01 April 2017

Tự Do Nơi Chân Trời Xa, tranh A.C.La


'Chân Trời Xa Kia Là Tự Do'
(Freedom at Far Horizons)
Oil on canvas, 24x30 in (61x76cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
**

Chúng tôi nối đuôi nhau nhẩy xuống khỏi thuyền. Hàng dừa đong đưa. Gió vẫn thổi nhưng cường độ đã giảm đủ để không làm mất cái cảm giác sảng khoái của những người sau năm ngày đêm lênh đênh ngoài khơi nay đã dạt được vào bờ. Tôi không quên ngoái nhìn lại con thuyền thân yêu đã bị nứt thủng nhiều chỗ.

So với chiếc tầu đánh cá Thái Lan thì thuyền của chúng tôi tựa như chiếc Titanic bên cạnh khối băng sơn. Mỗi lần sóng vỗ mạnh, thuyền đập vào thành tầu, những tiếng răng rắc khô khan vang lên. Các khe nứt lớn đần. Tôi còn nhớ rất rõ mỗi lần bị ép mạnh giữa sóng biển và mạn tầu, bề ngang con thuyền bị ép nhỏ lại thấy rõ. Ở bờ sông con thuyền trông không đến nỗi nào, nhưng khi lênh đênh giữa biển cả, nó mong manh như một chiếc lá tre.

Hai thiếu nữ bị bắt đi và mất tích kể từ đó, để lại đau đớn cho thân nhân và thương nhớ cho cả thuyền. Thủy, một trong hai thiếu nữ tên là Thủy, tuổi không chênh lệch với tôi quá nhiều, lúc thì kêu tôi là cậu, vì Thủy là bạn của cháu tôi, lúc thì lại gọi tôi bằng anh và xưng em. Thủy không quen với sóng biển, những ngày qua gần như nằm li bì. Sáng nay, trời yên biển lặng, Thủy ngồi lên được, trông khá tỉnh táo. Nhưng khi nhìn thấy tôi Thủy như không còn hơi sức nữa bất ngờ té nhào vào ngực tôi và nằm gọn vào lòng. Tôi hơi lúng túng nhưng đưa tay ra ôm lấy cổ và vai nàng để đầu Thủy khỏi đập xuống sàn gỗ. Nàng mền nhũn như bún, không một chút cố gắng. Khi học tại viện Đại Học Đà Lạt, cháu gái tôi thường tha cả đống bạn về nhà quấy phá. Và Thủy là một trong đám bạn đó. Cứ coi Thủy như là cháu mình đi, thì có sao đâu. Tôi nhủ thầm ...

Chúng tôi đã nhìn thấy con chim nhỏ đứng trên một bẹ dừa trôi theo sóng, báo hiệu đầu tiên cho thấy chúng tôi không còn xa bờ nhiều nữa. Không bao lâu sau, đám trẻ tinh mắt đưa tay chỉ về phia trước, reo lên "Có núi mờ mờ đằng xa kia kìa", rồi quay sang những người bên cạnh: "Thấy không?". Hy vọng vượt thoát thành công tràn ngập cả thuyền. Nhưng có biết đâu bất hạnh lớn lao hai tiếng đồng hồ sau đã đến với hai thiếu nữ đồng hành. Những tên cướp trên chiếc thuyền đánh cá, sau khi moi móc được chút ít vàng, buông thả con thuyền trôi lênh đênh theo gió.

Thuyền đã chết hết máy ngay từ khi vừa rời khỏi bờ biển quê hương. Một tấm vải cuốn đắp cho con nít căng lên làm buồm. Vậy mà tấm vải đã đủ sức và bền bỉ lôi chiếc thuyền chở 37 người đi khoảng năm trăm cây số trên vịnh Thái Lan, từ Rạch Giá tới Bu-đi, Sông-La. Mỗi lúc nước rỉ vào một mạnh, có chỗ tuôn vào thành vòi. Để giữ cho con thuyền khỏi chìm, một người tát, rồi hai người tát nước liên tục. Nếu gió nổi mạnh như hôm trước, chắc số phận của chúng tôi đã đổi khác.

Sau cùng ước mơ đã trở thành sự thực: Con thuyền đã tấp được vào bãi cát bờ biển miền nam Thái Lan vào khoảng nửa đêm. Chúng tôi còn lại 35 người đã thực sự rời bỏ được cái quê hương ngục tù, ăn không có ăn, nói không dám nói, chung quanh là rình rập, ngày áo thấm mồ hôi, đêm chất chồng bất an và lo lắng.

Sau một đêm yên tĩnh là một buổi sáng trong lành phơi phới gió biển. Trên những khuôn mặt phờ phạc đã xuất những nét rạng ngời. Những đôi măt cuồng thâm đã thấy lóe lên những tia hy vọng. Lá cờ Thái bay phất phới xa xa trong một thôn xóm thanh bình dấu hiệu đầu tiên của ngưỡng cửa tự do đã cận kề. Lá cờ đỏ trên quê hương tôi mà truyền thông gọi là lá cờ tổ quốc tại sao lại mang đến khiếp sợ cho hàng chục triệu người Việt chứ không toát ra một chút nào của an bình như lá cờ Thái cả. Vì sao lại có sự nghịch lý như vậy? Tại sao người Việt không an tâm bên cạnh lá cờ dựng trên quê hương như khi nhìn thấy lá cờ Thái?

Trong trại tị nạn trên xứ Thái này, nhiều người nhờ tiền thân nhân ở nước ngoài tiếp tế, mua được những chiếc máy phát thanh bán dẫn, tối tối xúm nhau nghe Đài BBC hay VOA. Nhiều khi rà sóng bắt được cả đài cộng sản phát đi từ Miền Nam, rất mạnh. "Đây là đài Sài gòn Giải phóng"...  Giọng lanh lảnh muốn ăn tươi nuốt sống kẻ thủ khiến tôi dựng tóc gáy. Cái giọng ấy nghe sao gần quá như phát ra ngay từ bên cạnh cho tôi có cái cảm giác bất an như vẫn còn nằm trong tay những tên công an phường khóm, vẫn còn nằm trong bốn bức tường với cửa song sắt.

Nếu có ai hỏi có khi nào bạn cảm nhận rõ ràng nhất sự thanh thản và phơi phới, tôi sẽ nói ngay đó chính buổi sáng sớm chấm dứt cái đêm kỳ diệu thuyền dạt được vào bờ đất Thái. Sau giấc ngủ trên bãi cát dưới hàng dừa và gió biển lồng lộng, tôi cảm nhận được sự an lành tuyệt đối. Thức dậy mà thấy mọi sự vật chung quanh như chỉ có trong giấc mơ. Tôi ngước mắt lên trời nói lời cảm tạ.

Thời gian sống trên đất nước tạm dung, nhiều đêm vẫn còn nằm mơ đang lội lọp chọp giữa vùng xình bùn trong cuộc vượt thoát. Nhưng rồi tất cả đã được đền bù: Tự Do không còn ở xa nơi chân trời mịt mùng. Tự Do đã ở ngay nơi ngưỡng cửa.

A.C.La
**

Nhớ Người

Đi tìm thiên đường xa lạ
Vật vờ thuyền giữa phong ba
Biển trời chập chùng sóng bạc
Tự do nơi chân trời xa

Em ơi! kẻ còn người mất
Hồn  Em bờ bến nơi đâu? 
Tiếng người  thì thầm trong gió
Trần-gian, cỏi phúc nơi nào?

Chưa quên biển xưa, nỗi nhớ
Giờ đây nghĩ đến lòng đau
Mây buồn lòng ta che kín
Hồn tranh gợn giấc mơ sầu!

Khuất-Danh

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...