12 January 2017

Quanh vị tân tổng thống Donald Trump

Lê Huỳnh

Trong cuộc tranh cử vòng loại trong đảng Cộng hòa, tuy chưa có kinh nghiệm về chính trị (chưa giữ một chức vụ công cử nào), ông Donald Trump -một nhà kinh doanh thành công (tỷ phú địa ốc) đã lần lượt vượt qua hết 16 nhân vật lão luyện trong chính trường Mỹ, đã từng là thống đốc các tiểu bang (Rick Perry, bang Texas, Scott Walker, bang Wisconsin, Bobby Jindal, bang Louisiana, George Pataki, bang New York, Jeb Bush (con trai của cựu Tổng thống George H.W Bush và em trai của cựu Tổng thống George W. Bush), bang Florida, … và nghị sĩ (Lindsey Graham, South Carolina, Rand Paul, Kentucky, Rick Santorum, Pennsylvania, Marco Rubio, Florida, Ted Cruz, Texas), đúng ra là tất cả đều lần lượt bỏ cuộc vì qua các cuộc thăm dò, họ đều thua xa ứng cử viên Trump.

Tranh cuộc chạy đua vào Bạch ốc với bà nghị sĩ Hilary Clinton (đảng Dân chủ), qua các cuộc thăm dò dư luận từ đầu chí cuối, Trump chưa bao giờ vượt qua Clinton, thế mà kết cuộc Trump lại đại thắng, bỏ xa Clinton, 306 phiếu đại cử tri (hay cử tri đoàn) so với 232, trong khi Clinton hơn Trump về số phiếu cử tri phổ thông (65.224.885 so với 62.679.229), giống như trường hợp tranh cử năm 2000 giữa George W. Bush (đảng Cộng hòa) và Al Gore (đảng dân chủ) với tỷ lệ khá sít sao về số phiếu đại cử tri (271/266), trong khi số cử tri phổ thông thì lại ít hơn (50 456 002/50 999 897).

Đây là điều nghịch lý, thoạt nhìn ai cũng thắc mắc, nhưng đó là do luật bầu cử Mỹ qui định, tổng số phiếu đại cử tri của các tiểu bang mới là yếu tố quyết định, ngoại trừ hai tiểu bang Maine và Nebraska, số đại cử tri phân chia theo tỷ lệ cử tri thường như Maine (số đại cử tri, H Clinton được 3, D. Trump vẫn được 1), các tiểu bang khác thì số phiếu cử tri thường quyết định toàn bộ số đại cử tri theo nguyên tắc «được ăn cả ngã về không “winner takes all”» nên chi ai thắng thế dầu với tỷ lệ rất cao ở các tiểu bang nhỏ không bằng thắng với tỷ lệ sít sao ở các tiểu bang lớn, để dễ hiểu, xin tạm mượn một thí dụ thực tế qua đồ biểu dưới đây:


Đồ biểu trên cho thấy ứng cử viên Clinton thắng lớn ở đơn vị nhỏ District of Columbia, nhưng lại thua Trump ở hai đơn vị lớn Florida và Pennsylvania, mặc dầu số cử tri thường Trump kém Clinton 60,664 phiếu (248,670-188,006), nhưng lại là kẻ thắng cuộc, 49 phiếu đại cử tri so với 3.

Qua diễn tiến trong cuộc tranh cử, khởi đầu D. Trump không phải ở vị thế thuận lợi trong công luận, nhưng dần dà hạ hết các đối thủ sừng sỏ nhứt trong hai đảng chánh trong chính trường Mỹ, bí quyết thành công trên thương trường đã giúp vào thắng lợi này chăng?

Mới lăng xả vào chính trường và đạt ngay được chiến thắng vang dội, sự kiện này chứng tỏ tài năng thật sự của ông Trump chớ không phải tay mơ như lầm tưởng, những phát biểu khiêu khích, những tuyên bố có thể nói là bạt mạng trong lúc tranh cử và tiếp tục cho đến nay có thể đều được tính toán cân nhắc, điều không ai phủ nhận là tánh khí khác thường khó tiên đoán của ông, đây là đề tài tạo nên nhiều suy đoán trái ngược nhau của các bình luận gia quốc tế, cũng là mối quan ngại cho các nước đồng minh nói riêng và cả thế giới nói chung.

Dầu sao, đây cũng là một thay đổi ngoạn mục và hầu như chỉ có diễn ra tại Mỹ, người dân quá chán ngán các chính khách lão luyện, nói hay hơn làm, mặt khác họ cũng có đầu óc cách tân, tinh thần mạo hiểm, dám thử thời vận nên cả nước háo hức tham dự, theo dõi các cuộc vận động tranh cử và hồi hộp trông chờ kết quả như chờ xổ số, khác hẳn với các nước theo thể chế độc tài, các cuộc bầu bán diễn ra trong không khí tẻ nhạt do kẻ thắng người thua đều biết trước cả rồi, các nước dân chủ khác thì phần lớn chỉ quanh đi quẩn lại các nhân vật có tên tuổi, quen mặt trên chính trường, ồn ào trong nghị trường, điều này cũng do tâm lý quần chúng, muốn ăn chắc mặc bền hơn là thử giao trọng trách cho người mới.

Xã hội luôn biến động, duy có nhanh hay chậm mà thôi, thay đổi nào cũng có lợi cho số người (hay lãnh vực) này và bất lợi cho số người (hay lãnh vực) khác, nhưng trên bình diện tổng thể, thay đổi để thúc đẩy xã hội tiến lên là tốt, bằng ngược lại là xấu, liệu thay đổi ở Mỹ này có tác động ra sao trên bàn cờ thế giới?

Căn cứ vào các đường nét chính đã được phác họa và thành phần nhân sự chủ chốt trong chính quyền mới, giới bình luận tỏ ra lo ngại:

– về lãnh vực nhân quyền, xiết chặc chính sách di dân, dự trù trục xuất hàng triệu người nhập cảnh bất hợp pháp, thiết lập bức tường ngăn cách với Mễ tây cơ, … cùng với việc chọn vị Bộ trưởng tư pháp –Jeff Sessions, -nghị sĩ bang Alabama, người có đường lối cực kỳ cứng rắn trên hồ sơ người nhập cư, nổi tiếng kỳ thị chủng tộc; việc Mỹ không còn đặt trọng tâm đến yếu tố nhân quyền trên thế giới là điềm không lành cho giới đấu tranh dân chủ.

– về lãnh vực môi trường, dọa rút khỏi Công ước Paris về biến đổi khí hậu vốn đã được gần 200 quốc gia thông qua vào cuối năm 2015, chính thức được 109 quốc gia (chiếm 76% lượng khí thải nhà kính toàn cầu) phê duyệt, trong đó có Mỹ chiếm 18% lượng khí thải, điều này nếu xảy ra sẽ bị coi là một sự bội ước và là một thách thức đối với thế giới, việc chọn ông Scott Pruitt -người nổi tiếng hoài nghi về mối nguy hại của việc biến đổi khí hậu, ủng hộ việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch (sinh ra hiệu ứng lồng kính, gây ô nhiểm bầu khí quyển), vốn kịch liệt chống lại Cơ quan bảo vệ môi trường EPA (Environnement Protection Agency) trước đây giờ lại đứng đầu Cơ quan này càng gây thêm lo ngại cho giới bảo vệ môi sinh, có thể coi đây là điềm bất tường cho nhân loại, nhiều khoa học gia báo động, nếu không ngăn chặn kịp thời độ nóng của bầu khí quyển tăng như hiện nay, nhiều thiên tai dữ dội sẽ thường xuyên xảy ra hơn (sóng thần, động đất), nhiều vùng đất thấp sẽ bị ngập lụt, một số đảo quốc nhỏ ở Thái bình dương cũng như nhiều thành phố lớn như New York, Luân đôn, Thượng hải, Bangkok, … có nguy cơ biến mất trong vòng hai ba thập niên tới.

– về mặt bang giao quốc tế, Trump chủ trương xét lại hầu hết mọi cam kết quốc tế từ trước tới nay, trước mắt là Hiệp ước đối tác xuyên Thái bình dương TTP (Trans-Pacific Partnership Agreement) mà chính quyền Obama dày công góp sức, Hiệp ước tuy có vẻ chuyên về kinh tế nhưng ai cũng biết là có hậu ý chính trị, chủ trương chuyển trục sang Châu Á làm đối trọng với thế lực bành trướng Bắc kinh, kế là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation), các thành viên (*) (ngoại trừ Tàu và Nga) cũng bắt đầu lo ngại việc Mỹ từ bỏ vai trò đầu tàu hiện nay, lợi thế hẳn sẽ nghiêng về phía Tàu. Nhiều tín hiệu cho thấy chính quyền mới sẽ căng thẳng với Tàu (xem bài 2017 một khởi điểm đầy xáo trộn?, phần Tương quan với Tàu trong số này), đây là tin mừng cho các nước đang bị Tàu lấn ép.

– về mặt chiến lược, chiến thuật, chủ trương giảm bớt gánh nặng cho Mỹ bằng cách khuyến khích các đồng minh phải tự lo liệu lấy như có ý khuyến khích Nhựt, Nam Hàn võ trang nguyên tử để đủ khả năng tự vệ, như vậy có khác nào khuyến khích thế giới chạy đua võ trang (Nhựt võ trang chống Tàu, tại sao Iran không có quyền võ trang chống Do Thái, rồi Arabie Saoudite võ trang chống Iran), hơn nữa chính Trump cũng chủ trương Mỹ cần phát triển võ khí hạt nhân cho thế giới nể mặt (The United States must greatly strengthen and expand its nuclear capability until such time as the world comes to its senses regarding nukes), ghi nhận trên mạng Twitter Donald J. Tr   ump ‏@realDonaldTrump Dec 22 , trái hẳn với lời tuyên bố đầy tính nhân bản trước diễn đàn LHQ hồi năm 1961 của tổng thống Kennedy: «Every man, woman and child lives under a nuclear sword of Damocles, hanging by the slenderest of threads, capable of being cut at any moment by accident or miscalculation or by madness.», đại ý là thanh gươm nguyên tử Damocles đang treo lơ lửng trên đầu mọi người bất kể đàn ông, đàn bà, hay trẻ con bằng các sợi chỉ mành, các sợi chỉ đó có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào do bất cẩn, tính toán sai lầm hay điên rồ.

Phải chăng ước mơ một thế giới phi hạt nhân (bao nhiêu thương thảo còn dang dở) chỉ còn là giấc mơ giữa ban ngày?

Về phần các nước đồng minh trong Liên minh Bắc Đại tây dương NATO (North Atlantic Treaty Organization), Mỹ sẽ không tiếp tục hào phóng bảo trợ đồng minh nào không đóng góp đầy đủ theo qui định, phớt lờ việc Nga chiếm đóng Crimée của Ukraine khiến các tiểu quốc vùng Baltique (Estonie, Lettonie, Lituanie có nhiều dân gốc Nga) và Âu châu lo ngại, cùng với việc lựa chọn các nhân vật nổi tiếng thân Nga vào các chức vụ quan trọng, tướng Michael T. Flynn, nguyên giám đốc Tình Báo Quốc Phòng [Defense Intelligence Agency] làm Cố vấn an ninh quốc gia, ông Rex Tillerson, chủ nhân tập đoàn dầu khí ExxonMobil làm ngoại trưởng.

Chủ nhân mới Bạch ốc dường xem nhẹ mối quan hệ đồng minh truyền thống, việc duyệt lại các cam kết cũ cũng gây nhiều nước hoài nghi vai trò đầu tàu của Mỹ, họ sẽ tìm chỗ dựa khác, Mỹ sẽ mất dần đồng minh, một bất lợi lớn không những riêng cho nước Mỹ mà cho toàn cầu.

Thế giới phải chăng đang bước vào một thời kỳ nhiều xáo trộn?

Tóm lại, mọi luận bàn cũng chỉ là suy đoán, phải chờ chính quyền mới nắm quyền hành và thực thi chính sách mới biết thực hư, hơn nữa tổng thống Mỹ không phải là người có toàn quyền làm theo ý mình như các thể chế độc tài, Lập pháp Mỹ là cái thắng hữu hiệu, có khả năng ngăn chặn mọi lệch lạc hay quá đà của Hành pháp, ngoài ra công luận Mỹ cũng rất có ảnh hưởng đến các đại biểu (nghị sĩ, dân biểu) của họ, các vị này có thể biểu quyết theo ý công luận hay lương tâm khác với chủ trương chung của đảng.

Lại cũng có thể an ủi, biết đâu «cùng tắc biến, biến tắc thông» hơn là cứ y theo lối mòn, từ lâu ỷ y vào ô dù Mỹ nên nhiều nước (Đức, Nhựt, …) cứ lo dồn nổ lực phát triển kinh tế, không muốn võ trang đủ mạnh để tự đương đầu với các âm mưu bành trướng, như ở Á châu, biết đâu diễn tiến tình hình căng thẳng với Tàu trong khi Mỹ rút lui dần sẽ làm dân Nhựt sáng mắt ra, chừng ấy thử coi «mèo nào cắn mỉu nào»?

Lê Huỳnh

(*) 21 nước : Australie (1989), Brunei (1989), Canada (1989), Corée du Sud (1989), États-Unis (1989), Indonésie (1989), Japon (1989), Malaisie (1989), Nouvelle-Zélande (1989), Philippines (1989), Singapour (1989),  Thaïlande (1989),  Chine (1991),  Hong Kong (1991),  Taïwan (1991),  Mexique (1993),  Papouasie-Nouvelle-Guinée (1993),  Chili (1994),  Pérou (1998),  Russie (1998),  Viêt Nam (1998)

No comments:

Post a Comment