30 September 2010

Thư Paris tiếp theo

Trở Lại Bài « Đánh Dấu Chữ Việt »
của A.C.La

Dạo nầy tôi chú ý tới cách tạo chữ và dùng chữ của người trong nước. Rồi lan man nhớ lại bài ĐÁNH DẤU CHỮ VIỆT của hoạ sĩ A.C.La nhà mình trên Tiếng Thông Reo vào đầu tháng 5 vừa qua. Trong bài đó hoạ sĩ lên lớp Cô Út Như Thương, bảo rằng trong bài thơ HÔN EM NGHÌN NỤ rất hay của Cô Út có hai chữ Đoá và Thoả đã bỏ dấu giọng sai qui tắc :
                           ...  Trái tim nạm ngọc ĐOÁ hương
                                Trinh nguyên cánh mỏng vương vương chân người ...

                            ... Yêu em dẫu nắng dẫu mưa
                                 Hôn em nghìn nụ vẫn chưa THOẢ lòng.

A.C.La đã tóm tắt qui tắc :
-  dấu giọng đánh trên các nguyên âm, thí dụ : Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao.
-  khi có hai nguyên âm đi cạnh nhau, nếu có phụ âm đứng sau, dấu giọng được đánh trên  nguyên âm thứ hai, thí dụ : hoàng, thượng.
-  nếu không có phụ âm theo sau thì dấu giọng được đánh trên nguyên âm thứ nhứt, thí dụ: thủy, đáo, hải, cầy, bừa.
Và đưa ra Luật Trừ : những chữ có âm IA cũng theo qui tắc trên : (ngã ba chú) ÍA, (đằng kia) Kìa, (đừng) PHịa chuyện, (mai) Mỉa. Nhưng  nếu IA đứng ngay sau chữ G, GI trở thành phụ âm kép, phải đánh dấu giọng trên nguyên âm kế tiếp, thí dụ : Già, Giả.

Sau đó Cô Út vẫn giữ im lặng. Tôi cho rằng Cô Út không đồng ý với cách giải thích của hoạ sĩ, nhưng cứ để cho ông hả hê vì trả được thù để ông có cảm hứng tiếp tục vẽ tranh, và để cho TIẾNG THÔNG vẫn REO vui. Tôi cũng không đồng ý, vì cũng theo cách đánh dấu giọng như Cô Út, nhưng nghĩ bụng, thôi cứ để cho ông ấy thích chí đi, chuyện đâu còn có đó, để từ từ rồi tính với ông ấy.

A.C.La đưa ra qui tắc căn bản, dấu giọng đánh trên các nguyên âm, mọi người đều chấp nhận. Nhưng đến qui tắc hoạ sĩ đưa ra sau đó, trong một chữ có hai nguyên âm đi cạnh nhau, không có phụ âm theo sau, phải đánh dấu giọng trên nguyên âm thứ nhứt, điều nầy không đơn giản như vậy. Trong hầu hết các cuốn từ điển, chúng ta đọc được : hòa (bình), thỏa (thích), xóa (bỏ). Nhưng tất cả đều ghi : huề (vốn), thuế (vụ), quà (cáp), (cây) quế, quí (trọng), thuở (nào), (làm không) xuể, không có từ điển nào, và không có ai đánh đấu giọng trên nguyên âm thứ nhứt là U. Đã có sự lộn xộn. Càng rắc rối hơn khi ngay trong một tiếng đôi, có sự mâu thuẩn trong cách đánh dấu : (tánh tình) xuề xòa, chữ đầu đánh dấu trên nguyên âm thứ hai, chữ sau đánh dấu trên nguyên âm thứ nhứt.

Để giải quyết tình trạng lộn xộn nầy, ông Lê Ngọc Trụ, nguyên giảng viên trường Đại Học Văn Khoa và trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, một người có uy tín trong giới ngữ học ở miền Nam trước 1975, trong đoạn chót cuốn Chánh Tả Việt Ngữ đã đưa ra ý kiến :
« Hai bán âm o và u trong tiếng hợp khẩu chỉ đóng vai âm kẹt, bởi âm lượng của bán âm không đủ rõ như của nguyên âm : vì vậy bán âm không mang dấu giọng  ». ( Chú thích của người viết bài nầy : tiếng hợp khẩu là tiếng có các vần oa, oe, uê, uơ, ui, uy ; bán âm hay bán nguyên âm, ông LNTrụ dịch chữ Pháp semi-voyelle ). Và ông kết luận :
« Theo đây, chúng ta thấy, trong các tiếng hợp khẩu, dầu vận trơn hay vận cản, bán âm không bao giờ mang dấu giọng, chỉ có nguyên âm mang dấu giọng thôi.
Xưa nay quen đánh dấu giọng trên bán âm :
                hỏa, khỏe, thủy ...  
Vậy muốn cho nhất trí và hợp lẽ, nên đánh dấu giọng trên tất cả nguyên âm của các tiếng hợp khẩu vận trơn và vận cản, bán âm không mang dấu giọng :
                     hoả, khoẻ, quỷ, thuỷ, huế, tuệ, tuỵ, thuở ...
                     hoàn, hoẻn, huyền, thuyết ... »
(Chú thích của người viết : Theo ông LNTrụ, tiếng có vận trơn là tiếng kết thúc bằng một nguyên âm như : ta, hoa, tiếng có vận cản là tiếng kết thúc bằng phụ âm như : tan, hoan, khoanh).

Ông Hoàng Phê, tác giả quyển Từ Điển Chính Tả, xuất bản ở Hà Nội năm 2006, trong Lời Nói Đầu cũng có cùng ý kiến :
« Trong tiếng Việt, có một quy tắc là dấu thanh đánh trên con chữ (viết) nguyên âm ; vậy viết hoạ, hoè, huỷ, quả, quẻ, quý là hợp quy tắc, nên coi đó là chuẩn. Việc đánh dấu thanh trên O và U trong những tổ hợp nầy là kết quả của một sự nhầm lẫn, cho rằng O và U ở đây viết các nguyên âm o và u ». ( Chú thích của người viết : trong một đoạn trên, ông Hoàng Phê cũng gọi các chữ O và U trong các tổ hợp oa, oe, uy, ua, ue là bán nguyên âm ).

Về trường hợp luật trừ về phụ âm kép GI,  A.C.La nêu ra ở trên, xin ghi thêm lời của ông Hoàng Phê, ở phần ghi chú tiếp theo đoạn trên :
« Các trường hợp trên đây khác các trường hợp ia, ua, ưa, là những nguyên âm đôi : dấu thanh đánh trên I,U, Ư ( con chữ đầu của tổ hợp IA, UA, ƯA) : so sánh CủA và QUả, THủA và THOả. Trong giạ (giạ lúa), nguyên âm là a, nên đánh dấu nặng dưới A : GIạ ; khác với trong gịa (giặt gịa), có nguyên âm đôi ia (I ở đây vừa tổ hợp với G viết phụ âm gi, vừa tổ hợp với A viết nguyên âm đôi ia), nên đánh dấu nặng dưới I : GịA »
Về các tổ hợp IA, UA, ƯA mà ông Hoàng Phê gọi là các nguyên âm đôi, suy nghĩ của tôi  gần với quan điểm về âm gằn (accentué) của Giáo Sư LNTrụ tương đối tổng quát  hơn. Xin được chép lại đây đoạn nói về âm gằn trong quyển Chánh Tả Việt Ngữ của ông LNTrụ để tham khảo :
« Nguyên tắc căn bản là phần âm nào được gằn thì mang dấu giọng.
Vậy những âm nào được gằn ?
1 -  Các nguyên âm đứng một mình thành một giọng (vận trơn và vận cản) thì mang dấu          
       giọng :
       a,e,ê,i,y,o,ô ơ,u,ư (vận trơn và vận cản).
       ă,â (chỉ ở vận cản thôi).
2 -  Trong vận cản, nguyên âm đứng kế trước phụ âm mang dấu giọng :
       hường, tiền,quyển, quýt, khuyến, hoàn, thoát ...
3 -  Trong vận trơn nhị trùng âm, phần nào mang dấu chữ thì mang dấu giọng :
       ây,âu, êu, ôi, ơi,ơu,ưa, ưi,ưu.
       oă, uâ, uê,uơ. ( có lẽ ông LNTrụ sơ sót, thật ra hai nhị trùng âm oă,uâ chỉ có trong           
       vận cản như oăt, uân).
4 -  Trong nhị trùng âm không có phần mang dấu chữ, phần âm nào được gằn thì mang dấu 
       giọng :
       a được gằn trong vận                      :  ai, ay, ao au
       e được gằn trong tất cả âm kép       :  eo,oe,ue 
       i được gằn trong vận                       :  ia, iu
       y được gằn trong vận                       :  uy
       o được gằn trong vận                       :  oi
       u được gằn trong vận                       :  ua, ui
5 -  Trong vận trơn tam trùng âm không có phần âm mang dấu chữ hoặc có hai phần âm                      
       mang dấu chữ thì phần âm ở giữa mang dấu giọng:
       oai, oay, uai,ueo,uyu,ươi,ươu …”
 Có lẽ nên thêm một trường hợp về các âm có vận cản uyê, phần âm mang dấu chữ thì  mang dấu giọng: quyền, thuyết.

Ông hoạ sĩ nè, trong vụ nầy tôi chỉ binh Cô Út có một chút thôi, không có xăn tay áo đâu, nên ông không cần phải quăng giá vẽ mà chạy. Ông cứ thư thả tiếp tục ngồi vẽ tranh đưa lên TTR cho bạn bè, thân hữu thưởng thức. Không có bên thắng thua trong việc bỏ dấu giọng nầy, vì lẽ Việt Nam chưa có Hàn Lâm Viện để đưa ra qui tắc chuẩn cho việc đánh dấu giọng, thiết nghĩ cả hai cách đánh dấu đều được chấp nhận.

Theo tôi nghĩ, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nầy là vì còn thiếu nhiều nghiên cứu về phần ngữ âm ( la phonétique) của tiếng Việt. Các giáo sĩ người Âu Châu đến truyền giáo ở Việt Nam vào thế kỷ 16,17, trong đó người góp phần rất lớn là giáo sĩ Đắc Lộ, đã có sáng kiến rất tài tình là dùng chữ cái la tinh, phối hợp với tiếng nói giàu âm điệu của người Việt Nam, để tạo thành một thứ chữ viết mới có dấu, vừa chuyển tả được ngôn ngữ Việt Nam, vừa dể học, dể sử dụng hơn chữ Hán và chữ Nôm. Nhưng từ trước tới nay, phần lớn các nhà làm từ điển và các nhà viết văn phạm chú trọng nhiều tới phần tự dạng (la morphologie) mà không nghiên cứu rộng rãi phần ngữ âm của tiếng Việt, (ngay cả trong phần nói về luật hỏi ngã cũng nghiêng về phần tự dạng nhiều hơn), để đưa ra được một qui tắc thống nhứt về cách đánh dấu giọng trên chữ viết tiếng Việt mà chúng ta bàn ở đây.

Tôi không chuyên về môn ngữ học, chỉ thích tìm hiểu về tiếng Việt. Nhân thấy hoạ sĩ nói đến cách đánh dấu giọng, với đôi chút hiểu biết xin lạm bàn vài câu. Vì dùng Unicode để đánh các bài viết, tôi phải theo cách đánh dấu giọng của phần lớn từ điển mà Unicode theo, nhiều khi không sửa được hết các chữ theo cách đánh dấu của mình.

NQMINH    
___________

Mới nhìn cái tựa đề bài viết, mỗ tôi buột miệng "Biết ngay mà". Thế nào rồi cũng có người bênh Cô Út. Chỉ không ngờ rằng, tưởng chuyện trả thù cô Út đã êm. Ai dè nay mới có người lên tiếng. Quân tử trả thù mười năm chưa muộn mà lị!

Nhưng khi đọc đến những chỗ mình bị "quạt" vì nói chưa thấu đáo vì không am tường  nên nhiều chỗ còn quá hở hang thì lại cười trừ mà rằng: "Ừa nhỉ!"

Người bênh Cô Út là người Parisien. Người Parisiens nói chung rất lịch sự, chẳng bao giờ đánh ai, ngay cả khi nhóm Hồi Giáo tính biến Paris thành thánh địa của họ, người Paris cũng chỉ biểu tình qua quít cho có lệ mà thôi! Thế nên tôi sẽ không chuồn đâu. Bạn mà uýnh tôi, tôi chuồn, bạn sẽ ở lại quét chùa một mình... cho chết luôn!

Còn Cô Út chắc là khoái tít mắt vì có người bênh.

Aha!!!!!!!!!!!
A.C.La
Tái bút: Chữ "uýnh" bỏ dấu như thế có đúng chỗ không đó, nhà ngữ học?

Tin thời sự rút ngắn

1000 năm Thăng Long

Trên đất Nước Việt, đảng CS đang ra sức chuẩn bị mừng lễ kỷ niệm "1000 Năm Thăng Long". Những ngày hội sau đó kéo dài cả tuần. Đại lễ bắt đầu vào ngày 1 tháng 10 đúng vào ngày Mao Xế Xáng tuyên bố khai sinh nước "Cộng Hoà Nhân Dân" Tàu tại Thiên An Môn, điều này gây nên một luồng dư luận phẫn nộ thiếu điều muốn nhổ nước miếng vào lá cờ Búa Liềm của Cộng Đảng Việt.

Người ta không hiểu nổi tại sao Hà Nội lại chọn bắt đầu kỷ niệm 1000 Năm Thăng Long vào ngày quốc khánh Tàu Cộng. Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ đã chính thức dời đô trong tháng 7 âm lịch, chứ không phải đầu tháng 10.

Nguời ta còn kinh tởm khi biết rằng bộ phim 1000 Năm Thăng Long mà Cộng Đảng khoe là một công trình vĩ đại được quay ở những phim trường bên Tàu,  kịch bản bị người Tàu chỉnh sửa, dàn dựng theo sắc thái văn hóa Tàu, từ y phục diễn viên đời Đường đến cả tiếng nhạc cũng lai tiếng nhạc ò-e-í-ét của Tàu.


Óc nô dịch của Hà Nội thật hết chỗ nói !

Tàu - Nhật song đấu

Liên hệ ngoại giao giữa hai nước lớn Đông Á, Nhật - Tàu Cộng, trở nên tồi tệ nhanh chóng sau khi  một tàu đánh cá của Tàu đụng hai thuyền tuần tra trên biển của Nhật ngày 7 tháng 9 vừa qua. Thuyền trưởng tàu cá Nước Tàu CS bị Nhật giữ trong hai tuần liền. Tokyo đã bác bỏ đòi hỏi xin lỗi của Bắc Kinh sau khi thả thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng hôm thứ Sáu tuần trước. Vụ đụng tàu xảy ra trong vùng biển gần quần đảo mà Nhật Bản và Tàu Lục Địa đang tranh chấp ở Đông Hải. Nhật gọi quần đảo này là Senkaku, trong khi tên tiếng Tàu là Điếu Ngư Đài.

Cả hai nước cùng thấy quyền lợi sống chết nơi có trữ lượng dầu khí dưới lòng biển, và tỏ ra không nhân nhượng bất cứ hành động thách đố nào nhằm bác bỏ sự xác lập chủ quyền tự cho là chính đáng của mình trên vùng biển đảo.
Bắc Kinh đã cắt mọi liên hệ cấp bộ giữa hai nước và hàng nghìn khách du lịch Tàu Lục Địa đã thôi không đến Nhật. Các buổi trình diễn của ban nhạc Nhật SMAP theo lịch trình diễn ra ở Thượng Hải đã bị ban tổ chức Nước Tàu hủy bỏ.

Bang giao tồi tệ thêm khi Nước Tàu CS bắt giam bốn người Nhật hồi tuần trước. là những nhân viên của một công ty xây dựng Nhật Bản, đang bị điều tra mà Tàu Cộng ghép vào tội quay phim trong khu vực quân sự.

(Tổng hợp)

Những mốc lịch sử:
1894: Nhật hoàng hạ lệnh xâm lăng Nước Tàu.
1895: Nước Tàu bỏ Đài Loan nhưng áp lực quốc tế buộc Nhật bỏ ý định sap nhập hải đảo này.
1931: Nhật xâm lăng Mãn Châu, dựng chính phủ bù nhìn.
1933: Cuộc chiến toàn diện nổ ra giúp Nhật chiếm Thượng Hải, Bắc Kinh, Nam Kinh.
1941: Nhật tấn công Trân Châu Cảng , khối Đồng Minh tuyên chiến.
1945: Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.
1945: Nhật bỏ cuộc ở Nước Tàu cùng lúc Thế Chiến I I chấm dứt.
1949: Mao Trạch Động thành lập Nước Tàu Cộng Sản.
1963: Cuộc "Cách Mạng Văn Hóa" ở Tàu khiến bang giao Tàu-Nhật suy vi thêm.
1972: Dưới áp lực của Richard Nixon, Tàu-Nhật nối lại liên hệ ngoại giao.
1992: Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) xếp nền kinh tế Nước Tàu CS đứng hàng thứ ba sau Mỹ và Nhật.
2001: Chiến tranh mậu dịch xẩy ra khi các nước thiết lập các bảng giá áp đặt trên hàng nhập khẩu.
2001: Biểu tình phản đối ở Bắc Kinh khi Thứ Tướng Nhật thăm nghĩa trang vinh danh chiến sĩ trận vong.
2004: China ký kết thương ước với 10 quốc gia Đông Nam Á.
2005: Người Tàu giận dữ khi Nhật xuất bản sách giáo khoa giải thích lại những tàn bạo của chiến tranh.
2007: Ôn Gia Bảo thủ tướng đầu tiên đọc diễn văn tại quốc hội Nhật.
2008: Tàu và Nhật  thỏa thuận phát triển chung các mỏ hơi đốt ngoài khơi trên biển đông nước Tàu (Phía Tây Nam Nhật).
2009: Liên hệ cải thiện khi đảng Dân Chủ Nhật thắng tổng tuyển cử.
(Theo tờ Telegraph, Anh Quốc)
Chiến tranh mậu dich giữa Mỹ-Tàu

Ủy Ban Quốc Hội Mỹ đã chấp thuận dự luật trả đũa Hoa Lục về mậu dịch. Thế là Hạ Viện sẽ biểu quyết vào tuần tới; rồi để thành luật còn cần sự ủng hộ của Thượng Viện nữa. Dự luật này nhằm cho phép chính quyền Mỹ thiết lập thuế quan đánh trên hàng hóa nhập cảng từ những nước kìm giá đồng tiền nước họ.

Hoa Kỳ cáo buộc Hoa Lục kềm giữ đồng bạc của họ, đồng Yuan, để giúp hàng xuất cảng của họ có một lợi thế không chính đáng.

(Hình: Chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội Mỹ)

Mặt Trời nổ lớn năm 2013?

Trái đất sẽ bị tê liệt vào năm 2013 vì vụ nổ lớn trên Mặt Trời.

Solar flare là tiếng để chỉ những vụ nổ lớn trong bầu khí quyển của mặt trời hay trên các sao (Stellar flare). Những vụ nổ này sẽ phát ra một khối năng lượng cực lớn nà gây nên những cơn "sóng thần" điện từ ảnh hưởng mạnh đến trái đất.

Mới đây các nhà khoa học của trung tâm vũ trụ NASA Hoa Kỳ vừa dự đoán về một thảm họa có thể xảy ra do một  solar flare của mặt trời vào năm 2013. Cứ khoảng một 100 năm lại có một vụ như thế

Theo các nhà khoa học Anh, vụ nổ mặt trời sẽ rất mạnh có thể phá hủy toàn bộ hệ thống thông tin và gây hậu quả ghê gớm đối với con người; nó có sức công phá mạnh tương đương với 100 quả bom Hidrogen… Theo các chuyên gia NASA thì toàn bộ máy móc điện tử trên trái đất sẽ bị hủy hoại, hệ thống ngân hàng, bệnh viện sẽ bị tê liệt, các trạm kiểm soát không gian chỉ còn là những cục gạch…

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh vừa tuyên bố tuần tới sẽ sang gặp các chuyên gia NASA trong một cuộc hội thảo để bàn cách hạn chế thấp nhất những sự hủy hoại.

“Chúng tôi biết chắc rằng thảm họa này sẽ xẩy ra nhưng không lường trước được sự tàn phá của nó đến đâu”- Đó là ý kiến của Tiến sĩ Richard Fisher, Giám đốc của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA khi đề cập tới cơn bão mặt trời này…

Tuy nhiên nhiều khoa học gia không đồng ý về mức độ tác hại cao của hiên tượng này. (Tổng hợp)


Bắc Kinh đã nhờ Washington khuyên Tokyo?


Báo chí Nhật giận dữ trong khi báo chí Tàu hả hê khi thuyền trưởng  Nước Tàu được thả. Thế nhưng những người quan sát nhìn từ hậu trường lại có những những kết luận riêng.

Vụ tàu cá chỉ là một thí dụ mới nhất về thái độ hung hãn của Nước Tàu CS, khẳng định sức mạnh, tầm vóc và uy thế của mình. Tuy nhiên, để đạt được vinh quang trong việc giải cứu người thuyền trưởng, Tàu Cộng dường như đã phải nhờ tới Hoa Kỳ.

Ðó là nghi vấn của báo chí Nhật, được thuật lại trên tờ South China Morning Post xuất bản ở Hong Kong. Có những dấu hiệu Hoa Kỳ đã đứng giữa dàn xếp vụ tàu cá ở vùng đảo Senkaku/Diaoyu tranh chấp.

Một ngày trước khi thả thuyền trưởng, Ngoại Trưởng Hillary Clinton gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Nhật Seiji Maehara ở New York, hôm 23 tháng 9. Trong cuộc gặp gỡ này, Clinton thúc đẩy phía Nhật “dùng đối thoại để giải quyết vụ tranh chấp cho nhanh,” CNN tường thuật.

Từ AK chuyển sang M16

Xem hình trên VN Express chợt phát hiện một điểm lạ xin chia sẻ để quý vị “am hiểu thời cuộc” suy gẫm.

Xưa nay vũ khí chính của quân đội CSVN là súng AK-47. Loại này Hà Nội phải mua của Tàu Cộng vì không đủ tiền mua của Nga hay Tiệp Khắc (Czech Republic). Nay khi thành lập cái gọi là “Cảnh Sát Biển”, bất ngờ bộ phận này được trang bị... súng M16 của Hoa Kỳ.

Cảnh sát biển chỉ là tên gọi nhưng thực chất chính là Hải Quân CS canh giữ Hoàng Sa Trường Sa. Không những thế “Bộ Đội Đặc Công” hay hiểu nôm na là “Lực lượng đặc biệt” cũng xài luôn súng này !

Chuyện gì xảy ra sau chuyến thăm viếng của Hàng Không Mẫu Hạm USS George Washington và Bộ Trưởng Quốc Phòng Gate đặc biệt dành một ngày riêng để thảo luận với Hà Nội bên lề cuộc họp ASEAN? Con cháu "Cụ Hồ" vốn nổi tiếng “nói một đàng, làm một nẻo” Dù tuyên bố “không thân Mỹ” nhưng có lẽ những tấm ảnh này đã nói một cách trung thực thay cho lời tuyên bố.

(Trích một email gửi Diễn Đàn)

29 September 2010

Thơ Như Thương

Ký ức

Rạch Giá , Ký Ức Một Quê Hương

Võ Ngô

Khi chúng ta ra đi rời khỏi đất nước thân yêu , trên đôi vai chúng ta đều có mang một quê hương . Quê hương của chúng ta đó , cho dù có là những khu xóm thôn nghèo xơ xác , hay những ruộng đồng bát ngát thẳng cánh cò bay . Hay là những nơi thị thành phồn hoa náo nhiệt , Bắc , Trung , Nam , Hà Nội , Huế , Sài Gòn hoặc Cần Thơ , thì ai đó trong chúng ta cũng có một quê hương để mang theo . Còn tôi mang theo quê hương của tôi là một quê hương nước mặn đồng chua Rạch Giá .

Rạch Giá là quê hương của tôi , một quê hương với hai mùa mưa nắng . Một quê hương với nước mặn đồng chua , dưới đôi tay của những người dân quê lam lũ , với một tâm hồn chấc phác thuần lương , với con trâu đi trước chiếc cày theo sau , chồng phác cỏ , vợ chế , con gom giồng . Và sau đó cấy trồng lên những cây lúa , chờ ngày gặt hái những hạt mầm , kết tụ cho những cuộc sống tầm thường thấp bé nằm xa ngoài xã hội văn minh và tiến bộ . Quê tôi có hai mùa mưa nắng . Những hạt mưa bắt đầu rơi xuống mảnh vườn thửa ruộng vào những tháng 4-5 , để tưới lên cánh đồng bao la những lượng nước đáng kể . Và đồng thời những đàn cá nương theo đó mà di cư từ sông rạch , lên đồng gây giống tạo nòi . Chúng sống , và chúng cũng nuôi dưỡng những người dân quê tôi , có được miếng ăn cùng với cái mặc . Những đứa trẻ như tôi được đi ra đồng giăng câu , đặt lờ , nom , bắt những con cá , những con cá bị bắt , được đem ra chợ xã , chợ quận hay chợ tỉnh , thậm chí những khu chợ chồm hổm , chúng được đổi chác những phần bánh , vải , hay những loại cần dùng trong nhà , xà bông nước mắm , đường , sữa e.t.c .

Quê tôi những người dân pha trộn lẫn nhau để mà sống, người Khờ Me là người nguyên gốc bản xứ Thuỷ Chân Lạp xưa và là Miên thuở bấy giờ . Người Hoa , có người Hẹ , Hải nam ,Triều Châu , Phúc Kiến , Quảng Đông , Người Việt Nam có người Bắc người Trung vào khai khẩn sinh sống , cộng với một số người Chăm (Chà Và ) thiên di . Tạo cho một khu vực có những nền văn hóa hỗn hợp , trong một vùng đất mới khai khẩn , từ hoang sơ rừng chàm nước ngập , thành những mảnh ruộng đồng bao la bát ngát những thành thị nhỏ nhoi mọc lên lổm chổm khắp nơi . Quê tôi có hai mùa nước đến nước đi , nước đến từ biển hồ , qua miệt Tân Châu , Hồng Ngự , chuyền qua sông Hậu rồi đi ra biển (Vịnh Thái Lan) . Và người dân bản xứ Thủy Chân Lạp xưa nay thường có một lễ hội gọi là đưa và rước nước .

Mỗi mùa đưa nước, dân Miên ở các địa phương xa xôi như :- Cù Là , Minh Lương , Xóm Đập , Chùa Phật Lớn , Phi Thông , Máy Nước, Gò Quao, Giồng Riềng , Chắc Kha , Sóc Xoài ,Vàm Răng , Tri Tôn, Hòn Sóc, Tà Mọt , Lỳnh Quỳnh , Kiên Lương e.t..c họ gom tụ về nơi thị xã Rạch Giá .

Họ mang những chiếc ghe Ngo đến để cùng nhau đua trên giòng sông Kiên bắt đầu từ sân vận động Kiên Giang đua về cầu Tàu Mỹ . Những tiếng reo hò "dô ta" rền vang dưới mặt sông , những tay chèo đưa đẩy nhịp nhàng ,những thân hình trùng trục đen đủi bóng loáng dưới lớp mồ hôi nhễ nhại cố gắng đưa mái chèo đẩy chiếc ghe vượt nước . Như con khủng long vẫy vùng trên mặt nước , người đứng trước mũi ghe cố gắng nghiêng vai , lắc thân hình theo nhịp điệu , để đưa đẩy dắt dẫn những tay chèo cố gắng hết sức để đến chiếm được mục đích của cuộc đua là Cầu Tàu Mỹ . Chiếc ghe Ngo nào thắng là mang đến một vẻ vinh quang và huy hoàng cho người cư ngụ nơi xóm thôn làng đó . Những người hùng chiến thắng được những cô gái Miên choàng vòng hoa tay lên cổ .

Rồi thì đến dịp xuân về tết đến , những người Minh Hương Hoa Kiều lập những gánh múa Lân chúc tụng nhau được vinh thân, được phì gia, gia đình được phát đạt, và để tống cựu nghinh tân . Hầu hết mọi người sinh sống nơi quê tôi , đều có một tục lệ là múa Lân , cho nên hầu như tất cả mọi người , muốn được lân múa thì phải có treo tiền quà trước cửa , để được lân múa làm vui , vừa góp vui , vừa làm sung cho gia đạo. Vừa thưởng cho Lân múa , vừa làm cho vui cửa vui nhà . Lân dưới quê tôi khi múa có thêm Ông Địa với gương mặt tròn trĩnh , với cái quạt trên tay lúc nào cũng phe phẩy, chỉ trỏ, những gói quà, những gói tiền mà gia chủ treo để được múa tại nhà mình . (Quà) lớn múa lâu một chút, nhỏ múa nhanh, qua sự điều tra, của ông địa mặt tròn, khó nuốt , hay dễ ngậm . Những gói quà tiền đó người treo cũng đâu có cho con Lân dễ dàng lấy đựơc , tiền càng nhiều thì việc lấy tiền càng nhiêu khê . Lúc đó dãy chợ nhà lồng chúng tôi , từ tiệm cà phê ông hai vợ (2 căn) , bọc vòng hình cánh cung tới tiệm Công Trường Xuân thì dãy phố đại đa số là nhà có hai tầng , ngoại trừ khách sạn Phú Sĩ , Nam Mỹ , và Công Trường Xuân có những tầng lên cao . Nhà 2 tầng nó đã cao rồi mà chủ gia còn treo lên nhánh tre hay trúc những gói quà tiền mầu đỏ ở trên ngọn cây tre hay trúc , vậy thì đâu phải dễ dàng cho đoàn múa lân lấy được phần quà đó , đoàn lân phải tìm trăm phương ngàn kế , để lấy cho bằng được, đôi khi cũng có trả gía , bằng đôi tay xụi lơ đôi chân què quặt vì sơ sẩy . Khi thì làm cây cột dài cao, lân phải leo bằng chân lên lấy , khi thì làm những cọc từ thấp lên cao , để lân nhảy lên đầu cây mà lấy phần quà . Tiếng trống của ông Tàu già nhịp nhàng đưa dẫn cho lân từng bước một , không nhanh mà cũng không chậm . Làm sao cho vừa lòng người bỏ ra của , làm sao cho vừa sức của kẻ múa lân được nhận .

Triều Kê

27 September 2010

Thơ Ý Nga

- “EM HỌP HÀNH HOÀI VẬY?”

Cưng nè! Cưng ơi! Cưng!
Anh không là con một
Mà sao công tử bột?
Nhõng nhẽo quá chừng chừng!

Thể thao anh cản: - Đừng!
Mua báo? Anh dửng dưng!
Mỗi tuần mỗi… trở chứng
Bao giờ mới chịu ngưng?

Lạnh quá lá đổi màu
Vàng! Vàng rực! Đỏ, nâu
Thà chết “vàng”, đừng “đỏ”
Hoa nào chịu lạnh lâu?

Tuyết chỉ rơi một… đêm
Hoa đã héo đầy thềm
Lá đóng băng, cháy xém
Hy vọng gì xanh thêm?

Anh lạnh lùng băng giá
Càng lâu, càng chóng… già
Mình ra đường, thiên hạ,
Tưởng… con đi với… cha

Hành trình còn rất xa
Mình muốn góp Chuyện Nhà
Gắng “Vá trời, đội đá”
Đừng khệnh khạng nữa nha!

Cưng à! Thương lắm! Thương…!

Ý Nga

Thư Paris

Càm ràm
chuyện Đất Việt

Tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ coi phim bộ VN, vì cho rằng loại hình văn hóa phổ biến nầy chắc hẳn có phản ảnh nếp sống và ngôn ngữ của dân gian.

Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2009 tôi đã dành nhiều thời giờ để coi hết 5,6 bộ phim truyền hình nhiều tập đã chiếu trên các đài Truyền Hình Sài Gòn trong vài ba năm gần đây. Những phim nầy nay đã được đưa lên các site internet. Phim khi chiếu trên màn ảnh truyền hình chia ra từng tập cho mỗi buổi chiếu là 45-50 phút. Khi đưa lên internet được ngắt ra thành từng tập nhỏ khoảng 15 phút mỗi tập. Một bộ phim truyền hình đưa lên internet thường dài khoảng trên dưới 100 tập nhỏ như vậy. Tôi mất khoảng 3 tuần lễ mới coi xong một bộ.

Vì là phim chiếu trên các đài truyền hình ở Sài Gòn, nên những người viết kịch bản và đạo diễn thực hiện phim dựa trên nếp sống của dân miền Nam. Phần lớn các phim có tính cách tình cảm, tâm lý, xã hội.

Tôi chọn phim coi tình cờ thôi, thường là chú ý tới một phim có cái tên là lạ. Phim đầu tiên tôi chọn có tên Hương Phù Sa, nói về đời sống của một gia đình sống về nghề đóng ghe ở miền Tây. May sao tôi tìm thấy điều mình muốn ngay trong phim đầu tiên nầy. Bộ phim nói về câu chuyện tình tay ba giữa hai chị em trong gia đình của một người chủ đóng ghe và chàng thanh niên tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật về Hội Họa, nhưng thất nghiệp, đến xin làm việc ở xưởng đóng ghe của gia dình hai cô gái. Cô chị có tên là Út Nhỏ, cô em tên là Út Ráng, không phải là hai chị em ruột nhưng rất thương nhau. Sở dĩ có tên Út Ráng vì lúc sơ sinh cô bé bị bỏ rơi, gia đình người chủ xưởng đóng ghe đang ráng muốn có thêm một đứa con nữa đã đem về nuôi và đặt tên như vậy.

Coi xong bộ phim nầy tôi đã chuyển hướng tìm , có ý định tìm hiểu nhiều hơn về những chữ dùng mới trong ngôn ngữ VN trong nước hiện nay, đời sống của người dân miền Nam hiện nay, và đi xa hơn, những chuyện xung quanh ngành phim bộ truyền hinh ở miền Nam hiện nay. Tôi rời bỏ VN từ năm 1985 và chưa trở lại VN lần nào, nên nghĩ đây cũng là một cách để tìm hiểu một phần đời sống xã hội VN hiện nay.

Tôi cũng có coi vài bộ phim Hàn Quốc (Nam Hàn) và Tàu Hồng Kông để đối chiếu. Tôi có cảm tưởng là những người làm phim bộ ở VN nhằm mục đích thương mại nhiều hơn là nghệ thuật.

Về hình thức, các bộ phim tôi đã coi qua, có bố cục thường lỏng lẻo, cách thắt mở những tình tiết quan trọng thiếu hợp lý ; trong diễn tiến của phim , vì không dùng cố vấn chuyên môn để tham khảo, đã đưa ra những chi tiết giả tạo, gượng ép, không đúng với thực tế. Bắt chước kỹ thuật quay của Phim Hàn quốc và Hồng Kông, dùng quá nhiều cảnh hồi tưởng (flashback) trong một bộ phim càng kéo dài phim ra, hơi chán. Cũng có một số cảnh coi được. Về diễn viên, nhứt là các nữ diễn viên, phải nhận là VN hiện nay có những nữ diễn viên cao ráo,đẹp, ăn ảnh, một phần lớn có lẽ nhờ kỹ thuật hóa trang tiến bộ. Tìm hiểu thêm, được biết là trong giới diễn viên, nhứt là bên phái nữ, có nhiều người mẫu và ca sĩ đi đóng phim. Họ đã quen với ánh đèn sàn diễn và sân khấu, nên thủ diễn tương đối tự nhiên, nhưng không hay, thua số diễn viên tốt nghiệp Trường Đào Tạo Sân Khấu Và Điện Ảnh. Dù vậy, không biết do lỗi của đạo diễn, của các chuyên viên kỹ thuật, hay của chính diễn viên, mà trong phim bộ VN so với phim Hàn và Tàu, các diễn viên có nhiều cử chỉ và động tác thừa. Phải công bằng mà nói là đây đó cũng thấy được những cảnh và cử chỉ diễn xuất hay, rất VN, thí dụ cảnh người con gái bỏ đi bịn rịn quay đầu nhìn lại, hay cử chỉ phùng má phụng phịu.

Về nội dung, các bộ phim thường nói về đời sống của giới trung lưu và giàu có ở thành thị VN hiện nay. Người coi phim bộ VN dể có cảm tưởng là xã hội VN hiện nay giàu đẹp. Cảnh nghèo cũng được đề cập đến nhưng không sâu sắc, không nhiều, không sát thực trạng VN.

Điều làm cho người xem các phim bộ tâm lý, xã hội VN thấy rõ là tính cách dạy luân lý, đạo đức lộ liễu của các phim nầy. So với thực trạng xã hội VN, nó cho thấy sự xuống dốc về đạo đức trong nếp sống và cách giao tiếp của đa số người VN trong nước hiện nay. Vì các phim phần lớn nhằm diễn tả cảnh sống của giới trung lưu giàu có ở thành thị, người xem thấy được cảnh nhộn nhịp của phòng trà, vũ trường, nơi các cậu ấm cô chiêu, các tay áp phe hẹn hò. Bên cạnh đó người ta cũng còn thấy một thân phận đặc biệt của một số phụ nữ, mà người trong nước gọi là «gái bao», vợ lẻ không ra vợ lẻ, mà gái làng chơi không ra gái làng chơi. Có thể tạm gọi là bồ nhí của các ông chủ có quyền, có tiền.

Thành phố Sài Gòn – người dân trong nước bây giờ không gọi Thành Phố Hồ Chí Minh nữa mà gọi gọn lỏn là Thành Phố hoặc Sài Gòn – đông đúc xô bồ, vì người ở các tỉnh đổ xô về tìm việc làm. Do đó việc xây nhà trọ cho thuê phát triển rất mạnh. Cuộc sống chen chúc, nhiều tạm bợ, tình cảm dể nhen nhúm nhưng cũng dể tàn. Hiện tượng phá thai từ những hoàn cảnh khác nhau cũng được nhắc đến nhiều.

Từ ngày VN thi hành chính sách đổi mới, mở cửa, có nhiều người VN đã đi ra nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau, vào những thời kỳ khác nhau, đã trở về thăm quê hương,bà con. Phim ảnh VN bây giờ cũng đề cập đến hiện tượng nầy, có lẽ được sự chỉ đạo của nhà nước, đã lồng vào đó việc ve vãn, chiêu dụ người VN ở nước ngoài trở về thăm nhà hoặc mở những công cuộc từ thiện ( rong khi các quan chức nhà nước đua nhau bòn rút công quỷ bỏ túi không lo gì đến việc cải thiện đời sống của dân nghèo). Việc đi du học của sinh viên cũng được nhắc đến nhiều trong các bộ phim. Những cậu ấm cô chiêu đi du học trở về là đề tài được khai thác dưới nhiều khía cạnh, hay có, dở cũng không thiếu.

Có một bộ phim nội dung coi cũng tạm được, nhưng thấy khó chịu. Bộ phim có tên là Dòng Sông Định Mệnh, kể câu chuyện tình gặp trắc trở của hai thanh niên nam nữ, con của hai gia đình có mối hiềm khích giữa người lớn với nhau. Điều làm tôi khó chịu là trong phim có một vai ác. Người đàn ông trung niên tên Sáu Tiếng thủ đoạn, sống bám vào một người đàn bà goá có tiền của. Những người dựng phim đã cho anh ta mặc quần rằn ri ngụy trang của lính biệt kích thời VNCH, mặc áo thung màu ô liu, lại mang thêm tòn ten trước ngực sợi dây kim loại có thẻ bài. Rõ ràng là người làm bộ phim đã bêu rếu và nhục mạ người lính VNCH, qua cách ăn mặc của người đàn ông đóng vai ác. Dù bộ phim sản xuất năm 2007,2008, hơn 30 năm sau ngày chấm dứt cuộc chiến Quốc Cộng, người Cộng Sản VN vẫn còn tiêm nhiểm trong dân chúng lòng hận thù đối với người lính VNCH, nhứt là với đoạn kết phim, người viết kịch bản phim đã để cho người đàn ông đóng vai ác đó treo cổ lên cây tự tử.

Nhưng như đã nói, điều tôi chú ý là những chữ dùng và cách nói của nguời dân trong nước hiện nay. Qua những bộ phim đã xem, tôi tạm chia ra ba nhóm chữ dùng : những tiếng đã có từ xưa, trước 1975, những tiếng mới bây giờ và những tiếng hán việt nghe lùng bùng lỗ tai.

Về những tiếng dùng trước năm 1975, có những cách nói đã hoàn toàn mất dấu như « bỏ đi tám », « sức mấy », « mệt nghỉ ». Nhưng có những cách nói vẫn còn được giữ lại : như cách những đứa cháu bỏ chữ « ông », « bà » và gọi tắt « nội ơi ! », « ngọai ơi ! » nghe rất dể thương ; cách nói nuốt nguyên âm chót trong một chữ vẫn còn : «sao d(v)ậ(y)?», «phả(i) hôn?», hay như cách diễn tả thái độ vừa hờn dỗi vừa nũng nịu của cô gái khi cô vừa phùng má vừa phát âm chữ «hông!».

Nhưng bên cạnh đó, do sự biến thiên của ngôn ngữ theo đà thay đổi của hoàn cảnh sinh sống, có rất nhiều tiếng mới và cách nói mới, chẳng hạn, bây giờ người ta dùng chữ «oải quá» thay cho «mệt đừ», «quậy» thay cho «phá phách», «đi làm suốt», «đi chơi suốt». Để từ chối, không nhận một lời khen, với một chút giễu cợt và mỉa mai, người ta nói « hổng dám đâu ! ». Để diễn tả sự bực mình có pha một chút thân thiết : « bó tay (với) anh luôn!». Để nói một người lên mặt muốn làm tay anh chị, có chữ mới « trùm sò ». Ngoài ra có một cách nói khá ngộ nghĩnh, để chỉ việc thanh niên nam nữ do tình cảm nẩy sinh trong các khu nhà trọ, sống chung với nhau nhưng không có cưới hỏi, họ nói « góp gạo nấu cơm chung ». Nếu ở Tây phương có fast food thì ở Sài Gòn hiện nay có cơm hộp cũng khá tiện lợi.

Phải nói là cho tới bây giờ người trong nước vẫn sính dùng chữ hán việt đến độ có thể nói là bừa bãi. Ngoài cái khẩu hiệu «nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa» nghe muốn điếc con ráy mà không hiểu người ta muốn nói gì, và những chữ đã được nhiều người Việt ở ngoài nước bắt chước và dùng một cách vô tội vạ và thiếu phê phán như «chất lượng», «hoành tráng» «bức xúc», người trong nước hiện nay còn dùng chữ «kiểm tra» trong bất kỳ hoàn cảnh sinh hoạt nào, và nhứt là lạm dụng cách nói « ấn tượng » như một thứ thời trang chữ nghĩa, đến độ nói : «tôi rất ấn tượng trước cảnh tuyệt diệu đó» thì thật hết thuốc chữa ! Còn có chữ « biến thái » cũng thường dùng để chỉ người trở thành khùng điên hay mất nhân tính, làm bậy.

Để kết thúc phần chữ nghĩa dùng trong nước hiện nay nầy, xin ghi lại tên mấy món ăn trong một bộ phim tôi còn nhớ được, nhằm chiêu dụ người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương :

- uống nước mắt quê hương: rượu đế.

- ngà voi chấm óc khỉ: đậu bắp luộc chấm chao.

- rồng qua sông ( hay: rồng xanh vượt đại dương ): rau muống xào tỏi.

- anh hùng nằm trong lửa đỏ: cá lóc nướng trui.

- Kinh kha nhớ nhà: lẫu mắm.

Bài nầy tôi bắt đầu viết cách nay hai tuần. Viết được phân nửa thì mất hứng, không viết tiếp được, thỉnh thoảng tôi vẫn bị như vậy. Bèn đi coi ké phim bộ Hàn quốc với bà xã. Phim nói về một người con trai và một người con gái yêu nhau chân thành, đã làm đám cưới với nhau. Nhưng trước áp lực chống đối của bên nhà người con trai, dù vẫn yêu nhau tha thiết, hai người đành ra trước tòa xin ly dị. Chuyện đó bắt nguồn từ việc trước khi hai người quen biết rồi yêu nhau, lấy nhau, người con gái vì nhà nghèo, cần có tiền để giải phẫu chữa bịnh cho cha mình, đã hy sinh, không cho người trong nhà biết, nhận mang thai mướn cho một cặp vợ chồng, mà người vợ không thể mang thai được. Hai người đó lại chính là anh và chị dâu của người con trai. Phim được kết thúc theo lối có hậu để làm vui lòng khán giả. Nhưng phải nói là người viết kịch bản phân tích tâm lý các nhân vật khá sâu sắc.

Nqm
23/09/10

Cao Kiều Phong vịnh cảnh

Bao mùa lá vàng, bao kỷ niệm
Lấy lá vàng anh liệm niềm đau.
Thuở còn yêu lá đổi màu
Mình lên Blue Ridge lạc vào bến mơ.









Thu vàng Denali hoang sơ
Zion đỏ thắm đôi bờ miên man.
Bilmore lối cũ bẽ bàng
Tình ta theo chiếc lá vàng thu xưa.

Cao Kiều Phong

Tin buồn



 Đồng Môn:

LÊ PHƯỚC THIỆN
Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, Ban Đốc Sự Khóa 7
Sinh Năm 1934
vừa từ trần lúc 4 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 9 năm 2010,
nhằm ngày 18 tháng 8 âm lịch năm Canh Dần,
tại Lake Oswego – Oregon, Hoa Kỳ,
Hưởng thọ 76 tuổi
**
Xin thông báo tin buồn này đến toàn thể quý đồng môn,
đặc biệt quý anh chị khóa 7


(Nguồn: Nguyễn Văn Sáu)


25 September 2010

Đoạt giải nhất ảo thuật Âu Châu

Tàu Lục Địa: Mặt đường sùi bọt đỏ kỳ lạ


Tại những kẽ nứt trên mặt đường từng đám bọt đỏ ngầu sùi lên mỗi lúc một nhiều.Bọt sùi lên từ những kẽ nứt trên mặt đường. Đây là một hiện tượng lạ xảy ra trên đường phố Trung Quốc cách đây chưa lâu. Tại những kẽ nứt lạ trên mặt đường nhựa bổng nhiên đùn lên những cụm bọt đỏ ngầu như máu. Người dân hai bên đường đã dùng nước rửa trôi, nhưng bọt đỏ đùn lên ngày một nhiều phủ kín bề mặt một đoạn đường.

Đây là một hiện tượng kỳ lạ chưa từng xảy ra tại địa phương này. Một số ý kiến cho biết, đây có thể là kết quả của các hiện tượng địa chất, nhưng lại không có chứng cứ nào để chứng minh điều đó.

Đến nay, cơ chế và nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được giải thích.

23 September 2010

Về với Thu


Click to enlarge

Trích


"Chủ nghĩa Mác Lê nin là một lầm lẫn vĩ đại, khủng khiếp nhất trong lịch sử tư tưởng triết học loài người, đã đẩy loài người vào thảm họa lớn kéo dài gần suốt thế kỉ hai mươi, làm cho thế kỉ hai mươi trở thành thế kỉ đẫm máu nhất của lịch sử loài người. Tất cả những nước theo chủ nghĩa Mác Lê nin đều phải nhận những thảm họa vô cùng to lớn, dẫn đến cái chết thảm khốc của hơn một trăm triệu người!

Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt đã đưa đến cho nhân dân Việt Nam những thảm họa cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng, cải tạo công thương nghiệp…

Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt đã xây dựng, hình thành lên bộ máy công cụ bạo lực đứng trên pháp luật, trấn áp, tước đoạt những quyền dân chủ cơ bản của người dân. Quyền ứng cử, bầu cử chỉ là hình thức. Người dân không được bộc lộ chính kiến khác với chính thống vì thế báo chí tư nhân không được phép tồn tại!"

Nhà văn Phạm Đình Trọng
(Lời Cuối Với Đảng)

22 September 2010

Đài VOA phỏng vấn BS Phạm Hồng Son

 Từ đầu tuần nhiều thân hữu đã gửi về bài phỏng vấn BS Phạm Hồng Sơn do đài VOA thực hiện. Tính khách quan của những lời phát biểu và sự am tường của người được phỏng vấn về chủ đề đã tạo được  sức thuyết phục cao. Xin mời quý anh chị theo dõi

Quá trình hình thành
một thể chế độc tài của ông Hồ Chí Minh *

Nhân dịp lễ Độc lập và kỷ niệm ngày mất của Hồ Chí Minh mới đây, những người theo dõi tình hình Việt Nam đã đọc được nhiều bài viết cổ xúy cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.  Một trong những bài viết được chú ý nhiều nhất là bài của ông Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo Lao Động, có nhan đề “Làm sao thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh: nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”.

Các nhà quan sát cho rằng điều “lý thú” là những bài viết, được đăng tải trên các cơ quan truyền thông do chính phủ điều hành lẫn các trang mạng ngoài vòng kiểm soát của chính quyền, đều viện dẫn những phát biểu trước đây của ông Hồ Chí Minh để đòi chính quyền hiện nay thay đổi đường lối cai trị độc tài. Ban Việt Ngữ VOA đã tiếp xúc với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một trí thức trẻ ở Hà Nội từng bị cầm tù nhiều năm vì những hoạt động cổ xúy cho dân chủ, và được ông cho biết một số ý kiến như sau về vấn đề này.

VOA: Lý do nào khiến cho một số người cổ xúy cho dân chủ hóa VN phải viện dẫn "tư tưởng Hồ Chí Minh" trong khi Hồ Chí Minh là người đã thiết lập thể chế Cộng Sản ở Việt Nam và lãnh đạo một chính quyền có thể nói là một trong những chính quyền phi dân chủ nhất thế giới?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Theo tôi có ba lý do để một số người phải viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thứ nhất, có thể vì do chỉ tiếp nhận những thông tin một chiều, thiếu xác thực hay tạo tác của nhà nước nên những vị đó vẫn nghĩ cụ Hồ là một tấm gương mẫu mực về nhân cách và là vị lãnh tụ ủng hộ dân chủ, thương dân, thương nước. Thứ hai, vì cụ Hồ đã được Đảng Cộng Sản Việt Nam biến thành một giá trị tinh thần, đạo đức cho tính chính danh của hệ thống chính trị độc đảng hiện nay. Hiến pháp và điều lệ của Đảng Cộng Sản Việt Nam đều lấy “tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với Chủ nghĩa Marx-Lenin, làm nền tảng định hướng cho sự phát triển của đất nước và của Đảng. Nên đối với suy nghĩ của một số người, thì việc viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh” sẽ giúp cho những đòi hỏi về dân chủ có tính chính danh hơn, hợp pháp hơn và hệ quả có thể là những người cầm quyền độc đoán khó bắt bẻ hay khó trấn áp hơn. Và có thể có một lý do thứ ba là những người cổ xúy dân chủ phải viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh” vì còn e ngại sự phân ly đối với những người thực lòng yêu nước nhưng vẫn còn tôn sùng cụ Hồ.

Về vế thứ hai của câu hỏi, theo tôi, nhìn một cách công bằng hơn và nếu chưa xét đến cách thức giành quyền lực thì cái chính thể Việt nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) do cụ Hồ góp phần lớn dựng lên đã có giai đoạn đầu đi theo xu thế dân chủ. Trong giai đoạn đó cụ Hồ đã đồng ý hợp tác với các đảng phái quốc gia khác như Việt Quốc, Việt Cách để thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDC CH, đã tổ chức bầu cử thành lập cơ quan lập pháp theo thể thức phổ thông đầu phiếu, tự do với sự tham gia của nhiều đảng phái khác nhau, đã thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp và đặc biệt là nội dung của Hiến pháp 1946, dù còn thiếu sót, đã xác lập được một số nguyên tắc dân chủ cơ bản cho thể chế chính trị và xác định trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ một số quyền cơ bản của con người của thể chế chính trị. Cho dù giai đoạn đó là rất ngắn chưa đầy 1 năm, nếu kể từ ngày thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDCCH (1/1/1946) cho đến ngày Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua (9/11/1946), và nếu tạm chưa xét đến các cách thức cạnh tranh của Việt Minh với các đảng phái quốc gia khác, nhưng khó có thể phủ nhận chính thể VNDCCH lúc đó đã tạo dựng được một số định chế cơ bản của dân chủ. Chỉ sau giai đoạn đó chính thể VNDCCH (vẫn do cụ Hồ đứng đầu) mới ngày càng mất đi tính dân chủ và sau đó hoàn toàn trở thành một chính thể độc tài kiểu toàn trị cộng sản.

Theo tôi cột mốc rõ nhất cho sự phi dân chủ hóa để trở thành độc tài toàn trị cộng sản của chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một cái tên rất dân chủ, là việc Đảng Lao Động Việt Nam phát động Cải cách ruộng đất, được cụ Hồ gọi là cuộc “cách mạng long trời lở đất”, vào năm 1953. Bao trùm toàn bộ cuộc “cách mạng” này là sự tùy tiện của chính phủ cụ Hồ trong việc bắt giữ, hành hạ, bắn giết, tịch thu gia sản đối với hàng trăm nghìn người Việt Nam. Các thủ tục tư pháp thông thường đã có từ thời thực dân Pháp hay các qui định phải tôn trọng pháp luật và quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp 1946 đều không được đếm xỉa trong Cải cách ruộng đất.

VOA: Ông đánh giá thế nào về Hồ Chí Minh?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Theo tôi việc đánh giá cụ Hồ một cách toàn diện còn là một việc không dễ dàng và rất dễ gây tranh cãi, bất hòa bởi các thông tin về cụ Hồ chưa được bạch hóa một cách rộng rãi và nhiều người vẫn giữ nếp nghĩ theo lối duy cảm, tôn sùng thần tượng. Nhiều thông tin về cụ Hồ còn mơ hồ và ngay bản thân cụ Hồ khi sinh thời lại rất kín đáo về quá trình hoạt động và về đời tư của cụ. Chẳng hạn như ngay ngày sinh, nơi chôn nhau cắt rốn hay ông nội của cụ là ai vẫn là một vấn đề tranh cãi. Ở đây tôi chỉ muốn xét riêng dưới góc độ dân chủ và chỉ căn cứ vào những sự kiện đã rõ ràng thì tôi cho rằng cụ Hồ không phải là một chính trị gia có lý tưởng dân chủ. Chỉ cần căn cứ vào một số sự kiện và chính sách của chính phủ VNDC CH khi cụ Hồ cầm quyền từ 1946 đến 1969 ta có thể thấy rõ.

Thứ nhất, nói đến dân chủ là phải nói đến tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt, tôn trọng phe đối lập, phải coi những gì đối lập với mình là sự tồn tại tự nhiên và cần thiết. Tự nhiên là vì không có một xã hội nào mà tất cả mọi người đều có cùng một ý kiến trên cùng một vấn đề. Cần thiết là vì đối lập giúp cho mỗi người ít nhất cũng giảm được khả năng sai lầm, ngộ nhận hay tự phụ. Nhưng chính phủ của cụ Hồ cuối cùng đã không để cho một thành phần đối lập hay một đảng đối lập nào có thể tồn tại. Riêng Đảng Dân chủ hay Đảng Xã hội, những đảng vẫn tồn tại sau năm 1954 trên miền Bắc, thực chất chỉ là những tổ chức của Đảng Lao Động Việt Nam (chính là Đảng Cộng sản) của cụ Hồ mà thôi.

Thứ hai, cụ Hồ là một trong những người đóng vai trò chính trong việc lập ra Hiến pháp năm 1959. Bản Hiến pháp 1959 không chỉ được thiết lập một cách vi hiến (theo qui định của bản Hiến pháp 1946) mà còn xóa đi hết tinh thần tiến bộ và dân chủ đã có trong bản Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1959 đã mở đầu cho tính Đảng, tính lãnh tụ và tính độc tài toàn trị trở thành nền tảng cơ bản trong các bản hiến pháp tiếp theo. Chính Hiến pháp 1959 đã biến Quốc hội, kể từ đó, trở thành một cơ quan bù nhìn, một cơ quan cấp dưới của Đảng Cộng sản Việt nam. Và cũng chính từ năm 1959, Bộ Tư pháp (một nhánh quyền lực độc lập quan trọng của chế độ dân chủ) bị xóa hẳn cho đến tận năm 1981 mới được lập lại nhưng cũng chỉ là một cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam thôi.

Thứ ba, sau khi quyền lực chính trị (ở miền Bắc) đã hoàn toàn do đảng của cụ Hồ nắm giữ thì những quyền tự do cơ bản của dân như quyền ra báo tư nhân, quyền xuất bản tư nhân, quyền hội họp và lập hội mà cụ Hồ đã đòi hỏi thực dân Pháp phải trao đầy đủ hơn cho người dân An-nam trước đây cũng dần biến mất hẳn trên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa do cụ Hồ làm chủ tịch. Ngay cả một vấn đề mà chính cụ Hồ là người chắc phải rất thấm thía về ích lợi của nó là tính độc lập và tuân thủ pháp luật của tòa án khi cụ Hồ bị bắt và đưa ra tòa tại Hồng Công vào năm 1932, chúng ta cũng không thấy cụ Hồ đả động gì đến khi diễn ra hàng loạt những vụ tống giam không cần xét xử hoặc xét xử hết sức chiếu lệ các trí thức, nhân sỹ trong các vụ án Nhân văn-Giai phẩm hay vụ án Xét lại chống Đảng.

Và khi có nhân sỹ, như Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, góp ý rất chân thành với cụ Hồ về tầm quan trọng đối với đất nước trong việc cần phải xây dựng một nhà nước tôn trọng dân chủ, tôn trọng pháp luật thì cụ Hồ không những không áp dụng mà người góp ý còn bị hắt hủi, trù dập hết sức nghiệt ngã. Cụ Hồ cũng đã thể hiện sự tránh né trách nhiệm của người đứng đầu hệ thống chính trị trong vụ Cải cách ruộng đất khi để Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng ra xin lỗi nhân dân và chỉ để một số nhân vật cấp dưới chịu kỷ luật. Vì vậy để suy đoán liệu cụ Hồ có hiểu về dân chủ không thì có thể còn phải nghiên cứu và tranh luận thêm, nhưng căn cứ vào thực tế có thể khẳng định trong thời gian cầm quyền cụ Hồ không muốn xây dựng một chế độ dân chủ tại Việt nam, cụ Hồ không muốn người dân, kể cả giới trí thức, được hưởng những quyền tự do như cụ đã yêu sách thực dân Pháp.

Khi cầm quyền, cụ Hồ đã để cho chính phủ của cụ tạo ra nhiều tiền lệ cầm quyền độc đoán, nhẫn tâm, phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu, có thể nói, lớn đến mức mà vết hằn sâu của nó đến nay vẫn còn hiện rõ trong cả hệ thống chính quyền hiện thời.

VOA: Nhưng có người cho rằng Hồ Chí Minh đã có lúc bị khống chế hay chịu sức ép của lãnh đạo nước ngoài hay của các đồng sự khác trong Đảng Cộng sản Việt nam. Ông nghĩ sao về điều này?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Nếu giả thuyết đó là đúng thì theo tôi cụ Hồ vẫn còn nguyên quyền và lương tâm để phản đối hay ly khai với những khống chế hay sức ép phi dân chủ đó. Chưa nói đến trách nhiệm của một nguyên thủ quốc gia là phải đặt mục tiêu phụng sự lợi ích dân tộc, đất nước lên hàng đầu. Các lãnh đạo quốc gia có lý tưởng dân chủ và bản lĩnh bao giờ cũng xử sự như thế. Nhưng chúng ta hầu như chưa bao giờ thấy cụ Hồ phàn nàn gì về quan hệ của cụ với các đồng sự khác trong Đảng Cộng sản Việt nam hay với lãnh đạo các nước “anh em’ như Stalin hay Mao Trạch Đông. Do đó giả thuyết trên khó biện hộ hay làm giảm đi trách nhiệm của cụ Hồ trong những hành động tàn nhẫn, phi dân chủ của chính thể VNDC CH.

VOA: Ông không thấy có điều nào học được từ Hồ Chí Minh sao?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Có chứ, con người nào chả có những điều cho ta học. Ngay những cái dở của người cũng đã là bài học cho ta biết để tránh rồi. Huống chi một nhân vật lịch sử như cụ Hồ. Nhưng về dân chủ tôi thực sự chưa thấy điều gì tích cực đáng học ở cụ. Về những điều đáng học ở cụ Hồ tôi xin được đề cập trong một dịp khác.

VOA: Vậy theo ông thì không nên viện dẫn “tư tưởng HCM” khi cổ xúy dân chủ?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Tôi không quan niệm máy móc hay cứng nhắc như thế. Theo tôi phải phân biệt rõ giữa hai lĩnh vực nhận thức (lý luận) và vận động xã hội. Đã là vấn đề nhận thức thì cần phải triệt để, cần phải cố tìm hiểu đến cùng cái bản chất của sự vật, hiện tượng, phải phân biệt rõ ràng giữa cái đúng - sai. Còn về vận động xã hội thì cần uyển chuyển hơn với thực tế xã hội. Có nhiều cách khác nhau để vận động xã hội, tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mỗi người để cùng đi đến một mục tiêu và mỗi cách đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Ví dụ những người viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh” để kêu gọi dân chủ thì dễ nhận được ủng hộ hay thiện cảm của thế hệ cán bộ, công chức còn gắn bó với chế độ độc đảng hoặc của những người vẫn còn tôn sùng cụ Hồ, nhưng điểm yếu là hiện nay người cầm quyền cũng lấy cụ Hồ ra làm cái cớ để duy trì chế độ độc đảng vì một điều rõ ràng là chính cụ Hồ là người đã khẳng định nhiều lần rằng ĐCS VN là “đảng cầm quyền” và chính cụ gọi ĐCS VN là “Đảng ta”.

Như vậy nếu không khéo, khi viện dẫn “tư tưởng HCM” thì lại có lợi cho người cầm quyền độc đoán hiện nay. Chưa kể khi các vấn đề của cụ Hồ được bạch hóa cho toàn dân biết thì những người dựa vào “tư tưởng HCM” để vận động dân chủ sẽ khó tránh được tình trạng bị hụt hẫng, bối rối, tính tin cậy bị sút giảm. Còn đối với những người cổ xúy dân chủ không dựa vào “tư tưởng HCM” thì hiện tại có thể khó khăn hơn trong việc có được sự ủng hộ, đồng cảm trong xã hội và dễ bị chính quyền qui chụp hơn nhưng lại có thể thể hiện được đầy đủ, chính xác và triệt để về tư tưởng dân chủ mà không sợ tự mâu thuẫn và cũng tránh được các điểm yếu của người vận động dân chủ dựa vào “tư tưởng HCM”.
Cũng cần phải nói thêm là những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy bản thân những người cầm quyền độc đoán hiện tại vừa chả tin gì vào cái gọi là “tư tưởng HCM” mà họ cũng chả nhân nhượng gì với người dựa vào “tư tưởng HCM” nhưng động đến những vấn đề cốt tử của hệ thống độc đảng.

Theo tôi, nếu đã ủng hộ dân chủ hóa đến cùng thì không sớm thì muộn chúng ta cũng phải đối mặt với hai vấn đề. Một là phải thừa nhận những sự thật trong quá khứ. Một vấn đề nữa là phải nhận thức rõ các nguyên tắc cơ bản của dân chủ. Thừa nhận sự thật là để dứt khoát tránh vấp lại những sai lầm của lịch sử và đó cũng chính là nền tảng cho sự hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc đích thực. Còn việc nhận thức rõ các nguyên tắc cơ bản của dân chủ là để phát hiện và tránh được các hình thức dân chủ giả hiệu hoặc dân chủ khiếm khuyết kéo dài.

VOA: Ông Tống Văn Công, một đảng viên cộng sản lão thành, cựu tổng biên tập báo Lao Động, người đã có nhiều bài viết ủng hộ cho việc cải cách chính trị, trong một bài viết gần đây có trích dẫn câu nói của HCM "Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” và cho rằng đây là nội dung cốt lõi về dân chủ mà HCM đã nhấn mạnh. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Trước tiên tôi cảm thấy rất cảm kích và kính trọng những bài viết gần đây của một đảng viên cộng sản như ông Tống Văn Công. Nhưng, theo tôi, câu trích dẫn trên của cụ Hồ không phải là vấn đề cốt lõi của dân chủ. Câu nói đó chỉ thể hiện một khát khao từ bao đời của người bị trị muốn kẻ cai trị phải có tư cách và bổn phận đúng đắn. Cách đây hơn hai ngàn năm, Khổng Tử và Mạnh Tử đã thể hiện khát khao này rồi. Khổng Tử thì nói “Quân quân, thần thần” nghĩa là nếu kẻ làm vua không có tư cách của người lãnh đạo đất nước, không giúp ích được cho dân thì kẻ làm vua đó không còn là vua nữa. Còn Mạnh Tử thì bạo liệt hơn, khi được hỏi: “Bề tôi giết vua, có được không?”, ông đã trả lời với ý là: “Giết một kẻ làm vua mà tàn ác thì chả có tội gì cả” (nguyên văn: Tặc nhân giả vị chi tặc, tặc nghĩa giả, vị chi tàn. Tàn tặc chi nhân vị chi nhất phu. Văn tru nhất phu Trụ hỹ, vị văn thí quân giã). Nhưng việc giết được một ông vua tàn ác hay thậm chí đánh đổ một chính phủ hại dân vẫn không phải là biện pháp để đảm bảo có được một ông vua hay một chính phủ tốt hơn.

Theo tôi cốt lõi của dân chủ nằm ở chỗ phải xây dựng được các định chế dân chủ (democratic institutions) và đảm bảo cho sự vận hành (practice) các định chế đó được đúng đắn, đầy đủ, không bị cắt xén hay bóp méo nhằm đảm bảo để những người nắm quyền là những người được lựa chọn từ những người có khả năng nhất trong xã hội và họ phải có trách nhiệm trước xã hội. Nói một cách giản dị là phải tạo ra các công cụ để người dân – người bị trị có thể “đuổi được chính phủ” bất kỳ lúc nào họ muốn.

Xem lại thời cụ Hồ cầm quyền thì tất cả bốn thứ quyền lực cơ bản của xã hội (quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và đệ tứ quyền là báo chí) đều nằm cả trong tay của “Đảng ta” (đảng của cụ Hồ) rồi, còn việc hội họp, biểu tình hay lập hội đều trở thành những việc bị cấm ngặt, thì nhân dân còn lấy gì để “đuổi chính phủ” như cụ Hồ khuyên nhủ. Và ai còn dám làm theo lời cụ Hồ để đi “đuổi chính phủ” khi mà mới chỉ góp ý riêng với cụ thôi mà đã suýt chết rồi.

VOA: Theo ông ĐCS VN có khả năng, ý chí để dân chủ hóa đất nước hay không?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Khả năng luôn là một vấn đề tiềm ẩn đối với mọi cá nhân và tổ chức. Còn về ý chí thì cho đến nay tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy ĐCS VN có ý muốn dân chủ hóa đất nước. Từ khoảng 2 năm trở lại đây ĐCS VN còn gia tăng các biện pháp kiểm soát, bóp nghẹt thông tin và đã tỏ rõ sự ác cảm, thù ghét ngay cả các hoạt động tư vấn, phản biện thẳng thắn của các trí thức vẫn còn có thiện cảm với ĐCS VN. Ngay những tài liệu, văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI sắp tới của ĐCS VN đã được công khai hóa cũng không cho thấy có một dấu hiệu thay đổi tiến bộ nào. ĐCS VN vẫn giữ nguyên tính độc quyền về quyền lực và vẫn thể hiện rõ ý đồ tiếp tục kiểm soát, ngăn cản các quyền tự do của người dân nhưng lại không hề nói gì đến nguy cơ Tổ quốc đang bị Trung quốc thôn tính.

Do đó, bất kể ĐCS VN có khả năng và ý chí như thế nào thì, theo tôi, yếu tố quan trọng của dân chủ hóa đất nước vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và hành động của dân chúng. Sẽ chả bao giờ có dân chủ nếu người dân nào cũng trông chờ hay thờ ơ với những vấn đề chung của xã hội.

VOA: Vậy nhân dân lấy đâu ra công cụ để “đuổi” một chính phủ đã cướp hết tứ quyền rồi?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Vâng, đúng là nghe qua thì thấy hoàn toàn bế tắc. Nhưng như ông Václav Havel-Tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc thời hậu cộng sản, đã nói “quyền lực của không quyền lực” (power of no power), ý là người không có quyền cũng vẫn có quyền hay sức mạnh có thể làm thay đổi cả một hệ thống chính trị. Hay nói như triết lý Trung Hoa là “Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Những phát biểu này không chỉ có tính chất động viên, cổ vũ mà nó có cơ sở thực tế.

Nhìn kỹ hơn chúng ta sẽ thấy mỗi người dân chúng ta đều đang nắm trong tay những quyền năng rất quan trọng mà khó có kẻ cầm quyền nào có thể ngăn chặn được hoàn toàn. Ví dụ như quyền tự tìm hiểu sự thật ngoài những thông tin của hệ thống truyền thông nhà nước, quyền vạch trần sự dối trá, quyền nói cho nhau, truyền cho nhau sự thật, quyền phản đối hay bất tuân các chính sách có hại cho xã hội hay những lời kêu gọi mỵ dân, quyền không tham gia vào các hoạt động dân chủ giả hiệu (như bầu cử không có ứng cử tự do), quyền yêu thương, động viên, chia sẻ khó khăn giữa những người bị trị với nhau v.v. Đó là những quyền năng cơ bản nằm ngay trong tay của người dân và có tác dụng dẫn đến những quyền năng lớn hơn khác mà bất kỳ chế độ phi dân chủ nào từ cổ đến kim đều rất e ngại. Bằng cớ là những kẻ độc tài luôn làm mọi cách để ngăn không cho người dân nhận thức hay thực hiện được những quyền năng đó.

Vậy vấn đề là người dân trước tiên phải nhận thức được và tự tin vào sức mạnh của quyền năng tự có và từng bước đoàn kết, nỗ lực để cùng nhau giành lại các quyền cơ bản từ tay những kẻ cầm quyền độc đoán. Xã hội Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu của sự nhận thức đó và nỗ lực đó rồi, tuy nhiên còn yếu và chưa đủ. Nhưng cái gì chả bắt đầu từ ít và yếu.

VOA: Cám ơn Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn quí báu này. Rất mong sẽ lại có dịp trao đổi với ông về các vấn đề đất nước trong thời gian sắp tới.
_____
* Đầu đề do TTR

21 September 2010

Cười tí tỉnh


Chắc phải nhờ đến phân tâm học của Freud để giải phẫu cụ ông này mới được!

Tư tưởng triết học

Chuyên gia tư vấn triết học
 (Bản mới với nhiều sửa chữa)


Sầu Đông

Triết học là môn học đòi hỏi người học phải “lao tâm khổ trí”. Ðối với một số người, nó là môn học hấp dẫn, dẫn ta tới kho tàng bất tận của những túi khôn của nhân loại: từ những bậc thầy lẫy lừng thời xa xưa như Khổng, Lão, Phật… ở Phương Ðông; rồi Plato, Socrates, Aristotle,… ở Phương Tây, cho chí những triết gia cận và hiện đại như Kant, Descartes, Hegel, Marx, Heidegger, Sartre… mà những công trình của họ đã ảnh hưởng lớn đến cách sống, cách suy nghĩ của nhiều thế hệ. Tuy thế, không ít người trong chúng ta thường coi triết là môn học khô khan, phức tạp, khó hiểu bàn về đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, và thường dè bỉu những người thiếu thực tế là những “triết-gia-đi-trên-mây” hoặc bỡn cợt những kẻ không mấy xông xáo, tích cực trong cuộc sống là “triết-nhân-giữa-dòng-đời".

Ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 các giáo sư dạy triết tại các trường đại học như Nguyễn Ðăng Thục, Lương Kim Ðịnh, Trần Văn Hiến Minh,… rất được sinh viên quí trọng; thế hệ các giáo sư trung học về môn triết xuất thân từ các trường Ðại học Sư phạm, Ðại học Văn khoa ở Sài Gòn, Ðà Lạt, Huế vào những năm đầu thập niên 60 đã góp phần tích cực trong nhiều sinh hoạt văn hoá, giáo dục tại Miền Nam. Và đặc biệt, cuộc sống (vật chất) của nhiều người trong số này có thể nói được là dễ chịu. Không ai ở Miền Nam phải chịu cảnh bị hắt hủi, cô lập thê thảm như triết gia kiêm giáo sư triết học Trần Ðức Thảo, và câu “ăn như sư, ở như phạm, nói như lãnh tụ” có thể dùng cho phần lớn các giáo viên dạy triết (triết học Mác-Lênin) ở Miền Bắc.

Sau năm 1975, ở Miền Nam, cuộc sống của các giáo viên (các “giáo sư”, như qui định trước kia) sa sút, đặc biệt là các giáo sư dạy triết. Một số người được “lưu dung”, chưa “mất dạy” nhưng phải chuyển qua dạy những môn học khác và thường được đưa xuống dạy các lớp dưới. Với những kẻ thực thụ “mất dạy” thì quả đúng là thảm thê, thê thảm! Một số người lúc nào cũng ngơ ngơ, ngáo ngáo như kẻ mất hồn, không biết phải làm gì để sống vì không đủ tháo vát để “bươn trải" với đời trong giai đoạn lịch sử quá ư nhiễu nhương ấy.

Trong một truyện ngắn của Tiêu Dao Bảo Cự có tựa là Tiếng đàn ta thấy số phận thê thảm của một cựu giáo sư trung học về môn triết trong lòng cái xã hội nghiệt ngã mới: thường trực đói xanh người, thường trực loay hoay với mớ chữ nghiã không tiêu hoá được. Khi có người bà con từ ngoại quốc về cho một số tiền thì “chàng” dùng toàn bộ số tiền cho đóng một cây đàn organ, để những lúc sầu đời, chàng nhấn những phím đàn đưa hồn chàng lên chín tầng trời. Con chàng ngán chàng (vì chàng cứ ì ra, chẳng cày cuốc gì nổi), vợ chàng chán chàng vì nàng và đứa con gái lớn là hai lao động duy nhất trong nhà phải kiếm gạo cho cả nhà!

*

Các đồng nghiệp của ngài giáo sư nói trên trên đất Mỹ được hưởng nhiều thứ hơn ngài rất nhiều: từ tự do đến tiền bạc. Tự do nhiều nên đòi hỏi cũng nhiều! Ðiển hình là Louis Marinoff, giáo sư dạy môn triết tại City College of New York. Ông ta có lẽ là đại biểu xứng đáng nhất của trường phái triết học thực dụng kiểu Mỹ: tìm mọi cách khuyến mại việc tư vấn triết học. Những cuốn sách ông viết như Những câu hỏi lớn: Triết học có thể thay đổi đời bạn ra sao? (The Big Questions: How Philosophy Can Change Your Life), và cuốn sách bán rất chạy hiện nay trên thế giới là cuốn Plato chớ chẳng phải thuốc an thần! Ứng dụng sự khôn ngoan vĩnh cửu vào đời sống hàng ngày (Plato, not Prozac! Applying Eternal Wisdom to Everyday Problems ) là những bằng chứng hùng hồn về tính cách thực dụng trong những tác phẩm của ông. Cuốn sau đã được in ra trên hai mươi thứ tiếng. Nhưng Marinoff không chỉ hài lòng với sách của mình. Ông còn muốn tạo ra một nghề mới: tư vấn triết học (philosophical counseling) với những cơ sở pháp lý không khác những nghề khác.

Thực sự thì cái gọi là tư vấn triết học đã bắt đầu vào năm 1981 khi tiến sĩ Gerd Achenbach mở văn phòng hành nghề ở Köln, Ðức, và năm 1984 cho in bản tuyên ngôn Triết học thực hành (Philosophische Praxis). Tới nay ở nhiều nước như Hoà Lan, Ca-na-đa, Na Uy, Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Do Thái, Anh, và nhất là ở Mỹ người ta đã thấy xuất hiện nhiều chuyên gia tư vấn triết học, nhiều hiệp hội nghề nghiệp, và nhiều chương trình cấp phát văn bằng hành nghề.

Là một liệu pháp còn trong vòng tranh cãi, tư vấn triết học giả định rằng nhiều “vấn đề” của chúng ta bắt nguồn từ những hiểu biết không chắc chắn về ý nghiã cuộc đời. Những người đi tiên phong trong lãnh vực này tin rằng từ thời cổ triết học đã được dùng để giảm nhẹ những áp lực tinh thần trong cuộc sống, giúp cho các cá nhân hiểu họ cũng như thế giới rõ ràng hơn, và cải thiện cuộc sống của mình. Hơn hai ngàn năm trước, Epicurus đã từng coi triết học là “phương thuốc trị bịnh của tâm hồn”. Socrates đã dùng triết học không phải để chỉ dạy những khái niệm mà để khuyến khích các môn đồ của mình tranh biện, xem xét cách suy nghĩ cũng như thái độ của họ về mọi đề tài có thể tưởng tượng ra được. Descartes và Spinoza xem triết lý là “việc thực hành đức khôn ngoan”. Nietzsche than phiền triết học đã thoái hoá thành chuyện đeo đuổi trường ốc nhàm chán. John Dewey triết gia được nể vì của Hoa Kỳ về giáo dục đã viết vào đầu thế kỷ 20 là triết học chỉ cho thấy giá trị thật của nó khi nó không còn là công cụ dùng mổ xẻ những vấn đề của các triết gia mà là để lập thành phương pháp, do các triết gia đào sâu, mổ xẻ những vấn đề của con người.

Nói gọn, tư vấn triết học bao hàm việc một triết gia có huấn luyện giúp một cá nhân xem xét vấn đề hay đề tài có liên quan đến cá nhân ấy. Trong phạm vi này triết gia giúp ích nhiều hơn là bạn thân hay người thân trong gia đình. Ludwig Wittgenstein, một trong những triết gia có ảnh hưởng hàng đầu của thế kỷ 20 xem triết học là phương tiện tháo gỡ những “nút thắt” trong suy nghĩ của mình.

Trở lại với Marinoff: ông ta mới đây đã kiện nhà trường nơi ông làm việc là City College of New York (viết tắt: C.C.N.Y.) ra toà vì trường này đã ra lệnh ngưng mọi hoạt động tư vấn của ông trong khuôn viên của trường, viện lẽ là C.C.N.Y. đã vi phạm đến quyền tự do ngôn luận của ông. Nhà trường nhìn vấn đề dưới khiá cạnh trách nhiệm (đặc biệt là trách nhiệm dân sự): Nếu một triết gia không có lấy một chút đào tạo về sức khoẻ tâm thần, thất bại trong việc nhìn ra những khuynh hướng tự tử nơi một sinh viên, và thay vì là một giải pháp can thiệp trong lãnh vực tâm thần lại đã ra toa bằng lý thuyết của Heidegger chẳng hạn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Sau này nhà trường đã bãi bỏ lệnh buộc phải ngưng những hoạt động tư vấn của Marinoff nhưng ông ta vẫn kiên quyết đeo đuổi vụ án với lý do bị mất lợi tức cũng như những cơ hội nghề nghiệp. Các luật sư của C.C.N.Y. đề ra những yêu cầu bảo hiểm cho những hoạt động tư vấn nêu trên nhưng Marinoff đã phản ứng rất mạnh; ông nói: “Cho đến bây giờ chúng tôi chưa từng gặp một trường hợp nào xảy ra tai hại tâm lý do việc tư vấn triết học gây nên.” Ông tiếp: “Những người này họ không sao phân biệt được tâm lý học và triết học. Vào những ngày này, những kẻ có học sao tệ quá!”

Từ nhiều năm nay, Marinoff đã tìm mọi cách để có thể đưa tư vấn triết học ở Hoa Kỳ thành một nghề như mọi nghề chính thức khác. Ta có thể thấy tín hiệu mà ông muốn trao gởi đến quần chúng (Hoa Kỳ) như sau: quần chúng đã chán ngán những nhà tâm lý học quá rồi; quần chúng cũng đã ớn những nhà tâm lý trị liệu luôn cho toa thuốc những khi ta thấy xốn xang, bối rối, và phần lớn những “vấn đề” bức thiết của ta không do xúc cảm hay do ảnh hưởng của các tác động gây nên bởi thay đổi hoá học trong não - những xáo trộn của chúng ta thường khi có nguyên nhân triết học. Chứng minh: ta không cần phải đợi đến lúc xuống tinh thần tới mức bệnh lý clinically depressed) hay bị mặc cảm phạm lỗi thuở thiếu thời rồi mới nhờ tới sự hỗ trợ với những câu hỏi muôn thuở về kiếp người - những đau khổ chồng chất, liên tục và cái chết không sao tránh được, cũng như nhu cầu một nền đạo đức tin cậy được. Ngay đối với những người khoẻ mạnh, bình thường, những người hoạt động thường ngày cũng cần tuân thủ những nguyên tắc trong cuộc sống.

Mặc dù là trường C.C.N.Y. không mấy thoải mái với việc tư vấn triết học, xem ra công chúng lại sẵn sàng và rất háo hức với ít nhất là một hình thức nào đó của triết học trong đời sống hàng ngày. Ta có thể thấy chứng cớ này khi Tom Morris, giáo sư triết trước kia của trường Notre Dame đã tính tiền giờ $30,000 đô la Mỹ đối với hãng I.B.M và General Electric khi được mời diễn thuyết về “bảy chữ C của Thành Công” (7 C’s of Success ), chắt lọc từ Cicero và Spinoza, Montaigne và Aechilus. Christopher Phillips, tác giả “Sáu câu hỏi của Socrates” đã đi khắp nước Mỹ mời gọi những đám đông vào đối thoại kiểu Socrates về bản chất của pháp luật và ý nghiã của sự can đảm. Trò chuyện triết học (Philosophy Talk) là một show trên truyền thanh mới đây ở San Francisco với hai giáo sư có tài châm biếm tế nhị của trường đại học nổi tiếng Stanford, cùng với rất nhiều thính giả gọi lại đài, tìm cách giải quyết những vấn đề gai góc như “Bạn có muốn sống mãi mãi không?”. Thông thường một giờ tham khảo ý kiến với chuyên gia tư vấn triết học là 100 đô la Mỹ.

Ở nước Anh, một trong những sách bán chạy nhất trong năm 2000 là Những an ủi của triết học (The Consolations of Philosophy) đã được đưa lên truyền hình trong loạt truyền hình sáu phần. Ở Mỹ, Marinoff không phải là người đầu tiên nỗ lực đưa tư vấn triết học vào đời nhưng là người dẫn đầu những nỗ lực xây dựng các định chế về mặt pháp lý và

tìm cách nhập vào dòng sông cuồn cuộn tiền bạc mà ta biết là tiền hoàn lại trong bảo hiểm y tế.

Y hệt một nhà kinh doanh nắm bắt một thị trường mới, Marinoff hành động nhanh và dữ dội, và đôi khi đụng chạm mạnh đến những người cạnh tranh khác. Ông đã thành lập Hiệp hội Những Người Thực hành Triết học Hoa Kỳ (American Philosophical Practioners Association, tắt là A.P.P.A.) Trước khi có các luật sư đánh hơi rất nhạy nhúng tay vào, ông đã thực hiện nghiên cứu trên những người tình nguyện ở trường C.C.N.Y. và dàn xếp một quỹ ở New York để tài trợ tư vấn triết học miễn phí qua trung tâm tập thể dục của C.C.N.Y.

Marinoff không thiếu kẻ yêu, người ghét. David O’Donaghue, một tâm lý gia có cấp bằng hẳn hoi cũng như có văn bằng tiến sĩ triết học coi chuyện chỉ cần ba ngày tu nghiệp để có bằng hành nghề của Marinoff là “tào lao”; nhưng cạnh tranh dữ dội nhất phải kể đến Hiệp hội Hoa Kỳ về Tư vấn Triết học và Tâm bệnh lý học (American Society for Philosophy Counseling and Psychotherapy, viết tắt là A.S.P.C.P.) có thể xem là nhịp cầu nối hai nghề nghiệp với nhau.

Ðối với việc Marinoff cấp bằng hành nghề cho những người hoàn toàn không có chút đào tạo trong lãnh vực sức khoẻ tâm thần, những người chống đối đã bảo: “Các triết gia biết khỉ gì về sức khoẻ tâm thần; họ sẽ là mối nguy cho các thân chủ của họ.”

Tiến sĩ Raabe của Canada trong luận án tiến sĩ về tư vấn triết học nhìn khác hơn: “Khoan nói tới chuyện tư vấn triết học giúp ích rất nhiều cho người trung bình, việc tư vấn này còn có thể có giá trị vô cùng lớn lao đối với những nhà tâm lý trị liệu chuyên nghiệp. Suy cho cùng thì triết học là nền tảng của những lãnh vực tư tưởng khác. Triết học không chỉ là chuyển đạt kiến thức, nó liên tục cải thiện hiểu biết của ta qua suy tư và thảo luận.”

Marinoff cũng như một số những người thực hành tư vấn triết học cho rằng tất cả chúng ta ai cũng có một lý triết lý sống, dù ý thức hay không, và ta có thể có lợi khi nhận biết ra triết lý ấy, khiến ta chắc nó có thể giúp ta hơn là ngăn trở ta – nói cho rõ là xác định sự thành công theo cách ta có thể thực hiện được - rồi sau đó ta củng cố sức mạnh ấy qua đối thoại với những nhà tư tưởng lớn. Trong cuốn Plato, not Prozac!, Marinoff đề ra năm bước “Diễn trình hoà bình” là loại triết-học-mì-ăn-liền trên chương trình truyền hình hàng ngày: 1) xác định vấn đề, 2) liệt kê những xúc động xảy đến cho mình, 3) phân tích những hướng giải quyết, 4) chiêm nghiệm toàn bộ tình thế của ta, 5) đạt đến quân bình. Trong cuốn trên, Marinoff nêu ra một trường hợp nghiên cứu về Dough; Dough là khách mời trong trong chương trình truyền thanh ban đêm. Dough cho biết vấn đề của ông ta là ông không thể có được hạnh phúc nếu không có một người đàn bà để yêu và ông không thể có cơ hội gặp một người đàn bà nếu ông ta tiếp tục làm việc theo ca trong một nghiã trang. Xúc cảm (emotion) của Dough là nỗi cô đơn. Khi phân tích hướng giải quyết ta thấy chỉ có hai: hoặc anh ta phải bỏ việc, hoặc cứ mãi cô đơn. Cách mà Marinoff đề nghị nhắm giải thoát Dough ra khỏi cái bẫy tâm thần do chính anh ta đã giương ra cho mình là khuyến khích Dough tìm sự chiêm nghiệm trong triết học Đông Phương, đặc biệt trong triết học nhà Phật, và Lão. Nói cho gọn là hãy ngừng bị ám ảnh về nhu cầu tình yêu.

Với những triết gia hàn lâm nghiêm túc - ngay đối với những người luôn đặt những câu hỏi mà ta gọi là những câu hỏi về phận người - chỉ nội cái ý tưởng về tư vấn triết học cũng đủ để các vị ấy giật bắn người. Jonathan Lear, một nhà phân tâm học và cũng là một giáo sư triết học ở University of Chicago, tự coi mình là người có can dự vào khả năng chữa trị qua trao đổi, nói chuyện với người bệnh và với truyền thống triết học kiểu Socrates qua những mối quan tâm bức xúc của đời sống con người, vẫn giữ mối hoài nghi sâu đậm về bất kỳ một lối tư vấn nào tưởng ra rằng ta có thể khu trú trong lòng tay của lý trí mà không cần biết đến những xúc cảm và động lực bí ẩn, chưa kể tới việc tư vấn triết học bị một vài giới phê bình cho là bị động cơ tiền bạc thúc đẩy. Alva Noe của trường Berkeley, ở California nhìn vấn đề đơn giản hơn: “Tuy ta có lý do để nghĩ rằng phương pháp cũng như lối suy luận chặt chẽ của môn triết học, khi áp dụng cho những vấn đề của đời sống, có thể đưa ta tới tầm mức lớn hơn, giải phóng ta, cải thiện đời ta, v.v., nhưng triết học khó lắm, khó lắm,… Và liệu có bao nhiêu người thật sự đã chuyển hoá được đời sống mình từ lúc tập Công phu (Kungfu) hay Thái cực quyền (Taijiquan)?”

Marinoff được bầu vào chức chủ tịch của A.S.P.C.P. vào năm 1966. Trong một hội nghị vào năm 1997 Marinoff tuyên bố A.S.P.C.P đang sửa soạn cấp giấy chứng nhận hành nghề tư vấn và sẵn sàng cho mở cuộc thi trắc nghiệm lấy bằng hành nghề. Do những bất đồng nội bộ, Marinoff đứng ra lập một hiệp hội mới có tên gọi là Hiệp hội những Nhà Thực hành Triết học Hoa Kỳ (A.P.P.A.). Cuối năm ấy, Marinoff hết giữ chức vụ giám đốc điều hành A.S.P.C.P. và ngành tư vấn triết học non trẻ chịu sự phân ly đầu tiên.

Các luật sư của trường City College of New York không bày tỏ dấu hiệu muốn dàn xếp nào trong lúc Marinoff vẫn hăng say lao vào vụ tranh tụng. Ông bảo rằng ông không phải là người thích kiện cáo, ông chỉ làm vì quyền lợi của các triết gia và của công chúng. Mô tả những kế hoạch vĩ đại của ông về một hệ thống tư vấn triết học khắp nơi trên thế giới, ông nói gấp gáp: “Chúng tôi đang sẵn sàng huấn luyện và cấp chứng chỉ cho những người muốn hành nghề này. Họ có thể cung ứng các dịch vụ ở những nhà tù, những nhà dưỡng lão, cũng như các bệnh viện bên cạnh các bác sĩ. Về căn bản chúng tôi sẽ làm cho triết học đại chúng hơn kể từ thời Cổ Hy Lạp huy hoàng.”

Trên xứ sở mà biểu tượng là Nữ Thần Tự Do, các chuyên gia triết học ít nhất cũng đã giành được những vị trí hoạt động khác hơn vị trí của những giảng sư trên các bục giảng của những trường cao đẳng hoặc đại học. Một số người, như Marinoff, còn biến môn triết học mà thường thì người thường rất ngán làm quen thành một bộ môn mà ta tạm gọi là triết-học-mì-ăn-liền, bình dân, đại chúng, qua những sách như Plato, not Prozac, hoặc qua những chương trình truyền thanh, truyền hình ăn khách chẳng kém những show giới thiệu sách văn chương của Oprah.

Ở Việt Nam hiện nay, với số lượng khá đông các tiến sĩ triết học (Một trường đại học ở Hà Nội gần đây đăng trên net số “tiến sĩ ’ triết học cộng tác với trường là 142 người?!), nếu ngày nào đó một loại hoạt động tư vấn triết học thành hình ở Việt Nam giúp giải quyết nạn thất nghiệp trầm trọng trong giới tốt nghiệp hậu đại học về bộ môn này thì không chừng khách hàng sẽ được nghe từ những túi khôn nho nhỏ của nhân loại những câu đại loại như “Trau dồi tư tưởng Mác-Lê sẽ giúp bạn mau chóng kiếm được việc làm… (như chúng tôi đây!)”, hoặc những câu nói “kinh điển” như lời phát biểu của “thạc sĩ” Phạm Thị Hồng Hoa, giảng viên Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về môn triết học Mác – Lê nhân Ngày Triết học Thế giới tại Hà Nội: “…Triết học trang bị cho người học tư duy, bản lãnh độc lập… Bác Hồ đã nói… ”

Tham vấn hay không những nhà tư vấn triết học xuất thân từ trường phái ấy, quí bạn hoàn toàn có quyền tự do. Tự do tuyệt đối.

Sầu Đông

Tham khảo chính

1. The Socratic Shrink, by Daniel Duane, tạp chí The New York Times Magazine, số March 21, 2004
2. Philosophical Counseling, Wikipedia, trong The Free Encyclopedia, (http://en.wikipedia.org)
3. The Times số 11/08/1997, The Return of the Sophists
4. What is philosophical counseling? by Peter B. Raabe, Ph. D., University of Bristish Columbia

"Tôi ngồi ở đây", cười tí tỉnh

Một chiếc máy bay trên đường đến Toronto thì một cô gái tóc vàng ở hạng phổ thông đứng dậy, chuyển sang khoang hạng nhất và ngồi xuống. Tiế...