Kính gởi Bác Mao Tôn,
Hổm rày tui bận lo làm rẫy phía sau hậu liêu. Hôm nay có hái được chút rau rừng định đem vô lễ Thầy dùng trong bữa cơm chay lạt, nhưng mà hơi ngại vì nghe có tiếng to tiếng nhỏ bàn tán xôn xao náo động cả Thiền Môn. Dường như có các Đấng gì đó đang BÀN ĐẠI SỰ. Đợi lâu quá sợ rau héo, tui bèn gõ cửa đại để trình lên Thầy chút quà nhỏ mọn này. Kính xin Thầy miễn chấp, đừng xem đây là chuyện ruồi bu như bao chuyện ruồi bu khác. Mà đây là tấm lòng quê mùa chân chất của tui kính gởi trước đến Bác Mao Tôn, sau tặng Thầy Chưởng Môn Phái Hoa Lan và Thầy Hoa sỹ A.C.La.
Xin nguyện cầu quí thầy hưởng nhiều an-phúc trong dịp Lễ Phục-Sinh mãi mãi an lạc hồn nhiên trong tâm. Cầu chúc quí quan vui vẻ trong ngày GOOD FRIDAY.
Nay Kính,
Hai Quẹo, Australia
Chuyện Quê góp nhặt: Rau Càng Cua
Hai Quẹo kể
Trời tháng bảy rồi đó ngheo bà con. Ở cái xứ nào đó có tháng bảy mưa Ngâu chứ tại Trà-Vinh tui thì chỉ thấy mưa dầm. Bây giờ lúa mùa đã cấy xong. Hầu hết dân ruộng đang nghỉ xả hơi. Trời mưa! Mưa cho lúa tốt cho cây xanh. Những trận mưa già rào rào dầm dập suốt ngày. Người lớn bị nhốt trong nhà, đám con nít thì tự do chạy nhảy, vui chơi ngoài sân. Tắm mưa. Ừ, ở truồng tắm mưa, mê lắm! Tắm tới quên hết giờ khắc. Ông trời chạy trốn hay đang đấp mền ngủ đâu rồi? Buổi trưa hay buổi chiều bầu trời đều xám ngắc như nhau. Hai tui thì cứ việc tắm, cứ việc giỡn, cho tới chừng nào bị đánh bù-cạp, môi tái xanh, ngón tay móp xọp, thì mới chịu chạy vô. Cũng có khi bị má cầm roi dọa thì mới bỏ cái tật mê mưa. Bữa nay má đang nấu cơm. Thay vì cầm roi, má đưa cho cái rổ, biểu chạy ra buội tre ngắt rau càng cua vô luộc ăn cơm.
Hái rau càng cua vô luộc ăn? Chắc quí vị gốc thị thành nghe nói vậy thì lấy làm lạ. Rau càng cua luộc? Dà. Mà đâu phải có bây nhiều thôi. Còn nhiều thứ nữa, rau mờ-om, rau đắng ruộng, rau bồng-bồng chẳng hạng, mấy thứ thường dùng ăn sống, cũng phải luộc ăn cho khỏi phí của trời. Nó đều là rau hoang, do trời đãi. Nhiều quá, phải nhổ bỏ để giữ phân cho lúa.
Rau càng cua cũng vậy, nếu hổng ai ăn thì cũng bỏ đó cho nó già nó rụi, uổng lắm. Mùa mưa thì dưới nước cá tép thiếu gì, trên bờ thì ngàn trùng rau cỏ. Trà Vinh tui hồi trước khi được “tiếp thu” và bị phỏng ... thì như vậy đó. Đặc biệt cái cọng rau hiền khô dễ thương được biết tới và mến chuộng hơn hết lại chính là rau càng cua. Nó mọc dày khắp các buội tre quanh vuông ở miệt giồng.
Tui xách rổ chạy ra buội tre sát nhà, quơ từng nắm thiệt bự nhổ lên, trốc rễ, nhẹ re, rồi lấy tay nọ nắm đầu kia, vặn một cái là đứt làm hai, bỏ khúc gốc, lấy khúc ngọn. Một cái rột là có đầy rổ rau non èo sạch trơn. Bưng chạy đi đứng dưới máng nước mưa ở đầu song sốc sốc cho trôi cát rồi đem vô. Má tui đang nấu sẳn nước, má bỏ rau từ từ vô nồi nước đang sôi. Như hóa phép, một rổ rau vun từ từ xộp xuống teo lại còn chỉ một dĩa bàn. Rồi là một bữa cơm đạm bạc ngay trong nhà bếp, bên cạnh ông táo còn tỏa lửa âm ấm khói cay cay và ngọn đèn dầu ống khói sáng trưng. Mưa vẫn rồ rồ trên nóc nhà. Ễnh ương uênh-oang xa xa... Cơm nóng hổi với rau càng cua luộc chấm nước cá kho, có dầm ớt hiểm xanh, vậy thôi. Lâu cắn trúng một miếng ớt, nghe kim chích da đầu, ngứa rêm chưn tóc, nóng râng vành tai và tươm tươm mồ hôi trán. Ấm cúng quá. Nồi cơm bự bị vét hông còn một hột cơm cháy.
Dà! Tui đã được lớn lên một phần nhờ những bữa cơm kỳ cục như vậy! Rau càng cua! In như là nó vẫn còn trong máu tui đây. Bởi vậy bây giờ, sống ở xứ người, thay vì thèm vịt quay heo khìa chả lụa mà có hồi phát nhớ lại rau càng cua tới bắt nằm chiêm bao. Rồi tui cố gắng lần mò tìm cho được hột giống để trồng. Nhưng mà, rau càng cua tự nó mọc thì trời cản cũng hông nổi chớ mình mà trồng nó thì coi bộ hơi căng.
Có lẽ ít có ai mà hổng biết rau càng cua, nhứt là những người sống ở vùng quê miền Nam. Nó chẳng phải là đặc sản của Trà-Vinh quê tui đâu. Ở miệt trên, vùng Gia Định đổ lên, đâu cũng có. Nhưng ở đó người ta kêu nó là Rau tiêu. Vùng đó là đất gò, như Hóc Môn, Trãng Bàng, Tây Ninh chẳng hạng, người ta trồng nhiều tiêu và trầu. Có lẽ vì cái vòi và lá coi giống giống trái tiêu lá tiêu nên nó bị kêu như vậy. Còn bà con tui thấy chùm bông cong cong giống cái ngoe cua rôi kêu nó là rau càng cua? Đúng là xứ của cá tép tôm cua!
Rau càng cua sống được ở nhiều thế đất lắm, trên liếp dừa miệt vườn, trên giồng khoai miệt giồng, cạnh buội chuối, sát gốc bầu, đâu đâu cũng có. Ngoài ra nó còn mọc trong chậu kiểng, bên gốc cây và cả trên nóc đình, trên mái ngói âm dương hoặc trên vách tường nứt vân vân. Đất cát đất thịt nó hổng sợ, mà nó chỉ sợ chỗ ẩm ướt hay ngập nước. Tội nghiệp ghê! Nó cần cù và thiết tha với kiếp sống như vậy đó. Nhưng để ý một chút thì thấy cái chỗ lý tưởng cho nó chính là vùng đất giồng, khô ráo như Trà-Vinh vậy.
Dưới gốc tre mát mát, lá tre khô rụng dày cả gang rồi mục ra thành đất mùn xốp xộp; mưa xuống, chỗ đó rau càng cua mọc tốt phải biết. Dày mịt, khít rịt, xanh um, như cái mền, có khi nó phủ kín hết gốc tre và ôm mất luôn mấy mục măng non. Cọng nào cọng nấy dài 5, 6 tấc, thẳng tưng, non èo, giòn rụm. Nó cần mưa, thích ẩm cho nên mỗi năm nó chỉ nhởn nhơ có một lần theo mưa. Rồi mùa nắng khô, hột nó rụng xuống và nằm ngủ 6 tháng liền trong cát trong lá mục để chờ mưa năm tới. Cái hột tròn vo nhỏ rức như hột cát đó nằm chung với cát thì đố có con mắt nào nhận ra. Gió thổi mạnh một cái là nó bay theo bụi theo cát lên trời, rồi đáp xuống ngọn cây, đậu trên nóc đình, khỏe re.
Rồi khi nó mọc thành cây, cái lá mướt rượt của nó mới thiệt là mặn mà tình tứ làm sao. Hình trái tim! Có người biểu nó giống lá trầu lá tiêu tí hon? Dân cờ bạc thì nói nó giống nút Bích, ách Bích bài cào tây gì đó. Tui thì thích nói nó hình trái tim hơn. Mặt trên lá màu xanh mướt, mặt dưới xanh bạc, nham nhám. Thân nó xanh xanh, trong trong, như cẩm thạch, nhưng mà bở rệu giòn rụm như cọng bông súng lột rồi.
Nếu bức một cọng bỏ vô miệng nhai thử thì chỉ thấy nó ngòn ngọt pha chút vị the the nồng nồng của trầu, mọng nước như bông súng, nghe nó là lạ mà hổng dám quả quyết là ngon cỡ nào. Vậy mà sao nó lại hấp dẫn quá chừng? Có phải vị nồng làm cho say và bắt ghiền như ghiền trầu? Cũng chưa chắc là tại hay nhờ cách chế biến nó mới ngon.
Ở đây hổng nói tới việc dùng nó làm ghém chung với lá cát lồi, đọt sộp, đọt xoài, mã đề, đọt cơm nguội, rau thơm, v. v... để ăn bánh xèo, bánh giá (bánh cống), mà chỉ nhắc món độc chiêu của nó mà thôi. Rau càng cua bóp giấm. Làm gì thì cũng phải bóp cho nó xộp cái đã, như kiểu bóp rau cresson. Rồi tùy giàu nghèo mà có phủ thêm lên trên, hoặc là lớp thịt bò xào, hoặc mấy lát trứng luộc, hay ít tôm khô giã nhuyễn. Hà tiện hơn thì chỉ rắc lên chút đậu phộng rang đập giập, hoặc, hổng cần gì ráo, chỉ dùng rau tươi nguyên chất mà chấm nước tương, nước chao, nước cá kho hay mắm kho. Chỉ có vậy. Đơn sơ, đạm bạc.
Đặc biệt ở miệt giồng quê tui, còn thêm món càng cua luộc, như tui nói hồi nảy. Dù ăn theo kiểu cách nào nó cũng đều hấp dẫn khó quên. “Cái đơn giản là cái đẹp nhứt”. Mình làm bộ nhái theo, nói như vầy: “Ăn uống đơn giản là cái ăn ngon nhứt”. Nhưng lý do mà tui mê loại rau này chắc hổng phải ở chỗ ngon dở mà còn nằm ở chỗ khác. Rồi bà con sẽ hiểu tại sao mà tui cứ rị mọ ráng trồng cho được nó ở cái xứ mà thời tiết tréo ngoe lạ quắc như vầy.
Tui có anh bạn cố gầy cho được mấy cọng “rau-tiêu” để làm thuốc. Ảnh nói rằng rau tiêu trị mụn bọc công hiện thần kỳ. Đem giã với chút muối rồi đấp lên mụn bọc hay mụn bạc đầu, nó sẽ rút hết mủ và bữa sau mụn sẽ xẹp mất. Đó là môn thuốc bí truyền của dân Gò Dầu biên giới.
Còn tui, trồng nó vì nhớ. Tui đã từng ươn mấy lần hột giống được gởi lén từ Việt Nam qua, đều thất bại thảm thê. Sau này, tình cờ có được một ít hột từ rau trồng tại chỗ do người quen khác cho, kèm theo lời chỉ dẫn cách trồng thì tui đã lập được “thành tích tốt” để kể cho bà con nghe đây.
Nè hén. Mình đừng phơi hột ngoài nắng gắt, nó sẽ chết khô, mà chỉ rắc nó vô thùng giấy, phơi trên giấy chớ hông phơi trên đồ sắt, chỉ cần để trong hàng ba vài bữa nó cũng khô mà hông hư. Xong bỏ vô ve đem cất. Đợi chừng nào có thời tiết ấm như Việt Nam thì đem ra trồng. Cái thời hạn gọi là quá “đát” của hột giống này chắc hổng quá 2 năm. Ở Úc trồng rất dễ. Nhưng ở Canada, Bắc Mỹ Ngũ Đại Hồ hay Na Uy lạnh cóng coi bộ khó.
Thú thiệt là tui bù trất về vụ cất nhà kiếng, đặt máy sưởi. Ở xứ ấm như Ốc-sờ-trây-li-a này, vấn đề thổ nhưỡng hông quan trọng lắm, chỉ cần đất xốp trộn với một chút potting-mix bán sẳn trong tiệm, hoặc với chút cỏ mục và chút phân chuồng thật quay là đủ. Chọn chổ nào gần đám cây để có bóng mát và độ ẩm cao một chút. Lấy hột giống trộn với cát mịn, gần 100%, tức là trộn nhiều cát vô. Rối nắm từng nắm cát hổn hợp đó rắc đều trên ô đất đã dọn. Rồi rắc thêm lớp mỏng đất thường lên trên. Rồi lấy giấy bìa đậy lại vài hôm. Mỗi ngày tưới nước sương sương như mưa phùn. Chỉ non tuần lễ là nó nẩy mầm lẳn mẳn chi chít như giá con, thấy mê luôn. Vài tuần sau là có đám rau càng cua. Nó sợ nắng như con gái nhà giàu và thích ở chỗ cao ráo mà lại có độ ẩm nhiều. Lớn lên trong bóng mát nó sẽ trắng ngọc trắng ngà pha màu cẫm thạch, thân dáng thon dài mảnh mai dễ thương lắm. Nếu phơi nắng quá nó sẽ bị lùn, nhánh nhóc lung tung và mau có bông, ăn có vị nồng và cay nhiều hơn.
Chỉ cần gầy được mùa đầu tiên, mấy năm sau tự nó mọc lên hoài hoài y tại chỗ cũ, miễn là mình đừng đào xới làm xáo trộn vùng đất hứa của nó một cách quá đáng. Nếu khéo chăn bón, sau nhà có thể có vườn rau càng cua ăn tới quên lững chuyện nhớ nhà. Bà con cô bác làm thử coi. Chúc bà con gặt hái được... chút niềm vui.
Cũng may mắn, bên nhà rau càng cua dù bị hiếm nhưng chưa bị diệt chủng, chưa được-giải-phóng hay tiếp-thu-toàn-bộ. Chỉ tội cho rau đắng ruộng, hồi trước nó bị coi là cỏ hoang, làm mất công nhà nông không ít. Vừa nhổ bỏ vừa chửi thề. Rau mờ-om cũng vậy. Nhưng bây giờ thì nó đi đâu gần hết, trở nên “hiếm-quí”. Có lẽ vì nó tranh thủ góp công vô nghĩa vụ xóa-đói-giảm-nghèo, cái đói hổng biết ai mang từ đâu tới, làm bà con mình đói theo. Và cứ y như trong kinh: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Ăn sạch trơn rau. Sạch sành sanh. Đau thì uống rượu cho chết luôn. Rau đắng ruộng được “nâng cấp” với “chức năng” quan trọng vậy đó, và nó nghênh ngang nhảy vô tô cháo cá của những người như đói-ăn từ mấy kiếp, đói từ tiềm thức, đói từ trong xương, giờ họ thích nhâm nhi rắn rít đuôn dế châu chấu bù cào ở quán bên đường. Rau mờ-om thì nhảy vô tô phở lai hũ tíu miệt vườn hay trong sóc. Chỉ có rau càng cua được tha vì nó trốn trong vuông tre người dân quê, khó có ai ngang nhiên vô đó mà lặt. Nhưng nó cũng sắp hiếm rồi. Vì nó đang trở thành tấm nệm lót cho tôm chiên, gà rô-ti chình ình bên trên, để phục vụ “du lịch sinh thái”. Cũng buồn!
Ở đời có nhiều cái rất nhỏ nhặt tầm thường thì mình thấy nhàm, rồi quên lững nó đi. Chừng nào mất nó rồi mình mới biết quí biết nhớ. Sống tha phương, nhiều khi nhớ mấy cọng rau quê mùa bình dị thân thương đó hung lắm. Nhưng gẫm đi gẫm lại, nhớ là chuyện nhỏ, cái liên tưởng mới vĩ đại. Nỗi nhớ mới phát thì nhỏ xíu như mụn cám, rồi nó ăn lan ra, truyền nhiễm qua vùng chuyện khác, biến thành ra chuyện lớn. Nó bao phủ cả gia đình, làng mạc, ruộng đồng. Nó đưa mình về mái nhà lá đơn sơ, những bữa cơm gia đình đầm ấm, gợi nhớ lại cuộc sống yên bình, một quê hương xa mút tí tè. Nó dám ôm luôn cả vùng trời kỷ niệm! Tất cả mấy cái vĩ đại như vậy bỗng dưng bị giựt dậy chỉ nhờ một cọng rau càng cua tí tẹo. Lạ thiệt. Rồi bỗng dưng tui nhớ món rau càng cua luộc quá chừng chừng, và thương nhớ má tui tới thót ruột!!!
Hai Quẹo, Central Coast
Australia
No comments:
Post a Comment