10 April 2017

Ngọn cờ biểu tượng trong đấu tranh với Formosa?

Phạm Lê Vương Các

Ảnh: Linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam
sử dụng ngọn cờ Ngũ sắc tinh kỳ trong hoạt động
đấu tranh với Formosa.
Trước đây khoảng 10.000 người biểu tình đã từng bao vây Formosa, họ chỉ giương một ngọn cờ duy nhất, đó là ngọn cờ đại diện của Công giáo.

Chưa đầy một tháng sau, các cuộc tuần hành của hàng ngàn người đi nộp đơn khởi kiện Formosa dưới sự dẫn dắt của các Linh mục, họ lại không sử dụng đến cờ Công giáo, mà lại gương một ngọn cờ duy nhất là cờ Ngũ sắc tinh kỳ.

Điều này thật sự là sự thay đổi rất lớn về việc sử dụng biểu tượng đấu tranh chỉ trong một thời gian rất ngắn. Vậy điều gì đã làm nên sự thay đổi này?

Cá nhân tôi khi theo dõi sự kiện này có thể thấy rằng, sự thay đổi này xuất phát từ sự định hướng của một số Linh mục của Giáo phận Vinh. Bắt đầu với đoàn người đi khởi kiện Formosa cho Linh mục Đặng Hữu Nam dẫn dắt vào tháng 10/2016, và tiếp theo là đoàn người khởi kiện do Linh mục Nguyễn Đình Thục dẫn dắt vào tháng 2 vừa qua.

Các Linh mục hiểu rằng cuộc đấu tranh với Formosa không phải của riêng người Công giáo, của riêng người Miền Trung, mà đây là cuộc đấu tranh của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này cần sự ủng hộ rộng rãi của tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, vùng miền, quan điểm chính trị, để tạo nên một khối thống nhất và đoàn kết nhất có thể vì mục tiêu chung là "đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường biển và bồi thường thích đáng cho những người bị ảnh hưởng".

Vì vậy đoàn người đi khởi kiện Formosa dưới sự dẫn dắt của các Linh mục, họ đã sáng suốt chọn một ngọn cờ biểu tượng mang tính truyền thống dân tộc, tính đoàn kết lịch sử, mà biểu tượng này không hề mang lại bất kỳ sự chia rẽ, xung đột hay chống đối nào. Điều này đã lý giải phần nào cho việc các Linh mục dẫn đoàn người đi khởi kiện Formosa trong thời gian qua lại đã sử dụng đến ngọn cờ Ngũ sắc tinh kỳ.

Qua đây tôi nhận định rằng, các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi Formosa và các nhà hoạt động đang dấn thân vào vùng đất đầy rủi ro này, hãy sử dụng những biểu tượng dễ đạt được ủng hộ rộng rãi và đoàn kết cao theo tinh thần của các Linh mục trong vùng. Tránh tối đa việc sử dụng đến các biểu tượng có thể gây ra sự tranh cãi và chia rẽ không đáng có.

Cũng quanh vấn đề lá cờ biểu tượng cho cuộc đấu tranh, Facebooker Hoàng Mỹ Uyên chia sẻ:

Cờ VNCH phất phơ trên xứ sở năm 2017 bởi dân miền Trung, nạn nhân của Formosa.

Nếu nói đây là âm mưu của thế lực thù địch phản động thì hoá ra thế lực thù địch hiểu dân cần gì, muốn gì và làm thế nào để có họ hơn mặc dù cái thế lực đó toàn được nghe tên chứ không ai biết và thấy là ai. Còn thế lực chánh quyền thì dân biết ai, rõ tên, tỏ mặt, gần dân. Vậy mà tuyệt nhiên từ khi dân gặp nạn, họ chỉ cầm cờ ngũ sắc, giờ là cờ VNCH. Có bao giờ chánh quyền tự hỏi, cớ gì sống cạnh dân mà tuột mất lòng tin của dân, vuột cán cờ khỏi tay dân để dân cầm cán cờ khác không?

Những người từng lên tiếng nói lương tâm, tiếng nói chánh nghĩa thì sanh viên bị đuổi học. Nhân viên văn phòng bị đuổi việc. Làm business gặp khó khăn. Ở thuê thì bị áp lực đuổi khỏi nhà. Bị theo dõi, bị xách nhiễu. Bị vu khống. Mất công việc, mất sự nghiệp, mất cả miếng mưu sanh. Trong khi dân đổ giọt máu nào thì đồng bào hải ngoại nhín chút tiền quà gửi về cho dân miếng bông gòn, thuốc đỏ, an ủi, động viên. Bằng ngược lại thì hó hé là đi tù. Con thơ bỏ lại, mẹ già chăm cháu trong âu lo.

Tôi từng hỏi một anh an ninh, cởi cái chức vụ của anh ra chúng ta là ai? Là hàng xóm, là bạn bè, là đồng bào. Anh có con. Tôi cũng có con. Con anh cần gì để sống đường hoàng như nó phải được, con tôi cũng vậy. Anh đi theo một người đàn bà chẳng làm gì cả ngoài nói điều mình nghĩ mà chính anh cũng cần. Con anh ở nhà chờ cha, vợ anh ở nhà chờ chồng. Anh bực bội vì cứ phải thức đêm, giang sương dãi nắng đi làm nhiệm vụ. Có bao giờ anh thử ngồi xuống nói chuyện với dân. Chân tình như những người không chức vụ? Anh nói với tôi anh hiểu hết, biết hết. Nhưng trên rối lắm, nếu không giữ được an ninh dưới này thì còn khủng khiếp hơn, anh cũng đang làm điều tốt cho tất cả, cho cả chính con anh. Anh bảo anh không đánh người, mấy đứa nhỏ mới ra trường hăng tiết chứ có ai muốn đánh dân đâu. Vậy chứ cởi áo về nhà chạy xe ôm cho an yên thì sao. Anh lắc đầu thở dài.

Có lần, các anh canh mãi ngay trước cửa nhà, vật và vật vờ ôm cái điện thoại. Cửa mở ra là giật mình bật dậy. Tôi kêu Zú mang bình cafe và nước đá ra cho uống. Nhứt định không uống. Zú cười, không có thuốc gì đâu. Cà phê nhà pha. Bee nó bịnh ngủ rồi, hôm nay không đi đâu đâu. Mấy chú vô nhà ngồi cho mát hông? Cuối buổi chiều đổi ca, mấy anh gõ cửa trả bình và ly rồi cám ơn Zú. Hết veo nước.

Tôi nhớ từng gương mặt, dáng người của những kẻ đánh mình. Tôi cũng nhớ từng gương mặt, dáng người của từng người đi theo mình. Có người ăn nói nhẹ nhàng, bặt thiệp, có người lầm lì, có người ánh mắt hằn học, vài kẻ thì đá cá lăn dưa chợ búa đụ má dằn mặt đêm hôm hai mẹ con như chó dữ. Nhưng rồi, ai trong họ, khi ngồi xuống nói chuyện, họ đều hằn lên trên nét mặt một sự thống khổ, chịu đựng như thể không tỏ bày được. Thực sự là bất an và khổ tâm. Họ có.

Tôi hỏi anh, nhìn lại mà xem, những người đấu tranh vì nhân quyền, vì bà con, toàn bị đẩy vào đường cùng không còn gì để mất. Nhiều người trong số họ khởi điểm chỉ là lên tiếng một cách hồn nhiên, chân tình cho tới khi các anh buộc họ phải lấy đó làm sự nghiệp và con đường. Bất chấp tù đày vẫn mỉm cười. Họ trở thành cảm hứng của bao lớp người khác. Rốt cuộc các anh được gì. Các anh ở với dân mà gạt đi chén cơm của dân. Phản động bên kia đại dương xa dân vạn dặm thì cho dân chén cơm dù không no cũng ấm lòng. Anh nghĩ coi dân theo ai?

Dân đơn giản lắm và dân hiền lắm. Mấy mươi năm nay đã chứng minh sự thực. Dân chỉ cần có miếng nhai, sạch/ngon, độc/bổ chưa nói. Dân chỉ cần có công việc để "lao động là vinh quang". Mị được dân số năm bằng một đời người rồi. Tới nay đến cả vạn bài hát ru vinh quang xây bằng xác quân thù cho tới nhớ có bác đời em được ấm no đồ cũng không ru nổi dân ngủ để năm 2017 khắp nẻo đất nước, nơi nào có tiếng nói, nơi nào có thẳng người đứng lên nơi đó có "trả lại đây quyền phúc quyết của người dân. Dân biết điều gì dân cần để tự do mưu cầu hạnh phúc..." vang lên khắp nẻo.

Thế lực thù địch nào tài ba đánh thức được giấc ngủ mấy mươi năm như vậy hay chính đầy tớ của dân đã phản dân nên dân mới "sáng mắt sáng lòng"?

Thời đại này, cứ lấy hết những gì ông Hồ từng nói ra mà in thành băng rôn biểu ngữ mà xem. Bỗng dưng thành phản động cho coi.

Suy cho cùng, chánh thể chỉ là nhứt thời, quyền lợi nhân dân mới là bất biến.

Ông Hồ từng nói "dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Đừng đẩy dân về phía thù địch.
Đừng coi dân là kẻ thù.
Không có nhà tù nào lớn hơn nhà tù của nỗi sợ hãi tự thân. Khi dân đã không còn sợ hãi thì nhà tù là phi nghĩa.

Theo FB Phạm Lê Vương Các

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...