17 April 2012

Chuyện nhỏ mà to: Hỡi ôi, chốn nghìn năm văn vật hôm nay!

Chính bài viết này cũng đang dùng những từ ngữ thuộc về góc tối của cái xã hội xhcn vô thần và lộng ngôn hôm nay, một vấn đề còn to lớn hơn cả chính nội dung bài viết "Quán xá bẩn thỉu". Ước mong góc sáng của xã hội VN đứng vững lướt qua được những ngày đen tối, không bị ô nhiễm để còn là chỗ cho niềm hy vọng nương tựa. (TTR)

**
Những quán ăn khách "cạch đến già" ở Hà Nội

- Vừa ăn, vừa bị chửi té tát mà khách hàng cứ đông nghịt. Thậm chí, nhiều người còn cổ súy “đây là một nét văn hóa mới của người Hà Nội”.

Choáng váng với lẩu chuột, bún "phân" gián. Sốc với phở "gián", bún "thạch sùng" ở Hà Nội
Thượng đế như “xin ăn”

Khách hàng đã quá quen thuộc với kiểu đi ăn hàng quán mà như thể đi “xin ăn”. Vừa ăn, vừa bị chửi té tát mà khách hàng cứ đông nghịt. Thậm chí, nhiều người còn cổ súy “đây là một nét văn hóa mới của người Hà Nội”.

Người ta nói “miếng ăn là miếng nhục” quả không sai khi khách hàng bị đối xử tệ bạc, bị quát mắng thậm chí văng tục, chửi thề mà các hàng quán vẫn hùng hồn tuyên bố “ấy thế mà ngày nào mát trời bà chủ không chửi là quán lại không đông”.

Lý do là thế, nên các bà chủ hàng quán xá ra sức chửi, mắng mỏ khách hàng để “hút khách”. Thời buổi bây giờ thượng đế là người bỏ tiền nuôi béo các quán xá nhưng phải nhục nhã như đi “xin ăn”.
Quán bún chửi nổi tiếng Hà Nội.

Chị Hương Ly (nhân viên văn phòng của công ty Điện tử Trí Nam, Hà Nội) tố cáo quán L.V (Phố Lý Thường Kiệt) đối xử tệ bạc với khách hàng. Chị bức xúc: “Ai đời nhân viên nhà hàng mà chửi khách, đuổi khách ghê rợn”.

Chả là hôm đó đi làm về muộn, hai vợ chồng chị Ly rẽ vào quán L.V ăn tối. Đây được coi là một nhà hàng bậc trung chứ không phải quán xá vỉa hè mà cung cách phục vụ chẳng khác gì bọn du côn nơi đầu đường xó chợ.

Chị Ly kể: “Khi chúng tôi lên tiếng vì món dứa xào thịt bò có 2 con ruồi chết trong đó thì nhân viên nhà hàng này vênh mặt lên khiến chồng tôi vô cùng bức xúc, hai bên to tiếng với nhau”. Tưởng rằng, chủ cửa hàng xuống sẽ giải quyết êm thấm, ai ngờ bà ta “chửi khách ầm ầm”.

Bà chua ngoa: “Ruồi ở đâu mà ruồi, ở miệng chúng mày mà ra à”. Không thể ngồi thêm được nữa, chị Ly và chồng mau chóng rời khỏi quán ăn này. Đi khắp thế giới có lẽ chỉ Hà Nội mới có cung cách bắt thượng đế “vừa ăn vừa nhục” thế này.

“Ăn thì ăn, không thì cút đi”, “mày nhai gì mà lắm thế”, “đã không có tiền lại còn sĩ”, “sáng ra mà đã ngu hơn cả chó”…đó là những câu chửi mà khách hàng thường xuyên được nghe ở quán bún canh gần chợ Ngô Sĩ Liên. Từng ăn trên quán này, chị Hằng (Cầu Giấy, HN) cho biết “mình bỏ tiền ra chứ có phải đi xin đâu mà phải nghe chửi”.

Đây là quán bún sườn dọc mùng thơm ngon nổi tiếng ở Hà Nội nên những lúc đông khách, không phục vụ kịp bà chủ quán này lại văng tục, chửi bậy bằng những lời nói thiếu văn hóa xúc phạm khách hàng.

Chị Hằng kể: một khách hàng nhẹ nhàng hỏi “để xe ở đâu bà chủ” liền bị quát “để đâu mặc mày”, vị khách này giận tím mặt và nói với lại “một đi không trở lại” với hàng quán này dù có ngon thế nào đi nữa.

Chị Hằng còn tỏ ra vô cùng bức xúc khi một hôm đi ăn ở quán B.H trên đường Tô Hiến Thành thì bị bà chủ quán này cho một phen hú vía. Nhà hàng đã phục vụ kém, chửi khách xa xả lại thêm việc “đánh nhau với một thực khách vì vị khách này lỡ miệng chê đồ ăn của quán” đã khiến chị Hằng “cạch mặt đến giá với quán ăn này”.

Ở Việt Nam lại có kiểu phục vụ “trai vẫy” mới xuất hiện và đang nở rộ trên các tuyến phố: Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu, Nghĩa Tân, Cầu Gỗ, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt. Chị Nguyệt (nhân viên Ngân hàng chính sách Xã hội) cho biết “nhiều lúc bức xúc kinh khủng khi bị tên nhân viên trai tráng đứng chặn xe giữa đường lôi bằng được vào quán”. Vào quán rồi mà quay ra sẽ bị chủ hàng chửi ngay “đã không có tiền lại còn bày đặt”.
Ăn phở phải xếp hàng như thời bao cấp

Có một điều phi lý ở VN đó là nhiều người cho rằng cung cách phục vụ này là bình thường và “không động đến mình thì thôi”. Và nghiễm nhiên, các quán xá này vẫn đông khách như thường mặc dù hàng ngày họ vẫn mang thứ văn hóa lai căng, hách dịch này để tiếp đãi các thượng đế. Thượng đế nhiều khi phải mất tiền đi xin ăn, ăn vịt để ở nhà vệ sinh, lẩu phân chuột, bún phân gián, bún đậu chấm bụi đường…

Trào lưu tẩy chay hàng quán bẩn

Theo một cuộc khảo sát nhỏ của phóng viên VietNamNet, phần đông người được phỏng vấn đều cho rằng quán xá vỉa hè và một số nhà hàng lớn ở Hà Nội “bẩn kinh hoàng”. Chị Nguyễn Hải Minh (sinh viên trường ĐH Ngoại Thương HN) cho rằng “báo chí cần phải mở diễn đàn để người dân vạch mặt, tẩy chay để các quán ăn bẩn này hết đường sống”.

Hơn 90% người được phỏng vấn thừa nhận “thường xuyên la cà quán xá” và họ cũng muốn “cộng đồng cùng tẩy chay những quán ăn bẩn”. Mới đây, một số khách hàng đã tự bảo vệ mình bằng cách lập ra Hội những ngươi tẩy chay những hàng quán bẩn trên trang facebook.com.

Là một người đã từng ăn ở nhiều hàng quán ở Việt Nam, chị Hải Minh cho biết “mình từng đi ăn ở quán ốc nóng ngay đầu đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm), ốc được sắp ra bàn khá cẩn thận nhìn ngon mắt nhưng đến khi ăn mới biết mình đang ăn bùn đất vào miệng”. Ốc được rửa không kĩ đã vô tư “ngậm bùn” và khách hàng ăn rồi mới tá hỏa nôn ọe. Từ đó chị Minh tìm mọi cách để vận động bạn bè, đồng nghiệp và người thân tẩy chay quán ăn này đề không “vướng vào vết xe đổ” của mình mà hại đến sức khỏe.

Theo nguồn thông tin thu thập được, rất nhiều khách hàng đã phản ánh lại tình trạng mất vệ sinh của các hàng quán với mong muốn đông đảo người dân sẽ biết đến và tránh xa các quán ăn này. Các quán bún ốc, ốc nóng, bún đậu (Hồ Tùng Mậu) nổi tiếng với đồ ăn bẩn thỉu, quán vịt cỏ Vân Đình (Cầu Giấy, HN), quán lẩu trên phố Hàng Cá, Phùng Hưng, quán bún miến ngan trên phố Tô Hiệu, bún ngan trên đường Trần Hưng Đạo…luôn là nỗi kinh hoàng đối những khách hàng từng “chịu trận” và là lời cảnh báo “phải tẩy chay” với những khách hàng chưa biết.

Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng cần phải chung tay, mở diễn đàn, tố cáo các hàng quán bẩn, phục vụ kém để cộng đồng tránh xa. Nói về những quán ăn bẩn, phục vụ yếu kém, nhà văn hóa học, Nguyễn Vinh Phúc từng phát động “chúng ta nên tẩy chay họ, lần sau không đến nữa và rủ nhiều người cùng tẩy chay, không đến nữa. Chỉ có như vậy, họ buộc phải hành xử có văn hóa hơn”.

Huệ Bạch

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...