27 January 2017

Từ Henry Kissinger đến Peter Navarro và cách dụng nhân ở nước người…

Hà Văn Thịnh

“…Tất cả những quốc gia văn minh đều là thành quả tất yếu của nhiều nguyên nhân khác nhau; nhưng yếu tố tiên quyết chính là: Họ ít khi dùng sai người trong những vị trí có sự đòi hỏi khắt khe nhất về tài năng và đạo đức!...”

Thời sinh viên, khi tự học tiếng Anh (Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1974), tôi lần mò ra Thư viện Quốc gia, tập dịch cuốn "The World after Vietnam: The Future of The US Foreign Policy" của GS.TS Henry Kissinger (Thế giới sau VN: Tương lai Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ).

Thật ra, tôi đọc mười chữ  thì hiểu… loáng thoáng được hai, ba từ; tập dịch khoảng một giờ đồng hồ, phải đi tra từ điển (Tự điển được khóa chắc nơi bàn giữa phòng đọc) ít nhất khoảng... mươi lần(!) Tuy nhiên, với cách vừa dịch vừa đoán bằng kiến thức ngành lịch sử chính trị học, tôi cũng hiểu được lõm bõm rằng, mình đã biết thêm không ít những điều mới mẻ chẳng bao giờ tìm thấy trên giảng đường hay trong SGK…

Trời đất ạ: Tôi choáng váng (gần như nghẹn thở) khi biết cuốn sách in năm 1967, có nghĩa là ngay khi Mỹ đưa quân vào VN (8.3.1965), tác giả đã cầm bút để bắt đầu viết và khẳng định rằng "Nước Mỹ không thắng tức là đã thua và, Việt Cộng không thua nghĩa là họ đã thắng"!

Tác giả cho rằng bằng mọi giá phải đưa Nước Mỹ thoát ra khỏi (chiến tranh) VN trong danh dự, bởi nguy cơ bị Liên Xô "đè bẹp" về vũ khí hạt nhân là nhãn tiền; rằng phải lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung để kéo Trung Quốc (TQ) về phía Mỹ, dùng hàng hóa Mỹ và kỹ thuật Mỹ để đổi lợi ích với TQ; buộc TQ cam kết không để VN thống nhất (đây là  một trong những lý do dẫn đến việc TQ tấn công VN năm 1979 vì "không nghe lời TQ", tức là phá vỡ cam kết với Hoa Kỳ)…

Những dòng chữ có ý nghĩa mở đầu cho Thế Giới Sau Việt Nam đã làm cho sự hiểu biết nông cạn của tôi bàng hoàng. Tôi không hiểu tại sao chính phủ Mỹ vừa phát động chiến tranh mà học giả nói đã thua – vẫn không bị buộc tội phản nghịch? Càng không hiểu nổi chuyện Ứng cử viên đắc cử TT Mỹ, Richard Nixon sau khi đọc cuốn sách, ngay lúc nhậm chức năm 1969 đã bổ nhiệm kẻ “phản động” - H. Kissinger làm Cố vấn An ninh QG, ít lâu sau là… Ngoại trưởng Mỹ, để ký kết Hiệp định Paris, rút quân Mỹ khỏi VN(?)...

Câu chuyện “nhỏ” dường như đã xưa cũ lắm rồi, bỗng nhiên 47 năm sau (1969-2016)… lại “thức dậy” hiển hiện, rỡ ràng…

TT mới đắc cử Donald Trump cho biết ông ta vừa bổ nhiệm TS Peter Navarro, một trong hai tác giả (người kia là TS Greg Autry) của cuốn sách Chết bởi Trung Quốc (Death by China), làm Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng (The White House National Trade Council -NTC)!!! D. Trump nói với báo chí rằng ông ta vừa đọc cuốn sách đó hồi tháng 9.2016(!); những tương hợp về ý tưởng, sự xuất sắc về kiến thức, sự mạnh mẽ và chính xác khi diễn đạt vấn đề hóc búa nhất, nghiêm trọng nhất đối với nước Mỹ của Navarro đã thuyết phục ông – “buộc ông” phải trao chức vụ quan trọng nhất về kinh tế (đứng trên tất cả các bộ trưởng liên quan; có thể hiểu như là “Phó TT” đặc trách về thương mại)…

Câu chuyện từ H. Kissinger đến P. Navarro cách nhau nửa thế kỷ nhưng giống nhau đến lạ lùng. Thì ra, các TT Mỹ họ tìm người để bổ nhiệm chẳng cần ngó ngàng gì đến cán bộ ấy là nguồn hay không nguồn! Họ cũng chẳng cần quan tâm đến quá trình phấn đấu, thành tích, thành phần xuất thân hay tất cả mọi tiêu chí tương tự. Cái hay, cái giỏi của họ là ở chỗ họ chỉ cần đọc là biết ngay, biết đủ, biết đúng về năng lực thực sự của một con người. Điều đáng quý hơn nữa là họ mới chỉ biết ông ấy, bà ấy qua lý thuyết – về nguyên tắc; giờ đây họ sẵn sàng cho người đó cơ hội để thử thách trong thực tiễn; chứng tỏ tài năng trước những hiểm nguy rõ ràng của đời thực trụi trần.

Không hề có bất kỳ yếu tố mơ hồ nào của các ý niệm về “sắp xếp” theo cung cách chọn giày cho vừa chân của các nhóm lợi ích mà mục tiêu tối thượng là có lợi nhất cho đất nước, dân tộc!...

Tất nhiên, chỉ có những nhà lãnh đạo đạt đến cỡ thiên tài mới dám sử dụng thực tài theo “công thức” mà dường như Đấng Tạo Hóa đã bày ra:  Giả sử người giỏi nhất là A, thứ hai là B… thì nhà lãnh đạo có trình độ C không thể dùng A mà chỉ có A’ mới dám sử dụng A…

Vì đã đọc (lõm bõm) cuốn sách của H. Kissinger và hiểu phần nào tài năng của ông (H. Kissinger có 3 bằng TS, thông thạo 7 thứ tiếng, tổ tiên là người Đức gốc Do Thái), nên tôi tìm cuốn sách của P. Navarro để biết vì sao D. Trump lại chọn ông…

Ngay trong lời mở đầu, Navarro đã cảnh báo rằng cuốn sách của ông “không phải là sự chỉ trích mà chỉ là sự thật”; được viết theo lời khuyên của Triết gia Albert Camus rằng “Công việc của những người biết suy nghĩ là không đứng về phía những tên đao phủ”.

Navarro và đồng nghiệp đã khẳng định rằng nhiều người chỉ thích nói về thành tựu của TQ mà không thấy, hoặc không chịu nhìn thấy “người dân Trung Quốc đã phải trả giá như thế nào cho tất cả sự “tiến bộ” này với một hệ thống sinh thái bị hủy hoại tàn khốc, sự tham nhũng, bất công xã hội, mất quyền con người, thực phẩm độc, và điều đau đớn tồi tệ nhất là sự tha hóa của tâm hồn con người” (trang XIV, mở đầu, chúng tôi nhấn mạnh – HVT).

Các tác giả cho rằng, nguy cơ TQ gây chiến tranh gần như là điều chẳng cần bàn cãi bởi đến năm  2035: “Để nuôi cỗ máy sản xuất của mình, Trung Quốc phải tiêu dùng một nửa xi-măng, gần một nửa lượng thép, một phần ba đồng, và một phần ba nhôm của thế giới. Hơn nữa, vào năm 2035, nhu cầu dầu của chỉ riêng Trung Quốc sẽ vượt tổng sản lượng dầu hiện nay của toàn thế giới. Đây là thói phàm ăn chết người. Vì để hỗ trợ cho thói phàm ăn này, các viên chức chính quyền Trung Quốc đã leo lên chiếc chiếu thực dân đẫm máu ngồi cùng các nhà độc tài sát nhân và các chế độ tàn bạo khắp thế giới. Để làm điều đó, các viên chức chính phủ và nhà ngoại giao Trung Quốc đã tiến hành lạm dụng một cách thô bỉ nhất chính sách ngoại giao của Liên Hiệp Quốc mà thế giới từng thấy” (trang 2-3)…

Những sự thật không thể chối cãi với các xác chứng rành rành buộc chúng ta nghĩ đến… ngày tận thế. Nếu bạn chưa tin thì hãy nghĩ ngay đến bài học lịch sử: Chính vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu mà Đức và Nhật đã gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai!

TQ không những thiếu (trong tương lai) nhiều hơn thế mà còn “ấp ủ” cả mưu toan hãm hại loài người. Nếu ai đó vẫn còn nghi ngờ thì hãy nhìn vào thực tế: Chỉ cần mua một trái táo có xuất xứ từ TQ rồi, ăn nó; vậy là bạn đã cung cấp việc làm cho một bác sĩ chữa trị ung thư đến hết đời!...

Đọc xong cuốn sách nổi tiếng của ông Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng, tôi mới chợt tỉnh ra rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ không giống với lãnh đạo ở nhiều nước khác.

Thứ nhất, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi công việc cụ thể trong giai đoạn đó, đều phải tìm cho ra người thích hợp nhất và, phải là người giỏi nhất.

Thứ hai, tuyệt đối không bị quá khứ mang danh là “ông kinh nghiệm” ràng buộc khi lập luận bao biện là người mới thiếu kinh nghiệm. Người Mỹ học được lời khuyên của Phương Đông thật nhanh: “Giao cho nhiều việc để xem tài”. Nhìn từ Kissinger đến Navarro, chúng ta thấy rõ cả hai ông không hề có kinh nghiệm giao tiếp – ngoại giao hay chỉ huy guồng máy kinh tế bởi bao nhiêu năm trước họ là giảng viên. Rõ ràng,việc học tập, đào tạo những kiến thức mới –  đối với người tài, chỉ là chuyện rất… nhỏ!

Thứ ba, cả hai tác giả của hai cuốn sách, khi viết rồi in, họ là “kẻ thù” của chính quyền vì chính họ đã phê phán trực tiếp, toàn diện chính sách của chính phủ đương nhiệm. Chính phủ có thể không thích nhưng chấp nhận như là một kênh để tham khảo. Còn chính phủ mới, nếu thấy có lý và, nhất là, có lợi ích, sẽ sử dụng ngay mà không hề băn khoăn đến những tiểu tiết…

Người xưa dạy, “dụng nhân như dụng mộc” hàm ý rằng phải rất cẩn trọng, không được phép sai lầm bởi chỉ cần cắt bỏ hay đẽo sai một chỗ là súc gỗ quý trở thành… củi đốt! Dùng người càng phải chính xác và tinh tế hơn nữa bởi mỗi quyết định đúng – sai của người đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến hàng chục, hàng trăm người; thậm chí, đến số phận của cả giống nòi…

Từ những dẫn chứng điển hình trên, dù muốn hay không, chúng ta phải giật mình mà “ngộ” ra rằng: Tất cả những quốc gia văn minh, giàu có đều là thành quả tất yếu của nhiều nguyên nhân khác nhau; nhưng, quan trọng nhất, yếu tố tiên quyết chính là: Họ ít khi dùng sai người trong những vị trí có sự đòi hỏi khắt khe nhất về tài năng và đạo đức!...

Hà Văn Thịnh
(Nguồn: http://vanhoanghean.com)

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...