16 January 2017

Vì sao tiền ‘kiều bào ta’ gửi về Việt Nam giảm?

Phạm Chí Dũng

Chủ nghĩa lạc quan kiều hối của giới quan chức kim tiền Việt Nam đã bị giáng một đòn đau điếng khi lượng kiều hối thực về Việt Nam năm 2016 lao dốc hiếm thấy.

Âm 25%!

Sài Gòn – nơi vẫn được “trung ương” xem là “điểm sáng” về kiều vận đồng bạc xanh chủ yếu từ khối “kiều bào” ở Mỹ – chỉ nhận được $4.3 tỷ tính đến hết Tháng Mười Một, 2016, thấp hơn dự kiến đến 10%.

Với cái tên cũ là Sài Gòn và là địa chỉ đã được ước tính có đến vài triệu người có thân nhân ở nước ngoài, thành phố này thường tập trung đến 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Nếu lượng kiều hối về Sài Gòn giảm thì kiều hối chảy vào Viẹt Nam tất yếu giảm theo. Theo đó, lượng kiều hối “tất cả cho chủ nghĩa xã hội” chỉ vào khoảng $9 tỷ trong năm 2016, thấp hơn tới 25% so với dự báo là khoảng $12 tỷ.

Cú lao dốc hiếm thấy trên sẽ càng có ý nghĩa nếu đối chiếu trong hơn 23 năm qua, dòng kiều hối về Việt Nam đã tăng khoảng gần 100 lần, từ mức $140 triệu năm 1993 lên $10 tỷ năm 2012; $11 tỷ năm 2013; $12 tỷ năm 2014, và hơn $13.2 tỷ năm 2015, đưa Việt Nam đứng thứ ba tại Châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Những con số thống kê đầy lạc quan của chính quyền cho biết trong giai đoạn 2002-2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7.7% và 3% GDP. Mức tăng trung bình liên tục của lượng kiều hối những năm gần đây là 10 đến 15%/năm.

Nhưng sau hơn hai chục năm duy trì xu hướng tăng liên tục, hiện tượng rất đáng chú ý là vào năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối bị khựng lại, suy giảm rất mạnh và báo hiệu về dòng kiều hối này có thể đảo chiều trong những năm tới.

Câu hỏi đặt ra là cú sụt giảm của lượng kiều hối sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Kiều hối bước vào chu kỳ giảm?

Nếu vào thời hoàng kim của kinh tế Việt Nam vào những năm 2006-2007, kiều hối có giảm cũng khó có tác động tiêu cực đến nền kinh tế này. Nhưng khi kinh tế Việt Nam đã trải qua tám năm suy thoái liên tiếp tính từ năm 2008, bất cứ một sự giảm sút nào về luồng tài chính ngoại vận cũng khiến nền kinh tế phải chịu thêm áp lực khủng hoảng.

Với $3 tỷ bị sụt giảm từ lượng kiều hối, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 1.5% trong năm 2016. Đây cũng là bối cảnh mà $3 tỷ sụt giảm từ kiều hối năm 2016 lại đúng bằng con số $3 tỷ mà vào cuối năm 2015, chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hào hứng thông báo trước công luận về kế hoạch phát hành “trái phiếu quốc tế.” Tuy nhiên, cho đến giữa năm 2016, toàn bộ kế hoạch phát hành này đã coi như bị phá sản, với lý do đơn giản là& không có người mua.

Trong khi đó, từ Tháng Bảy, 2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây.

Thậm chí, cho tới nay, tiến độ giải ngân các dự án đã ký kết vay ODA vẫn “chậm như rùa,” trong đó có một nguyên nhân chính là ngân sách Việt Nam không đủ tiền để cung ứng vốn đối ứng – thường chiếm khảng 15-20% tổng vốn vay – theo điều kiện của hợp đồng vay vốn ODA.

Việc kiều hối năm 2016 bị “đảo chiều” còn có thể báo hiệu trước một thời kỳ suy giảm liên tiếp kiều hối chảy về Việt Nam, càng khiến nền kinh tế nước này thiếu hẳn sức sống.

Vì sao giảm?

Một nguyên nhân chính làm giảm kiều hối được các cơ quan Việt Nam nêu ra là động thái tăng lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) trong Tháng Mười Hai, 2016 và việc bỏ ngỏ khả năng sẽ tăng liên tiếp lãi suất USD ba lần tới trong năm 2017 đã, đang và sẽ tạo động lực giữ chân đồng đô la kiều hối từ Mỹ chuyển về Việt Nam.

Nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ lại chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia trên thế giới, khi kiều hối từ thị trường này giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng lượng kiều hối về Việt Nam.

Nhưng có phải động thái tăng lãi suất của FED mới là nguyên nhân chính yếu khiến giảm kiều hối về Việt Nam? Nếu đây là nguyên nhân chính thì tại sao vào cuối năm 2015, FED cũng đã tăng lãi suất thêm .25% nhưng lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt mức kỷ lục hơn $13 tỷ? Hoặc nếu đây là nguyên nhân chính thì tại sao kiều hối đã giảm từ đầu năm 2016, trong khi FED chỉ thực hiện tăng lãi suất vào cuối năm 2016?

Trong khi đó, trước và sau hành động tăng lãi suất của FED, khá nhiều chuyên gia nhà nước đã công khai trấn an rằng động thái này chẳng mấy ảnh hưởng đến cơ chế ổn định tỷ giá và tình hình kinh tế Việt Nam. Theo cách nói đó, lý do đổ cho kiều hối giảm do FED tăng lãi suất là thuyết phục.

Vấn đề còn lại chỉ là mục đích kiều hối.

Những năm gần đây, thống kê của Ngân Hàng Nhà Nước và một số bộ ngành cho biết tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh chiếm 70.6% tổng kiều hối chuyển về Việt Nam; tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản chiếm khoảng 20.7%.

Trước đó, vào năm 2011, bất động sản chính là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất với $4.7 tỷ, chiếm 52% tổng doanh số kiều hối năm đó.

Một trong những lý do giải thích lượng kiều hối năm 2015 tăng mạnh là do tác động tích cực từ chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam kể từ ngày 1 Tháng Bảy, 2015 theo Luật Nhà Ở.

Tuy nhiên, đến năm 2016, chính sách này dường như đã bão hòa. Thông tin từ những tờ báo chuyên viết về thị trường địa ốc cho biết nhu cầu và thực tế người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam không tăng đáng kể.

Khác hẳn giai đoạn 2006 – 2007 là thời hoàng kim của hai thị trường chứng khoán và bất động sản, cũng khác với các dự báo liên tục qua những năm gần đây của giới chuyên gia nhà nước và công ty nhà đất về “thị trường bất động sản đang ấm lên,” trên toàn quốc vẫn còn tồn ít nhất 30,000 căn hộ cao cấp quá khó bán và sẽ phải chịu “xả lũ” bởi một nguồn cung với con số tương đương như thế trong vài năm tới. Trong lúc đó, tâm lý chung của người dân có tiền nhàn rỗi vẫn là mua đất. Thị trường bất động sản cũng bởi thế chưa cải thiện được bao nhiêu.

Gần như chấm dứt mọi hy vọng sau chuỗi năm bê bết, hầu hết các thị trường đầu cơ ở Việt Nam như chứng khoán, vàng, ngoại tệ đều chìm nghỉm hoặc có tỷ suất sinh lời quá thấp.

Năm 2016 cũng là bối cảnh u ám của nhiều ngành sản xuất, từ dệt may, đến thủy sản và cả nông nghiệp. Số doanh nghiệp phá sản tiếp tục “nâng lên một tầm cao mới” so với năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, trong lúc thị trường xuất cảng chính của Việt Nam vào Mỹ dần bị co hẹp.

Ngay cả ngân hàng – ngành có tỷ suất lợi nhuận cao cách đây năm năm – giờ đây đang rơi vào cơn suy trầm. Một nửa số ngân hàng thương mại có thể phải bị “tái cơ cấu” và do dó sẽ không còn tồn tại. Ngày càng nhiều vụ lãnh đạo ngân hàng bị bắt giam vì gây thất thoát và tham nhũng. Lượng cho vay từ ngân hàng ra thị trường sản xuất và kinh doanh vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khung cảnh lãi suất cho vay vẫn treo cao nhưng lại quá thiếu thốn đầu ra, nhiều doanh nghiệp vẫn cố thủ trong tâm thế bế tắc “Vay ngân hàng để mà tự sát à!”

Sẽ không ngạc nhiên nếu từ năm 2016 trở đi, bắt đầu một chu kỳ suy giảm đáng kể của dòng kiều hối của “kiều bào ta” về miền đất đã chìm trong cơn suy thoái kinh tế năm thứ chín liên tiếp, tràn ngập bất ổn xã hội và bất ổn chính trị, và nhiều nguy cơ sắp rơi vào cuộc khủng hoảng không lối thoát.

Phạm Chí Dũng
Nguồn: nguoi-viet.com/binh-luan

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...