02 September 2010

Truyện ngắn Sầu Đông


Cái Vỗ Mông

­
Sầu Đông
TTR: Sầu Đông là một nhà văn không chuyên hiểu theo nghĩa không kiếm cơm bằng nghề văn. Anh viết không nhiều nhưng đủ loại: truyện ngắn, tùy bút, biên khảo.... Sâu Đông đến với chúng ta qua mối giao tình có từ lâu trên đất tạm dung này. Anh hiện sống tại Mississauga, Canada, vui với tuổi về hưu bên người bạn đời và con cháu. Mời quý anh chị đọc "Cái vỗ Mông", một truyện ngắn vui với những chi tiết rất bất ngờ, ngộ nghĩnh ...

Phẩm là một kẻ ghét Mỹ. Ghét cay, ghét đắng. Hồi ở trên đảo, sau chuyến vượt biên may mắn chỉ kéo dài một đêm, hai ngày rồi được tàu Pháp vớt, chàng đã thề trước mặt nhiều người là không bao giờ thèm nhìn mặt bọn Mỹ, rằng đi xứ nào thì đi, ‘Công-gô’, ‘công-ghoéo’ gì gì cũng được. Chàng bảo: '' Tao cạch mặt bọn Mẽo. Bọn ấy là chúa đểu. Mình xém thành mồi cho cá cũng vì làm đồng minh với chúng! '' Ghét Mỹ vì cái chính trị lắt léo của Mỹ một phần, phần khác là vì sau vụ tết Mậu Thân, một hôm chàng đưa người yêu bé bỏng của chàng đi coi phim về, khi ngang qua góc Tự Do - Lê Thánh Tôn, một thằng lính Mỹ đội bê-rê xanh có lẽ đã xỉn, đã nhè ngay mông người yêu của chàng mà vỗ một phát. Chàng giận điên người, muốn xông vào thọi ngay mặt thằng mất dậy ấy một thọi, nhưng thằng kia đang xỉn, tướng tá to lớn, dữ dằn quá, nên chàng chỉ biết kéo vội người yêu tránh vào Quán Chùa ( La Pagode ) gần đó. 

Chuyện ghét Mỹ của chàng còn nhiều lý do mà nếu liệt kê ra cho đầy đủ không biết chừng nào mới hết. Sau lần cái mông của người yêu bị thằng lính hỗn chạm vào, chàng nhìn chỗ nào cũng thấy một bọn đồng minh nghênh ngang, hám gái. Cũng may là chàng chưa ghét cùng, ghét cực đến độ bỏ trốn ra bưng đi theo mấy anh ‘cách mạng’. Bọn lính ngờ nghệch Mỹ thù chúng làm chi cho mất công. Chả gì mẹ và chị của chàng nhờ mua bán đồ PX ( quân tiếp vụ của quân đội Mỹ) mà xây được nhà lớn ở ngay con hẻm dẫn vào xóm đạo. Bố chàng làm trùm xứ đạo, vẫn còn nhắc chàng những chuyện khủng bố của bọn cộng sản nơi vùng quê Nghệ Tĩnh năm xưa. Nhưng chàng chả thấy dân chủ của bọn ‘rợ’ Mỹ hay ho ở khoản nào. Chàng bảo với người yêu của chàng những hôm hai đứa đi lễ ngày chủ nhật là cái giàu có, hào nhoáng của xứ Mỹ chỉ là cái vỏ ngoài của một xã hội ruỗng nát về đạo đức. Xứ gì mà lính đóng quân ở đâu là ngay sau đó có nguyên một đạo quân những gái bán ba bao vây. Và trong những trại lính Mỹ, chẳng thiếu những tờ Playboy in toàn hình đầm truồng. Thật ra những lần ngồi trong ban văn thư của quân trường nhìn ra ngoài sân tập của sinh viên sĩ quan, chàng cũng thú vị lén mở một vài trang trong tờ Playboy mà viên trung sĩ dưới quyền bỏ quên trong hộc bàn, nhưng những lần thấy viên sĩ quan cố vấn cao lênh khênh thẳng người đi ngang qua cửa phòng làm việc của chàng, chàng lại liên tưởng đến khuôn mặt lạnh như tiền của Cabot Lodge, hay của mấy viên tướng Mỹ chàng thường thấy xuất hiện trên báo chí: khinh khỉnh, lạnh lùng. Những phiên trực ban, vào lúc thức ngủ lơ mơ, chàng có lúc mơ thấy phi cơ trực thăng chở viên tướng Abraham rớt ở vùng rừng cao su Trảng Bàng.

Nhưng cô người yêu bé bỏng của chàng xem ra không mấy căm hận về cái phát mông của thằng lính mất dậy ấy. Mỗi lần ngồi nghe chàng hậm hực kể với bạn chuyện cái mông của nàng, mặt nàng chỉ ửng hồng rồi dụi dụi cái đầu vào vai chàng. Không biết là nàng thẹn thùng khi nghe chàng vung tay kể lại chuyện ấy hay là nàng đang hưởng cái thú vị của một người yêu biết là kẻ yêu mình đang ghen, đang tức lắm!

Chàng có một người bạn khá thân, tên Quang, cùng động viên vào một khoá sĩ quan trừ bị Thủ Ðức. Khi ấy họ đều là những thư sinh mặt trắng, hiền lành, cùng trình diện ở quân trấn một ngày. Những ngày trong quân trường họ cùng được xếp vào một trung đội trong một đại đội, cùng chung một cái giường đôi ( bạn chàng nằm tầng trên, chàng tầng dưới), và sau này cùng ngán và nể Lộc Lác. Lộc Lác là một gã sinh viên sĩ quan ngang tàng. Hắn thường bảo: “ đã vào lính thì hoặc xanh cỏ, hoặc đỏ ngực ”. Nó là loại điếc không nghe thấy tiếng đại bác bắn bên tai. Mấy ông sĩ quan cán bộ trung đội còn phải ngán hắn nữa mà. Hắn chui rào trốn trại về thăm bồ của hắn dài dài. Mãn khoá, Lộc Lác qua lực lượng đặc biệt ( cũng đội nón xanh ! ), Quang về một trung đoàn bộ binh, còn chàng chẳng biết dây mơ rễ má thế nào mà được giữ ở lại quân trường.

Một lần Quang được về phép sau trận Mậu Thân, chàng đã hớn hở báo tin quan trọng cho bạn chàng biết là ông trung úy Bạch – đàn em của thiếu tá Vinh ( cựu đại đội trưởng đại đội 17 của họ ) đã ‘khỉa’ ngon một thằng quân cảnh Mỹ khi thằng này đòi còng tay ông Vinh ở nhà hàng Tháp Ngà ( Tour d'Ivoire ) . Chàng bảo '' Tao phục ông Bạch. Phải dạy cho bọn Mẽo biết thế nào là lễ độ và chủ quyền chứ. '' Chàng đã có người trả hận dùm, nhưng vẫn chưa thôi ghét Mỹ.

Ngoài chuyện ghét cay, ghét đắng bọn Mỹ vì cái phát mông cô bồ của chàng, chàng cũng không mấy thiện cảm với người ngoại quốc, đặc biệt với đám người Hoa. Chàng đã chịu một phần ảnh hưởng của những bài học lịch sử những năm đầu trung học: “ Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu ”, nhưng nhiều hơn cả là những cọ sát hàng ngày của gia đình chàng với đám con buôn người Hoa vùng Chợ Lớn, vừa keo kiệt, bủn xỉn với bạn hàng, vừa đầy những mánh lới làm giàu bất lương qua những thủ đoạn mua chuộc, hối lộ, chưa kể thái độ chèn ép có hệ thống, và kỳ thị ra mặt với đám dân buôn người Việt. Chàng cũng đã từng đọc đâu đó là ở xứ Ma-lai-xi-a không xa VN bao nhiêu, dân Tàu chỉ mới được nhập cư chưa tới một thế kỷ, đã hầu như trở thành chủ nhân ông đích thật của xứ này! Ở khắp vùng Đông nam á, đám người Hoa đã làm mưa làm gió trên thương trường và chính trường, và cuối cùng là những thú vui bệnh hoạn như mua trinh gái tơ của các xì thẩu người Hoa. 

Ðối với người Pháp, quá khứ tuy gần mà xa. Trước mắt chàng chỉ còn lại những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hoá Pháp: những ngôi trường với những tiểu thư xinh đẹp, lịch sự. Cô bồ của chàng là một điển hình. Rồi những nhà thơ như Mallarmé, Beaudelaire, Apollinaire,...những nhà văn, nhà tư tưởng như Voltaire, Montesquieu, ... mà chàng đã được cụ Huỳnh Hoà, thầy dạy văn chương Pháp năm đệ tam của chàng, giới thiệu không chỉ là niềm vinh dự của nước Pháp mà còn là của cả nhân loại nữa. Riêng chàng, cô người yêu bé bỏng trường đầm của chàng thỉnh thoảng vẫn nghe chàng ngâm nho nhỏ một câu thơ duy nhất chàng thuộc của Lamartine '' Thời gian ơi! Xin hãy ngừng cánh bay '' ( Oh temps! suspend ton vol ) sau lần đầu tiên chàng đặt được một nụ hôn nồng lên đôi môi dịu dàng của nàng trong một góc của rạp chiếu bóng Rex. Vì thế khi được tàu Pháp vớt, chàng sung sướng đến lịm người, hệt như linh hồn kẻ thánh thiện vừa được thánh Phao Lồ đón vào nước trời: chàng đã choáng đi mất vài giây.

Với cộng sản, chàng vừa thù vừa ghét. Chàng thù vì '' Ông già tao làm trùm xứ đạo, chỉ biết việc đạo mà chúng nó cũng đem đi nhốt. Ông cụ chết ở trong tù rồi! Xin lãnh xác về chôn, chúng nó cũng làm khó dễ đủ đường!! ;…Tao là lính văn phòng, có đào mả cha nhà chúng nó hồi nào đâu, mà chúng nó nhốt và hành tao đến bảy niên, lại còn nay khai lý lịch, mai khai lý lịch, mốt nó cũng cứ bắt khai lý lịch nữa;... Tù thì nói mẹ nó là tù, lại còn bày đặt mấy tiếng ‘cải tạo viên’. Cải tạo cái con bà nhà chúng nó. Chúng nó vừa độc, lại vừa ác! '' Ðám tù cải tạo đói khổ trong tù; người thân ở bên ngoài cũng khốn khổ chẳng kém, ác liệt nhất là trong những năm liền sau chiến tranh. Quang may mắn hơn hắn về chuyện đi tù, chỉ bị nhốt có ba niên, nhưng ra khỏi tù rồi mới thấy cái xã hội bên ngoài là một trại giam lỏng lớn. Nhà nào cũng xính vính, xác xơ, tan tác. Cái đói, cái nghèo làm nhiều người thay đổi tâm tính. Kinh hãi nhất là cái cùm lớn choàng lên toàn xã hội: đi đứng, nói năng nhất nhất phải cẩn thận. Ôi thôi! Nhắc đến còn ớn lạnh cả người. Ðã có lúc Phẩm tưởng cái hệ thống cùm kẹp ghê gớm ấy sẽ giúp bọn đại ma muôn năm trường trị. Trong tù, chàng có lúc nhớ đến những nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung: Ðông Tà, Tây Ðộc. ‘Tây Ðộc’ chàng đã nếm qua, nhưng phải đến lúc gặp ‘Ðông Tà’ chàng mới thấy hết cái độc điạ, khủng khiếp của nó. 

Trời đất sắp xếp sao đó mà tới đâu Quang cũng gặp Phẩm: hết ở tổ hợp sơn mài, đến vá xe ở đầu đường Lê Thánh Tôn, rồi cả đạp xích lô nữa! Còn cô bồ xinh đẹp trường đầm ngày xưa của Phẩm ( đã thành vợ Phẩm sau Mùa Hè Ðỏ Lửa) có lẽ may mắn nhờ giáo dục tốt lành nơi giáo xứ của cô, đã không nỡ bỏ chàng và hai đứa con như một vài con bạn đã bỏ chồng trong tù để ôm lấy những kẻ chiến thắng. Vả lại, mới chỉ nói chuyện với vài cán ngố, Loan đã ngấy đến tận cổ, gì đâu mà “tủ lạnh chạy đầy đường!” Mán quá . Nhưng cái số nàng là số vất vả , hồi mới quen nhau đi giung giăng, giung giẻ với Phẩm giữa đường lớn đã bị ngay Mỹ say vỗ đít, đến lúc lấy nhau chưa được bao nả thì quân ta tan hàng. May mà cả hai bên gia đình đều có tí của chìm khiến mấy mẹ con Loan không đến nỗi phải rệu rạo nhai bo bo nhưng nàng thường xuyên bị phường khóm 'động viên' đưa các con về vùng kinh tế mới. Năm 75, Loan mới ngoài đôi mươi, tươi rói; vài năm sau 'giải phóng' Loan xuống sắc rõ rệt. Còn Phẩm lúc ở tù về và nhất là lúc ngồi vá xe ở đầu đường nhìn không kỹ có người kêu chàng bằng bác, khác hẳn lối gọi xách mé, mất dạy của bọn ở ngoài bắc vào: ông già, bà lão đều bị chúng kêu là “anh”, “chị” ráo trọi. Có lần, sau một cuốc xe chở người nhà của một cán gộc đến trạm hàng không nằm trên đường Phan Ðình Phùng đón người nhà, Quang thất kinh kể cho chàng nghe là đã thấy tận mắt các cán nam, cán nữ cỡ giám đốc trở lên ngồi xổm bên kia đường Phan Ðình Phùng sau khi xe buýt đưa người từ phi trường TSN bỏ xuống tại đây chờ người nhà hay nhân viên ra đón. Quang bảo : '' Các quan lớn mà ngồi kiểu ‘nước lụt’ đó, ăn xôi xong lấy lá chuối chùi mồm, tiện tay quệt luôn vào ống quần thì dân đen thấy ông bà ông vải rồi! '' Gã bảo : '' Trong Nam, thủ tướng như Nguyễn Cao Kỳ cà chớn thật, nhưng nhìn mặt mấy lão Lê Duẩn, Phạm văn Ðồng,... rồi nghe mấy lão chỉ dậy toàn thể nhân dân “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” thì có ngày cả nước chống gậy thành...khất sĩ quá ! Thôi, chết cũng 'dĩ đào vi thượng sách'. '' Và thế là vợ chồng chàng tìm mọi cách đem hai con vượt biển. Bất ngờ là chàng lại gặp lại Quang lúc ở trên đảo. Quang đến sau chàng một tuần. Gia đình chàng đã quyết chí đi Pháp, còn bạn chàng có người em du học ở Canada đứng ra bảo lãnh nên đã được phái đoàn Canada ưu tiên nhận.

**
Quang giới thiệu Tân với vợ chồng Phẩm khi ngồi chung trong một bàn tiệc nhỏ nhân dịp Quang mời vợ chồng Phẩm ở một tiệm ăn của Tây nằm trong khu thương mại ngầm gần trường UQAM ( Université du Québec à Montréal ) trong một dịp Lễ Tạ Ơn. Lúc ấy vợ chồng Phẩm đã qua định cư ở Canada vài năm. Trước khi đưa vợ con qua Canada, vợ chồng chàng đã sống trên đất Pháp gần năm năm. 

Tân chưa tiện hỏi lý do khiến vợ chồng bạn của Quang rời Pháp, nhưng Tân nhận ra mối thiện cảm đặc biệt của vợ chồng người bạn của Quang đối với xứ ấy. Khi nghe Quang nói chưa từng một lần qua Châu Âu, Loan bảo : '' Ít nhất một lần trong đời anh cũng nên đi một vòng Châu Âu, đặc biệt đến thăm nước Pháp. Ở Paris và nhiều thành phố trên đất Pháp có rất nhiều di tích văn hoá và lịch sử, và dân Pháp thật lịch sự ''. Phẩm cẩn thận bảo : '' Ðàn ông Pháp giỏi nịnh đầm, nhiều tên buôn bán khéo nói đến kiến trong lỗ cũng phải bò ra; nhưng nước Pháp là một trong những cái nôi lớn của nền văn minh nhân bản hiện đại.''

Tân mới quen biết Quang khi được nhận vào làm ở chi nhánh ngân hàng nơi Quang đã làm nhiều năm. Quang phụ trách kế toán. Tân lo về những khách hàng đầu tư. Cả hai là những nhân viên gốc Việt trong một chi nhánh có đến phân nửa là dân 'còi' ( québécois/québécoise ) nhưng họ không thấy xa lạ với các đồng nghiệp. Trên thực tế họ không gặp khó khăn nào trong công việc cũng như trong giao tiếp. Tân bảo: '' Cái quan trọng trong giao tiếp là thông cảm. Ngôn ngữ là nhịp cầu tương giao chính; nhân loại ngày nay đã gần nhau lắm rồi, trừ những anh quá cực đoan về chính trị, tôn giáo, hay chủng tộc.'' Không rõ có phải vì chuyến vượt biên hãi hùng xảy đến cho Quang hay không mà sau khi đến định cư ở Canada Quang đã có lúc có ý định xin vào tịnh tu trong một ngôi chùa trong vùng. Tuy vậy, cách hôm khoản đãi vợ chồng Phẩm không lâu, Tân đã thấy Quang dìu một em da trắng, tóc vàng, mắt xanh dạo trong công viên gần nhà. Lúc khoản đãi vợ chồng Phẩm, Tân không thấy Quang dắt theo em đầm nào, nhưng gã bạn ấy đã có phần vui tính trở lại.

Tân còn nhớ trong buổi tiệc họp mặt nho nhỏ ấy Quang đã nháy mắt với Tân giới thiệu : '' Ông bạn tôi đây là người ghét Mỹ vô cùng, ông ấy đã từng thề không bao giờ thèm đặt chân lên đất Mỹ, nhưng mới hôm qua thôi, ông ấy đã đổi ý; đúng là ‘quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi, nói lại là quân tử khôn’. Bạn tôi đang muốn qua đất Mỹ đái lên xứ ấy nữa. ” Tân được biết sau nhiều năm định cư ở Canada Phẩm chưa từng một lần qua Mỹ. Phẩm bảo : '' Công việc bận quá và cũng chưa muốn đi, mới chỉ có cô ấy qua Cali. vài lần thăm mấy bà chị trong vài năm gần đây ''. Có vẻ như chàng vẫn còn căm bọn Mỹ lắm. Tân bỗng nổi hứng tiếp lời: '' Phải đái cho lụt xứ chúng nó chứ, cho chúng nó biết xứ của chúng chẳng thơm tho, tốt lành gì. Báo chí của chúng còn dám mạt sát trong lúc Miền Nam đang dầu sôi lửa bỏng 'Sàigòn là một ổ điếm' cơ mà. Tôi sẵn sàng chở quí vị qua đái ở bên ấy. Từ đây qua đất Mỹ chỉ khoảng 40 phút lái xe, ngay gần biên giới có một cái chợ bán rau trái, thịt thà rất rẻ.'' Vợ của Phẩm, trước và sau 75 ở bên nhà, trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, dù là dân trường đầm, nhưng chắc đã chứng kiến không ít cảnh lộn xộn ngoài đường mà chính nàng đã có lúc phải chịu, nên khi ba anh đàn ông nói những câu xông mùi như thế nàng cũng không nhăn mặt mà còn vui vẻ đồng tình. Ðược trớn, Phẩm làm tới : '' Em cũng phải tưới cho chúng nó chết lụt luôn chớ ''. Ngày hôm ấy là một ngày rất vui của cả bốn người, có lẽ là vui nhất sau nhiều chục năm chịu nhiều những tai ương, hoạn nạn. Họ đã cụng với nhau những ly Rosé de Provence, Bourgogne générique, cùng với phó mát Neufchâtel và Suisse canadien, đã ăn với nhau một bữa cơm Tây đã khẩu. 

Tuần lễ sau đó chỉ có ba tay đàn ông chạy xe qua Mỹ. Vợ Phẩm phải ở nhà sửa soạn đón một bà chị từ Cali. qua chơi vào ngày hôm sau. Phẩm cho biết mấy bà chị vợ ở Cali. cứ khuyên gia đình chàng xin di dân qua Mỹ. Loan bảo các bà ấy nói xứ Mỹ cái gì cũng nhất, nhất là cơ hội. Cơ hội cho mình và cho các con. Cả cơ hội làm giàu nữa. Nhưng trong ba bà chị thì hai bà đã bỏ chồng Việt để lấy chồng Mỹ. Các bà này lúc ở Việt Nam chẳng bà nào có cái xui xẻo bị lính Mỹ vô kỷ luật sờ mông cả. Nay thì hai bà ấy cho chồng Mỹ sờ thả dàn. Chồng cũ của các bà ấy có người là kỹ sư, có người là sĩ quan quân đội cũ. Quang bảo : '' Ðồng ý, nhưng cơ hội sa ngã cũng kinh hoàng lắm. Ở mấy xứ tự do cũng phải có bản lãnh, nội công tu dưỡng thâm hậu mới sống nghiêm chỉnh được ''. Nghe bạn nói, Tân ngờ ngợ rồi ra sẽ có ngày bạn chàng sẽ vào nhà chùa thật.

Khi đã qua thủ tục trình thẻ quốc tịch, xe vào hẳn đất Mỹ. Quang vỗ vai Phẩm : '' Nhớ đừng vào nhà cầu nghe ông bạn, để dành cái bong bóng thật căng, đến giữa đường rồi xuống xe hẵng xả, chẳng lụt nhiều cũng lụt ít''. Tân ngạc nhiên khi thấy Phẩm cười, đáp : '' Ngày xưa mình ghét chúng nó thật nhiều vì thật tình lúc ấy chúng nó là đồng minh nhưng chơi cha mình quá, mà phiá mình mấy anh tướng đầu trò cũng ẹ quá chừng. Ðúng là bị chúng nó dắt mũi, làm nhục mà không sao phản ứng hữu hiệu được. Báo chí Mỹ chúng nó mạnh quá. Nó hướng dẫn dư luận dân Mỹ. Nó ảnh hưởng cả đến dân chúng nhiều nước. Làm dân xứ nhỏ, nghèo đã khổ mà giới lãnh đạo phải liên minh với anh nhà giàu hùng mạnh thật chẳng sung sướng và dễ dàng gì. Lúc ấy mình cũng còn trẻ quá đâu có hiểu biết chi nhiều về chính trị quốc tế này nọ, nhìn các ông lớn nhà mình thấy oai phuông lẫm liệt, nhưng lạng quạng với đồng minh chi viện cho mình thì có khi chết không kịp ngáp. Thật tình những lúc tức quá mình nói cho đã cái miệng, nhưng ở đây mà đứng đái giữa đường thì chắc chắn cảnh sát Mẽo nó vồ ngay tức thì, rồi nó sẽ đưa vào bịnh viện tâm thần, và trục xuất sau đó''. Nói xong, Phẩm cười khà khà. Ðúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Cả ba chàng sau đó chẳng có chàng nào đái đường, chẳng có chàng nào làm lụt nước Mỹ, nhưng khi nào cần 'xả xú bắp', họ lựa cái quán cà phê Starbucks sạch sẽ, vào đó tìm chỗ xả. Phải nói thêm là xả ở những chỗ sạch sẽ thơm tho như thế nó đã cách gì! 

Trên đường trở về Montréal vào buổi chiều, khi Quang lái xe chạy ngang một làng quê Mỹ êm ả vùng giáp biên với Canada có những con đường thật sạch cùng những căn nhà xinh xắn, Tân bỗng thấy hai cô gái đi dọc bên đường cùng chiều xe, Tân từ ghế sau rướn người lên nói đùa '' tiện tay vỗ mông mấy con Mỹ non một cái chơi nào ''. Phẩm ngồi ở ghế trước lật đật quay lại chặn tay Tân '' Ấy! ấy!! chớ có dại!!! vỗ mông một phát phải trả giá nặng lắm; vỗ vào mông bọn trẻ vị thành niên có thể ngồi bóc vài cuốn lịch . Mình là dân có văn hoá, không thể cư xử như bọn rừng rú được ''. Quang và Tân đều cười. Quang bảo '' Nước Mỹ không thiếu bọn rừng rú nhưng đừng có dỡn mặt cảnh sát; biết cách sờ thì êm; còn em nhăn mặt, búa của quan toà khện nặng lắm''. 

Trước khi qua biên giới Mỹ trở về, Phẩm chỉ lá cờ Mỹ với những ngôi sao trắng trên một nền xanh nước biển nhỏ bên góc trái cùng với những xọc trắng, đỏ đang tung bay phất phới; chàng khen '' cờ của xứ Mỹ rất đẹp, màu sắc tươi tắn, hài hoà; nhìn màu cờ thấy tươi tỉnh, hăng hái ra. Cờ của hai anh cộng sản Tàu, Việt chỉ thấy toàn sắc máu đỏ lòm, mê không được.'' 

Nghe chàng nói biết là chàng đã hoà giải với dân xứ ấy rồi. Trên đường về Tân hỏi Phẩm lý do gia đình chàng dời qua Canada mà không định cư hẳn ở Pháp. Phẩm cho biết mấy năm đầu ở Pháp khá vất vả. Ðời sống kinh tế của Pháp khó so bì được với của Bắc Mỹ, giá sinh hoạt cao, thuê nhà rất khó. mua nhà còn khó hơn. Nhưng mối lo nhất của chàng là việc học của con cái. Lối học hành, thi cử bên Tây không mấy khác với lối thi cử ở Miền Nam xưa. Vào được các trường đại học, nhất là những trường lớn cũng trầy vi tróc vảy, và cơ may tốt nghiệp đại học đối với con em di dân thật chẳng dễ dàng. Chàng bảo hệ thống giáo dục Bắc Mỹ có phần thoáng và thực tế hơn. Con em cũng có nhiều cơ may tốt nghiệp đại học hơn. Với chàng cái quan trọng đối với con cái là cần có căn bản đại học; sau đó muốn làm gì thì làm. Phẩm thấy gia đình chàng hợp với đời sống ở Montréal, và cuộc sống gia đình dễ chịu hơn lúc ở Pháp nhiều, phần lớn nhờ công ăn việc làm ổn định và giá sinh hoạt không cao như ở bên Pháp. Ngoảnh đi ngoảnh lại hai đứa con đã gần xong đại học; một đứa học dược, cứ đến hè là làm cho một tiệm thuốc trong hệ thống cửa hàng Jean Coutu ; đứa kia học về tài chánh. Vợ chồng Phẩm thấy nhẹ nhõm đi nhiều. Loan giữ một chân thư ký trong văn phòng một công ty nhập cảng ở mạn bắc Montréal . Phẩm bảo: '' Có vợ đẹp cũng lo. Ðàn bà đẹp đi làm ở đâu cũng có mấy thằng già dịch thả dê. Toàn những thằng chó chết ngon lành hơn mình! Mẹ kiếp.'' May là Loan vẫn còn giữ được tí nề nếp con nhà và cái giáo dục gia đình thiên về tôn giáo còn thấm ở trong người . Tân bảo '' Mừng cho anh''. Quang thầm nghĩ : vậy là cuối cùng gia đình bạn ta cũng đã ổn định. Có điều Phẩm vẫn còn rất buồn một đôi lần nhắc lại cái chết của ông cụ trong tù, và việc người chị mất tích trên Biển Ðông.

**

Tân đang ngồi trong phòng khách nhà một người bạn trong vùng Pasadena, Cali. thì bất ngờ thấy Phẩm dừng xe ngoài hàng rào, rồi đi tới đi lui có ý tìm số nhà. Tân từ trong nhà chạy ra '' Hello, anh Phẩm '' - '' Anh Tân ! '' - '' Ði đâu mà lạc vào vùng này vậy? '' - '' Ði tìm nhà một bạn học cũ, dân HNC xưa. Ông ấy nhắn chiều nay lại chơi, nghe nói các bạn học cũ họp nhau vui lắm''. Tân bảo : '' Từ hôm gặp anh chị, có dịp ngồi chung trong một tiệm ăn với anh chị và anh Quang đến nay dễ cũng đến hai năm hơn rồi đấy nhỉ. Thời gian trôi nhanh quá.'' - '' Vâng, mấy chục năm qua cái vèo. Hai năm bõ bèn gì. Anh cũng qua đây chơi? ''- Tân : '' Tôi đã đổi sở làm. Tôi tính ở hẳn bên này. Tôi mới lập gia đình được nửa năm nay. Vợ tôi có quốc tịch Mỹ . Cô ấy về VN thăm ông bà già rồi, cuối tháng mới trở lại'' - '' Sao đám cưới anh không báo cho chúng tôi một tiếng. Cũng chẳng thấy anh Quang nói gì cả.'' - '' Chuyện vợ chồng là cái duyên, cái số anh chị ạ. Việc cưới xin của chúng tôi cũng đơn giản lắm, chỉ có vài người trong gia đình hai bên chớ không có rình rang ra ngoài. Xin anh chị thông cảm. Tôi nhận được việc ở bên Mỹ này sau lần đưa anh qua chơi bên biên giới Mỹ chừng hai tháng. Từ đó tới nay, bận việc quá, tôi chưa về lại Montréal lần nào.'' Loan : '' Bận vợ thì có ấy chứ. ''

Chưa kịp hỏi han gì thêm đã thấy chủ nhà từ trong nhà bước ra: '' Hello bạn hiền, cách mấy chục năm nay giờ mới lại gặp nhau đây. Ấy quên, chào chị. Xin giới thiệu ngay với chị, tôi là bạn học cùng trường với anh từ giữa những năm 60 kià. Tôi tên Trứ. Mời anh chị vào nhà, trong nhà cũng đã có một vài anh chị tới rồi.'' Loan đứng khựng trước căn nhà có lá quốc kỳ VNCH rất lớn treo ngay trong sân nhà. Loan bảo: '' Trông căn nhà này chẳng khác toà lãnh sự của VNCH trên đất Mỹ, còn khá hơn toà đại sứ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam ở Ottawa bên Canada. Toà đại sứ gì mà ngó như cái chuồng chim. Rõ chán’’

Chủ nhà đưa khách vào nhà: '' Xin giới thiệu với các anh, các chị, đây là anh chị Phẩm. Anh Phẩm cũng dân HNC chúng mình, trên tôi một lớp.'' Khi mọi người đã đến đông đủ, Phẩm đếm được 15 người. 

Chủ nhà chỉ vào bà vợ vừa mới trang điểm lại, sau khi bận rộn trong nhà bếp, từ phòng riêng bước ra: '' Xin giới thiệu với các anh, các chị đây là bà chủ của tôi. Xin giới thiệu với bà chủ đây là các bạn cùng trường cũ với tôi''. Bà chủ tươi tắn nhéo tay ông chồng '' Tôi đã được hân hạnh biết phần lớn quí vị ở đây rồi. Lần này là lần thứ ba mình gặp nhau trong năm nay. Chỉ có ba vị ngồi gần cái truyền hình là tôi chưa được biết.'' Mọi người quay lại nhìn vợ chồng Phẩm, và Tân. Chủ nhà cười cười: '' Một ông bạn thân của tôi là ông Quang cùng lớp ở HNC, hiện ở Montréal, qua điện thư báo cho biết một hiền nhân mặc áo lính ngày xưa là anh Phẩm đây, cũng cùng phe ta, lần đầu tiên chính thức đến viếng xứ Mỹ tự do loạn xạ này. Ðược biết anh Phẩm ra khỏi VN đã nhiều năm, giờ mới chịu đáo xứ này, còn đây là bạn Tân, lớp bên cạnh tôi năm 1964. Anh Tân làm cho một ngân hàng cách nhà này khoảng một tiếng lái xe.''

Sau màn giới thiệu lỉnh kỉnh với đủ thứ lễ nghi quân cách, mọi người ngồi quanh hai vuông chiếu lớn đã bày biện đủ các món truyền thống: giò lụa, chả chiên, giò bì, nem nướng, cuốn bì, bánh cuốn, bánh tráng, rau sống, rau thơm các loại, dưa leo, chuối chát,... Các món ăn ê hề, bia bọt đủ cả. Chủ nhà : '' Xin quí vị cứ 'tự nhiên như người Hà Nội'. Mừng là chúng ta lại có những dịp gặp mặt nhau trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sống và hội nhập trên đất Mỹ, cùng ôn lại những kỷ niệm thời học trò xa xưa. Các chị đừng khách sáo gì nhé. Cánh đàn ông chúng tôi nếu có lỡ nói năng bừa bãi cũng xin các chị bỏ qua.'' Có tiếng một bà: '' Ông này mở bài rào trước đón sau như vậy là có ý gì đây, nghe thấy ghê quá. Tôi đề nghị cấm không được nói tục ''. Mọi người cười ồ ồ. Một bà khác : '' Toàn dân ăn học đàng hoàng cả, chắc toàn là nói chuyện lành mạnh, chớ không đến nỗi dữ dằn kiểu XXX'' - '' Thế chị đã coi XXX chưa? '' - '' Ðừng có hỏi''. Mọi người lại cười.
Sau khi mọi người đã cụng ly, Tân nhìn qua vợ chồng Phẩm, rồi nhìn quanh chiếu tiệc: '' Các anh chị có mặt ngày hôm nay phải biết ơn anh chị Phẩm đây thật nhiều''. Mọi người đều ngớ ra chẳng hiểu mô tê chi cả. 

Vợ Phẩm: '' Chúng tôi mới lần đầu gặp các anh, chị đây mà ''. Phẩm ngờ ngợ Tân muốn chọc quê mình nhưng chưa đoán ra được Tân tính nói chuyện gì. Chàng ngồi yên lặng lẽ chiêu một ngụm bia. Có nhiều tiếng lao xao : '' Người nhà cả mà, anh Tân nói lẹ lên chớ, sốt ruột lắm rồi''. Tân: '' Các anh, chị ở Mỹ mà thoát một trận lụt lớn là nhờ anh chị Phẩm đây ''. Loan : '' Ðừng có tào lao thiên địa nghe anh Tân ''. Phẩm : '' Cứ để cho hắn nói ''. Tân : '' Ông bạn thân của chúng tôi ở Montréal mà chủ nhà và một vài anh, chị đây đều biết đã vượt biển vào năm 84, và cùng ở trên một đảo với anh chị Phẩm . Anh Phẩm đã từng thề là không bao giờ đặt chân lên đất Mỹ, và đã từng bảo “ ông thì cứ đái vào xứ chúng mày ” - “ Ðúng vậy không anh Phẩm? ''. Phẩm bảo: “ Quả có thế thật ”. Mọi người lăn ra cười. Loan cười : '' Cái nhà anh Tân này kỳ cục quá ''. Tân: '' Mấy năm trước anh ấy đã đổi ý, và khi có dịp đưa anh ấy qua đất Mỹ cách Montréal khoảng 40 phút lái xe, anh ấy đã đại xá cho cả xứ Mỹ. Ðó ! các anh, chị thấy chưa, các anh chị là may mắn lắm đấy nhá.'' - '' Rõ khỉ cái nhà anh này, đang ăn uống mà nói chuyện gì linh tinh thế, chả thanh tao tí nào '' - '' Có sao đâu, lụt thế quái nào được, ông ấy có uống hết cả vài két bia ở đây giỏi lắm cũng chỉ một vũng là nhiều''. Lại có tiếng nhiều người cười. Một bà : '' Mỹ nó làm gì anh mà anh ghét nó đến thế? '' Mặt Loan đỏ hồng. Phẩm chắc lưỡi : '' Ta đã tha rồi mà ''. Nhiều tiếng : '' Chuyện hấp dẫn đây ''. Phẩm nhìn vợ rồi nói thật nhanh : '' Chuyện xưa rồi, cái thằng lính Mỹ say rượu đi ngang sơ ý quẹt vào mông bà ấy '' - '' Thế thì có gì phải tức đến muốn làm lụt nước Mỹ; ở đây đi những chốn đông người nhiều chị đầm còn mong có người vô ý như vậy nữa kià '' - '' Bà này 'phăng' ra như vậy chứ làm gì có chuyện ấy, mà dẫu có muốn mấy gã đàn ông cũng đâu dám ẩu, lạng quạng nó đưa ra toà thì có mà mọt gông '' - Bà chủ nhà: '' Thế là hiểu nước Mỹ rồi đó. Hồi 75 lúc mới ở trại tạm cư được nhà thờ bảo lãnh ra mình cứ tưởng không còn hy vọng gì gặp lại người thân còn kẹt ở bên nhà, và VC đừng hòng đặt chân lên đất Mỹ. Vậy mà nay đám thần thế qua đây du lịch cả đống, và con cái mấy thằng 'tư bản đỏ' nằm đầy trong các trường đại học ''. Chủ nhà: '' Ấy đấy, cái xứ dân chủ nó như vậy đấy. Có quan hệ ngoại giao trở lại thì nó cứ chiếu theo luật pháp xứ nó mà nó thi hành. Ở xứ này luật là luật mà '' . Có tiếng phản đối : '' Không đơn giản như vậy đâu, Mỹ đâu có ngu và dốt, nếu không xứ Mỹ đâu có giàu có nhất thế giới được. Cái lũ quái gở bên kia đại dương tưởng chúng là anh hùng, là khôn ngoan lắm, đánh thắng tới ba thằng thực dân, đế quốc lận. Thắng cái khỉ mốc gì mà tính cả hai miền chết hơn ba triệu người, hàng triệu thương binh, và tỉ lệ người bệnh tâm thần trong dân chúng có thể là cao vào bậc nhất hoàn cầu! Và nay lại ngửa tay xin xỏ bàn dân thiên hạ.'' - '' Thôi đi mà ! Mình ăn uống cho vui vẻ, đừng mất công bàn tới, bàn lui mấy vấn đề chính trị nữa, nhức đầu lắm '' - '' Cũng phải bàn đến chứ, mình muốn tránh nó, nó cũng không tránh mình mà, ngay chuyện bầu cử ở đây, nếu thuyết phục được cử tri gốc Việt đi bầu đông đủ thì cộng đồng người mình cũng có thể ảnh hưởng tới các quyết định liên quan đến quyền lợi của mình chứ ''- Một ông có lẽ dạy học ngày trước lên tiếng: '' Tôi nghe nói có gã giáo sư trung học dạy triết nào đó mới qua Mỹ ít lâu dám lớn lối mở miệng bảo là nước Mỹ không có triết học. Ðúng là ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung ''. Có tiếng người cười sặc xụa : '' Những người làm nghiên cứu của những trường đại học Mỹ, nhất là những trường lớn như Yale, Stanford,... phải lao động trí óc khiếp lắm mới mong giữ được chân giáo sư, không phải khơi khơi đâu. Thú thật là tôi ngờ cái học của chả ấy quá. Không chừng đọc nguyên tác của những tác giả Anh, Pháp còn ú ớ , chứ nói gì đọc bằng tiếng Ðức, Hán hay tiếng Phạn,.. .'' - Một ông hắng giọng: '' Tôi chẳng đọc gì nhiều, chỉ đọc vài cuốn của các cụ Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, hay một vài cuốn sách dịch của Phùng Khánh xem ra cũng tạm đủ...để loè thiên hạ rồi. Mấy lúc gần đây, tôi có đọc sách dịch từ VN đưa qua nhưng chịu không thấu: đọc nhưng chẳng hiểu họ viết những gì. Tôi cứ ngờ ngợ là các trự ấy còn vất vả nhai, và nghiền ngẫm nhiều năm may ra mới hiểu nổi nguyên tác. Ngày xưa khi đi học tôi có đọc sách giáo khoa viết cho học sinh các lớp đệ nhất của linh mục Trần văn Hiến Minh, có nghe loáng thoáng về Saint Thomas d' Aquin. Mới đây có dịp đọc một ít sách do nhiều tác giả năm châu viết, rất nhiều người dẫn lời của ông thánh ấy. Ðến khi mon men vào thư viện tìm đến khu triết học, nhìn đến sách ông ấy viết mình mới tá hoả. Chẳng hiểu trong đầu ông ấy nghĩ những gì mà viết ghê quá, cuốn nào cuốn nấy dày như bách khoa từ điển Mỹ ấy . ''
Chủ nhà nhìn người ngồi bên cạnh vừa mới nói, lên tiếng: ''Tôi phải nói là rất hânh hạnh giới thiệu gia đình anh chị Phúc đây là một trong những gia đình hiếm hoi mà các cháu học hành thành đạt hết sức xuất sắc. Tôi được biết anh chị có một cháu vừa vào làm việc ở John Hopkins. Ông Phúc hãnh diện: '' Cám ơn anh Trứ, cháu mới ra trường kỳ hè vừa rồi, nhưng học thêm chuyên khoa tai-mũi-họng .'' Chủ nhà tiếp lời: '' Anh Phúc thật ra học trên chúng mình tới năm lớp, là đàn anh của tụi mình, mà bây giờ lại là đàn anh lớn nữa. Anh chị ấy khiêm tốn không nói ra nhưng tôi rất muốn giới thiệu sự thành công của gia đình anh chị ấy: bốn cháu học Harvard ; hai trong số ấy sắp ra trường về ngành y, một chuyên về tai-mũi-họng như tôi đã giới thiệu, một chuyên về nội thương, một đang học ngành nha, chuyên về các bệnh của nướu răng, và một cháu mới được nhận vào trong năm nay. Thằng út cũng tốt nghiệp xuất sắc ở trung học, cũng đang có dự tính xin học dự bị y khoa. '' Nhiều tiếng xuýt xoa trổi lên. Có tiếng một ông: '' Ðàn anh có bí quyết gì chia xẻ cho đàn em với. Nhà chúng em ba đứa mà nói chẳng có đứa nào chịu nghe mình cả. Chúng nó toàn học văn chương với nghệ thuật, hễ cứ đến 18t. là chúng nó tếch khỏi nhà, hệt như Mỹ con. Chán quá đàn anh ơi! '' Tiếng chủ nhà: '' Thì ông bớt đi đánh bài, bớt coi phim chưởng, bớt đi nhảy đầm đi, và đừng có lái xe đua chạy sau váy mấy con đĩ ngựa...ở mấy cái quán cà phê dưới Los. nữa.'' Chủ nhà vừa nói xong bỗng la oai oải: '' Í! đau quá, làm cái gì kì vậy, cho tôi nói nữa chớ; anh em trong nhà cả mà. '' Cả chiếu tiệc lại cười nghiêng ngả. Bà chủ nhà đang nheo tai ông chồng. Bà vợ ông bạn bị tố : '' Chả dạy em đánh bài, nhảy đầm, và hát karaoke nữa đó các anh, các chị. Nói thật tình thì con ảnh hai đứa, con em một đứa, còn con chung chưa có đứa nào. Bác sĩ bảo là em hết trứng rồi. '' Cả chiếu tiệc lại cười nghiêng ngả. 

Tiệc tan, mọi người vui vẻ chào tạm biệt. Ông Phẩm ngồi trên xe quay sang bà vợ: '' Thật không ngờ con em trong nhiều gia đình bạn học cũ của mình thành công quá sức. Cũng may là mình thoát được ra khỏi VN, chớ nằm kẹt ở lại thì giờ này dù chúng nó có mở cửa toang hoác, mình cũng vẫn cứ tiêu điều. Những người còn kẹt lại sống với đám ấy mới thật là những kẻ bị lưu đày.''

***

Vợ chồng ông Phẩm ra khỏi nhà thờ nằm trên đường Saint Hubert sau - thánh lễ chủ nhật. Bà Loan nhìn chồng: '' Anh coi kià, ngay bên kia đường là một cửa tiệm bán các dụng cụ làm tình ( sex shop), chướng quá ''. Ông Phẩm nói đùa với vợ: '' Cái này là ma quỉ chọc ghẹo các thánh, muốn quấy phá các thánh nhưng không xong. Nhà thờ của mình lớn và bề thế còn cái tiệm của mấy con quỉ mắt xanh bên kia đường chưa bằng góc cái nhà cầu ở tầng dưới nhà thờ ''. Bà tiếp: '' Mới hôm nào ở Nam Cali. vui quá mà đến nay đã mấy tháng rồi, biết vậy mình nhờ vợ chồng chị Tâm bảo lãnh từ Pháp qua thì giờ này đã ở luôn bên ấy rồi.'' Ông Phẩm: '' Mỹ hay Canada đâu có khác gì nhau, khí hậu bên mình đây mùa đông có gắt nhưng cũng chẳng khác bao nhiêu so với vùng đông bắc Mỹ, và thành phố này cũng có cái êm đềm của nó. Với lại ở xứ tự do mình muốn đi đâu thì đâu, chả bị phép tắc phiền toái như sống với mấy cha nội ác ôn bên mình.'' Bà Loan : '' Hôm ở nhà ông Trứ ở Pasadena em nghe mấy bà ấy nói là có cả cà phê ôm quanh vùng Little Saigon ; nghe đâu đám cà phê ôm ấy phần lớn từ Sàigòn qua Mỹ trong mấy năm gần đây. Mấy con nhỏ ấy nó khai thác khách hàng dữ lắm. Ðứa nào đứa nấy đều chơi xe thật láng '' - '' Nghề của chúng nó mà, bên Montréal mình còn có cả nữ sinh viên hành nghề đầm truồng để trả chi phí đại học nữa. Nhưng coi vậy mà chẳng phải vậy: số người có ý chí dùng số tiền kiếm được để đạt đến mục đích tốt lành của mình không nhiều. Phần đông bị môi trường cuốn đi, rồi cũng đua đòi, cũng phi xì ke, chưa kể những thủ đoạn bất lương của bọn ma cô.'' Bà Loan: '' Ghê quá anh nhỉ. Xứ tự do có nhiều cái thú vị nhưng không cẩn thận cũng ‘tiêu tán đường’ - '' Thì mình làm mình hưởng, mình làm mình chịu, chứ đâu có chuyện mình không làm mà nó choàng đủ thứ tội lên đầu mình. '' Bà bỗng nhiên đi sát vào ông: '' Anh có nhớ hôm nay là ngày gì của em không nào?'' Ông cười: '' Làm gì mà chẳng nhớ, nhưng về đến nhà anh mới bật mí được''

Lái xe về đến nhà, đẩy cửa vào nhà, ông vào phòng trong mở tủ lấy ra một gói quà ông mới mua chiều hôm kia nhưng không cho bà biết. Ông để lên bàn: '' Chiều nay chắc hai đứa chúng nó mới về. Quà sinh nhật của mình đây.'' Khi bà mở gói quà bà thấy một chiếc áo ngủ bằng lụa màu mỡ gà trông giống loại lụa tơ tằm vùng Bảo Lộc nơi bà đã sống những năm tuổi thơ trước khi dời xuống Sàigòn. Bà mừng rỡ và hạnh phúc: '' Cám ơn mình thật nhiều.'' Lúc ấy ông choàng hai tay ôm lấy bà, hôn lên môi và nhớ đến nụ hôn ông đặt lên môi bà trong góc rạp Rex năm nào. Bỗng nhiên ông nhớ lại cái phát vào mông của bà lúc hai người từ rạp Rex đi về phiá góc đường Tự Do - Lê Thánh Tôn. Ông ghé vào tai bà: '' Hôm nay là sinh nhật của mình làm sao anh quên được, lại trùng vào ngày Lễ Tạ Ơn, và hẳn mình còn nhớ chúng mình lần đầu tiên vào rạp Rex nữa chứ,...''

Ông nheo mắt cười với vợ, một tay vỗ nhè nhẹ lên mông bà. Rồi ông làm một động tác bất ngờ; ông xoay người qua phiá sau lưng bà, quì xuống hôn phớt lên đúng phiá mông phải: mông của bà hình như mềm và thơm hơn bất cứ lúc nào.

Sầu Đông

No comments:

Post a Comment