22 April 2012

Nước Tầu CS tan rã một ngày không xa

Thế Đứng Chông Chênh Của Hoa Lục

Điền Thảo

Hai thập niên vừa qua Hoa Lục là một điểm nổi bật gây chú ý cho cả thế giới. Ai cũng nhìn thấy tương lai rực rỡ của đất nước được ví von như một con hổ đang thức dậy sau cơn ngủ vùi. Nó gầm nó thét khiến cho những nước chung quanh nể nang ngưỡng mộ và riêng đối với Hà Nội còn tỏ ra khiếp sợ. Tiềm năng của Nước Tầu đang trỗi dậy thực sự là to lớn. Nhưng có điều người ta thường quên rằng cái to lớn phải đi đôi với cái ổn định thì mới bền vững, mới tạo ra niềm tin, mới thực sự tạo ra được sức mạnh. Cái bạo phát tất sẽ bạo tàn.

Có thật sự nền kinh tế tài chánh của Hoa Lục được xây dựng trên những giá trị nhân bản? Có thật sự tiềm năng kinh tế và quân sự đang đứng vững và phát triển trên một thể chế chính trị ổn cố?

Chính sách đổi mới kinh tế điên loạn:

Từ năm 1978, Hoa Lục trải qua hàng loạt những cải cách bao hàm cái ý nghĩa chuyển từ chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hay nói cách khác chuyển từ chế độ trung ương hoạch định sang một hệ thống hỗn hợp, vừa có doanh nghiệp nhà nước vừa có doanh nghiệp tư nhân.

Đặng Tử Bình, một đảng viên kỳ cựu của Đảng CS Tầu, đã từng thoát chết trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, là nhân vật chủ trương công cuộc đổi mới này. Tư tưởng đổi mới của Đặng khiến ông ta suýt chết dưới tay Mao, nhưng những ý nghĩ cải cách ấy vào những thập niên vừa qua lại như đã giúp Đảng CS Tầu thoát chết vì suy kiệt.

Trong khi ở thành thị bắt đầu xuất hiện những nhà tư bản mới thì tại nông thôn việc cải cách chỉ là tái lập quan hệ sản xuất đã có từ thời tiền cách mạng. Xét về ý thức hệ thì những cải cách là những bước thụt lùi của chủ nghĩa Mác-xít.

Tư tưởng chỉ đạo trong cuộc đổi mới là phải tiến nhanh bằng mọi giá để bắt kịp các nước tiên tiến. Nhiều nhà quan sát đã dùng chữ 'bóp méo' (distorted) để diễn tả cuộc đổi mới này, hay nói một cách khác, một cuộc phát triển khập khễnh.

Chỉ số phát triển trung bình hàng năm 9% trong ba thập niên vừa qua đã đưa Hoa Lục từ tình trạng xơ xác thời Mao-Chu đến cảnh nở rộ trong mọi ngành. Bộ mặt một số đô thị lớn thay đổi nhanh chóng. Những cao ốc mọc lên hàng ngày, những đường cao tốc chạy dài xuyên tỉnh. Mỗi tuần lễ trung bình một nhà máy chạy bằng than đá ra đời.

Khởi đầu là những cơ sở kinh doanh tập thể do nhà nước quản lý, và rồi cải cách mở đường cho những xí nghiệp hỗn hợp, một hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhận. Và sau chót thay đổi mở rộng cửa cho những xí nghiệp tư nhân, Yếu tố thúc đẩy là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Chính sách đối mới kêu gọi vốn nước ngoài đã chuyển hóa nhanh chóng nền kinh tế Hoa Lục. Nhưng những thành quả đạt được lại do khu vực tư nhân đem đến trội vượt hẳn khu vực doanh thương tập thể do nhà nước quản lý. Khu vực tư doanh đã góp 70% tổng lợi tức quốc gia vào năm 2005 (1).

Đó là mâu thuẫn đầu tiên người ta nhận ra được của nền kinh tế đổi mới nửa vời. Khu vực doanh nghiệp nhà nước quản lý kềnh càng và yếu kém, không sinh lợi, nhiều khi thua lỗ, thế nhưng những đảng viên nào chui được vào trong đó thì ít nhất cũng được an thân, nói theo cách nói hiện nay ở Hoa Lục là những người có được chiếc bát cơm bằng sắt đập không bể (Iron Rice Bowl). Khu vực doanh nghiệp nhà nước này đã không cởi bỏ hết mà hiện nay Hồ Cẩm Đào lại cho tái quốc hữu hóa trở lại .

Những nguyên tắc chỉ đạo về kinh tế ngay từ đầu đã hàm chứa những mâu thuẫn gây ra những chướng ngại khó phá bỏ. Để có những hình ảnh cụ thể hơn về chính sách phát triển do Đảng CS đề ra, có thể tổng gộp lại như sau:
- Đội ngũ lao động lương thấp, có kỷ luật cao, việc làm có phẩm chất, và không có hoạt động công đoàn.
- Quy chế về sức khỏe và an toàn lao động chỉ tối thiểu.
- Luật lệ an toàn môi sinh và cưỡng chế được thả lỏng.
- Vận dụng tối đa vai trò xúc tác của vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) (2).
- Một hình thức tổ chức kỹ nghệ có năng suất cao mệnh danh là "quần thể" (3)
- Một mạng lưới kỹ lưỡng của chính phủ để trừng phạt hành động giả mạo và đánh cắp.
- Tiền tệ được hạ giá định kỳ.
- Một số lớn ngành kỹ nghệ được chọn lựa hưởng trợ cấp lớn lao từ chính phủ (để cạnh tranh).
- "Bức Tường Vĩ Đại" được dựng lên để bảo vệ mậu dịch nhất là ngành kỹ nghệ trẻ em.
Những thí điểm đổi mới nơi ven Thái Bình Dương lan rộng dần vào các tỉnh phía nội địa. Nhờ chính sách kềm giữ đồng Yuan, khiến cân ngoại thương thặng dư lớn, Hoa Lục tích lũy một số trữ kim khổng lồ và trở thành chủ nợ hàng đầu của Hoa Kỳ sau khi vượt qua mặt Nhật Bản. Ngày nay tổng sản lượng nội địa vượt lên đứng hàng thứ nhì chỉ đứng sau nhưng còn cách xa Hoa Kỳ khá xa.

Thực hiện cuộc đổi mới để phát triển kinh tế nhắm vào cứu cánh chính trị, các quan chức CS địa phương coi nhẹ các vấn đề ô nhiễm môi trường, các biện pháp an toàn cho công nhân và sức khỏe của quần chúng. Mặc dù mới đây đã có những cải cách về môi sinh, nhưng đã có 30 thành phố và 78 quận lỵ tàn lụi vì ô nhiễm. Nếu không sửa sai kịp thời thì không biết sẽ còn bao nhiêu nơi sẽ tàn lụi theo.

Nước Tầu có 40% diện tích là sa mạc. Diện tích này tiếp tục mở rộng vì môi sinh biến đổi do hiệu ứng nhà kiếng. Những cơn bão cát làm mù mịt che khuất ngay cả những cao ốc tại thủ đô Bắc Kinh.

Ô nhiễm tác hại nhiều mặt:
- Bênh hoạn do ô nhiễm.
- Nước khả dụng trở nên khan khiếm.
- Nạn dẫn nhập nước thải vào đồng ruộng.
- Đánh bắt cá bị thu hẹp.
- Mất mùa và hạn hán.
- Vật liệu bi hư hại
Ước lượng của Ngân Hàng Thế Giới thì mức ô nhiễm nước và không khí đã làm thiệt 5.8% tổng sản lượng nội đia (GDP) của Hoa Lục (4). Đó chỉ là những thiệt hại vật chất thấy được, còn rất nhiều điểm không tính ra bằng những con số được. Những người dân chết vì ung thư năm, mười năm sau ai thấy được những chứng bệnh ấy đã có nguyên nhân từ ngày hôm nay?

Biến lao động thành lao nô để đạt mục tiêu chính trị.

Chính sách đổi mới chín điểm đã biến quần chúng lao động thành nửa-lao nô. Đại đa số quần chúng lao động trong các cơ xưởng bị bóc lột hai lần: trước mắt là lương trả rất thấp. Nhiều người làm việc từ 16 đến 20 giờ một ngày là thường để mới nuôi sống được gia đình. Hai là chính sách kềm đồng 'nhân dân tệ' khiến những mặt hàng nhập cảng trở thành xa xỉ và chỉ có giai cấp cao tư bản đỏ mới với tới. Những phòng bệnh trang bị tối tân chỉ dành cho người bệnh là cán bộ cao cấp, dân đen không bao giờ được hưởng.

Ấy thế mà nông dân vẫn lũ lượt kéo nhau ra thành thị để kiếm việc thì đủ biết người nông dân ở Hoa Lục sống khốn khổ đến chừng nào. Theo Peter Navarro, giáo sư chuyên viên kinh tế Đại Học California, thì ước lượng khoảng 20 triệu nông dân sẵn sàng rời bỏ chốn nông thôn nghèo đói để ra thành phố kiếm cơm và nuôi gia đình vào những năm tới. Công việc tại các hãng xưởng với mức lương tuy chết đói vì chính sách kềm giá đồng Yuan có lợi cho xuất cảng nhưng vẫn hơn làm việc ở đồng ruộng người đông đất ít.

Nhưng theo Gordon Chang tác giả quyển 'The Coming Collapse of China' , số dân từ nông thôn kéo nhau ra thành thị kiếm việc rồi cũng bớt dần, rồi ra sẽ không còn người thay thế lớp công nhân già nua trong các xưởng máy.

Tại nông thôn những vụ trưng thu đất đai, những chương trình ngăn nước đắp đập cung cấp điện cho các nhà máy đã lấy đi đất đai vốn đã hiếm của những người chỉ biết bám vào ruộng đồng để sống. Những bất bình của nông dân ngày càng lan rộng. Tài liệu đã được rộng rãi nghi nhận: năm 1994 có 10.000 vụ khiếu kiện; năm 2003 tăng lên 58.000 vụ và năm 2005 tăng lên 78,000 vụ (5). Những bất bình âm ỷ không được chính quyền giải quyết đã biến thành những cuộc biểu tình có hàng chục nghìn người tham dự nhiều khi trở thành bạo động, đốt xe cảnh sát, đuổi công an ra khỏi làng xã như tại Ô Khảm cuối năm 2011 (6)

Mới đây nhất khoảng 10,000 người tham dự vào một cuộc biểu tình ở Trùng Khánh đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động vào ngày 11 tháng Tư 2012.

Những cuộc nổi dậy của nông dận trong lịch sử Nước Tầu không thiếu và làm suy tàn cả một đế chế.  Gần đây nhất là cuộc nổi dậy của Hồng Tú Toàn (1851-1864) được nông dân ủng hộ và tham gia ồ ạt. Quân nổi dậy chỉ trong vòng một thời gian ngắn đã chiếm được 16 tỉnh gồm 600 thị trấn chạy dài từ Sông Dương Tử xuống đến phía Nam. Tuy Nước Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn tạo lập kéo dài không được lâu, nhưng đã là nguyên nhân chính làm cho Triều Mãn Thanh suy tàn.

Những mâu thuẫn không phải chỉ hiện hữu giữa chính quyền và nông dân ở Hoa Lục, nó còn ngấm ngầm giữa người dân tại các phiên quốc với chính quyền người Hán ở Bắc Kinh. Mục đích của những cuộc tranh đấu ở đây là khôi phục tự do và công bằng, chống kỳ thị, chống đồng hoá.

Nhu cầu phát triển khiến Bắc Kinh kềm chặt những phiên quốc để khai thác nhiên liệu và khoáng sản. Tất nhiên chính quyền người Hán không khi nào tin tưởng những dân tộc không phải người Hán. Những cuộc di dân người Hán đến các phiên quốc giải quyết được hai việc một lượt: có người đáng tin cậy để giao công việc và đồng hóa dần dân địa phương bị xâm lăng.

Chính sách đổi mới của Bắc Kinh lại là dịp để những người dân Tây Tạng nhớ đến biến cố năm xưa khi những người đi trước nổi dậy chống chính quyền CS Hán Tộc và đã bị giết khoảng 1.200.000 người và trên 6000 cơ sở tôn giáo bị chính quyền ngoại bang Hán Tộc san phẳng. Đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm xuyên suốt 20 năm (1956 - 1976) là Cuộc Tổng Nổi Dây vào ngày 10 tháng Ba năm 1959 của dân chúng Lhasa, thủ đô Tây Tạng, đòi người Tầu rút đi nhưng bị đàn áp dã man: Chỉ riêng trong cuộc đàn áp này đã có khoảng 87.000 người Tây Tạng bị giết, bị bắt, bị đầy vào các trại tập trung lao động và một số trốn chạy ra nước ngoài.(7)

Ngày nay những cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức ở hải ngoại và ở trong nước để đòi lại nền độc lập cho Tây Tạng, một nước có ngôn ngữ, văn hóa riêng, và đã có những thời kỳ độc lập tự chủ trong quá khứ.  Cho đến ngày bị xâm lăng năm 1950, Tây Tạng là một quốc gia độc lập. Những vụ tự thiêu của sư sãi, của người dân yêu nước xẩy ra càng ngày càng nhiều.

Chính sách phát triển gần như điên loạn của Đảng CS Tầu để chiếm thị trường, để mở rộng lãnh thổ, để không chế các chính quyền tay sai đã đưa nước Tầu đối đầu với các nước khác.

Tìm mọi cách, chờ mọi dịp để chiếm thị trường và mở rộng biên cương.

Nhưng cũng chính mức phát triển này khiến Hoa Lục đột ngột trở thành một nước khát nhiên liệu, và nguyên liệu một cách khủng khiếp. Theo phúc trình năm 2011 của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (The International Energy Agency) thì hiện nay mức tiêu thụ năng lượng của Hoa Lục đã vượt Hoa Kỳ để đứng đầu thế giới. Cũng nên mở ngoặc ở đây, tính theo đầu người, mức tiêu thụ năng lượng của Hoa Kỳ vẫn còn là mức lớn nhất thế giới và Hoa Lục còn đứng sau nhiều nước.)

Trước năm 1992 Hoa Lục xuất cảng dầu sang Nhật và các nước khác và từ năm 1993 trở thành nước nhập cảng dầu. Năm 2009 Hoa Lục tiêu thụ 241 triệu tấn dầu thô, năm 2009 là 388 triệu tấn. Trung bình hàng năm tăng 6.78%

Hậu quả là Hoa Lục phải làm mọi cách thỏa mãn nhu cầu năng lượng để nâng đỡ đà phát triển của mình.

Thái độ hung hăng trong đường lối của Hoa Lục  đang khiến nước này sa vào một cuộc chiến tranh với các cường quốc khác trên nhiều địa hạt. Trước hết là cuộc chiến tranh năng lượng-khoáng sản và sau đó là cuộc chiến chiếm đoạt thị trường.

Chính sách ngoại thương của Hoa Lục tóm lược vào một số điểm như sau:

- Kềm đồng Nhân Dân Tệ để hạ giá thành phẩm để cạnh tranh
- Ký kết thỏa ước gia nhập WTO để dễ xuất cảng hàng nhưng không tuân thủ các điều lệ của WTO.
- Thả lỏng không kiểm soát và chận đứng hàng nhái, hàng giả làm phương hại nghiên trọng các nên kinh tế khác. (Chỉ trừng phạt những vụ xâm phạm hàng sản xuất tại nội địa).
- Ồ ạt tuôn hàng rẻ, hàng dổm sang những nước yếu buộc những nước đó lệ thuộc kinh tế Nước Tầu.
- Đội ngũ gián điệp kinh tế được cài sang các quốc gia tiên tiến để đánh cắp kỹ thuật.
- Đội ngũ gián điệp chính trị cài sang các nước yếu kém để mua chuộc và kềm chặt phe phái cầm quyền.

Không muốn trả phí tổn nghiên cứu, Bắc Kinh tung gián điệp vào các nước tiên tiến đánh cắp kỹ thuật cao. Bắc Kinh làm ngơ trước những hoạt động bất chính như chế hàng giả mạo, nhái các thương hiệu nỏi tiếng. Chỉ trong năm 2011 nhờ một blogger báo động mà người ta mới khám phá ra 22 tiệm giả với thương hiệu Apple tại Quảng Châu và cũng bán những đồ giả với nhãn hiệu này.

Trong khi một chương trình điện toán của hãng Adobe như PhotoShop (mà TTR đang dùng để làm đẹp và minh họa các bài vở) bán với giá chính thức cả ngàn đô, thì người ta mua ở bên Hoa Lục một copy với giá năm, mười đô, có cả serial # đàng hoàng. Con số vô hình về mức độ thiệt hại về tác quyền này chắc chắn là khủng khiếp. Nhiều bài viết đã nêu câu hỏi: Giả mạo hàng hóa có phải là truyền thống của dân Tầu hay không.

Công việc chân tay đã chạy qua lục địa. Kết quả công việc trí não bị đánh cắp. Các nước tiên tiến còn gì để tự túc? Người ta không dám nghĩ đến chiến tranh nhưng nỗi khùng bị mất việc, bi ăn cắp tài sản trí thức sẽ khiến Hoa Kỳ có thể trở về chế độ bảo vệ mậu dịch

Trước đây Bắc Kinh ve vãn nhóm Junta Miến Điên, coi nhóm cầm quyền quân phiệt giết hại dân chúng này là một đồng minh "keo sơn". Chẳng qua Bắc Kinh nhắm vào tài nguyên của Miến Điện và thâm độc hơn nữa là khi chiếm giữ được Miến tất sẽ có con đường ngắn nhất thông xuống Ấn Độ Dương cửa ngỏ đi vào các giếng dầu ở Trung Đông. Năm 2010 trong tổng số 4.8 triệu thùng dầu nhập cảng  thì đã có 2.2 triệu thùng, hay 47%, nhập cảng từ Trung Đông, và cũng năm đó Hoa Lục nhập cảng 1.5 triệu thùng từ Phi Châu, mà trục lưu thông cũng đi qua Ấn Độ Dương. Nhưng hiện nay tại Miến Điện gió đã xoay chiều.

Iran hiện nay có một tập đoàn cai trị rất cố chấp và rất đơn độc. Tất nhiên hiện nay Iran coi Hoa Kỳ và Do Thái là kẻ thù, nhưng lạ thay chính các nước Hồi giáo chung quanh cũng rất e ngại Iran. Cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran thành công đã khuyến khích chính quyền nước này thực hiện ý định xuất cảng cách mạng sang các nước Ả-rập chung quanh. Cuộc đảo chính thất bại ở Bahrain năm 1981 mà nước này cho rằng do Iran chủ mưu đã khiến các nước Ả-rập khác đề phòng. Cũng năm 1981 Iran cắt đứt mọi liên hệ ngoại giao với Ma-rốc vì nước này chấp nhận quy chế ti nạn cho phe chống chính quyền Iran. Giữa Iran và Iraq cũng đã xẩy ra chiến tranh vì tranh chấp biên gìới và để ngăn ngừa Cách mạng Hồi Giáo của Iran lan tới. Đó là một vài dữ kiện cho thấy tình trang cô lập của Iran. Thế nhưng tập đoàn cầm quyền ở Bắc Kinh lại hết sức bênh đỡ Iran. Bắc Kinh đã phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm làm nản lòng Iran về ý định chế tạo vũ khí nguyên tử. Khi cần dầu lửa, Bắc Kinh sẵn sàng làm mọi điều. "Mèo trắng mèo đen mèo nào cũng tốt miễn bắt được chuột!" Đặng Tử Bình đúng là một chính khách thực tiễn đến phi nhân.

Năm 2010 trong tổng số 4.8 triệu thùng dầu nhập cảng  thì đã có 2.2 triệu thùng, hay 47%, nhập cảng từ Trung Đông. Bởi thế mà Eo biển Malacca và Biển Đông là hải lộ trở nên tối quan trọng cho nền kinh tế của Hoa Lục. Khi ý đồ của Bắc Kinh muốn chiếm đoạt các hải đảo, tuyên bố chủ quyền lấn chiếm các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, các nước có quyền lợi ở Biển Đông đã nhận ra hiểm họa lớn đến từ Hoa Lục chứ không phải từ Bắc Hàn như dư luận đã nghĩ. Hoa Kỳ đã trở lại vùng Đông Nam Á giữa niềm mong đợi của các nước trong khối ASEAN, chứ không phải với thái độ lườm nguýt như thập niên 70's.

Chúng ta không nghĩ rằng cuộc chiến kinh tế này sẽ tức khắc đưa đến chiến tranh quân sự giữa các nước đối đầu như hai cuộc thế chiến trước đây, nhưng những cuộc tranh giành quặng mỏ và nhiên liệu rồi từ đó chiếm đoạt thị trường một cách bất chính sẽ tạo ra những nguyên nhân gây xung đột với những nền kinh tế khác. Việc canh tân vũ khí và chi tiêu quốc phòng của Hoa Lục tăng vọt có nghĩa là mở màn một giai đoạn chiến tranh lạnh mới. Điều này cũng là một nguy cơ cho công cuộc phát triển dựa vào xuất cảng của nước này. Đừng quên rằng Bắc Mỹ và Âu Châu là những thị trường tiêu thụ béo bở nhất mà Hoa Lục phải nắm giữ.

Những thuận lợi bắt đầu hết.

Đến một lúc nào đó lương công nhân không thể giữ thấp mãi được. Nếu giữ mức lương chết đói sẽ có loạn. Nếu tăng lương thì giá thành phẩm sẽ cao khó cạnh tranh. Rồi những mặt hàng nhập cảng từ Hoa Lục đại đa số là hàng tiêu dùng và cũng sẽ được sản xuất tại những nước có giá lao động rẻ như Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam, Mexico... Hoa Lục khi ấy không còn độc quyền bán hàng giá rẻ nữa.

Lực lượng lao động đông đảo nhờ đó sản xuất ra hàng rẻ hôm nay sẽ già nua và trở thành gánh nặng ngày mai. Chế độ một con khiến tháp tuổi tóp lại ở phía dưới, phình ra ở trên đè nặng từ trên xuống. Chế độ kiểm soát sinh đẻ được nới lỏng, nạn nhân mãn còn làm đau đầu gấp bội.

Có một điều thực tế, những nguời vì ham rẻ mua hàng Hoa Lục sản xuất vỡ lẽ ra phẩm chất quá tệ và những lần sau trước khi mua họ cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Nhiều mặt hàng sản xuất ở Hoa Lục nếu muốn bán được phải được thiết kế từ một công ty nổi tiếng và phải dán nhãn cho khách hàng thấy rõ điều này, thí dụ một cặp loa của hãng Bose. Khi giới tiêu thụ vỡ lẽ ra hàng dổm thì giá rẻ không còn là yếu tố hấp dẫn số một.

Xâm lăng lân bang, đàn áp các phong trào nhân quyền và dân chủ, hăm dọa láng giềng, hàng hóa độc hại đang tạo ra bộ mặt ghê tởm cho Bắc Kinh. Phong trào bài hàng sản xuất ở Hoa Lục đang lan rộng khắp nơi từ Âu sang Á, từ Bắc Mỹ xuống Châu Mỹ La-tinh. Công nhân Hoa Lục làm việc tại Phi Châu bị bắt cóc, bị hành hung cũng là điều không lạ.

Bạn mua một chai nước, khui ra uống. Ngay tức khắc nhận ra cái mùi vị kỳ lạ. Nhìn lại kỹ mới thấy nhãn hiệu không phải là "脉动", mà là "脉劫", bạn có cảm giác thế nào? (8)... Cái tâm lý một người tiêu thụ hàng giả, hàng nhái bị lừa gây nên những phản cảm và tức giận rất lâu và sẽ xa lánh hàng Made in China.

"Hoa Lục không phải chỉ chế tạo mọi thứ, Hoa Lục còn làm giả mọi thứ nữa". Hoa Lục làm hàng giả gây thiệt hại lối 20 tỉ đô-la lợi nhuận mỗi năm cho các công ty ngoại quốc (8b)

Mới đây lễ kỹ niệm 10 năm Hoa Lục được thu nhận vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) diễn ra ngày 11 tháng 12 năm 2011, ghi dấu một thập niên phát triển vượt bực nhưng cũng là lúc tiên báo sự chấm dứt những thuận lợi đến với Hoa Lục. Mặc dù Hoa Lục tỏ ra không mấy thiện chí chấp hành nghiêm chỉnh nội qui của tổ chức này, nhưng các nước hội viên đã tỏ ra khoan dung. Nhưng bây giờ thì khác, khi mà Bắc Kinh đã lộ nguyên hình là tên háo thắng hôn mê trong chủ nghĩa bành trướng muốn xưng bá để chèn ép các nước nhỏ khác. Chỉ một vùng Đông Nam Á thôi đã có hàng chục quốc gia thủ thế hay thẳng thừng đối đầu.

Khi Liên Xô sụp đổ, cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, cũng là một thuận lợi lớn cho Hoa Lục. Mối quan hệ ngoại giao bớt căng khiến thị trường rộng mở đón hàng hóa Made in China. Nhưng bây giờ Hoa Lục thử hỏa tiễn bắn vỡ vệ tinh nhân tạo bất chấp thế giới lo ngại không gian trở nên đầy vụn vữa, rồi Hoa Lục đóng hàng không mẫu hạm, đem tầu chiến hăm dọa ở Trường Sa lối ngõ qua lại ở Eo Biển Malacca. Thế là chính Hoa Lục đang gây lại một cuộc chiến tranh lạnh khác và tự mình thu hẹp thị trường thế giới là những nơi đã nuôi sống mình.

Thay lời kết

Bên ngoài thì gây hấn, bên trong chuốc lấy hận thù. Lịch sử hơn 60 năm Đảng CS Trung Hoa cai trị Nước Tầu đã phủ đầy những cuộc thanh trừng, sát hại đẫm máu và ghê tởm. Trớ trêu thay tất cả những chém giết xẩy ra đều nhân danh ổn định và khai quang cho chủ nghĩa xã hội tiến lên.

Phong trào đấu tố để quét sạch những thế lực còn sót lại từ thời phong kiến để Đảng độc tôn ngự trị ngay sau khi Cộng quân chiếm được Hoa Lục, đã mở đầu và khích lệ cho những cuộc tàn sát có tính toán sau này.

Cuộc "Cách Mạng Văn Hoá" 1966-1976 do Mao phát động có mục đích xây đựng chủ nghĩa cộng sản trên toàn lãnh thỏ nhưng thực chất là để khu trừ  phe phái và cá nhân đã phê phán những sai lầm và thất bại của Mao trong chính sách "Bước Nhẩy Vọt" trước đó. Trong cuộc thanh trừng này hàng triệu người bị hành quyết và hàng triệu người khác bị cầm tù, bi tịch thu tài sản mà đa phần là những oan khiên. Chẳng bao lâu sau đó chính Lâm Bưu, người  đã từng sát cánh với Mao tiêu diệt các đồng chí của mình cũng bị giết chết. Máy bay chở Lâm Bưu chạy trốn bị bắn hạ trên bầu trời Mông Cổ sau một mưu toan đảo chính hất cẳng Mao năm 1971 bất thành.

Không nơi nào câu châm ngôn 'Được làm vua thua làm giặc" đúng hơn ở nước Tầu. Sau khi Lâm Bưu chết ông ta bị Đảng CS Tầu kết tội là kẻ phản nghịch. Giả sử cuộc đảo chính hạ bệ Mao thành công, hẳn họ Lâm đã được xưng tụng là lãnh tụ sáng suốt và Mao Trạch Đông đã trở thành một tên tội đồ đã giết hại dân lành và các đồng chí của mình.

Bất cứ một phong trào nào, một hành động nào, một suy nghĩ nào, một cải cách nào có thể nguy đến sự trường tồn của đảng, đến quyền lực của đảng, đến hệ thống kinh tài của đảng là phải tan loãng không còn đến cả các dấu tích. Vụ tàn sát hàng nghìn sinh viên học sinh tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 chưa hết mùi tanh tưởi thì Cộng Đảng lại lôi phái Pháp Luân Công ra hành hạ, chém giết.(9).

Nhìn qua lịch sử Nước Tàu, các sử gia thấy rằng chém giết để tiêu diệt đối kháng là phương tiện gần như duy nhất để duy trì ổn định chứ không phải dựa trên thương lượng và thỏa thuận. Cái chu kỳ thường thấy là: hưng thịnh, suy tàn, loạn lạc, chiến tranh. Từ thời Xuân Thu đến thời chủ nghĩa cộng sản thống trị, không bao giờ có sự chuyển nhượng quyền lực êm thắm.

Chính Thủ Tướng Ôn Gia Bảo của Hoa Lục mới đây cũng đã nêu ra vấn đề cải cách chính trị sâu rộng tại Hoa Lục nếu không muốn có một cuộc cách mạng văn hóa mới kiểu thời Mao Trạch Đông nổ ra: "Nếu không cải cách thành công được cơ chế chính trị, thì chúng ta không thể nào cải tổ được cơ cấu kinh tế một cách toàn diện", Ông ta nói thêm: "Những bài toán mới xuất hiện trong xã  hội Trung Hoa không được giải quyết tận gốc rễ thì những thảm trạng như Cuộc Cách Mạng Văn Hóa có thể sẽ lại xuất hiện."

Giải quyết tận gốc rễ là gì? Làm sao để giảỉ quyết tận gốc rễ nếu như Đảng CS độc tôn vẫn còn đó, bám chân rết vào mọi ngõ ngách trong guồng máy hành chính, kinh tế, quân sự, và công an?

Ở một nơi khác Ôn Gia Bảo còn nói: "Nếu tệ nạn tham nhũng không được giải quyết, thì bản chất quyền lực chính tri có thể thay đổi, và Đảng (CS) có thể mất quyền lực cai trị đất nước" (10).

Chúng ta hiểu "bản chất quyền lực" ở đây chính là nguồn gốc chính đáng của quyền lực mà Đảng CS đang nắm giữ... có thể không còn nữa. 

Những cuộc thanh trừng trong nội bộ Đảng CS đang diễn ra mở đầu ở Trùng Khánh,  Bo Xilai bị cách chức khỏi chính quyền trung ương của Đảng Cộng Sản Tầu, đã bắt đầu lan sang các cơ quan quan trọng khác của Đảng (11).

Năm 2001, ngay khi Hoa Lục vừa được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO), Gs Gordon Chang cho ra mắt cuốn sách "Sự Sụp Đổ Đang Tới của Nước Tầu" The coming collapse of China (12). Trong lần tái bản mới đây tác giả vẫn khẳng định về một Nước Tầu sắp tan rã. Ông đã đưa ra những yếu tố khách quan để hỗ trợ cho lập luận của mình.

Sau khi xem xét lại một lần nữa những gì đã và đang xẩy ra tại Hoa Lục và thái độ các nước khác đối với nước này, chúng ta sẽ đồng ý với tác giả cuốn Sự Sụp Đổ Đang Tới của Nước Tầu, không phải chỉ trên bình diện kinh tế tài chánh như ông đề cập, mà cả trong lãnh vực chính trị nữa.

Điền Thảo
(tháng Tư 2012)
______________________

Cước chú:

(1) Wikipedia, "Chinese economic reform"

(2) Foreign Direct Investement.

(3) Quần thể: (Network clustering): Những cơ xưởng có liên hệ được bố trí nằm gần nhau chẳng hạn, để đỡ tốn phí chuyên chở.

(4) The World Bank, Cost of Pollution in China- Economic Estimate.

(5) Rashmi Jethani, Crouching Dragon: Chinese Peasants

(6) Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 21-23 tháng 9 năm 2011 sau khi các quan chức bán đất nông nghiệp cho các nhà phát triển bất động sản mà không tính đến việc đền bù cho dân làng. Vài trăm đến vài ngàn người phản đối và sau đó tấn công một tòa nhà của Đảng Cộng sản Tầuc, một trạm công an và một khu công nghiệp. Người biểu tình đã trưng các biểu ngữ ghi rằng "Trả lại đất cho chúng tôi!" và "Hãy để chúng tôi tiếp tục canh tác!". Tin đồn rằng công an địa phương đã giết chết một đứa trẻ khiến cho những người biểu tình bức xúc và kích động bạo loạn khi bị đàn áp. Trước đó, trong năm 2009 và 2010, cư dân Ô Khảm đã kiến ​​nghị chính phủ trung ương giải quyết các tranh chấp đất đai, nhưng không được quan tâm.

(7)  http://www.globalsecurity.org/military/world/war/tibet.htm.

(8) Did counterfeit goods offend you today? After you took a drink of the beverage you bought and immediately sensed the difference, you looked closely at the bottle and found that the brand was not "脉动", but rather "脉劫"; when you took a taste of the instant noodles with the "康师傅" brand name, you tasted adifferent flavor, and then you discovered that it was the "康帅博" instant noodle brand. Did you feel extremely angry, or just a sense of resignation?

(8b)  - Mark Litke, China Big in Counterfeit Goods, B E I J I N G, China.

China seems not only to make everything, it fakes just about everything as well. When inspecting a pair of ski gloves with a North Face label emblazoned prominently, Scholz determined, "The tag is real, the product is not." Not only would these gloves not keep you dry, "If you buy this, you get soaked."

Chinese counterfeiting now costs foreign firms an estimated $20 billion a year in lost profits. "In the case of one consumer goods manufacturer, as much as 70 percent of the goods on the market are counterfeits," said Scholz.

(9) Phát triển nhanh chóng, năm 1999 số học viên Pháp Luân Công đã lên đến trên 70 triệu học viên theo ước tính của chính phủ Hoa Lục. Cùng với sự lớn mạnh của công phái là sự lo ngại và ghen tỵ cá nhân từ Giang Trạch Dân - chủ tịch và tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó, đơn giản vì số học viên Pháp Luân Công đã vô tình vượt qua số Đảng viên Đảng Cộng Sản lúc đó là 60 triệu người. Một chiến dịch đàn áp phi nhân đã được phát động từ 10 tháng 6 năm 1999 bởi Giang Trạch Dân mặc dù các cuộc điều tra không tìm thấy một chứng cớ nào chứng tỏ "Pháp Luân Công tham gia chính trị và/hay gây ảnh hưởng xấu". Chiến dịch dựa trên sự "bôi nhọ danh dự, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thể xác" đã gây tan vỡ hàng nghìn gia đình tại Hoa Lục.

(10) According to the state-run People’s Daily, the premier said the greatest danger facing the CCP is corruption. “If this issue is not resolved, the nature of political power could change, and the Party could lose its power to rule the country.” Premier Wen Jiabao.

(11) Political Crisis Deepens as Dozens Targeted.
Despite efforts by the Communist Party to present a facade of unity and stability in the midst of a political scandal, reports show that the crisis may be both deepening and widening with a possible investigation of the nation’s top security chief and arrests of dozens of allies of Bo Xilai, the recently-deposed Chongqing Party chief. The Washington Post reports that Zhou Yongkang, a Standing Committee member who oversees security and is viewed as an ally of Bo’s, may be facing an investigation. (China Digital Times)

(12) Gordon Chang, Coming Collapse of China.

Tác giả đưa người đọc đi quan sát một cách sống động sau bức màn của cái cảnh gọi là phép lạ kinh tế, ở đó vỡ lẽ ra các định chế không ổn cố, liên hệ thì móc ngoặc, và thành công chỉ là tạm bợ.  Xã hội căm tức, bất ổn, còn đảng cầm quyền thì phân hóa.

Tác giả đã từng sống và làm việc nhiều năm ở Nước Tầu. Ông không ngần ngại đưa ra những những kết luận thẳng thừng. Khi ông cảnh báo rằng hai thế kỷ bất ổn của Nước Tầu vẫn còn đó thì chúng ta tốt hơn cần xem xét lời cảnh báo này. (Trích dịch lời giới thiệu của Andrew J. Nathan, Professor of Political Science, Columbia University)

No comments:

Post a Comment