19 April 2012

Giông Tố Tháng Tư: Chùm văn nghệ


GIÔNG TỐ, EM

Quê hương đành dứt bỏ,
Biển Đông sóng thét gào.
Lênh đênh con thuyền nhỏ,
Em tìm miền sáng sao.
*
Đường đi nghìn bão tố,
Em trôi giạt phương nào?

Lan Đàm
9/11 

Giông Tố và Em.

Thân Em Ngà Ngọc, trắng trong,
Sóng xô, biển dữ giữa lòng đại dương,
Em đi vào cõi Vô Thường,
Tơ trời vương vấn, nhớ thương, bộn bề!...

MH

Xem tranh "Giông Tố và Em"

Trước đây, trong mục xem tranh của A.C.La, một hai lần tôi có nêu ý kiến là, ghi lại cảm nhận của mình khi xem một bức tranh được chụp lại và chuyển qua Internet, thực ra có giá trị rất giới hạn, vì hình ảnh đó không trung thực với tranh gốc.

Tôi xin kể một kinh nghiệm. Khi nói tới hoạ phái Ấn Tượng ở Pháp, bao giờ người ta cũng nhắc tới bức “Impression, soleil levant” tranh sơn dầu của Claude Monet vẽ năm 1872, cảnh mặt trời mọc ở bến cảng Le Havre.

Tôi đã tìm bức tranh nầy trên một số sách về phái Ấn Tượng, thấy màu sắc các bản in trên giấy không giống nhau. Cả các bức trên một vài site Internet, màu sắc cũng khác. Rốt cuộc không biết màu sắc chính xác trên bức tranh gốc ra sao.

Lần nầy thấy hoạ sĩ bỏ khá nhiều công để chăm chút cho bức tranh, được xem là đắc ý của hoạ sĩ, tôi cũng thử tán vài câu gọi là cảm thông với sự say mê nghệ thuật của hoạ sĩ.

Theo bố cục của bức tranh "Giống Tố và Em":

Mây đen đang vẫn vũ trên trời, đe doạ cơn giông bão sắp sửa ập đến, mặt nước phía trước đen ngòm diễn tả sự bất trắc và đầy nguy hiểm cho con thuyền bé nhỏ, mỏng manh, nào bão tố, nào hải tặc. Tuy nhiên, giữa cảnh trời nước mịt mù đó, có một vầng sáng với những vệt sáng màu hồng, tượng trưng cho niềm hy vọng, thôi thúc ra đi, nhưng trong cảnh trời sầu nước thảm đó, đường nét mờ nhạt trên gương mặt em nhỏ rất hợp với cảnh, mà cũng rất hợp với ý nghĩa của một chuyến đi đầy rủi ro, tương lai mờ mịt, được thể hiện qua gương mặt hãy còn ngây thơ của em nhỏ, nhưng đôi mắt và làn môi lộ rõ nét lo âu và nghi ngại.

Nói chung, trong số những bức tranh của A.C.La về thuyền nhân và biển cả mà tôi đã được xem, đây là bức tranh mà tôi thích nhứt về cách bố cục, về màu sắc tương đối đơn giản nhưng gợi được cho người xem sự đồng cảm với hoạ sĩ.

NQMinh
**
Em Tôi

Người em gái Việt Nam tôi đã gặp. Tôi đã gặp em nơi thành phố nghỉ mát Vũng Tàu. Tôi đã gặp em trên đường thị xã miền cao nắng bụi mưa bùn Pleiku. Tôi đã chọc ghẹo vui đùa với em ngay trước nhà mình ở Phú Nhuận Sài Gòn. Người em gái ngọc ngà ấy đã liều vượt biển tìm tư do khi lên 15 hay 16 và đã bị hải tặc bắt đi mất tích. Gia đình em tuôn tràn bao nhiêu là nước mắt. Lòng tôi đau.

Sóng nước tung hơi mờ kỷ niệm. Hình ảnh khuôn mặt thanh tú đẹp lạ lùng nay mờ nhạt với khói sương. Tiếng sóng âm vang vẫn muôn đời ở đó mỗi khi trở về thăm chốn xưa. Kỷ niệm dội về theo mùi nước mặn, mùi ngai ngái của rong biển. Biển cả đã đưa những người không chịu nổi ngột ngạt ra đi, nhưng nhiều người không tới được bờ bến tự do trong đó có em.

Đứng nơi bãi vắng ước mơ được sống lại chuyện xua. Sao mình không mãi bé nhỏ như thuở nào có em cùng đùa vui. Bốn bàn tay chung xây lâu đài cát. Nhìn dã tràng tung tăng không mệt mỏi thách thức sự bền bỉ với sóng nước. Đơn sơ nhưng đẹp vô ngần. Bây giờ nghĩ lại thấy mình đã sống nơi thiên đàng khi còn trẻ mà không hay.

Gió mơn man trên da mặt nhưng thuần chỉ gợi một nỗi nhớ nhung thương tiếc khôn nguôi. Nơi chân trời góc biển nào hiện đôi tay ngọc ngà ấy đang bị dày vò. Nơi sơn lâm cùng cốc nào đôi bàn chân hồng đang bị bủa vây. Không biết người hiện có được an phận, dù là phận gì.

Cầu mong chỉ có thế: Sự An Phận cho người EM tôi thương.

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...