30 September 2010

Thư Paris tiếp theo

Trở Lại Bài « Đánh Dấu Chữ Việt »
của A.C.La

Dạo nầy tôi chú ý tới cách tạo chữ và dùng chữ của người trong nước. Rồi lan man nhớ lại bài ĐÁNH DẤU CHỮ VIỆT của hoạ sĩ A.C.La nhà mình trên Tiếng Thông Reo vào đầu tháng 5 vừa qua. Trong bài đó hoạ sĩ lên lớp Cô Út Như Thương, bảo rằng trong bài thơ HÔN EM NGHÌN NỤ rất hay của Cô Út có hai chữ Đoá và Thoả đã bỏ dấu giọng sai qui tắc :
                           ...  Trái tim nạm ngọc ĐOÁ hương
                                Trinh nguyên cánh mỏng vương vương chân người ...

                            ... Yêu em dẫu nắng dẫu mưa
                                 Hôn em nghìn nụ vẫn chưa THOẢ lòng.

A.C.La đã tóm tắt qui tắc :
-  dấu giọng đánh trên các nguyên âm, thí dụ : Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao.
-  khi có hai nguyên âm đi cạnh nhau, nếu có phụ âm đứng sau, dấu giọng được đánh trên  nguyên âm thứ hai, thí dụ : hoàng, thượng.
-  nếu không có phụ âm theo sau thì dấu giọng được đánh trên nguyên âm thứ nhứt, thí dụ: thủy, đáo, hải, cầy, bừa.
Và đưa ra Luật Trừ : những chữ có âm IA cũng theo qui tắc trên : (ngã ba chú) ÍA, (đằng kia) Kìa, (đừng) PHịa chuyện, (mai) Mỉa. Nhưng  nếu IA đứng ngay sau chữ G, GI trở thành phụ âm kép, phải đánh dấu giọng trên nguyên âm kế tiếp, thí dụ : Già, Giả.

Sau đó Cô Út vẫn giữ im lặng. Tôi cho rằng Cô Út không đồng ý với cách giải thích của hoạ sĩ, nhưng cứ để cho ông hả hê vì trả được thù để ông có cảm hứng tiếp tục vẽ tranh, và để cho TIẾNG THÔNG vẫn REO vui. Tôi cũng không đồng ý, vì cũng theo cách đánh dấu giọng như Cô Út, nhưng nghĩ bụng, thôi cứ để cho ông ấy thích chí đi, chuyện đâu còn có đó, để từ từ rồi tính với ông ấy.

A.C.La đưa ra qui tắc căn bản, dấu giọng đánh trên các nguyên âm, mọi người đều chấp nhận. Nhưng đến qui tắc hoạ sĩ đưa ra sau đó, trong một chữ có hai nguyên âm đi cạnh nhau, không có phụ âm theo sau, phải đánh dấu giọng trên nguyên âm thứ nhứt, điều nầy không đơn giản như vậy. Trong hầu hết các cuốn từ điển, chúng ta đọc được : hòa (bình), thỏa (thích), xóa (bỏ). Nhưng tất cả đều ghi : huề (vốn), thuế (vụ), quà (cáp), (cây) quế, quí (trọng), thuở (nào), (làm không) xuể, không có từ điển nào, và không có ai đánh đấu giọng trên nguyên âm thứ nhứt là U. Đã có sự lộn xộn. Càng rắc rối hơn khi ngay trong một tiếng đôi, có sự mâu thuẩn trong cách đánh dấu : (tánh tình) xuề xòa, chữ đầu đánh dấu trên nguyên âm thứ hai, chữ sau đánh dấu trên nguyên âm thứ nhứt.

Để giải quyết tình trạng lộn xộn nầy, ông Lê Ngọc Trụ, nguyên giảng viên trường Đại Học Văn Khoa và trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, một người có uy tín trong giới ngữ học ở miền Nam trước 1975, trong đoạn chót cuốn Chánh Tả Việt Ngữ đã đưa ra ý kiến :
« Hai bán âm o và u trong tiếng hợp khẩu chỉ đóng vai âm kẹt, bởi âm lượng của bán âm không đủ rõ như của nguyên âm : vì vậy bán âm không mang dấu giọng  ». ( Chú thích của người viết bài nầy : tiếng hợp khẩu là tiếng có các vần oa, oe, uê, uơ, ui, uy ; bán âm hay bán nguyên âm, ông LNTrụ dịch chữ Pháp semi-voyelle ). Và ông kết luận :
« Theo đây, chúng ta thấy, trong các tiếng hợp khẩu, dầu vận trơn hay vận cản, bán âm không bao giờ mang dấu giọng, chỉ có nguyên âm mang dấu giọng thôi.
Xưa nay quen đánh dấu giọng trên bán âm :
                hỏa, khỏe, thủy ...  
Vậy muốn cho nhất trí và hợp lẽ, nên đánh dấu giọng trên tất cả nguyên âm của các tiếng hợp khẩu vận trơn và vận cản, bán âm không mang dấu giọng :
                     hoả, khoẻ, quỷ, thuỷ, huế, tuệ, tuỵ, thuở ...
                     hoàn, hoẻn, huyền, thuyết ... »
(Chú thích của người viết : Theo ông LNTrụ, tiếng có vận trơn là tiếng kết thúc bằng một nguyên âm như : ta, hoa, tiếng có vận cản là tiếng kết thúc bằng phụ âm như : tan, hoan, khoanh).

Ông Hoàng Phê, tác giả quyển Từ Điển Chính Tả, xuất bản ở Hà Nội năm 2006, trong Lời Nói Đầu cũng có cùng ý kiến :
« Trong tiếng Việt, có một quy tắc là dấu thanh đánh trên con chữ (viết) nguyên âm ; vậy viết hoạ, hoè, huỷ, quả, quẻ, quý là hợp quy tắc, nên coi đó là chuẩn. Việc đánh dấu thanh trên O và U trong những tổ hợp nầy là kết quả của một sự nhầm lẫn, cho rằng O và U ở đây viết các nguyên âm o và u ». ( Chú thích của người viết : trong một đoạn trên, ông Hoàng Phê cũng gọi các chữ O và U trong các tổ hợp oa, oe, uy, ua, ue là bán nguyên âm ).

Về trường hợp luật trừ về phụ âm kép GI,  A.C.La nêu ra ở trên, xin ghi thêm lời của ông Hoàng Phê, ở phần ghi chú tiếp theo đoạn trên :
« Các trường hợp trên đây khác các trường hợp ia, ua, ưa, là những nguyên âm đôi : dấu thanh đánh trên I,U, Ư ( con chữ đầu của tổ hợp IA, UA, ƯA) : so sánh CủA và QUả, THủA và THOả. Trong giạ (giạ lúa), nguyên âm là a, nên đánh dấu nặng dưới A : GIạ ; khác với trong gịa (giặt gịa), có nguyên âm đôi ia (I ở đây vừa tổ hợp với G viết phụ âm gi, vừa tổ hợp với A viết nguyên âm đôi ia), nên đánh dấu nặng dưới I : GịA »
Về các tổ hợp IA, UA, ƯA mà ông Hoàng Phê gọi là các nguyên âm đôi, suy nghĩ của tôi  gần với quan điểm về âm gằn (accentué) của Giáo Sư LNTrụ tương đối tổng quát  hơn. Xin được chép lại đây đoạn nói về âm gằn trong quyển Chánh Tả Việt Ngữ của ông LNTrụ để tham khảo :
« Nguyên tắc căn bản là phần âm nào được gằn thì mang dấu giọng.
Vậy những âm nào được gằn ?
1 -  Các nguyên âm đứng một mình thành một giọng (vận trơn và vận cản) thì mang dấu          
       giọng :
       a,e,ê,i,y,o,ô ơ,u,ư (vận trơn và vận cản).
       ă,â (chỉ ở vận cản thôi).
2 -  Trong vận cản, nguyên âm đứng kế trước phụ âm mang dấu giọng :
       hường, tiền,quyển, quýt, khuyến, hoàn, thoát ...
3 -  Trong vận trơn nhị trùng âm, phần nào mang dấu chữ thì mang dấu giọng :
       ây,âu, êu, ôi, ơi,ơu,ưa, ưi,ưu.
       oă, uâ, uê,uơ. ( có lẽ ông LNTrụ sơ sót, thật ra hai nhị trùng âm oă,uâ chỉ có trong           
       vận cản như oăt, uân).
4 -  Trong nhị trùng âm không có phần mang dấu chữ, phần âm nào được gằn thì mang dấu 
       giọng :
       a được gằn trong vận                      :  ai, ay, ao au
       e được gằn trong tất cả âm kép       :  eo,oe,ue 
       i được gằn trong vận                       :  ia, iu
       y được gằn trong vận                       :  uy
       o được gằn trong vận                       :  oi
       u được gằn trong vận                       :  ua, ui
5 -  Trong vận trơn tam trùng âm không có phần âm mang dấu chữ hoặc có hai phần âm                      
       mang dấu chữ thì phần âm ở giữa mang dấu giọng:
       oai, oay, uai,ueo,uyu,ươi,ươu …”
 Có lẽ nên thêm một trường hợp về các âm có vận cản uyê, phần âm mang dấu chữ thì  mang dấu giọng: quyền, thuyết.

Ông hoạ sĩ nè, trong vụ nầy tôi chỉ binh Cô Út có một chút thôi, không có xăn tay áo đâu, nên ông không cần phải quăng giá vẽ mà chạy. Ông cứ thư thả tiếp tục ngồi vẽ tranh đưa lên TTR cho bạn bè, thân hữu thưởng thức. Không có bên thắng thua trong việc bỏ dấu giọng nầy, vì lẽ Việt Nam chưa có Hàn Lâm Viện để đưa ra qui tắc chuẩn cho việc đánh dấu giọng, thiết nghĩ cả hai cách đánh dấu đều được chấp nhận.

Theo tôi nghĩ, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nầy là vì còn thiếu nhiều nghiên cứu về phần ngữ âm ( la phonétique) của tiếng Việt. Các giáo sĩ người Âu Châu đến truyền giáo ở Việt Nam vào thế kỷ 16,17, trong đó người góp phần rất lớn là giáo sĩ Đắc Lộ, đã có sáng kiến rất tài tình là dùng chữ cái la tinh, phối hợp với tiếng nói giàu âm điệu của người Việt Nam, để tạo thành một thứ chữ viết mới có dấu, vừa chuyển tả được ngôn ngữ Việt Nam, vừa dể học, dể sử dụng hơn chữ Hán và chữ Nôm. Nhưng từ trước tới nay, phần lớn các nhà làm từ điển và các nhà viết văn phạm chú trọng nhiều tới phần tự dạng (la morphologie) mà không nghiên cứu rộng rãi phần ngữ âm của tiếng Việt, (ngay cả trong phần nói về luật hỏi ngã cũng nghiêng về phần tự dạng nhiều hơn), để đưa ra được một qui tắc thống nhứt về cách đánh dấu giọng trên chữ viết tiếng Việt mà chúng ta bàn ở đây.

Tôi không chuyên về môn ngữ học, chỉ thích tìm hiểu về tiếng Việt. Nhân thấy hoạ sĩ nói đến cách đánh dấu giọng, với đôi chút hiểu biết xin lạm bàn vài câu. Vì dùng Unicode để đánh các bài viết, tôi phải theo cách đánh dấu giọng của phần lớn từ điển mà Unicode theo, nhiều khi không sửa được hết các chữ theo cách đánh dấu của mình.

NQMINH    
___________

Mới nhìn cái tựa đề bài viết, mỗ tôi buột miệng "Biết ngay mà". Thế nào rồi cũng có người bênh Cô Út. Chỉ không ngờ rằng, tưởng chuyện trả thù cô Út đã êm. Ai dè nay mới có người lên tiếng. Quân tử trả thù mười năm chưa muộn mà lị!

Nhưng khi đọc đến những chỗ mình bị "quạt" vì nói chưa thấu đáo vì không am tường  nên nhiều chỗ còn quá hở hang thì lại cười trừ mà rằng: "Ừa nhỉ!"

Người bênh Cô Út là người Parisien. Người Parisiens nói chung rất lịch sự, chẳng bao giờ đánh ai, ngay cả khi nhóm Hồi Giáo tính biến Paris thành thánh địa của họ, người Paris cũng chỉ biểu tình qua quít cho có lệ mà thôi! Thế nên tôi sẽ không chuồn đâu. Bạn mà uýnh tôi, tôi chuồn, bạn sẽ ở lại quét chùa một mình... cho chết luôn!

Còn Cô Út chắc là khoái tít mắt vì có người bênh.

Aha!!!!!!!!!!!
A.C.La
Tái bút: Chữ "uýnh" bỏ dấu như thế có đúng chỗ không đó, nhà ngữ học?

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...