20 September 2010

Tuổi già thích ôn chuyện xưa

DĨ VÃNG MỘT THỜI NƠI ÐẤT ÚC

Ðàm Trung Phán

25/06/20XX

Mấy hôm nay tôi rất muốn ghi chép lại những kỷ niệm hồi đi học bên Úc nhưng không có thì giờ nên bây giờ tôi mới ngồi bắt đầu viết trong khi chờ đợi họ sửa xe cho tôi tại một “garage”.

Ngày hôm qua (24/06/) đúng là ngày cháu nội thứ hai của tôi, ED, được một tháng. Ông nhớ cái ngáp của cháu chi lạ. Được bố cháu và chú SD cho biết là cháu vẫn hay ăn, chóng lớn, khóc to và ngáp dài! Thế là ông nội vui rồi.

Cách đây một tháng, NHM, bạn cùng khóa đi Úc với tôi báo tin qua email rằng hắn sẽ qua Queen’s University tại Kingston, Ontario, Canada để dự hội nghị về Đồ Ăn (Food Technology). Hắn đang dậy “Food Technology” tại một Ðại Học (ÐH) bên Úc Đại Lợi nên nhân dịp này anh chàng nói với trường rằng hắn sẽ sang để “present his paper” (diễn thuyết) và để gặp một số các Giáo Sư nhiều nơi trên thế giới trong kỳ hội nghị này. Ðó cũng là một cái cớ để ĐH bao thầu cho chuyến viễn du Bắc Mỹ này của bạn tôi. Thực tình là để hắn sang Canada thăm một số bạn bè đã du học bên Úc cùng với chúng tôi, sau đó hắn bay qua Hoa Kỳ và London để thăm gia đình trước khi bay về lại Úc.

Giữa tháng 5, 20XX, tôi hăm hở lái xe ra phi trường Pearson International tại Toronto để đón M. Tôi náo nức đứng đợi, chỉ sợ là mình sẽ “lạc” mất hắn. Thế rồi một dáng điệu quen thuộc lù dù hiện ra giữa đám đông, tôi gọi to tên hắn và vẫy tay tíu tít. M. nhận ra tôi và kéo hành lý chạy vội đến gặp tôi. Hắn trông vẫn vậy và dĩ nhiên là hắn cũng như tôi đều mập ra.

- Tôi nhớ là ngày xưa ông P. cao lắm mà?

Tôi cười trả lời hắn:

- Thì tôi vẫn “cao” như vậy nhưng vì “trổ mã bề ngang” nên ông bị “optical illusion” (“loạn thị”) đó mà!

Hai đứa rộ ra cười với nhau, tiếng cười đầu tiên sau 36 năm mới lại gặp lại nhau.

Tôi đã ra phi trường đón bạn bè và bà con rất nhiều lần nhưng lần ra đón M. tại phi trường có lẽ là lần đầu tiên làm tôi xao động nhiều nhất vì giữa hai chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm với nhau từ khi hai đứa tụi tôi sang Úc vào cuối năm 1961. Rồi tôi rời đất Úc, lẳng lặng bỏ đi biền biệt sang lập nghiệp tại “xứ lạnh tình cóng” Canada vào Mùa Thu 1969. Chúng tôi mất liên lạc với nhau trong rất nhiều năm sau đó.

Gặp hắn làm tôi được trở về với dĩ vãng, trở về với giai đoạn sôi nổi nhất của cuộc đời chúng tôi. M. đã là chứng nhân của đời tôi từ cuối năm 1961 đến tháng 8, 1969. Tôi cũng là kẻ đi chung đường với hắn trong giai đoạn này và cũng đã là một chứng nhân của đời hắn.

Hai đứa tụi tôi cùng khoảng 20 sinh viên VN đã rời Saigon vào một buổi chiều cuối năm 1961 để lên máy bay Air France bay sang Sydney. Chúng tôi tuổi chừng 18,19 và mới học sơ sơ tại các đại học bên Việt Nam rồi được trúng tuyển học bổng Colombo Plan sau kỳ khảo sát Anh Ngữ và lựa chọn theo kết quả học lực trong hai kỳ thi Tú Tài 1 và Tú Tài 2. Chúng tôi được luyện Anh Văn trong một thời gian ngắn bởi giáo sư Brent, người Úc gốc Đức, tại Saigon.

30/06/20XX

Hôm nọ đang viết dở thì họ đã sửa xe xong nên tôi phải ngưng viết để lái xe về nhà và chạy việc.

Sáng hôm nay, “xếp bề trên” BN của tôi phải đi khám sức khỏe toàn diện từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều. Sau khi lái xe đưa BN đi Bác Sĩ, bác tài bèn ghé vào hiệu cà phê Tim Horton uống một ly cà phê. Ngon tuyệt trần đời. Vừa nhâm nhi cà phê một mình, vừa suy nghĩ về vụ M. sang Canada thăm tôi, tôi nẩy ra ý định: “Lâu rồi mình chưa có dịp đi bộ và suy nghĩ một mình, sáng nay cơ duyên tốt đã đến với tôi!” Bèn đóng nắp ly cà phê đang uống dở và lái xe ra bờ hồ Ontario (Lake Ontario). Lôi ra trong thùng xe cái ghế gập mà tôi đã mua từ năm ngoái, luôn luôn được để trong thùng xe trong những tháng Mùa Hè và để được bác tài ngả ra mà ngồi tại những nơi nào nên thơ. Tôi chọn ngay một nơi có bóng mát, trước mặt là nước hồ, bên kia hồ là những căn nhả lấp ló sau lùm cây. Ngay trước mắt tôi là những tảng đá mà Nha Kiều Lộ đã đặt chồng chất lên nhau xung quanh hồ. Trời đang mùa hè, gió hiu hiu thổi buổi sáng nên tôi không bị ruồi muỗi bu quanh. Thật là thần tiên, bỗng đâu tôi nhớ lại chuyến thăm Panama vào muà hè năm trước.

Xin trở lại câu chuyện đất Úc ngày xưa.

Tuy tất cả dân Colombo Plan chúng tôi đã được luyện Anh Văn tại Saigon nhưng khi mới sang đến Úc mà nghe tiếng Anh người Úc nói thì thật đúng như là “vịt nghe sấm” vậy.

Một người bạn Mã Lai gốc Tầu đã nói với bọn tôi về tiếng Anh giọng Úc:

- When I first came to Australia, the land lady came out to greet me and she said: "So you came here "to die", at nine in the morning?"

I replied:

- Oh no, Madame, I came here today, to study but not to die!

( Khi tôi mới đến Úc, bà chủ nhà ra đớn tiếp tôi, lời bà nói tôi nghe như là:” Anh tới Úc lúc 9 giờ sáng để anh ..."chết", có phải không?” Tôi trả lời là:” Dạ thưa bà, tôi tới Úc lúc 9 giờ sáng hôm nay để đi học, chứ không phải để … tôi chết đâu ạ!)

Cả bọn rộ ra mà cười vì cái giọng (accent) có một không hai của người Úc khi họ nói tiếng Anh.

Sợ nhất là khi mới tới Sydney mà phải nói chuyện qua điện thoại với người Úc, chả là vì họ không nhìn thấy nét mặt ngẩn tò te của mình, họ cứ thao thao bất tuyệt thì mình càng…”tuyệt vọng” vì mình có nghe nổi họ nói gì đâu cơ chứ!

Tại Sydney, trong ba tháng đầu năm 1962, khi đi học Anh Văn hay đi chơi đâu chúng tôi thường cùng đi với nhau cho chắc ăn. Này nhé: mới chân ướt, chân ráo tới Sydney, đi vớ vẩn lạc đường dễ như chơi. Nếu lạc đường mà hỏi dân Úc thì hỡi ơi, đúng là vịt nghe sấm vậy. Qua đường, suýt mấy lần chúng tôi bị xe tông vì chúng tôi nhìn lộn hướng (bên VN, chúng ta lái xe đi bên phải trong khi đó ở bên Úc, họ lái xe bên trái) làm các bác tài Úc sổ tràng dài chữ nho tiếng Úc, dân Nam ta chỉ biết nhe răng ra mà cười trừ: “Sorry!” Đi xe bus còn hãi hùng hơn nữa vì hệ thống đường đi của xe bus không được sắp đặt (designed) theo hệ thống Đông-Tây, Nam-Bắc như tại Bắc Mỹ nhà ta. Cứ “hứng chí” là đường xe bus (bus route) chạy vòng vèo loạn xà ngầu. Hồi chúng tôi mới qua Úc, họ còn dùng hệ thống tiền với Pounds, Shillings và Pennies. Vừa mới bước lên cái xe bus hai tầng “Double Decker”, bác “lơ xe đò” (bus conductor) đã đon đả chào hỏi:

- Fare please! (Mua vé dùm!)

Quân ta cố dặn ra câu hỏi đường xe bus đi ra sao, người thu vé xe bus trả lời rất đàng hoàng và nhanh như cái máy, quân ta càng thêm phần “ngẩn tò te” vì cái “accent” lạ tai của người Úc. Sau khi bác “lơ xe đò” mắt xanh lơ biết tôi muốn đi đâu, bác cho biết giá tiền:

- One shilling and three pennies, please!

(1s 3p = Một hào, ba xu Úc!)

Phe ta bèn đưa cho “bác lơ xe đò” tờ giấy 1 pound (1 bảng Úc, sau năm 1965 trị giá bằng 2 đô la Úc). Nhanh như chớp bác đưa “tiền thối”: một lô nào là shillings, nào là pennies. Quân ta quýnh lên chẳng biết “tiền thối” là bao nhiêu nữa. Chả là vì nó như thế này:

1 pound có 20 shillings (một Bảng Úc bằng 20 Hào Úc)

1 shilling có 12 pennies (một Hào Úc bằng 12 Xu Úc)

Như vậy tiền trả lại từ 1 pound cho giá vé 1s 3p là

= 20 shillings – 1 shilling 3 pennies

= 18 shillings 9 pennies

Quân ta cứ ngớ ra và bỏ vội một lô “tiền cắc” này vào cái túi áo veston cho đỡ quê! Thế rồi dần dà quân ta cũng quen đi. Khổ nỗi cái đồng penny nó “to con” và nặng ký lắm cơ: penny làm bằng đồng (bronze) và có đường kính cỡ 2.5cm. Quý vị thử tưởng tượng bỏ trong túi 1 pound toàn bằng shillings (1 pound = 240 shillings) thì túi áo nào mà chịu nổì.

Khi mới bắt đầu nhập học tại Đại Học New South Wales tại Sydney, M. và tôi cùng chung phòng (room mates) ở môt nhà trọ (boarding house) tại vùng Randwick của Sydney. Vì là nhà trọ cho nên nếu muốn giặt quần áo, tắm “shower” chúng tôi phải bỏ vài đồng “pennies” vào cái “gas meter” và sau khi bỏ tiền, chúng tôi phải đánh diêm để đốt gas hâm nước nóng. Những lúc tắm “shower” là những lúc tài nghệ hát hổng của tôi được bộc phát đến tuyệt đỉnh. Tôi đang mê mẩn hát:

“…(Cô) bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ giòng sông, cô đi … lấy chồng…”

Tự dưng thấy lạnh toát cả cái thân, thoạt đầu tưởng là mình đang “ê mô suờn” (emotional) vì vụ cô lái đò bỏ tôi mà đi lấy chồng trong lúc thân thể tôi còn đầy xà bông. Nhìn cái lò đốt ga thì không còn thấy ánh lửa, trong lúc đang run như cầy sấy (vì trời đang mùa đông nữa), tôi bèn thò tay vào bao plastic lấy thêm “pennies” bỏ vào “gas meter”. Chàng thanh niên lật đật đánh que diêm để đốt lò gas, ngờ đâu cả hộp diêm của chàng đã bị ướt sũng vì nước và xà bông từ tay chàng nhỏ xuống. Chàng chỉ còn muốn xổ nho vì cái tình đời lạnh lẽo, đen bạc đã làm chàng run lên bần bật. Chàng phải cắn răng mà dội nước lạnh cho hết bọt xà bông!

Tối hôm đó, trong cơn cảm lạnh, chàng thanh niên sống xa nhà vạn dặm mơ ngủ thấy cô lái đò bỏ thuyền, bỏ bến; riêng chàng, chàng đã bỏ mất bao diêm khô thế cho nên nó mới ra nỗi này! Lạnh ơi là lạnh, ới cô lái đò ơi!

Ở nhà trọ (boarding house) còn có nhiều cái cực nhọc của nó. Chả là vì tối chủ nhật họ không nấu cơm cho dân ở trọ, M. và tôi phải đi bộ ra phố để ăn cơm tối. Món ăn rẻ nhất và ngon nhất của tụi tôi là Hamburger. Mỗi đứa thường phải “làm” hai cái Hamburger to tổ chảng mới đỡ đói trong những đêm ngồi học. Tuy nhiên, khoảng giữa đêm là hai đứa đói nên phải mua thêm đồ ăn “snack” thì mới tiếp tục học được.

Chúng tôi là hai sinh viên trong phân khoa Kỹ Sư: M. học ngành Hóa Học, còn tôi học ngành Công Chánh. Chúng tôi may mắn học cùng Ðại Học nên đỡ cảm thấy lẻ loi và lạc lõng. Mùa đông đầu tiên tại Sydney của chúng tôi đã làm chúng tôi rất vất vả. Sau 4 giờ chiều, trời đã bắt đầu tối. Nhà trọ cách Đại Học chừng gần 2km. Hồi đó tại Sydney đang có vụ sát thủ Jack the Ripper (hay Jack the Knife) đang “thao túng thị trường”. Nghe báo chí mô tả: món sở trường của hắn là nhẩy từ trên cây xuống và dùng bao bố chùm kín nạn nhân rồi chém nạn nhân ra từng mảnh. Vì vậy mà hai chúng tôi phải hẹn nhau một nơi trong Đại Học để mà cùng về vì trên đường về nhà, đường phố có rất nhiều các cây không quá cao trong khi đó nhà nào nhà ấy tối thui như những căn nhà hoang vậy.

Một hôm về đến phòng, tụi tôi mới biết là cái radio của tôi và một số đồ dùng đã bị ăn cắp. M. và tôi quyết định dọn vào nội trú (college hay residence), tuy mắc mỏ hơn nhưng chúng tôi đỡ vất vả và đỡ mất thì giờ.

Năm thứ nhất tại Đại Học, các sinh viên trong phân khoa Kỹ Sư thật là cực nhọc. Số giờ đi học trong giảng đường (lecture), và vào phòng thí nghiệm làm việc (laboratory work) của sinh viên rất nhiều giờ so với các phân khoa khác. Chương trình Trung Học miền Nam Việt Nam hồi bấy giờ (thập niên 50,60) đâu có huấn luyện học sinh về phần kỹ thuật trước khi vào Ðại Học trong khi đó sinh viên ban kỹ thuật tại ĐH bên Úc phải biết cách sử dụng một số máy móc phổ thông trong môn “Workshop and Technology” (sử dụng máy móc căn bản trong ngành Kỹ Sư). Hai đứa tụi tôi phải “cầy” muốn chết để theo kịp các sinh viên Úc. Ngoài ra tất cả bạn bè Việt Nam chúng tôi trong phân khoa Kỹ Sư còn phải “làm quen” với hệ thống đo lường của dân gốc Anh nữa (Imperial Units of Measurement); một hệ thống không sử dụng căn bản thập phân (decimal), rất là cầu kỳ và mất thì giờ!

Tôi còn nhớ vào tuần lễ thứ hai sau khi nhập học Năm Thứ Nhất, trong giờ “Tutorial” (làm bài tập), chúng tôi phải giải một bài toán Vật Lý có đơn vị đo lường như sau: một máy bay cao hơn 10 ngàn “feet” với vận tốc 500 “miles per hour”, thả một quả bom nặng 500 “pounds” … Tôi trố hai con mắt, miệng lầm bầm “Holy Cow!” vì chưa bao giờ hình dung được 10 ngàn feet nó cao như thế nào, 1 "mile" (một dặm Anh) dài bao nhiêu “feet” và 500 “pounds” thì nặng như thế nào… Thế là quân ta bèn phải tự làm quen với Hệ Thống Ðơn Vị Anh Cát Lợi (Imperial Units of Measurement). Ngoài ra, hồi đó còn chưa có máy tính “hand held calculator” mà chúng tôi phải bắt buộc sử dụng cái “slide rule”. Cái “thước trượt” này chỉ giúp chúng tôi trong phần "tính nhân” và "tính chia” mà thôi; phần "tính cộng” và “tính trừ”, chúng tôi phải tự làm lấy! Ôi chao là cái thời buổi đầy… nhiễu nhương!

Dọn vào ở trong nội trú, hai đứa chúng tôi vẫn còn là “room mates”. Trong tuần, mỗi bữa ăn buổi tối, sinh viên phải mặc áo thụng (gown) đen, mặc áo “veste” và thắt cà vạt. Vì “ngân sách eo hẹp” nên M. và tôi mua chung một cái “gown” của một sinh viên Úc trước khi hắn dọn ra khỏi nội trú. Chúng tôi chia phiên: đứa ăn sớm, đứa trễ. Khi nào khẩn cấp thì mượn “gown” của một sinh viên Úc để cùng đi ăn.

Chúng tôi cùng thi đậu năm thứ nhất và mùa hè năm đó, hai đứa chúng tôi thuê một cái flat (apartment) cùng với ÐHP, một anh bạn Việt Nam khác. Mùa hè được chơi thả ga cho bõ những ngày phải “cầy như trâu”. Ba đực rựa sống không có quy củ cho lắm. Một lần, chúng tôi “nấu canh chua”: lấy tôm khô nấu lên với cà chua. Mùa hè Sydney trời nóng, chúng tôi quên không bỏ nồi canh vào tủ lạnh. Hai hôm sau, bạn bè đến chơi, chúng tôi bèn hâm “canh chua” mời bạn hữu ăn. Bạn bè khen lấy khen để:

- Sao mà quý vị nấu canh chua “ngon” như vậy?

Chúng tôi thật thà trình bầy cho bạn bè nghe “cách nấu” và “cách giữ đồ ăn”. Bạn bè sợ quá, bỏ chạy vào “toilet thải ra cho hết” để tránh “hậu loạn”.

Một phái nữ, sau khi đến thăm cái “flat” của chúng tôi đã “phán” như sau:

- Đúng là một cái ổ lợn!

Giờ đây ba kẻ đi ở thuê (“3 flat mates”) tuy đang ở ba phương trời khác nhau nhưng tôi đoán chắc rằng cả ba chúng tôi đều không tài nào quên được “cái thuở ban đầu lưu luyến” ấy. Mà chắc là ông Trời cũng đã sắp đặt trước: cả ba chúng tôi đều đã trở thành ba nhà giáo, mỗi đứa đã dậy học trên 30 năm trong ba đại lục khác nhau.

Trời nắng to và chiếu vào nơi tôi đang ngồi. Tôi di chuyển sang nơi khác, tọa vì dưới một cây phong (maple leaf) không cao cho lắm. Gió hơi lành lạnh, tôi không ngờ rằng mình ghi chép những giòng này đã hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ rồi.

Câu chuyện đất Úc còn dài. Tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp, vui, buồn nơi đất Úc thân yêu! Xin ngưng ở đây để về nhà chờ "xếp bề trên" gọi điện thoại giao việc làm cho tôi.

Ôi Dĩ Vãng Một Thời!

Ðàm Trung Phán
Tháng Chín, 2010
Canada
____________
Giáo sư Đàm Trung Phán giảng dạy tại các trường Colleges ở Toronto. Anh thuộc lớp học sinh ưu tú đi du học nước ngoài theo kế hoạch Colombo (Plan Colombo). Anh đã nghỉ hưu và hiện sống cùng  gia đình ở Mississauga, giáp ranh phía nam Toronto.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...