08 September 2010

Xuân Đỗ và Thơ Như Thương

l

1/ Như Thương là ai?

Tôi không nhớ rõ tôi đọc thơ Như Thương lần đầu tiên, khi nào. Có lẽ đâu khoảng tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2005, khi tôi di chuyển từ thành phố bé nhỏ, hiền hòa Tulsa, Oklahoma qua Quận Cam, California, khi chọn về hưu non của tuổi 63. Và đọc những vần thơ trữ tình, nhẹ nhàng, thi vị, hình ảnh tràn đầy và nhạc tính vang vọng trong từng câu thơ của một nhà thơ mới, trên Trang Nhà ÐS 14/QGHC do anh Vũ Công Hùng chăm sóc. và sau này trên Trang Nhà Tiếng Thông Reo của anh Nguyễn Thế Vĩnh.

Lúc đầu tôi nghĩ, có lẽ đây là bút danh của một nhà thơ nữ lưu CSV/QGHC nào đó tôi chưa được hân hạnh biết đến. Trong các nhà thơ CSV/QGHC mà tôi hay đọc, ngưỡng mộ và quí mến, như Lan Ðàm, Dương Quân, Luân Tâm, Phùng Minh Tiến, Khánh Hà, Lê Văn Bỉnh, Lê Minh Văn vv...không ai nhắc đến Như Thương, như là đồng môn. Tôi định hỏi vài người bạn, Như Thương là ai? Nhưng rồi ngần ngại, tôi muốn âm thầm đọc thơ người thơ phương xa chưa biết.

Có lẽ trong số các bạn đọc và tham dự bài vở trên Trang Nhà ÐS 14/QGHC cũng thắc mắc như tôi, nện sau đó có vài anh cho biết NT là ái nữ của một vị Cựu Quận Trưởng Quận Buôn Hô, Buôn Mê Thuột nghĩa là cũng... bà con họ hàng xa gần với “phe ta”, chứ không đâu xa lạ. Ðiều quan trọng là thơ NT hay, trữ tình và thật đẹp, làm nhiều người say mê, yêu quí.

Sau này trong tập thơ đầu tay, Thơ Như Thương in năm 2004, NT tự giới thiệu tên thật của cô là Phạm Kim Hương, hiện đang cư ngụ tại Florida. Nhưng bây giờ bạn bè xa gần lại biết đến Như Thương nhiều hơn là Phạm Kim Hương. Người thơ nổi tiếng hơn người thật. Ðây là niềm vui lớn nhất đối với người làm thơ, viết lách.

Khi nhà thơ bị bệnh, phải nằm nhà thương. Bạn bè xa gần thăm hỏi, chúc NT sớm bình phục, để ...tiếp tục làm thơ và yêu đời. Tôi cũng gởi một điện thư, chúc NT ...”vịn câu thơ mà đứng dậy”, mượn câu thơ của Phùng Quán.

Quả nhiên với ý chí vững mạnh, với sự cầu mong của bạn bè khắp nơi và với ... niềm đam mê thơ mãnh liệt vào thi ca, NT đã thực sự “đứng dậy”, tiếp tục làm thơ, in thơ  nhiều hơn, hay hơn và sức khỏe trở lại như xưa.

Anh Trần Việt Long, một bạn thân của chúng tôi, có hỏi tôi, có mấy tập thơ NT chưa. Tôi thành thật bảo NT chưa và hay đọc thơ NT trên các Trang Nhà. Và tôi gởi điện thư “xin sách thơ” từ nhà thơ bấy lâu tôi âm thầm mến mộ và tâm đắc. NT hồi đáp, rất xúc động trước chân tình của một người yêu quí thơ mình và gọi đây là niềm hạnh phúc lớn nhất.

Thực sự đây là những kỷ niệm giao hữu văn chương của tôi và bạn bè viết lách.

Có một lần, cách đây khá lâu, một bạn thơ in một thi tập khá dày, bìa cứng trên giấy quí và có nhã ý gởi tặng tôi. Khi nhận được tập thơ đẹp quá, nhiều bài thơ hay quá, tôi sung sướng lắm, o bế tập thơ và gởi thư cám ơn tác giả và để chia sẻ cùng người làm văn chương, khổ cực và tốn kém trong việc in ấn tập thơ, tôi gởi đính kèm một chi phiếu, với những dòng chữ chúc tụng tràn đầy. Chờ vài tuần vẫn chưa thấy nhà thơ bạn trả lời trên điện thoại hay thư tín, tôi gọi hỏi thăm về tập thơ và để xem bạn tôi có nhận được thư của tôi trong đó có cái chi phiếu nho nhỏ chia sẻ ân tình... văn chương không. Bạn tôi nói chuyện thật vui khi tôi trích đọc những câu thơ đẹp, khen anh, nhưng không nghe đề cập chút nào đến cái chi phiếu kia. Tôi cảm thấy một chút gì lấn cấn, cũng đành lặng im.

Khá lâu sau, một người bạn khác, bạn của cả hai chúng tôi, gặp nhau tình cờ ở bên Nam California, trong một quán cà phê. Anh bạn cho biết, người bạn thơ của chúng tôi, khi nhận cái chi phiếu, bực mình lắm, cho rằng, tình bạn trong thơ văn có cái gì... cao quí hơn tiền bạc. Anh bạn này vui tính bảo nhà nhơ kia, đưa cho anh ta cái chi phiếu, anh ghé lại ngân hàng bạn, lấy chút tiền mặt, kéo bạn ta đi nhậu và khề khà nói chuyện thơ văn và quên việc giận một người bạn khác.

Với “kinh nghiệm” nho nhỏ đó, khi anh Phạm Thành Châu, một bạn văn khá thân ở trên Washington DC, hỏi tôi có các cuốn sách mới in của anh chưa, tôi “xin sách” ngay. Phạm Thành Châu, trả lời, bảo tôi là bạn văn vui tính, thành thật nhất và anh ta cảm thấy thật vui, thật thoải mái khi tôi xin sách anh. Từ đó tôi và Phạm Thành Châu trở thành tri kỷ, mỗi lần vợ chồng Châu từ Washington DC về chơi Nam California, tôi trở thành tài xế của anh.

Ðây là những kỷ niệm thật đẹp, khó quên với bạn bè trong viết lách.

2/ Thơ Như Thương, áo nàng vàng và thơ lục bát:

Có lẽ lần đầu tiên tôi đọc mấy câu lục bát của NT, bài Ðọc Kiều Dưới Trăng:
                      Anh ngồi đọc sách dưới trăng
                      Kiều xưa
                      phận bạc
                      phải chăng má hồng?
                     Vấn vương tình lụy mặn nồng
                     So dây
                     nắn phím
                     nỗi lòng đa đoan
                     Lời rằng khúc hát tình lang
                     Trăm năm
                     lỗi hẹn
                     cung đàn tóc tơ
                     Trăng ơi
                     trăng tỏ trăng mờ
                     Soi chi bóng nguyệt
                     lời thơ
                     đoạn trường.

Tuyệt. Bây giờ có tập Thơ Như Thương, in năm 2004 trên tay, đọc lại mới thấm hết nét tài hoa trong thơ lục bát của NT. Thật xứng đáng là hậu duệ của Cụ Tố Như trong “vịnh Kiều”, với những vần thơ lục bát thật đẹp.

Trong tập Thơ Như Thương 2004 này, NT chỉ có ít bài lục bát thôi, nhưng rất đạt, nhuần nhuyển và nhiều hình ảnh mông lung, gợi cảm vô cùng:

                     Ngày xưa trăng lỗi câu thề
                     Nên trăng khuyết lõm
                     nửa bề trăng soi.
                     (Nửa Con trăng)

Trong viết lách tôi ít khi làm thơ nhưng tôi yêu thơ, nhất là thơ lục bát. Tôi biết rằng thể thơ lục bát là thể thơ đặc biệt Việt Nam. Trung Hoa không có. Nhật không có. Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Tân Ban Nha vân... vân... không có. Chỉ riêng cho Việt Nam thôi.
Thể thơ tương đối dễ làm nhưng đó là cái bẫy trong thi ca Việt Nam. Ranh giới giữa lục bát hay và lục bát “vè” ngắn lắm, các nhà thơ lạng quạng là ... rơi vào “vè” ngay, dù rằng vè trong ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu đi vào văn chương dân gian, một kho tàng của riêng Việt Nam.

NT làm đủ các thể thơ, nhưng không hiểu tại sao tôi lại thích các bài lục bát và cứ đi tìm các bài lục bát để đắc ý. Có lẽ tôi chủ quan chăng?

Mở đầu tập thơ Như Thương, tác phẩm đầu tay của NT, có bức họa Áo Vàng của họa sĩ Phùng Ðạt, tôi mải mê ngắm hoài không chán. Bức tranh đẹp. Màu vàng thật tươi và “bắt mắt”. Tôi tấm tắc khen đẹp quá, đẹp quá.

Tôi yêu màu vàng. Món quà đầu tiên tôi tặng người tôi yêu thuở bước qua tuổi hai mươi và sau này là bà xã tôi, một chiếc áo dài màu vàng. Thế là thành duyên nợ, đến nay 45 năm. Tôi đoán rằng, NT cũng thích màu vàng.

Màu vàng như quấn quyện trong thơ NT, các vần lục bát:

                     Thôi ta như cánh hoa vàng,
                     đợi em về lại ngắm hoàng hoa xưa.
                                           (Dã Quỳ)

                     Dường như em áo quỳ vàng
                     kiêu sa, góc phố rộn ràng theo em...

                     Thôi như chiếc lá vàng rơi
                     Áo bay theo gió hát lời bình yên.

                     Hôn em, vàng nụ hoa quỳ
                     Nụ tình thơ, độ xuân thì năm xưa.

Và năm ba câu lục bát... không có màu vàng, thật nức nở:
                     Em gom nước mắt phôi pha
                     Một lần khóc... tưởng chia xa cuộc tình.
                                            (Biển mặn)

                     Tiếc rằng anh chẳng làm thơ
                     Ðể anh biết được ngẩn ngơ tơ lòng
                     Ðể nghe nước mắt lưng tròng
                     Trong tim xuôi ngược một vòng nhân gian
                     Ðể nhìn chiếc lá thu sang
                     Rơi trên dòng tóc điểm trang cuộc tình...
                                          (Tiếc rằng...)

3/ Thơ Như Thương cất cánh:

Trong Kinh Tế Học, giai đoạn cất cánh của một nền kinh tế của một quốc gia là giai đoạn nền kinh tế đó phát triển hoàn hảo và đưa quốc gia vào thời kỳ dân giàu, nước mạnh. Trong lãnh vực Văn Chương Thi Ca,Thơ của Như Thương đang ở trong thời kỳ cất cánh tung bay vào khung trời thành đạt, đầy hoa thơm, ý đẹp. Thêm vào đó các nhạc sĩ thân hữu đã nhận thấy những âm diệu tuyệt vời trong các bài thơ, đã phổ vào nhạc, thực sự đưa Thơ Như Thương cất cánh và đi vào thế giới âm thanh và thưởng ngoạn.

Trong CD Dấu Chữ Tinh và Thăng Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Tất Vịnh và các nhạc sĩ bạn đã đưa hồn thơ Như Thương đến người nghe. Những bản nhạc này sẽ đưa Như Thương bay bổng vào tâm thức của những kẻ tha hương, làm sống lại biết bao kỷ niệm về quê nhà bỏ lại đằng sau lưng, bên kia biển Thái Bình và làm sống dậy biết bao trái tim yêu thương các cuộc tình trong cõi nhân sinh.

Ðã có biết bao bài thơ của các thi sĩ nhờ âm nhạc đưa vào bất tử, không những trong giới yêu thơ, viết lách mà đông đủ thành phần thưởng ngoạn văn chương, âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại. Một ngày không xa, nhạc mang hồn thơ Như Thương sẽ bước vào khung trời thưởng ngoạn đó.

Bên cạnh đó các họa sĩ Phùng Ðạt, ACLa Nguyễn Thế Vĩnh đưa sắc màu, hình ảnh gợi cảm, xinh tươi trong các họa phẩm góp thêm phần tươi thắm cùa vườn thơ Như Thương.

Nói đến cất cánh, kẻ đọc Thơ NT này lại nhận thấy, Như Thương mới « mọc thêm cánh », đó là chiếc cánh Kim Văn. 

Khi NT bước vào làng thơ khá sớm, những năm sau thập niên 90, với bút danh Như Thương, đã được trình « Tòa hộ tịch văn chương », trở thành chính thức. Một hôm đọc một bài thơ hay, nhìn lại tên tác giả tôi giật mình thấy Kim Văn Như Thương. Một bút danh mới? Tôi vui vui nghĩ, à cô Út NT mọc thêm chiếc cánh nữa, giúp cho Thơ NT bay cao hơn trong vùng trời nghệ thuật và thi ca đây.

Nhìn lại các tập thơ NT, hình như chiếc cánh Kim Văn này mới mọc trong năm 2009, khi NT in cuốn Ða Tình Khúc và xuất hiện đều đặn từ đó với bút danh mới Kim Văn Như Thương.

4/ Gia Tài Văn Chương Như Thương:

NT đến Mỹ trể hơn các bạn bè khác, năm 1993 với gia đình. Trong cái bận bịu của kẻ mới đến, bắt đầu học hành trở lại và nhiều vấn đề còn phải bước qua, NT đã không quên ... làm thơ. Chỉ một thời gian ngắn sau, NT đã in thơ và từ đó hầu như năm nào NT cũng trình làng các tập thơ mới của mình.
    - Năm 2004 : Thơ Tình : Thơ Như Thương
    - Năm 2005 : Thơ Tình :  Ðàn Cho Biển Hát
    - Năm 2006 : Thơ Tình : Tháng Sáu, Yêu Em
    - Năm 2009 : Thơ Tình : Ða Tình Khúc
    - Năm 2010 : Truyện : Diễm Tình
    - Hai CD Nhạc : Dấu Chữ Tình và Thăng Hoa

Với một sức sáng tác như vậy phải nói rằng NT ăn ngủ, sống thở với THƠ. 

Thế giới Thơ của NT trải rộng trên mọi lãnh vực của cuộc sống : Tình Yêu, Quê Nhà, Thân Phận Con Người và mọi tình huống của cuộc sống. yêu đời, yêu người, yêu mình, yêu sông, yêu núi, yêu biển, yêu bầu trời... và nhìn tha nhân trong vòng tay yêu mến rộng mở mà NT gọi là Ða Tình Khúc, một trái tim dạt dào tình yêu thương không bờ bến.

Ðể diễn đạt nguồn thơ của mình, NT cảm tác trên tất cả các thể thơ, từ Tứ Tuyệt, Ngũ Ngôn, Lục Bát... Trong lúc đó tôi chỉ tìm tòi những câu thơ đẹp trong lục bát, khoe lên, nghĩ cũng thật bất công. Thôi cũng đành mang tiếng một kẻ mù xem voi... Thơ Như Thương.

Trong ẩn dụ Bốn Người Mù Xem Voi, nói về lý luận, tranh cãi, đó là một ẩn dụ cười chê cái phiến diện của lối nhìn chủ quan của mỗi cá nhân trong cái vô cùng của luận lý. Nhưng trong văn chương, cái ẩn dụ Người Mù Xem Thơ lại mang một vẻ đẹp của chủ quan, của cái nhìn dưới một góc độ riêng, một lý luận khác người, một nhân sinh quan, một vũ trụ quan mới, một thẩm mỹ quan không bị ảnh hưởng, không lặp lại lối mòn. Ðúng, sai không còn quá hạn hẹp trong không gian, thời gian. Ðôi khi có vẻ... ngụy biện, đôi khi một chút ... ngược ngạo cũng chẳng sao, miễn là có chút suy nghĩ, động não trước một vấn đề, nhất là trong Thi Ca, mông lung của đất trời và lòng người.

Kim Văn Như Thương đã có trong tay một gia tài văn chương, gia tài tinh thần... vô giá, để lại cho ngàn sau. Tôi nghĩ, Kim Văn Như Thương hạnh phúc trong trong gia tài đồ sộ đó của mình.

Quận Cam California Hè Muộn Canh Dần 2010
 XUÂN  ÐỖ
____________

Út Như Thương gởi anh Xuân Đỗ,

Quả thật là một bất ngờ khi nhà văn Xuân Đỗ gởi đến Út Như Thương "THEO DẤU CHÂN THƠ NHƯ THƯƠNG" ... một quãng đường dài vạn dặm từ thuở NT mới in thơ - anh đã miệt mài Theo Dấu Thơ ...
Sự xúc động đã làm NT ngẩn người ...
Xin được đáp tạ anh "Nợ Người trả Một Dòng Thơ"

Thân kính

No comments:

Post a Comment