24 January 2017

HÈN

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (hàm đại tá quân đội), trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, báo Văn nghệ số kép 49-50 ra ngày 5-12-1987: “Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn”.

Ông Trần Hưng Quốc thú nhận: “Tôi cũng mong một ngày nào đó tôi hết hèn, dám chê đảng một cách thẳng thắn, chính trực mà không phải dùng tên nặc danh thế này. Chứ bây giờ, nghĩ đến đảng là tôi đã run lên như cầy sấy rồi, sợ cái cảnh phải như các anh Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, …” (Bài Trò chuyện cùng ông NT).

Tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Nụ cười sơn cước, nhạc sĩ Tô Hải viết tự truyện «Hồi ký của một thằng Hèn», trong đó ghi nhận: «Tất cả nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc, nhà kịch, nhà nọ, nhà kia, … đến nay còn bám cái vú đảng đều là … thằng Hèn! Riêng những thằng kiếm chác bằng cách bợ đít, bưng bô cho đảng … thì chữ hèn đối với chúng cũng không xứng đáng!».

Có thể coi định nghĩa chữ hèn của Tô Hải là khá «ấn tượng» (bám vú, bợ đít, bưng bô) và hoàn chỉnh, vì hễ ai hèn thì đều bị khinh khi, gọi bằng thằng (giống như «Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.»), chớ không gọi bằng ông hay một danh xưng nào khác.

Theo giáo sư Nguyễn Đình Cống: «Cái sai rõ ràng nhiều người thấy mà mình không thấy thì mang tội u mê, nếu thấy rồi mà không dám nói thì mang tội hèn.», ông nói rõ: «Trừ một số rất ít có thể đếm trên đầu ngón tay các vị trí thức có một chút dũng cảm vừa phải nào đó, dám nói một cách trung thực ý kiến của mình không đồng ý với lãnh đạo tại các cuộc họp công khai của Quốc hội, của Chính phủ, còn lại phần lớn là hèn.».

Tổng quát, hèn được ông phân làm 3 mức độ:


A- Hèn nhất là loại xu nịnh, luôn tìm cách ca ngợi, chứng minh đã là lãnh đạo, là có quyền thì luôn luôn sáng suốt, bao giờ, cái gì cũng đúng.

B- Hèn vừa vừa là loại mũ ni che tai, có biết có thấy sự thật sai trái nhưng sợ quá, không dám nói, chỉ lo làm tròn bổn phận.

C- Hèn ít, nhưng vẫn cơ bản là hèn, đó là loại hơi có một chút trung thực, dám nói nhưng chỉ nói ở trong nhà, nói giữa vài ba người bạn, nói mà không muốn cho nhiều người nghe được, càng không dám nói cho cấp trên nghe, sợ bị liên lụy.»

Ông đặt tên những trí thức hạng C là «một lũ chó sủa vườn hoang» và tự xếp mình vào hạng đó.

Thật sự mà suy, giống như sám hối hay xưng tội được giải tội, những ai dũng cảm công khai cái hèn của mình rồi thì không còn hèn nữa, như nhạc sĩ Tô Hải từ bỏ đảng cộng sản ngay sau ngày gọi là thống nhất đất nước, phơi bày cuộc đời nhẫn nhục trong sách «Hồi ký của một thằng Hèn», hay giáo sư Nguyễn Đình Cống đã công khai «thông báo từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 03 tháng 02 năm 2016. Yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên tôi khỏi danh sách.» ngay sau ngày kết thúc đại hội XII.

Theo các chuẩn mực trên, thành phần thứ ba ở miền Nam trước 1975 đều thuộc hạng u mê kế đến là hèn, mức độ hèn có thể giảm dần theo thời gian.

U mê vì chống chế độ miền Nam một cách điên cuồng nhưng không lượng định được hậu quả tai hại ra sao như trong bài “Sặc mùi cộng sản”, Nguyễn Ngọc Lan viết: “tôi cũng xin cương quyết lặp lại, bao lâu còn gót giày lính Mỹ nện trên quê hương này, còn chống Mỹ cứu nước. … điều độc nhất đáng kể đối với chúng ta là toàn dân ta đều cần cơm mà sống, vốn cần cơm mà sống, sẽ còn cần cơm mà sống. Mỹ không ăn cơm thì đi chỗ khác chơi.” (Báo Tin Sáng số 733, 27-8-71).

U mê vì hậu thuẫn cho việt cộng nhưng chẳng hiểu gì về cộng sản như Lý Quý Chung thú nhận trong cuốn Hồi ký không tên: « Sự mù tịt về « Việt cộng » và sự thiếu hiểu biết sâu sắc về mục tiêu lý tưởng đấu tranh của « những người ở bên kia nửa phần Tổ quốc » ».

U mê vì bị cộng sản giựt dây mà cứ tưởng mình đóng vai trò chủ động như linh mục Chân Tín đóng vai chủ tịch ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù, nhưng tổng thư ký là sinh viên Việt Cộng Trần Văn Long.

Họ lợi dụng tự do ngôn luận để ra báo chống đối chế độ như lm Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan (báo Đối Diện), lm Trương Bá Cần (báo Công giáo và Dân tộc, tựa đề có công giáo nhưng không thuộc giáo hội), Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận (tờ Tin Sáng), Lý Quý Chung (Tiếng nói dân tộc), Hồng Sơn Đông (Điện Tín), …

Họ lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, một số sư sãi (Trí Quang, Quảng Long, Huỳnh Liên, …), linh mục (Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, …) dùng các nơi thừa tự để tập họp, tuyên truyền xách động quần chúng, chứa chấp bọn nằm vùng.

Họ lợi dụng quyền tự do lập hội để lập ra các tổ chức chống chế độ như Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù của lm Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phong trào bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ  đứng đầu, Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống của bà Ngô Bá Thành, Phong trào dân tộc tự quyết của luật sư Nguyễn Long, Lực lượng hoà giải dân tộc của luật sư Trần Ngọc Liễng , Mặt trận Nhân dân cứu đói của đại đức Thích Hiển Pháp.

Họ lợi dụng quyền bất khả xâm phạm để công khai ủng hộ những kẻ gây hỗn loạn trật tự công cộng, bao che việt cộng như các dân biểu Lý Quý Chung, Kiều Mộng Thu, …, đặc biệt là tướng Dương Văn Minh « Xét về « gốc tích » thành phần của nhóm ông Minh… lộ ra sau 1975, … Gần phân nửa thành viên trong nhóm có quan hệ với MTDTGPMN như ông Cước, anh Nhuận, giáo sư Trung, linh mục Lan, luật sư Liễng… ». (Lý Quý Chung kể trong cuốn Hồi ký không tên).

Ngay sau ngày 30/4/1975, mọi tờ báo đều bị đóng cửa, các tổ chức trên hay cái gọi là thành phần thứ ba đều bị khai tử không kèn không trống, chẳng thấy có một phản ứng nhỏ nhoi nào, điều này xác nhận họ hầu hết chỉ là công cụ giai đoạn của cộng sản, một số đã từng vào mật khu như Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Châu Tâm Luân, …) hay được móc nối như Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, …

Tùy theo công trạng đóng góp cho “cách mạng (!)” mỗi cá nhân được thưởng công, khỏi đi tù cải tạo như Dương Văn Ba hay một số dưới trướng Dương Văn Minh, cho làm đại biểu quốc hội (Ngô Bá Thành, Lý Chánh Trung, Huỳnh Liên, Phan Khắc Từ, …), phần lớn được phong các chức hàm trong mặt trận tổ quốc, trong các hội đồng nhân dân, thậm chí còn cho ra báo trở lại như bán nguyệt san Đứng Dậy của lm Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, nhật báo Tin Sáng của nhóm Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, nhưng rồi lần lượt đều bị đóng cửa (gọi tự ý đình bản năm 1978, hay “hoàn thành nhiệm vụ” năm 1981).

Qua giai đoạn u mê, họ bước qua giai đoạn hèn, một số tiếp tục tâng bốc chế độ độc tài như Hồ Ngọc Nhuận: “Đặc biệt, tháng 9-1975, Hồ Ngọc Nhuận được đưa ra Hà Nội trong “Đoàn đại biểu miền Nam dự Hội nghị Hiệp thương Thống Nhất”. Khi trở về, trong bài Đi Thăm Một Làng Quê Miền Bắc, ông Nhuận viết: “Chúng tôi tin rằng, độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc phải được gắn liền với chủ nghĩa xã hội” (1), như Lý Chánh Trung (1985): “Tuy không phải là người Cộng sản, tôi thành thật mong muốn sự thắng lợi của chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới và tại Việt Nam, vì tôi cho rằng chỉ chủ nghĩa Cộng sản mới tạo dựng được cái xã hội thật sự tự do, bình đẳng và huynh đệ mà tôi hằng mơ ước.” (bài Làm và tin), có người ca tụng cuộc sống người dân miền Bắc một cách lố bịch đến độ “Họ bảo nhau: « bao nhiêu năm trời bọn mình đã phải khốn khổ vì thiếu đói, vì chế độ tem phiếu, bây giờ tự dưng một gã làm báo từ Sài-gòn chân ướt chân ráo ra đây rồi thanh minh, biện hộ, ca tụng cái thiếu đói ấy. Rõ khỉ!” (Hà nội tôi thế đó -Nguyễn Ngọc Lan)

Đến năm 1988 thì hơi thức tỉnh, Lý Chánh Trung viết trên báo Tuổi trẻ: “Triết học Mác Lênin là môn chẳng ai muốn học, mà cũng chẳng ai muốn dạy”, “Tôi (2) nghe thiên hạ đồn rằng bây giờ ông bạn giáo sư đang bị “rét”, vì bị Tổng bí thư ” xát xà bông” làm sao đó. Sự thực ra sao vậy?” Anh Trung liền trả lời : “Quả là bây giờ có sự Đổi mới rồi, chứ nếu không, thì mình bị “lấy mất cái đầu đi rồi” đấy!”, một số ngậm miệng làm thinh như Nguyễn Ngọc Lan (chuyên viên chơi chữ), có ai hỏi «  bây giờ đang làm gì? » – tác giả tỉnh queo đáp  » làm thinh » (theo Thế Phong kể), Kiều Mộng Thu thì kể như câm miệng hến luôn.

Điều trớ trêu là những người cả tiếng tranh đấu cải thiện chế độ lao tù ở miền Nam, năm 1990, lm Chân Tín được chế độ mới cho đi an trí 3 năm ở tại xã Cần Thạnh, huyện Duyên Hải cách trung tâm thành phố 70 cây số, Nguyễn Ngọc Lan bị quản thúc tại gia 3 năm ở Sài Gòn; sống dưới chế độ “Mỹ -Ngụy” (!) thì được cộng sản bảo vệ nên không hề chi (!) (3), đến khi được sống dưới chế độ cộng sản thì lại bị tông xe suýt toi mạng (4); trước 1975 thì viết báo công khai chống chính quyền, sau 1975 thì viết nhật ký (Nguyễn Ngọc Lan), Hồi ký (Hồ Ngọc Nhuận) để than thân trách phận cũng bị cấm in, phải ấn hành ở ngoại quốc, phổ biến chui vào trong nước, muốn bày tỏ bất mãn thì phải luồn lách, vận dụng ngôn từ, nói bóng nói gió như bài “Hà Nội tôi thế đó”, Nguyễn Ngọc Lan bị gán cho là ngầm tả oán chế độ (chữ tôi có thể ngầm hiểu thành tồi, thành tội).

Tại sao trước khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam thì họ tỏ ra hùng dũng thế mà giờ thì lại hèn hạ đến thế?

Câu chuyện cây quất trồng ở bắc sông Hoài thì ngọt, trồng ở nam sông Hoài thì chua (sứ giả Tề Án Anh đối đáp với Sở Linh Vương) giúp giải thích lý do, đó chẳng qua là chế độ cộng sản đã biến giới trí thức thuộc thành phần thứ ba ở miền Nam đã trở thành những thằng hèn như bao thằng hèn ở miền Bắc, bây giờ thì “hèn hóa” cả nước.

Ngẫm lại, lịch sử chỉ là sự tái diễn, giới trí thức miền Bắc năm 1954 cũng lâm cảnh y như vậy, chỉ sau thời gian ngắn chỉnh huấn, nhiều văn nghệ sĩ đã tự lột xác như:

– Nguyễn Tuân: “Khi đã tự mình vạch hết những lỗi lầm cũ, Nguyễn Tuân, con người xưa kia kiêu bạc bao nhiêu, nay đã chẳng nề hà lớn tiếng tuyên bố:

‘’Nhờ ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê của đảng mở mắt cho thấy rõ ý nghĩa và phương hướng của nghệ thuật chân chính sau mười ba năm, in cuốn sách đầu tiên, nay tôi nhận rõ giá trị của sự nghiệp văn chương cũ của tôi chỉ là một mớ sai lầm và tội lỗi. Cái mà tôi vẫn tự phụ là sự nghiệp đó chỉ là những tội lỗi mà nhân dân khoan hồng đã tha thứ cho để tôi chuộc tội từ nay bằng những sáng tác phục vụ được cho lợi ích cách mạng…’’

– Xuân Diệu: “nhà thi sĩ chuyên môn: ‘’Run với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây’’

Xuân Diệu đã vỗ ngực mà thề rằng: ‘’Bây giờ thì phải dứt!’’

Dứt thế nào? Chúng ta hãy nhận xét Xuân Diệu mới qua bài thơ làm sau kỳ chỉnh huấn:
Trước Đây Bốn Tháng

Trước đây bốn tháng, đến Trường
Hồn tôi nghiêng ngả, trí thường hoang mang,
Đường đi quên ánh sáng vinh quang
Bạn thù lẫn lộn, trái ngang cảm tình
Kéo dài tâm trạng lênh đênh
Sống mà lắm lúc như mình bỏ đi.
Hôm nay hết học kỳ chỉnh đảng
Thấy bốn phương trời ánh sáng ùa vào
Bước đầu tuy chửa là bao
Nhưng nghe đã rộng, đã cao vô ngần!»

… (5)
Tương tự, giới họa sĩ như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ,… giới nhạc sĩ như Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên, … đều tự lên án mình, nguyện trung thành với đảng, phục vụ giai cấp công nông. (5)

Cái ưu việt của đảng cộng sản là biến cả một dân tộc không hề biết khuất phục trước ngoại bang đành an phận đớn hèn trước kẻ thống trị trong nước.

Hãy nghe Thái Bá Tân luận về thân phận giới trí thức dưới chế độ cộng sản:
Thương cái thằng trí thức,

Mặc dù chúng khá đông,
Không được thành giai cấp
Như hai bác công, nông.
Mà thằng này lạ lắm.
Phải nói cực kỳ hiền.
Lại nhũn nhặn, lễ độ,
Đến mức tưởng hắn hèn.
Thế mà hắn bị ghét,
Bị coi là cục phân,
Dù hắn ăn mặc đẹp
Và sạch hơn nông dân.


lvt
________
Ghi chú:

(1) Bên thắng cuộc của Huy Đức

(2) Đoàn Thanh Liêm -người cùng nhóm với Lý Chánh Trung trước 1975

(3) Tôi nhớ, ở chiến khu, Bí thư T.Ư Cục – anh Phạm Hùng có lần bảo tôi chú ý bảo vệ Nguyễn Ngọc Lan, nghe đâu ông đi lại bằng một chiếc xe gắn máy cũ kỹ, rất dễ bị ám hại. Tôi truyền đạt ý trên cho anh Tạ Bá Tòng, người trực tiếp liên hệ với Nguyễn Ngọc Lan, (bài Tiễn biệt anh, anh Nguyễn Ngọc Lan của Trần Bạch Đằng: http://thanhnien.vn/thoi-su/tien-biet-anh-anh-nguyen-ngoc-lan-386749.html)

(4) Nhật Ký của Nguyễn Ngọc Lan của Minh Võ: “Đầu tháng 5 năm 1998 NNL chở Linh Mục Chân Tín trên xe gắn máy tới viếng Nguyễn Văn Trấn tức Bảy Trấn vừa qua đời, thì bị xe tông bị thương nặng, suýt chết. Theo lời tường thuật của ông sau đó ít lâu thì rõ ràng người ta đã âm mưu ám hại ông.”

(5) Việt Nam máu lửa của Nghiêm Kế Tổ
Publié dans Uncategorized    | Laisser un commentaire
______________________
Ngồn: Hoa Tâm Tư

No comments:

Post a Comment