người. Phía trên là mấy cái bàn ghép lại đối diện để đại diện bốn bên làm thủ tục giao nhận và xướng tên từng người gồm Đại Tá Thọ Quân Cảnh, một Chú Ba Chú Bảy tóc hoa râm mặc quân phục đội mũ tai bèo, một anh Sĩ Quan Cộng Sản Bắc Việt mặc áo đại cán 4 túi với chiếc nón bình thiên trên đầu và hai tấm thớt đỏ choét trên cầu vai với một rừng sao, một Sĩ quan Mỹ da trắng cùng anh thông dịch. Ngoài ra còn một số anh Năm, Anh Chín trợ lý ngồi chung bàn. Tôi quá sức ngạc nhiên vì chưa có một quân đội nào từ quan tới lính đều dùng ngôi sao biểu hiện cấp bậc ngoài những vị tướng nên chẳng hiểu anh Sĩ quan Cộng sản Bắc Việt ấy mang cấp bậc gì. Chuẩn bị tiến hành trao trả thì bỗng một tù binh khá cứng tuổi lôi đâu ra trong người một lá cờ Mặt Trận giải phóng nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa nhỏ bằng nửa chiếc khăn tay đứng dậy phất lên rồi hô vang khẩu hiệu gì đó. Lạ một điều là anh ta mặc một chiếc quần xà lỏn nâu từ trại giam đến đây thì không biết lá cờ nhỏ xíu ấy được giấu ở đâu? Tài tình thật!
Các cán bộ mặt trận cao cấp đi tới địa điểm trao trả bằng một chiếc xế Mẹc-xơ-đì bảng số Miên, chắc là một chiến lợi phẩm. Mỗi tù binh khi được xướng danh sẽ hô “có” rồi đứng dậy rời khỏi băng ghế ra ngoài. Lập tức sẽ được một bên nam một bên nữ dìu đi như người mang trọng bệnh mà tổng trọng lượng của hai người dìu chắc chỉ nhỉnh hơn người được dìu một chút thôi. Lần lượt họ sẽ được đặt lên phía sau những chiếc Honda Kremly 90 phân khối màu đỏ chở đi sâu vào phía bên trong. Cái hãng Honda nầy chắc đã móc ngoặt với Mặt Trận Giải phóng cung cấp phương tiện xe thồ cho họ đây! Tôi thoáng nghĩ vậy.
Đứng mãi cũng chán, tôi bèn đưa mắt nhìn bâng quơ chung quanh. Một cô bé xinh xắn má đỏ môi hồng mắt biếc tuổi gần đôi mươi mang một chiếc xắc-cốt bên hông với cuốn sổ cùng cây viết bấm cầm tay đứng phía bên kia lọt vào tầm ngắm của tôi. Một tấm bảng nhỏ xíu ghi chữ Press cài trên bộ ngực phổng phao được che đậy bằng vải phin trắng nõn của chiếc áo bà ba cùng chiếc quần đen và khăn rằn quấn cổ. Một hình ảnh đặc trưng của phụ nữ Nam bộ. Tuổi trẻ tinh nghịch tôi bèn nháy mắt với cô nàng và được đáp trả bằng đôi mắt đen láy khẽ chớp cùng với nụ cười chúm chím kín đáo. Không cười sao được khi cả hai chúng tôi vẫn còn trẻ tuổi và sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp làm sao ai cấm được? Đây chắc là một cô học sinh nội thành thoát ly theo cách mạng chưa lâu nên nét đẹp phố phường vẫn còn vương vấn nhiều trên khuôn mặt và dáng vẻ của cô. Tôi với bộ quân phục hoa bèo oai phong cùng với chiếc nón bê-rê đỏ trên đầu đẹp rực rỡ như một cái bông bụp giữa đám lá xanh. Cười được vài lần tôi bỗng nhận thấy có những đôi mắt mang hình viên đạn từ phía bên kia gửi sang. Thôi thì gửi chút duyên cho gió bao nhiêu đó cũng đủ, tôi lỉnh đi chỗ khác cho yên chuyện.
Bỗng dưng nghe tiếng ồn ào nơi lán trại trao trả tù binh, tôi bước qua coi thử chuyện gì? Hóa ra lý do là thiếu mất hai người trong danh sách trao trả nên mới sinh chuyện. Đó chính là hai anh chàng xin chiêu hồi ở sân bay Trảng Lớn. Đại Tá Thọ đỏ mặt lớn tiếng gay gắt: “Thì các anh cứ giải quyết ký nhận số người có trong danh sách lần nầy đi, trường hợp thiếu sót sẽ ghi chú lại bổ sung sau”. Lời qua tiếng lại một hồi rồi cũng yên chuyện.
Mệt mỏi, chán nản nên sau khi người tù binh cuối cùng được trao trả, chúng tôi tức tốc leo lên Chinook trở về phi trường Trảng Lớn. Xong nhiệm vụ, chuyến về tôi chọn đi đường bộ. Chiếc GMC chạy vùn vụt trên đường lướt ngang Cẩm Giang (Xin mở ngoặc chỗ nầy một chút. Sở dĩ tôi chọn trở về bằng đường bộ vì tôi muốn đi ngang qua Cẩm Giang để cho biết quê hương của một người thiếu nữ đã có lần nằm trong vòng tay tôi), Gò Dầu, Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn…Quê hương đã xác xơ vì chiến tranh khốn khó đến nổi chỉ còn những mái nhà tranh bé nhỏ ven đường, tịnh không thấy một cái nhà ngói nào còn nguyên vẹn.
Rồi không hiểu con đường đau khổ sẽ dẫn tôi tới đâu? Tôi sẽ thiêu đốt tuổi trẻ mình trong ngọn lửa nào? Chẳng biết khi tôi ngã xuống, thân thể của Mẹ Cha sinh ra có còn nguyên vẹn? Những suy nghĩ vẩn vơ ấy cũng tan biến nhanh như một làn khói thuốc trước cơn gió mạnh đang thổi vù vù ngoài kia.
Tôi chẳng còn con đường nào khác để mà lựa chọn!
HÙNG BI
Tháng 4/2013
No comments:
Post a Comment