Có thời, ông được giới báo chí mệnh danh
là ông hoàng trong lĩnh vực phổ thơ thành nhạc. Ông đã khuất bóng hơn
hai chục năm nay nhưng những tác phẩm ông để lại cho đời như:
“Nửa hồn thương đau”, “Tiếng dân chài”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Đêm cuối cùng”, “Người đi qua đời tôi”… vẫn được các ca sĩ thời hiện đại hát vang lên trong khắp các sân khấu trong Nam, ngoài Bắc và cả hải ngoại với danh tiếng là dòng nhạc sang trọng, được nhiều người yêu thích.
Thế nhưng ít ai biết rằng nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” lại được người nhạc sĩ tài hoa này phổ thơ của
Thanh Tâm Tuyền trong một đêm mưa gió tuyệt vọng nhất của cuộc đời, sau cuộc
tình lớn nhất trong đời ông nhưng lại tan vỡ trong tai tiếng lúc bây
giờ.
Từ trước cho đến nay có thể nói hiếm có
gia đình nào như gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bởi vì đây là gia
đình đã sản sinh ra những tên tuổi có tiếng tăm và trở thành một phần
quan trọng trong đời sống của âm nhạc Việt Nam một thời.
Trong đó có thể nói tươi sáng nhất của
ban nhạc gia đình này, phải kể đến Phạm Đình Chương (1929 – 1991), mà
khi đi hát ông còn có nghệ danh khác là Hoài Bắc.
Cần phải nhắc một chút về đại gia đình
tài tử của Phạm Đình Chương mới thấy rằng ảnh hưởng của gia đình
này đến đời sống âm nhạc một thời là không nhỏ. Cụ thể thân phụ của Phạm
Đình Chương, là ông Phạm Đình Phụng (một người có biệt tài chơi đàn
Tranh) là người có hai đời vợ.
Người vợ đầu của ông Phụng có hai người
con: Phạm Đình Sỹ (là chồng của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, là cha ruột của ca
sĩ Mai Hương) và Pham Đình Viêm (tức ca sĩ Hoài Trung).
Còn người vợ hai (một người đàn bà có
tài chơi đàn Bầu) lại là mẹ ruột của những tên tuổi lớn một thời như:
Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng – vợ của nhạc sĩ Phạm Duy), Phạm
Đình Chương và Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).
Riêng về nhạc sĩ Phạm Đình Chương, vì có
truyền thống gia đình nên ông được học nhạc lý từ rất sớm. Ngoài cha,
ông còn may mắn được nhiều người khác chỉ dạy. Tuy nhiên một thực tế là
tài hoa của nhạc sĩ này được biết đến đều nhờ vào khả năng tự học, tự
rèn luyện của ông là chính.
Giai đoạn sau năm 1945, khi giai đoạn
kháng chiến chống Pháp đang sục sôi thì các anh em của Phạm Đình Chương
cũng lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi yêu nước, lúc bấy giờ anh em của
gia đình ông vào ban văn nghệ Quân đội của quân khu IV và quân khu III.
Trong giai đoạn mang lời ca tiếng hát để
phục vụ cho cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ấy, ban hợp ca Thăng
Long gồm những thành viên trong gia đình Phạm Đình Chương đã ra đời.
Lúc bấy giờ ngoài việc ngày đêm lặn lội
khắp các đồng bằng, rừng núi đi theo cuộc kháng chiến chống Pháp thì
riêng bản thân Phạm Đình Chương bắt đầu tập tành sáng tác.
Những tác phẩm đầu tay của ông
trong giai đoạn này là các nhạc phẩm tiền chiến mang
không khí hào hùng, mạnh mẽ. Theo nhiều tài liệu để lại thì những nhạc phẩm
đầu tay của Phạm Đình Chương viết khi ông 18 tuổi đó là bản : “Ra đi
khi trời vừa sáng”, “Hò leo núi”, “Được mùa”….
Xin mời quý anh chị nghe "Sáng Rừng", có thể được PĐC viết trong giai đoạn đầu dời này. (Theo PN Today)
No comments:
Post a Comment