17 April 2012

Quanh chuyện giới thiệu một bản nhạc

Giữa ánh nắng ban mai,
con chim không được cất tiếng hót !

"Hỡi những con người của thời đại, hãy lớn lên qua khỏi cái ấu trĩ của chính mình"
J.J.Rousseau

Nhân cái chết của nhà văn Hòang Yến ngày 23/2/12. Từ Sài Gòn, Nhật Tuấn ,trong một bài viết gửi cho Đài BBC và được phổ biến sáng thứ tư 29/2/2012 trên trang Web của BBC với tựa đề" con chim chỉ được hót trong đêm" trong đó Nguyễn Tuấn đã mô tả những trù dập tàn bạo và nhỏ mọn của Đảng Cộng Sản VN trong chính sách kiểm soát văn hóa và tư tưởng các văn nghệ sĩ thể hiện qua trường hợp cụ thể là nhà văn Hòang Yến. Nhật Tuấn viết :
" ..còn nhớ những năm đầu Đảng và Chính phủ về tiếp quản Hà Nội, các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình, các giáo sư xúm vào khen thơ Tố Hữu, xài ngôn ngữ như xài bạc giả. Vậy mà nhà văn Hoàng Yến cả gan viết bài chê thơ Tố Hữu 'bé' 'vì chất sống chưa thật sâu sắc nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo và công thức '...và đợi đến khi Hoàng Yến cho xuất bản tập thơ Tình Người Soi Dặm Đường, Hoàng Yến phải đi tù cài tạo tại Văn Phong Phú Thọ 3 năm và sự nghiệp viết văn của ông tiêu tan từ đây cho đến ngày ông mất. Nguyễn Tuấn kết luận "suốt 15 năm cầm bút, Hoàng Yến như con chim đựơc hót trong bóng tối"....
Đây là nói về sự thù hằn nghiệt ngã và hẹp hòi của Cộng sản, nhưng dù sao con chim Hoàng Yến, nói theo Nhất Tuấn, còn được hót trong bóng tối vì bài phê bình thơ Tố Hữu của ông còn được đăng báo, không bị kiểm duyệt hay lấy xuống và tập thơ Tình Người Soi Dặm còn được NXB Hội Nhà Văn Mới cho xuất bản.

Oái oăm thay, đó cũng là trường hợp của tôi, khi giữa bầu trời trong xanh của dân chủ, giữa ánh nắng ban mai của tự do, tôi như con chim lại không dược cất tiếng hót.

Chuyện thế này:

Nhân mùa Phục Sinh 2012, một lễ lớn của Kitô giáo, qua Tiếng Thông Reo ngày 3/4/12 , như tiêu chí ghi trên đó, là sân chơi của CSV/QGHC và thân hữu lui tới để trao đổi kiến thức, văn học nghệ thuật, chia sẻ những kinh nghiệm của cuộc sống ..., tôi có viết lời bình và mời gọi bằng hữu xa gần gồm đủ mọi tôn giáo suy niệm và thưởng thức nhạc phẩm Cát Bụi của TCS, một chủ đề mang tính tâm linh, vượt thời gian và không gian, vượt biên giới của mọi thù nghịch, và còn vượt ra khỏi khuôn khổ mọi cuộc tranh cãi chính trị: đó là trăn trở về thân phận, về sự hiện hữu ngắn ngủi và tạm bợ kiếp con người, nhưng xoáy vào những khắc khoải ngàn đời con người chưa có câu trà lời:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?
Hạt bụi nào hóa kiếp thân bạn?
Hạt bụi nào hóa kiếp thân chúng ta?
Bài viết sau đó dẫn người đọc đến điểm chung nhất của hai tôn giáo lớn Kitô giáo và Phật giáo: Cuộc đời dù đẹp biết bao, sự sống dù có cao qúy dường nào, nhưng nó chỉ là một đóa hoa vô thường của một vòng quay, một trăm năm của sự tạm bợ để mời gọi tôi, mời gọi bạn, mời gọi chúng ta hãy nhìn nhận và đối diện với nó một cách can đảm để đưa cuộc sống hữu ích cho mọi người, không làm những điều ác, vì số phận đời đời của một con người được quyết định trong cõi tạm này hay nói theo đức tin Kitô giáo: Vĩnh cửu được gieo mầm trong hiện tại ngắn ngủi ta đang sống.

Như vậy, ở góc độ này, lời và âm nhạc trong Cát Bụi của TCS thực sự trở nên bản kinh cầu lay động ý thức về thân phận con người cho những ai còn mê muội muốn đi tim một chỗ an tòan nơi cõi tạm này.

Phục Sinh (Easter) là mùa của sám hối, mùa của đổi mới, mùa mà thông điệp Phục Sinh đòi hỏi mỗi tín hữu phải lột xác chính mình, cả tâm hồn lẫn thể xác mà từ đó tôi muốn giới thiệu đến bằng hữu ý nghĩa Phục Sinh nhân dịp bước vào ngày lễ này.

Nhưng ý hưóng ấy đã bị xóa xổ, nó như em bé sinh thiếu tháng và chỉ sống vội vàng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ trên Tiếng Thông Reo. Lý do ư? NTVĩnh trong điện thư gửi tôi ngày 4/4/12 chỉ ngắn gọn " tớ đưa bản nhạc TCSơn và bài giới thiệu của cậu lên TTR. Nhưng bị dị nghị quá, đành phải lấy xuống".

Vĩnh là bạn thân, vừa học cùng khóa, vừa thuộc nhóm Bắc ky di cư của tôi. Tôi biết, anh dùng từ "dị nghị" cho nhẹ nhưng tôi nghĩ, anh bị nhiều áp lực, còn áp lực đến từ đâu, vì sao lại áp lực thì tôi chịu thua.

Với tôi hay với bất cứ những ai có nhận thức đứng đắn đều hiểu rằng, một tác phẩm văn học, một tác phẩm điêu khắc, một tác phẩm kiến trúc hay âm nhạc hay, xuất sắc, khi đã được quần chúng chấp nhận, đều là tài sản chung, bất kể tác giả thuộc khuynh hướng chính trị nào.

Một số đồng môn CSV/QGHC đã ép NTVĩnh lấy bài tôi viết xuống khỏi TTR liệu có quá khắc khe với tôi không?. Họ nhân danh ai và lý tưởng nào?  Liệu họ có dám từ chối hát quốc ca VNCH viện lý do tác giả là nhạc sĩ Lưu hữu Phước, từng là Bộ trưởng Văn Hóa trong chính phủ CSVN hay không?

Ở phần trên, tôi xin phép mượn câu nói nổi tiếng của J.J Rousseau để chứng minh một lần nữa sự ấu trĩ và hẹp hòi trong mối suy nghĩ sẽ giết chết lòng bao dung và tinh thần dân chủ tự do quyền sống của con người mà nhân dân VN đang đấu tranh để những quyền này nảy mầm trên quê hương VN. Chính sự ấu trĩ theo cách gọi của J.J Rousseau đã xé nát sự đoàn kết trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, không phải chỉ trên đất Mỹ này mà còn trên tất cả mọi nơi có sự hiện diện của người Việt tỵ nạn vì những chiếc mũ rộng vành lớn nhỏ sẵn sàng chụp lên đầu nhau.

Viết đến đây, tôi nhớ lại lời cảnh báo của bà C. Rice, nguyên Bộ Trưởng Ngọai Giao dưới thời TT Bush Con, trong lễ nhậm chức đã nhấn mạnh "Có một bài học vô cùng quan trọng, đó là chỉ cần một khác biệt nhỏ cũng đủ để người ta tiêu diệt lẫn nhau". Nhận xét này quá đúng vì có khi tiêu diệt nhau bằng ngôn ngữ, bằng những suy nghĩ lệch lạc, khắt khe, nghiệt ngã còn đau đớn hơn giết nhau bằng gươm đao. Có thể đơn cử trường hợp các cuộc biểu tình nổ ra chống ca sĩ Thanh Lan khi cô xin tỵ xin nạn tại Hoa Kỳ mười mấy năm về trước hay tâm tình của một sinh viên VN du học tại Hoa Kỳ đã được tờ Viet Mercury Bắc Cali trích đăng: Em thuộc thế hệ sinh ra sau năm 75, có nhân thân không dính dáng gì tới CS, nhưng trước sự kỳ thị và trù dập của một số đồng hương, khi ra đường em không dám xưng mình là người Việt để được yên thân. Thế đấy!

Về phần tôi, tôi chỉ là hạt bụi trong sân chơi TTR. Khi viết bài này, tôi muốn có sự công bằng nơi TTR, tôi cũng muốn có sự công bằng cho tất cả các đồng môn và thân hữu muốn mình có mặt trong sân chơi TTR không mang tâm trạng của em sinh viên du học vừa nói ở trên. Chúng ta không chỉ đón nhận những mặt được tô hồng làm thỏa mãn cái tôi của mình. Trong nhiều trường hợp, chúng ta phải đón nhận những phản biện trái chiều để tự do dân chủ, để sự thật và chân lý được sáng tỏ trong đó những con chim không bị thương tích đến độ chúng sợ hãi ngay cả khi cành cây cong xuống, trái lại, chúng được bay bổng trên vòm trời tự do, được cất tiếng hót thỏa thích dưới ánh nắng ban mai, làm phong phú cuộc sống chúng ta đang sống vậy./.

San Jose ngày 12/4/2012
TeHong ĐS14
_______

Đôi dòng tâm sự của "người giữ chùa":

Tôi đồng ý với bạn TeHong: Tác phẩm nghệ thuật khi đã được quần chúng chấp nhận nó là tài sản chung. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên đồng hóa tác phẩm với bản thân người nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể trở nên sa đọa, tha hóa, nhưng tác phẩm của họ thì không. Sau khi ra đời, một nghệ phẩm có giá trị sẽ giữ nguyên giá trị ấy mãi mãi.

Giới thiệu lên Diễn Đàn này một tác phẩm đẹp là chuyện bình thường và đáng cổ võ. Nhưng giới thiệu tác phẩm vào một thời điểm dễ gây hiểu lầm thì không nên. Trong trường hợp này TTR đã đăng tải bài giới thiệu Cát Bụi của Trịnh Công Sơn do bạn TeHong viết ngay vào dịp trong nước và cả một vài nơi ở hải ngoại đang rầm rộ kỷ niệm ngày mất của Trịnh Công Sơn là chuyện dễ gây dị ứng ngoài ý muốn của TTR hay của người giới thiệu.

Chuyện dị ứng có thể rất dễ bột phát bởi vì khi giới thiệu một tác phẩm không thể không nói đến tác giả. Mà nếu đối tượng được giới thiệu bị dị ứng thì mục đích của lời giới thiệu không còn đạt được. Nhưng tại sao lại biết chuyện sẽ gây dị ứng? Nhiều khi phải đăng tải đã, mới biết được. (NTV)

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...