30 May 2013

Phản ứng từ quần chúng về vụ Blogger Trương Duy Nhất bị bắt

Bộ Công an Việt Nam hôm 27/5 xác nhận blogger Trương Duy Nhất bị bắt.
 
Bản tin ngắn của Bộ Công an trên trang điện tử chỉ bao gồm bốn câu thông báo:

"Ngày 26/5/2013, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an ra Lệnh bắt khẩn cấp và Lệnh khám xét khẩn cấp đối với Trương Duy Nhất, sinh năm 1964 tại Quảng Nam; hộ khẩu thường trú và chỗ ở số 25, phố Tống Phước Phổ, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng vì có hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 258 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

"Quá trình thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp, Cơ quan ANĐT Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Đà Nẵng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

"Thái độ của Trương Duy Nhất chấp hành. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của Trương Duy Nhất để xử lý theo quy định của pháp luật."

Bộ Công an không nói gì về chuyện họ đã chuyển ông Nhất từ Đà Nẵng ra Hà Nội ngay trong ngày 26/5. Trước đó Bộ này cũng đã có thông báo về vụ ông Nhất bị bắt nhưng không đầy đủ như thông báo mới nhất.

Blogger Trương Duy Nhất đã có nhiều năm viết cho báo của ngành công an và của Mặt trận Tổ quốc trước khi tuyên bố nghỉ viết báo để có thể viết những gì ông thực sự muốn viết trên blog 'Một góc nhìn khác'.

Ông Nhất từng đề cao vai trò và khả năng của ông Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư Đà Nẵng và nay là Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Tuy nhiên ông Nhất đã bày tỏ sự thất vọng khi ông Thanh thất bại trong cuộc chạy đua giành ghế trong Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 7 hồi đầu tháng này.

Cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh nói Bộ Công an bắt blogger Trương Duy Nhất để đe dọa những người 'yếu bóng vía'.

Trả lời phỏng vấn BBC hôm 27/5, ông Lê Hiếu Đằng nói ông không ngạc nhiên trước vụ bắt chủ nhân của trang blog 'Một góc nhìn khác' vì đây là cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam hay dùng để trấn áp những người đấu tranh.

Ông Đằng nói: "Đây là biện pháp để họ răn đe những người yếu bóng vía tham gia vào cuộc đấu tranh chính đáng hiện nay vì một nước Việt Nam dân chủ giàu mạnh và chống bọn bành trướng Bắc Kinh."

Nhưng ông Đằng nói hành động của Bộ Công an sẽ không thể đảo ngược xu thế đấu tranh vì dân chủ và dân quyền ở cả trong và ngoài nước.

Blogger đồng thời là nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh đã có những nhận xét tích cực về ông Trương Duy Nhất.

Ông Chênh nhận xét ông Nhất là "người thẳng thắn, mạnh dạn, tích cực đóng góp cho hệ thống này" và mô tả điều ông gọi là "Tất cả các bài viết của ông Nhất đều toát lên tinh thần xây dựng để mong muốn có hệ thống tốt đẹp hơn".

Chuyển ra Hà Nội



Trước thông báo của Bộ Công an, một loạt các báo trong nước đã đăng tải tin ông Nhất bị bắt.

Tờ Thanh Niên tối 26/5 nói Bộ Công an bắt ông Nhất vì có "hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự."

Vài tiếng sau báo Tuổi Trẻ nói Bộ Công an đã khám nhà ông nhất trong ba tiếng đồng hồ sáng 26/5 và "ông Nhất đồng ý ký vào các biên bản."

Sau đó ông Nhất bị chuyển ra Hà Nội vào buổi chiều.

Chủ nhân của blog 'Một góc nhìn khác' đã nhiều lần gặp rắc rối với Bộ Công an nhưng đây là lần đầu tiên người ta chính thức khép ông vào điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Ông Nhất chỉ là một trong hàng chục blogger bị bắt vì chỉ trích trực diện chính quyền bị coi là độc đoán ở Việt Nam.


'Tình nguyện đi tù'

Vụ bắt ông Nhất cũng đã gây ra nhiều phản ứng trên mạng xã hội Facebook.

Ông Hồ Hải đăng hình gốc mà báo Tuổi Trẻ dùng và bình luận: "Trương Duy Nhất hiên ngang trên đường vào sân bay Đà Nẵng ra Hà Nội để điều tra, nhưng những người áp giải Nhất lại cúi đầu."

Sau đó Tuổi Trẻ đã cắt bỏ hình ảnh hai nhân viên an ninh cúi đầu và chỉ để ảnh một mình ông Nhất.

Blogger Người Buôn Gió, người mới đây không bị cản trở khi xuất cảnh sang Đức, viết: "Anh Nhất ơi! Nếu mỗi người dân Việt Nam có ''góc nhìn khác'' thì làm gì có ban tuyên giáo để "định hướng dư luận''.

Blogger Mẹ Nấm viết: "Cho dù Trương Duy Nhất là ai, viết cái gì đi chăng nữa thì tôi nghĩ cộng đồng blogger Việt Nam phải lên tiếng cho trường hợp của anh Nhất để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình.

"Cá nhân tôi tình nguyện đi tù cùng Trương Duy Nhất để bảo vệ quyền được nói những điều mình nghĩ."

Cây viết Đoan Trang bình luận: "Thật tình mình chả sợ, vì đã viết blog chính trị thì xác định là bị quấy phá sách nhiễu (political harassment) là “một phần tất yếu của cuộc sống” rồi.

"Nhưng mình đang suy nghĩ một cách rất nghiêm túc về việc phải làm cách nào để vô hiệu hoá Điều 88 (thường được dùng để bắt người bất đồng chính kiến) và Điều 258 (đặc biệt được ưa dùng để bắt nhà báo).

"Phải có một cách nào đó chứ... đúng không, các bạn của tôi, các đồng nghiệp của tôi?"

Trong khi đó trang web nguyentandung.org có bài 'Vụ Trương Duy Nhất: Bài học cho những kẻ ngông cuồng vọng tưởng' trong đó bình luận "Từ một người viết báo Công an, hơn ai hết anh ta phải biết mình nên viết gì, có thái độ ra sao với dân với nước?"

'Đảng ở với ai'

Từ Hoa Kỳ, Trinity Hồng Thuận viết trên Facebook: "Không cần phải có dính dáng gì tới đảng này đảng nọ mới bị bắt đâu nhé. Chỉ cần KHÁC một chút là sẽ ngồi tù ráo. :D"

Người dùng Facebook Thanh Bình dẫn lại hai bình luận xung quanh việc ông Nhất bị bắt và đưa ra ý kiến của riêng mình:

"Bình luận về vụ blogger Trương Duy Nhất (chủ trang một "góc nhìn khác"), Osin Huy Đức treo status "Ở nơi không thể tồn tại một góc nhìn khác"

"Bạn Bố Cu Hưng (nhà báo Thế Hiển, báo Pháp Luật TP) bèn bình luận như thế này: "Vấn đề cuả một nhà báo là phải có thông tin. Khi thiếu khả năng hoặc cơ hội tiếp cận thông tin thì góc nhìn nếu khác là chửi đổng mà nếu giống là a dua. Stt này sẽ thuyết phục nếu anh Osin Huy Đức nắm rõ luận điểm khởi tố anh Trương Duy Nhất"

"Bạn BCH có hai điểm sai rất căn bản

"Thứ nhất, TDN bây giờ là blogger, ko phải là nhà báo chuyên nghiệp. Dĩ nhiên một blogger ko ăn lương, ko thẻ nhà báo thì ko thể nào cơ hội tiếp cận thông tin như một nhà báo chính thống . Bố Cu Hưng đòi hỏi như thế thì thật là ngớ ngẩn

"Thứ hai, một nhà nước pháp quyền thì ko thể bắt giam một người vì tội "chửi đổng" và "a dua" . Nói như bạn BCH thì đứa nào kênh kiệu, có cái mặt đáng ghét thì phải bắt nhốt cho hết à ?

Cũng trên Facebook, ông Ngô Nhật Đăng viết: "Thế là đủ hết : Công nhân, nông dân , bộ đội, luật sư, nhà báo, nhà văn , nhà thơ, doanh nhân....đều có mặt trong nhà tù của đảng.

"Thế thì đảng ở với ai bây giờ?"
(Theo VOA)

No comments:

Post a Comment