18 September 2010

Nhớ Tâm Triều: Vài cảm nghĩ về tập truyện ngắn của ông

Đời Sống Hai Lần

Phạm Xuân Huy thường tạo nên những cảm nghĩ tốt đẹp cho những người đối diện dù là mới gặp ông lần đầu qua cách ăn nói nhẹ nhàng, mềm mỏng. Đặc biệt ông rất cẩn trọng trong việc dùng chữ để không gây phật lòng cho bất cứ một ai. Qua đó có lẽ mọi người đều nghĩ rằng nhân vật này hình như được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh hoàn toàn đầy đủ, được đời đãi ngộ về mọi phương diện.

Sự thật thì hoàn toàn trái ngược, ông đã long đong về mọi phương diện kéo dài hầu như suốt cả cuộc đời ông. Ông mang trong lòng một vết thương ra^'t lớn, thật sâu đậm. Cuộc đổi đời bi thảm của cả miền Nam Việt Nam vào cuối tháng Tư năm 1975 đã đảo lộn mọi giá trị xã hội khiến thuyền tình mà ông đã khổ công dệt mộng cùng bồi đắp qua bao nhiêu năm tháng bằng tất cả ân tình đầy ắp đã lạnh lùng tách bến, bỏ ông bơ vơ với những đớn đau, khắc khoải, dằn vặt bên cạnh những đọa đầy, hành hạ trong các trại tù khổ sai của Cộng Sản dưới mỹ từ Trại Cải Tạo.

Dù vậy ông vẫn tạo ra cho riêng mình một cách sống thật thanh thoát, an nhàn ngay cả trong những tình trạng nghiệt ngã nhất. Tất cả mọi chuyện đối với ông đều như cơn gió thoảng, chẳng việc gì làm ông bận tâm, không điều gì ông cho là quan trọng. Có lẽ triết lý sống này đã giữ ông luôn luôn tươi mát cả nơi hình dáng bề ngoài lẫn trong tâm tưởng. Thái độ ung dung, tự tại này đã giúp ông vượt lên cao mọi khổ đau trong đời, dù là những cơn đau cào xé con tim hay những cơn đau thể xác qua sự hành hạ, trả thù tàn nhẫn của các cai tù Cộng Sản.

Ông không bị vùi dập trong khổ đau, ông không tuyệt vọng trước nghịch cảnh. Ông đã thăng hoa. Ông đã biến nghịch cảnh cùng khổ đau thành những ý nghĩ tuyệt vời trong trí óc. Thay vì than thân, trách phận hay than thở với những bất hạnh, ông đã dùng hết mo.i cố gắng để ghi nhớ trong tâm những việc đã xẩy ra. Và giờ đây tại miền đất tạm dung này, trong những giây phút rảnh rỗi, ông lục lại trong tâm khảm để ghi ra tất cả những gì đã xẩy ra vào những lúc cùng cực của cuộc đời ông. Kết quả của cố gắng đó là tác phẩm Đời Sống Hai Lần của Tâm Triều Phạm Xuân Huy.

Qua tác phẩm này chúng ta không hề thấy ông than vãn, oán trách số mệnh mà ông chỉ nhẹ nhàng kể ra những câu chuyện để giải thích lý do cho đến bây giồ đã ngoài lục tuần mà ông vẫn còn độc thân. ".. Cái hạnh phúc nhất trong đời người là ngày đám cưới mình, sau đó là ngày làm đám cuới cho con cái. Thế nhưng cái hạnh phúc tuần tự trên cho tới ngày hôm nay với cuộc sống độc thân trọn kiếp, tôi chưa bao giờ được hưởng..."

Đó là lời phát biểu của ông trước cử tọa đông đảo trong buổi ra mắt tác phẩm Đời Sống Hai Lần tại Hội Quán Little Saigon Radio ở Quận Cam vào buổi trưa ngày 24 tháng 3 năm 2002.

Thay vì dùng những dòng chữ cay nghiệt để oán trách cố nhân bội bạc, số phận bèo bọt, thì người đọc lại chỉ thấy toàn là những chất thơ mộng, lãng mạn và tình tứ để mô tả những cảnh đời ông đã trải qua, một cuộc đời gồm toàn những sự tàn bạo, nhẫn tâm, phản bội, đắng cay, xấu xa vây quanh. ".. Thế rồi em lại ra biển, đi trên bãi cát mênh mông kỷ niệm, đếm dấu chân lẻ loi không còn nằm bên dấu chân anh..." (Bài Hoa Trên Rừng, trang 49) .

Ngay cả trong những lúc ở tận cùng nỗi khổ đau của một tình yêu tan vỡ ông cũng vẫn nhẹ nhàng, tế nhị, thơ mộng và đầy xúc cảm. "... Đêm nay, thêm một mùa trăng ly hương trào thương nhớ, Duy tìm lại Hương cố nhân qua những tình khúc của Cung Tiến khi xưa cả hai cùng yêu thích. Từ một "Hương Xưa" nức nở thổn thức, đến "Nguyệt Cầm" ai oán quặn đau ... " ( Bài Bản Thông Điệp Mưa, trang117). Văn là người. Thật vậy, những người đã tiếp xúc với ông chưa bao giờ nghe ông nói không tốt về ai, ngay cả người đã từng không được tử tế lắm đối với ông, đã từng đưa ông đến hoàn cảnh không mấy sáng sủa thì ông cũng chỉ nhẹ nhàng bảo có lẽ đó là số phần của ông.

Ông đã vẽ ra một mẫu người thật là chung thủy. Ở vậy không lập gia đình, chờ người xưa, có lẽ đây là cuộc đời của chính ông. Hơn ba mươi năm sau nghe tin người yêu trở lại cuộc sống đơn chiếc ông đã găp lại người đó . Hãy nghe ông ngỏ lời cầu hôn người xưa : ".. Triều ơi, Hãy nghe anh đây này: Anh trở lại định cư ở Cali cũng chỉ vì đợi mong cố nhân. Gặp lại người mình muốn gặp và chờ mong từ lâu. Hôm nay em và anh chính là cơ duyên định mệnh, em không được chạy trốn nữa. Anh và em không thể cô đơn hơn được nữa. Triều ơi! Hãy lắng nghe đây, giữa trời mây lồng lộng trong tiếng biển giao hòa chứng giám, anh xin chính thức ngỏ lời cầu hôn em, từ giờ phút này .." (Bài Nụ Mai Vàng, trang 72)

Ông lại còn có lòng nhân để nhắn nhủ những người đang có một mái ấm gia đình, một nơi trú ẩn êm ả mà ông đã suốt đời tìm kiếm vẫn chưa hề có, chớ vì một vài va chạm nhỏ trong cuộc sống lứa đôi mà phụ rẫy người bạn đời : " ...Thật là hú viá, lẽ ra suýt nữa Thủy Ly cũng đã lạc lối vào một con đường nguy hiểm, chẳng biết đi về đâu, và mất hút đường về .." ( Bài "Lạc Lối" trang 133)

Sau khi thưởng thức xong mười bẩy truyện ngắn trong tập truyện Đời Sống Hai Lần của Tâm Triều Phạm Xuân Huy, người đọc bỗng cảm thấy hình như tác giả đã phải chịu cảnh bất công. Một con người đức độ, thủy chung, sống hết lòng cho tình yêu lại phải trải qua nhiều cảnh đời cay đắng, oan trái trong tình trường để rồi giờ đây bước vào lứa tuổi cuối đời vẫn còn tơ vương đến tình đầu, vẫn còn mong mỏi gặp lại người xưa, vẫn còn ao ước được đi nốt con đường trần đầy tục lụy với người thương ngày trước. Nhưng có trắc trở và thổn thức như vậy thì chúng ta mới được cơ duyên để cầm trên tay tập truyện thơ mộng, lãng mạn và đầy xúc cảm này.
Chúng ta đã có nhiều lý do để hãnh diện là một Cựu Sinh Viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, thì giờ đây lại có thêm một lý do nữa để tăng thêm lòng hãnh diện đó: Đồng Môn của Nhà Văn Tâm Triều Phạm Xuân Huy với tác phẩm Đời Sống Hai Lần.

Nguyễn Ngọc Cường, ĐS14
New York
________________

Út Như Thương chưa có cơ duyên đọc được tác phẩm ĐỜI SỐNG HAI LẦN của cố nhà văn TÂM TRIỀU PHẠM XUÂN HUY, nhưng qua lời viết trân trọng giới thiệu và thương tiếc một người bạn vừa qua đời của anh Nguyễn Ngọc Cường, dường như ... Đỉnh cao của Đau Khổ là Nghệ Thuật hay cuối con đường Đau Khổ là bắt đầu của con đường Nghệ Thuật chăng ?

Xin nghiêng mình trước một nhà văn đã hiến dâng cho Đời và cho Người chút trầm hương của tấm lòng thuỷ chung nhân hậu

Thân kính,
Út NT

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...