18 April 2017

Vì sao công an thua dân?

Được biết vụ việc có liên quan tới chuyện thu hồi đất đai, vốn đã khiến người dân theo kiện từ nhiều năm nay bị bức xúc vì không được giải quyết thỏa đáng. Một dân cư nói với BBC: "Chúng tôi đã khởi kiện từ năm năm nay, nhưng không được ai đứng ra bênh vực." Cuộc đối đầu giữa người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với giới chức từ ngày thứ Bảy 15/4. Khi lực lượng an ninh được phái tới đã bị dân chúng "bắt nhốt" tại nhà văn hoa xã. ̣̣̣̣(TTR)

Nguyễn Trần Sâm
Blog Đào Hiếu

Như báo chí đã đưa tin, chiều 15 – 4, gần 30 người của chính quyền, trong đó có cả những viên cảnh sát cơ động, đã bị dân Đồng Tâm (Mỹ Đức, HN) bắt nhốt tại “nhà văn hóa” xã. Mục đích việc làm này của dân chúng là đòi chính quyền phải trả tự do cho những người bà con của họ đã bị chính quyền câu lưu trước đó vì hành động được gọi là “vi phạm đất đai”.

Một câu hỏi lớn được đặt ra: Vì sao những công an viên này lại để cho dân “bắt” được họ? Phải chăng vì họ không đủ năng lực và phương tiện để đè bẹp lực lượng quần chúng không có vũ khí trong tay, hay chí ít là thoát khỏi bàn tay của những người dân này?

Muốn trả lời câu hỏi này thì phải nghĩ đến những câu hỏi khác. Giả dụ viên chỉ huy của đội cảnh sát cơ động (nghe nói là trung đoàn?) ra lệnh xả súng vào đám dân hoặc không nổ súng nhưng dùng báng súng, lưỡi lê hoặc dùi cui đánh tới tấp vào đám dân dám chống lại mình, còn các chiến sỹ công an thì nhất loạt tuân lệnh, thì liệu đám dân đó có bắt nổi một công an viên nào không?

Dĩ nhiên là không! Khi đó thì đám dân kia chỉ có thịt nát xương tan hoặc ít ra là bị đau nhừ tử, chứ làm sao còn có thể bắt công an làm tù binh được nữa!

Như vậy, việc có hàng chục chiến sỹ công an thuộc “lực lượng mạnh” bị dân bắt nói lên rằng chỉ huy của họ đã không dám ra cái lệnh đó, hoặc/và các chiến sỹ cũng không dám thực thi một mệnh lệnh như vậy.

Vậy lý do để chỉ huy không dám ra lệnh và thuộc cấp không dám thực thi nếu có lệnh là gì? Câu trả lời là: Họ vẫn còn tính người và tình người. Họ không đang tâm bắn vào hoặc đánh đập tàn nhẫn những người dân tay không tấc sắt. Họ biết rõ đó là những người vô tội và nghèo khổ, đã chịu bao oan trái do những kẻ có thế lực gây ra. Nghĩa là chúng ta vẫn còn có thể hy vọng vào những con người này. Đa số vẫn còn lương tâm. Và nhiều người trong số đó cũng có bà con, anh em hoặc xóm giềng là những người dân nghèo đáng thương. Họ từng nhiều lần chứng kiến cảnh khổ của những người thân. Và họ đã nhận ra rằng chính nghĩa không ở phía họ, nếu họ ra tay đàn áp.

Xưa nay vẫn vậy. Một khi hàng ngàn người dân bị dồn đến bước đường cùng thì họ sẽ nổi dậy. Ban đầu, những nhóm lẻ tẻ sẽ bị đàn áp. Những đám dân khác sẽ sợ và im tiếng. Nhưng khi không còn gì để mất thêm thì con người sẽ hết sợ. Họ sẽ nổi dậy đông hơn. Sẽ tiếp tục có đàn áp, nhưng rồi “một người rơi, mười người tiến”, và sẽ đến lúc có hàng triệu người đứng dậy. Sẽ đến lúc lực lượng đàn áp không thể thực thi nhiệm vụ đàn áp được nữa. Dù ban đầu, những kẻ có vũ trang này chưa nhận ra được chính nghĩa, nhưng rồi trong những cuộc cọ xát, những chiến dịch đàn áp, dần dần họ sẽ nhận ra lẽ phải. Khi đó, những mệnh lệnh đàn áp sẽ không được thực thi nữa. Lực lượng đàn áp sẽ quay súng!

Đó là quy luật!

Thật không may cho nhà cầm quyền nào không nhận thức được quy luật này, một quy luật mà chính những thủy tổ của CNCS cũng từng nói đến nhiều lần.

Vào thời kỳ trước sau năm 1980, cả nước đói khổ, dân tình ca thán. Những bài vè chế giễu nhà cầm quyền xuất hiện khắp nơi. Có cả những bài như “sấm ký”. Đó là những dấu hiệu của sự suy sụp. Nhưng vào thời đó chưa có đàn áp. Dân chưa bị đánh, chưa bị quy thành “các thế lực thù địch”. Một số người nói: Chắc sắp tiêu! Nhưng tôi nói: Đã có gần đủ các dấu hiệu, nhưng còn thiếu đàn áp dân.

Còn bây giờ thì đã có! Khắp nơi, hàng ngàn người dân bị đàn áp sau khi bị dán nhãn “các thế lực thù địch”!

Và không chỉ có vậy. Giai đoạn cuối của thời kỳ đàn áp dân đã đến. Lực lượng đàn áp đã bỏ chạy. Không chỉ ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức. Việc đó cũng đã xảy ra hơn một lần ở những nơi khác, nhất là quanh Formosa Hà Tĩnh!

Nguyễn Trần Sâm

No comments:

Post a Comment