03 April 2017

Nguy cơ “biển người Tàu” tràn ngập Việt Nam!

Trần Phong Vũ

Gần 5 tháng trước, chính xác là đầu tháng 12-2016, chúng tôi đã viết một bài nhận định về thái độ hãnh tiến, tự tin của du khách Tàu khi qua du lịch Việt Nam nhân đọc bài ký sự của Tuấn Khanh, một nhạc sĩ trẻ ở trong nước[1].

Hôm nay, đọc bài tường thuật số lượng du khách Tàu tăng kỷ lục sau Tết Con Gà tính đến tháng 3-17 khiến tôi không khỏi băn khoăn nghĩ tới Mật Ước Thành Đô sắp tới kỳ hạn 30 năm kể từ ngày bộ ba Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng ký kết với Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Sự liên tưởng cũng gợi nhớ tới lời cảnh giác của Linh mục Nguyễn Văn Lý về họa mất nước vào tay Tàu cộng đã trở thành hiện thực!

Bài tường thuật mang tựa đề “cuộc ‘di dân’ khổng lồ có một không hai trong lịch sử của người TC sang VN”. Cuối bài ghi “Nguồn: Nhật Minh / FB Sự Thật Việt Nam”.

Sơ lược nội dung bài tường thuật

Theo tác giả, hiện nay trong nước đã có quá nhiều lao động người Tàu từ Hoa Lục qua hiện tập trung ở các khu kinh tế trọng điểm. Điều này khiến dư luận đồng bào trong ngoài nước không khỏi âu lo và đặt câu hỏi: liệu đây có phải là chính sách “ngoại giao du lịch” của Bắc kinh nhằm chuẩn bị gây sức ép chính trị với CSVN như họ đã làm đối với Hàn Quốc và Đài Loan hiện nay?

Bản tường trình cho biết.

“Theo thống kê, năm ngoái số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam có khoảng 10 triệu, trong đó du khách Tàu cộng chiếm khoảng 2,7 triệu người, tỷ lệ 30%. Năm nay chỉ mới tính đến giữa tháng 3, riêng lượng khách Tàu cộng đến Việt Nam thông qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) vào Vịnh Hạ Long, tăng lên mức kỷ lục. Du khách Tàu cộng xếp thành những hàng dài đứng chờ ở cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh giống như Vạn Lý Trường Thành vậy!”

Quan sát tấm hình chụp thực cảnh tại chỗ dưới đây kèm theo bản tường trình, chúng ta thấy lời ví von cùa người viết quả không sai.

Chờ làm thủ tục xuất cảnh ở Đông Hưng vô Móng Cái ngày 17/3/17. 
Ảnh: FB Sự thật VN/ internet

Vẫn theo tác giả bản tường trình thì Trưởng ban Quản lý khu Kinh tế nhà nước cửa khẩu Móng Cái là Lương Quang Sở, cho hay:

 “Thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán, số lượt xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái khoảng 8,000-10,000 lượt/ngày, trong đó khách du lịch Tàu tổng cộng khoảng từ 2,500 đến 3,500 người. Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, số người xuất nhập cảnh lên tới 15,000 lượt/ngày, trong đó lượng khách du lịch Tàu khoảng 5,000 người, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái !”.

Chia sẻ suy nghĩ của nhạc sĩ Tuần Khanh trong chuyến đi vòng qua các trung tâm du lịch, bản tường trình của Nhật Minh cũng đưa nhận xét là những du khách Tàu cộng qua Việt Nam thường có hành vi và thái độ ngạo mạn đối với người Việt,  không tôn trọng phong tục tập quán, lịch sử văn hóa Việt Nam, thậm chí họ còn công khai sử dụng đồng nhân dân tệ, công khai đốt cả tiền của Hànội, và điều làm cho nhiều người tỏ ý ngạc nhiên là những trường hợp như vậy không hề bị chính quyền CS Việt Nam xử phạt!

Du khách Tàu cộng chê tiền VN và công khai dùng nhân dân tệ.
Ảnh: Zing/ FB Sự thật VN

Một điều dị thường khác là trong khi thái độ trịch thượng, khinh thường dân chúng và văn hóa Việt Nam của du khách Tàu cộng diễn ra công khai như vậy lại xuất hiện không ít Doanh nghiệp Việt vì lợi nhuận trơ trẽn khai trương những cửa hàng chỉ để phục vụ người Tàu. Cụ thể, tại cửa hàng Tiến Đạt Dream 2, tọa lạc ở phường Hà Khẩu. Mỗi khi có khách hàng Việt Nam vào thì ngay lập tức bị nhân viên nhà hàng chặn lại và ngang nhiên phát ngôn: “Cửa hàng chỉ phục vụ khách của Công ty Lữ hành, Bất cứ người Việt Nam nào cũng không được vào”. Điều làm cho người dân địa phương cũng như du khách Việt Nam bất hình hơn hết là có người chỉ ghé thăm cũng không được!

Tương tự như ở khu Du lịch quốc tế Tuần Châu của một nhân vật giàu có được gọi là đại gia Đào Hồng Tuyển, các du khách Tàu cộng đeo tấm thẻ có đánh số thì được vào, còn người Việt Nam không có thẻ thì bị cấm cửa!

Bản tường trình cho hay tiếp.

“Ở trong nước, người dân không chỉ bị các tập đoàn kinh tế lớn như: FLC, Sun Group, Him Lam, Hoa Sen… cướp ruộng đất, xem thường tính mạng thậm chí đẩy họ vào bước đường cùng, mà nay lại bị bọn Tàu cộng chèn ép đủ điều. Người Tàu cộng đến Việt Nam được phục vụ như một ông chủ thật sự, còn người Việt bị xem như công dân hạng 2. Nhiều người tự hỏi: liệu rồi đây người Việt Nam có còn chỗ đứng ngay trên quê hương đất nước của mình hay không?”

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Giám Đốc một khách sạn ở Tuần Châu (Hạ Long) thì số lượng du khách đổ vào Việt Nam ngày một tăng vì các tour du lịch dành cho họ từ Hoa Lục đều miễn phí! Nhiều câu hỏi được đặt ra: Ai, cơ quan nào tài trợ cho hàng chục ngàn du khách Tàu cộng vào Việt Nam mà không phải quốc gia nào khác? Phải chăng chính nhà cầm quyền CS Bắc Kinh đã chủ động việc tài trợ này để khuyến khích con dân họ ào ạt kéo qua Việt Nam đem lại một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Hànội? Và phải chăng ẩn sâu bên trong là một đòn chính trị do Bắc Kinh dàn dựng để sau này dùng chuyện du lịch để mặc cả với Hànội, như họ đã làm với Hàn Quốc và Đài Loan?


Du khách Tàu cộng tại cảng tàu Tuần Châu, Hạ Long.
Ảnh: FB Sự thật VN/ internet

Nhận định chủ quan của người viết

Nhận định trên đây tuy có cơ sở, nhưng theo nhân dịnh riêng của chúng tôi nó chưa phải là mục tiêu chính của đảng và giới cầm quyền Hoa Lục. Nhìn vào những khu vực do người Tàu làm chủ trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, như Vũng Áng, Hà Tĩnh với cả trăm mẫu đất do công ty gang thép Formosa thuê mướn tới 70 năm, Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương, những khu nhà rộng lớn đầy đủ tiện nghi cất cho chuyên viên và công nhân Tàu cộng cư ngụ trong thời gian vô hạn định để khai thác mỏ Bô-xít ở Tây nguyên… và sự kiện con số những người Tàu lập gia đình với phụ nữ Việt rồi ở lại ngày càng đông đảo lâu nay khiến những người nhẹ dạ nhất cũng nhận ra ý đồ đen tối của Hoa Lục.

Trong một bản tin đọc được trên mạng của đài RFA hôm Thứ Ba 28-3, đài này cho hay: báo Giáo Dục ở Việt Nam đưa tin sáng ngày 10-3, cơ quan chức năng đã phát giác nguyên một khu phố nằm gọn trong bức tường xây chung quanh tại khu vực giao nhau giữa đường Phạm Hùng – Hoàng Đạo Thành  thuộc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Bức tường cao hơn 10 mét kéo dài hơn nửa cây số trên phần đất của Công ty VietMay Home Tổng kho miền Trung, thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Trong khuôn viên này có hơn 10 căn nhà kiên cố đã được xây, hình dáng và kiểu cách đặc trưng văn hóa Tàu bao gồm phố đi bộ, những ghế đá, cột đèn kiểu Thượng Hải.

Vẫn theo báo Giáo dục Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư phường Hòa Xuân cho biết vào thời điểm cơ quan chức năng xuống kiểm tra hiện trường đã nhìn thấy 5 người mang quốc tịch Trung Quốc đang đứng chỉ đạo, xem xét việc xây dựng. Một trong năm hộ chiếu của họ có in hình lưỡi bò trên đó. Người ta chưa quên, đây là những tấm hộ chiếu do Bắc kinh tung ra khắp thế giới để xác định chủ quyền biển đảo, bất chấp dư luận quốc tế, nhất là sự công phẫn của người dân ở các quốc gia có những vùng biển đảo đang tranh chấp, trong số có Việt Nam.

Trong một livestream gần đây, Huỳnh Quốc Huy, một người trẻ miền Cần Thơ sông nước đã công bố một tin liên quan tới nạn người Tàu bắt đầu có những hành vi đáng ngại ở Phú Quốc nơi người dân miền Tây mệnh danh là Đảo Ngọc của đất nước ta, Theo anh, trước khi xuất hiện bóng dáng những du khách Tàu cộng, có lẽ không nơi nào an ninh và đời sống của người dân thoải mái như ở Phú Quốc. Không trộm cắp, xe để ngoài đường dù chủ nhân bỏ quên không khóa cũng không mất. Đường lộ, bãi biển luôn sạch sẽ, trong lành. Nhưng trong thời gian gần đây, cụ thể là từ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, khi có đường bay trực tiếp từ Tàu cộng tới Phú Quốc với ưu tiên miễn Visa cho du khách đến từ Hoa Lục thì đám đông những người khách mới này tha hồ ăn to nói lớn, mặc tình xả rác trên bãi biển, phá nát cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Điều khiến người trẻ họ Huỳnh âu lo hơn hết là hiện nay lực lượng an ninh cửa khẩu, an ninh hàng không VN bỗng dưng thay đổi đồng phục giống hệt an ninh hàng không TC!

Với giọng ngậm ngùi, anh nêu câu hỏi rồi đặt vấn đề.

“Kích bản nào đang diễn ra trên quê hương ta? Khi người dân lên tiếng tố cáo đảng và nhà nước mưu toan bán nước cho Tàu thì bị khủng bố bắt bớ! Thế còn những kẻ có quyền có thế, có quân đội, có CA/CS đang rước giặc vào nhà thì giải thích làm sao?”

Những chuyện buồn liên hệ tới thời điếm mối đe dọa Tàu cộng xâm lược Việt Nam đã cận kề quá nhiểu. Người viết xin trích lại nguyên văn một đoạn ngắn về câu chuyện nhạc sĩ Tuấn Khanh ghi lại mà chúng tôi đã đề cập trên đây.

“Một người đàn ông lớn tuổi, đầu bạc trắng, cắt ngắn, đi dọc với tôi, kể rằng vừa rồi ông gặp một người khách Trung Quốc. Câu chuyện về ranh giới quốc gia, khác biệt dân tộc, chiến tranh… lại nổ ra…. Người Trung Quốc rất tự tin, nói rằng từ nhỏ, ông ta đã được học về lịch sử, nói rằng Việt Nam thuộc về Trung Quốc từ ngàn năm, nhưng sau đó làm phản và tách ra…(!).

‘Tụi tao có một tỷ người học thuộc điều đó, tụi mày chỉ có một trăm triệu, cãi không lại tụi tao đâu’. Người khách Trung Quốc này cười lớn. Dù không ác ý, nhưng sự diễn đạt rất thật của ông ta làm tôi lẫn người đàn ông Việt tóc bạc khi kể cho nhau nghe, đều không khỏi nao lòng.

____

[1] Bài viết với tiêu đề “Trở về, đi tới”, Tuấn Khanh tường thuật lại nhiều điều tai nghe mắt thấy trong chuyến du hành vòng quanh đất nước gần đây. Anh đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nhiều người, bao gồm … hậu duệ của  những Chú Ba Chợ Lớn, đến từ nước láng giềng bên kia biên giới phía bắc.

Tác giả viết.

“… vô tình đoàn người đang xếp hàng lấy vé ra máy bay bỗng xuất hiện vài người khách Trung Quốc. Đó là những người khách hết sức ung dung. Họ ăn nói lớn tiếng, cười to và tự nhiên, không khác gì dân bản xứ.

Hàng dài người Việt đang xếp hàng im lặng nhìn. Mỗi người một suy nghĩ.

Bất chợt 2 người khách Việt nói với nhau ‘Không biết mình qua Trung Quốc có tự nhiên được vậy không?’. Lời tán gẫu nhỏ, nhưng lại đủ cho vài người chung quanh nghe. Đột nhiên ai nấy đều cười. Những nụ cười không cùng ý nghĩa.  ‘Thì tụi nó qua đây, tự nhiên như nước nó rồi còn gì’. Một người khác nói bâng quơ, nhưng như muốn tất cả những người Việt còn lại cùng nghe. ..”

Những nụ cười biểu hiện trong cảnh ngộ éo le như thế chắc chắn không cùng một ý nghĩa! Nó được hiểu, được cảm nhận để dẫn tới phản ứng qua nét mặt, qua giọng nói, nụ cười, tùy theo vị trí, hoàn cảnh, tư duy, thái độ và quan điểm từng người. Cũng là nụ cười nhưng sẽ rất khác nhau giữa một Việt kiều từ một đất nước tự do về thăm quê hương, một viên chức cao cấp trong đảng và giới cầm quyền Hànội, hay một công dân bình thường biết chắc rằng mình sẽ vĩnh viễn bám trụ vào mảnh đất này, cho dù cảnh ngộ dân tộc ra sao! (Lược trích một đoạn trong bài “Thái độ hãnh tiến, tự tin của du khách Tàu & những trăn trở của nhạc sĩ Tuấn Khanh’)

Trần Phong Vũ
(Nguồn: Ba Sàm)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...