13 April 2012

Đôi điều về

ĐỊA DANH MIỀN NAM

Hoài Việt Trương An Ninh, ĐS14

”Hoành Sơn nhứt đái, vạn đại dung thân”, câu “sấm” của Trạng Trình dành cho chúa Nguyễn, như một định mệnh đã khởi đi cuộc Nam tiến cứ... tuần tự nhi tiến. Từ đó, xứ “đàng trong” lần lượt dài ra, cuối cùng đến tận mũi Cà Mau. Riêng danh từ miền Nam, khởi đi từ thời có tên gọi là Gia Định Thành dưới quyền tổng trấn Lê văn Duyệt vào đầu thế kỷ 19, bao gồm phần đất từ Bình Thuận đến tận Cà Mau. Lần lượt sau đó, vào năm 1834, thời vua Minh Mạng, Gia Định Thành được đổi ra “Nam Kỳ lục tỉnh”, tức là”Gia, Biên, Vĩnh, Định, Giang, Hà”.

Theo lịch sử cận hiện đại, cụ thể giai đoạn quốc gia Việt Nam Cộng Hòa hình thành từ 1956, miền Nam được hiểu gồm từ miền Đông, tức Long Khánh trở vô miền Tây tận mũi Cà Mau.. Trước 1975, tỉnh giáp ranh cuối cùng miền Trung là Bình Tuy, và sau ngày 1975 có lúc được phân định lại, một phần nhập vào Đồng Nai, phần kia ghép vào tỉnh Thuận Hải, coi như vùng trái độn. Trước năm 1975, vì là thời chiến, miền Nam về phương diện quân sự, được chia ra 4 vùng chiến thuật, miền Nam gồm lảnh thổ thuộc vùng 3 và vùng 4. Mặt khác,về địa thế đất đai, nhìn chung miền Nam thuộc thế đất bình nguyên, hoàn toàn khác với miền Trung, nơi mà không kể các vùng biển duyên hải, là gồm cao nguyên với cái xương sống là dảy núi Trường Sơn chạy dài mãi tận giáp ranh vài tỉnh miền Đông. Nơi đây ta thấy rơi rớt những ngọn núi không cao lắm, nằm lẻ loi như núi Bà Đen tại Tây Ninh, Thất Sơn ở Châu Đốc và Châu Thới (Biên Hòa)...

Về lảnh thổ đất đai là thế, về từ ngữ “địa danh” xin được hiểu là tên của một nơi, một địa phương căn cứ vào yếu tố, dữ kiện nào đó. Thí dụ: Cà Mau là địa danh, vì nơi nầy là rừng tràm đước, với lá cây rơi rụng chất chồng khiến nước có màu đen, và theo tiếng của ngừơi Thủy Chân Lạp (Cam Bốt) gọi là”tưk –khmau” (nước đen). Riêng tên gọi “An Xuyên” (thời Việt Nam Cộng Hòa) hay Minh Hải (sau 1975) chỉ là ‘cái tên” được nhà cầm quyền đặt cho. Xem như thí dụ trên, ta thấy địa danh Cà Mau được hình thành bởi 2 sự kiện là “nước đen” và bắt nguồn từ ngôn ngữ người Miên. Căn cứ vào sự kiện vừa phân tích, chúng ta sẽ hiểu vì sao một địa danh dược hình thành và hầu như sẽ vĩnh viễn tồn tại, như Sài gòn đã còn mãi dù ngay sau ngày “tháng tư đen”người ta đã nhanh chóng đổi tên là "thành phố HCM".

Trong khuôn khổ loạt bài nầy, chúng tôi sẽ trình bày tóm lược về địa danh miền Nam, nhưng trước tiên xin sơ qua về cách đặt tên tại miền Bắc. Đây là vùng đất được hình thành từ hàng ngàn năm trước, là thời kỳ nước ta bị ảnh hưởng khá nhiều về văn hóa, ngôn ngữ của Trung Hoa, nên một số những đia danh là tiếng Hán Việt, hay trong lối đặt tên thường theo ngữ pháp tiếng Hán.. Vài thí dụ được nêu ra như: Thăng Long, Bạch Long Vỹ, Sơn Tây, Hà Nội. Hà Nội được hiểu là phía bên trong (nội) của con sông Hồng Hà. Một số dịa danh các nơi miền thượng du, giáp ranh Trung Hoa, nơi có nhiều sắc dân thiểu số, mang những tên như Lào Kai, Mường khương. . . Trở vô miền Trung, nhứt là vùng đất cố đô Huế, với núi Ngự, sông Hương. Thêm nữa, cũng có các địa danh bắt nguồn từ tiếng Chàm, vùng đất từ xứ Huế vào tận Phan Rang., thí dụ Phan Rang là do tiếng” Panduranga “ mà ra v.v. .

Trở vô miền Nam, như chúng ta được biết, trước đây vài trăm năm có ngừơi Thủy Chân Lạp (để phân biệt với Lục Chân Lạp, tức phần đất Cam Bốt và một phần Lào hiện nay). Sau đó, từ khi các nhóm như Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu. . là những viên quan nhà Minh không phục nhà Thanh, chạy sang xin với vua Việt Nam khai phá đất đai, cũng góp phần vào việc khai sinh các dịa danh. Tìm hiểu về địa danh miền Nam, chúng ta phải biết qua về lối sống, cách sinh hoạt của cư dân gồm Việt, Miên, Tàu ( mà lúc đầu đa phần là người Tiều)., chúng ta sẽ rất thích

thú hiểu ra vì sao xuất hiện nhiều tên lạ và ngồ ngộ, mà chắc chắn không tìm thấy nơi hai miền kia của đất nước. Xem như trên, ta đễ dàng hiểu ra vì sao, ngoài những địa danh từ tiếng Miên, còn một ít từ tiếng Trung Hoa nói chung và cả tiếng “Tây” nữa.

Thêm nữa, phát sinh từ tinh thần thoãi mái bình dị của người dân Nam phần, một số địa danh d0u7o75c khai sinh từ những căn cơ thật thông thường, dung dị đến không ngờ. . Dĩ nhiên, địa danh miền Nam thật nhiều, trong bài chỉ có thể đề cập những trường hợp đặc trưng. Trong nội dung trình bày, tài liệu góp nhặt chắc chắn không ít sai và thiếu sót hoặc giải thích hay dự đoán chưa mang tính thuyết phục. . . Trở lại vấn đề, ta thấy trước tiên, về ngừơi Cam Bốt (Khmer), họ thường có tập quán sống quần tụ trong một xóm, tiếng của họ gọi là”SÓC”, riêng người Việt mình gọi là xóm, tức một khu sinh sống của một nhóm người mà thường có những sinh hoạt, nghề nghiệp giống nhau.Về địa hình đất đai, miền Nam là bình nguyên, đất đai bằng phẵng và thường thấp, có những nơi úng hay ngập nước, nên nơi nào đất cuộn cao thành”GIỒNG” hay “GÒ” cao chắc chắn các ông đều thích chọn để cất nhà làm nơi cư trú. Ngược lại, là những địa thế thấp, bên đường nước chảy, thường nước tràn làm ngập quanh năm (ngập lênh láng?), nên khai sinh địa danh có chữ LÁNG đứng đầu. . Cũng có nơi vùng đất trủng hẳn xuống , có nước và cây cỏ mọc thường là đưng, lát, cỏ ống. . và là những nơi sinh sôi nẩy nở các loại cá tôm, rắn rùa. .mà người miền Nam gọi là “BƯNG”. Cũng tương tự như vậy, nhưng nếu là một vùng to rộng và thường nước sâu quanh năm thì gọi là “LUNG” . Một địa hình cũng na ná như lung , nhưng nhỏ và và thường chỉ có nước vào mùa mưa, đó là “BÀU”( các hình thái trên thường không nhiều và hầu hết chỉ xuất hiện nơi miền Tây “đồng chua nước mặn” mà thôi.. Cũng liên quan đến địa hình có nước, được gọi là “ĐẦM”, tức chỗ trủng quanh năm có nước, thường là chỗ tận cùng của con sông, phình ra và nước tụ lại, là nơi sinh sống của cá tôm. . Loại hình thái nầy đa số xuất hiện ở miền Trung (tỉnh Phú Yên củ).Riêng các vùng miền Đông, có các TRẢNG, là những nơi khá rộng và trống trải, không cây cối um tùm, cũng là nơi quần tụ của cư dân. Kế tiếp, nước ta nói chung và miền Nam nói riêng thật nhiều SÔNG, RẠCH, mà theo thống kê có khoản 3000 con sông có chiều dài từ 20 cây số. Để cụ thể hơn, con RẠCH là một sông nhỏ (nhưng cá biệt cũng có con rạch to) và như chúng ta biết”trăm dâu đổ đầu tằm, trăm sông chảy ra biển”. Miền Nam ngoài những con sông riêng rẻ, còn lại là hai hệ thống sông là: hệ thống Sông Đồng Nai và sông Cửu Long, tất cả đều chảy ra biển. Nơi tiếp giáp nước đổ ra biển là”CỬA SÔNG” . Tiếp theo, liên quan đến sông và không cần phải nói, muốn ngang qua sông rạch, người ta phải bắc CẦU... Thêm nữa, sông rạch tự nhiên cũng chưa đủ, nên vì nhu cầu giao thông hay quân sự, hoặc cần thóat nước trong vấn đề thiết kế đô thị.. . ,người ta lại đào những con KÊNH (KINH), thông thường những con kinh nầy khá thẳng và “chạy” qua những địa điểm do con người tính trước. Thêm nữa, nơi các con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, Đồng Nai. . thường do hiện tượng nước xoáy, lắng đọng những cụm đất, lâu ngày tích tụ, cây cối các loại lau lách mọc chằn chịt càng giúp phù sa tích tụ biến thành những CỒN hay CÙ LAO (lớn hơn cồn).

Tiếp đến, căn cứ vào văn hóa, sinh hoạt kinh tế, ta thấy người Việt chuyên nghề trồng lúa nước, nên hầu như đa số nơi qui tụ thành làng xóm là dọc theo các con sông, và cũng nhờ cánh ĐỒNG lúa bát ngát mênh mông, cũng là cái nôi cá tôm sinh sôi nẩy nở, rồi tuôn ra sông rạch, mà nổi bật nhứt là giống cá linh, gồm những muôn ngàn triệu trứng cá từ trên dòng Cửu Long(bên Cam Bốt) đổ về, qui tụ và lớn lên nơi Đồng Tháp Mười ( liên ranh tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An), đến khoản tháng 9 hay 10 đổ về sông rạch miền Tây. Về kinh tế, vùng đất phương Nam là nơi có nhiều vườn cây ăn trái, từ miệt miền Đông với Long Khánh, Biên Hòa, Bình Dương, miền Tây với hầu hết các tỉnh , ngoại trừ vùng”Miệt Thứ Cà Mau”.Tương tự như Bắc và Trung, miền Nam cũng được bao bọc bởi bờ biển trái dài từ Vũng Tàu vòng sang tận Hà

Tiên, giáp ranh Cam Bốt. Điểm khác biệt là bãi biển miến Nam đa phần là đất bùn, với những vạt nghêu sò thiên nhiên hay nuôi trồng., và ngoài khơi gần bờ xuất hiện những HÒN và xa khơi là các ĐẢO.

Về địa lý nhân văn kinh tế, khi xã hội miền Nam ngày càng phát triển, việc buôn bán giao thương nở rộ, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại chủ yếu bằng đường thủy, nhứt là trên đọan đường ngắn vùng nộng thôn. Xuồng ghe lớn nhỏ ngày ngày qua lại phải đi qua những khúc VÀM, để rồi ghé vào các BẾN, thường cũng là nơi tụ tập bán buôn , biến nơi đây thành CHỢ. Thêm nữa, thời nào cũng vậy, phải có vấn đề giữ gìn an ninh, các trạm đồn canh gác gọi là” THỦ”, các vị tuần đinh giữ nhiệm vụ gọi các “ông thủ”. . . Nhìn vào toàn cảnh sinh hoạt vừa nêu, cùng lai lịch phần đất Đồng Nai Cửu Long, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra vì sao các địa danh miền Nam, khá nhiều mang tên đứng đầu là :SÓC, XÓM, GIỒNG, GÒ, BẾN , VÀM, TRẢNG, CHỢ, CẦU, CÁI, RẠCH. . .Các từ này thường ghép thêm tên những thổ sản, sản phẩm địa phương, hình thể hay danh xưng những nhân vật nổi tiếng. Theo một thống kê, ghi nhận có tất cả:45 đia danh mang chữ SÓC, 16 mang chữ VÀM, 63 mang chữ CÁI và 24 mang chữ CẦU. Tiếp theo cũng còn nhiều địa danh do từ cây cỏ, thực động vật phổ biến nơi đó hay các nhân vật nổi tiếng.

Sau đây chúng ta sẽ cùng đi một vòng miền ĐNCL, từ nơi “Nhà Bè nước chảy chia hai” đến nơi”Con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu”. chúng ta sẽ biết đâu gặp lại nơi cắt rốn chôn nhao hoặc nếu không, những ai đó đã một thời “dừng bước hành quân” hay là những”tai to mặt lớn” một thời..Bài biên khảo nầy là những sưu tập, mà vì những giới hạn khách quan và chủ quan, nên còn nhiều hạn chế. . . Thời gian mãi trôi, vật đổi sao dời, nhiều địa danh “chết” theo năm tháng, hoặc tàn nhẫn hơn, do con người đã cố tình, như trường hợp điển hình là tên Sài gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa,(một quốc gia hưng thịnh hơn hẳn nhiều quốc gia Đông Nam Á thập niên 1970) và Gia Định đã bị cố tình xóa bỏ sau 1975. Chúng ta đang ở đây, dù muốn dù không cũng làm thân viễn xứ, nơi quê hương thứ hai Mỹ, Âu, Úc . . , chúng ta được no ấm, tự do dân chủ, đầy ấp tình người và tương lai.. ; nhưng trong phút giây lắng đọng, hãy cùng nhau tìm lại”hình bóng quê nhà”, đọc tên địa danh để. ..bỗng nhớ lại nơi mình cắt rốn chôn nhao . Và riêng những con em chúng ta, muốn tìm về cội nguồn , sẽ có cơ hội biết qua. . Sau đây, xin hãy bắt đầu bằng chữ:

- CÁI: , theo một giải thích là từ nơi nhánh sông, ngả lớn(Cái) đổ ra sông lớn . Lần lượt, từ các tỉnh, gồm có:

- Cái Nứa, Cái Đôi: hai địa danh ở Mộc Hóa(Kiến Tường củ)

- Cái Bè (tỉnh Định Tường củ, nay là Tiền Giang)., và tại quận Cái Bè lại có” Cái Thia” và “Cái Nưa”, là nơi anh hùng Võ Duy Dương chống Tây ngày 15/4/1865. Con rạch “Cái Thia” khá nổi tiếng, chảy về Đồng Tháp Mười.

-Cái Mơn(thuộc Bến Tre hay Vĩnh Long tùy lúc) là nơi nổi tiếng đặc sản sầu riêng dầy cơm hột nhỏ, thơm ngon. Đặc biệt đây là nơi sản sinh ra nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Ông là người Việt đầu tiên biết hơn 20 ngoại ngữ, rất lão thông tiếng Pháp, đóng góp nhiều công sức trong quá trình khai sinh chữ quốc ngữ.

-Cái Nhum (thuộc huyện Mang Thít, Vĩnh Long ngày nay.)

- Cái Bông, thuộc quận Ba Tri, là nơi quê hương của cụ Phan Thanh Giản, và “Ông Già Ba Tri”, nhân vật huyền thoại nổi tiếng dám đội đơn đi đường bộ ( thời nầy làm gì có xe các loại) ra tận triều đình Huế “khiếu kiện” với vua Tự Đức. Trên khía cạnh nào đó, ông già nầy có thể là một “dân oan” đầu tiên của Việt Nam. May mắn thay, theo sách sử ghi lại , ông đã được “đèn trời soi xét”.

- Cái Cui , xã Hòa Lộc (Tam Bình) quê hương của thạc sĩ Phạm Hoàng Hộ, nhà sinh vật học nổi tiếng, từng là Viện trưởng Đại Học Cần Thơ.

- Cái Thia, Cái Nhum, Cái Vồn (Vĩnh Long). Cái Vồn là nơi bên nây bờ sông có cây cầu treo Cần Thơ dài nhứt Việt Nam, cũng là nơi chuyên làm nhang..

Cái Tàu Hạ ( trong phạm vi Quận ĐứcTôn,Sa Đéc củ.)Cái Tàu là nơi vào thời Cộng Sản, khoản thập niên 1990, thời ngăn sông cấm chợ có trạm thuế Công Thương Nghiệp thật khắt nghiệt, có lần các bộ đội phế binh CS bắn chết cán bộ thuế.

- Cái Mít , là tên con rạch ở Lai Vung (Sa Đéc), chảy qua sông Hậu.

-Cái Sắn ( thuộc Rạch Giá và Hậu Giang tùy lúc)là nơi đồng bào “Bắc kỳ di cư” quần tụ, phát triển, nổi tiếng với sản phẩm thuốc lào “không say không nghỉ”.

- Cái Lớn và Cái Bé; là tên hai con sông từ Chương Thiện (củ) chảy ra cửa biển Rạch Giá.. Nhận đây cũng xin ghi lại hình ảnh oai hùng của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, một vị Tỉnh Trưởng rất trẻ, tuổi khoản 35. Ông gốc là một thiếu sinh quân, sau học Võ Bị, là một sĩ quan can trường, đã anh dũng chiến đấu tới giờ phút chót(30/4/1975) bị bắt và xử tử tại Cần Thơ khoản tháng 8/1975.

- Cái Khế,Cái Răng,Cái Tắc,Cái Côn (thuộc tỉnh Phong Dinh củ,nay là Cần Thơ).

(Cái Răng nằm cách cách Cần Thơ khoản 5km về hướng Sóc Trăng.. Nhân đây,xin lạm bàn đôi điều như địa danh , Cái Răng thì ai cũng biết vì mọi người đều có. . cái răng. Nhưng sao lại là cái răng, không là cái lưỡi!. Thực ra, từ nầy là do thời xưa lắm rồi, người Khmer vùng Xà Tón, Tri Tôn nắn những chiếc”cà ràng”(một loại lò có cái bợ dài để chụm củi, rơm . .không rơi túa ra ngoài). Họ mang đến vùng chợ nầy bán rất được ưa chuộng, và từ đó tên “Cái Răng” dần hình thành. Nhưng về Cái Tắc thì sao, xin chịu, vì chưa ai giải thích êm xuôi có căn cơ.)

-Đặc biệt ta không thể không đề cập đến Cái Khế, là địa danh chỉ cách bắc Cần Thơ non cây số, hiện nay có ngôi trung tâm thương mại khá to. Hướng về thành phố,thêm khoản cây số, có cây cầu tên Cái Khế, sát đó bên trái là tư dinh của tướng tư lệnh vùng Bốn CT.Tại nơi nầy vào ngày 30/4/1975 , vị tư lệnh Nguyễn Khoa Nam sau khi đi thị sát và thăm viếng thương bệnh binh, ông đã về mặc quân phục chỉnh tề, ngồi vào bàn dùng súng cá nhân tự sát. Đồng thời trước đó, tướng tư lệnh phó là Lê văn Hưng cũng đã tự sát. Đọc đến đây, xin hãy cùng một lần nghiêng mình , tưởng niệm anh linh các tử sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa và hai vị tướng anh hùng của chúng ta.

Trên gân 37 năm qua, bao nhiêu ngàn lần nước chảy qua cầu Cái Khế. . Giờ cũng đến lúc tạm quên, cùng nhau nghe lại chút dư vị của những vần thơ mang nặng tình quê. .

“Cái Răng, Ba Láng, Vàm xáng, Phong Diền

Anh có thương em thì cho bạc , cho tiền

Đừng cho lúa gạo xóm giềng học cười chê. . “

- VÀM: ( là do tiếng”Peam” của người Khmer, nghĩa là cửa sông), và ta chắc chắn phải biết:

- Vàm Cỏ Đông ( cầu Bến Lức),Vàm Cỏ Tây ( cầu Long An)

Đặc biệt, nước hai con sông nầy tại có màu xanh và khá trông, không vẩn đục màu nước bạc như sông Cửu Long, vì sông chảy ngang vùng đất phèn. Cũng do đất pha phèn, lại rất thích hợp cho cây khóm(thơm) mọc xanh tốt và ngọt, mà cô bác trên đường qua lai xuôi ngược miền tty có dịp thưởng thức.

- Vàm Cống (Long xuyên).

Theo giải thích, gọi Vàm Cống vì nơi nầy cái vàm có một đoạn khá dài, hình như cái quặng, còn gọi là cái cống dùng để vào miệng chai khi rót chất lỏng như rượu hay dầu lửa..

- Vàm Nao (Châu Đốc)

Địa danh nầy đã đi vào thơ văn . Có anh chàng dân quê nào đó , thương thầm nhớ trộm cô nàng, đã mộc mạc thở than:

Ngó lên Châu Đốc,ngó xuống Vàm Nao

Anh thương em ruột thắt gan bào,

Biết em (có) thương anh lại chút nào hay không ?.

Ôi, thời xa xưa chàng trông đứng trông ngồi, tỉ tê qua câu hát câu hò. . Hình ảnh chân quê ấy nay còn đâu. Ngày nay, nếu cần cứ thoãi mái móc “điện thoại di động” ơi ới gọi nhau hay lên mail “chat’ cho nhanh.

-BẾN: ( là nơi bãi đất rộng to để ghe thuyện tụ tập, trao đổi bán buôn), ta thấy:

-Bến Tranh ( Mỹ Tho củ), nằm trên quốc lộ từ Long An về gần tới ngả ba Trung Lương.

-Bến Tre ( là tỉnh của ông Đồ Chiểu, một nhà ái quốc mù lòa, là tác giả truyện Lục Vận Tiên. Bến Tre cũng nỗi tiếng là xứ dừa, với trên 30.000 mẫu, nhiều nhứt trong các tỉnh Việt Nam, kế sau là vùng Tam Quan –Bình Định.).

-Bến Lức( Long An) là nơi có chiếc cầu, mà vào thập niên 1950, xe cộ qua lại một chìu nên dễ xảy ra nạn kẹt cầu,lắm khi cả đôi ba giờ. Kẹt cầu rất nản, nhưng cũng là dịp thưởng thức miếng khóm thơm ngọt, cũng là dịp để nghe giọng hát bi ai với bài ca vọng cổ, như bài”Sầu Vương Ý Nhạc” của Viễn Châu;

. . Em ở nơi nào, em ở đâu

Lời ca tức tưởi giữa cung sầu

Quê nghèo áo nhuộm màu sương gió

Một kiếp phong trần mấy bể dâu. .

- Bến Sút, Bến Gỗ (Biên Hòa củ); là nơi vận chuyển gỗ. . .,cây to thì gọi là sút (?).

-Bến Cát (Bình Dương ).

- Bến Được ở xã Phú Mỹ Hưng-Củ Chi- Bình Dương(nay lại thuộc TP/HCM)

- Bến Cầu (tên huyện thuộc tỉnh Tây Ninh), Bến Cầu là bến có cây cầu gần bên..

- Bến Đỗi ( huyện Gò Dầu, Tây Ninh) là nơi trao đổi buôn bán nên gọi là Bến Đỗi. Nên ghi nhận thêm, từ xưa nay thời Việt Nam Cộng Hòa và hiện nay, các vùng lảnh thổ ven biên của Tây Ninh, Long Xuyên và Long An. . đều diển ra mua bán hàng hóa “lậu một cách công khai”.

_ Bến Nghé, Bến Thành. . là hai địa danh quá quen thuộc , mà ai cũng biết.

Và hẳn chúng ta còn nhớ có cả “Bến Tắm Ngựa” nữa.

-RẠCH :( là thủy lưu đưa nước từ các sông lớn vào xóm làng hay rộng đồng , cũng là cho các xuồng nhỏ luồn lách, vào những xóm nhỏ ). Ờ miền Nam, rất nhiều rạch, như trong một tài liệu ghi ra , từ Thốt Nốt đến chợ Long Xuyên chỉ 19 cây số mà có đến hơn 30 con rạch xuồng nhỏ đi lại được. Tên các con rạch thường ghép chung với những thảo mộc phổ thông nơi đó như:

- Rạch Chiết ( trên xa lộ Biên Hoà Nơi nầy có cây cầu không to gì, nhưng trước 1975, có bộ phim mang tên ”Cầu Rạch Chiết” khá ăn khách..

-Rạch Dừa ( Phước Tuy củ, nơi có Trung Tâm Huấn Luyện CSDC/VNCH).

-Rạch Bần ( ngay tại thành phố Cần Thơ), tác giả bài nầy cũng từng đến nơi nầy nhiều lần và còn thấy nhiều cây bần !

- Riêng tại sài gòn, cũng có khá nhiều con rạch nhỏ như: Bà Rào(Q. 8), Lò Gốm(Q.6), Ruột Ngựa(Q.6), Cầu Bông), thị Nghè(Q.3 , Bình Thạnh)

Nhưng như đã nói trên đây, cũng có vài biệt lệ, vì có những rạch không nhỏ, thậm chí khá to và nổi tiếng như:

-Rạch Gầm( Mỹ Tho) nơi vài trăm năm trước Nguyễn Huệ đã đánh tan quân Xiêm , khi quân giặc nầy sang tiếp cứu Nguyễn Gia Long.

Nhân nói đến địa danh nầy, ta hãy cùng nghe lại mấy vần thơ như sau:

Ầu ơ. . Rạch Gầm, Xoài Mút tâm tâm

Xề xuống chút nữa là Vàm Mỹ Tho

Bần gie đom đóm đậu sáng ngời

Rạch Gầm , Xoài Mút muôn đời oai linh.

-Rạch Giá( tên một tỉnh) vì nơi nầy có con rạch nhiều cây giá mọc.

-Rạch Sỏi (cũng thuộc Rạch Giá)

-Rạch Cát (vùng Chợ Đệm, nay cũng là huyện Chợ Đệm, Long An).

-KINH:

Đa số những con kinh qui mô là ở miền Tây Nam Phần, vì miền đông thường địa thế không hoàn toàn bằng phẳng, đất đai không thích nghi việc đào kinh và xử dụng đường bộ tiện lơi hơn. .. Sau đây là một số con kinh điển hình như:

- Kinh Vĩnh Tế ở vùng Châu Đốc

-Kinh Xáng Xà No tại Chương Thiện củ

- Kinh Mạc Cần Đưng (Rạch Giá-Hà Tiên)

-Kinh Ngả Bảy (còn gọi là kinh Quản Lộ) , gồm 7 ngả từ Phụng Hiệp(tình Cần Thơ), đi về Sóc Trăng, các vùng xung quanh và về Ngả Năm thì có con kinh Ngả Năm. Và chảy khá xa đến tận Bạc Liêu, Cà Mau.Đây cũng là tên một Quận thuộc tỉnh Ba Xuyên củ, nay là Sóc Trăng. Cũng nhân đây, xin một giây ghi lại chuyện Vị T.Tá Quận Trưởng sở tại, sau 1975 bi bắt và bị xử tử - v. . v.

- Kinh Nguyễn văn Tiếp , nối Định Tường với nhánh sông Tiền )

- Kinh Đồng Tiến, (Kiến Tường củ). Đây là con kinh đào vào thời đệ nhứt Cộng Hòa, trong kế hoạch “dinh diền, khẩ hoang” của T.T Ngô Đình Diệm.. .

Cũng có những con kinh với qui mô nhỏ hơn hẹp hơn , như tại Sài Gòn, có ;

- Kinh Tàu Hủ (Chợ Lớn),quận 5, 7), kinh Đôi( quận 8), kinh Tẻ(quận 4), kinh Tham Lương(quận Tân Phú, 12), tạm gọi là vùng ven thành phố. Kinh nầy bị ô nhiểm vì các cơ sở kinh doanh, nhà máy tuồn vào bao nhiêu nước thải chưa xử lý, nay đã được nạo vét nhưng xem chừng còn dơ bẩn, vô cùng ô nhiễm..

.

- CƯẢ :

- Cửa Cần Giờ ( nơi sông Sài gòn -Long Tào)đổ ra biển

- Cửa Soai Rạp ( nơi sông Nhà Bè . . . )

( Đây thuộc hệ thống sông Đồng Nai, là con sông dài nhứt phát nguyên và chảy trên lảnh thổ Việt Nam, thứ hai tại nam phần sau sông Cửu long.Sông dài 586 km, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đak Nông, Bình Phước , Đồng Nai, Bình Dương và Sài Gòn. Các phu lưu là sông: Đa Nhim, Sông Bé, Sài gòn, La Ngà, Vàm Cỏ. . .)

- Chín cửa sông của hệ thống sông Cửu Long.

Đây là con sông dài 4200km, hạng thứ 6 trên thế giới. Sông phát nguyên tại cao nguyên Tây Tạng ( là quốc gia bị Trung Cộng xâm chiếm từ hơn nửa thế kỷ nay). Sông Cưu Long chảy qua Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt nam, khi đến

VN, chia ra 2 nhánh là:Tiền và Hậu Giang.Tiền Giang và Hậu Giang . Nhánh Tiền Giang chảy qua Long Xuyên, Cao lảnh, Sa Đéc, Mỹ Tho và đổ ra biển qua các cửa:: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên,Cung Hầu. Nhành Hậu Giang chảy qua : Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, qua các cửa: Ba Thắt, Định An, và Trần Đề.

- Cửa Bồ Đề , Bảy Hạp, Gành Hào ( của các con sông gần cuối mủi Cà Mau)

-GIỒNG:

là nơi đất cao, được chọn lập xóm làng.Đa số giồng là đất cát, ta thấy có;

- Giồng Ông Tố, ( miệt Biên Hòa, gần Sài gòn)

-Giồng Trôm(Bến Tre), Giồng Riềng(Rạch Giá).

-GÒ: là vùng có thế đất cao, nhưng nhỏ hơn giồng, mà theo một tài liệu cho biết toàn thể nước ta có hàng trăm địa danh mang chữ “Gò” , riêng tại miền Nam, ta thấy có:

-Gò Dầu (Tây Ninh), vì nơi đây có nhiều cây dầu,lại chia ra Gò dầu Hạ và Gò Dầu Thượng.

- Gò Chai ; Cũng thuộc Tây Ninh, nơi bến phà ngang sông vàm Cỏ Đông, là nơi có nhiều cây chai, cho ra mủ đóng cục , dung thắp đèn thay dầu lửa.

-Gò Vấp, Gò Dưa, Gò Chùa( vùng Sài gòn). Gò Chùa hay “Chùa Gò,thuộc quận Mười Một, nơi có di chỉ khảo cổ “văn minh Ốc eo” khai quật năm 1991. Đây là Phụng Sơn Tự, nằm gần gần bùng binh Minh Phụng, trên đường Trần Quốc Toản củ(nay là 3/2). Gò Dưa vì nơi đây trồng nhiều dưa và Gó Vấp, vốn có từ năm 1820,thành quận từ năm 1957. Từ Gò Vấp là do chữ Khmer là “Kompap”(gổ quí) đọc trại ra.Gò Vấp là . . gò có nhiều cây “vắp”. Có lẽ, các quí ông thời xa xưa đã hơn một lần ngao du”một nửa đời hư” đi lạc qua vùng . . Gò “ nầy( xin mượn chữ của học giả Vương Hồng Sển) tìm “động hoa vàng”. Nếu không tìm gặp thì hãy tìm đến “Ngả Năm Chuồng Chó’, nhờ “Chú Ía” chỉ dùm.

Xuôi về miền Tây, ta sẽ tìm thấy:

-Gò Đen : là vùng đất nay thuộc huyện Bến Lức, Long An. Gọi là Gò Đen vì vùng đất cao nầy đào lên thấy đất màu đen. Đặc biệt nơi nầy nổi tiếng”rượu đế’ ngon có tiếng, các đệ tử Luu Linh “không say không về”

-Gò Quao ( tên một huyện của Rạch Giá)

-Gò Công (tên của một tỉnh nằm sát Mỹ Tho.). Gò Công là . . đất gò có nhiều con công đến sinh sống hàng đàn, nên hình thành cái tên. Tuy là một tỉnh nhỏ, nhưng khá nổi tiếng với đặc sản mắm tôm chà, “sơ ri trái đỏ ửng hồng má ai”.(Và vì tỉnh nhỏ,để bù lại, xin ưu tiên nói nhiều hơn một chút ).Nơi đây chắc phải là vùng đất địa linh, nơi quê hương anh hùng chống giặc Trương Công Định, nơi sản sinh hai bậc mẫu nghi thiên hạ là Bà Tù Dũ(mẹ vua Tự Đức )và hoàng hậu Nam Phương(vợ vua Bảo Đại), vị vua sau cùng của Việt Nam.Đậy cũng là quê hương của Giáo sư thạc sĩ Nguyễn Văn Bông, một trong 4 vị hiếm hoi đã đậu bằng thạc sĩ về công pháp quốc tế. Vị nầy từng là Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nơi đào tạo hầu hết các viên chức hành chánh cao cấp Việt Nam Cộng Hòa. Thật đáng tiếc cho đất nước, ông được dự đoán sẽ là Thủ Tướng miền Nam nên bị “người ta” sát hại . Đất Gò Công cũng là quê hương của Ông Hồ Biểu Chánh, nhà văn xuất sắc, từng là tác giả của 64 truyện tiểu thuyết nổi tiếng, đa phần với bối cảnh xã hội Việt Nam thời đầu thế kỷ 20, cùng trên 50 bài biên khảo, tác phẩm hài kịch, tập thơ, truyện ngắn. Những quyển truyện nổi tiếng đã được quay thành phim thật ăn khách như”Ngọn Cỏ Gó Đùa, Con Nhà Nghèo, Cay Đắng Mùi Đời, Tình Án, Lỗi Tại Tôi. . . Nhưng thật bất công và tiếc thay, tên tuổi của ông bị người ta vô

tình hay gì đó đã tàn nhẫn dìm sâu vào quên lãng , trong khi nhiều tác giả chỉ với vài ba tác phẩm sao lại được ngồi chiếu trên trong văn hoc sử nước nhà. Để chấm dứt ba điều bốn chuyện liên quan đến Gò Công, những ai thuộc thế hệ thập niên 1960, hẳn đã một thời mê tiếng hát của, không phải con công mà con nhạn trắng, đó là ca sĩ Phương Dung.

Tản mạn về chữ “Gò” khá dài, nhưng xin hãy cùng tác giả, tạm quên những”dư vị đắng cay, trăn trở của kiếp tha hương” trong phút giây ngắn ngủi, tìm về ‘hình bóng quê nhà”. Có điều, dường như nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa đã đưa ra con số không chính xác, vì thật ra còn rất nhiều. . gò, mà luôn luôn loại gò nầy phải là một đôi, các văn nhân thi sĩ gọi là”đôi gò “. Gò nầy, ngày nay dễ dàng thay đổi kích cở do bàn tay khéo léo của bác sĩ thẫm mỹ.!

-CHỢ : (chắc chắn chúng ta biết chờ là chi). Về chợ thì ôi thôi, không thiếu, nào là:

- Chợ Lớn ( vùng quận 5, 6, 10, 11 của thủ đô Sài Gòn củ, là lảnh địa của đa số ngườiViệt gốc Hoa).

- Chợ Củ ( khu vực khoản đường Hàm Nghi, quận Một , Sài gòn). Đây là nơi mở chợ buôn bán, trước khi hình thành chợ Bến Thành, nơi nầy nổi tiếng nhiều món ngon, trong đó phải kể »bánh mì Chợ Củ nói chung.

- Chợ Quán (thuộc Sài gòn), nơi có nhà đèn chợ Quán, và nếu ai bị « chạm điện » không chết chỉ bị « mát dây », đã có nhà thương điên Chợ Quán mở rộng cửa chào đón.

- Chợ Nhỏ : Ngước với Chợ Lớn là Chợ Nhỏ( ở Thủ Đức). Chợ Nhỏ là điạ danh

mà các « chàng trai hùng nước Nam » có bằng tú tài Một trở lên phải biết. Hồi trước, các thanh niên nếu thích đời quân ngủ sẽ tình nguyện vào »võ bị Đà Lạt » hay không Hải Quân, . . ., kỳ dư tới hạng tuổi sẽ được động viên vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Các chàng trai, các ông sồn sồn Sinh Viên Sĩ Quan về phép, thực tập các thế « bắn đứng bắn ngồi » , chiếu thất thểu xuống xe tại chợ Nhỏ, để vào tiếp tục ca bài » đường trường xa ». . Xin dài dòng nhắc lại chút chuyện ngày xưa của « lũ chúng tôi’. . . nhưng tại sao có chữa « Thủ ».Sẽ xin trình bày trong phần liên quan đến Sài gòn.

- Chợ Mới : là tên một Quận của tỉnh An Giang. Nằm trong quận nầy còn có một địa danh nữa là Chợ Thủ. .

-Chợ Đệm (Long An), Chợ Gạo( Mỹ Tho), Chợ Lách( Vĩnh Long).

Gọi là Chợ Đệm vì nơi nầy chuyên sản xuất loại đệm, tựa như chiếc chiếu , với loại cây bàng nhỏ, dùng trải trên giường ngủ hay dưới đất . Chợ Gạo là vì nơi đây tập trung gạo đễ chuyên chở lên vùng Chợ Lớn thời Pháp thuộc. Riêng về Chợ Lách thì . . xin chịu, không giải thích được, hay tại đây có nhiều cây lau lách mọc?

Cũng còn biết bao chợ khác nữa, không kể như . . Chợ Trời cùng biên giới Miên Việt , gồm các tỉnh Long An, Tây Ninh, An Giang , là nơi buôn lậu hàng hóa giữa 2 nước. Và cũng không kể”Chợ Tình” tại đường Lảnh Binh Thăng và một số nơi khác thuộc Quận 11- “thành phố mang tên Bác”, tức Sài gòn củ. Tại các chợ tình nầy, các cô gái được tuyển chọn đi “lấy chồng xứ xa” như Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai, Tân Gia Ba. .

-THỦ :

Theo tác giả Hồ Đình Vũ (trong cuốn”Nguồn gốc Địa danh Miền Nam ), ta sẽ không còn thắc mắc tại tại sao có tên như vậy, nhứt là tại vùng Sài gòn, Gia Định, Biên Hòa củ khá nhiều địa danh như:

- Thủ Đức: (Biên Hòa củ), nơi tọa lạc Trường Sĩ Quan Trừ Bị như đã nói.

- Thủ Thiêm (phía bên kia sông Sài gòn, nơi bến Bạch Đằng nhìn qua).

- Thủ Ngữ ( cũng thuộc Sài gòn , nơi bến tàu, có cột cờ khá cao)

Nhân đây cũng ghi lại địa danh Nhà Bè, một Quận của Tỉnh Gia Định củ(nay là TP/HCM). Theo truyền thuyết kể rằng , thời Pháp thuộc nạn cường hào ác bá nhiều lắm. Trên khúc sông nầy có tay thủ Huồng gian ác, là một quan tham chuyên bốc lột giai cấp bần cố nông. Một đêm nọ hắn ta nằm mơ thấy chết xuống âm phủ, bị diêm vương ra lệnh hành tội đủ thứ như: bỏ vào vạc dầu sôi, cắt lưỡi vì “ăn ‘nhiều quá. . Khi tỉnh dậy, hắn quá sợ và ăn năn hồi cải, lo làm phước bằng cách đóng chiếc bè to, trên đó gồm củi, nước uống. . . Người dân xuôi ngược có thể lên bè nấu cơm ăn, ngơi nghỉ. . Từ đó, có tên là “Nhà Bè”.. .Chẳng biết truyền thuyết tin được mấy mươi, nhưng ngày nay trên sông có nhiều bè thì tốt cho dân chúng vô cùng .Nhân nhắc đến địa danh nầy,dân Sài gòn thời thập niên 1960 không quên câu chuyện” đi Nhà Bè ăn chè” của ông nhạc sĩ có hổn danh là “ông già lựu đạn”.

_ “Thủ Thừa” là tên môt quận, trên quốc lộ hướng về miền Tây , gần đến Long An, rẻ phải non 10 km. Gọi là Thủ Thừa vì nơi nầy xưa có ông thủ tên. . Thừa.

-XÓM:

Xóm thì chỗ nào cũng có. Trong sinh hoạt xã thôn, bà con người Việt mình thường cư xử đậm tình yêu thương đùm bọc nhau, do đó có thành ngữ:” tình làng, nghĩa xóm”, “tình chòm xóm, láng giềng, láng tỏi. . “. Chỉ riêng tại Sài gòn năm xưa, khà nhiều Xóm nhu:

- Xóm Giá ( chỗ chợ Bà Chiểu)

-Xóm Chùa ( thuộc vùng Tân Định)

- Xóm Chiếu (Quận Tư củ)

-Xóm Cũi, Xóm Vôi (Chợ Lớn)

- CẦU : cũng như chợ, chúng ta thừa hiểu cầu là gì. Cầu có chiếc to, nhỏ, dài ngắn. . bằng gổ hay kim loại hoặc đúc bằng xi măng. Mỗi cây cầu to thường mang dấu ấn lịch sử, thí dụ như Cầu Hiền Lương ngang sông Bến Hải, là nơi chia cắt đôi bờ nam bắc suốt 20 năm.. Ngày nay, khắp bắc , trung, nam đều xuất hiện những chiếc cầu treo” thế kỷ” như Cầu Thăng Long , Đà Rằng, Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ. . Nhưng mà, riêng tại miền Nam, từ xa xưa, cây cầu gợi nhớ hình ảnh quê nhà phải là cây cầu khỉ bằng tre, bằng ván lắt lẻo, qua câu ca dao dung dị dễ thương vô cùng

Ầu ơ. . ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi , mẹ dắt con đi

Con thi trường học, mẹ thi trường đời

Trường đời vời vợi con ơi

Mẹ thi gần hết cuộc đời chưa xong

Phần con phải ráng hết lòng

Trao đồi tài đức mới mong nên người

Liên quan đến “cầu”, ta không thể không nhớ:

- Cầu Kè, Cầu Ngang, Cầu Quan là tên của các huyện nay thuộc tỉnh Trà Vinh

-Cầu Nhím, là miệt Phong Điền Cầu Nhím thuộc Phong Dinh củ (nay là Cần Thơ)

-Riêng tại Sài gòn , khá nhiều địa danh như: Cầu Bông,(quận Bình Thạnh),Cầu Muối,Cầu Kho... và cầu Ông Lảnh . . là quần thể tập trung ngay tại quận Một/Sài gòn. Không cần giải thích, cũng có thể hiểu vì sao có tên nầy. Riêng cầu Ông Lảnh , vừa là tên con rạch, là chợ. . lấy tên ông lảnh binh Nguyễn Ngọc Thăng(1798-1866), người có công xây cầu và chống Tây. Thuộc Sài gòn còn có “Cầu Tre”, một phường thuộc quận Mười Một. Cũng chính tại nơi nầy năm Mậu Thân(1968)Việt Cộng đã xâm nhập, cố thủ với quân số ít ỏi, nhưng len lỏi trong nhà dân chúng để bắn phá khiến quân lực VN Cộng Hòa phải

can thiệp., thiệt hại không ít cho dân chúng. Sài gòn còn một địa danh cũng đáng nhớ là Cầu Hàn, trước thuộc quận Tư (nay là quận Bảy). Vì nơi đây có cây cầu bị xoi mòn , hư mãi nên cuối “hàn” bít lại luôn, sau con rạch nầy cạn dần. Cầu Hàn là nơi nổi lên với “dịch vụ mát mẻ”như miệt Gò Vấp, Ngả Ba Chú Ía. Đây là nơi”một thời vang bóng” mà các quí ông dễ dàng gợi nhớ chuyện . .năm mươi năm về trước.! Nhưng nếu lùi về dĩ vãng trên 120 năm, ta sẽ nhớ lại đia danh “Cầu An Hạ” là tên một tổng thuộc hạt Chợ Lớn, sau là tỉnh Chợ Lớn, và nay là “thành phố mang tên Bác”. Ngày nay, trên quốc lộ xuôi về miền Tây, qua khỏi Phú Lâm một đổi sẽ nhìn thấy Cầu An Hạ. . Ôi, thời gian cứ trôi, biết bao vật đổi sao dời. . .

-TRẢNG: là vùng đất tương đối bằng phẳng, trống trải, không rừng rú rậm rạp, như:

-Trảng Bàng ,Trảng Lớn , Trảng Sụp(Tây Ninh).., Trảng Bom( Biên Hòa) .

- HỐ : là chỗ đất trủng, mùa nắng khô ráo, nhưng mưa xuống ngập nước, nhưng không sâu,là nơi rau cỏ dại phát triền , và thú rừng tìm đến ăn cỏ. Ta hẳn còn nhớ hai địa danh như:

-Hố Bò ( thuộc quận Củ Chi), trước năm 1975 là mật khu của Việt Cộng, là chiến trường diển ra nhiều trận đánh ác liệt.

- Hố Nai ( Biên Hòa). Đi xa lộ thủ Đức , đến ngả ba rẻ về Long Khánh là Hố Nai, nơi định cư của đồng bào “Bắc di cư”. Đây là một thi trấn khá trù phú, với nhiều nhà kinh doanh ngành mộc (đóng bàn ghế, tủ). Đặc biệt thị trấn nằm dọc theo quốc lộ với nhiều nhà thờ nhỏ to . Đặc biệt nữa là nơi nầy, là cứ điểm cầm cự quân Bắc Việt đến giờ phút chót. . Trang lịch sử đã qua, cũng như xa xưa, nơi nầy là . . hố với cỏ cây xanh tốt, giống nai tụ về sinh sống mà thành ra. . Hố Nai.

-BÀU :

- Bàu Cá ( Long Khánh)

-Bàu Cát (Hóc Môn)

-Bàu Cò (Rạch Giá)

-Bàu Sen (Sài gòn). Theo tài liệu ghi lại, khu vực đường Nguyễn Trãi và Trần Bình Trọng củ, xưa có bàu sen.. . .

-LÁNG :

-Láng Le ( thuộc huyện Đức Hòa , trên đường giữa Long An và Sài gòn), vì nơi nầy thuận lợi cho giống chim le le đến trú ngụ.

- Láng Thé ( về sau thành con sông ở tỉnh Trà Vinh)

.

_LUNG :

Nói chung, miền Tây Nam phần khá nhiều lung, là nơi cá cua, rùa, rắn . và các loại chim le le , vit nước đến sinh sống. Ở miệt Cần Thơ giáp ranh Chương Thiện củ, có một lung khá rộng, mang tên là “Lung Ngọc Hoàng”, thời chiến tranh là căn cứ của Mặt Trận DTGPMN( Việt Cộng). Việt Cộng thường dùng những nơi hoang vu làm căn cứ, vì vậy họ cũng lựa nơi âm u như khu rừng tràm Mỹ Phước(quận Thuận Hòa , Ba Xuyên củ) , đó là “Đám Lá Tối Trời”.

- CÂY: là. . cây, là thảo mộc, thường mọc nhiều hay mang nét đặc trưng gì đó, như:

- Cây Mai, Cây Gáo, Cây Gỏ , Cây Thị ( Sài gòn củ)

Trong nầy ta thấy Cây Mai , thuộc quận Năm_Sài gòn củ-Trên đường Hậu Giang về hướng Phú Lâm, có trường Cây Mai, là trường tình báo của VNCH.

- Cây Cui ( huyện Cai Lậy, Tiền Giang0 vì nơi nầy có nhiều cây cổ thụ to (cây cui)

- Cây Trường ( huyện Bến Cát, Bình Dương), nơi có nhiều cây rừng to.

- Cây Gừa ( huyện Giá Rai, Bạc Liêu).

Ngoài ra, cũng còn một số địa danh, cũng dùng tên thực vật như:

- Mái Dầm , là tên một xã miệt Long Hưng Phú Hữu , huyện Châu Thành (Hậu Giang, nay là tỉnh cần Thơ)

- Xoài Cả Nả ( tên một nơi thuộc Huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).Nơi nầy trồng nhiều xoài, đựng đầy cả nả, mang đi. Nả là một thứ giỏ đan bằng tre có tay xách của người gốc Miên thường dùng mang thức ăn, trái cây. .

- ĐỒNG:là vùng đất rộng chuyên trồng nông sản, ta thấy có:

- Đồng Xoài( một huyện của tỉnh Bình Dương , nay là tỉnh lỵ của Bình Phước). Gọi là Đồng Xoài vì nơi đêy có nhiều cây xoài.

- Đồng Ông Cộ ( Biên Hòa củ, nay là Quận Bình Thạnh/TPHCM). Khi xưa nơi nầy là vùng đất lầy lội, gặt lúa xong phải dùng”cộ” chở về nhà. Cộ là loại”xe” gồm một khuôn đựng lúa, bên dưới chỉ là hai thanh cây trơn, không bánh xe, do trâu bò kéo).

- Đồng Dù , tên một vùng đất rộng, là khu quân sự, trước năm 1975 thuộc Biên Hòa, nay thuộc quận Củ Chi(TP/HCM). Căn cứ nầy rộng 3 km x14km, có từ thời Pháp,rồi Hoa Kỳ và Việt Nam . Đồng Dù là cánh đồng rộng để lính tập nhảy . .dù.

Lại xuôi về “miền Tây gạo trắng nước trong”, ta hãy tìm hiểu vài nơi mang chữ Đồng , trước tiên là:

- Đồng Tâm: Tên một địa phương, thuộc tỉnh Định Tường củ(nay là Tiền Giang) Đây cũng là căn cứ quân sự, bản doanh sư đòan 7/BB của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.. . Cũng nhân đây, xin hãy dành một phút tưởng nhớ đến các chiến sĩ oai hùng của chúng ta, đặc biệt nghiêng mình với lòng ngưỡng mộ một anh hùng đã giữ tròn khi tiết , “sinh vi Tướng, tử vi thần”.Đó là Tướng Trần văn Hai, tư lệnh sư đoàn 7. Vào trưa ngày 30/4/1975 ,ông đã nhờ thuộc hạ mang về cho mẹ tháng lương cuối cùng và sau đó tự sát. Chuyện đã bao năm, nay xin ghi lại để cùng chia xẻ, đặc biệt để con em hải ngoại biết rằng quân lực Việt Nam Cộng Hòa có nhiều tướng lảnh “sinh vi tướng, tử vi thần”.. Ngày nay , nơi đây là một trại nuôi rắn khá qui mô.

- Đồng Cho Ngáp: là vùng đất rộng giáp ranh 3 tỉnh Đồng Tha1p, Long An, Tây Ninh. Trong bản đồ ghi tên là Mỏ Vẹt. Vùng đất ro65ngme6nh mông, chó chạy mệt ná thở, mệt quá phải ngáp. Cũng có nhiều địa phương có đồng chó ngáp, chỉ nơi rộng và thường hoang vắng. Và cuối cùng là:

- Đồng Tháp Mười( khu đất trủng mênh mông , lọt vào giữa các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang), rộng nhứt Việt Nam, hàng trăm ngàn mẫu.Đây là lòng chảo thiên nhiên dùng điều tiết mực nước cho miền Tây. Cũng là nơi sinh sôi tôm cá thật dồi dào cho miền Nam. Đây cũng là căn cứ kháng chiến của Thiên Hộ Dương thời chống Tây.Rất tiếc, sau ngày 1975, nghe đâu nhà cầm quyền thiếu phân tích, trong việc đào kinh thủy lợi, đã vô tình tác động xấu vào môi trường sinh thái tự nhiên.?

- Đồng Nọc Nạn ( một địa danh vô cùng nổi tiếng thuộc Giá Rai(Bạc Liêu,-sẽ giải thích thêm phần dưới). Tác giả vốn là dân ruộng đồng, quen việc chèo chống, bủa lưới giăng câu, nên xin bộc bạch đôi điều lý thú về “nọc nạn”. Nọc là cai1 cây cấm xuống bùn xìn, nạn là hai hay vài ba cây noc cùng ghép chéo lại có dây buộc sẽ không bị lún. . Lại kể chuyện thời xưa, xưa lắm khi bọn Pháp cai trị nuo71c mình, mà dưới họ là một hệ thống quan quyền địa phương làm tay sai. Bọn nầy gian ác, tham những sách nhễu lương dân đến tận cùng. Vào thời ấy, có một nhóm

dân tha phương tìm đến vùng đất hoang thuộc Giá Rai khẩn hoang. Đây là vùng đất bùn lầy mới thành hình, dân mình phải dùng cây cấm chéo làm nạn để cất cái láng ở tạm, rồi thì đào đấp đất cao lên chờ cho khô lại thành nền nhà. . Công lao 10 năm đã được đền bù, và rồi họ thu hoạch mùa lúa mới, có cái ăn cái mặc ( như nhóm di dân trên chiếc tàu May Flower, chuyện về lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ), tức thì tên quan phủ gần đó đông lòng tham, dựa vào thế chánh quyền bảo hộ bày mưu tính kế cướp công. . Tay nầy đã cùng tên Mã Ngân( không phải Mã Ngưu) đem lính đến bắn giết dân lành, người bị chết hoặc nếu chịu trở thành tá điền thì sống, chỉ riêng ông Mười Chức không chịu nổi oan uổng đã cương quyết chống lại, nên từ vợ con ông, vợ chồng em ông. . đều bị chết một cách tức tưởi d9u7o1i lằn đạn của bọn cường hào.. . Cái tên ông chẳng là gì, và cái chết của gia đình ông cũng chẳng lo tớn gì, cái to lớn là đây là, nhờ sự hy sinh của gia đình ông mà cái địa danh “Đồng Nọc Nạn” thành bất tử, thành một tấm gương chống cường hào. Chúng ta không quên , là dù thời Pháp thuộc nhưng quyền tư hữu đất đai vẫn còn được tôn trọng , và thời Việt Nam Cộng Hòa, người dân được cấp quyên tư hữu đất đai, chủ đất dư thừa , sẽ tịch biên nhưng bồi thường thật thõa đáng. Câu chuyện “Đồng Nọc nạn” đã được nhà cầm quyền dựng thành phim ( ), cũng như bộ phim “Đất Phương Nam”,, Nếu có điều kiện, xin hãy xem để thấy sự tàn ác của bộn cầm quyền và lũ giặc ngoại xâm!!!.

Tiếp theo, xin ghi ra một số nơi mang địa danh là “Lung” , “Đám” “Đầm” như:

- Lung Ngọc Hoàng , một vùng đất trủng bao la nơi giáp ranh tỉnh Ba Xuyên và Chương Thiện củ..

- “Đám Lá Tối Trời” để gọi một nơi thuộc tỉnh Gò Công(củ), dịa thế âm u mà anh hùng Trương Công Định là sào huyệt chống quân Pháp. Cũng có “đám lá tối trời” nơi rừng tràm Mỹ Phước(Quận Thuận Hòa,Ba Xuyên củ) là nơi trước 1975, Việt Cộng làm căn cứ .-“Đầm Đơi, là tên một huyện của tỉnh Cà Mau. Miền Nam khá hiếm đầm, vì thế đất tương đối bằng phẳng và thường là “sông sâu nước chảy”.

- CỒN: (là các gò đất nổi lên giữa giữa các con sông lớn có nhiều phù sa, như:

- Cồn Cát (Sóc Trăng), nơi mà sau 1975, một số quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, nhập khóa”tù cải tạo” đủ thâm niên đậu bằng “thạc sĩ”.

-Cồn Phụng( nằm trên sông Tiền giữa tình Bến Tre và Mỹ Tho), nơi trước năm 1975 có tu sĩ Nguyễn Thành Nam, tức ông đạo Dừa , xây bát quái đài.lập mối đạo có thể tạm xem như tu theo phái tịnh độ. Chủ trương của mối đạo nầy là kết hợp giáo lý các tôn giáo khác đã có sẳn. Ông tu sĩ nầy không phải xuất thế, mà nhập thế, ông đã từng xin phép chánh quyền VNCH chấp thuận để ông du thuyết ra Hà Nội, sẻ có hòa bình trong vài giớ. Ông cũng từng định ra ứng củ Tổng Thống, mà nếu ông đắc cử, ba ngày sau Việt Nam sẽ có hòa bình.?

- CÙ LAO: là khoảnh đất rộng, ít ra cũng rộng hơn cồn, nổi lên giữa sông Cái hoặc ngoài khơi giữa biển mênh mông, như:

-Cù lao Dung, Cù lao Nai , nay là huyện An Thạnh Nhứt (Sóc Trăng)., là nơi chỉ riêng xã An Thanh Nhứt có tỉ lệ 90 % ( 200) cô gái lấy chồng Đài Loan. Sự kiện đau lòng nầy đã gây hậu quả tác hại mất cân bằng nhân số, khiến chúng ta nên dành một phút giây chia xẻ lời than thở đến não nuột của các chàng trai lâm vào cảnh:’

Tìm em như thể tìm chim

Chim bay biển bắc , anh tìm biển đông

Tìm chi cho phải mất công

Đài Loan, Hàn Quốc em dông mất rồi. . .

- Cù lao Phố( miệt Biên Hòa, Gia Định xưa)

- Cù lao Giêng( Long Xuyên), nơi từ lâu có ngôi nhà thờ, tu viện và nhứt là trại hủi rất qui mô.

- một số các cù lao thuộc tình Mỹ Tho như:cù laoThới Sơn, Năm Thôn.

- VŨNG : (là nơi, thường là bờ biển lỏm vào bên trong, là nơi tàu bè vào đậu. Vũng thường nhỏ hơn vịnh), thí dụ:

- Vũng Tàu( nằm cách Sài gòn khoản 120 km), là nơi tàu thuyền neo đậu, chờ vào thương cảng Sài gòn. Vũng Tàu cũng là thành phố du lịch nổi tiếng của miền Nam.

- Vũng Liêm ( một huyện của Vĩnh Long)

- Vũng Mủi Cà Mau

Miền Nam cũng có bờ biển bao quanh về phía nam, tuy nhiên vì không có đồi núi gồ ghề nên không có nhiều vũng như miền Trung(sẽ được trình bày trong bài sau nầy).. Nhưng tác giả còn nhớ, thời xa xưa, khi còn “mài đủn quần trên ghế nhà trường’, ông thầy có cho biết nơi quê cụ đồ Tam Nguyên Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) ở làng Ngang có một cái vũng Lội. Vũng nầy nước không sâu lắm, các cô muốn . . lội qua phải vén. . quần, để lộ cái gì trăng trắng như “con cuối.” Hú hồn, tưởng thấy “cái” mới . .

Thôi, giờ xin tạm quên con hay cái , giờ thì xin đề cập đến . .

- HÒN: ( là cụm đất nổi lên ngoài khơi, nhưng nhỏ hơn đảo. Đa số các hòn thường nằm gần bờ biển như:

-Hòn Đất, Hòn Chồng, Hòn Tre, Hòn Rái. .( thuộc Rạch Giá). Gọi Hòn Rái, vì nơi hòn nầy có nhiều con rái cá, là loại gần giống con chồn, nhưng to và lông mịn, sống dưới nước. Chúng có tài săn cá tài tình . Riêng Hòn Đất , nay là một huyện của tỉnh Kiên Giang,khá lớn với dân số vài chục ngàn người… thuộc tỉnh nầy còn có “Hòn Nhạn”, thuộc đảo Thổ Chu, Phú Quốc. . . , vì nơi nầy có nhiều chim nhạn sinh sống. Giữa thiên nhiên, chúng mặc tình săn bắt cá, rồi tìm bạn tình mà mặc tình đẻ trứng, bởi thế mới . . đẻ ra. .

- Hòn Trứng Lớn, Hòn Trứng Nhỏ:

(cách Vũng Tàu khoản 50 km.). Xã hội loài chim cũng như bao nhiêu con sinh vật khác, kể cả con người, đầu quần tụ theo đàn, nhóm, giống.Nơi hòn có giống chim lớn thì đẻ trứng lớn, nên gọi là . . . Hòn Trứng Lớn, và ngược lại.

-Hòn Khoai, Hòn Tre( thuộc tỉnh Cà Mau), chỉ cách đất liền khoản 15 km.

Đặc biệt , nơi Hòn Khoai có rất nhiều loại khoai củ to, dài cả thước, và phong cảnh cũng khá hữu tình. Ngày nay, nơi nầy cũng là điểm du lịch sinh thái rất được ưa chuộng vì đi lại dễ dàng.

-ĐẢO,

QUẦN ĐẢO: (Đảo là cụm đất cũng nổi lên, nhưng to hơn hòn.Quần đảo là một tập hợp nhiều đảo, thí dụ:

- Đảo Phú Quốc (thuộc Rạch Giá), đảo Côn Sơn( hay Côn Đảo) tùy thời kỳ thuộc Bà Rịa hay Cà Mau

Quần đảo Trường Sa (tỉnh Phước Tuy), miền Nam Việt Nam. Cũng như Hoàng Sa, là hai quần đảo nằm ngoài khơi bờ biển Việt Nam vài trăm hải lý, từ năm bảy trăm năm trước Việt Nam đã thực tế chiếm hữu bằng sự hiện diện của quân lính , đài thiên văn, hải đăng. Trong khi bọn Trung Quốc xâm lược cách xa , hoàn toàn không đủ chứng lý và thực tế , đã dùng vũ lực đáng chiếm Hoàng Sa vào năm 1974, nay đã ngang ngược

vẽ cái “lưỡi bò” tham lam liếm tới kề bên Mã Lai. Ngày nay, nhờ sự tiếp tay của”Cộng Sản Việt Nam”, chúng đưa ra lý lẽ nhưng đã bị quốc tế bác bỏ vì vô căn cứ. Bọn Trung Quốc thừa biết sự phi lý của họ, nhưng cố tình làm bừa, áp dụng kế sách:’nói dóc hoài sẽ thành thật,” và “biến không thành có”. .

Tiếp theo, xin đề cập đến các địa danh, bắt nguồn từ tiếng Khmer. Đây là nhóm khá nhiều tại các tỉnh như:Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Châu Đốc. . , chĩ xin ghi ra một ít tiêu biểu, thí dụ:

-Bến Tre: do tiếng “Srok Trey”(xóm cá), vì nơi nầy xưa có nhiều cá tôm, ghe xuồng đánh bắt thường tụ tập thành bến. Tỉnh B.T cũng có các tên như xã Mỹ Lồng( do tiếng”Srok milom”, xóm có “nàng tên lom”).Bến Tre là xứ dừa, vời đặc sản kẹo dừa, bánh tráng nước cốt dừa, nơi mà:

Ai người khăn gói gió đưa

Về đây quên hết nắng mưa bụi đời

Khi yêu yêu lắm người ơi

Cả trời, cả đất cả người Bến Tre (thơ Kiên Giang).

Nhân đây cũng nên ghi nhận, Bến Tre không phải có nhiều tre, vì tên là do từ tiếng Khmer.

-Cà Mau : do tiếng “Tuk-Khmau”( nước đen) mà ra.

-Châu Đốc: từ tiêng”Mắt Crut” (mỏm heo) của Khmer.

-Ba Thê: : ( tên huyện của An Giang) là từ “Tà Thner” ( Ông Thê)

-Cần Thơ do tiếng ”Kintho” ( Cá sặc rằn). Về tên Cần Thơ, trong quyển “Cần Thơ, Xưa và Nay”của ô.Huỳnh Minh, nêu lên thuyết “do tiếng “Cầm Thi Giang”, con sông đẹp không vững lắm.

-Thốt Nốt (tên một huyện, trước thuộc tỉnh Phong Dinh-Cần Thơ, nay thuộc An Giang). Tên nầy do tiếng “Thnôt’, tên gọi một loại cây đặc trưng của ngu7o2i Miên, thuộc họ và tương tợ như cât dừa. Trái uống rất ngọt, và cô đặc thành đường rất thơm..

-Cần Đước: từ tiếng”Prek Andok”, Cần Giuộc (Srok Kantuot). Hai huyện nầy thuộc Gò Công củ (.nay là Tiền Giang)

-Mỹ Tho : từ tiếng Mê Sô

-Sa Đéc : do tiếng “Phsar Dek(chợ sắt) vì nơi ầy xưa kia chuyên bán sắt.

Thuộc Sa Đéc củ, nay là Đống Tháp có huyện Lấp Vò( do tiếng”Srok Tapor”, xóm nước nóng, Nha Mân( do tiếng “Srok Okha Mân”.)

-Sóc Trăng: do tiếng”Srok Khleng “ (xóm kho bạc). thuộc tỉnh Sóc Trăng co khá nhiều đia danh từ tiếng Miên như;”Bải Xàu” là”bai xao”(cơm sống), hoặc “Trà Quít, Trà Canh, Trà Men, Trà Cuôn. .Có giải thích khác, cho là “sóc to” là sai.

- Kế Sách : (một Quận của tỉnh Ba Xuyên-Sóc Trăng ) là “K’sach”( xứ cát) vì nơi đây có con sông cái, cồn. . có nhiều cát dùng xây cất được.

-Trà Vinh : do tiếng “Preas Trapeang”( đảo của Phật). Tỉnh nầy đặc biệt có khoản 300 ngôi chùa Miên xây từ nhiều thế kỷ trước. Tỉnh có nhiều địa danh như”Láng Thé”( Tonlé Kanlen Sè).

Như ta thấy, Trà là từ tiếng Miên, một số địa danh nơi có người gốc Miên có những tên như: Trà Cú( Trà Vinh), Trà Men, Trà Canh, Trà Quít( Sóc Trăng), Trà Ôn (Vỉnh Long) là quê hương của Cậu Mười Út, tức danh ca Út Trà Ôn.

-Vĩnh Long: do tiếng “Kompong Luông”(vũng Luông), là vùng đất trải dài từ Vĩnh Long đến Sa Đéc, đến tận Long Xuyên Châu Đốc.

-Trà Ôn : (một huyện của Vĩnh Long) do tiếng “Tà Ôn” (ông tên Ôn)

- Sài gòn : Địa danh thân thương, một thời là thủ đô quốc gia tự do của Việt Nam. Tên Sài gòn, củng do nhiều nguồn, giải thích khác nhau, nhưng chỉ có 2 thuyết là khả tín. Thứ

nhứt, do phiên âm từ tiếng”Preiko”(rừng cây bông gòn) hoặc”Prei Nokr”( đô lâm hay hoàng lâm) vì nơi đây có tư dinh của phó vương Cao Miên. Thứ hai, từ sự kiện nhóm người Minh Hương theo phe Nguyễn Ánh, bị quân Tây Sơn tàn sát, họ phải rút về vùng Sài gòn , xậy bờ gạch cao , dọc theo Kinh Tàu Hủ, gọi là “Thầy Ngòn”( đê ngạn) , người Pháp phiên âm là Sai gon. Cũng có thuyết là do phiên âm từ tiếng “Tây Cống”, là nơi vua Cao Miên cống nạp cho vua VN.

- Gò Vấp: ( một quận của Sài gòn, nay là TP/HCM) là từ”Kompap”( gổ rất quí). Gó Vấp là gò có nhiều gỗ quí.

Sau đây là một vài địa danh từ tiếng Trung Hoa :

- như trường hợp vừa nêu trên (Thầy Ngòn, Xấy Cung-Tây Cống. . )

Lại phải nhắc đến tên một vài từ có liên quan đến các “chú” người Tàu như: Chú Hỏa, Chú Ía. . .

- Bạc Liêu ( tên một tỉnh miền Tây, nằm trên quốc lộ Bốn củ), bên dưới sát tỉnh Sóc Trăng.

Bạc Liêu do tiếng Pô Léo mà ra (cũng có thuyết khác nhưng không vững).

Và nhân đề cập đến vùng Bạc Liêu , Cà Mau, xin nhắc đến vài dịa danh như:

-Vĩnh Châu , một huyện của Bạc Liêu, có nghĩa là hạt ngọc đep muôn đời.

Đây là một nơi nổi tiếng về củ hành nhỏ, đỏ., rất thơm , thường gọi là hành tiều , vì đa phần do người Tiều trồng. Tiếp là vườn nhãn rộng khoản 200 mẫu . Giống nhãn rất thơm ngon, hột nhỏ, thường gọi là nhãn hột tiêu.

- Giá Rai, cũng thuộc Bạc Liêu. Địa danh nầy , theo lời giải thích , là vì lúc còn sơ khai, dân cư thưa thớt, dọc theo sông rạch nhiều loại thảo mộc như cây tràm, cây giá, cây chiết, vừng. . mọc. Dân chèo xuống ngang qua vùng nầy thấy nhiều giống cây khác , mà chỉ có “Lai Rai Vài Cây Giá”, thế là cái tên Giá Rai có từ đó. Về chuyện nầy thì xin. . . ”tùy ý mỗi người”.

- Cũng như cái tên ”Năm Căn”.( Cà Mau) , là cũng vì . . hồi xửa hồi xưa, vùng đát hoang vu “muổi như sáo thổi, đĩa lội tợ bánh canh’, cũng là đất “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, dân tứ xứ về đây lập nghiệp. Lúc nầy , cách đây khoản tám chin chục năm, làm gì có bản đồ hay bảng chỉ đường cho dân chúng. . Người dân , để chống lại thú dữ và cả nổi cô đơn, nên thường cất nhà liền kề bên nhau hầu sớm hôm nương tựa. . Lúc đó, người mới tới hỏi người địa phương, đây là vùng nào. . Thì chàng thanh niên , đại khái tên như Út Lượm bèn gải đấu trả lời” Nghe tía con nói đây là Năm Căn, vì có năm căn nhà cất kề nhau”.

- Sông ông Đốc, cũng là tên của một thị trấn ở Cà Mau, vì nơi nầy khi Nguyễn Ánh “bôn ba khắp nẻo” đến đia phương nầy có ông đốc binh họ Huỳnh tận tình phò giá, nên được chọn làm tên. .

- Và còn nữa”Đầm Dơi”(Cà Mau) vì nơi nầy khi xưa có vùng nước lưu niên, gọi là”đầm”cây cối um tùm, dơi hàng nhiều ngàn con tụ tập về sinh sống.

Nhân đề cập danh xưng gốc Miên, cũng xin ghi ra một số từ, trong dân gian miền Tây , có sự pha trộn hoặc”cầm nhầm” của nhau, mà xử dụng lâu ngày không để ý, thí dụ như:

-“cà ròn” (karong) cái xách tay có quay, đan bằng lá cây bàng (loại cây lát nhỏ, không phải cây bàng lá to bằng cây quạt). Đồ vật nầy rất phổ thông , dùng đựng đồ đạc, trái cây, nó dần bị thay thế bởi các túi xách bằng nylon sau nầy.

- xà ngom(chà ngom), dụng cụ bắt cá.

- cá lóc (tray rot), hay là vì loại cá nầy mạnh lắm, luôn tìm cách vùng vẩy, lóc đi mất?

- cá tra (do tiếng “trêy pra”)

- thau lau (sralau), là loại gổ quí.

- sầu riêng : (turen). Đây là trái cây đặc sản miền Nam. Sầu riêng được du nhập từ Cam Bốt, thân cây cao cả 20 mét, trái mọc treo lơ lửng, to khoản trái dừa và bên ngoài là gai nhọn, bên trong gồm những múi to chín màu ngà vàng rất thơm ngon(nhưng người không thích lại chê thúi và trên phi cơ trái nầy bị cấm mang theo). Trái sâu riêng nghe ngồ ngộ, và có cả câu chuyện tình lâm li. Chàng trai Việt có vợ người Miên, vợ bị chết, chàng trở về xứ mang cả mối . « sầu riêng ». Có lẽ cũng từ tiếng « turen » mà nay trong ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức. . gọi sa762u riêng là « durian ».

- tha la ( sa la). Đây là một từ thật đặc biệt, người ta có thể nghĩ đây là danh từ riêng hoặc chỉ có ở một nơi nào mà thôi. Thật ra « tha la » là tiếng Miên, có nghĩa là chòi nhỏ, trạm. . bên đường, nơi người qua lại. . Xưa kia không có quán giải khát, nên dân địa phương che cái chòi, với khạp nước để khách qua đường uống. Do vậy, « tha la » chỗ nào cũng có và đây là hình ảnh dung dị , nói lên « tình làng nghĩa xóm » của người Miên và Việt ; nhưng khi đề cập đến « tha la », người ta thường nghĩ đến « tha la xóm đạo » nơi tỉnh Tây Ninh, có lúc thuộc Hậu Nghĩa. Theo dòng thời gian, tha la xóm đạo dựng lên , bị tàn phá vì bom đạn chiến tranh, rồi lại tu sửa., nhưng mãi mãi lầu chuông vẫn còn đó. . để chàng thi sĩ Kiên Giang, tuy là người ngoại đạo đã rung cảm khi tìm đến , trải lòng mình qua mấy vần thơ :

Lâu lắm không về thăm xóm đạo

Không còn đứng nép ở lầu chuông

Những khi chuông đổ anh liên tưởng

Người củ cầu kinh giữa giáo đường.

Nhân đây cũng xin ghi ra một sồ tiêng mà người Việt mình và người Miên phát âm gần giống nhau và nghĩa tương tợ.Đây không phải là chuyện lạ, vì Việt Miên cùng sống đề huề nơi các tỉnh miền Tây Nam phần, sự giao lưu văn hóa là điều tự nhiên ( cũng như tiếng Việt và Chàm có cùng khoản 6000 tiếng phát âm gần giống-Theo nghiên cứu của BS Nguyễn Hy Vọng, « tự Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, CD). Sau đây là nhựng tiếng rất thông dụng như :

- Ao (cái ao, cũng nước nhỏ), tiếng Khmer cũng là : Ao

- Ăn à Ănh

- Bắt ( bắt buộc , ép phải làm theo à Batch.

- Cà nhắt ( đi khập khểnh) à kh-nhak.

- Chơn ( tay chân) à chơ-ơng

- Con (con cháu) à kôn

-Năm (năm thàng ) à Chnam. .

Tiếp theo, cũng vắn tắt đề cập đến trường hợp địa danh phát xuất từ sự kiện địa lý, là nơi xuất hiện những con kinh, như :tỉnh Sóc Trăng có quận Ngả Năm vì nơi đây là giao lưu của 5 con kinh, Ngả Bảy (Phụng Hiệp) vì nơi nầy là giao lưu của 7 con kinh. Cũng có khi được đặt tên để nhớ công đức của bậc khai quốc công thần nhu : Long Xuyên có cù lao « ông Chưởng » vì ngài chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã từng mang quân về tạm nơi nầy.

Và còn nhiều , nhiều nữa. . nhưng xin tạm ngưng nơi đây. Cũng xin đôi điều về nét đặc biệt không thể nào quên, đó là không biết từ đâu và từ lúc nào, (hay từ khi bà Ê và dụ ông A đam cắn trái táo ?), mà luôn luôn các BÀ lấn lướt, đè đầu đè cổ các ông. Ngay cả cái địa danh, các bà cũng chiếm thế thượng phong., như riêng tại Sài gòn, chỉ có Ngả Ba Ông Tạ, hoặc Lăng Cha Cả. . , giồng Ông Tố ( miệt Biên Hòa ?). . nhưng lại quá nhiều tên các bà như : Bà Quẹo, Bà Hom, Bà Chiểu, Bà Điểm, Bà Hạt. Rồi lại có « Da Ba Bầu » là tên con đường nhỏ ngang đường Nguyễn Tri Phương,quận Năm-Sài gòn-, đoạn gần về hướng đường Trần Quốc Toản củ ( nay là

3 tháng 2). . Còn có núi Bà Đen (Tây Ninh)., Núi « Bà Rá » ( Phước Long củ) do tiếng Brak (thần linh) của người thiểu số Stiêng. . Xuôi về miền Tây thì nơi Thới Thuận(Bình Đại, Bến Tre) có một cồn tên là cồn Bà Tư. Cũng có con kênh « Bà Đầm », nối Rạch Giá và Cần Thơ dài 14 km, đào năm 1894.Gọi tên như vậy vì khi đào kênh, các đốc công người Pháp mang vợtheo, dân mình thấy ‘bà đầm ‘ ngộ quá nên đặt « chết tên » luôn.. Tiếp theo là kênh Bà Bèo, nối sông Tiền và Vàm Cỏ , xuyên qua Cai Lậy( Định Tường củ, quê hương của « con cọp gấm», tức Thủ Tướng Nguyễn văn Tâm). Tên « Bà Bèo » do tiếng « Cumnik Prek Cak » (kinh rạch bèo) của người Khmer. Cũng liên quan đến bà, lại là gốc Miên thì ngay trong thị xã Trà Vinh có cái ao mang tên Bà Om ,là một thắng cảnh vui chơi . Và cuối cùng là cái tên « Hóc Bà Tó » thật lạ lùng, mà theo tác giả Lê Trung Hoa ,( khoa Văn Học Ngôn Ngữ Trường ĐHTP/THHCM) đó là tên một nơi ỡ xã U Minh- Cà Mau. Từ nầy thường dùng thành một thói quen khi ta muốn chỉ một nơi xa vắng ?

Trên đây chỉ là một số trường hợp về nguồn gốc các địa danh, trong một bài khác, sẽ xin trình bày tiếp .. Để tạm thời kết luận, chúng tôi xin mượn ý thơ của Kiên Giang , để kính đến lời khấn nguyện :

Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Nhưng tin có chúa ngự trên cao
Chúng con kính dâng lời cầu nguyện
Cứu lấy quê nhà con Chúa ơi.
Đã qua bao năm rồi tơi tả
Quê nhà lâm phải cảnh phong ba
Và nay bọn giặc từ phương bắc,
Chúng điên cuồng dở thói tinh ma..
Muôn dân Việt Nam ta phải nhớ
Mảnh giang sơn là của ông cha
Chia rẻ, hận thù là đắc tội
Phải cùng nhau giữ lấy quê nhà.
______________________________
Tài liệu tham khảo :

-« Người Việt, Đất Việt » , của Cửu Long Giang, Toán Ánh, nhà x.b Đại Nam, California, Hoa Kỳ.
-« Đồng bằng Sông Cửu Long » ( Văn Minh Miệt Vườn
-« Sài Gòn Năm Xưa « , của ô.Vương Hồng Sển, n.x.b Xuân Thu (Sài gòn),in lại tại Hoa Kỳ
-« Tập san Đồng Nai Cửu Long », do Lê văn Duyệt Foundation &Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa ĐNCL, ấn hành tại Nam California, Hoa Kỳ năm 2004-2011.
-« Đặc san Tiền Giang, Hậu Giang « do Liên Hội Ái Hữu các tỉnh Tây Nam Phần, ấn hành tại Nam California, H.K năm 2003.
-« Các đặc san Hậu Nghĩa, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Gò Công »do các Hội Á.H liên hệ ấn hành tại Nam California, Hoa Kỳ năm 2000-2008.
-« Quê Hương & Nổi Nhớ » , tạp bút của Lâm Thanh, ấn hành tại Úc châu, năm 2008.
-« Tiếng Việt Gốc Nước Ngoài », của Giáo Sư Nguyễn Hữu Phước, ấn hành tại California, Hoa Kỳ, năm 2008.
-« Nguyễn Nẻo Đường Việt Nam » của Hoài Việt/Trương An Ninh, ấn hành tại Nam California, Hoa Kỳ, năm 2006.
- « Cần Thơ Xưa Và Nay », biên khảo của Huỳnh Minh, nhà xuất bản Cánh Bằng, tại Sài gòn, năm 1966.
-« Bạc Liêu, Xưa Và Nay », biên khảo của Huỳnh Minh, tái bản 1994, do Bách Việt, Cali, Hoa Kỳ..
- « Sổ Tay Địa Danh Việt Nam », của Đinh Xuân Vinh, nxb Hà Nội 2002.
-« Thử Bàn Về Địa Danh VN » của T.Thanh Tâm, nxb Nghiên Cứu Lịch Sử, VN , 1976
-« Non Nươc Việt Nam »do T.C Du Lịch V.N ấn hành, Hà Nội 2007. - Trang mạng: www.khoavanhoc-ngonngu.edu., tác giả Lê Trung Hoa. - Trang mạng : www.gov.vn ( hệ thống sông ngòi tại Việt Nam)

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...