05 April 2017

Tháng Tư Năm Xưa:

NGÀY ĐẦU ĐI LÀM KHÔNG MẶC ÁO LÍNH

Vài hôm nay, tin tức Cộng quân đã tới Long Bình, rồi Hàng Sanh… tiếng đại pháo, tiếng súng tiểu liên mỗi lúc một gần hơn, chát chúa hơn.

Mấy hôm vừa qua, nhân viên vào bệnh viện làm thì ít mà nghe bàn tán về sự vắng mặt của các đồng nghiệp thì nhiều. Mỗi ngày số quân y sĩ còn lại một ít đi. Y sĩ trung tá Trần Anh Kiệt trưởng khoa Giải phẫu đã đi khỏi, nhưng chuẩn tướng Phạm Hà Thanh cục trưởng cục Quân Y và y sĩ đại tá Nguyễn Khái y sĩ  trưởng Tổng Y Viện Cộng Hòa vẫn còn đó.

Ông bạn mới quen vài năm trước khi còn ở binh đoàn, đại úy Nguyễn văn Hảo hớt hả bước vào nhà nói: “Ông có đường nào đi, nhớ cho tôi biết với. Không thể ở lại với bọn chúng được. Tôi đã ở lại miền Bắc, sống với chúng sau năm 1954 và đã phải vượt tuyến từ Quỳnh Lưu vào Nam bằng ghe đánh cá năm 1957. Tôi biết rõ chúng. Mình phải đi. Không thể ở lại được.” Tôi thật bối rối. Đi hay ở? Đi ư? - Quan niệm gia đình của tôi lúc đó không thu hẹp ở vợ chồng và con cái, nhưng bao gồm cha mẹ, anh chị em và các cháu đôi bên. Khó quá. Vô phương mà tôi có thể xoay sở cho mấy chục người cùng đi với nhau một lúc. Ở ư? - Hy vọng là mình hành nghề chuyên môn thì sau khi hòa bình cũng không đến nỗi bị trù ẻo nhiều.

30 tháng Tư năm 1975, tôi không vào bệnh viện như thường lệ. Tình hình đang biến đổi nhanh quá. Tôi quyết định ở bên gia đình trong giờ phút nghiêm trọng này. Lệnh giới nghiêm 24/24 do tổng thống mới lên ban hành vài bữa trước vẫn còn hiệu lực. Những tiếng ‘sành sạch, sành sạch…’ liên tục của trực thăng đón quân nhân và thân nhân Hoa Kỳ từ nóc tòa đại sứ cũng như tại một số tụ điểm cao ốc khác đã ngưng. Tiếng phản lực cơ F-5 bảo vệ cho cuộc di tản khẩn cấp không còn gào thét xé trời trên không phận Sài Gòn nữa.

Tiếng Tổng thống Dương Văn Minh dõng dạc trên đài phát thanh ban lệnh đầu hàng, lệnh cho quân nhân các cấp buông súng và mời quân Giải Phóng tới bàn giao. Thế là hết. Tôi thực sự hoang mang. Tôi thừ người nhìn vợ con một hồi, rồi ra đầu ngõ nhìn đường xá vu vơ. Một chiếc xe hơi quen thuộc lướt qua, đi về hướng bệnh viện. Lá cờ Mặt Trận Giải Phóng căng ngang thùng xe phía sau. Tôi nhận ra người lái là một đàn anh quen thuộc. Thấp thoáng những bộ mặt hớn hở với chiếc băng đỏ trên cánh tay. Rải rắc, những thanh niên mặc quần xà loỏng với áo thung hoặc cởi trần thẫn thờ, ngơ ngác, lầm lũi bước vội trên hè phố. Những bộ đồ lính, những đôi giầy ‘saut’ vất bỏ đây đó trên vỉa hè, ngõ hẻm hay tại đống rác. Cửa nhà tù đã mở. Can phạm ùa ra. Nhiều cửa hàng bị hôi của. Người ta ào vào khuân vác những gì có thể lấy được. Chủ nhân đứng nhìn, ú ớ, mếu máo.

Sáng hôm sau 1 tháng Năm, 1975, tôi trở lại bệnh viện theo lệnh của Ủy ban Quân quản ban hành bắt buộc nhân viên phải trình diện nhiệm sở của mình. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi mặc đồ dân sự cưỡi xe đạp đi làm. Sau khi dời khỏi trường Y Khoa Sài Gòn tôi đã được gọi trưng tập liền. Từ đó tới nay tôi chỉ có bộ đồ lính trên người dù là khi đi theo đơn vị tác chiến hay lúc làm việc ở tại Tổng Y Viện.

Tại cổng bệnh viện, vài anh thương binh, một chân co, một tay nạng, ngơ ngác đứng nhìn ngang dọc. Người đeo ba lô, kẻ tay không. Các anh đang đợi gì đây? Đợi xe hay đợi bà con rước? Đợi xe thì không có tiền trong túi, đợi bà con thì bà con đâu có biết hôm nay là ngày anh ra viện. Những anh vốn gốc gác quanh Sài Gòn thì còn đỡ chứ nhiều anh quê mãi miền Trung xa xôi thì sao đây? Chính gia đình anh cũng đang lưu lạc nơi nào sau nhiều đợt chạy loạn. Nào ai biết. Biết về đâu bây giờ?

Tôi vào bệnh viện, gặp lại vài đàn anh như các anh Nguyễn văn Hồng, Lưu văn Chương … và một số bạn bè cũ, Nguyễn Hữu Tâm (Tâm lùn), Đặng Vũ Phấn, Võ Văn Cầu… Mặt xanh chẳng ra xanh, xám chẳng ra xám. Chỉ thấy nét hoang mang ẩn hiện. Anh em lại to nhỏ điểm danh xem ai may mắn vượt thoát, ai long đong ở lại. Nhìn những ông xếp mới từ ‘ngoài’ vào hoặc từ rừng về, qua cách ăn mặc đến cách ăn nói, tôi chưa nhận ra sự gần gũi mặc dù bề ngoài họ cố tỏ ra gần gũi – thật hay giả không ai biết. Loáng thoáng có người cũng nhìn thấy chuẩn tướng Thanh đã dọn nhà ra khỏi bệnh viện, coi buồn lắm. Cũng có người nói thấy mấy ổng 'cách mạng' sáng nay cầm vợt ở ngoài sân tennis.

Tới trại bệnh cũ thì một số bệnh nhân cũ đã vắng mặt, đồng thời những khuôn mặt mới xuất hiện. Trại bệnh này tôi đã được chỉ định phụ giúp từ ngày leo tàu chạy từ Đà Nẵng về cuối tháng trước vốn là trại chuyên về Giải phẫu Lồng ngực. Hình ảnh quen thuộc của trại này là những anh thương binh với cái ống thông ngực (siphonage) không còn thấy nhiều ở đây nữa. Thay vào đó là những thân xác gầy gò xanh mướt vì đói ăn, vì sốt rét rừng.  Tôi thăm bệnh như thường lệ. Có điều khác là ở đây hôm nay ngoài bệnh giải phẫu còn có bệnh nội khoa. Các bệnh nhân cũ dần dần được thay thế hết bằng bệnh nhân mới. Vài tuần sau đó thì hình như chẳng còn thương bệnh binh cũ nào nữa.

Anh bác sĩ ‘cách mạng’ trưởng trại - tình cờ, cùng tên khác họ với tôi - khoe đoàn xe tiếp thu của anh chạy bon bon trên đường từ miền Trung vào mà không gặp ổ gà nào. Anh sướng ra mặt: “Mỹ Ngụy nó làm đường để cho cách mạng mình đi ngon lành.” Anh khoe đã bỏ lại nhà ở Hà Nội hai chiếc xe đạp không có người dùng vì anh phải vào nam tiếp thu. Anh cũng mang ra khoe một cuốn sách về Đường Ruột (Gastroenterology) của Nga trên dưới một trăm trang. Tôi chẳng hiểu gì tiếng Nga nên chỉ biết gật đầu. Anh cao giọng nói là nhờ cách mạng mà các chị em y tá từ nay không còn sợ hãi mỗi khi từ sở về nhà vào chiều tối. Có lẽ anh đã bị tuyên truyền là đàn bà con gái đi đường ban tối dễ bị cướp bóc, hiếp dâm. Anh cao giọng hơn nữa khi tuyên bố rằng năm nay sẽ có đại hội đảng, và anh sẽ được ăn thịt gà. Mắt anh sáng hẳn lên khi nói hai tiếng ‘thịt gà’.

Tôi tiếp tục đạp xe tới sở làm mỗi ngày cho đến lúc được lệnh ‘mang thực phẩm đủ ăn 10 ngày’ đi học tập cải tạo vào tháng Sáu. Và ngay hôm trước ngày trình diện cải tạo, một anh bác sĩ bạn chế độ cũ tỏ ra hơi thắc mắc về học tập cải tạo thì được anh y sĩ ‘cách mạng’ thiếu tá Tung, trưởng khu Giải Phẫu trả lời chắc như đinh đóng cột: “Cách mạng nói một là một. Sau 10 ngày nếu các anh không về thì hãy nhổ vào mặt tôi.” Câu nói này đối với tôi đã như một kim chỉ nam giúp tôi thận trọng khi nằm trong trại cải tạo cũng như mãi mãi về sau nếu chẳng may có cơ hội tiếp xúc với các anh ‘cách mạng’.

TNT
4/05/2017
 

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...