25 April 2017

Hai Lần Trốn Chạy

Tạo Trần

 
'Giông Tố và Em', tranh A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
1951

Hình như có ai gọi tôi? Dạy… dạy đi con…. Tiếng Mẹ tôi gọi hằng ngày là đi lễ vào khoàng gần 5 giờ sáng. Thường là tôi ngủ nướng vài phút nữa rồi mới dạy hẳn. Từ nhà Bà ngoại ra nhà thờ chưa đầy một trăm bước mà lo gì? Linh tính báo cho tôi biết lần này không phải đi lễ vì còn quá sớm; đâu khoảng 4 giờ.

Đêm qua Ba Mẹ tôi nói chuyện gì mà lúc to lúc nhỏ có vẻ quan trọng lắm. Ba tôi thì đang đánh thức thằng em khỏang 12 tuổi. Nó tưởng đâu được đi chơi nên ăn mặc sẵn sàng rồi. Cà Ba mẹ nhìn hai thằng con mà ái ngại. Mẹ tôi như muốn khóc: “Mẹ thương các con lắm mà…” Tôi chỉ biết im lặng mà không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi ôm lấy cổ Mẹ thì mẹ tôi chỉ nấc lên và cố giữ cho không thành tiếng. Tội nghiệp, Mẹ về với Ba khi mới mười lăm tuổi đầu. Ông ngoại và ông Nội là hai bạn đồng song, cùng học một thầy. Thấy hai đứa trẻ kháu khỉnh thi hai Ông và hai bà đồng ý làm xui gia với nhau. Đến khi gả con xong ông Ngọại nhớ thương con còn non dại, bèn ngồi khóc hu hu, bắt đền Bà Ngoại. Ông Ngoại đâu ngờ con gái đi lấy chồng thì cũng ở gần đây đó chớ có ngờ đâu đi xa dữ vậy…

Ba và hai anh em tôi ra khỏi nhà trước giờ đánh chuông lễ. Ba tôi còn nhắc Mẹ cừ để cái đèn dầu sáng, đừng có tắt, cứ coi như Ba tôi đang ở nhà vậy… Vừa ra khỏi làng Ba tôi đứng lại chờ hai anh em tôi và dặn: “Từ bây giờ Ba đi trước, con cứ nhắm cái mũ của Ba mà đi theo”.  Em tôi thì bước sau tôi một khoảng cách khá xa, cũng nhìn đầu tôi mà đi… Ba cha con coi như người xa lạ. Cứ đi khoàng hai tiếng và vắng người thì Ba tôi mới dừng lại đợi chúng tôi đến nghỉ mệt.


Những cơn gió Lào khô và nóng hừng hực làm rát cả mật mũi. Khổ nhất là mùa gió Lào còn đem theo bệnh đau mắt ghèn. Con nít ngủ một đêm sáng dậy mở mắt không ra, cứ tưởng đã bị mù rồi. Phải lấy khăn nhúng nước đắp vào mắt một lúc lâu cho ghèn tan ra thì mới mở mắt được. Khi anh em nhìn thấy rõ nhau thì mới mừng là chưa bị mù. Thấy mấy bà đi chợ cũng vào nghỉ nắng, chúng tôi lẳng lặng ra đi.. Ba tôi vừa cầm mũ quạt mấy cái là chúng tôi biết ba tôi bảo chúng tôi chuẩn bị lên đường. Tôi không hiều làm sao mà Ba tôi lại thuộc đường đi đến thế, lúc thì đi trên đê, lúc thì đi qua đường xe lửa, lúc lại đi xăm xăm  vào nhà dân, đi đàng sau nhà ra đàng trước, qua bụi tre, ruộng sắn. Đường xe lửa chỗ còn đường rầy, chỗ đã bị bóc mất tà-vẹt. Đường cái đã bị đào thành đường đất. Trường học đã bị rỡ đề vào chùa hay đình làm lớp học. Ba tôi cứ tiếc cái cầu Hàm Rồng thật đẹp bắc qua sông Mã. Tây thì chưa thấy vào Thanh hóa bao giờ và được coi là khu an toàn thế mà họ cho ba cái đầu máy xe lửa vào giữa cầu rồi giât mìn cho sập. Đây là kết quả của tiêu thổ kháng chiến, hình thức của chiến tranh du kích.

Chúng ôi muốn khóc thét khi thấy một đám đông đang giết một con ngựa xẻ thịt. Vì sợ nên chúng tôi lỉnh êm. Mấy tên du kích đang theo dõi để có phần.

Trời đã xế chiều. Thằng em và tôi thắc mắc không biết đêm nay ngủ đâu.  Mẹ tôi đã khóc sáng nay có lẽ đã đoán trước lo âu này… Khi chúng tôi đến nơi thì thấy Ba tôi đang nói chuyện với một tên cán bộ. Có điều lạ là ba tôi nói năng như quen tên này từ bao giờ. Ông  nói Ông là hiệu trưởng và đi lãnh lưong về phát cho giáo viên, hay đi họp chuyên môn về giáo dục như sư phạm mới chẳng han. Riêng tôi thì tái mặt vì cái túi dết và khẩu súng lè lè bên hông chứng tỏ hắn ta làm lớn lắm. Mùi thuốc lá hắn hút cũng thơm khác thường, khác với mủi thuốc lào bát mà Ba tôi hút mỗi ngày thật nặng mùi…

Lúc này thì chúng tôi đang bước vào một nhà thờ. Sau này tôi mới biết là nhà thờ Điền Hộ và Ba tôi cho biết là đi thăm một ông cha phó trước có đi giúp xứ tại họ đạo làng tôi. Nay cha bị liệt chân nên đi lại khó khăn.

Sáng sớm hôm sau, khi ngủ dậy, chúng tôi đã thấy một anh nông dân ngồi chờ trước nhà. Cha đang ngồi viết một vài chữ trên giấy rồi đưa cho anh nông dân. Cha nói hai con đi theo ông này.  Ba tôi thí mặt tái mét nói không nên lời. Tôi biết lúc này Ba tôi đang đau khổ lắm. Giao hai đứa con cho một người lạ đem đi đâu thí lành dữ biết sao được. Tôi sợ đến muốn khóc mà không giám. Tôi khóc thì em tôi nó sẽ khóc và Ba tôi  không đành giao con cho kẻ lạ mang đi. Suốt dọc đường, anh nông dân lầm lì không nói gì hết.

Chúng tôi ra khỏi nhà thờ đã khá xa. Tôi cũng chẳng có chuyện gì để nói với anh nông dân mà có hỏi chắc gì anh ta đã nói. Hình như anh ta cũng đang lo sợ chuyện gì cho an ninh của riêng anh. Chúng tôi đang ở vùng xôi đậu. Có thể chúng tôi đang đi trên những bờ ruộng đã gài mìn; những tràng đại liên lâu lâu từ sau lũy tre có thể bắn ra. Anh nông dân áo đen có khác gì anh du kích áo đen đâu…
Tự nhiên tôi thấy cần phải thay mặt Ba tôi lo cho mình và cho thằng em và anh nông dân. Tôi hòi anh ta cha viết gì vậy anh? Anh ta đáp gọn lỏn: tui có coi đâu mà biết. Vừa nói tôi vừa với tay lấy là thư từ tay anh nông dân. Cha viết vỏn vẹn vài chữ “Ba người này đi lấy đồ lễ cho cha“. It nhất tôi cũng phải biết để trà lởi cho quân đội quốc gia, cho pạc-ti-dăng Pháp hay mấy chú du kích cộng sản.

Những ngọn núi đá vôi vùng Ninh Bình đả xuất hiện. Lá cờ Pháp tam tài đang bay phất phới. Đây cũng là nơi trung uý Bernard, con trai độc nhất của đại tướng de Lattre de Tassigny, tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, tử trận. Nếu may mắn không gặp cuộc hành quân nào của hai bên trong vùng này hôm nay thì kể như tới được Phát Diệm, vùng Quốc Gia.

Hàng mấy chục cánh tay từ dưới ruộng đang vẫy vẫy.  Sau đó vẫy mạnh và khần cấp hơn. Cả ba chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra hay là mắt đang bị quáng gà, hay là ma trơi. Hai bóng người vuột qua gấp rút, đầu đội nón lá. Một trong hai người nói hụt hơi “bị phục kích, chúng có súng“. Chúng tôi chạy nốt cái bờ ruộng mươi buớc thì gần năm chục người đang chờ nhằm bắn hai tên du kích vừa rồi. Chúng tôi vừa cúi sang một bên thì hàng tràng đại liên, tiểu liên, súng trường bắn tung toé. Hai cái nón lá nhấp nhô trên ruộng lúa xanh rì và nhỏ dần, nhỏ dần… Toán người phục kích gồm lính Tây, lính Ta, lính Phi châu như Maroc, Algerie, Senegal… Kẻ ra cũng phải cám ơn đám phục kích đã chờ cho chúng tôi đi qua rồi mới bắn và cũng vì thế mà hai tên du kích chạy thoát được. Ba người chúng tôi coi như chết hụt. Tiếng đạn bay chíu chíu trên đầu nghe thấy lạnh tai. Hai tên du kích chạy thục mang vào hướng mà chúng tôi mới đi ra năm phút. Nếu ba tôi mà cũng ra về cùng lúc với chúng tôi ra đi thì không biết ra sao? Tôi thấy thưong Ba vô cùng. Tôi đang lẩm nhẩm đọc kính cho Ba bằng an. Tự nhiên tui thấy yên tâm vì cả năm chục mạng lính ô hợp, súng ống lớn bé đủ cả mà mỗi người bắn một nơi, bắn cả xuống ruộng cách đó chừng mươi thước. Tôi có cảm tường hay là họ bắn cho chúng sợ, cho chúng chạy?

Sau này hỏi lại Ba là lúc tui con ra đi thì ba đã về chưa. Ba có nghe súng nổ không? Ba cho biết là hôm đó Ba còn ráng ở lại nói chuyện vớ cha phó và cũng muốn nghe ngóng tình hình tụi con đi ra sao. Ba có nghe súng nổ nhưng dân làng không báo tin gì dữ chắc là con đi được rồi. Sau đó cả tiếng Ba mới trở về làng bẳng con đường cũ. Đi bộ là phương tiện duy nhất thời kháng chiến. Trong làng chỉ có cha Xứ là còn chiếc xe đạp Saint- Etienne từ thời Pháp để lại. Ba tôi hay nói đi bộ lắm ”rạc” cả người, nước tiểu đỏ như máu. Đôi dép cao-su ra đời cách đó vài năm và được coi là mốt mới, oai như bộ đội. Sau còn có dép làm bằng crêpe tựa như nhựa non.

Chúng tôi đã ra tới Phát Diệm. Mọi cái đều mới lạ. Phố xá đông người qua lại. Ai cũng mặc đồ đẹp. Đồng bạc cũng khác đồng bạc Hồ chí Minh. Có đồng in hình Ông Bảo Đại. Thằng em ngạc nhiên lắm vì có một bà bán hàng mà nói hai thứ tiếng. Nó chạy chung quanh bà ta xem có tiếng nói thứ hai ở đâu ra. Nó cho lá có ma. Tôi tức cười và giảng nghĩa đó là cái radio. Mười hai tuổi đầu mới biết cái radio lần đầu trong đời. Ông Cậu và Ông Chú thấy hai cháu ra mừng lắm, đãi cháu uống xá xị con cọp. Thấy mùi thơm thơm có bọt tôi làm một ngụm. Cái lưỡi của tôi bị tê cứng và rát cả tuần mới bớt. Đúng là nhà quê ra tỉnh. Ngược lại, ông nông dân bây giờ lại tỏ ra thành thạo lắm. Chắc ông ta đã ra vào vùng này nhiều lần. Sau khi dẫn chúng tôi vào phòng cha Khánh thì Ông biến luôn vì coi như nhiệm vụ đã hoàn tất.

Cha Khánh hỏi hai con đi đâu. Tôi đưa tờ giấy cho ngài dù biết rằng chẳng liên can gì đền cha cả. Tui nói luôn chúng con muốn gặp Ông cậu Hiền là học tró cũ của cha. Cha nói ngay "Nó nói với cha nó đi Hà-Nội  tuần nay rồi". Cả hai anh em bật khóc. Làm sao bây giờ. Không gặp được cậu ruột thì đi đâu mà về thì ai đưa về… Chúng tôi khóc ấm ức mà quên cả đói. Bây giờ chỉ còn hai anh em và nhớ nhà, nhớ các em, nhớ cha mẹ. Nhớ thiệt là nhớ…. Có tiếng vài người bước vào… "Ờ hai cháu đấy à?". Đúng rồi! tiếng Cậu Hiền và Chú Phát.  Chúng tôi ôm cứng hai người… Việc đầu tiên là Cậu dẫn chúng tội đi  ăn cơm và sau đó đi sắm quần áo. Tôi cứ thắc mắc tại sao chỉ cách nhau môt ngày đường mà hai bên có nếp sống khác hẳn nhau. Người nào ở đây cũng ăn cơm trắng chứ không phải cơm độn như dân làng tôi. Gia đình tôi tuy mang tiếng địa chủ nhưng cũng ăn cơm độn khoai hay đậu. Áo quần thi may bằng vải nội hoá rồi đem nhuôm nước củ nâu. Củ nâu lớn hơn củ khoai mài, người ta gọt vò, cắt thành lát mỏng rồi cho vao cối giã nát, vắt lấy nước để nhuộm vải thành vải nâu.  Vải nâu có mùi khét, nhuộm bằng củ nâu nên đôi khi dày như mo cau, cứa đau cả cổ. Hồi tháng Ba năm Dậu, dân làng đói quá ăn cả củ nâu bị ngộ độc chết…

Chúng tôi khoái hai cái áo Cậu mới mua hồi chiều. Sao nó nhẹ, nó mát và thơm thế. Hai anh em hít hả mãi. Vừa mặc vừa để dành cả năm sau vẫn còn thơm! Tôi thật cảm động lòng tốt của Cậu đối với anh em tôi. Cậu tôi cùng vài thanh niên con nhà khá giả trong làng xuống tỉnh học trong nhà dòng với cha Khánh. Sau 1945 nhà dòng bị đóng cửa, học sinh về lại quê mình chờ đi bộ đội, đi nghĩa vụ lao động hay đi dạy bình dân giáo dục. Cậu tôi còn làm một toán trường thanh niên công giáo, toán Micae. Vì sinh hoạt tích cực quá mấy tên cán bộ trong làng ganh tỵ và dòm ngó. Cậu tôi còn mang thêm một tội là con địa chủ, thấy tình thế ngột ngạt, bà ngoại đồng ý cho cậu trốn ra vùng quốc gia kiểm soát dù mới cưới vợ vài tháng. Mấy năm sau Bà ngọại bị đấu tố vì mang tội địa chủ. Cán bộ bắt Bà phải quỳ nhìn thẳng vào mặt trời đến mù mắt. Bà ngoại có bộ ván lim thật dày. Trưa nóng chúng tôi thường nằm cho mát nhưng cán bộ cứ mượn về làm kịch. Rốt cuộc bà tôi thuê người đóng cho một cỗ quan tài. Ngày ngày Bà tôi lau chùi đến bóng láng. Cô con dâu, mợ tôi, nhìn cái hòm mới mang vể muốn khóc thét!

Ông chủ nhà nơi Cậu tôi ở trọ có dịp lên Nam Định nên Cậu gửi hai anh em tôi lên Nam Định với ông Nội. Chúng tôi kể như bị bỏ học trong khi chờ Ba tôi dẫn mẹ và các em ra sau mà chưa biêt đến bao giờ. Thế rồi như một phép lạ khi thấy năm người đang đi trên bờ ao mà sao giống ba mẹ tôi và các em đến thế. Ô không phải chiêm bao mà là đúng Ba Mẹ và các em rồi. Nhưng sao ai cũng cháy nắng nhận không ra. Kỳ này Ba dẫn mẹ đi bằng đò nên đỡ hơn nhiều. Mẹ tôi khóc mắt đỏ hoe… Cám ơn trời đã cho gia đình chúng tôi được đoàn tụ. Mẹ cho biết các con đi rồi “tụi nó” hành hạ cả nhà. Không đi không biết sao sống! Chúng đang chuẩn bị đấu tố…

Nha học chánh vẫn còn người Pháp làm việc. Họ cho biết Ba tôi ở Thanh Hóa thuộc Trung Kỳ mà nay Trung kỳ chỉ còn Nhatrang là nơi an toàn nhất nên họ đề nghị ba tôi chọn Nhatrang, và trong vòng hai hay ba ngày chúng tôi đã có mặt tại  Huế để bổ túc hồ sơ. Ở phi trường Huế chúng tôi còn đọc được: “Hoan hô Đức Quốc Trưởng hồi loan”. Nhưng những cơn mưa bong bóng không dứt giữ chúng tôi ở trong nhà cả tuần lễ. Chúng tôi cũng không còn nhớ máy bay Cosara hay Air Việt Nam đã đưa chúng tôi vào Nhatrang với biển xanh, nắng ấm và cát vàng.

Ba năm sau, Điện biên Phủ thất thủ, Hiệp định Geneve 1954 chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải ngăn cách Bắc Nam. Một triệu người chọn vào miền Nam bỏ lại mồ mả, ruộng vườn để trốn tránh cộng sản. Hiệp định Geneve chia cắt Việt Nam nhưng đã dành cho người dân cả năm để lựa chọn và chuẩn bị ra đi khác với hiệp định Paris 1975 để lại một sự hỗn loạn và gây nhiều cảnh chết chóc tang thương. Cũng nhờ vậy mà cả làng, cả gia đình ra đi được bình an dù phải trốn tránh. May mắn thay trong cả triệu người di cư có ông bà nội, Bà Ngoại, bà Mợ và các con. Chúng tội mừng rỡ có dịp gặp lại một số bà con, hàng xóm cũng vào được. Với sự trợ giúp của thế giới tự do, chính quyển miền Nam đã ỗn định cho cả triệu ngưòi di cư sau đó.

1975

Từ 1954 đến 1960, miền Nam có thể nói sống trong an bình dù phải đối phó với khó khăn nội bộ. Năm 1960 Cộng sản thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sau khi không có Tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneve 1954. Chiến tranh lại do Cộng sản gây ra. Hoa kỳ và đồng minh đã có mặt để giúp Vìệt Nam tự do chận làn sóng cộng sản. Việt cộng được sự trợ giúp của khối công sản Nga, Hoa cố tình xâm lấn Nam Việt Nam. Chiến tranh ác liệt đã gieo rắc tang thương trên đất nước Việt Nam. Đã có hàng triệu quân nhân Mỹ tham chiến tại Nam Việt Nam.  Gần 60.000 quân nhân Mỹ tử trận làm dấy lên phong trào phản chiến tại Hoa kỳ. Người Mỹ thấy không thắng tại Việt Nam nên đã bỏ cuộc qua hình thức Việt nam hóa chiến tranh và bắt tay với cộng sản Trung Hoa. Biết được người Mỹ không giúp Nam Việt Nam nữa, khối cộng sản nỗ lực giúp Bằc Việt ồ ạt tân công với chiêu bài giải phóng Miền Nam. Từ Bắc xuống Nam và từ cao nguyên xuống đống bằng các tỉnh thành của Miền Nam bị cộng sản xâm chiếm. Dân chúng trốn tránh cộng sản kéo theo một đợt di tản mới từ Miền Trung xuống Miền Nam và sau cùng là bỏ nước ra đi bằng đường hàng không và đường thủy. Ra đi bằng phương tiện chính thức hoặc bằng lén lút, trốn tránh.

Sự rút quân tại các tình bắc Trung phần và cao nguyên đã gây hoang mang và hoảng loạn cho dân chúng. Những đoàn người bỏ chạy  trên quôc lộ bi cộng sản pháo kích chết như rạ. Dân chúng dùng đủ mọi phương tiện để chạy thoát thân gây gia đình ly tán. Việt cộng vào Nha trang cuối tháng 3-1975 khiến đường bộ Nha trang-Sai gon tắc nghẽn. Đủ mọi loại xe dân dụng, quân dụng bị bỏ lại để chạy bộ. Như một phép màu, gia đình chúng tôi đều từ từ vào được Saigon. Chú em út phải chạy theo máy bay chạy trên phi đạo và cuối cùng nhảy lên được. Phi cơ không giám ngừng vì ngừng thì dân chúng và quân nhân tràn lên quá tải không bay lên được. Đó là chuyến bay cuối cùng rời thành phố Nha Trang. Toàn bộ gia tài, nhà cửa đều bỏ lại sau 24 năm gây dựng…

Nhà ông Cậu ở Saigon nay như một “trung tâm hành quân”. Mọi người ra vào nhốn nháo. Ngoài đường xe cộ ngược xuôi inh ỏi. Ai cũng đang tìm đường trốn chạy nhưng không biết chạy đâu. Một máy bay mới thả bom xuống dinh Độc Lập. Không khí hoảng loan lại tăng thêm. Dân chúng xếp hàng để rút tiền mua vàng mua quý kim. Mấy người bạn thân đang ra USAID làm thủ tục đi theo diện chuyên viên. Tòa đại sứ Hoa Ký đông nghẹt người xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh.Từng đoàn xe dài nồi đưôi ra Phi trường Tân Sơn nhất… Một chú em được một người Mỹ làm cùng sở trước đây cho cái mật hiệu và dặn khi nghe được tín hiệu này thì đến các cơ quan Hoa kỳ gần nhất để được di tản. Chúng tôi đánh stencil và quay roneo phát cho từng người. Tôi làm thêm 5 cái thẻ bài cho hai đứa con và  ba đứa cháu có địa chỉ phòng hờ khi thất lạc.

Các văn phòng đều vắng. Nhân viên chỉ còn dăm người. Sốt ruột quá tôi cũng chạy về nhà ăn trưa. Khi vào phòng ăn tôi với tay mở radio, đài FM của Mỹ đang phát thanh nhạc bỗng ngưng hẳn và đọc lên cái tín hiệu tôi quay roneo hôm qua. Thật sự cứ nghĩ làm cho có và không mong nó xảy ra. Mật hiệu lại đọc nữa và có vẽ hối hả hơn.: “ 105 degrees and rising I am dreaming the White Christmas”. Tôi bốc điện thoại gọi chú em mở radio và nói chạy lẹ xuống USAID cuối đường Lê văn Duyệt như đã định trước. Thiên hạ ngược xuôi như nước chảy. Người MP Mỹ không cho chúng tôi vào dù có nói và đưa  mật hiệu. Chúng tôi đến điểm hẹn sớm nhất và chỉ có bốn người, hai vợ chồng và hai con. Mỗi người chỉ có một bộ quần áo trong người. Cái Honda tôi vẫn nổ máy. Bỗng nhiên có hai chiếc xe Jeep có dán chữ Press chở đầy nhà báo trờ tới và anh MP phải nâng rào cản.  Thừa cơ hội, tôi đánh liều chạy theo vào. Máy bay trực thăng đang bốc người  ở building mé sau. Đám phóng viên ngoại quốc mới vào đã biến mất. Môt nhân viên USAID người Việt hứa sẽ bốc những ai đã vào, trong đó có cả gia dình ông ta gồm mẹ già, vợ và sáu bảy đứa con. Chúng tôi ra cổng chờ cha mẹ và các em tới sau nhưng ông MP đuổi vào; lấy lý do có thể bị bắn sẻ. Từ đó chúng tôi mất liên lạc với cha mẹ và các em. Dân chúng tràn vào USAID ngày một đông và trực thăng không tới nữa. Hỏi ông người Việt thì ông ta trả lời phi hành đoàn đi ăn cơm và tới 11 giờ thí ông ta nói phi hành đoàn đi đổ xăng. Sự thật máy bay chở quá tải, bị rơi và bị bắn, nên không tới đón trong thành phố nữa. Sau 11 giờ dân chúng phá hàng rào vào hôi của.  Chúng tôi chán ngán ra về. Phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích, không còn các chuyến bay. Dân chúng bị kẹt cứng chịu trận. Chúng tôi phải ghé vào nhà người quen trú qua đêm. Hai đứa con nhịn đói từ trưa nằm sõng xoài.

Rạng sáng ngày 30 tháng Tư 1975, chúng tôi lại chạy ra kho Năm bên Khánh Hội. Ghe thuyền đủ loại chật ních dòng sông. Mọi người trên bờ ai cũng vẫy tay xin quá giang nhưng không ai dám ngừng.  Có người dùng súng bắn thị oai cũng không làm cho ghe thuyển nào vào cứu. Một số dân chúng hiếu kỳ ra coi cảnh náo loạn. Một só nói gạt ghe này sắp ra khơi để mọi ngưới leo lên và họ lấy xe chạy. Một số khác trèo lên cả ghe đang đóng hay đang sửa chữa. Một số khác đi cướp của. Một số thanh niên đeo băng đỏ chạy tới chạy lui. Ai có băng đỏ đổ xăng khỏi trả tiền. Hai ông đại tá với một nhóm quân nhân đi xe có truyền tin giống như đang đi hành quân cùng với vài người dân sự mà sau đó chúng tôi nhận ra là dân biểu và nghị sĩ. Trước khi ra đi họ còn nói với tôi: Có đi thì ra Vũng Tàu cũng nạp mạng thôi. Tụi nó đã vào đến Cần Giờ rồi. Tôi nhận ra một người bạn bên Hành Chánh bèn hỏi có đi không. Anh ta trả lời gọn  muốn đi lắm nhưng biết đi đâu bây giờ. Tôi đề nghị đi đường bộ ra Vũng Tàu rồi tính. Anh ta trả lời cầu xa lộ chúng giật xập rồi. Tôi có cảm tưởng mọi người đang như con cá trong lờ hay con chuột trong bẫy, ráng tìm cách thoát thân mà không được… Vừa đói, vừa thất vọng, chúng tôi quay xe về văn phòng gần Kho Bạc. Xe vừa lên cầu Calmette thì Ông Minh tuyên bố đầu hàng. Trời đã lất phất mưa. Người lính Thuỷ quân lục chiến gác kho Bạc không còn ở đó nữa. Chúng tôi, cả nhà như muốn khóc và suy sụp hoàn toàn. Tương lai rồi sẽ như hai mươi bốn năm trước mà chúng tôi đành bỏ ra đi.

Một toán quân chừng 12 người, đầu đội nón tai bèo đi dọc bên hông Ngân Khố. Tên chỉ huy la lớn: “yêu cầu đồng bào mở cửa đón quân giải phóng”. Ngày hôm sau chúng tôi được lệnh trình diện tại nhiệm sở. Một số người nhận ra tên chỉ huy mới là một nhân viên Saigon Tín Dụng cũ.

Vài ngày sau đài BBC loan tin những ghe thuyểm và tàu hải quân rời hải phận Viêt Nam. Tôi cầu xin những người thoát đi được có gia đỉnh tôi. Tôi bật khóc lúc nào không hay. Chừng nào tôi mới gặp lại cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè. Nhiều người đã từ Bắc vào Nam năm 1954 với bàn tay trắng, nay lại ra đi một lần nữa năm 1975 và cho đến nay 2017 tính ra 62 năm chưa về Cố hương. Sáu mươi hai năm là cả một đời người.

Cái thư đầu tiên từ ngoại quốc gữi về là thư của Ông Cậu tôi trong đo báo tin cả gia đình đã tới Mỹ bằng an trừ một tin buồn là cô em kế tôi bi khủng hoảng tinh thần khi ra đi, nên đã bước xuồng biển từ chiến hạm Mỹ, bỏ lại chồng và ba con còn nhỏ dai. Cô em này  rất ngoan và được ba mẹ yêu quý. Tôi không hiểu làm sao Ba Mẹ tôi có thể chịu đựng nổi trước tin dữ này. Mẹ tôi cho biết lúc đó trên tàu người đông như kiến, nằm la liệt, nhiều người  nói mê sảng. Mẹ cho biết, khi nghe con chết mà không còn nước mắt để khóc nữa. Ba bốn ngày sau mới thấy đau lòng vì thương con... Mẹ cũng cho biết khi hay tin có người rơi xuống biển, 7 thuỷ thủ Mỹ đã nhảy xuống  mà vớt không được xác vì sóng quá cao. Sau cùng một ngư dân Việt Nam đã nhảy xuống và vớt đươc xác em tôi. Mẹ tôi có đền ơn ông ta nhưng ông không nhận. Sau này mỗi lần giỗ em, tôi vẩn đọc kinh cầu nguyện cho ông được mọi ơn lành. Em gái tôi được thuỷ táng. Đại dương mênh mông biết em trôi dạt về đâu! Nhớ lại hồi còn bé mỗi lần thấy em tôi nhỏng nhẻo, Ba tôi nhăm mắt lại rồi dọa: con không nghe Ba chết nhá.” Không, không, Ba  không được chết đâu đó, và ôm cứng lấy Ba. Thế mà nay em tôi lại ra đi trước Ông Cụ…!!

Sau lễ tại nhà nguyện đường  Tú Xương, vợ tôi nói nhỏ mình đi thăm cô bạn có con đang nằm ở nhà thưong gần đấy. Hai vợ chồng người bạn đang ủ rũ bên đứa con gái nằm thiêm thiếp. Người chồng, nguyên là một phó tỉnh trưởng vùng tiền giang nhưng nay  thì đang khiêng sắt bên kho  Khánh Hội. Tôi kéo ông ta ra mé cửa sổ hỏi nhỏ: “Ông có tính gì không hay cứ khiêng sắt vậy sao? - “Ừ để coi". Dù là bạn thân, Ông ta chỉ trà lời có thế… Khoảng sáu tháng sau hai ông bà trở lại. “Anh còn nhớ chuyện Anh hỏi trong nhà thương không? Nhớ, nhớ chứ, nhưng nay thì tụi tui cạn “cây” rồi sau bốn năm lần thất bại. Mình tổ chức, cũng thất bại mà đi theo cũng bị lường gạt hết tiền. Kể như sau 1975, Miền Nam có một nghề là gạt nhau vượt biên. Đi đâu cũng nghe tổ chức vượt biên. Nếu đồng ý phải đóng trươc vài cây vàng để đóng ghe, mua xăng dầu tich trữ nhưng lúc ra đi thì gia đình họ đi, bỏ mình kẹt lại. Mất vàng, mất tiền mà không dám nói với ai… Hôm nay bị bể, mất dăm cây vàng, sáng hôm sau vào cơ quan phải đóng kịch tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra…. Từ Sàigon lặn lội xuống Rạch giá, một người dẫn ra bến cá, chỉ cái ghe có phơi cái quần xà lỏn. Hắn nói nhỏ tuần sau tui mình “dọt”. Trên đường về hắn xin hai cây vàng “đổ xăng dầu “. Thật giả có trời biết. Đôi khi mặc cả một cây vàng mà lỡ chuyến đi. Tuần sau xuống thăm dò tình hình thì nhà đó đã bị niêm phong, tức họ đã ra đi thật… Đôi khi tin  bạn mình nhưng bạn mình cũng bị lừa gạt thành ra mất tiền cả đám với nhau và mất cả tình bạn lâu  năm. Nhà tôi thường than: đúng là không có cái dại nào bằng cái dại tìm đường vượt biên. Nhưng xét cho cùng đó là một cái giá của tự do. Ngoài mất tiền, đôi khi còn phải trà cả sinh mạng. Nể tình xui gia, hai gia đình  cùng  rủ nhau vượt biên theo diện người Hoa 12 cây một đầu ngưởi. Vì gấp rút và tham tiển, kỹ thuật đóng tàu sơ sài, chở quá đông, tàu chưa ra đến hải phận quốc đã rã bèn. Cả hai gia đình chết hết…

Tụi tôi hỏi ông bạn phó tỉnh:” tui  mình quen biết vói nhau, tôi tin ông bà, nhưng căn cứ vào đâu mà ông bà tin họ” ? - “Hồi tôi làm phó tỉnh thi Ông Ba là kế toán trưởng của tỉnh. Ông ấy tu tại gia. Mấy người đưa hối lộ Ổng gọi tôi cho cảnh sát bắt nhốt hết. Sau đó họ đành phải mua tượng Phật để đền ơn ông ấy. Do đó mà nhà Ổng có tượng Phật chưng từ ngoài ngõ vô đến trong nhà. Một nửa nhà Ổng đi chuyến trước rồi nay đến lần Ồng và mấy đưa con còn lại. “Rồi còn ai làm tài công? - “Anh yên trí đi. Ông này lái cho ViệT Nam Thương Tín trước đây. Đi về Sai gon- Singapore như cơm bữa. Chính lẽ Ổng lái đi chuyến trước cùng chung với vợ con, nhung “taxi” chở Ổng ra “cá lớn” trễ nghi bị lộ nên chúng bỏ Ổng lại. Kỳ này đi có cả anh ruột Ổng nữa… Mấy Ổng là em ông bự để có dịp nói anh sau… Anh tin tôi đi, mất tôi đền “.  Tôi đáp: đã mất thì mất cả hai, Ông cũng mất còn lấy gì đền”. Để cho tôi dễ chấp nhận, Ổng nói “anh có bao nhiêu đóng cho đám họ bấy nhiêu.  Lúc đi anh đem theo mấy đồ anh sắm kỳ trước mang theo được rồi. Ồng muốn nhắc tôi mang la bàn, cờ cấp cứu, pháo hoả châu, bản đồ, mấy cái máy bơm của thiết giáp để bơm nước tự động khi cần….

Sau mấy lần đình hoãn, chúng tôi quyết định đi mùng 4 Tết ta vì thời tiết lúc đó biển còn êm và mấy ông công an còn lo vui Tết. Điểm hẹn gặp nhau của người Sai gon xuống là chợ Cái Bè, lấy lý do đi ăn giỗ. Chúng tôi đã mua xong đồ đi ăn giỗ mà sao không gặp ai quen cả. Kinh nghiệm mấy lần trước thất bại làm tôi lo lắng… Hai cái nón tai bèo lù lù đi tới. Tôi liếc nhìn chừng vợ và hai đứa con. Nếu chúng bắt tôi thi vợ con cứ im lặng về lại Sagon như đã hẹn trước. Tôi nghiệp vợ tôi sợ hãi thấy rõ… Hai cái nón tai bèo ngay sát sau lưng tôi. Cái nón rộng vành nên che hết nửa khuôn măt. Đến lúc này thì tôi lại mong xem chúng làm gì. Dù sao tôi cũng có giấy đi đường đàng hoàng. Một tiếng nói cho tôi vừa đủ nghe: “Chú mới xuống hả chú”. Ối trời! Tôi vừa lo, vừa sợ, vừa giật mình, vừa vui và muốn đá cho nó một phát. Nó là thằng Tính mà. Nó làm tôi hết hồn. Nó đã lên nhà tôi lấy đồ mây lần rồi mà tôi nhận không ra. Phải công nhận nó hoá trang giỏi quá… Chúng tôi lẳng lặng đi theo hai cái nón tai bèo về nhà một người cùng đi với chúng tôi. Nhà một nửa trên bờ một nửa trên sông. Vài cái tam bản của dân chúng đi chợ buộc đây đó.

Tính cho tôi biết  gia đình Ông Phó cũng vừa mới đến đang ở trên lầu và cho biết đúng trưa thì ra điểm hẹn. Thời gian sao chậm hẳn lại. Bụng thì đói mà không muốn ăn. Miệng đắng nghét…

Dân chúng đi chợ đang ra về. Tính lái cái tam bản chở gia đình tôi cùng tách bến.  Cái ghe đi trước có hai tên đội nón cối đang chỉ chỏ chúng tôi và tỏ ra đồng ý vơi nhau chuyện gì đó. Tôi nhìn kỹ lại thí thấy vợ tôi khác hẳn bà con đi chợ về. Cũng đội nón lá nhưng lá còn mới cáu cạnh; cũng mặc quần đen nhưng màu đen còn bóng láng… Nói chung vợ tôi không thể là một thôn nữ lam lũ đi chợ về. Quần áo của hai đứa con cũng nói lên chúng không phài con nít nhà quê. Nếu tôi là công an tui cũng phải xét giấy tờ rồi…

Ghe đang chạy tự nhiên chậm lại và rẽ vào một con lạch. Nhìn lên bờ thấy một ông già cởi cái áo pijama trắng ra và rũ bụi mấy cái làm ám hiệu. Có thể là ám hiệu của phe ta hay là ám hiệu cho công an vây bắt. Trên trời dưới nước chạy đâu bây giờ! Hai cái tam bản nữa mới quay vào nhưng không phải của ông Phó. Tôi lo toát mồ hôi tại sao không tản ra xa mà tụm lại một chỗ như thế này. Những người đi chợ về qua ai cũng nhìn. Thôi may rủi đều phó cho Ơn Trên. Một cái ghe ở xa phóng tới cho Tính biết mười thùng dầu chôn hôm rày bị sóng đánh trôi mất năm thùng; hiện đang nhờ người thu mua. Linh tính như báo điếm chẳng lành. Một người đứng tuổi chèo ghe tới lui đang hát bài Mười Thương. Tôi không thể hiểu Ông ta là ai. Nếu đi chợ thì ai về nhà đó, cớ sao chèo tới chèo lui làm gì?.. Trời tối dần… đến 10 cái tam bản tụ lại giữ dòng sông… Trong xóm tiếng chó sủa vang và to dần. Thôi đám du kích hay công an ra bắt chăng? Nhưng lạ thay trên bờ lại có mười mấy người nói chuyên oang oang… Một cái ghe bự như cái nhà lù lù tới và chẳng ai nói một câu, những nguời trên 10 cái tam bản nhảy lên ghe lớn trong tich tắc. Tôi cũng chẳng còn nhớ tôi đã thảy vợ và hai con lên ghe lớn hồi nào. Chỉ nhớ tôi lên ghe lớn sau cùng. Ông Ba, kế toán trưởng của ông Phó, đứng gần đó cúi đầu chào tôi một cách trịnh trọng. Tôi vỗ vai ông ta và nghĩ thầm “đang hối hả mà chào chi kỹ quá vậy”.

Sáu mươi lăm người đã vào gọn trong ghe. Chúng tôi đang hướng ra cửa Cổ Chiên. Dân chúng Cửa biển này đều làm nghề đóng đáy trên dòng sông nên ghe đi hình chữ chi và phía trước có người dẫn đường. Một em bé trên mười tuổi lái cái ghe nhỏ với ngọn đền dầu đi trước. Một tiếng "xạt" vang lên, ghe bị mắc cạn. Em bé đã quên cái ghe sau em chất đầy người, cần có độ nước sâu hơn. Các em thanh niên xuống đẩy ra một cách nhanh lẹ. Một em cho biết ghe còn phải đi qua ba đồn công an mới ra tới biển. Em cho biết sẽ tắt máy và cho trôi không, để tránh tiếng động…. "Qua ba đồn công an chưa các em?" - "Rồi, êm rồi Chú". Tôi mệt quá nên đã ngủ thiếp đi hồi nào không hay. Hú hồn.

Gió biển mát rợi làm mọi người dễ thở. Em bé đang chào từ biệt. Ai cũng tặng em tiền, nhất là tiền Việt Nam. Có người còn ôm hôn em vì em còn nhỏ quá. Người đi không biết may rủi ra sao nhưng người về thì vật lộn với đời sống lam lũ khó khăn. Tương lai của em là bán vé số, rồi đi thanh niên xung phong, đi nghĩa vụ quân sự bên Căm-pu-chia… Tính đến nay em đã bốn mươi sáu tuổi. Em còn sống hay đã chết, còn ở Việt Nam hay lại tổ chức một chuyến nữa ra đi vài năm sau… Tôi muốn nói lời cảm tạ Em một lần nữa…

“Ối tụi bay ra coi vượt biên” những người lố nhố trên 5 cái ghe đánh cá quốc doanh đang gọi nhau ra xem cái ghe của chúng tôi. Theo lệ thường, mùa này, thuyền ra cửa Cổ Chiên đều hướng về Bắc ra Phan thiết đánh cá. Trong khi ghe của chúng tôi lại xuôi Nam. Hên cho chúng tôi là họ không bắn vì có thấy khẩu AK gần mũi tàu. Thêm nữa họ đã thả lưới nên không đuổi. Và sau cùng có thể họ làm ngơ cho chúng tôi đi thoát… Quả thật như vậy tôi phải cám ơn họ.

Chúng tôi đang xa rời quê hương. Tình cảm thì vui buồn lẫn lộn. Nếu thoát được thì có tự do, có cơ hội cho con cái thăng tiến nhưng rồi quê hương thì sao. Tôi có cảm tưởng phạm tội với quê hương và bà con còn lại. Rặng cau, bụi chuối, lũy tre đang xa dần.Thôi xin chào quê hương ở lại. Xin tạ tội ra đi và xin hẹn một ngày về. Nhưng biết bao giờ… Ba giờ sau một cái ca-nô có lẽ từ Côn Sơn ra đuổi chúng tôi. Mới đầu chúng tôi tưởng hai cái râu tôm nhưng một lúc sau thì rõ ràng hai khẩu cà-nông và trên ca nô chỉ có một người lái. Họ muốn bắt để lấy của rồi sau mới giải về giam để làm tiền. Bác tài công tái mặt. Ông ta nói nó đang đuổi bắt mình. Ông ta trả lại cái ống nhòm cho tôi và tăng tốc lực. Đám thanh niên đang phụ nhau quay cái máy phụ F10. Ba cái tay quay đã gẵy và như một phép mầu khi  bi rượt gấp nhất  thì cái thứ tư thành công. Nhưng nó bắt đuợc mình chỉ là thời gian. Ông tài công làm một vòng tròn trên biển, bọt trắng xóa. Tôi nhìn kỹ thì nó vẫn còn đuổi phăng phăng. Ông bảo để Ông làm hai vỏng tròn liên tiếp và thật gắt rồi ông ta nói “Anh coi xem nó còn không”? Tôi nhìn kỹ thì thấy bọt trắng xoá hình số 8 trên mặt nước mà không thấy cái ca-nô đâu cả ! Ông ta giảng nghĩa vì nó háu ăn, chạy lanh, làm sóng to và chỉ một bất cẩn nhỏ là chui xuống đáy biển. Tôi thật bâng khuâng… Hai người cùng yên lặng.

'Oceano Nox', tranh A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
Sau bốn ngày lênh đênh, biển êm như mặt hồ Dalat. Nhưng ban đêm thí thật kinh khủng. Trên trời dưới nước bao la, một chiếc ghe mong manh lầm lũi không biết mệt mang theo sáu mươi lăm sinh mạng đi tìm lẽ sống. Chỉ một cơn sóng lớn đủ đưa tất cả mọi người về lòng đại dương. Nước biển ban đêm đen như dầu hắc và có vẻ đặc hơn ban ngày. Tôi liền nghĩ đến Cô Em. "Em có linh thiêng phù hộ cho anh chị, các cháu và bà con trên ghe. Lúc này mà sóng gió nổi lên thì ai mà cứu vớt. Anh cũng chẳng có gì cúng em cả…" Tôi đã khóc và cầu xin một cách thành khẩn. Tôi tin Em tôi sẽ cứu người anh Cả. May quá trong túi còn hai điếu thuốc "Hải Đảo". Tôi mồi cả hai điếu thuốc. Cúng em một điếu và tôi hút một điếu!

Tôi giật mình vì qua bốn ngày mà sao không thấy đói. Có lần hỏi đồ ăn đâu thì họ nói trên mui ghe và chỉ có một rá xôi ngào đường, ngọt đến không nuốt nổi. Hình như cũng chẳng có ai đi tiểu. Lo sợ quá cái đồng hồ sinh học cũng không làm việc chăng ? Qua bốn ngày thì phải ra đến hải phận quốc tế mà sao ít thấy tàu bè gì nhiều. Có hai lần tàu buôn thấy ghe chúng tôi ra hiệu cấp cứu SOS, họ ngừng xem tình hình rồi đi luôn, bỏ mặc cho đại dương. Hồi đó có lệ tàu nước nào vởt dân tị nạn thì phải mang về nước đó. Thuyền trưởng vì thương người mà vớt có thể bị đuổi hay khiển trách.

Hôm nay nữa là năm ngày rời quê hương, trôi nổi trên biển cả để rồi không biết sẽ về đâu? Sóng không lớn nhưng sao cái ghe lắc mạnh hơn. Dưới phòng máy xì xào hết dầu. Tôi và Ông phó bắt đầu nấu nước biển đế cất lấy nước ngọt giống như cách nấu rượu ở quê nhà. Trung bình một giờ cất được một lít nước lờ lợ nhưng uống được. Chúng tôi phải giữ kín vì 65 người cùng khát một lúc thỉ nguy to. Ngày mai có lẽ phải phá bớt cái ghe để có cái nấu nước biển mới có nước ngọt?

Một con tàu cao to như trái núi sừng sững chận cái ghe nhỏ xíu của chúng tôi lại. Trên tàu lớn có chừng bảy người cởi trần trùng trục, râu ria rậm rạp, tóc màu hung, thật to lớn, đứng nhìn cái ghe khiêm nhường của chúng tôi. Họ đã đến đủ gần để nói đủ nghe. Họ nói vọng xuống họ muốn gặp thuyền trưởng. Bác tài công cho biết Bác mà lên gặp họ, không ai kềm ghe thì ghe mình va vào tàu lớn bể lấy gì đi nữa. Ông ta đề nghị tôi lên gặp họ. Thật sự tôi hơi lo vì không biết quốc tịch chiếc tàu kia. Nếu nó là tàu của phe Cộng Sản thì họ cũng vớt nhưng lại đem vế tận kho Năm Saigon! Tôi nói bác tài công chạy một vòng quanh cái tàu lớn cho tôi tìm tông tích cái tàu kia. Cái cờ quốc tịch của họ đã bị khói tàu làm đen thui. Theo tôi đoán hoặc là tàu Ấn Độ hoặc là tàu Hòa Lan. Bác tài chạy chưa hết vòng thì tôi nhìn thấy chữ Rotterdam. Tôi la lớn họ là tàu Hoà Lan. “Cám ơn Trời Phật chúng ta sống rồi “. Tôi tình nguyện lên gặp họ. Ông Captain tàu lớn rẫt lịch sự và vui tính. Ông cho biết :

- Ông sẽ vớt chúng tôi với điều kiện là đánh chìm cái ghe nhỏ của chúng tôi

- Đàn bà và con nít lên trước và ở trong phòng của thủy thủ nhường chỗ…

Để chắc ăn tôi hỏi ông ta “Vậy tàu các ông sẽ đi đâu và bao giờ?" Ông cho biết: "Chúng tôi từ Hongkong về Singapore. Sáng mai 7 giờ các ông sẽ tới Singapore”. Tôi biết chúng  tôi đã được cừu thoát và coi như sống lại. Tôi ôm lấy ông Captain và cám ơn mà nước mắt lưng tròng.

Tôi và Ông thuyền trưởng xuống ghe kiểm soát lần chót. Chiếc tàu lớn lùi nhẹ qua chiếc ghe nhỏ và trên biển chỉ còn những mảnh ván vụn trôi lững lờ. Một vài thanh niên khóc vì họ góp công làm ra nó. Nó đã tan tành, sau khi cứu mạng chúng tôi.

TAO TRAN
Kính dâng Hương Hồn Cha mẹ, Em Yến
24-4-2017 
                                                   
Kính cám ơn Cậu NHT đã giúp đỡ gia đình cháu ra đi 1975
Cám ơn bạn NST, (ĐốcSự HC, Ông Phó), Các bạn cùng tàu vớt Smitlloy 12 (1981)
Gửi về hương hồn Lâm Ngọc Báu, người vợ hiền yêu quý
Mến gửi “Người Cuối Trời”
Gửi tới Các Em và các con Linh Trung để nhớ ngày ra đi 1981
Thân gửi quý bạn Kỷ niệm 30-4-75

.

No comments:

Post a Comment