04 September 2010

Hesitating Autumn, new A.C.La's painting







Rừng Thu Ngại Ngùng
Oil on canvas
24"x24" (61cm x 61cm)
by A.C.La


RỪNG THU NGẠI NGÙNG 

Chiều cho mắt nâu em đầy thu,
Mái tóc mây bay cơn gió lạ.
Ngại ngùng nai tơ chờ sương mù,
Buồn rừng vàng ươm muôn cánh lá. 

LAN ĐÀM

**
Ngại Ngùng yêu lá Rừng Thu
Sắc vàng rực rỡ giữa ngu ngơ tình
Hóa nai ngơ ngác - vóc hình
Yêu em nhan sắc, dặm nghìn tích xưa
Ngàn thu có lẽ vẫn chưa
Phai đi chuyện cũ nắng mưa bốn bề
Vung tay cọ vẽ nhớ về
Mối tình huyền thoại đam mê thuở nào

Út Như Thương

**

" Mắt em là bể oan cừu " (*)
Tóc vàng e ấp Rừng Thu Ngại Ngùng
Lá tình bay thắm môi hồng
Hỏi người quân tử cầm lòng được chăng ?

Mạch Vạn Niên
(*) Tựa một tuồng cải lương trước năm 1975.
**

Tình Xa

Ngại ngùng vàng lá rừng thu,
Xin làm nai nhỏ giữa ngu ngơ đời,
Tóc mây từng vạt gọi mời,
Mắt trong, môi biếc Tình ơi, mịt mù.

Giáng Hương

**
Cảm Quan Người Xem Tranh

Nqm

Cám ơn Bạn đã nhận cho tôi đồng cảm được một số ý tranh của Bạn. Chừng đó đã là quý rồi, còn bảo là rốt ráo, chắc chưa được đâu.

Thực ra thì tôi không có được một căn bản vững về hội họa, mà chỉ đọc lõm bõm chỗ nầy một ít chỗ kia một chút, phần lớn còn lại là dùng cảm quan của mình để tiếp nhận điều làm mình chú ý và thích ở một bức tranh hay một tác phẩm điêu khắc.

Tôi vốn không thích khung cảnh nhộn nhịp và vội vàng ở các phòng triển lãm tranh, vì mình không thể dừng lại quá lâu trước một tác phẩm, vì còn phải nhường chỗ cho người khác. Vì thế mà ở Pháp 25 năm tôi chỉ vào phòng triển lãm có một lần và một lần khác vào một Viện Bão Tàng hội họa. Phần nhiều chỉ là nhìn những bản sao chụp lại trên giấy, không thấy được cái sống động của tác phẩm thực. Nhưng để bù lại mình có thể nhìn đi nhìn lại một bức họa bao nhiêu lần hay dừng lại bao lâu để cảm nhận cái đẹp của tranh (dĩ nhiên ở mức độ hạn chế) cũng được.

Sau đây chỉ là vài cảm nghĩ ghi vội gởi Bạn để tạ tình.

Nói chung Bạn đã thành công làm chủ được màu vàng của bức tranh. Màu chủ của lá vàng càng nổi bật nhờ những nhóm màu xanh của lá và màu đỏ của rừng mới sang thu. Người xem cũng nhận ra màu thu vàng cũng ánh lên mái tóc cô gái. Thoạt nhìn cái đầu nai đặt kề mặt người con gái, người xem dễ nghĩ ngay tới bốn câu thơ của Lưu Trọng Lư:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô
Nhưng nhìn kỹ ánh mắt cô gái ngó nghiêng không có vẻ ngây thơ, ngơ ngác, mà có vẻ vừa đăm chiêu, vừa bâng khuâng, lo âu, không có vẻ thoải mái, thanh thản trong sắc thu vàng tươi. Con nai ở đây là con nai đã lớn với cặp sừng dài không phải là con nai tơ ngơ ngác, mà có vẻ đang bương chạy trốn người thợ săn?

Xin ghi vội vài cảm tưởng ban đầu, hy vọng có một ngày trở lại với bức tranh nầy.

Thân mến
Nqm

**

Đôi điều về bức tranh

A.C.La

Cảnh vật thay đổi theo mùa. Rồi tâm tình con người cũng thay đổi theo. Hè về đưa đến cái rộn ràng thì Thu đến khiến lòng người chợt buồn mênh mang theo cơn gió se lạnh. Bốn mùa là một trong những chủ đề thường gặp trong văn chương nghệ thuật kim cổ. Tìm đâu cho xa xôi. Hãy  men theo  nếp cũ, đồng tình với người xưa mà thực hiện những đề tài miên viễn trường cửu. Một bộ tranh tứ quý Xuân Hạ Thu Đông xem ra cũng nên thực hiện. Khúc Ca Nắng Hạ đã ra đời và trình làng, bây giờ đến Rừng Thu Ngại Ngùng. 

Rừng trước tiên là của muông thú chứ không phải của người. Người đến với rừng như một người khách vãng cảnh, tìm cái đẹp, cái hoang sơ của rừng để chạy trốn cuộc sống xô dạt do chính mình tạo ra, không như chim muông sống chết với rừng. Thú đi liền với rừng... Thú Rừng. Cứ tưởng tượng rừng mà vắng thiếu tiếng chim, vắng thiếu bóng qua lại sột soạt của thú. Khi ấy là rừng chết.

Nếu không phải để diễn tả sự vắng lặng, cô quạnh, khi vẽ rừng tất có muông thú. Sự có mặt của chú nai trong bức tranh là vậy. Chú nai sống chết với rừng, chú nai là chủ cánh rừng. Giai nhân chỉ là khách. Nai ở đây không phải nai trong thần thoại của Hy-La.

Tục truyền rằng ngày xưa có một vị nữ thần tên là Artemis. Nàng là con song sinh với người anh là thần Apollo, con của  Zeus và Leto. Nàng đẹp. Nàng bắt đầu cuộc sống trong yêu thương và êm ái. Nàng được cha cưng chiều. Nàng rất thương yêu người mẹ. Nàng xin cha cho mình cái quyền không bao giờ kết hôn. Ngoài việc tự cho mình là người bảo vệ săn sóc trẻ em ngay cả những trẻ em khác phái, Nàng còn là vị Nữ Thần bảo hộ những người săn bắn, bảo hộ muông thú. Hẳn nhiên Nàng có thể yêu say đắm nhưng cũng có thể rất lạnh lùng và tàn nhẫn. Ở một mức nào đó, đây cũng chính là nét đặc thù của các vị thần đã từng biểu lộ.

Một trong những câu chuyện quen thuộc liên hệ đến cá tính lạnh lùng của Nàng là chuyện số kiếp cay đắng của người thợ săn Actaeon.

Một hôm nữ thần Artemis sau một ngày dài đi săn bắn mồ hôi nhễ nhại cảm thấy không thoải mái. Nàng muốn tắm.  Hồ mà nàng tắm nằm sâu trong khu rừng cấm, chẳng dễ một ai có thể tới gần. Thế nhưng đã có những người trong gia tộc Actaeon bị tai vạ, nay đến lượt chính chàng ta bị.

Thanh niên ai cũng biết rằng khi bắt gặp một vị nữ thần tắm trần truồng thì phải chạy trốn tức khắc trước khi bị nàng phát hiện. Đằng này, hoặc Actaeon không đủ tỉnh trí, hoặc chính nàng Artemis đang say sưa với nhan sắc của mình nên chàng trai đứng sững trố mắt ra mà ngắm. Khốn khổ! Nàng đã nghe được tiếng động, quay ngoắt lại, nổi cơn  thịnh nộ tạt nước lên người  thanh niên. Chỉ cần ba giọt nước đụng đến người, chàng thanh niên biến thành một chú nai. Ngay lúc đó nữ thần Artemis suỵt chó săn của chàng bu lại xé xác người chủ xấu số của chúng.

Có lẽ nào một người vẽ tranh lại muốn nhân vật của mình bị chết thảm thương như thế. Kể lại chuyện này có chăng chỉ để gợi lại cái đam mê của một người đàn ông bị cái đẹp cuốn hút. 

Người vẽ tranh cũng chẳng thể nào vẽ chính mình lên tranh. Dùng nai để hóa thân chắc hẳn dễ chịu hơn. Mà có lẽ giai nhân trong tranh bớt sợ, bớt ngại ngùng khi kẻ đồng hành là một chú nai, một chú nai chưa mọc đủ sừng, so với tuổi người chắc cùng trang lứa, chứ không phải là một người đàn ông xấu xí, lại kém tài ăn nói trăng hoa.

Chớm Thu 2010
A.C.La

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...